Vibay

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Trung Quốc : Một cuộc diệt chủng và một đợt thanh trừng

Trung Quốc : Một cuộc diệt chủng và một đợt thanh trừng
Từ năm 2018, Bắc Kinh âm thầm lập kế hoạch để làm « tan biến » sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ. Cùng lúc này, Tập Cận Bình giương bàn tay thép, mở chiến dịch thanh trừng trong các lực lượng an ninh quốc gia nhằm củng cố quyền lực. Những chủ đề này được L’OBS và The Economist lần lượt phản ảnh qua các bài viết « Người Duy Ngô Nhĩ : Một tấn bi kịch » và « Thanh trừng trong ngành an ninh Trung Quốc có ý nghĩa gì ».

Trang bìa tuần báo L’OBS chạy tít lớn : « Duy Ngô Nhĩ : Một cuộc diệt chủng bị che giấu ». Tờ báo cho rằng dù có che giấu kỹ đến mấy, nhưng cùng với năm tháng, những hành động tàn nhẫn của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ cũng bị phơi bày.

Các nhân chứng, những tài liệu rò rỉ cho thấy chế độ cộng sản Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã có hẳn một kế hoạch để nô lệ hóa một cách có hệ thống 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, sắc tộc thiểu số nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi, chiếm đa số ở Tân Cương.

Bài xã luận đề tựa « Duy Ngô Nhĩ : Nỗi thống khổ của một dân tộc » của L’OBS lên án Bắc Kinh không từ bỏ một thủ đoạn « dã man » nào để « tận diệt hoàn toàn hay một phần sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ ». Từ việc cưỡng bức lao động, giam giữ tùy tiện hơn một triệu người trong các trại tập trung, hãm hiếp có hệ thống, cưỡng bức triệt sản, cho đến tăng cường chính sách Hán hóa bằng cách phá hủy các dấu tích văn hóa, ép buộc các gia đình Duy Ngô Nhĩ phải chứa những « anh em người Hán » ngay trong nhà…

Đối với L’Obs, đây là « Một tấn bi kịch cho người Duy Ngô Nhĩ ». Lời thuật của Gulbahar Haitiwaji, 54 tuổi, « Người trở về từ trại lao cải », may mắn thoát được cảnh địa ngục trần gian sau khi được chính phủ Pháp can thiệp, về một câu chuyện do một người bạn tù lén lút kể lại, như là một lời chứng bi ai:

« Một ngày nọ tôi thấy một quản giáo người Duy Ngô Nhĩ. Anh thanh niên này đối mặt với một ông già mà họ vừa dẫn vào trại. Đó là cha của anh. Người thanh niên đứng sững sờ. Người Trung Quốc ra lệnh : ʺĐánh hắn điʺ. Anh ta giơ cao chiếc gậy dùi cui và hạ giọng nói : ʺCha tha lỗi cho conʺ. Người cha trả lời : ʺNày con, hãy làm công việc của con đi. »

Nam Khai : Kế hoạch làm « tan biến » sắc tộc Duy Ngô Nhĩ

Nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz, thuộc The Jamestown Foundation, cảnh báo sẽ là sai lầm khi cho rằng tất cả những biện pháp trên đã làm cho Bắc Kinh hài lòng và cảm thấy yên tâm. Làm « tan biến » sắc tộc Duy Ngô Nhĩ mới là bước đi quan trọng kế tiếp.

Chiến thuật dài hạn này được ba học giả Trung Quốc trường đại học Thiên Tân vạch ra trong một báo cáo mật năm 2018, mang tên là « Nam Khai » (Nankai), mà L’Obs cùng với các đồng nghiệp phương Tây khác như BBC (Anh), Suddeutsche Zeitung (Đức) và The Globe and Mail (Canada), đã may mắn tham khảo được.

Theo bản báo cáo, những biện pháp đang áp dụng là cần thiết nhưng chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn. Các tác giả đánh giá rằng người Duy Ngô Nhĩ là « cổ hủ, ít học, tư tưởng hẹp hòi, tôn sùng tôn giáo thái quá, thậm chí là quá bám chặt vào những giá trị tâm linh, ít quan tâm đến các giá trị vật chất, không tích cực lao vào những công việc nặng nhọc, hay không hăng hái kiếm tiền… »

Sự « thiếu năng động này » đã ngăn cản họ tiếp cận với xã hội hiện đại, khuyến khích « niềm tin sai lệch cho rằng nhóm sắc tộc nào thì sở hữu vùng lãnh thổ đó ». Với ba vị chuyên gia này, hệ quả của « việc thiếu đồng nhất hóa với Quốc gia - Giống nòi Trung Hoa » là một « mối đe dọa nghiêm trọng cho sự bình ổn của đất nước. »

Thế nên, lấy danh nghĩa « giảm tình trạng nghèo khổ », ba học giả Trung Quốc khuyến nghị cần phải cải huấn họ bằng cách chuyển dịch nguồn nhân công, cưỡng ép đưa từng nhóm hàng chục ngàn thanh niên Duy Ngô Nhĩ bằng tầu lửa, đến lao động tại những khu công nghiệp cho các hãng lớn của Trung Quốc.

Kế hoạch làm « tan biến » nhóm sắc tộc thiểu số được cho là « cứng đầu » này đã được tiến hành ngay từ năm 2018. Song song đó, chính quyền trung ương đưa hàng trăm ngàn người Hán đến làm việc tại những khu công nghiệp mới được thành lập ở Tân Cương.

