Nhiều khán giả bức xúc khi trong bộ phim cổ trang Trung Quốc Thịnh Đường Huyễn Dạ có một cảnh phim sử dụng nhã nhạc cung đình Huế. Một số tập của phim này đã được phát sóng trên kênh VTV8.
Đáng nói, đây là cảnh hiến vũ của các vũ công với dàn nhạc dâng lên cho hoàng đế và các quan trong buổi dạ yến.
Sau khi nghe đoạn nhạc trong phim, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền khẳng định đoạn nhạc trong cảnh phim nêu trên đúng là nhã nhạc cung đình Huế. “
Chuyện dùng nhạc phim như vậy rõ là râu ông nọ cắm cằm bà kia, không nên và không hay chút nào”, ông Hiền nhận xét.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho hay đoạn nhạc xuất hiện trong phim là bản Lưu thủy kim tiền (nhã nhạc cung đình Huế).
“Đây là bản hòa tấu quen thuộc của người Việt trong các sinh hoạt, nghi lễ mang tính cộng đồng hay lễ hội truyền thống ở khắp đất nước chúng ta từ hàng trăm năm qua”, ông Long nói và cho biết thêm: “Bản Lưu thủy kim tiền được định hình rõ nét và mang tính chất chuyên nghiệp, quy củ trong nhã nhạc cung đình Huế, được dùng trong sinh hoạt chính thống của triều Nguyễn”.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long từng “giải mã” xung quanh nguồn gốc của nhã nhạc cung đình Huế.
Theo nghiên cứu của ông Long, thuật ngữ “nhã nhạc” xuất hiện lần đầu vào thời nhà Hồ đầu thế kỷ 15 (1400 - 1407), mặc dù các tổ chức dàn nhạc cung đình đã được thành lập trước đó nhiều thế kỷ.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Vào năm 1402, Hồ Hán Thương đã cho “đặt nhã nhạc, lấy con các quan văn làm kinh vĩ lang, con các quan võ làm chỉnh đốn lang, tập múa các điệu văn, võ”. Việc phân định rõ ràng như vậy cho thấy sự chính quy, chuyên nghiệp hóa của âm nhạc cung đình nước ta bắt đầu từ thời kỳ này.
Nhìn vào sự phát triển nhã nhạc và những gì được ghi trong sử sách, có thể thấy ảnh hưởng của nhã nhạc Trung Quốc với Việt Nam, cũng như những quốc gia như Nhật Bản, Triều Tiên..., nhưng đều được “cải tiến”, biến đổi.
Tại Việt Nam, sự ảnh hưởng lớn nhất, nếu có, chỉ xảy ra ở thời nhà Lê. “Tuy nhiên, nhã nhạc thời kỳ này cho đến nay đã hoàn toàn thất truyền. Hiện nay, chúng ta không còn một bài bản nào được vang lên bằng âm nhạc, sự ảnh hưởng có chăng chỉ còn ở cái tên của một số bản nhạc và các nhạc cụ”, ông Long cho hay.
Theo nhạc sĩ Thao Giang, những nghệ nhân đất Việt đã tạo nên sự khác biệt, tô đậm bản sắc riêng của dân tộc Việt trong những bản nhạc cung đình trong suốt hàng trăm năm. Sự khác biệt không chỉ ở cách thể hiện, giai điệu, mà cả những nhạc cụ đã được các nghệ nhân cải tiến, sáng tạo.
Với những giá trị đặc biệt, nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, việc nhà làm phim Trung Quốc vô tình hay cố ý sử dụng âm nhạc của nước khác đưa vào bộ phim lấy bối cảnh thời kỳ phong kiến của mình là khó chấp nhận.
Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự “hồn nhiên” khi phim được nhập hay trình chiếu như vậy.
“Nếu cứ để bị “lủng trận” như thế thì đừng trách sao giới trẻ Việt thiếu ý thức bảo vệ văn hóa nguồn cội, không còn thiết tha giữ gìn văn hóa Việt”, ông Phước nói.
Theo VTV8, sau khi có thông tin về việc trong phim này có dùng nhã nhạc cung đình Huế, VTV8 đã cho xác minh. Trong lịch phát sóng những ngày tới đây, VTV8 không phát sóng bộ phim này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/phim-co-trang-trung-quoc-muon-nha-nhac-cung-dinh-hue-1218187.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét