Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

'Tứ giác kim cương' củng cố liên thủ đối phó Trung Quốc

Việc Ấn Độ và Úc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự được xem là bước tiến mới trong sự phối hợp của tứ giác an ninh, gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc, để đối phó với Trung Quốc.


Các tàu chiến Ấn Độ và Úc trong cuộc tập trận AUSINDEX năm 2019

Tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến. Qua đó, hai bên thông qua nhiều hiệp định quân sự quan trọng như Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST)… Cả hai đều khẳng định việc tăng cường thỏa thuận là nhằm hướng đến cùng cam kết hợp tác vì an ninh, ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Thời gian qua, các nước trong tứ giác an ninh chia sẻ chung tầm nhìn về Indo-Pacific với nội dung cốt lõi là nhằm đảm bảo an ninh chung trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây quan ngại trong khu vực.

Bổ sung thỏa thuận quân sự

Trả lời Thanh Niên ngày 7.6, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: Việc Ấn Độ và Úc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và thông qua Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA) có ý nghĩa quan trọng. Bởi thỏa thuận này là bằng chứng cho thấy bước tiến triển của tứ giác an ninh (hay còn gọi là “tứ giác kim cương”).

Gần đây, việc hợp tác của tứ giác an ninh được cho là tiến triển nhưng làm sao để đo lường sự tiến triển đó thì vẫn đang gây tranh cãi, nhất là khi đến giờ vẫn chưa có một thỏa thuận liên minh nào được ký kết. Mà khi không có hiệp ước liên minh nào thì làm thế nào đo lường tiến trình hợp tác?

Để đo lường tiến trình hợp tác trong trường hợp này thì có thể xét đến các thỏa thuận để tạo điều kiện sẵn sàng chiến đấu cùng nhau. Các thỏa thuận như thế hướng đến việc chia sẻ thông tin, cho phép truy cập nguồn dữ liệu của nhau, chia sẻ việc cung cấp nguồn lực.

Trong đó, để chia sẻ thông tin, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Ấn Độ, Mỹ - Úc, Nhật Bản - Ấn Độ. Nhật Bản và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.

Để cùng chia sẻ nguồn lực hậu cần và truy cập vào cơ sở dữ liệu của nhau, Hiệp định Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) cũng đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ - Nhật, Mỹ - Úc, Nhật - Úc. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Ấn Độ chưa phải là đồng minh và hai nước cũng chưa ký kết ACSA. Ấn Độ cũng chưa ký kết ACSA với Nhật Bản. Giờ đây, Ấn Độ vừa ký kết LEMOA với Úc. Mục đích là giống nhau nên LEMOA có thể xem là một ACSA phiên bản Ấn Độ để New Delhi ký kết với các bên khác như Tokyo hay Washington.


Sơ lược về các thỏa thuận hợp tác tình báo và hậu cần của “tứ giác kim cương”

Khi đó, Mỹ - Nhật - Úc - Ấn sẽ có đủ hệ thống thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, hậu cần như một mạng lưới đồng minh ở Indo-Pacific nhằm đối phó những mối nguy từ Trung Quốc như định hướng của “tứ giác kim cương”.

Thường xuyên tập trận chung

Thực tế thời gian qua, các nước trong “tứ giác kim cương” liên tục có những hoạt động chung ở Indo-Pacific nói chung, Biển Đông nói riêng.

Cuối tháng 5, Mỹ điều động 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer tham gia tập trận cùng 16 máy bay tiêm kích, bao gồm 2 loại F-15 và F-2 của Nhật Bản, ở khu vực vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa. Tháng 6.2019, tàu chiến JS Izumo của Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan ở khu vực Biển Đông.

Cũng trên Biển Đông, tháng 4.2020, tàu hộ tống HMAS Parramatta thuộc Úc đã tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry của Mỹ. Tháng 9.2019, tàu chiến của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tổ chức tập trận chung thường niên Malabar tại vùng biển ngoài khơi thành phố Sasebo (Nhật Bản).

Về tập trận song phương trong nhóm “tứ giác kim cương”, năm 2019, Úc đã điều động hạm đội tàu chiến lớn nhất nước này kể từ sau Thế chiến 2 tham gia cuộc tập trận chung với Ấn Độ mang tên AUSINDEX.

Không chỉ vậy, một số thành viên trong nhóm “tứ giác kim cương” còn cùng nhau tổ chức tập trận đa phương với các nước khác trong khu vực. Tháng 5.2019, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu chiến nước này cùng chiến hạm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc có cuộc tập trận chung đầu tiên ở gần đảo Guam. Cũng trong tháng 5.2019, hải quân 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines điều 6 chiến hạm tập trận chung trên Biển Đông.

Các cuộc tập trận chung có sự tham gia của các nước thuộc “bộ tứ kim cương” trên Biển Đông luôn được giới chuyên gia đánh giá như động thái thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại đây.

Ấn - Trung nhất trí giải quyết tranh chấp biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đang hành động nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng và ẩu đả kéo dài cả tháng qua dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC), cụ thể là tại 4 điểm ở phía đông Ladakh, theo báo Hindustan Times hôm qua 7.6 dẫn nguồn thạo tin.

Trước đó, trung tướng Harinder Singh, tư lệnh quân đoàn 14 đóng tại Leh thuộc khu vực Ladakh, dẫn đầu phái đoàn Ấn Độ hội đàm với đoàn của thiếu tướng Liễu Lâm, chỉ huy quân khu Nam Tân Cương, tại Moldo-Chushul ở bên phần Trung Quốc ngày 6.6. Cuộc đối thoại kéo dài 7 giờ đánh dấu lần đầu tiên diễn ra đối thoại ở cấp tướng kể từ khi vụ chạm trán giữa binh sĩ tuần tra hai nước xảy ra gần hồ Pangong trên Himalaya ngày 5.5.

Hai bên đồng ý giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên các thỏa thuận song phương đã ký kết, đồng thời nhất trí rằng quân đội Ấn - Trung không thể để tình hình leo thang dọc theo LAC như vừa qua. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm qua cũng ra thông cáo với cùng nội dung.

H.G/ Báo Thanh Niên
0

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Giải mã chiến lược cơ hội của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19

Hành động nguy hiểm và dễ được thực hiện nhất của Trung Quốc sẽ là liên kết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với viện trợ y tế và kinh tế cho các nước đang phải đối phó với dịch COVID-19.


Bài viết của tác giả Abraham Denmark, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson. Charles Edel, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Sydney. Siddharth Mohandas, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới. Bài viết được đăng trên tạp chí War on the Rocks

Mặc dù luận điệu gay gắt và những lời buộc tội lẫn nhau của Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện đang tràn ngập các tít báo, nhưng những gì đang diễn ra trên khắp khu vực ngoại vi phía Đông và phía Nam Trung Quốc trong vài tuần qua cũng không kém phần quan trọng. Vào thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ca ngợi sự hào phóng trong cách tiếp cận của nước này đối với COVID-19, số lượng sự cố giữa Trung Quốc và các nước láng giềng lại đang có sự gia tăng đáng chú ý. Bắc Kinh đã sử dụng các lực lượng hải quân và bán quân sự cũng như các chiến dịch thông tin ngày càng tinh vi nhằm gia tăng căng thẳng, thăm dò phản ứng và đánh giá xem họ có thể “được nước lấn tới” đến mức nào.

Điều này làm dấy lên câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc. Phải chăng Bắc Kinh đã thực sự đi theo cách tiếp cận hợp tác mới với các nước láng giềng? Họ có đang tìm cách lợi dụng sự hỗn loạn thời COVID-19 để khẳng định các lợi ích của mình một cách mạnh mẽ hơn hay không? Hay đây đơn giản chỉ là một sự mở rộng – dù mang tính cơ hội – của chiến lược vốn có từ trước đại dịch của Trung Quốc?

Đại dịch COVID-19 đã không làm suy giảm các hoạt động địa chính trị – trên thực tế, dịch bệnh dường như còn làm gia tăng những căng thẳng vốn có. Việc hiểu rõ liệu Trung Quốc có thay đổi chính sách đối ngoại hay không, và nếu có thì như thế nào, đóng vai trò trọng yếu trong việc đánh giá những diễn biến trong khu vực ngoại vi của Trung Quốc và những dự định tiếp theo của Bắc Kinh. Mỹ và các đồng minh cần trả lời những câu hỏi này nhằm chuẩn bị một phản ứng phù hợp. Điều này đến lượt nó lại đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ những hành động của Bắc Kinh trước cuộc khủng hoảng và suy nghĩ kỹ về những điều thực sự có thể báo hiệu sự thay đổi đáng kể hướng tới một chính sách đối ngoại mang tính đối đầu hơn.

Những động thái mới nhất của Trung Quốc

Các tàu và máy bay của Trung Quốc đã có mặt trong một loạt sự cố gần đây trên khắp vùng biển lân cận nước này. Mặc dù không có thương vong, nhưng những sự cố này chắc chắn đã đe dọa tới tính mạng con người. Xét tới việc những sự cố này có liên quan tới hai đối thủ chính của Trung Quốc trong khu vực là Nhật Bản và Việt Nam, cùng với đó là Đài Loan, cần xem xét tới khả năng Bắc Kinh coi đại dịch COVID-19 là cơ hội để thúc đẩy lợi thế trong giai đoạn các hoạt động địa chính trị bị xao nhãng.

Vào giữa tháng 3/2020, một phi đội máy bay của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan – đường phân giới không chính thức giữa Đài Loan và Trung Quốc – trong một cuộc tập trận, nhằm mục đích đe dọa Đài Loan thông qua việc phô diễn năng lực của Trung Quốc trong việc tiến hành các hoạt động ban đêm, đồng thời thăm dò khả năng phản ứng của Đài Loan. Mặc dù các tàu và máy bay của PLA vẫn hoạt động trong khu vực sát Đài Loan trong nhiều năm, nhưng tần suất và sự quyết đoán của các hoạt động này đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây: Sự cố mới nhất này là lần thứ tư trong vòng 2 tháng, máy bay của PLA buộc Không quân Đài Loan phải cất cánh khẩn cấp và tiến hành ngăn chặn. Xét tới việc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sắp nhậm chức nhiệm kỳ hai, cùng với đó là việc sự ủng hộ đối với nguyên tắc “Một nước, hai chế độ” của Bắc Kinh đang suy giảm ở Đài Loan, những hành động này thậm chí có khả năng sẽ trở nên phổ biến và quyết liệt hơn.

Cuối tháng 3/2020, một tàu cá Trung Quốc đã va chạm với tàu khu trục của Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Vụ va chạm đã khiến tàu khu trục bị thủng, nhưng tàu này đã có thể tự di chuyển và thủy thủ đoàn cũng không bị thương vong. Bắc Kinh tuyên bố rằng một ngư dân Trung Quốc đã bị thương và đổ lỗi cho tàu Nhật Bản trong sự cố này, kêu gọi Nhật Bản hợp tác ngăn chặn những sự cố trong tương lai. Không ai rõ liệu tàu Trung Quốc có thuộc lực lượng dân quân biển của nước này hay không. Đây là một lực lượng được Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả là “lực lượng dự bị dân thường có vũ trang sẵn sàng được huy động” và “đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động ép buộc nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu”.

Gần đây, tại Biển Đông cũng xảy ra một vài sự cố có liên quan tới các tàu Trung Quốc. Vào đầu tháng 3/2020, một tàu cá Việt Nam neo đậu gần một đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa – vốn được cả Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền – đã bị một tàu Trung Quốc truy đuổi và phun vòi rồng, khiến tàu cá bị chìm do va phải đá. Thủy thủ đoàn đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu. Hà Nội tuyên bố rằng tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm phải. Đầu tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với vụ việc và kêu gọi Trung Quốc “duy trì tập trung ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm chiến đấu chống đại dịch toàn cầu và ngừng lợi dụng sự mất tập trung hoặc sự dễ tổn thương của các nước khác để mở rộng các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng kể từ khi đại dịch bùng phát, “Bắc Kinh cũng đã công bố việc thành lập các ‘trạm nghiên cứu’ mới tại các căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập và đá Subi, và đã cho máy bay quân sự đặc biệt hạ cánh trên đá Chữ Thập”. Gần đây nhất, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) – một trong số những tàu đã quấy rối một tàu thương mại của Philippines vào tháng 9/2019 – được nhìn thấy đã tuần tra gần bãi cạn Scarborough, đại diện cho nhiều tàu khác của CCG đã và đang tuần tra ở hầu hết các khu vực bị tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.

Những sự cố này phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Đó có phải là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bị phân tâm do COVID-19 và cuộc suy thoái kinh tế lịch sử phát sinh từ đó, và các chỉ huy hiếu chiến ở địa phương đang tự mình thách thức các giới hạn hay không? Hay đây chỉ là kết quả của việc Trung Quốc đưa vào sử dụng nhiều tàu và máy bay hơn, dẫn tới sự gia tăng có thể đoán trước về số lượng các sự cố và hoạt động? Mặc dù những lời giải thích này đều hợp lý, nhưng trên thực tế, yếu tố thúc đẩy các hành động của Trung Quốc nhiều khả năng là tính liên tục.

Những sự cố này không phải là chưa từng xảy ra, và khả năng là chúng không cho thấy một chiến lược mới của Trung Quốc sau đại dịch. Trái lại, những sự cố này nhất quán với cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ngay từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cách tiếp cận này đã thể hiện sự linh hoạt, tính quyết đoán và một mong muốn duy nhất là lợi dụng sự suy yếu và phân tâm của các nước bên ngoài để thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc.

Hơn một thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn nhận môi trường an ninh bên ngoài của họ nhìn chung là thuận lợi, mở ra “cơ hội chiến lược hiếm có” mà nhờ đó Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu cốt yếu là phục hưng dân tộc thông qua sự phát triển kinh tế và xã hội, hiện đại hóa quân sự và mở rộng sức ảnh hưởng trong khu vực và trên toàn cầu. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Bắc Kinh đã nhận thấy cơ hội mở rộng sức mạnh địa chính trị của mình so với Mỹ, tuy nhiên lại không tìm cách gây xung đột rõ ràng với Mỹ hay các đồng minh của nước này.

Kết quả là Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc sử dụng các chiến thuật “vùng xám”, tìm cách từng bước thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc thông qua sự mơ hồ và các chiến thuật được thiết kế sao cho không kích động các biện pháp trả đũa quân sự. Những hoạt động này cũng là hành vi thăm dò, nhằm tìm hiểu xem Trung Quốc có thể đi bao xa mà không phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng cách tiếp cận này nhằm gia tăng sức ép đối với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông, đối đầu với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Trong suốt thời gian này, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với hoạt động địa chính trị khu vực đã thích ứng với các điều kiện cụ thể, linh hoạt trước các xu hướng chiến lược rộng lớn hơn và tận dụng cơ hội khi nhận thấy điểm yếu hay sự xao nhãng của các đối thủ. Những hành động của Trung Quốc không phải là canh bạc liều lĩnh như người ta tưởng ban đầu. Trái lại, đó là những sự thăm dò đã được dự tính trước nhằm tìm cách xác định điểm yếu và cơ hội. Trung Quốc điều chỉnh sức ép một cách thận trọng sao cho phù hợp với một tình huống nhất định nhưng không nhất thiết đi quá xa.

Cách tiếp cận này phản ánh một câu châm ngôn: “Hãy lấy lưỡi lê mà thăm dò: Nếu gặp thép, hãy dừng lại. Nếu gặp bùn nhão, hãy nhấn sâu hơn”. Trong nhiều trường hợp, Bắc Kinh đã tiếp tục nhấn sâu hơn khi nhận thấy rằng những hành động của họ không có khả năng gây ra phản ứng đáng kể. Tuy nhiên, khi sự quyết đoán của Trung Quốc gặp phải sự chống đối kiên quyết, Bắc Kinh lại không phản ứng bằng cách leo thang như người ta dự đoán.

Bắc Kinh đã thể hiện sự linh hoạt khi phải đối mặt với sự phản đối kiên quyết. Có thể kể đến những ví dụ như phản ứng của Nhật Bản trước việc Trung Quốc triển khai vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông vào năm 2013 và việc cựu Tổng thống Obama được cho là đã vạch ra “giới hạn đỏ” đối với Tập Cận Bình về bãi cạn Scarborough vào tháng 3/2016. Hơn nữa, phản ứng của Ấn Độ trước các hoạt động của Trung Quốc ở cao nguyên Doklam đã không dẫn tới chiến tranh.

Những hành động gần đây của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông cho thấy sự tiếp nối của cách tiếp cận linh hoạt và mang tính cơ hội này. Trong bối cảnh Mỹ do dự trong phản ứng trong nước và không thể dẫn dắt một phản ứng quốc tế thống nhất, còn Đông Nam Á đang khốn đốn vì dịch COVID-19, thì Bắc Kinh chắc chắn có không gian để thúc đẩy lợi thế và tìm kiếm cơ hội khẳng định các lợi ích của mình. Hơn nữa, những mối quan ngại ngày càng gia tăng rằng quân đội Mỹ có thể phải đối mặt với các vấn đề liên quan tới sự sẵn sàng của nhiều tài sản hải quân có khả năng sẽ khẳng định những nhận thức của Bắc Kinh rằng tình hình đang có lợi cho việc thúc đẩy chủ nghĩa cơ hội. Quả thật, phiên bản tiếng Anh của trang mạng chính thức của PLA đã cho đăng một bài bình luận tuyên bố rằng “sự bùng phát của COVID-19 đã làm suy giảm đáng kể năng lực triển khai tàu chiến của Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Ngoài ra, một bài viết khác cũng tuyên bố rằng không có quân nhân Trung Quốc nào mắc COVID-19 và đại dịch đã “thay vào đó cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc”.

Những hành động sau đại dịch của Trung Quốc cho thấy rõ Bắc Kinh đang tìm cách chứng tỏ với thế giới rằng PLA không hề bị COVID-19 tác động (mà trên thực tế rất có thể là không phải như vậy). Thông điệp đó là nhằm nhấn mạnh rằng đây không phải là lúc tìm cách lợi dụng sự tập trung của Trung Quốc vào việc ngăn chặn dịch bệnh, khôi phục nền kinh tế và duy trì sự ổn định chính trị trong nước. Đồng thời, Bắc Kinh có khả năng sẽ lợi dụng những sự cố này để thăm dò các đối thủ nhằm tìm ra dấu hiệu cho thấy sự yếu kém và mất tập trung, tìm kiếm cơ hội thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Mặc dù đại dịch có thể là nguyên nhân gây ra hành vi này, nhưng đó không phải là một chiến lược mới. Trái lại, đó là sự phản ánh chủ nghĩa cơ hội và sự quyết đoán, vốn là dấu hiệu đặc trưng cách tiếp cận của Trung Quốc trước đại dịch. Trong tương lai, Mỹ và các bên tham gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần lường trước rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục những hành vi mang tính cơ hội của mình.

Các dấu hiệu leo thang cần lưu ý

Việc cho rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần là đang theo đuổi chiến lược cơ hội lâu dài ở các khu vực ngoại vi không có nghĩa là khó có khả năng leo thang. Tuỳ thuộc vào cách Bắc Kinh đánh giá mức độ yếu kém của các quốc gia trong khu vực và sự xao lãng của Washington, Trung Quốc có thể xác định rằng giờ chính là lúc phải thúc đẩy các tham vọng của họ trong khu vực tới giới hạn xa nhất có thể.

Các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách nên tìm kiếm một loạt dấu hiệu đáng lưu ý để xác định liệu chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông, có bước sang một giai đoạn mới và leo thang hơn hay không.

Nỗ lực mang tính quyết định nhằm thay đổi nguyên trạng

Điều quan trọng nhất mà Trung Quốc có thể làm để lợi dụng tình hình hỗn loạn do dịch COVID-19 gây ra rõ ràng sẽ là thực hiện các hành động mang tính quyết định nhằm cố gắng đẩy các bên tuyên bố chủ quyền khác ra khỏi các cấu trúc địa hình trên biển mà nước này nắm quyền kiểm soát trên thực tế về mặt quân sự hoặc hành chính. Một hành động như vậy không nhất thiết phải là một nỗ lực mới của Trung Quốc, mà có thể chỉ là mở rộng nỗ lực hiện thời một cách hợp lý. Ví dụ, đảo Thị Tứ là một cấu trúc địa hình do Philippines kiểm soát nhưng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã không ngừng tuần tra quanh đảo này suốt 16 tháng qua. Đây là ví dụ điển hình cho một nỗ lực toàn diện của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự di chuyển và hoạt động tiếp tế của Philippines tại đây, với mục tiêu khiến Philippines không thể bảo vệ được lập trường của mình đối với đảo này. Quả thực, lý do duy nhất khiến Bắc Kinh chưa thực hiện động thái như vậy là vì định hướng chiến lược của Philippines vốn đã ngả sang Trung Quốc được một thời gian, và Trung Quốc đơn giản là không muốn cản trở điều đó. Một động thái leo thang khác mà Trung Quốc có thể cân nhắc là mở rộng các đường biên giới trên biển bằng cách vạch ra các đường cơ sở liền mạch bao quanh quần đảo Trường Sa, từ đó khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển thậm chí còn rộng hơn nhiều trên Biển Đông. Một động thái như vậy sẽ đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý của Bắc Kinh ở Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng với các nước tuyên bố chủ quyền bị ảnh hưởng, có lẽ đáng chú ý nhất là Việt Nam.

Các hoạt động quân sự hóa mới

Kể từ khi Trung Quốc tiến hành nỗ lực xây dựng đảo trên quy mô lớn vào năm 2014, nước này đã liên tục bổ sung cơ sở hạ tầng và tài sản quân sự cho các cấu trúc địa hình mở rộng mà họ đã xây dựng ở Biển Đông, trong đó bao gồm các đường băng, nhà chứa máy bay và các cảng mới để phục vụ cho các loại máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm tối tân, cùng các mạng lưới radar – dù Tập Cận Bình đã công khai cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Mặc dù các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đã được tiến hành, nhưng bất kỳ tài sản quân sự tấn công nào mới được bổ sung tại các cấu trúc địa hình do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông cũng sẽ là một dấu hiệu leo thang khác đáng chú ý. Các khả năng này bao gồm việc giới thiệu các các năng lực tác chiến đổ bộ, các tàu hải quân hoặc tàu cảnh sát biển của Trung Quốc neo đậu tại các cấu trúc địa hình mới được quân sự hóa, và ra mắt các hệ thống chiến đấu siêu thanh hoặc chống ngầm mới, mà mỗi trường hợp trong số đó đều tăng cường khả năng triển khai quân sự của Trung Quốc và đưa nước này tiến gần hơn đến mục tiêu kiểm soát hiệu quả khu vực Biển Đông.

Tăng cường các biện pháp truyền thông

Một dấu hiệu khác cần lưu ý là đường lối công khai và quyết liệt hơn trong cả các tuyên bố chính thức lẫn từ các cơ quan truyền thông nhà nước về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực này, Biển Đông nói chung và các cấu trúc địa hình nói riêng. Hình thức tuyên truyền này là biện pháp hữu ích nhằm đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi tình trạng hỗn loạn đang diễn ra trong nước có liên quan đến dịch COVID-19, đồng thời làm suy yếu ý chí chính trị của các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mặc dù không cần thiết, nhưng Trung Quốc đã thực hiện các động thái lớn ở Biển Đông một cách gần như hoàn toàn lặng lẽ, do đó việc thay đổi cách thức tuyên truyền chính thức, dù không nhất thiết phải có, sẽ là một dấu hiệu hàng đầu hữu ích cho thấy giai đoạn mới của chủ nghĩa cơ hội của nước này.

Chủ nghĩa cơ hội theo chiều ngang

Mặc dù các dấu hiệu cần chú ý nêu trên hầu như chỉ nhắc tới các hành động quyết liệt chống lại những nước phản đối các tuyên bố mở rộng của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc cũng có thể lợi dụng thời cơ này để củng cố và mở rộng những lợi ích thu được từ các nước thân thiện trong khu vực. Ứng viên rõ ràng nhất ở đây là Campuchia, với mối quan hệ ngày càng sâu sắc và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Bắc Kinh. Dù Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần khẳng định rằng việc cho phép các lực lượng nước ngoài vào đất nước là vi phạm hiến pháp, nhưng ông có thể khôn khéo thay đổi cách diễn giải hiến pháp theo nhiều cách khác nhau. Bất chấp các quan ngại về bệnh dịch, Trung Quốc và Campuchia vừa hoàn thành cuộc tập trận chung kéo dài 2 tuần, và việc mở rộng các căn cứ tiền quân sự của Bắc Kinh tại Campuchia sẽ là cách thức thẳng thừng nhất để nâng cao vị thế sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Một động thái không bao hàm tuyên bố lãnh thổ của bất kỳ nước nào khác, sẽ là thách thức mà Mỹ và các nước khác khó đối phó, và sẽ có tác động chiến lược đáng kể đến Biển Đông theo một số cách khác nhau.

Sự có qua có lại liên quan đến Biển Đông

Có lẽ hành động nguy hiểm và dễ được thực hiện nhất của Trung Quốc sẽ là liên kết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với viện trợ y tế và kinh tế cho các nước đang phải đối phó với dịch COVID-19. Trung Quốc cho đến nay không hề ngần ngại liên kết các khoản viện trợ để đối phó với dịch bệnh và các dự án trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của nước này, và sẽ không mất quá nhiều thời gian để các nước nâng những liên kết này lên cấp độ “cùng sản xuất” liên quan đến việc đặt cọc năng lượng hoặc nhượng bộ quyền tiếp cận một số cấu trúc địa hình ở Biển Đông cho Trung Quốc. Philippines một lần nữa sẽ là mục tiêu tiềm năng cho những nỗ lực như vậy, dù các lô thăm dò dầu khí hiện do Việt Nam và các nước khác sở hữu cũng sẽ là một trọng tâm tiềm năng. Theo thời gian, hình thức liên kết này chỉ ngày càng phát triển. Vì Mỹ và các nền kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, Mỹ có thể dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ nhận ra và tìm cách khai thác một cánh cửa cơ hội đang rộng mở.

Nói tóm lại, chiến lược đầy tính cơ hội của Trung Quốc có nhiều cách để triển khai trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19, và việc cẩn thận lưu ý đến những dấu hiệu nêu trên có thể giúp dự đoán giai đoạn leo thang tiếp theo.

Cách thức đối phó với chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc

Sự quyết đoán của Trung Quốc sẽ không biến mất. Quả thực, xét tới những căng thẳng đang diễn ra ở eo biển Đài Loan và số tài sản ngày càng gia tăng của lực lượng quân đội, cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, sẽ càng có khả năng xảy ra các sự cố trong tương lai theo thời gian. Tuy nhiên, khi những thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn, Mỹ sẽ càng cần phải thể hiện khả năng thiết lập một nghị trình quốc tế và dẫn dắt các nước còn lại trong khu vực phối hợp đối phó với sự quyết đoán và chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc. Nói cách khác, nếu Trung Quốc định tiến lên, thì Mỹ phải đảm bảo rằng họ sẽ đụng phải lá chắn thép.

Trước hết, Mỹ cần làm rõ ràng họ sẽ không tha thứ cho bất kỳ nước nào đang cố gắng lợi dụng đại dịch hiện nay để thay đổi nguyên trạng. Washington cần đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng thế giới cần phải ổn định nếu muốn giải quyết thành công cuộc khủng hoảng hiện nay, và các đồng minh và đối tác của Mỹ trên thế giới phải nhắc lại thông điệp này. Tuy vậy, ở châu Á, lời nói cần phải đi đôi với hành động. Bất kỳ thông điệp nào cũng cần phải được hậu thuẫn bằng những nỗ lực thể hiện ý chí và khả năng chống lại chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc thông qua việc tiếp tục nhịp độ hoạt động đều đặn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tiến hành các hoạt động đa phương phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực chẳng hạn như kết hợp các cuộc tuần tra trên biển và trên không, nhưng không được phép khiến binh lính gặp phải rủi ro.

Một câu hỏi then chốt là các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông – đặc biệt là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia – phản ứng ra sao trước chủ nghĩa cơ hội này. Đây có thể là một cơ hội để Mỹ tăng cường quan hệ với các nước này và giúp họ có đủ khả năng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc. Điều này sẽ đòi hỏi Mỹ phải cung cấp cho các nước tuyên bố chủ quyền các năng lực, cơ sở hạ tầng và huấn luyện cần thiết để giám sát các vùng biển của họ, đồng thời cản trở nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các lợi ích của mình mà không gây nguy cơ leo thang. Về mặt ngoại giao, Washington có thể hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc trong việc cố gắng đàm phán một bộ quy tắc ứng xử mạnh mẽ và có hiệu lực pháp lý, dựa trên nền tảng là luật pháp và các chuẩn mực quốc tế vốn có sao cho phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay năm 2016 về Biển Đông.

Về mặt kinh tế, Mỹ có cơ hội giúp đỡ Đài Loan và các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc trong việc giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách theo đuổi các thoả thuận mở rộng thương mại, đầu tư song phương và đa phương. Một khía cạnh của chiến lược này có thể bao gồm việc mô phỏng một sáng kiến của Nhật Bản, nước mới đây đã tuyên bố kế hoạch phân bổ 2 tỷ USD nhằm khích lệ các công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Xét tới xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan và Đông Nam Á vốn đã bắt đầu từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nỗ lực này có thể hỗ trợ các lực lượng thị trường cố hữu.

Cuối cùng, điều quan trọng là Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của nước này phải hiểu rằng Trung Quốc không hề thay đổi cách tiếp cận của mình. Chủ nghĩa cơ hội và sự quyết đoán được thể hiện trong nhiều tháng qua trên thực tế đã tồn tại trong nhiều năm. Tuy vậy, Washington sẽ tự lừa dối chính mình nếu tin rằng Trung Quốc sẽ không lợi dụng tình hình hiện tại. Ngay cả khi phải đối mặt với những tổn thất to lớn do dịch bệnh mới, Mỹ cũng không thể hành động như thể địa chính trị và sự cạnh tranh đã tạm dừng. Có chăng, sự cạnh tranh trong tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở nên mạnh mẽ hơn, và Mỹ cần đi đầu trong việc đối phó với xu hướng này.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
0

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Công ty Trung Quốc bắt nhân viên ăn giun



Trung Quốc vốn nổi tiếng với các trò kỳ quặc đến từ các công ty khi nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ hay các chỉ tiêu doanh thu. Mới đây, một công ty ở tỉnh Quý Châu, của quốc gia đông dân nhất Thế giới này đã quyết định bắt nhân viên phải làm việc nỗ lực hơn trong tương lai bằng cách ép họ ăn giun vào bữa sáng.
0

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Phim cổ trang Trung Quốc 'mượn' nhã nhạc cung đình Huế

Nhiều khán giả bức xúc khi trong bộ phim cổ trang Trung Quốc Thịnh Đường Huyễn Dạ có một cảnh phim sử dụng nhã nhạc cung đình Huế. Một số tập của phim này đã được phát sóng trên kênh VTV8.


Hình ảnh trong đoạn phim Thịnh Đường Huyễn Dạ được cho là sử dụng nhã nhạc cung đình Huế


Đáng nói, đây là cảnh hiến vũ của các vũ công với dàn nhạc dâng lên cho hoàng đế và các quan trong buổi dạ yến.

Sau khi nghe đoạn nhạc trong phim, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền khẳng định đoạn nhạc trong cảnh phim nêu trên đúng là nhã nhạc cung đình Huế. “

Chuyện dùng nhạc phim như vậy rõ là râu ông nọ cắm cằm bà kia, không nên và không hay chút nào”, ông Hiền nhận xét.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho hay đoạn nhạc xuất hiện trong phim là bản Lưu thủy kim tiền (nhã nhạc cung đình Huế).

“Đây là bản hòa tấu quen thuộc của người Việt trong các sinh hoạt, nghi lễ mang tính cộng đồng hay lễ hội truyền thống ở khắp đất nước chúng ta từ hàng trăm năm qua”, ông Long nói và cho biết thêm: “Bản Lưu thủy kim tiền được định hình rõ nét và mang tính chất chuyên nghiệp, quy củ trong nhã nhạc cung đình Huế, được dùng trong sinh hoạt chính thống của triều Nguyễn”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long từng “giải mã” xung quanh nguồn gốc của nhã nhạc cung đình Huế.

Theo nghiên cứu của ông Long, thuật ngữ “nhã nhạc” xuất hiện lần đầu vào thời nhà Hồ đầu thế kỷ 15 (1400 - 1407), mặc dù các tổ chức dàn nhạc cung đình đã được thành lập trước đó nhiều thế kỷ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Vào năm 1402, Hồ Hán Thương đã cho “đặt nhã nhạc, lấy con các quan văn làm kinh vĩ lang, con các quan võ làm chỉnh đốn lang, tập múa các điệu văn, võ”. Việc phân định rõ ràng như vậy cho thấy sự chính quy, chuyên nghiệp hóa của âm nhạc cung đình nước ta bắt đầu từ thời kỳ này.

Nhìn vào sự phát triển nhã nhạc và những gì được ghi trong sử sách, có thể thấy ảnh hưởng của nhã nhạc Trung Quốc với Việt Nam, cũng như những quốc gia như Nhật Bản, Triều Tiên..., nhưng đều được “cải tiến”, biến đổi.

Tại Việt Nam, sự ảnh hưởng lớn nhất, nếu có, chỉ xảy ra ở thời nhà Lê. “Tuy nhiên, nhã nhạc thời kỳ này cho đến nay đã hoàn toàn thất truyền. Hiện nay, chúng ta không còn một bài bản nào được vang lên bằng âm nhạc, sự ảnh hưởng có chăng chỉ còn ở cái tên của một số bản nhạc và các nhạc cụ”, ông Long cho hay.

Theo nhạc sĩ Thao Giang, những nghệ nhân đất Việt đã tạo nên sự khác biệt, tô đậm bản sắc riêng của dân tộc Việt trong những bản nhạc cung đình trong suốt hàng trăm năm. Sự khác biệt không chỉ ở cách thể hiện, giai điệu, mà cả những nhạc cụ đã được các nghệ nhân cải tiến, sáng tạo.

Với những giá trị đặc biệt, nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, việc nhà làm phim Trung Quốc vô tình hay cố ý sử dụng âm nhạc của nước khác đưa vào bộ phim lấy bối cảnh thời kỳ phong kiến của mình là khó chấp nhận.

Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự “hồn nhiên” khi phim được nhập hay trình chiếu như vậy.

“Nếu cứ để bị “lủng trận” như thế thì đừng trách sao giới trẻ Việt thiếu ý thức bảo vệ văn hóa nguồn cội, không còn thiết tha giữ gìn văn hóa Việt”, ông Phước nói.

Theo VTV8, sau khi có thông tin về việc trong phim này có dùng nhã nhạc cung đình Huế, VTV8 đã cho xác minh. Trong lịch phát sóng những ngày tới đây, VTV8 không phát sóng bộ phim này.

Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/phim-co-trang-trung-quoc-muon-nha-nhac-cung-dinh-hue-1218187.html
0

Trung Quốc gây áp lực, đòi EU sửa báo cáo liên quan virus

Nhà ngoại giao trưởng của EU, ông Josep Borrell, thừa nhận Trung Quốc đã gây áp lực buộc EU phải thay đổi báo cáo về việc Trung Quốc đưa ra thông tin sai lệch về Covid-19.

Ngày 30/4, ông Josep Borrell, Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, lần đầu tiên thừa nhận Trung Quốc đã cố gắng tác động đến báo cáo của Liên minh châu Âu (EU). Báo cáo này cáo buộc Trung Quốc đưa ra thông tin sai lệch về dịch bệnh, theo South China Morning Post.


Ông Josep Borrell là Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao kiêm Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên , ông Borrell bác bỏ các cáo buộc rằng EU cúi đầu trước sự đe dọa của Trung Quốc và thay đổi báo cáo của mình.

“Trung Quốc có gây áp lực không? Hãy nhìn xem, rõ ràng Trung Quốc có bày tỏ mối quan ngại của họ khi họ biết tài liệu bị lộ và họ bày tỏ thông qua các kênh ngoại giao”, ông Borrell nói với Nghị viện châu Âu tại Brussels.

Ông Borrell cũng cho biết báo cáo EU công bố “chỉ ra rõ ràng chiến dịch làm nhiễu thông tin được nhà nước tài trợ và nêu rất cụ thể các bên đứng sau chiến dịch này, bao gồm cả Trung Quốc”.

“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng không có thay đổi nào trong báo cáo được công bố tuần trước (để chiều) theo mối quan tâm của bên thứ ba, trong trường hợp này là Trung Quốc”, ông nói thêm.

“Chúng ta không hạ giọng. Chúng ta không cúi đầu trước bất cứ ai”.

Ông Borrell được triệu tập tới buổi làm việc tại Nghị viện châu Âu để giải trình việc nhóm của ông bị cáo buộc cúi đầu trước sự đe dọa của Trung Quốc và đưa ra một báo cáo sai lệch.

Ông Borrell đã né tránh một số câu hỏi, trong đó có một câu hỏi của ông Reinhard Bütikofer, nghị sĩ người Đức và là chủ tịch phái đoàn về quan hệ với Trung Quốc. Ông Bütikofer đã hỏi liệu ông Borrell có ủng hộ Thụy Điển và Đức kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về nguồn gốc của virus hay không.

Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc Trung Quốc tham gia vào chiến dịch đưa ra thông tin sai lệch trong đại dịch. Trung Quốc cũng kêu gọi các quốc gia khác công nhận nỗ lực kiềm chế virus và giúp đỡ các quốc gia khác của mình.

Nguồn: https://zingnews.vn/trung-quoc-gay-ap-luc-doi-eu-sua-bao-cao-lien-quan-virus-post1079595.html
0

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Phụ thuộc Trung Quốc về dược phẩm : Tây phương tỉnh thức trong đau đớn

Trong những năm 1990, hoạt động của ngành công nghiệp dược phẩm châu Âu và Mỹ đa phần chuyển sang Trung Quốc. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, phương Tây tỉnh thức trong đau đớn và phải đối mặt với thách thức làm thế nào để giành lại quyền chủ động về thuốc men, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành dược phẩm thế giới là do Trung Quốc sản xuất. CC0 Pixabay/stevepb


Mọi ngả đường đều dẫn đến Trung Quốc

Theo nhận định của báo Le Figaro trong bài viết « Khi Tây phương từ bỏ ngành sản xuất dược phẩm » đăng ngày 13/04/2020, sức khỏe của người dân phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và chính sự bùng phát toàn cầu của dịch bệnh Covid-19 đã giúp người châu Âu và Mỹ « tỉnh ngộ ». Có một điều các nhà khoa học, giới chuyên môn phần nào đã nắm rõ, nhưng đa phần công chúng thì chưa biết : trong vòng chưa đến 30 năm, tất cả mọi quốc gia trên thế giới, đi đầu là châu Âu và Mỹ, đã « nhường » một phần lớn « chủ quyền » về thuốc men và trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. Quốc gia rộng lớn này trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm. Đáng nói hơn nữa là Trung Quốc nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện giờ không còn được bào chế nữa.

Chẳng hạn, Trung Quốc sản xuất tới 97% dược liệu và hóa chất cần thiết để sản xuất kháng sinh đồng dạng (générique) tiêu thụ tại Mỹ - đối thủ địa chính trị của Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm được hưởng lợi lớn từ chính sách di dời ngành công nghiệp dược phẩm của Tây phương, song suy cho cùng thì nền sản xuất Ấn Độ cũng không thoát được cảnh phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế. Nói một cách hình ảnh như chuyên gia Rosemary Gibson của viện Hastings, Mỹ, thì « Tất cả mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc ».

Bức màn bí mật thời « thị trường toàn cầu »

Cũng theo chuyên gia Gibson, điều đáng ngạc nhiên là số liệu thống kê về lĩnh vực dược phẩm thường được bao phủ bằng một bức màn bí mật cho dù chúng ta đang sống trong « một thị trường toàn cầu ». Tuy nhiên, việc khan hiếm nói chung các loại thuốc quan trọng sống còn vào lúc nhiều nhà máy của Trung Quốc phải ngưng hoạt động, khiến chính phủ các nước yêu cầu phải có các số liệu chính xác. Từ tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nguyên thủ Nga Vladimir Putin cho đến lãnh đạo Mỹ Donald Trump dường như đều có chung yêu cầu khôi phục lại nền sản xuất dược phẩm và công nghiệp hóa học của quốc gia. Các nhà lãnh đạo cũng bắt đầu suy tính đến việc đa dạng hóa và « hồi hương » các dây chuyền sản xuất quan trọng.

Ông Bruno Bonnemain, chủ tịch một nhóm làm việc về việc gián đoạn chuỗi cung ứng, cho Le Figaro biết là tại Viện Dược Phẩm Quốc Gia Pháp, từ 10 năm nay, các nhà nghiên cứu đã gióng những hồi chuông báo động về việc Pháp mất quyền tự chủ về dược phẩm do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ. Chuyên gia Bonnemain giải thích là, ngay từ năm 2011, cơ quan này đã được huy động để tiến hành một nghiên cứu cho bộ Y Tế Pháp. Theo báo cáo của Viện Dược Phẩm Quốc Gia, « đối với 86% bệnh viện ở châu Âu, việc khan hiếm thuốc đã trở thành một chủ đề gây lo ngại hàng ngày. Những loại thuốc có liên quan nhiều nhất là thuốc chống nhiễm trùng, chống ung thư, tiếp theo đó là các loại thuốc hồi sức cấp cứu, thuốc tim mạch và thuốc gây mê ».

Chiến lược yếu kém

Nhu cầu cao của các nước mới mới trỗi dậy đã khiến nhu cầu thuốc trên toàn cầu khó được đáp ứng. Ngoài ra, còn phải kể đến việc nhiều nhà máy phải ngưng sản xuất vì các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường, kỹ thuật hay xã hội. Đó là chưa kể đến các vụ tai tiếng về chất lượng thuốc, chẳng hạn héparin, chất làm loãng máu được nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm 81 người tại Mỹ thiệt mạng. Chuyên gia Bruno Bonnemain lấy làm tiếc là « Không một ai đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi khi vẫn chưa quá muộn ».

Trong những năm 1980, ngành công nghiệp dược phẩm của châu Âu vẫn rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính vẫn được sản xuất tại châu Âu, chỉ có 20% được nhập từ nước ngoài. Ấy vậy mà sau 30 năm, hiện nay các con số này đã bị đảo ngược. Ông Bonnemain nhấn mạnh : « Sự thay đổi lớn bắt đầu diễn ra trong những năm 1990, sau đó tăng tốc dần vào đầu những năm 2000, khi các doanh nghiệp quyết định dịch chuyển ồ ạt vì chi phí nhân công và các quy định về môi trường ».

Kế hoạch ban đầu là tất cả đều được sản xuất tại một nơi. Thế nhưng, với sự cạnh tranh của thuốc đồng dạng generique được sản xuất tại các nước đang phát triển, ngành dược phẩm đã thuê thầu phụ cả mảng sản xuất dược liệu thô, hoạt chất và kể cả thuốc. Đó là thời toàn cầu hóa theo kiểu đôi bên đều có lợi, cho phép một số doanh nghiệp cất cánh và những công ty khác sản xuất với giá thấp. Từng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, ông Bonnemain nói thẳng : « Sai lầm lớn nhất của các chính phủ của chúng ta là không coi các loại thuốc là sản phẩm chiến lược nữa. Khi ưu tiên giá thành, họ đã để các doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Quyền tự chủ đã bị từ bỏ ».

Quá lơ là về hóa hữu cơ

Đã có thời nước Đức, chứ không phải Trung Quốc, được gọi là nhà máy dược phẩm và hóa chất của cả thế giới. Nói về chuyện nước Đức dịch chuyển các nhà máy dược phẩm, giáo sư Stefan Laufer, từng là chủ tịch hiệp hội Dược Sĩ Quốc Gia Đức cho đến tháng 12/2019, có cùng phân tích như chuyên gia Pháp Bruno Bonnemain. Sự thay đổi cũng bắt đầu từ đầu những năm 1990, và sự di chuyển lớn nền sản xuất sang Châu Á và đặc biệt là tới Trung Quốc cũng diễn ra từ 10 năm nay. Ông Laufet tóm lược : « Do áp lực từ các cơ quan bảo hiểm y tế Đức, thuốc trở thành một sản phẩm mà tiêu chí quan trọng nhất là giá thành chứ không phải chất lượng ». Theo ông, yếu tố môi trường là một lý do lớn dẫn đến việc dịch chuyển ngành hóa học hữu cơ, vốn có lợi cho ngành công nghiệp hóa dược phẩm rất phát triển của Đức. Chuyên gia Laufer lấy làm tiếc là Đức đã quá lơ là, bỏ bê các nhà máy hóa hữu cơ ».

Giáo sư Laufer nhấn mạnh : « Nước Đức đã quá đề cao giá trị thị trường toàn cầu khi cho rằng không cần nghĩ tới sự độc lập quốc gia bởi vì thị trường luôn được đáp ứng. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Bây giờ không có thị trường toàn cầu. Nước nào cũng đóng cửa biên giới và đấu đá nhau để giành giật khẩu trang và thuốc men ! » Cũng giống như chuyên gia Pháp Bonnemain, giáo sư Đức Laufer đã gióng những hồi chuông báo động ngay từ năm 2012. Quân đội Đức cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự yếu kém về chiến lược. Ông Laufer nhớ lại : « Chúng tôi đã đến Quốc Hội. Các bản báo cáo được gửi đến rất nhiều. Nhưng chẳng ai quan tâm … »

Còn dân biểu Đức Claudia Bernhard, thuộc đảng Die Linke, một người lưu tâm đến hồ sơ này, giải thích : « Sự thiếu phản ứng của các cơ quan công quyền là do sự tác động của các nhà vận động hành lang cho ngành dược phẩm », liên quan đến việc các Quỹ bảo hiểm chịu trách nhiệm ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc. Dân biểu này lấy làm tiếc là « Sự thiếu vắng hành động của chính phủ trung ương đã duy trì sự phụ thuộc về dược phẩm. Nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh cuối cùng tại Đức đã đóng cửa vào năm 2017. Nhà nước cần cho tái thiết nền công nghiệp dược phẩm, quay lại bào chế các hoạt chất chính. Nói thì dễ hơn làm, nhưng cuộc khủng hoảng không để cho chúng ta có sự lựa chọn, đây là câu hỏi sống còn ». Dân biểu Claudia Bernhard lấy làm mừng vì lãnh đạo Y Tế ở các bang của Đức cũng đề xuất theo hướng nói trên.

Sự thức tỉnh đầy đau đớn

Liên quan đến nước Nga, một nhà tư vấn của hãng tin RNC Pharma, Nikolai Bespalov, cho Le Figaro biết « một cuộc di dời, tương tự những gì đến với phương Tây, đã xảy ra sau khi Liên Xô sụp đổ, tạo ra sự phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc và Ấn Độ (về các hoạt chất và dược liệu thô, 50-70%) » Mối lo là có thật cho dù Nga vẫn có kho dự trữ. Kể từ năm 2010, một nỗ lực dịch chuyển sản xuất về nước đã được khởi động và chính phủ Nga hồi cuối tháng Hai đã quyết định thúc đẩy sản xuất trong ngành hóa chất và dược phẩm.

Nhìn sang nước Mỹ, theo Le Figaro, có môt sự tỉnh thức đầy đau đớn. Với virus corona, người Mỹ mới nhận ra sức khỏe của họ phụ thuộc vào « đại địch thủ » Trung Quốc như thế nào. Mặc dù Mỹ vẫn duy trì sản xuất những hoạt chất chính và các nhà máy vẫn bào chế dược phẩm, nhưng Trung Quốc vẫn thống trị thị trường Mỹ về dược liệu và các hoạt chất chính để sản xuất thuốc đồng dạng và kháng sinh đồng dạng. Tình trạng này tạo ra sự suy yếu chiến lược nghiêm trọng cho nước Mỹ.

Trong một báo cáo của Hội đồng quan hệ đối ngoại, nhà nghiên cưu Yang Zong Yuhan nhắc tới một cuộc trao đổi ở Nhà Trắng mà nhà báo Mỹ Bob Woodward từng nới tới, theo đó kinh tế gia trưởng Gary Cohn của Nhà Trắng lưu ý là trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc có thể dùng thuốc kháng sinh để đáp trả Mỹ vì Trung Quốc cung cấp tới 97 % lượng kháng sinh tiêu thụ tại Mỹ : « Nếu quý vị là người Trung Quốc và quý vị muốn hủy hoại nước Mỹ, đơn giản quý vị chỉ cần ngưng gửi thuốc kháng sinh cho chúng tôi ».

Nhà nghiên cứu Rosemary Gibson của viện Hastings nhấn mạnh virus corona càng khiến Mỹ có ý thức về sự phụ thuộc nói trên. Tân Hoa Xã hôm 04/03 nhận định kịch bản Trung Quốc ngưng xuất khẩu thuốc men sang Mỹ sẽ gây khó khăn cho Mỹ, « nhấn chìm nước Mỹ trong đại dương virus corona ». Nhiều nhà chiến lược Mỹ có ý tưởng tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Tại Hạ Viện, một nhóm dân biểu Dân Chủ và Cộng Hòa đề xuất một dự luật nhằm khuyến khích việc « hồi hương » một số dây chuyền sản xuất thuốc.

Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia về hồ sơ này đều lưu ý về những khó khăn liên quan đến thời hạn, chi phí, kiến thức hiểu biết để tái lập nền sản xuất. Chuyên gia Đức Laufer cũng tỏ ý hoài nghi về lâu dài : « Việc này sẽ phải mất nhiều năm, các quy trình sản xuất hóa học tinh khiết rất phức tạp, nhất là phải sáng chế ra các công nghệ riêng để đảm bảo tôn trọng tiêu chuẩn xanh (…) Việc này đương nhiên sẽ phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Âu, bởi vì các nước không thể sản xuất toàn bộ chỉ trong nước họ (…) Tất cả những điều trên đòi hỏi có sự thay đổi thực sự trong tư duy. »

Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200424-ph%E1%BB%A5-thu%E1%BB%99c-trung-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%81-d%C6%B0%E1%BB%A3c-ph%E1%BA%A9m-t%C3%A2y-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%E1%BB%89nh-th%E1%BB%A9c-trong-%C4%91au-%C4%91%E1%BB%9Bn
0

Đại dịch Covid-19: Trung Quốc và hiệu ứng ‘‘gậy ông đập lưng ông’’

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện Vũ Hán, gần 2 tháng sau khi chính thức công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán. Ảnh chụp ngày 10/03/2020. Xie Huanchi/Xinhua via REUTERS

Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo Pháp. Trong lúc L’Obs tập trung làm sáng tỏ hậu trường của chiến dịch chuẩn bị gỡ bỏ phong tỏa sắp tới, Le Point chỉ ra những thói tật của bộ máy quan liêu khiến nước Pháp trả giá đắt trong đại dịch. L’Express bàn về những bài học thành công của nước Đức. Courrier International chú ý đến thay đổi lớn trong giao tiếp xã hội thời kỳ hậu phong tỏa.

Le Point tuần này có bài xã luận đáng chú ý của nhà bình luận Nicolas Baverez mang tựa đề: ‘‘Trung Quốc và hiệu ứng gậy ông đập lưng ông’’. Bài viết so sánh đại dịch Covid-19, bùng lên từ Trung Quốc rồi lan khắp thế giới hiện nay, với cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mỹ năm 2008. Nhà báo Le Point nhận định : Giống như Hoa Kỳ, thoạt tiên, chính quyền Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ nước mình. Tuy nhiên, cũng tương tự như nước Mỹ đã phải gánh chịu ‘‘làn sóng dân túy bùng lên’’ sau khủng hoảng, giờ đây chính quyền Trung Quốc ‘‘có thể sẽ phải chứng kiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu do trách nhiệm của Bắc Kinh, trong giai đoạn bệnh dịch xuất hiện và khi đại dịch lan rộng khắp thế giới’’.

Bắc Kinh hiện rõ chân tướng

Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, mà Bắc Kinh cố gắng chứng minh đã ‘‘xử lý một cách mẫu mực’’, cho thấy rõ ‘‘bản chất toàn trị của chế độ Trung Quốc, gắn liền với chính sách tuyên truyền dối trá, và một Nhà nước bạo lực’’. Giờ đây công luận thế giới bắt đầu hiểu rằng ‘‘dịch bệnh đã bị bưng bít hơn hai tháng trời, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định, khiến dịch lan rộng’’. Số lượng người nhiễm virus và người chết bị bóp méo.

Đọc thêm :Để dịch virus corona vượt tầm kiểm soát: Tội chính của Bắc Kinh là giấu thông tin?
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng những lời tổ sư Mao Trạch Đông để lại: Bóp méo sự thật theo đòi hỏi của thực tế. Bắc Kinh đã không tính đến những người chết vì Covid - 19 tại gia đình. Theo thống kê mới điều chỉnh, số người chết tại gia đình chiếm 1/3 tổng số người thiệt mạng. Tuy nhiên, con số người chết thực sự có thể lên đến ít nhất 25.000 người, so với số chính thức 4.632 hiện nay. Bởi, theo chính một số nghiên cứu dịch tễ học Trung Quốc, số người vừa chết vì Covid - 19, vừa chết do bệnh khác chiếm đến 72% người qua đời tại các bệnh viện Vũ Hán. Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ chấp nhận thống kê số người chết duy nhất vì bệnh Covid -19.

Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày tình trạng kiểm soát công dân bằng kỹ thuật số, ngày càng sát sao tại Trung Quốc. Bắc Kinh có chính sách chi đến một triệu nhân dân tệ cho tất cả doanh nghiệp nào phát triển một dự án kỹ thuật số liên quan đến dịch bệnh. Ví dụ như thiết lập các ‘‘hộ chiếu y tế’’ cho tài xế tắc-xi hay giới tài xế nói chung, do tập đoàn Alibaba quản lý. Việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát công dân, kiểm soát việc đi lại, kỹ thuật nhận dạng người qua võng mạc hay tập hợp thông tin về sức khỏe người dân, hoàn toàn không cần tính đến sự chấp thuận của các công dân. Tình trạng kiểm soát gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc hiện nay dè dặt trong việc tiêu thụ, bên cạnh các nguyên nhân khác như sợ thất nghiệp, bị hạ lương. Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, một bên là sản xuất bị bắt buộc phải nối lại (với hoạt động bằng 90% so với trước), bên kia là nhu cầu bị cắt đến một nửa (do nhu cầu nội địa không tăng mạnh, cũng như nhu cầu bên ngoài, do kinh tế thế giới tê liệt).

Về mặt địa chính trị, trước mắt Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong khủng hoảng hiện nay, trong một bối cảnh chưa từng có kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi. Đối với Bắc Kinh, đại dịch cho thấy thế giới đang ngừng ‘‘phương Tây hoá’’, các nền dân chủ thể hiện đang bất lực, còn Trung Quốc củng cố quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy, bằng ngoại giao y tế (cung cấp ồ ạt trang thiết bị y tế), đầu tư thông qua các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, và kiểm soát các định chế đa phương, đầu tiên là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Thế nhưng, theo Le Point, đại dịch này làm nổi bất tính chất tương phản sâu xa, đằng sau ‘‘thế thượng phong bên ngoài của Trung Quốc’’, một quốc gia có nền công nghệ phát triển, là các hành xử ‘‘rất cổ hủ’’. Những thiệt hại ghê gớm cho thế giới hiện nay đang làm dấy lên những đòi hỏi phải khởi kiện Trung Quốc.

‘‘Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê’’

‘‘Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê’’ là tựa đề một bài phân tích khác của Le Point, ghi nhận cuộc đại khủng hoảng 2020 đang làm tăng tốc tiến trình tan rã của cơ chế hợp tác quốc tế, được đặt nền móng từ sau Thế chiến Hai. Le Point trở lại với cội nguồn của trật tự thế giới hiện nay, với nhận định của cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chính trị gia Thụy Điển Dag Hammarskjöld: Mục tiêu xây dựng Liên Hiệp Quốc ‘‘không phải là để đưa nhân loại đến thiên đường, mà là để giúp chúng ta không rơi xuống địa ngục’’. Rốt cục, sứ mạng của Liên Hiệp Quốc đã thất bại : Đại dịch này cho thấy rõ.

Đọc thêm: Virus corona - Covid-19: Tổ Chức Y Tế Thế Giới có góp phần để dịch trầm trọng hơn?
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, định chế phụ trách y tế của Liên Hiệp Quốc đã không đảm nhiệm được vai trò: WHO bênh vực Bắc Kinh, gạt Đài Loan ra ngoài, trong khi nền dân chủ này đã có chính sách đúng trong cuộc chiến chống dịch, WHO cũng không tiến hành điều tra một cách không thiên vị nguồn gốc virus… Về phần mình, Hội Đồng Bảo An cũng tồi tệ không kém. Ngày 10/04, định chế có vai trò lớn đối với nền an ninh thế giới này mới họp lần đầu tiên về Covid-19, nhưng không ra đuợc nghị quyết.

Dù sao, Le Point cũng kết thúc bài phân tích với một sắc thái lạc quan, khi nhấn mạnh là, thời đại chúng ta cho thấy, thường là sau mỗi lần trải qua chiến tranh hay khủng hoảng, nền dân chủ, nhân quyền và hợp tác quốc tế lại được thiết lập. Sau mỗi lần rơi vào đại thảm họa, nhân loại lại trở về tìm kiếm thống nhất và tinh thần đoàn kết. ‘‘Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho việc tái xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế’’.

‘2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch’’

Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho một hệ thống quan hệ quốc tế mới. Le Point có bài phỏng vấn nhà bình luận chính trị Thụy Điển Johan Norberg cho thấy triển vọng này, với tiêu đề ‘‘2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch’’. Nhà bình luận Thụy Điển - theo quan điểm tự do, ủng hộ tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, cho dù cần phải điều chỉnh - tỏ ra tin tưởng là nền khoa học với trình độ và mức độ toàn cầu hóa như hiện nay hoàn toàn có thể cho phép nhân loại đối phó tốt với đại dịch, với điều kiện ‘‘phải đoàn kết’’. Theo ông, về mặt nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ quốc tế lại phản ứng mau lẹ như vậy với một bệnh dịch mới xuất hiện: Khoảng một tuần sau khi virus được xác nhận, các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết lập được bản đồ gen, vào giữa tháng 2, các nhà khoa học Đức đã chế được xét nghiệm nhanh…

Ra khỏi phong tỏa: Vẻ đẹp của ‘‘vũ điệu’' không tiếp xúc

Quan điểm lạc quan của nhà bình luận Thụy Điển có thể mang lại một không khí hưng phấn về dài hạn, nhưng trước mắt rất nhiều xã hội hiện nay đang lúng túng trước viễn cảnh còn lâu mới có vác-xin, trong lúc thời kỳ phong tỏa không thể kéo dài. Sống sao đây trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa, khi nguy cơ một đợt dịch mới bùng phát bất cứ lúc nào, là chủ đề chính của tuần san Courrier International?

Thời kỳ hậu phong tỏa sẽ chứng kiến một thay đổi lớn trong cách thức giao tiếp xã hội, xưa nay dựa trên tiếp xúc cơ thể, từ cái bắt tay, ôm hôn, hay hôn má, tùy theo mỗi nền văn hóa. Tiếp xúc cơ thể thuộc về nền tảng của quan hệ con người. Tuy nhiên, giờ đây, giãn cách xã hội, tránh né tiếp xúc lại là đòi hỏi bắt buộc của thời kỳ chung sống với Covid-19. Liệu một xã hội có thể tồn tại bình thường không, khi mọi người không còn có những tiếp xúc về cơ thể?

Theo một bài viết trên nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, một kỷ nguyên ‘‘không tiếp xúc’’ là ‘‘không thể tránh khỏi’’. Một bài viết khác trên Washington Post thì nhấn mạnh, đối diện với thảm họa kinh hoàng, với bao người thiệt mạng do virus, thì ‘‘lối sống chắc chắn sẽ bị đảo lộn hoàn toàn’’. Cây viết Gia Kourlas, một chuyên gia về vũ đạo, trên New York Times, hình dung lối sống mới với nhiều chất thơ, khi quan sát những cảnh tượng hoàn toàn mới mẻ trên đường phố New York, khi giãn cách xã hội là điều bắt buộc, mỗi người như trở thành một diễn viên múa, với những chuyển động lạ kỳ, tránh mọi tiếp xúc với người khác. Những cảnh tượng, theo tác giả, mang lại một vẻ đẹp lạ thường.

Nạn quan liêu khiến Pháp điêu đứng

Trong lúc Courrier International chú ý nhiều đến khía cạnh thi vị trong sự thay đổi lối giao tiếp trong xã hội thời ra khỏi phong tỏa, thì Le Point tuần này tập trung làm sáng tỏ những tệ hại của nền quan liêu khiến nước Pháp sa lầy trong đại dịch Covid - 19, không những trong giai đoạn phản ứng đầu tiên, mà đặc biệt trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa và phục hồi kinh tế. Điều tra của Le Point đánh giá là chính phủ đã không xác lập được một chính sách rõ ràng, giống như các nền dân chủ châu Á, hay láng giềng Đức. Một nghị sĩ cánh trung ở vùng Haut-Rhin cáo buộc chính phủ bỏ lỡ cơ hội hành động sớm ba tuần, khiến phong tỏa phải kéo dài, gây thiệt hại ước tính 100 tỉ euro.

Ngoài vấn đề thiếu máy trợ thở, thiếu khẩu trang nghiêm trọng, Le Point cũng nêu bật việc nước Pháp thiếu chiến lược xét nghiệm, do thể chế quan liêu nặng nề. Từ năm 2013, các phòng thực nghiệm y sinh về thú y không có quyền sử dụng các sinh phẩm có nguồn gốc người, và ngược lại. Cho dù Viện Hàn Lâm Y Học Pháp lên tiếng phản đối từ sớm, nhưng chỉ đến ngày 05/04 (tức hơn hai tuần sau khi phong tỏa hãm dịch), chính phủ mới dỡ bỏ hạn chế này. Cũng trong thời gian đó, tại Ý hay Đức, đã hoàn toàn không có sự đối lập như vậy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Pháp bị chậm chân trong sản xuất xét nghiệm đại trà. Một ví dụ khác là việc Cơ quan y tế cấp vùng (ARS) trong một thời gian dài đã không cho phép xét nghiệm nhân viên làm việc tại các nhà dưỡng lão (Ehpad). Việc chậm xét nghiệm bị cáo buộc là đã dẫn đến số người nhiễm virus và tử vong cao tại các Ehpad.

Theo Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE), có đến 20% chi phí y tế tại Pháp là ‘‘không cần thiết, gây lãng phí khổng lồ cho công quỹ’'. Theo chủ tịch Liên minh các bệnh viện Pháp (FHF), ông Frédéric Valletoux, nước Pháp cần nhiều đầu tư hơn cho y tế, nhưng cần đầu tư một cách thông minh hơn.

‘‘Hậu trường’’ chiến dịch gỡ phong tỏa: Sứ mạng gần như bất khả

L’Obs tuần này chú ý đến ‘‘những vấn đề trong hậu trường’’ của chiến dịch ra khỏi phong tỏa tại Pháp. Ý tưởng chính của phóng sự điều tra của L’Obs là ‘‘phong tỏa dễ hơn rất nhiều so với việc ra khỏi phong tỏa. Chính quyền hiện nay ý thức rõ đang phải đối mặt với một bài toán vô cùng hắc búa. Phương pháp điều hành xã hội từ trên xuống, bằng uy quyền, sẽ là không đủ, nhưng làm thế nào có thể chinh phục được dư luận, trong lúc khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu, và các khiếu kiện nhắm vào chính quyền đang xuất hiện ngày một nhiều?’’. Một nhân vật thân cận với tổng thống giải thích: ‘‘Hiện tại, một kẻ thù chung (dịch bệnh) giúp chúng ta đoàn kết… nhưng đến khi giai đoạn này chấm dứt, điều kinh khủng sẽ xảy ra, các rạn nứt xã hội sẽ bùng lên…’’.

Nhiều nhân vật thân cận với tổng thống Emmanuel Macron coi mục tiêu ra khỏi phong tỏa một cách an toàn, tức không xẩy ra làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai, là ‘‘nhiệm vụ bất khả’’. Một trong những nguyên nhân chính là giới khoa học dần dần phát hiện ra rằng một người có thể nhiều lần bị nhiễm virus, trong lúc ''trước đó toàn bộ chiến lược dựa vào khả năng miễn dịch’’. Nhiều người trong giới thân cận với tổng thống Macron đặt niềm tin vào sức mạnh phi thường của vị nguyên thủ, luôn sẵn sàng đối đầu với thách thức.

L’Obs trở lại bài phát biểu lần thứ 4 của tổng thống Emmanuel Macron, ngày 13/04, thu hút gần 37 triệu khán thính giả, điều chưa từng có trong lịch sử truyền hình Pháp. Mười lăm phút trước đó, toàn bộ các bộ trưởng, các nhân vật trọng yếu trong đảng cầm quyền đều không hay biết gì về những đường nét lớn của chiến lược phong tỏa, về ngày bắt đầu ra khỏi phong tỏa (11/05). Theo L’Obs, sau một thời gian dựa hẳn vào hội đồng khoa học, giờ đây vào giai đoạn đặc biệt bất trắc này, tổng thống Macron nhận lãnh trở lại vai trò người ra quyết định cuối cùng. Ngày bắt đầu ra khỏi phong tỏa mà ông đưa ra được coi là sớm hơn nhiều so với dự tính của bộ Giáo Dục. Tuy nhiên, theo L’Obs, cũng chính tổng thống Pháp đã lắng nghe tối đa tư vấn từ các phía, giới chuyên gia, triết gia, trí thức, giới chính trị, lãnh đạo tôn giáo, giới chủ, các nghiệp đoàn… trước khi ra quyết định sau cùng.

Thủ tướng Pháp có hai tuần lễ để thảo ra kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa, với 17 chương trình hành động khác nhau do các bộ phụ trách. Những vấn đề thực tế hàng đầu đặt ra là : Mở lại trường học, tổ chức giao thông, tổ chức các không gian làm việc tại doanh nghiệp như thế nào?

‘‘Dân Pháp không bạc ác với thế hệ cao niên!’’

Riêng về chủ đề tỉ lệ tử vong cao tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi sống phụ thuộc (gọi tắt là Ehpad), cũng thường gọi là nhà dưỡng lão, Le Point có bài phỏng vấn cựu nghị sĩ đảng Xã Hội Jérôme Guedj. Cuộc đối thoại được Le Point đánh giá là không có ‘‘vùng cấm’’. Tỉ lệ người chết vì Covid-19 tại các Ehpad rất cao gây bàng hoàng công luận (theo thống kê của bộ Y Tế ngày 23/04, trong số 21.856 người qua đời vì Covid-19, có 8.309 người chết tại các cơ sở y tế-xã hội, trong đó chủ yếu là tại các Ehpad).

Cựu dân biểu đảng Xã Hội nhấn mạnh là cần đặt vấn đề này trong xu hướng lão hóa chung của các quốc gia phát triển. Đến năm 2040, nước Pháp ước tính sẽ có khoảng 4 triệu người trên 85 tuổi. Đây là điều mà nhà bác học Lévi-Strauss từng ví như một trong những biến đổi nhân chủng học lớn lao, để lại những hệ quả ghê gớm, có thể so sánh với thời điểm nhân loại chọn lối sống định cư vào thời kỳ đồ đá mới. Làm thế nào chăm sóc tốt cho sức khỏe những người già cả nhất trong những năm tháng cuối đời là một vấn đề rất lớn của xã hội.

Về số lượng người cao tuổi tử vong tại các nhà dưỡng lão, cựu nghị sĩ Jérôme Guedj cho biết, hàng năm có 150.000 người trên tổng số khoảng 600.000 cụ ông, cụ bà sống trong các Ehpad, ra đi. Trung bình các cụ đến Ehpad với nhiều căn bệnh nặng, và chỉ sống trung bình khoảng hai năm tại đây. Ehpad thường được coi là nơi ở cuối đời của rất nhiều người già tại Pháp. Cựu nghị sĩ Guedij cũng hy vọng là, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là một cơ hội cho thấy cần đầu tư nhiều hơn để cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi.

Người Đức giành thắng lợi như thế nào?

Hồ sơ chính của L’Express là về các bài học từ nước Đức. Bài ‘‘Virus corona: Người Đức đã giành thắng lợi như thế nào’’ nhận xét: Trừ phi có một làn sóng dịch thứ hai, có thể nói Đức là quốc gia thành công nhất trong số các nước châu Âu đông dân. Số lượng người chết vì Covid-19 tại Đức chỉ chưa bằng một phần tư tại Pháp (tính đến ngày 21/04) (dưới 5.000 người so với trên 20.000 người tại Pháp), trong lúc cả hai quốc gia gần như đối diện với dịch Covid-19 vào cùng thời điểm.

Về ưu thế của Đức, bác sĩ Gernot Marx, trưởng khoa hồi sức, bệnh viện Aix-la-Chapelle, nhận xét: Trên thực tế, ngành y tế Pháp và Đức có thể nói có chất lượng gần giống như nhau, vấn đề tạo sự khác biệt là quyết định chính trị của chính phủ Đức. Berlin đã mau chóng nhận ra vai trò quyết định của xét nghiệm nhanh. Ngay từ giữa tháng Giêng, tức chỉ ít ngày sau khi có những thông tin đầu tiên về dịch tại Trung Quốc, một ê-kíp của Bệnh viện Đại học nổi tiếng Charité (Berlin) đã bắt tay chế tạo loại xét nghiệm này.

L’Express cũng thừa nhận nước Đức cũng có nhiều điểm yếu tương tự như Pháp, ví dụ như trong vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc về khẩu trang, cũng như đang trong quá trình cải tổ hệ thống bệnh viện, với khả năng sẽ giảm mạnh số lượng bệnh viện trên toàn quốc, để giảm chi phí. Tuy nhiên, người Đức đã tỏ ra có hiệu quả hơn trong đại dịch này, và chính đại dịch Covid-19 cũng là một cơ hội để người Đức trở lại nhìn nhận lại các giá trị của một hệ thống y tế, đã được đặt nền móng từ cuối thế kỷ XIX, dưới thời thủ tướng Bismarck, để xem xem những gì nên giữ, những gì nên bỏ.

Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200425-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0-hi%E1%BB%87u-%E1%BB%A9ng-g%E1%BA%ADy-%C3%B4ng-%C4%91%E1%BA%ADp-l%C6%B0ng-%C3%B4ng
0

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để nắm lấy quyền lực ở Liên Hiệp Quốc


Thứ trưởng nông nghiệp Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) trở thành tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Quốc tế Liên Hiệp Quốc (FAO) với nhiệm kỳ 4 năm, phát biểu tại hội nghị ngày 22/06/2020. Ảnh do FAO cung cấp. © FAO

Thực trạng Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh, mà đại dịch virus corona đã chứng tỏ, chỉ là ví dụ mới nhất cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc hiện do người Trung Quốc đứng đầu : FAO, UNIDO, ITU, ICAO. Bắc Kinh chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO.

Đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra luôn là chủ đề bao trùm của các tuần báo Pháp. « Virus corona : Khẩn cấp xã hội » - tựa chính của Courrier International. Hàng triệu người thất nghiệp trên thế giới, kinh tế ngưng đọng, nhiều lãnh vực suy sụp… Đại dịch Covid-19 làm tăng thêm bất bình đẳng, gây phẫn nộ cho những người trắng tay.

Le Point điều tra về cú sốc kinh tế mang tính lịch sử, chạy tựa « Cuộc khủng hoảng thế kỷ ». Sau hơn ba tuần phong tỏa, người Pháp tự hỏi đến bao giờ cơn ác mộng virus corona mới kết thúc - L’Obs phỏng vấn các chuyên gia và đề ra « Ba kịch bản ra khỏi khủng hoảng ». Hồ sơ của L’Express dành cho « Macron, năm zéro ». Sau đại dịch, mọi thứ sẽ không còn như xưa… nhưng với cùng một nguyên thủ. Cuộc khủng hoảng buộc nước Pháp phải thay đổi các giá trị cũng như phương pháp hành động.

Virus corona tung hoành khắp nơi, đánh bạt mọi thời sự quốc tế

Tại Ý, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, L’Express đến với « Những người hùng ở bệnh viện Bergamo », từ nhiều tuần qua vẫn là tâm bão. Nằm cách Milano 60 km, tỉnh Bergamo đến cuối tháng Ba có đến gần 9.000 người dương tính và trên 2.000 trường hợp tử vong.

Với 900 giường bệnh trong đó có 80 giường chăm sóc đặc biệt, bãi đáp trực thăng 24/24 và 4.000 mét vuông dành cho cấp cứu, bệnh viện công hiện đại khai trương năm 2012 tưởng chừng sẽ đứng vững trước mọi cú sốc. Tuy nhiên bỗng chốc có hàng trăm bệnh nhân nhập viện, tất cả đều bị khó thở. Chỉ trong vòng một tháng, từ zéro ca đã lên đến 6.000 ca ! Bệnh viện phải cho các bệnh nhân khác chuyển viện để dành riêng cho Covid-19, đào tạo khẩn cấp kỹ thuật sử dụng máy trợ thở cho nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân nặng.

Hồ sơ của Courrier International lướt qua tình hình xã hội tại nhiều nước trên thế giới. Tại miền nam nước Ý, quả bom xã hội có nguy cơ bùng nổ vì nhiều người lao động không có hợp đồng, bỗng chốc mất việc và không được trợ cấp. Ở Nigeria, người dân sợ rằng sẽ chết đói trước khi bị con virus từ Vũ Hán giết chết. Từ Liban cho đến Libya, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh giới nghiêm, tại Mêhicô những người bán hàng rong, giúp việc nhà, người làm công nhật vẫn cố làm việc bằng mọi giá. Tại Irak, Syria, Liban mà dịch Covid-19 từ Iran lan đến, chính quyền không dám công bố con số nạn nhân thực sự vì sợ dân chúng sẽ nổi dậy chống Teheran.

Cây bút Patrick Besson trên Le Point đặt dấu hỏi, những ngôi sao vẫn chiếm trang nhất các báo trước đây đâu cả rồi ? Các tập đoàn tội phạm Mêhicô, thảm kịch Syria luôn được nhắc đến hàng ngày từ nhiều năm qua, những chiến binh Kurdistan, khủng hoảng Venezuela rồi những đợt bắn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên…Tất cả đều đồng loạt biến mất trên truyền thông, nhường chỗ cho con virus siêu nhỏ từ Vũ Hán.

Nhà bình luận Bernard-Henri Lévy nhắc nhở « Ký ức bị quên lãng của virus corona ». Mùa hè 1968, một con virus vô danh từ Trung Quốc lan tràn trên thế giới làm ít nhất 1 triệu người chết trong đó 50.000 người tại Mỹ và 30.000 người tại Pháp. Dịch « cúm Hồng Kông » này ít ai còn nhớ đến ngoài các nhân viên y tế thời đó. Trước nữa, năm 1957-1958, xảy ra nạn dịch « cúm châu Á », xuất phát từ Quý Châu (Guizhou) và Vân Nam (Yunnan) làm tổng cộng 2 triệu người thiệt mạng, đa số nạn nhân có bệnh nền là tiểu đường và bệnh tim.

Tổng giám đốc WHO : « Thế giới phải biết ơn Trung Quốc » !

Về địa chính trị, đại dịch corona hiện nay chứng tỏ hiệu quả của việc Bắc Kinh sắp đặt những con cờ của mình trên trường quốc tế. Le Point phân tích « Trung Quốc đã nắm lấy quyền lực ở Liên Hiệp Quốc như thế nào ».

Ngày 29/01/2020, vào lúc thế giới bắt đầu nhận ra tầm cỡ của đại dịch với mức độ sát hại khủng khiếp của con virus từ Vũ Hán, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lại tuyên bố « Trung Quốc xứng đáng được chúng ta biết ơn và trân trọng ».

Chuyên gia François Godement, cố vấn về châu Á của Viện Montaigne, Paris nhận xét : « Tổng giám đốc WHO thường xuyên bênh vực Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, chưa bao giờ có một lời nào chỉ trích Bắc Kinh. Ông ta không bao giờ đặt dấu hỏi về các con số mà Trung Quốc đưa ra, và một số tuyên bố của ông rõ ràng không thể chấp nhận được ».

WHO tiếp tục lặp lại các lời lẽ của Bắc Kinh, rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus lây từ người sang người, và mãi đến ngày 11/3 mới chịu tuyên bố đại dịch. Một nhà ngoại giao phương Tây thông thạo hồ sơ cho biết rõ ràng Trung Quốc đã gây áp lực do sẽ bất lợi cho mình, trong khi rất nhiều chuyên gia và tổ chức đã báo động về một thực tế khác hẳn. Vấn đề là một số nước trong đó có Pháp, dựa vào các thông cáo của WHO nên đã chậm trễ trong việc đối phó.

Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn để nắm lấy quyền lực tại Liên Hiệp Quốc

Thực trạng Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh chỉ là ví dụ mới nhất cho ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc do người Trung Quốc đứng đầu : Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Một nhà ngoại giao Pháp cảnh báo : « Trung Quốc đang nắm lấy quyền lực tại Liên Hiệp Quốc. Xu hướng này càng mạnh hơn khi Hoa Kỳ của Donald Trump đang muốn rút lui ».

Cựu đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Michel Duclos nhận xét, vào đầu những năm 2000 Trung Quốc chừng mực hơn. Tại Hội Đồng Bảo An, họ đứng phía sau Nga và chỉ lên tiếng khi nào lợi ích trực tiếp như Tây Tạng, Đài Loan bị đe dọa. Nhưng dần dần Bắc Kinh nhận ra nên đầu tư vào những chức vụ chủ chốt ở Liên Hiệp Quốc.

Biểu tượng rõ nhất là thắng lợi gây ngạc nhiên của ứng cử viên Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) của Trung Quốc cho chức tổng giám đốc FAO, tháng 6/2019. Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc vượt qua ứng cử viên người Pháp Catherine Geslain-Lanéelle của châu Âu và Davit Kirvalidze (Gruzia, được Hoa Kỳ ủng hộ). Đại sứ Pháp tại Trung Quốc lúc đó tố cáo : « Tất cả mọi người đều biết nhờ đâu người của Trung Quốc được bầu, mặc dù thua kém ứng viên Pháp về mọi mặt ».

Bốn tháng trước đó, Bắc Kinh không ngần ngại xóa món nợ 78 triệu đô la cho Cameroun để ứng viên Médi Moungui của nước này rút lui. Richard Gowan, thuộc International Crisis Group cho biết : « Bắc Kinh gây áp lực trực tiếp với các nước châu Phi vốn ở thế yếu ». Tổng cộng, Trung Quốc đã chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO.

Trước đó năm 2015, Bắc Kinh cấp 2 tỉ đô la trong 10 năm cho quỹ vì hòa bình và phát triển. Động thái vừa giúp đánh bóng hình ảnh Trung Quốc vừa gây ảnh hưởng lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hướng về các lợi ích của Bắc Kinh. Chủ nghĩa đa phương phiên bản Trung Quốc chỉ nhằm thống trị, « trên thực tế, đó là song phương được nhân lên nhiều lần » - theo Jean-Maurice Ripert, cựu đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc cuối những năm 2000.

Vô hiệu hóa các tổ chức quốc tế

Đối với Bắc Kinh, Liên Hiệp Quốc chỉ là phương tiện. Trung Quốc cũng không ngần ngại đưa ra những sáng kiến cạnh tranh như nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Con đường tơ lụa mới…Những dự án « quốc tế » mà Bắc Kinh là trung tâm, nhằm vô hiệu hóa Liên Hiệp Quốc một cách có phương pháp.

Các cán bộ Trung Quốc làm áp lực tại các ủy ban trực thuộc trong bất kỳ văn bản nào để đưa vào các quan điểm của đảng. Các từ ngữ của Tập Cận Bình « đôi bên cùng có lợi », « cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh» xuất hiện nhan nhản trong nghị quyết về Afghanistan, về giải trừ vũ khí trên không gian hay phát triển kinh tế xã hội ở châu Phi.

Không chỉ lạm dụng quyền phủ quyết, Bắc Kinh còn lập ra những liên minh nhằm ngăn chận những nghị quyết mình không ưa. Để phản đối việc mở rộng Hội Đồng Bảo An, có thể có lợi cho đối thủ Nhật Bản, Trung Quốc thẳng thừng đe dọa Jamaica, do đại diện nước này phụ trách việc chuẩn bị cải cách. Richard Gowan cho biết người của Trung Quốc đến thẳng Kingston (thủ đô Jamaica) dọa sẽ trừng phạt kinh tế nếu không rút lui.

Một lãnh vực được Bắc Kinh đặc biệt chú ý là nhân quyền, họ muốn vào Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để bảo đảm vô hiệu hóa cơ quan này. Từ khi Hoa Kỳ rút ra năm 2018, Bắc Kinh tha hồ làm mưa làm gió, đứng đầu một khối các nước độc tài (Cuba, Iran, Venezuela, Syria…). Nếu không đủ số phiếu để chận một văn bản, họ dùng thủ đoạn để ngăn các nhà ly khai phát biểu.

Quay lại với WHO - dưới sức ép của Bắc Kinh đã buộc Đài Bắc phải đứng ngoài - nếu tổ chức này chịu nghe lời cảnh báo từ ba tuần trước đó của Đài Loan về nguy cơ virus corona lây từ người sang người, thì đại dịch đã có thể ngăn chận được ngay từ đầu. Nay Trung Quốc dùng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm, « gắp lửa bỏ tay người ».

Nobel văn chương 2010 : Đại dịch sẽ không gây hậu quả lớn nếu không xuất phát từ Trung Quốc

Giải Nobel văn chương người Pêru, Mario Vargas Llosa sau bài viết trên nhật báo tiếng Tây Ban Nha El Pais - nhấn mạnh rằng con virus corona xuất xứ từ Trung Quốc - thì tất cả các tác phẩm của ông đều biến mất trên các trang web thương mại ở Hoa lục !

Trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, nhà văn nhận định « Virus corona làm hài lòng tất cả những kẻ thù của tự do ». Theo nhà văn, đại dịch là cái cớ lý tưởng để các Nhà nước độc tài hạn chế quyền tự do của người dân. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã đàn áp các bác sĩ cảnh báo, làm chậm trễ nhiều tuần lễ khiến nạn dịch hoành hành, gây thảm họa cho toàn thế giới. Thật phi lý nếu coi Trung Quốc là hình mẫu, vì chỉ là một chế độ độc tài có mở cửa về kinh tế.

Còn trên L’Express, Mario Vargas Llosa cho rằng « Sự mọi rợ nguyên thủy luôn sẵn sàng tái sinh dưới lớp áo con người hiện đại ». Tuy vậy hậu quả từ đại dịch sẽ bớt nặng nề hơn nếu không xuất phát từ Trung Quốc. Cũng như thảm họa Tchernobyl, đến nay vẫn không thể nào biết được những gì đã thực sự diễn ra vào ngày 26/04/1986 tại Ukraina thuộc Liên Xô cũ, vì ngay cả những tài liệu trình lên cấp cao cũng giả tạo. Trong một đất nước tự do với nền báo chí đa dạng, sẽ không bao giờ có sự mù mờ này.

Nhà văn thấy rằng một trong những mặt tích cực của virus corona là khiến người dân các nước dân chủ nhận ra giá trị của nhân quyền, các quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận…được thụ hưởng lâu nay.

Các bác sĩ Cuba, nô lệ thời hiện đại

Từ châu Mỹ la-tinh, các nhân viên y tế Cuba đến hỗ trợ các nước đang quá tải vì dịch Covid-19. Nhưng theo L’Express, hậu trường của sự kiện này chẳng có gì đáng ca ngợi.

Từ ngày 22/3, Cuba gởi 37 bác sĩ và 15 y tá đến làm việc tại vùng Lombardia của Ý, và gần đây Paris cũng đã chấp nhận để các bác sĩ Cuba tăng cường cho bốn đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Đây là một thắng lợi ngoại giao của La Habana.

Tuy nhiên theo đơn kiện của Prisoners Defenders có trụ sở tại Madrid, sau khi đến nước ngoài là trưởng phái đoàn thu lại hộ chiếu của các bác sĩ, lương của họ bị chính phủ giữ lại 90%. Họ không được mang theo gia đình, không được mang theo bằng cấp bác sĩ trong hành lý, và những ai « đào ngũ » có thể lãnh án từ 3 đến 8 năm tù.

Vì sao Mỹ thiệt hại nặng nhưng ông Trump lại được thêm tín nhiệm ?

Nhìn sang nước Mỹ, L’Obs ghi nhận một nghịch lý, tỉ lệ tín nhiệm của Donald Trump vẫn lên cao tuy lâu nay tổng thống không coi nạn dịch virus corona là nghiêm trọng, làm ngơ trước những cảnh báo.

Bảy ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng 2017, ê-kíp Nhà Trắng của Obama đã có báo cáo về « kịch bản ác mộng » của một đại dịch. Đến năm 2019, kịch bản « Crimson Contagion » dự báo nếu đại dịch xảy ra, từ 54.000 đến nửa triệu người Mỹ có thể thiệt mạng, và khiến nền kinh tế bị thiệt hai từ 413 đến 3.790 tỉ đô la.

Tuy nhiên đội ngũ Nhà Trắng bị thay đổi thường xuyên, và người chịu trách nhiệm về nguy cơ dịch tễ đã rời bỏ công việc trong chính quyền Trump. Bản thân ông Trump cũng không quan tâm đến những báo cáo loại này. Đến ngày 31/01/2020, khi quyết định đóng cửa biên giới với những người từ Trung Quốc đến nhưng không phải là công dân Mỹ, thì đã quá muộn : trước đó một tháng, 300.000 người từ Trung Quốc đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Hậu quả tai hại nay đã rõ, nhưng vì sao tỉ lệ tín nhiệm của ông Trump đã không bị sụt giảm mà còn tăng lên 4 điểm ? Theo giáo sư Dan Wood, đối với tổng thống « không giống ai » này « một bộ phận cử tri yêu mến ông, một bộ phận khác ghét cay ghét đắng, và ai cũng khư khư ý kiến. Chỉ có một số rất nhỏ người trung dung, và như vậy không nên chờ đợi những thay đổi lớn trong các cuộc thăm dò ».

Brexit, nạn nhân của virus corona

Còn tại châu Âu, « Brexit là nạn nhân gián tiếp của virus corona », theo L’Express. Cuộc khủng hoảng dịch tễ cho thấy Anh quốc lệ thuộc nhiều vào châu Âu trong những lãnh vực chủ chốt, và như vậy, Luân Đôn cùng với Bruxelles nên tạm hoãn vụ ly dị, vì lợi ích của cả đôi bên.

Những đoàn xe tải vẫn nối nhau ở Calais để đưa sang Anh thực phẩm tươi, dược phẩm, khẩu trang…Dù Brexit hay không, nước Anh không còn là một hòn đảo tách biệt với châu lục. Đại dịch tấn công như vũ bão, và đến phiên vị thủ tướng chủ trương « miễn dịch cộng đồng » - để cho 250.000 người chết nhằm bảo vệ hoạt động kinh tế - phải nhập viện ở khoa hồi sức tích cực ! Đồng nhiệm châu Âu Michel Barnier thì tiếp tục chống chọi với con virus.

Boris Johnson hoặc người kế nhiệm của ông sẽ phải quyết định việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trước ngày 30/6. Tối Chủ nhật 5/4, chỉ có một bà cụ 93 tuổi là tìm được những từ ngữ đúng đắn để cổ vũ đồng bào mình trong đại dịch : đó là Nữ hoàng.
0

Ca nhiễm nCoV mới tại Trung Quốc tăng gấp đôi

(12/04/2020)- Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 99 ca nhiễm mới nCoV, tăng gấp đôi so với một ngày trước, nâng số ca nhiễm cả nước lên 82.052.


Kiểm tra thân nhiệt tại ga Hán Khẩu, Vũ Hán hôm 11/4. Ảnh: AFP.

Theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), trong các trường hợp nhiễm mới nCoV 24 giờ qua, có 97 ca ngoại nhập và hai ca nội địa. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất suốt một tuần qua. Có thêm 63 trường hợp nhiễm nCoV không có triệu chứng được phát hiện trong ngày 11/4.

Nước này không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong ngày 11/4. Số người chết do nCoV tại Trung Quốc đại lục hiện là 3.339 trong tổng số 82.052 ca nhiễm.

Hơn một nửa số ca nhiễm mới được báo cáo tại Thượng Hải, với 51 người trên chuyến bay trở về từ Nga hôm 10/4 và một người bay từ Canada cùng ngày. Tỉnh Hắc Long Giang cũng ghi nhận 21 ca ngoại nhập, tất cả đều là công dân Trung Quốc xuất phát từ Nga.

Trung Quốc hiện báo cáo 1.280 ca nhiễm nCoV có nguồn gốc từ nước ngoài, hơn 400 người đã bình phục và không người nào chết.

Trung Quốc tuyên bố về cơ bản đã kiểm soát được Covid-19 nhờ lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng kể từ tháng một. Tuy nhiên, giới chức nước này đang lo ngại về đợt bùng phát dịch lần hai từ các ca nhiễm nCoV ngoại nhập và ca nhiễm không triệu chứng.

Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 1,8 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 108.000 người chết và hơn 401.000 người đã hồi phục.

Vũ Anh (Theo Reuters)
0

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Khủng hoảng Covid-19 : Trung Quốc "trục lợi" hay châu Âu bất lực ?


(05/04/2020)- Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cách nay ba tháng và đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng dịch tễ này đã làm lộ rõ những yếu kém của một châu Âu già cỗi, thiếu một tầm nhìn, một chiến lược chung trên bình diện y tế cũng như là những lổ hỗng của hệ thống y tế Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới.

Nghe:


Một châu Âu « già nua » thụ động

Hơn một triệu người bị nhiễm bệnh, khoảng 50 ngàn người chết, gần một nửa dân số thế giới phải « tự giam mình » ở nhà, dịch Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019 đang khuynh đảo cả thế giới. Nếu như Trung Quốc giờ đây đang dần thoát ra khỏi trận dịch, thì các đại cường khác từ châu Âu đến Mỹ vẫn đang phải lao đao đối phó.

Thế nhưng, cuộc chiến dịch tễ này còn mang dáng dấp của một cuộc đọ sức giữa hai mô hình xã hội : Độc tài và Dân chủ. Giờ đây có một câu hỏi đang dấy lên : Phải chăng Trung Quốc khi thoát ra khỏi dịch bệnh còn hùng mạnh hơn và đang thắng cuộc chiến toàn cầu chống virus corona, ít nhất là trên bình diện thông tin ?

Quả thật, Trung Quốc dường như đang dập tắt được dịch bệnh trong nước nhờ vào những biện pháp nghiêm ngặt. Những biện pháp lúc ban đầu bị chỉ trích là chỉ có một chế độ toàn trị mới có thể đưa ra những quy định khắt khe đến như thế, để rồi sau đó, được sao chép lại bằng cách này hay cách khác tại các nước được cho là « dân chủ ».

Và nhất là hình ảnh một Trung Quốc « cứu nhân độ thế » được tuyên truyền rầm rộ : Đến hỗ trợ nước Ý, gởi hàng cứu trợ đến châu Phi và nhiều nước khác trên thế giới… Con đường tơ lụa kinh tế - thương mại của Trung Quốc giờ còn là con đường tơ lụa y tế.

« Tiên trách kỷ, hậu trách nhân »

Phương Tây chỉ trích đó là chuyện tuyên truyền, Trung Quốc đến chỉ để bảo vệ lợi ích của mình chứ chẳng phải đến cứu giúp người dân. Nhưng dịch bệnh nổ ra cho thấy rõ sự thiếu khả năng chuẩn bị đề phòng của châu lục già từ nhân sự, trang thiết bị cho đến cả về mặt chiến lược. Ông Pascal Boniface, chuyên gia địa chính trị, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), có quan điểm cho rằng châu Âu trước hết phải tự trách mình :

« Đương nhiên là Trung Quốc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Ai có thể phê phán Trung Quốc ? Nước nào cũng làm điều đó, châu Âu cũng vậy. Còn nếu châu Âu không làm, thì chỉ nên tự trách lấy mình và đừng chỉ trích Trung Quốc đã làm như thế. Quả thật khi Trung Quốc đến hỗ trợ các nước khác, cũng là lúc nước này tự giúp mình, bởi vì Trung Quốc cần các nước khác tái khởi động nền kinh tế của họ do Trung Quốc cũng phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Thế nên, thay vì chỉ tập trung vào chỉ trích những điều mà tôi cho là vô bổ hay là về hệ tư tưởng của Trung Quốc, phương Tây nên nhìn thẳng vào sự việc. »

Thế giới đang đứng trước một bước ngoặt mới. Trong cuộc đại chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, kéo dài từ bao lâu nay, chẳng phải Bắc Kinh đang thắng là nhờ vào Hoa Kỳ hay sao ? Chuyên gia Pascal Boniface giải thích tiếp :

« Đó cũng có thể là do chính sách thảm hại của ông Donald Trump đối với đại dịch virus corona kể cả ở trong nước, từ lâu cự tuyệt nhìn nhận sự việc, giờ đang bị chỉ trích ở trong nước và điều này có thể khiến ông trả giá đắt cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020. Donald Trump điều hành siêu cường hàng đầu thế giới, vậy đâu rồi vai trò lãnh đạo hàng đầu của ông ? ».

Donald Trump được xem như là lãnh đạo thế giới phương Tây, thiếu trách nhiệm là một chuyện, nhưng còn châu Âu thì sao ? Vẫn theo ông Pascal Boniface, Trung Quốc « ghi bàn » đó cũng là vì sự thụ động, trì trệ, và nhất là thái độ « ỷ lại » của châu Âu vào Mỹ.

« Bởi vì nếu Trung Quốc đang thắng đó chẳng phải là do châu Âu tự phó mặc điều đó cho Trung Quốc ? Tại sao châu Âu không thúc đẩy việc cùng suy nghĩ một sự tự chủ về chiến lược cho chính mình kể cả trên phương diện truyền thông cũng như là một chính sách y tế ? Nếu không muốn Trung Quốc ghi được nhiều điểm trong cuộc chiến này, nên chăng châu Âu cũng phải phát triển một chính sách độc lập khác biệt với Hoa Kỳ ? »

Cuối cùng, nhà nghiên cứu địa chính trị kêu gọi trước những thách thức thật sự do Trung Quốc đặt ra, thay vì ta thán, phàn nàn rằng đó là một chế độ độc tài… đã đến lúc châu Âu nên xắn lấy tay áo, gánh lấy trách nhiệm và bảo vệ lấy lợi ích của chính mình. Cần phải bảo vệ và vạch ra một chính sách chung mà hiện nay chưa hề có. Bất luận thế nào, châu Âu chớ nên trách Trung Quốc là đang bảo vệ lợi ích của họ, nếu như chính bản thân châu Âu không có khả năng bảo vệ lấy chính mình.

Covid-19 và những lỗ hổng y tế của Mỹ

Tại Mỹ, dịch Covid-19 đã làm cho hơn 6.000 người chết. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo người dân « hai tuần địa ngục » sắp tới, khi dự phóng con số nạn nhân có thể lên từ 100 -240 ngàn người. Hoa Kỳ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Bất chấp dịch bệnh hoành hành dữ dội trong nước, chủ nhân Nhà Trắng vẫn khước từ ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc như nhiều nước châu Âu đang làm. Và tùy theo từng bang, biện pháp phong tỏa được áp dụng một cách khác nhau.

Trả lời các câu hỏi của RFI, cô Sarah Rozenblum, chuyên nghiên cứu về Y tế công và Khoa học chính trị tại đại học Michigan cho rằng khủng hoảng dịch tễ hiện nay cho thấy rõ những khiếm khuyết của hệ thống y tế của Mỹ.

« Điều đó có liên quan đến đặc tính rất phân cấp của hệ thống y tế Mỹ. Ở nước này, các quyết định y tế được đưa ra ở cấp độ bang hay địa phương. Bởi vì, ý tưởng chính là làm sao các quyết định đưa ra phải gần với nhu cầu của dân chúng.

Khi không có các cuộc khủng hoảng có quy mô lớn, điều này có ý nghĩa. Nhưng trong cuộc đại dịch toàn cầu này, cần phải hợp nhất, phối hợp hài hòa đối phó ở cấp độ từng bang mà cả ở quy mô liên bang. Đó chính là những gì tài liệu hướng dẫn chuẩn bị nguy cơ đại dịch đề ra, do chính quyền Obama soạn thảo.

Thế nhưng cách nay vài ngày, chúng tôi được biết là chính quyền Donald Trump đã quyết định cố tình lờ đi tập sách, vốn khuyến nghị chính phủ liên bang nắm giữ một vai trò thống nhất, một vai trò tuyến đầu…

Trong khi chính quyền Donald Trump quyết định chọn thoái lui ra khỏi việc quản lý của khủng hoảng trên bình diện y tế khi ưu tiên cho mảng kinh tế nhiều hơn, Ông ấy đã ủy thác việc xử lý dịch bệnh cho các thống đốc và chính quyền địa phương, vốn dĩ có những phản ứng ít nhiều gì cũng hung hăng hơn, duy ý chí và nhiều khiếm khuyết. »

Liệu rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay có thể làm tạo ra một mô hình xã hội mới hay một hệ thống y tế mới tại Mỹ ? Về câu hỏi này, cô Sarah Rozenblum tỏ ra không mấy lạc quan.

« Hiện có 87 triệu người dân Mỹ là không có hoặc có bảo hiểm rất ít. Nghỉ bệnh không được quy định trong luật liên bang và chỉ có 11 bang công nhận quyền này. Chúng ta cũng biết là rất nhiều người dân Mỹ có bảo hiểm y tế qua trung gian người tuyển dụng.

Giờ phải chờ xem liệu cuộc khủng hoảng này có thể làm xuất hiện một trật tự xã hội mới, một mô hình chính trị hay một hệ thống y tế mới hay không. Điều đó có thể lắm nhưng lịch sử nước Mỹ luôn cho thấy là điều này khó có thể thực hiện.

Ví dụ, ngày hôm sau vụ khủng bố 11-9, việc xử lý cuộc khủng hoảng đã không có chút gì là tình liên đới cả, bởi vì những người thuộc lực lượng phản ứng nhanh như bác sĩ, hay lính cứu hỏa khi bắt đầu phát bệnh ung thư, hay các chứng bệnh đường hô hấp sau các chiến dịch cứu hộ phải mất rất nhiều thời gian để có bảo hiểm y tế.

Tại Mỹ, các thảm họa thiên nhiên tệ hại chưa bao giờ dẫn đến những thay đổi triệt để trên bình diện y tế. Hiện nay, tình hình có thể sẽ khác đi do tính chất chưa từng thấy của cuộc khủng hoảng, vốn dĩ chỉ mới bắt đầu. Thế nên, rất khó mà tiên đoán được. »
0

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Trung Quốc mưu độc chiếm Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng xa hơn

Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc từ bỏ tham vọng và các động thái để từng bước chiếm lĩnh Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng ra Thái Bình Dương, lấn chiếm xa hơn ở Ấn Độ Dương – nơi đang bị Trung Quốc bủa vây bằng đại dự án Một Vành đai, Một Con đường.



Tại Đối thoại Shangri-la đầu tháng 6 vừa qua, trả lời một quan chức quốc phòng Trung Quốc (TQ) về việc hai tàu chiến của Mỹ tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng 5/2018 để thách thức các tuyên bố chủ quyền của TQ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: “Chúng tôi không tiến hành tuần tra tự do hàng hải cho riêng nước Mỹ… Đó là tự do cho tất cả các quốc gia lớn lẫn nhỏ thực hiện qua lại ở các vùng biển phục vụ cho sự thịnh vượng của họ, và họ có đủ lý do để làm điều ấy”.

Dù vậy theo đánh giá của bà Bonnie Glaser và ông Gregory Poling, hai chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, các tuyên bố từ phía Mỹ như Bộ trưởng Mattis đưa ra, và việc Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông không ngăn được TQ tiếp tục các hành vi đe dọa tự do hàng hải của khu vực, đặc biệt là của các nước láng giềng.

“Hành vi này của TQ gây tổn thất kinh tế đối với các nước đang phát triển trong khu vực, và rộng hơn là đe dọa luật pháp quốc tế và lợi ích của Mỹ trong việc duy trì một trật tự dựa trên các nguyên tắc”, hai chuyên gia viết trên tạp chí Foreign Affairs hôm 5/6 vừa qua.


Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar phi pháp trên đá Chữ Thập. Ảnh: AMTI/ Thanh niên

Trung Quốc sẽ tiếp tục từng bước lấn tới

Cả TQ và Mỹ đều hiểu rằng đây là giai đoạn mà cả hai quốc gia đều không muốn bày tỏ bất kỳ sự nhượng bộ nào. Trung Quốc kể từ tháng 7 năm ngoái đã liên tục gây căng thẳng ở Biển Đông. Từ việc cưỡng ép, đe dọa một số dự án dầu khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, đến việc đặt vũ khí hạng nặng bao gồm tên lửa, máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng, radar, tập trận, v.v... ở các thực thể nhân tạo chiếm đóng trái phép ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa.

Trong khi đó, Philippines cũng bị TQ chèn ép khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hà Lan về vụ Philippines kiện TQ vào năm 2016 cho đến nay không cho thấy nhiều tác dụng về mặt chiến lược. Không những thế, Manila đã phải thỏa thuận với TQ để tiến hành khai thác chung nguồn tài nguyên mà theo phán quyết của Tòa Trọng tài, có thể hiểu không thuộc về TQ.

Một cách vô lý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng vào giữa tháng 5 vừa qua tuyên bố: “Tôi muốn nhắc lại rằng không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào, khi không có sự cho phép của Chính phủ TQ, có thể thực hiện các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền của TQ. Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng nghiêm túc quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ, không làm bất kì điều gì có thể tác động đến các mối quan hệ song phương và hòa bình, ổn định khu vực”.

Các tuyên bố này luôn đi đôi với các hoạt động vũ trang có tính toán của TQ nhằm vừa răn đe bằng lời nói, vừa lấn tới trên thực địa, đặc biệt là khi cán cân quyền lực tại khu vực đang ưu thế về phía TQ. Bên cạnh đó, nhân tố Tập Cận Bình rất quan trọng. “Chiến thắng lịch sử” tại Đại hội Đảng 19 cho phép ông Tập có thêm nhiều thời gian để củng cố chiến lược mang màu sắc cá nhân của mình, đó là phát triển lực lượng quân đội hùng mạnh để theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và khẳng định vị thế của TQ trên trường quốc tế.

Hơn ai hết trong những người tiền nhiệm, “chủ nghĩa xét lại” ít nhất tại khu vực Châu Á đang là ưu tiên của ông Tập. Bắc Kinh nuôi tham vọng thiết lập lại cấu trúc an ninh khu vực hiện hành; tái định hình các thể chế an ninh, chính trị khu vực hiện tại; xét lại các quy tắc và chuẩn mực đang điều chỉnh các mối quan hệ khu vực; và khao khát đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chương trình nghị sự khu vực. Nói nôm na, cái gọi là “thượng tôn pháp luật” hay tuân theo luật chơi chung của quốc tế đang bị TQ nỗ lực xóa bỏ, nhằm thay thế và củng cố một luật chơi mới do TQ đề ra và tất cả các bên, kể cả Mỹ và các cường quốc trong, ngoài khu vực dù muốn hay không đều phải tuân thủ.

Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy TQ từ bỏ tham vọng và các động thái “tằm ăn lá dâu” (tằm thực) để từng bước chiếm lĩnh Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng ra khu vực Thái Bình Dương, lấn chiếm xa hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – nơi đang bị TQ bủa vây bằng đại dự án Một Vành đai, Một Con đường. Bất kỳ một sự “suy xét lại” hay tỏ ra chùn bước cũng sẽ khiến chủ nghĩa dân tộc của TQ hoài nghi về tư thế vững chắc của Bắc Kinh trước Washington và phương Tây.

Theo Vietnamnet
0