Ba vị chuyên gia Trung Quốc còn đưa ra kết luận rằng những công nhân được đào tạo theo phong cách « quân sự » cho thấy cực kỳ có kỷ luật, biết vâng lời, sẵn sàng làm thêm giờ không đòi hỏi lương. Và họ có thể làm việc với một mức lương rẻ hơn so với nhân công người Hoa, điều có thể hấp dẫn các chủ nhà xưởng Trung Quốc.

« Cải huấn », « văn minh hóa » trá hình ? Một chính sách nô lệ hóa một dân tộc của mình ngay trong lòng đất nước ? Sử gia James Millward, chuyên nghiên cứu về Tân Cương, trả lời L’OBS nhắc lại triều đại Mãn Thanh thế kỷ XVIII, khi đến chinh phục Tân Cương, đã để cho thành phần ưu tú địa phương tự quản lãnh thổ. Trên bình diện toàn quốc, triều đình Mãn Thanh bảo vệ chiếc nôi Duy Ngô Nhĩ, nam Tân Cương chống lại dòng di dân người Hán nhằm tránh xung đột, trái ngược hẳn với những gì chế độ cộng sản đang làm.

James Millward cảnh báo, khi chọn giải pháp mạnh, không bao dung với đa dạng văn hóa, và nhất là khi tin rằng cách « nhồi sọ » có thể làm thay đổi suy nghĩ người dân, Tập Cận Bình có nguy cơ phải đối mặt với những cáo buộc « diệt chủng », hay chí ít cũng là « tội ác chống nhân loại » từ thế giới. Tập Cận Bình chống tham nhũng hay triệt đối thủ tiềm tàng ?

Tàn nhẫn với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng Tập Cận Bình cũng không nương tay với hàng ngũ của mình. Mượn cớ chống tham nhũng, lãnh đạo Trung Quốc thẳng tay thanh trừng những ai không trung thành với đảng và với ông. The Economist cho biết « Các cơ quan an ninh Trung Quốc đang hứng chịu một đợt thanh trừng ồ ạt ».

Ngày 27/02/2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố khởi động chiến dịch thanh trừng được báo trước từ lâu nhắm vào hàng ngũ các lực lượng an ninh nội địa như cảnh sát, mật vụ, hệ thống tư pháp và nhà tù - một lực lượng đông đến gần 3 triệu nhân viên công lực. Chiến dịch này được truyền thông trong nước mô tả là lớn nhất từ cuối những năm 1990. Mục tiêu là nhằm bảo đảm rằng các cơ quan an ninh « tuyệt đối trung thành, tuyệt đối trong sạch và tuyệt đối đáng tin cậy ».

Với nhiều quan chức Trung Quốc, chiến dịch này sẽ giống như đợt « vận động chỉnh phong Diên An » đầu những năm 1940. Vào thời điểm đó, nhằm củng cố quyền lực, Mao Trạch Đông đã cho tiến hành thanh lọc triệt để và bạo lực trong hàng ngũ phe nổi dậy theo chủ nghĩa cộng sản.

Nếu như một trong những mục tiêu chính của chiến dịch này là nhằm tiêu diệt « tầm ảnh hưởng nguy hại » của Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo an ninh nội địa, hiện đang thọ án tù chung thân từ năm 2015 với các tội danh tham nhũng, phát tán bí mật quốc gia, thì theo The Economist, cuộc thanh trừng mới này còn hàm chứa nhiều thông điệp rõ ràng.

Thứ nhất là ông Tập ham muốn quyền lực. Chiến dịch này sẽ kết thúc đúng trước kỳ đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc 5 năm một lần. Gần như chắc chắn là ông Tập Cận Bình sẽ nhân sự kiện chính trị lớn này để kéo dài thời gian cầm quyền thêm 5 năm nữa, bất chấp quy ước theo đó các tổng bí thư không nắm quyền quá 2 nhiệm kỳ 5 năm. Việc siết chặt kiểm soát các lực lượng an ninh nội địa sẽ giúp ông đè bẹp mọi sự phản đối sự thay đổi đó.

Tiếp đến, sự kiện làm nổi rõ một lý do khác, quan trọng hơn và đáng được chú ý. Đành rằng Trung Quốc, dưới một nền chuyên chế mỗi ngày một cứng rắn, trỗi dậy mạnh mẽ không ngừng, nhưng vòng xoáy chính trị luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định, có thể làm thay đổi quỹ đạo của đất nước.

Người ta còn nhớ vụ bắt giữ bà Giang Thanh, vợ góa của Mao Trạch Đông, cùng bè lũ « bốn tên » năm 1976 ; cuộc đấu tranh đưa Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền hai năm sau đó ; những chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc làm trỗi dậy các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 và cuộc đổ máu chính trị nhằm gạt trừ mọi đối thủ của Tập Cận Bình trước khi đăng quang. Ngần ấy cú sốc gây nhiễu loạn đất nước, thiết nghĩ không thể bỏ qua.

Trong bối cảnh chuẩn bị cho đại hội năm tới, những mảng tối dày đặc của nền chính trị Trung Quốc đáng được soi xét kỹ. Một phần chỉ vì ông Tập Cận Bình thách thức các quy định. Bởi vì khi bác bỏ nguyên tắc hiện đại, theo đó lãnh đạo Trung Quốc chỉ nắm vị trí cao nhất không quá 2 nhiệm kỳ, ông Tập đã thâu tóm nhiều đòn bẩy quyền lực hơn bất kỳ ai kể từ thời Mao Trạch Đông.

Đó cũng chính bởi vì, dưới thời Tập Cận Bình, chế độ này còn trở nên mù mờ hơn bao giờ hết. Chỉ có điều, một sự bí mật như thế còn làm cho một chính phủ ít có trách nhiệm với công dân của mình và ngày càng trở nên khó lường hơn cho thế giới.

Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét