Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đông Nam Á. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đông Nam Á. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Trung Quốc có thể đã bí mật ký thỏa thuận dùng căn cứ hải quân Campuchia

Báo Mỹ cho biết thỏa thuận được ký đầu năm cho phép Trung Quốc bố trí lực lượng hải quân thường xuyên ở Campuchia trong 30 năm.


Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh: Khmer Times.


Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 21/7 dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên của Mỹ và đồng minh cho biết Bắc Kinh và Phnom Penh hồi đầu năm đã bí mật ký một thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan.

Theo dự thảo mà quan chức Mỹ có được, Trung Quốc sẽ có thể bố trí quân nhân, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại căn cứ Ream, biến nơi đây thành cơ sở bố trí hải quân chuyên dụng đầu tiên của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.

Thỏa thuận có giá trị trong 30 năm và được tự động gia hạn sau mỗi 10 năm. Bài báo cho hay quan chức Mỹ đang tranh luận về khả năng liệu Washington có thể thuyết phục Phnom Penh đảo ngược quyết định hay không.

Thông tin được đưa ra sau khi các đối tác và đồng minh của Mỹ kêu gọi Campuchia không cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay do công ty tư nhân Trung Quốc đang xây dựng tại Dara Sakor với hợp đồng thuê 99 năm trên đất Campuchia. Hình ảnh vệ tinh cho thấy sân bay hiện có đường băng dài hơn 3 km, có thể cho phép máy bay quân sự Trung Quốc cất hạ cánh.

Tuy nhiên, Phay Siphan, phát ngôn viên của chính phủ Campuchia nói rằng thông tin về thỏa thuận là "giả". "Chẳng có chuyện gì như thế xảy ra cả", ông nói.

Emily Zeeberg, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, nói rằng Washington "lo ngại rằng bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia để mời gọi sự hiện diện quân đội nước ngoài" ở nước này sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định khu vực.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á Joseph Felter tháng trước yêu cầu Campuchia giải thích lý do từ chối đề xuất của Washington về việc hỗ trợ cải tạo căn cứ hải quân Ream. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh sau đó cho biết nước này đã giải thích với Mỹ rằng sự hỗ trợ như Washington đề xuất là không cần thiết bởi Campuchia đã lên kế hoạch chuyển căn cứ hải quân Ream tới khu vực khác.

Căn cứ Ream do hải quân Campuchia vận hành trên bờ biển vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Sihanoukville ở tây nam nước này. Quân đội Mỹ và Campuchia từng tiến hành một số cuộc diễn tập chung ở căn cứ này trước khi quan hệ quốc phòng giữa hai nước trở nên nguội lạnh, trong bối cảnh Phnom Penh xích lại gần hơn với Bắc Kinh.

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong những năm gần đây. Ngoài các khoản viện trợ quân sự, Bắc Kinh trong năm 2017 đã hỗ trợ Phnom Penh 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Kể từ năm 2016, Campuchia đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ nhưng hai lần tổ chức diễn tập chung với Trung Quốc. Quân đội hai nước năm nay cũng tổ chức tập trận "Rồng Vàng" với quy mô lớn để tăng cường hợp tác song phương.


Vị trí căn cứ hải quân Ream và sân bay quốc tế Dara Sakor. Đồ họa: WSJ.

Huyền Lê (Theo Wall Street Journal)/ VnExpress
0

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Sức mạnh mềm Trung Quốc tại Đông Nam Á

(Baodatviet) Chúng tôi xin lược dịch bài viết về quan hệ hợp tác quân sự- kỹ thuật của Trung Quốc với một số nước ASEAN, lập trường của Nga về Biển Đông


Trung Quốc đã triển khai lực lượng quân sự trên một số đảo thuộc Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Ảnh: www.navy.mil

LTS: Bài viết của Phó giám đốc Trung tâm phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga Aleksandr Khramchikhin đăng trên báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) ngày 20/7/2018. Cách khai thác vấn đề và quan điểm địa chính trị khu vực là riêng của tác giả nên có thể nó sẽ gây nên những cuộc tranh luận nho nhỏ, thú vị.

Nếu so với tình hình đang rất nóng ở Trung Cận Đông, Ucraine, Bán đảo Triều Tiên,- thì khu vực Đông Nam Á và phần Tây Nam Châu Đại Dương phụ cận trông có vẻ như đang là một khu vực yên bình, nhưng:

TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG

Điểm nóng xung đột địa chính trị nổi bật nhất tại khu vực này vào thời điểm hiện tại - đó là tranh chấp các đảo và mặt nước Biển Đông.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) tuy không đưa ra được bất cứ một bằng chứng có sức thuyết phục nào nhưng lại khăng khăng đòi chủ quyền đối với toàn bộ mặt nước Biển này (trừ vùng lãnh hải của các nước ven Biển Đông) và tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, còn đối với Trường Sa thì ngoài Việt Nam còn có thêm Philippines, Malaixia, Bruney và Đài Loan (trong vai “người đóng thế” của Trung Quốc”).

Đến thời điểm hiện tại Bắc Kinh đã xây dựng trên một số đảo của hai quần đảo trên các điểm dân cư (thường là các điểm dân cư giả) và các công trình quân sự (trước hết - cho không quân và phòng không) với tính toán rằng bằng cách đó có thể hợp pháp hóa quyền chiếm hữu các đảo đó.

Tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa, - đó là với căn cứ quân sự Tây Sa (theo cách gọi của Bắc Kinh). Trung Quốc cũng đã cho xây dựng các công trình cảng biển, đường băng cất hạ cánh máy bay và các trận địa tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm.

Còn trên một số đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, họ cũng đã triển khai xong một số cứ điểm quân sự trên rạn san hô Đảo Đá Chữ Thập (Fiery Reef) và các đảo khác.

Mặc dù những đảo (rạn san hô) đó có diện tích rất nhỏ, Trung Quốc vẫn cho xây dựng trên các đảo đó nhiều kiểu công trình khác nhau,- các đường băng cất hạ cánh, bãi đỗ máy bay lên thẳng, trạm khí tượng, kho chứa nhiên liệu và đạn dược, trận địa tên lửa phòng không và v.v.

QUAN HỆ QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT CỦA BẮC KINH TẠI KHU VỰC

Hiện nay, tiềm lực của Các lực lượng vũ trang (Quân đội) Trung Quốc (chưa tính tới tiềm lực vũ khí hạt nhân) cũng đã vượt nhiều lần tiềm lực quân sự của tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cộng lại. Trong lĩnh vực kinh tế, tình hình cũng tương tự như vậy.

Dĩ nhiên, các nước ASEAN cực kỳ quan ngại trước một Trung Hoa “trỗi dậy” nhanh chóng cùng các tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ. Còn về phần mình, Bắc Kinh cố “làm yên lòng” các láng giềng phía Nam của mình bằng cách củng cố tối đa quan hệ kinh tế với những nước này.

Ngoài quan hệ kinh tế, quan hệ hợp tác quân sự- kỹ thuật (của Trung Quốc) với các nước trong khu vực cũng được đẩy mạnh,- và mối quan hệ hợp tác quân sự này là một chỉ thị kế hiển thị rất rõ mức độ gần gũi về chính trị giữa Trung Quốc với nước này hay nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Mối quan hệ “gần gũi” nhất (của Trung Quốc) tại khu vực này (ASEAN) – đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc với Thái Lan và Trung Quốc với Myanmar.

Mối tình hữu nghị giữa Bắc Kinh và Băng Cốc được “khởi nguồn” từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Từ thời điểm đó, quốc gia được coi là “thành viên không chính thức thứ 16 của NATO này (tức Trung Quốc) đã cung cấp cho Băng Cốc hơn 50 xe tăng “Type 69”, 450 xe BTR (xe vận tải bọc thép) “Type 85”, hơn 50 khẩu pháo 130 ly “Type 59-1”( bản sao pháo Xô Viết M-46), một số lượng lớn (không có số liệu cụ thể) tổ hợp tên lửa phòng không vác vai HN-5.

Trong những năm 90 sau đó, nhịp độ hợp tác quân sự với Thái Lan có phần nào chững lại. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian đó Băng Cốc vẫn nhận được từ Bắc Kinh hơn 100 khẩu pháo phòng không, 4 khinh hạm kiểu “Jianghu” (“Type 053HT”- âm Hán Việt hình như là “Giang hộ” – nếu không chuẩn xin bạn đọc chỉ giáo, tên Thái là “Chao Phraya”) mang tên lửa chống hạm C-801 và 2 khinh hạm kiểu “Naresuan” đóng tại Trung Quốc nhưng khi sang đến Thái Lan lại được trang bị các vũ khí Mỹ, trong đó có tên lửa chống hạm “Harpoon”.

Bước sang thế kỷ XXI, hợp tác quân sự- kỹ thuật giữa hai nước Trung-Thái lại có bước tiến vượt bậc. Thái Lan mua của CHNDTH 4 tàu hộ vệ và các cơ số đạn tên lửa chống hạm C-802 kèm theo, các hệ thống pháo phản lực phóng dàn SR-4, tổ hợp tên lửa phòng không KS-1, các xe tăng VT-4 (phiên bản xuất khẩu của xe tăng Trung Quốc “Type 96”).

Trung Quốc cũng đã cấp giấy phép cho Thái Lan sản xuất loại pháo phản lực phóng giàn (loạt) mạnh nhất trên thế giới WS-1(tên gọi tiếng Thái là DTi-1) trên lãnh thổ nước này. Theo kế hoạch thì sắp tới Thái Lan sẽ sắm của Trung Quốc thêm một lô tăng VT-4 (không rõ số lượng), không ít hơn 30 BTR (xe vận tải bọc thép) “Type 07” và những chiếc tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử Hải quân Thái (có thể là 3 tàu ngầm).

Ngoài ra, Các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Thái Lan năm nào cũng tiến hành các cuộc tập trận chung với quy mô và bài tập khác nhau.


Tập trận chung của Các lực lượng vũ trang Trung Quốc với các nước khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: www.dvidshub.net

Lịch sử tình hữu nghị Trung Quốc và Myanmar có hơi khác (so với quan hệ Trung-Thái) một chút. Đến cuối những năm 1980, Quân đội Myanma chỉ có trong trang bị kiểu xe tăng duy nhất là xe tăng “Cometa” của Anh sản xuất từ thời Thế chiến thứ hai với số lượng không đến 30 chiếc, một số khẩu pháo cũng ra lò từ thời Thế chiến hai là M101 của Mỹ (100 khẩu).

Vào thời gian đó, Myanma không có máy bay và máy bay lên thẳng, Hải quân nước này chỉ có 10 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ do Nam Tư và Đan Mạch sản xuất. Trong khi đó, Quân đội Myanma có quân số rất đông và thường xuyên phải tiến hành các chiến dịch liên miên và vô vọng chống các nhóm ly khai và băng đảng ma túy.

Trong năm 1988, giới quân sự Myanmar lên nắm quyền.Thế giới Phương Tây phản ứng bằng cách quay lưng lại với nước này và ngay sau đó đã diễn ra tiến trình “xích lại gần nhau thần tốc” giữa Yangon với Bắc Kinh.

Trong nửa những năm 90, Trung Quốc giúp “đổi mới” toàn bộ lực lượng tăng- thiết giáp của Quân đội Myanmar, cung cấp cho nước này tới 80 xe tăng “Type 69” hơn 100 xe tăng hạng nhẹ “Type-63”, 250 BTR “Type 85”.

Trung Quốc cũng chuyển giao không ít hơn 30 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt xe kéo 107 ly “Type 63”, 24 khẩu pháo phòng không 37 ly “Type 74”, gần 200 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai HN-5A.

Trung Quốc “hỗ trợ” Myanma xây dựng gần như từ đầu một lực lượng không quân “quy chuẩn” bằng cách bán rẻ cho Myanmar 24 máy bay cường kích Q-3, 36 máy bay tiêm kích J-7, 12 máy bay vận tải, nhiều loại vũ khí hàng không. Còn đối với hải quân Myanmar- Trung Quốc thân tặng 6 tàu mang tên lửa và 10 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Trung Quốc cung cấp ngày càng nhiều phương tiện kỹ thuật quân sự cho Myanmar.

Nước này đã tiếp nhận từ Trung Quốc 50 xe tăng hiện đại “Type 90-2” (là một trong những phiên bản xuất khẩu của xe tăng “Type 96” Trung Quốc), 200 xe BMP (xe chiến đấu bộ binh) nhiều kiểu khác nhau, đến 50 tổ hợp pháo tự hành và các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, 4 đại đội (cơ số) tổ hợp tên lửa phòng không KS-1A, đến 60 máy bay huấn luyện K-8, 12 máy bay không người lái tấn công (UAV) CH-3, 2 khinh hạm “Type 053TH”.

Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển giao cho Myanmar các máy bay tiêm kích Trung Quốc hiện đại JF-17 (những máy bay này được sản xuất theo giấy phép của Trung Quốc tại Paksitan).

Ngoài ra, PLA bố trí 3 trạm (cơ sở) đảm bảo vật chất- kỹ thuật cho Hải quân Trung Quốc. Cảng Kyaukpyu Myanmar là một đầu mối vận chuyển dầu cực kỳ quan trọng ,- Trung Quốc đang xây dựng đường ống dẫn dầu nối cảng này với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt nối cảng Kyaukpyu với tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Cảng Kyaukpyu còn là một đầu mối cung cấp lương thực, nước sạch và nhiên liệu- dầu mỡ cho các tàu Hải quân PLA. Ngoài cảng Kyaukpyu, Trung Quốc còn sử dụng các cảng Yangun và Sittwe của Myanmar làm cơ sở đảm bảo vật chất- kỹ thuật cho Hải quân PLA.

Hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động một trung tâm điện tử rất lớn trên Quần đào Coco của Myanmar. Trung tâm này có chức năng dẫn đường cho các tàu ngầm, giám sát radar tình huống trên mặt nước, đảm bảo liên lạc, tiến hành trinh sát và tác chiến điện tử.

Trung Quốc đã lắp đặt một hệ thống đường ống kéo dài từ bờ biển phía Nam Myanmar lên biên giới với Trung Quốc để chuyển dầu mỏ và khi đốt được vận chuyển bằng tàu biển từ Trung Đông và Châu Phi tới (làm như vậy để các tàu chở dầu mỏ- khí đốt Trung Quốc không phải đi qua eo biển Malacca).

Nhưng song song với sự “giúp đỡ” trên cho chính quyền trung ương Myanmar, Trung Quốc lại trực tiếp hỗ trợ các nhóm ly khai Myanmar tại tỉnh biên giới Kokang ở phía Đông Bắc nước này. Trong nửa đầu năm 2015, các nhóm quân ly khai nói trên đã đánh bại Quân đội Myanmar và sau đó hai bên (các nhóm ly khai và chính phủ Myanmar) đã ký một thỏa thuận ngừng bắn do chính Bắc Kinh đứng ra làm trung gian.

QUAN HỆ VỚI CÁC NƯỚC KHÁC

Quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự của Trung Quốc với các nước ASEAN khác cũng đang được tăng cường, thêm nữa, những mối quan hệ này cũng có những gốc gác lịch sử rất thú vị.

Nước Campuchia quân chủ (Sihanuk) vào đầu những năm 70 đã được Trung Quốc cung cấp gần 40 các máy bay nhiều kiểu khác nhau (tiêm kích J-2 và J-5, máy bay vận tải Y-5, máy bay huấn luyện CJ-6), còn nước Campuchia dân chủ của Polpot- 20 xe tăng hạng nhẹ “Type 62”, khoảng 200 tổ hợp tên lửa chống tăng HJ-73 và đến 10 máy bay tiêm kích J-5 và J-6. Sau đó, như trên vừa nói, Bắc Kinh ủng hộ bè lũ Polpot ẩn náu trên đất Thái Lan.

Vào đầu những năm 90, Trung Quốc không còn quan tâm mấy đến Campuchia, nhưng trong thời gian gần đây, Campuchia lại là một trong những hướng ưu tiên trong hợp tác kỹ thuật quân sự của Bắc Kinh.

Trong các năm trở lại đây, Phnôm Pênh đã nhận từ Bắc Kinh 4 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ “Type 062-1”, 2 máy bay vận tải MA60, 12 máy bay lên thẳng Z-9 (trong đó có 4 chiếc là phiên bản máy bay lên thẳng tấn công) và 50 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai FN-6.

Nước láng giềng của Campuchia là Lào tính từ năm 2010 đến nay cũng đã được Bắc Kinh chuyển giao 4 máy bay vận tải MA60 và 9 máy bay hạng nhẹ LE-500, 5 chiếc máy bay lên thẳng Z-9.

Quan hệ hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Philippines cũng có những nét rất đáng chú ý. Như đã biết, có thể nói Philipines là nước thân Mỹ nhất trong các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Những thay đổi đột ngột (trong các tuyên bố về chính sách đối ngoại) do Tổng thống Duberte đưa ra từ khi lên nắm quyền, rất có thể chỉ là những nước cờ lắt léo sách lược nào đó để buộc Mỹ phải đưa ra chính thức cam kết đảm bảo chắc chắn an ninh cho Philippines.

Nhưng cũng không thể hoàn toàn loại trừ việc “tự diễn biến” của Manila là có thật, bởi vì, theo kinh nghiệm của nhiều nước và các chủ thể phi nhà nước, một liên minh với Mỹ trong thời buổi hiện đại có điều gì đấy làm ta nhớ tới một phương pháp tự sát tinh tế. Và một khi đã không trông mong gì từ phía Washington, buộc phải nghiêng mình trước Bắc Kinh và nhỏ nhẹ hơn trong các tuyên bố chủ quyền.

Tháng 10/2017, Bắc Kinh chuyển giao lô súng bộ binh, đạn dược và các trang bị quân sự đầu tiên cho Các lực lượng vũ trang Philippines để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Động thái này của Bắc Kinh làm mọi người thấy ngay rằng mục đích duy nhất của những “khẩu súng trên được bàn giao trên” từ phía Bắc Kinh là củng cố mối quan hệ chính trị với Manila dưới thời Duderte, chứ tuyệt đối không liên quan gì đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố tại Mindanao vốn không hề có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc.

Indonexia, Malaixia, Bruney và Singapore cũng ngày càng ít công khai bộc lộ những bất bình của mình đối với chính sách của Bắc Kinh. Bắc Kinh cũng có những quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự nhất định với nhóm nước này. Ít nhất thì đến thời điểm hiện tại Malaiuxia và Indonexia đã mua các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai của Trung Quốc, riêng Indonexia còn mua thêm cả các tên lửa chống hạm.

Ngay cả một quốc gia láng giềng với khu vực Đông Nam Á từng có lúc được coi là đồng minh thân Mỹ còn hơn cả Anh cũng đã bắt đầu phần nào tỏ ra mềm mỏng hơn trước sức ép từ Trung Quốc.Nước này ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào quan hệ thương mại với Trung Quốc và nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, cộng đồng người Trung Quốc tại Úc đang ngày càng đông. Chính vì thế mà Úc ngày càng ít muốn “cãi nhau” với Trung Quốc hơn, mặc cho Washington nghĩ thế nào thì nghĩ.

Hiện tuy giữa hai nước vẫn chưa thiết lập mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự, nhưng hợp tác quân sự thì đã có. Tháng 9/2017, các phân đội của Bộ Tư lệnh Quân khu Nam PLA và các phân đội Quân đội Úc đã tổ chức cuộc tập trận chung mang tên “Panda- Kangaroo” tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Trong các năm 2015 và 2016, các cuộc tập trận chung tương tự cũng đã được tiến hành trên lãnh thổ Úc. Cuộc tập trận năm 2017 kéo dài tới10 ngày. Các quân nhân tham gia đã thực hiện các bài tập tiến hành các hoạt động quân sự chung trong các điều kiện khí hậu- tự nhiên phức tạp (trên núi và trong rừng rậm nhiệt đới), trong đó có cả các bài tập vượt sông, hồ và rên luyện kỹ năng tồn tại.

Tuy mỗi bên chỉ cử 10 quân nhân tham gia nhưng điều quan trọng nhất nằm ở chỗ đây là cuộc tập trận chung giữa PLA với quân đội một nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Thêm nữa, cuộc tập trận này không mang tính hình thức, mà có một ý nghĩa thực tế đối với hai quân đội nếu xét từ góc độ quân sự. Một mục tiêu nữa của các cuộc tập trận này là xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Kết quả là trong tương lai gần chỉ còn “Đông Phổ của Đông Nam Á”–tức Việt Nam là chưa có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Bắc Kinh. Sau khi chiến thắng Pháp, Mỹ và cả chính Trung Quốc trong nửa sau của thế kỷ XX, nước này không quen với việc khuất phục trước một ai đó.....

LẬP TRƯỜNG CỦA MATXCOVA

Do tình hình ở Đông Nam Á không trực tiếp đụng chạm đến những lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng bậc nhất của Nga nên Matxcova cho đến bây giờ vẫn né tránh đưa ra một lập trường chinh thức nào đó về vấn đề này.

Matxcova vừa không muốn gây mâu thuẫn với Trung Quốc trong bối cành quan hệ với Phương Tây ngày càng xấu đi như hiện nay, vừa vẫn xác định các nước ASEAN là đối tác hợp tác quân sự-kỹ thuật quan trọng, đồng thời cũng là một đối trọng địa chính trị tiềm năng với Trung Quốc trong tương lai.

Ngoài ra, các công ty “Rosnheft” và “Gazprom” (Nga) đang tích cực tham gia vào các dự án khai thác mỏ dầu của Việt Nam trên thềm lục địa đang tranh chấp trên Biển Đông.

Tháng 4/2012, “Gazprom” Nga và “Petrovietnam” đã ký thỏa thuận khai thác hai mỏ khí đốt trên thềm lục địa tại khu vực Quần đảo Trường Sa,- phía Trung Quốc đã phản ứng bằng cách gửi công hàm phản đối vì cho rằng các hoạt động thăm dò khai thác theo thỏa thuận được thực hiện trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trên Biển Đông.

Năm 2016, cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung trên Biển Đông đã bị thế giới đánh giá là một hành động ủng hộ Bắc Kinh từ phía Matxcova.

Cùng thời gian đó, Matxcova cũng tỏ ý ủng hộ Bắc Kinh trong việc phớt lờ phán quyết của Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực tại Lahay theo đơn kiện của Manila (bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc) và động thái trên của Matxcova được coi là sự ủng hộ hoàn toàn của Matxcova đối với lập trường của Bắc Kinh (ngay cả Bắc Kinh cũng nghĩ như vậy).

Nhưng trên thực tế,- các cuộc tập trận (chung Nga- Trung) “Phối hợp biển” được tiến hành thường niên từ năm 2012. Trong những năm chẵn- các cuộc tập trận đó được tiến hành trong khu vực chịu trách nhiệm của Hải quân PLA, còn trong các năm lẻ- trong khu vực chịu trách nhiệm của Hải quân LB Nga.

Về mặt lý thuyết, phía Nga có thể tiến hành các cuộc tập trận tại các vùng biển chịu trách nhiệm của phân hạm đội Primorski, hoặc của phân hạm đội Camchatka (thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương Nga), nhưng Nga chỉ cho tiến hành các cuộc tập trận biển trong khu vực chịu trách nhiệm của Phân hạm đội Primorski (trên Biển Nhật Bản gần cảng Valdivostok).

Phía Trung Quốc tiến hành luân phiên các cuộc tập trận chung này trên những khu vực chịu trách nhiệm của 3 hạm đội: năm 2012- Hạm đội Bắc Hải, năm 2014- Hạm đội Đông Hải.

Thành thử, năm 2016 đến lượt Hạm đội Nam Hải với khu vực chịu trách nhiệm là Biển Đông. Không thể tiến hành tập trận được ở bất cứ nơi nào khác.

Nếu Matxcova từ chối tham gia, một quyết định như vậy sẽ được coi là một thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc, điều mà Matxcova dĩ nhiên là không muốn, nên cuộc tập trận “theo phiên” này đứt khoát không phải là một cử chỉ của Matxcova ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc xung đột trên Biển Đông- đây là một cuộc tập trận định kỳ chứ không phải là đột xuất và địa điểm tiến hành đã được xác định từ trước đó rất lâu.

Hơn nữa, chính Matxcova đã chủ động yêu cầu thu gọn quy mô cuộc tập trận (trên Biển Đông năm 2016) và địa điểm tập trận được chọn cách rất xa khu vực tranh chấp.

Cuộc tập trận này được tiên hành ven bờ biển tỉnh Quảng Đông, có nghĩa là ngay sát cạnh phần lục địa của Trung Quốc,- nơi không có bất cứ ai đưa ra các yêu sách về chủ quyền. Và như vậy, Matxcova đã làm tất cả những gì có thể để thể hiện lập trưởng trung lập. Trong năm 2018 này, cuộc tập trận “Phối hợp biển” sẽ lại được tiến hành trong khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội Bắc Hải PLA.

Còn về chuyện Nga đứng về phía Trung Quốc khi không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại Lahay như đã nói ở trên, thì trong trường hợp này Matxcova không ủng hộ Bắc Kinh, mà là lại một lần nữa thể hiện một thái độ là về nguyên tắc, Matxcova cũng sẽ không chấp nhận những phán quyết tương tự.

Lý do- rất có thể Tòa Lahay lại cũng đưa ra những phán quyết như vậy đối với Nga (ví dụ, như về vấn đê chủ quyền đối với Crimea hoặc các đảo của Quần đảo Kuril chẳng hạn). Có nghĩa là trong trường hợp này Matxcova theo đuổi lập trường mang tính nhất quán và nguyên tắc chung, chứ không phải là quan điểm về một vụ việc cụ thể nào đó.

Nhìn chung, đến cách đây không lâu thì Matxcova đã cố không chỉ giữ trung lập, mà còn làm ra vẻ hoàn toàn “không nhận thấy” vấn đề và vì thế - không đưa ra một sự lựa chọn nào.

Tuy nhiên, dù sao thì Matxcova cũng không thể đứng mãi ngoài cuộc, đặc biệt là vào giai đoạn khi mà giới lãnh đạo Nga liên tục nhắc tới vị thế toàn cầu của nước mình và tuyên bố sẵn sàng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng nhất. Hơn nữa, dù khu vực Đông Nam Á không có đường biên giới chung với Nga, nhưng cũng không cách Nga quá xa.

Cuối cùng thì Matxcova cũng bắt đầu lên tiếng kêu gọi “giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình có tính tới lợi ích của tất cả các bên” đồng thời “bày tỏ mong muốn” giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương (có nghĩa là riêng rẽ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Trung Quốc với Philippines, Trung Quốc với Malaixia) và không có sự can thiệp của những nước không liên quan đến khu vực này, dĩ nhiên, ai cũng hiểu là nước mà Matxcova muốn nói tới đó chính là Mỹ.

Có lẽ Matxcova có thể có một thái độ rõ ràng hơn trong vấn đề giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, nếu như tại khu vực này xuất hiện một lợi ích rất có ý nghĩa nào đó (đối với Nga).

Cụ thể như xây dựng căn cứ quân sự Nga tại khu vực, hoặc là các công ty Nga tham gia vào các hợp đồng khai thác các mỏ dầu và khí đốt lớn, hoặc là một trong các nước trong khu vực mua một khối lượng rất lớn vũ khí Nga. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì ngay cả đến Việt Nam cũng chưa tạo cho Nga một cơ hội nào như vậy, chứ chưa nói tới những nước khác.

Về phần mình, Trung Quốc dĩ nhiên là muốn có một sự ủng hộ cụ thể hơn từ phía Matxcova đối với lập trường của mình trong vấn đề chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông, nhưng để có được sự ủng hộ đó chính bản thân Trung Quốc cũng phải thể hiện sự ủng hộ Nga mạnh mẽ hơn rất nhiều trong những vấn đề mang tính nguyên tắc khác (Crimea, Ucraine, Syria và v.v), nhưng hiện chưa thấy có bất cứ chỉ dấu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ làm như vậy.

Ngoài ra, rất có khả năng là Bắc Kinh cũng đoán ra rằng nếu Matxcova đưa ra một sự lựa chọn dứt khoát có lợi cho Bắc Kinh thì quyết định đó sẽ buộc các nước ASEAN nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ và viễn cảnh đó chắc gì đã có lợi cho Bắc Kinh.

Và nói chung, nếu như Washington vẫn tiếp tục lập trường chống Trung Quốc cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến xung đột trên Biển Đông như hiện nay thì điều đó sẽ tư động đẩy Matxcova gần Trung Quốc hơn hiện nay. Nhưng nếu như Mỹ hạ nhiệt, lập trường của Nga vẫn sẽ là tương đối trung lập.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)
0

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Sông Mekong trong các tính toán địa chính trị của Trung Quốc

Với việc đã xây dựng 6 đập lớn ở thượng nguồn và dự kiến xây mới 21 đập khác, năng lực của Trung Quốc trong việc trữ và xả nước trong suốt mùa khô và trong thời gian hạn hán chắc chắn sẽ tăng lên.


Bản đồ đập thủy điện trên sông Mekong

Sông Mekong là nguồn sống của hàng trăm nghìn người sống hai bên bờ trải dài từ Trung Quốc xuyên qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trận lụt tồi tệ hồi tháng trước do vỡ đập thủy điện đang được xây dựng ở Lào khiến khoảng 30 người thiệt mạng. Sự cố cũng gây thiệt hại rộng khắp đối với nền kinh tế bản địa, khiến 6.000 người mất nhà cửa và đặt ra câu hỏi về việc quản lý, khai thác hiệu quả sông Mekong.

Tuy nhiên, con sông vốn rất nổi tiếng qua phim ảnh và thu hút vô số khách du lịch mỗi năm có tác động vượt ra ngoài yếu tố thương mại và giao thương. Các khoản tiền đã được đổ vào đây, khi mà các nước - thường là qua các công ty nhà nước hoặc được nhà nước "chống lưng" - đua nhau xây dựng các nhà máy thủy điện. Những nước nhỏ hơn, nghèo hơn như Campuchia và Lào luôn chào đón những khoản đầu tư này, ngay cả khi nó bị gắn kèm những ràng buộc chiến lược.

Là cường quốc lớn nhất khu vực và cũng là nước mà dòng Mekong khởi nguồn từ bình nguyên Tây Tạng, Trung Quốc đang không ngừng sử dụng ảnh hưởng kinh tế để đạt được các mục tiêu lớn hơn. Quyền kiểm soát lớn hơn đối với sông Mekong, còn được biết đến với cái tên Lan Thương trong tiếng Trung Quốc, tới tận miền Nam Việt Nam giúp Bắc Kinh có tiếng nói quyết định trong việc sử dụng nguồn lực chủ chốt của sông và có ưu thế để ép các nước phải đi theo những tính toán chính trị của mình.

Elliot Brennan, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện An ninh và Phát triển Chính sách có trụ sở tại Bangkok, bình luận: “Trung Quốc vẫn chưa sử dụng toàn bộ ảnh hưởng tuyệt đối, nhưng nếu thực thi, Bắc Kinh có đủ sức mạnh tạo ra nạn đói và bất ổn dân sự. Ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trên hệ thống sông này, thông qua các đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án liên doanh xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mekong là một nửa trong cái gọi là chiến lược lát cắt salami ở Đông Nam Á”, với hàm ý nửa còn lại là chiến lược xây dựng một chuỗi đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng và tiềm lực quân sự tại đó.

Với việc đã xây dựng 6 đập lớn ở thượng nguồn và dự kiến xây mới 21 đập khác, năng lực của Trung Quốc trong việc trữ và xả nước trong suốt mùa khô và trong thời gian hạn hán chắc chắn sẽ tăng lên. Giới quan sát đôi khi mô tả Mekong sẽ là điểm nóng địa chính trị kế tiếp tại khu vực. Chưa đến mức căng thẳng như tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển mà Trung Quốc đã cải tạo hàng nghìn mẫu vuông, thiết lập các đồn bốt quân sự ở những đảo, đá - nhưng sông Mekong rồi cũng sẽ đến lúc nóng hơn cả Biển Đông. Đó là bởi giá trị của sông Mekong như một tuyến đường sông thông ra biển, chạy qua vựa lúa của Đông Nam Á, nơi mà gạo và các cây trồng chủ chốt khác được trồng cấy, là nguồn lợi về cá tôm và cũng là điểm đến của du lịch.

Tại sông Mekong cũng như Biển Đông, Trung Quốc đang triển khai chiến lược “củ cà rốt” (đầu tư) lẫn cây gậy (sức ép quân sự và ngoại giao). Trong lúc các công ty trong nước đứng ra thu xếp vốn để mở rộng mạng lưới đập thủy điện xây dựng dọc sông, Trung Quốc tìm cách tối đa hóa tiếng nói quyết định của mình về việc trị thủy dòng chảy của Mekong trên toàn bộ chiều dài 4.350km.

Được thành lập năm 1995, Ủy hội sông Mekong từng đóng vai trò là cơ chế quản lý sông Mekong giữa Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi vào năm 2016, với việc Trung Quốc chính thức cho ra đời Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMCM). Thay vì hợp tác với Ủy hội sông Mekong, tổ chức mà Trung Quốc không là thành viên, Bắc Kinh tập trung xây dựng LMCM thành thiết chế giúp thúc đẩy phát triển miền Tây Trung Quốc và bổ sung, hỗ trợ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) với mục tiêu mở rộng các tuyến đường bộ, đường biển vươn tới châu Âu.
Với quy chế thành viên bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á lục địa, LMCM có quy mô lớn hơn so với Ủy hội sông Mekong. LMCM xử lý các vấn đề chính trị và an ninh, như sức khỏe, giáo dục, hạ tầng cũng như phát triển bền vững sông Mekong và hợp tác kinh tế xuyên biên giới. LMCM cũng giúp điều phối hoạt đồng tuần tra hỗn hợp với các tàu quân sự của Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ lại tập trung vào sáng kiến Hạ lưu sông Mekong - quan hệ đối tác được hình thành từ năm 2009 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện tại 5 nước hạ nguồn. Tại cuộc gặp ở Singapore ngày 4/8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á là những đối tác chiến lược then chốt của Mỹ và tuyên bố “việc tạo lập tăng trưởng công bằng, bền vững, toàn diện cho tiểu vùng này không chỉ mang lại lợi ích cho các nước ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN, mà còn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Đó là các tuyên bố rất đáng chú ý. ASEAN, dưới góc độ là một tổ chức, về cơ bản đang né tránh chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh nhất quyết đòi giải quyết tranh chấp với các nước Đông Nam Á trên nền tảng song phương, chứ không phải thông qua ASEAN. Đặc biệt, việc Trung Quốc hỗ trợ kinh tế cho Lào và Campuchia đã góp phần làm chia rẽ các nước trong ASEAN - vốn đưa ra mọi quyết định thông qua nguyên tắc đồng thuận.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị coi LMCM là “một cấu thành quan trọng” của hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Thế nhưng, “một đặc điểm nổi bật của sông Mekong chính là việc dòng chảy địa lý phản ánh thứ bậc địa chính trị ở khu vực: Một Trung Quốc quyền lực ở thượng lưu, trong khi những nước nhỏ hơn, kém phát triển hơn nằm ở hạ lưu. Có thể thấy rõ điều này qua việc các nước hạ nguồn miễn cưỡng hoặc không dám chỉ trích bất kỳ hành động khai thác nào của Trung Quốc ở thượng nguồn”, Sebastian Strangio - một nhà báo, nhà phân tích chuyên về tình hình Đông Nam Á hiện sống ở Thái Lan bình luận.

Theo “Bloomberg

Mỹ Anh (gt)

Nguồn bài đăng: http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/7045-song-mekong-trong-cac-tinh-toan-a-chinh-tr-ca-trung-quc
0

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

LHQ : Tổng thống Philippines cần được kiểm tra tâm thần

Cao Ủy Nhân Quyền hôm nay 09/03/2018 nhận định, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã sỉ nhục các báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, cần được « kiểm tra về tâm thần ».


Theo Liên Hiệp Quốc, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cần được kiểm tra tâm thần.
0

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Xung đột vũ trang miền Bắc Myanmar rất giống với miền Đông Ukraine

Khu vực xung đột vũ trang ở đông bắc Myanmar sát biên giới với Trung Quốc đang có nguy cơ lan rộng.


Chiến sự giữa chính phủ và người vùng Kokang đã vượt ra ngoài ranh giới khu tự trị, nơi người Myanmar gốc Hán tập trung sinh sống. Những áp lực chính trị nhằm vào Trung Quốc cũng gia tăng, quốc gia đã lần nữa chính thức tuyên bố không liên quan tới các sự kiện ở biên giới phía nam.

Myanmar áp dụng tình trạng khẩn cấp và thiết quân luật ở Kokang từ ngày 17 tháng 2.

Trong khi đó, quân nổi dậy chống chính phủ mở rộng vùng chiến sự. Ngày càng tăng số người tị nạn chạy sang Trung Quốc. Theo phương tiện truyền thông của Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á, tính từ khi xung đột bắt đầu ngày 9 tháng 2, có tới 100.000 người đã vượt qua biên giới sang Trung Quốc. Trước đó 10 ngày, con số được nêu là 30.000 người.

Phía Trung Quốc chưa đóng cửa biên giới nhưng ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh trong khu vực. Nhiều giả thiết xuất hiện cho rằng trong cuộc xung đột ở Myanmar có những đầu mối từ Trung Quốc. Các đối thủ chính trị của Trung Quốc cáo buộc nước này đã cung cấp vũ khí cho người Kokang. Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ sự dính líu của họ, đồng thời tuyên bố đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu vũ khí trong khu vực chiến sự.

Hôm thứ Tư, nhà chức trách Trung Quốc tái khẳng định họ không hỗ trợ các nhóm vũ trang nổi loạn. Sự bác bỏ xuất hiện sau khi các phương tiện truyền thông nước ngoài cho biết lính đánh thuê từ Trung Quốc tham gia cuộc đấu tranh của người Kokang đòi thêm quyền tự trị. Trong cuộc phỏng vấn của Hoàn cầu Thời báo, lãnh đạo phiến quân Myanmar Peng Jiasheng cũng phủ nhận những thông tin như vậy. Sự kiện trên biên giới Myanmar là một cơ hội thuận lợi để tung tin đồn phục vụ ván bài chống Trung Quốc, - chuyên gia Nga Boris Volkhonsky nhận xét:

“Myanmar từ lâu đã biến thành một sàn đấu của ván bài địa chính trị đang càng ngày lớn nhanh. Tất nhiên, các đối thủ ở bên ngoài có thể lợi dụng sự bất ổn trong khu vực để chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, là nước có ảnh hưởng mạnh ở Myanmar.”

Xung đột giữa chính quyền và người Kokang diễn ra âm ỉ trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng bùng phát vào tháng Mười Hai năm 2014, sau gần sáu năm đình chiến. Năm 2015 bắt đầu được mệnh danh là "mùa xuân Myanmar cho phương Tây." Sau khi chính quyền quân sự bị lật đổ, người Mỹ, người Nhật và châu Âu bắt đầu quay trở lại đây. Ở Myanmar, đâu đâu họ cũng vấp phải sự thống trị của các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong ván bài mở rộng ảnh hưởng ở Myanmar, phương Tây rất có thể chống Trung Quốc bằng con chủ bài kích động xung đột trong những người Myanmar gốc Hán. Hơn ai hết, Trung Quốc không hề mong một thùng thuốc nổ nằm trên biên giới phía nam, - ông Boris Volkhonsky khẳng định:

“Rõ ràng cuộc xung đột này không có lợi cho Trung Quốc. Myanmar đang biến thành một sàn cạnh tranh ảnh hưởng khá khốc liệt. Vốn tư bản và các chính trị gia phương Tây tích cực nhảy vào nước này. Họ rất muốn lấn át Trung Quốc trong nền kinh tế và chính trị Myanmar. Từ đây có thể giả định rằng, nếu không có lợi cho Trung Quốc thì cuộc xung đột là có lợi cho các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc.”

Hiển nhiên, mọi nỗ lực tạo lò lửa căng thẳng trên biên giới rất phù hợp với chiến lược kiềm chế Trung Quốc của phương Tây. Nhất là khi lò lửa đã có sẵn. Lúc này, Trung Quốc cũng chưa kiểm soát chặt được biên giới tây bắc, các phiến quân người Uighur tương đối tự do qua lại Pakistan. Và từ đấy, tiền bạc và các loại vũ khí được tuồn vào cho phong trào ly khai của Tân Cương ở Trung Quốc. Tại biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông), Trung Quốc có loạt vấn đề tranh chấp vùng biển và hải đảo với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác. Giờ đây, đang hình thành thêm lò lửa căng thẳng mới trên biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar.

http://vietnamese.ruvr.ru/2015_02_28/283135190/
0

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Trung Quốc 'kiểm soát tàu nước ngoài trên biển Ðông sẽ dẫn đến xung đột'

Tổng thư ký ASEAN cảnh cáo

01/12/2012- Một trò mới của Bắc Kinh được thi hành qua một quyết định của tỉnh Hải Nam cho phép lục soát và xua đuổi tàu các nước khác mà họ gọi là “xâm nhập bất hợp pháp” vào “vùng biển chủ quyền” của họ trên biển Ðông đang tranh chấp có thể dẫn đến xung đột võ trang và ảnh hưởng đến kinh tế của khu vực.

Ông Surin Pitsuwan, tổng thư ký sắp mãn nhiệm của tổ chức ASEAN, cảnh cáo như thế hôm Thứ Sáu 30 tháng 11, 2012. Ông nói quyết định của Bắc Kinh là “bước ngoặc rất nghiêm trọng”.


Bốn tàu Trung Quốc (TQ) tuần tra hàng chục đảo, bãi đá ngầm trên
biển Đông, diễn tập tạo hình gần đảo thuộc Việt Nam hồi tháng 7-2012.

Tờ Trung Quốc Nhật Báo, bản Anh ngữ, hôm Thứ Tư 28 tháng 11, 2012 đưa tin cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam được lệnh lên tàu và khám xét các tàu bị coi là “xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng biển thuộc thẩm quyền tỉnh này.

Quyết định, có hiệu từ đầu tháng 1 năm 2013, đã được nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam thông qua hôm Thứ Ba 27 tháng 11 năm 2012 cho quyền cảnh sát biên phòng leo lên tàu nước ngoài “xâm phạm bất hợp pháp vùng biển chủ quyền” hoặc ra lệnh cho những tàu đó “hoặc đổi hướng hoặc ngừng chạy”.

Theo sự nhận định của ông Pitsuwan, hành động của Bắc Kinh “chắc chắn gia tăng mức độ quan ngại và mức bất an lớn lao cho tất cả các bên, đặc biệt là những nước cần tiếp cận, đi qua và tự do hải hành” trên biển Ðông. Ông Pitsuwan nói như thế với hãng thông tấn Reuters qua điện thoại từ Thái Lan.

Những lời cảnh cáo khá mạnh khác với sự nhẹ nhàng thường thấy của ông suốt 5 năm qua trên ghế tổng thư ký ASEAN. Theo ông, quyết định đó sẽ tạo ra những biến cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến niềm tin vào khu vực Ðông Á, một vùng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

Ít ngày qua, cả Việt Nam, Ấn Ðộ và Philippines đã phản ứng đối với cái bản đồ “Lưỡi Bò” và các vùng tranh chấp in trong quyển hộ chiếu của Trung Quốc. Trước sự chống đối của các nước, Bắc Kinh lại còn gia tăng khiêu khích khi cho tỉnh Hải Nam ra quyết định lục soát và xua đuổi tàu nước ngoài trên biển Ðông.

Một số chuyên viên phân tích chính trị quốc tế từng cho rằng khu vực biển Ðông sẽ là điểm nóng của thế giới vì sự tranh chấp chủ quyền biển đảo của nhiều nước trước tham vọng bá quyền của Bắc Kinh muốn nuốt cả.

Trong khi in hộ chiếu có “Lưỡi Bò” và ra nghị định ngang ngược như vậy, Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh lại thanh minh trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu là “Tất cả các quốc gia đều có quyền tự do đi trên biển Ðông theo như luật biển quốc tế... Tại thời điểm này thì không có vấn đề gì...”

Hồng Lỗi vẫn thòng thêm cái đuôi thường lệ là Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán với các nước để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khi bị hỏi về cái quyết định lục soát tàu và xua đuổi tàu nước ngoài, Hồng Lỗi vẫn chỉ nói mơ hồ là sự quản lý các vùng biển theo luật lệ là thi hành “chủ quyền hợp pháp của quốc gia”.

Lời tuyên truyền và hành động của Bắc Kinh thường không đi đôi với nhau.

Tại Hoa Thịnh Ðốn (*), một phát ngôn viên quân sự cho rằng những gì thấy nói trên báo chí chỉ liên quan đến cảnh sát biển của tỉnh Hải Nam chứ không phải lực lượng quân sự nên cái chủ trương này vẫn chưa được họ xác định rõ.

Ðồng thời, bà Victoria Nuland, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ nói trong cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Ðốn hôm Thứ Năm là chính phủ Hoa Kỳ sẽ đòi Bắc Kinh giải thích. Theo bà, hành động của Bắc Kinh làm “gia tăng căng thẳng”.

Vẫn không thấy Hà Nội đưa ra phản ứng gì về quyết định ngang ngược của tỉnh Hải Nam lục soát xua đuổi tàu nước ngoài trên biển Ðông, nhưng tổng thống Philippines cho hay ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao kiểm chứng với Bắc Kinh về cái trò nói trên. Nếu được xác nhận, Philippines sẽ gửi công hàm phản đối chính thức.

Theo Tổng Thống Philippines Benigno Aquino, quyết định đó của Bắc Kinh sẽ khó thi hành vì nó đi ngược lại Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).

“Chúng tôi sẽ tiến hành nhanh việc đem vấn đề ra trước tòa án quốc tế để giải quyết vấn đề cho xong hay ít nhất khởi đầu một tiến trình giải quyết vấn đề một cách hợp pháp và cụ thể”. Ông Aquino nói. (T.N.)

Theo Người Việt

(*): Washington
1

ASEAN trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

TTXVN (Angiê 25/11/2012)- Khi bàn về mối quan hệ giữa một bên là các nước ASEAN và Trung Quốc và bên kia là các nước này với Mỹ, tạp chí “Địa chính trị” nhận xét các cuộc cãi vã giữa con người với con người – dù họ thuộc nền văn minh nào, nền văn hóa nào, dù về phương diện chiến lược hay chỉ đơn thuần có tính chất kinh tế và thương mại – nhằm mục đích tìm kiếm ảnh hưởng thường để phục vụ cho nguyện vọng bá quyền của mình, đôi khi được thể hiện bằng các vụ đụng độ rất bình thường nhưng trái ngược hẳn với quy mô của các kế hoạch có liên quan.


Tại Phnôm Pênh vừa kết thúc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 với những dấu hiệu kín đáo và được kiềm chế, nhưng không kém phần xác thực về tình trạng đối địch giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn. Cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng rõ ràng hơn trong các vấn đề nhân quyền, quyền tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Ngay sau đó, ngày 20/11/2012, Bộ trưởng Thông tin Campuchia, Khieu Kanharith, tung lên mạng Facebook một lời bình luận lạ lùng, trong đó có đoạn viết: “Phái đoàn Trung Quốc và Mỹ khi rời Phnôm Pênh lại xảy ra bất đồng khi máy bay của họ cất cánh khỏi sân bay Phnôm Pênh vì người Mỹ cho máy bay của mình chặn đường máy bay của Trung Quốc. Sự việc này khiến Campuchia phải đau đầu”.

Vụ việc có thể chỉ là đáng buồn cười nếu không thể hiện đây là một cuộc ganh đua ngày càng quyết liệt giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh khiến các nước ASEAN lâm vào thế kẹt, đồng thời nếu không cho thấy sự yếu kém của nhà chức trách tại sân bay Phnôm Pênh không có khả năng buộc các phi công phải tôn trọng kỷ luật và trật tự xuất phát. Theo chỉ huy lực lượng biên phòng tại Phnôm Pênh, máy bay nào sẵn sàng trước sẽ được xuất phát trước. Chiếc chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ, Barack Obama, vì kết thúc thủ tục trước chiếc chuyên cơ của Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, nên đã sẵn sàng cất cánh, trong khi máy bay của hang Southern có thể tưởng mình có quyền bỏ qua luật lệ ở đất nước tràn ngập các món quà được Trung Quốc tặng, di chuyển để vượt lên đầu. Nhưng tổ lái chiếc B747 của Mỹ dường như không muốn thế. Từ đó xảy ra vụ việc gây ra không ít lời bình luận giễu cợt ở Phnôm Pênh và khó có thể tưởng tượng ra một biểu tượng kình địch nào hay hơn xảy ra trong vùng.

Campuchia nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc, nhưng cũng là mục tiêu của Chính quyền Obama. Từ Thái Lan và Mianma đến Campuchia để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Tổng thống Obama hoan nghênh các nhà lãnh đạo Mianma đã từ bỏ chế độ độc tài và nồng nhiệt ôm hôn bà Aung San Suu Kyi trước đông đảo các nhà báo tỏ thái độ thích thú. Cần phải nói rằng đất nước này vừa xa lánh Bắc Kinh sau hơn 20 năm duy trì mối quan hệ ưu đãi do Mỹ và châu Âu áp dụng chính sách loại trừ đối với chế độ Rănggun vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Tại Phnôm Pênh, bầu không khí lại trái ngược, căng thẳng lên đến cao độ. Thủ tướng nước chủ nhà, Hun Sen, dưới ảnh hưởng chính trị nặng nề của Trung Quốc, nước vừa tặng Campuchia một món quà 50 triệu USD và đảm nhận toàn bộ chi phí lễ tang cựu vương Sihanouk qua đời ngày 14/11 tại Bắc Kinh, nằm trong tầm ngắm của Nghị viện châu Âu, Quốc hội Mỹ, Thượng viện Ôxtrâylia và nhiều tổ chức phi chính phủ, vì liên tiếp vi phạm nhân quyền. Đồng thời, Đảng nhân dân Campuchia (CPP), vừa là người nối nghiệp Khơme Đỏ vì tách khỏi đây, vừa là người nối nghiệp Việt Nam là nước đưa họ lên nắm quyền ở Phnôm Pênh hồi tháng 1/1979 và vẫn cầm quyền liên tục cho đến nay – trừ một thời kỳ ngắn từ năm 1992 đến năm 1997, trở thành mục tiêu của Chính quyền Obama.

Từ nay, Oasinhtơn muốn mối quan hệ của mình với Phnôm Pênh phụ thuộc vào việc tái lập một số nguyên tắc dân chủ, như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bầu cử và tính độc lập của ngành tư pháp, vốn là những vấn đề đang bị Phnôm Pênh chà đạp. Trong khi đó, đảng CPP từ năm 1992 tiến hành hơn 300 vụ ám sát chính trị bị tổ chức phi chính phủ Human Right Watch (To chức Theo dõi nhân quyền) tố cáo trong một bản cáo cáo. Một trong số các nhà lãnh đạo tổ chức này gây áp lực với Nhà Trắng để Tổng thống Obama không đến Phnôm Pênh.

Điều đó giải thích tại sao Mỹ có kế hoạch phản công ở Đông Nam Á. Thái độ cứng rắn rõ ràng của Mỹ được thể hiện tại Campuchia, nước từ thời Chính quyền Bush được coi là một đồng minh chống khủng bố, trong khuôn khổ phản ứng rộng rãi của Oasinhtơn tại các khu sân sau của Trung Quốc là các nước Đông Nam Á. Từ cuối năm 2011, Nhà Trắng quả thực đã bắt đầu chống lại các chính sách của Trung Quốc trong vùng. Trong khi đó, trong suốt năm 2011, các chính sách này được hỗ trợ bởi sự đồng lõa hoàn toàn của Phnôm Pênh, nước là chủ tịch luân phiên của ASEAN, nhằm mở rộng nhãn quan của Bắc Kinh trong việc giải quyết bất đồng ở Biển Nam Trung Hoa.

Trong khi Manilla, Hà Nội và Oasinhtơn chủ trương tiến hành thương lượng nhân danh ASEAN, Bắc Kinh, với chiến lược được Chính quyền Hun Sen bảo vệ một cách có hệ thống trong thời kỳ làm chủ tịch íổ chức này, xoay quanh ỉuận điệu lên án chính sách can thiệp có hệ thong của Mỹ và coi nước này là kẻ thâm nhập, đồng thời chủ trương thương lượng từng điểm một. Nhưng tính chất phi đối xứng giữa người mạnh và kẻ yếu là quá rõ ràng do chênh lệnh về sức mạnh và khả năng gây sức ép kinh tế, thương mại và quân sự mà Trung Quốc có khả năng tiến hành đối với mồi nước bị tách riêng ra.

Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại Phnôm Pênh, Tổng thống Obama thận trọng giữ khoảng cách với Thủ tướng Hun Sen và không cười khi chụp ảnh chung với ông này, trái ngược hẳn với những cử chỉ ôm hôn nồng nhiệt mà ông thể hiện đối với bà Aung San Suu Kyi trước đó mấy ngày và hình ảnh đó được lan truyền trên toàn thế giới. Bầu không khí lạnh nhạt còn thể hiện rõ ràng hơn trong cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Hun Sen, tuy phải được giữ bí mật, song được ông Ben Rhodes, Phó cố vấn Nhà Trắng về truyền thông, tiết lộ một cách có chủ ý cho báo chí. Rõ ràng là trong con mắt của Chính phủ Mỹ, Campuchia trở thành kẻ gây vướng víu cho ASEAN và đi ngược lại hẳn với tiến trình của Mianma. Campuchia đi theo chính sách cứng rắn về chính trị khép kín vì được Bắc Kinh đối xử hậu hĩ, còn Mianma xa lánh người bảo trợ Trung Quốc cũ và bắt đầu mở cửa chính trị – điều này vẫn còn cần phải được khẳng định- được Tổng thống Obama đến tận nơi khích lệ.

Thái độ khó chịu rõ ràng của Chính phủ Mỹ đối với Phnôm Pênh có thể càng tăng thêm khi một lần nữa và là lần thứ hai trong vòng 5 tháng, Chính phủ Campuchia định tác động vào các cuộc thảo luận theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, khi ông khẳng định rằng ASEAN đã đạt được đồng thuận về “phi quốc tế hóa” vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Nhưng Manilla đã phủ nhận tin này. Tuy nhiên, việc xác định bất đồng lại không rõ ràng. Trung Quốc muốn tham gia các cuộc thảo luận của ASEAN để hoạch định một lập trường chung, thận trọng giữ Mỹ ở khoảng cách, trong khi một số nước như Philíppin, Việt Nam muốn tổ chức khu vực này quyết định mà không có Trung Quốc tham dự.

Philíppin, nước phản kháng Trung Quốc về chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scarborough – Hoàng Nham theo tiếng Trung Quốc – nằm cách đảo Hải Nam 500 hải lý về phía Đông và cách đảo Luzon 130 hải lý về phía Tây, từ chối thương lượng trực tiếp với Trung Quốc và muốn đưa các nước ASEAN tham gia. Nhưng Việt Nam, tuy cũng rất tức giận trước Trung Quốc, song lại im lặng một cách khó hiểu – Việt Nam bày tỏ bất đồng một cách kín đáo khi nói chuyện riêng, trong khi Ngoại trưởng Philíppin Rosario định kéo Việt Nam vào cuộc tranh cãi chung nhưng không thành công.

Tại Phnôm Pênh, bà Phó Oánh, Thú trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn, trình bày lý lẽ của Trung Quốc, biện hộ cho sự hòa dịu theo phương cách quen thuộc của Trung Quốc, lẩn tránh các cuộc tranh luận công khai về các điểm khó gây tranh cãi. Sau khi tái khẳng định bãi đá ngầm Huangyan là lãnh thổ Trung Quốc, bà nói Bắc Kinh không muốn đưa cuộc tranh cãi này ra trước một tổ chức quốc tế và nói thêm – chính là để phê phán trực tiếp Oasinhtơn – rằng “gây căng thẳng trong vùng không phải là ý hay”. Nhưng trong tháng 4/2012, cũng chính bà Phó Oánh khẳng định lập trường của Trung Quốc một cách ít ngoại giao hơn vì cũng nói theo lời đe dọa của “Global Times”, một tờ báo theo khuynh hướng rất dân túy, hồi tháng 9/2011 khuyến cáo Bắc Kinh nên “trừng phạt Hà nội và Manila”. Khi đó, bà nói rằng Trung Quốc đã “sẵn sàng cho mọi khả năng”.

Còn Mỹ, từ ngày 17 đến ngày 30/4/2012, đã tiến hành tập trận chung ớ đảo Palawan với Philíppin với chủ đề “chiếm lại một hòn đảo bị lực lượng thù địch chiếm giữ”. Lần này, Mỹ tránh xa các cuộc tranh cãi về vấn đề chủ quyền vì biết các cuộc tranh cãi về lãnh thổ chứa đựng nguy cơ can dự quân sự cao đến mức nào. Nhưng cuộc tranh đua giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á không chỉ dừng lại ở vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Oasinhtơn hiểu được mối nguy hiểm chỉ bày tỏ thái độ bằng đe dọa quân sự nên, từ mùa Xuân vừa rồi, đưa ra một chiến lược thương mại đồ sộ.

Đáp lại khu vực trao đổi mậu dịch tự do rộng lớn Trung Quốc-ASEAN, trong đó một phần đã có hiệu lực từ tháng 1/2010 với sáu nước đi trước (Xinhgapo, Brunây, Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia và Philíppin) trong khi chờ bốn nước khác (Việt Nam, Lào, Campuchia và Mianma) vào tháng 1/2015, Chính phủ Mỹ đưa ra dự án Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương bao gồm nhiều hiệp định trao đổi mậu dịch tự do giữa các nước nằm cạnh Trung Quốc và một mạng lưới các đối tác bao gồm Mỹ và nhiều nước vùng Thái Bình Dương và hai miền châu Mỹ.

Thái Lan thể hiện mối quan tâm đến dự án này trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, trong khi các quan chức Việt Nam, Malaixia, Xinhgapo thảo luận vấn đề này với phía Mỹ tại Phnôm Pênh. Mêhicô, Canađa, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đồng ý tham gia. Vì Oasinhtơn đã có các hiệp định trao đổi mậu dịch tự do với nhiều nước ở hai bờ Thái Bình Dương – trong đó có Xinhgapo, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Canada, Chilê, Côlômbia, Mêhicô, Pêru và nhiều nước Trung Mỹ khác – nên hành động này rõ ràng là nhằm đáp lại các chiến lược thương mại quy mô của Trung Quốc. Dự án này là mệnh lệnh đối với Nhà Trắng và áp lực đối với các doanh nhân, còn Bắc Kinh phải tuân thủ quy định của thị trường, không được thao túng đồng tiền của mình, hay phải tôn trọng quyền sở hữu. Các vấn đề này được Tổng thống Obama nói rõ trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawai hồi tháng 11/2011.

Nhưng khung cảnh bây ,giờ lộn xộn hơn và các sáng kiến đối chọi nhau nhiều hơn. Trong vấn đề tự do trao đổi thương mại, không rõ tất cả các kế hoạch đối chọi nhau làm thế nào để có thể gắn kết được với nhau. Thêm vào đó, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Campuchia, Hun Sen, cho biết các nước thành viên tổ chức này từ năm 2013 sẽ thương lượng với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Dilân và ôxtrâylia, một kế hoạch cạnh tranh với dự án Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương của Mỹ. Ngay lập tức, Canbơrơ hoan nghênh sáng kiến này.

Hiện đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng căng thẳng nghiêm trọng hơn, về cả chiến lược lẫn thương mại, và lại càng căng thẳng hơn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ở trong nước nên không có khả năng đối kháng với chủ nghĩa dân tộc trong dư luận nếu từ bỏ các yêu sách chủ quyền của mình. Trong bối cảnh đó, không biết Oasinhtơn có thành công trong việc huy động một cộng đồng các nước khác biệt nhau về văn hóa, chính trị và kinh tế không, về cơ bản, các nước này vẫn lưỡng lự khi phải quyết định theo hẳn bên này hay bên kia vì họ muốn giữ được cả hai: với Trung Quốc để buôn bán và làm giàu, với Mỹ để bảo đảm an ninh trong trường hợp ảnh hưởng của Bắc Kinh trở thành mối đe dọa.

Ngoài ra còn có một thực tế khác nữa. Khó có thể cân bằng được với ảnh hưởng của Bắc Kinh trong vùng vốn tồn tại trên cơ sở sự có mặt từ ngàn đời của các mạng lưới người Trung Quốc hải ngoại, cho dù xu hướng tích lũy về lượng – vốn gắn chặt với các chiến lược thương mại của thương nhân Trung Quốc – quả thực có nguy cơ gây ra ở đâu đó phản ứng khó chịu của người địa phương, một vấn đề xảy ra nhiều trong lịch sử của vùng này, như ở Việt Nam, Inđônêxia và Malaixia. Vùng này cũng có đặc điểm là sự đan xen kỳ lạ giữa các nền văn hóa đôi khi đối chọi nhau, mà các ban lãnh đạo chính trị phải thích ứng. Điều này không thuận lợi cho chiến lược của Oasinhtơn vốn rất rành mạch giữa cái tốt và cái xấu.

Tại vùng đất rộng tới 5 triệu cây số vuông này, với 610 triệu dân, nằm vắt ngang giữa lục địa Á-Âu và Biển Nam Trung Hoa, bao gồm các vùng lãnh thổ nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và với các quần đảo rộng lớn khó có thể kiểm soát được, những chiếc nôi văn hóa ngàn đời của đạo Hinđu, đạo Phật và của Trung Quốc bị cạnh tranh bởi tỷ lệ rất lớn người theo đạo Hồi cải đạo từ thế kỷ 8. Những khẳng định mang tính chất tôn giáo của các cộng đồng Hồi giáo – đôi khi kình địch giữa họ với nhau nhưng thường khá độ lượng đối với các thiểu số tôn giáo khác – có lúc là động lực dẫn đến các phong trào ly khai, là các yếu tố gây bất ổn tiềm tàng ở Inđônêxia, Philíppin và Thái Lan. Trong khi đó, ở Mianma, sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi hiện đang là nạn nhân của tâm lý phân biệt chủng tộc gần giống vói thanh lọc sắc tộc và diễn ra thường xuyên đến mức làm tổn hại tới hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi.

Ở phần lớn các nước, dân chủ và tôn trọng nhân quyền – vốn là những chuẩn mực để Chính quyền Obama ủng hộ về chính trị – chỉ được tôn trọng một cách không đều đặn và ở đâu đâu cũng vẫn còn tình trạng mập mờ chính trị núp sau vẻ bề ngoài luật pháp tạo điều kiện cho các mạng lưới của Trung Quốc thâm nhập. Trong khi đó, chiếc hố ngăn cách ngày càng sâu giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất, gây nguy cơ bất ổn chính trị tiềm tàng. Tỷ lệ người sống ngoài lề xã hội quả thực rất cao ở nhiều nước trong vùng (tại Inđônêxia, mục tiêu chiến lược của Nhà Trắng để tạo đối trọng với Trung Quốc, hơn 100 triệu người sống với chưa đến 60 USD/tháng, trong khi ở Việt Nam, số này là hơn 30 triệu người). Trong bối cảnh đó, có thể thấy được khó khăn trong việc huy động một liên minh xoay quanh chuẩn mực quy định của pháp luật để thay thế chiến lược gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Cuối cùng, vùng này vẫn còn hai đảng cộng sản cầm quyền ở Lào và Việt Nam, khuynh hướng độc đảng ở Xinhgapo, Malaixia và Campuchia và, trên tất cả là việc quân đội nắm chắc quyền lực ở Inđônêxia, Philíppin và Thái Lan, những nước lợi dụng chủ nghĩa đại dân tộc chính trị hay tôn giáo để tăng cường quyền lực của mình, trong tình hình tồn tại tình trạng gần như tự chủ chính trị so với chính phủ trung ương.

Khó khăn trong việc quy tụ toàn vùng đằng sau Mỹ hay thậm chí tạo ra sự gắn kết trong ASEAN, trong bối cảnh kình địch chiến lược sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ, bộc lộ theo cách gần như khôi hài ở Thái Lan. Nước này vừa đón tiếp, trong một quãng thời gian không cách xa nhau lắm, cả Tổng thống Mỹ – nước mà Băng Cốc là một trong những đồng minh quân sự lâu đời nhất – lẫn Thủ tướng Trung Quốc – nước vừa kết thúc một chương trình xây dựng hạ tầng ở Thái Lan và một dự án Trung Quốc-Thái Lan cùng hỗ trợ Mianma.

TTXVN (Hồng Công 28/11)

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng (Hồng Công) số ra ngày 22/11, ngay cả khi có một nước “chư hầu” là Campuchia làm Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc cũng khó có thể kiềm chế các nước thành viên ASEAN trong vấn đề giải quyết những tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh với một số nước thành viên hiệp hội này.

Sự thất vọng và mỉa mai là điều rõ ràng, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nêu ra “bài toán” chưa có lời giải đằng sau những mối quan hệ phức tạp của Trung Quốc với ASEAN.

Đầu tiên, ông Tần Cương nói về một bài toán phải tính đến hội nghị cấp cao Đông Á của ASEAN – cơ chế “10+8” – 10 nước ASEAN và 8 cường quốc khác, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Sau đó, ông Tần Cương nói rằng có “một bài toán khác” bên trong bản thân ASEAN. “Đó là bài toán 10+2,” ông Tần Cương nhấn mạnh, một ám chỉ rõ ràng nhằm vào Philíppin và Việt Nam, hai quốc gia ASEAN mà Bắc Kinh lo ngại đang thực hiện chiến dịch quốc tế hóa những tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. “Và cái nào lớn hơn?” Ông Tần Cương tự đặt câu hỏi tu từ bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á vừa diễn ra tại Phnôm Pênh.

Thật không may, các nước ASEAN đang cảnh báo rằng những cách “cách giải toán chính trị” đang tiến hành hiện nay không đơn giản như vậy, khi khu vực Đông Nam Á phát hiện ra rằng họ bị lôi kéo vào sự đối địch chiến lược mở rộng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức đang ngày càng gia tăng từ ASEAN xung quanh tranh chấp Biển Đông khi một năm đầy tranh cãi của Campuchia trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN chấm dứt. Mặc dù đã gặp nhiều khó khăn, ít nhất thì trong ngắn hạn, thời gian 1 năm Campuchia làm Chủ tịch ASEAN là điều tốt cho Bắc Kinh.

Campuchia, một nước nhận viện trợ của Trung Quốc trong thời gian dài, đã bị cáo buộc thực hiện những mệnh lệnh của Trung Quốc trong những tháng gần đây nhằm trì hoãn sự tập trung đang được tăng cường của ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, cần phải nhớ rằng, mục đích cuối cùng của Trung Quốc là muốn dàn xếp việc giải quyết những tranh chấp cụ thể với từng nước có tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông – điều mà hầu hết các chuyên gia phân tích tin rằng sẽ có lợi rõ ràng cho Bắc Kinh.

Đầu tiên, Campuchia đã gây ra sự đổ vỡ lịch sử của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) hồi tháng 7 vừa qua, khi những tranh cãi về việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông như thế nào đã gây ra những hiềm khích chưa từng có tiền lệ giữa các nước thành viên ASEAN. Trong nhiều thập kỷ, ASEAN luôn đặt sự đồng thuận lên trên tất cả. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại của hiệp hội này, các Ngoại trưởng ASEAN đã không thể đưa ra được một thông cáo chung.

Sau thất bại đó, các nhà lãnh đạo đã đến Phnôm Pênh với quyết tâm thúc đẩy tiến triển về một Bộ quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nhằm quản lý tốt hơn những căng thẳng trong vấn đề này. Đến nay, tất cả vẫn dừng ở mức quyết tâm không để vấn đề này làm sa lầy các vấn đề khác như kinh tế, thương mại và hội nhập.

Hôm 17/11 vừa qua, Campuchia, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 7, đã tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức nhất trí từ nay trở đi không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn nói thêm rằng các cuộc đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc sẽ là diễn đàn duy nhất cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố mà Campuchia đưa ra đã làm dấy lên nhiều nghi vấn, và thỏa thuận mà Campuchia nói đến trên thực tế không tồn tại.

Với việc các nhà lãnh đạo, bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh đến từ Nhật Bản, ôxtrâylia, tập trung tại Phnôm Pênh với quyết tâm nêu lên sự cần thiết phải giảm bớt những va chạm trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, thì đó là một thỏa thuận đáng chú ý, và là một chiến thắng dành cho nỗ lực vận động hậu trường của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự đồng thuận mà Campuchia rêu rao chỉ kéo dài chưa đầy một ngày. Phái đoàn Philíppin do Tổng thống Benigno Aquino dẫn đầu, đã lên tiếng phản đối, tố cáo Campuchia xuyên tạc và cảnh báo rằng không có một thỏa thuận nào như vậy, đồng thời khẳng định quyền tìm kiếm sự quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nếu như Manila cảm thấy rằng chủ quyền quốc gia của họ bị đe dọa.

Sự đoàn kết của ASEAN lại bị phá vỡ và Biển Đông dường như đã quay trở lại chương trình nghị sự toàn cầu mở rộng, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh , Các phái viên ASEAN đã xác nhận rằng không có thỏa thuận chính thức nào về việc hạn chế các cuộc thảo luận liên quan vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Cuối cùng, một số người trong cuộc đã bị ngạc nhiên bởi sự đổi hướng của những sự kiện, Trên hết, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, một cựu chỉ huy Khơme Đỏ giờ đây được coi là nhân vật lãnh đạo cuối cùng thiên về bạo lực chính trị tại Đông Á – không chỉ nổi tiếng về sự xảo quyệt ngoại giao của ông ta. Khi các phái viên được đưa đến Cung điện Hòa bình của Hun Sen do Trung Quốc xây dựng, họ phát hiện trên những bức tường giăng đầy những băng rôn ca ngợi mối quan hệ “trường tồn” của Campuchia với Trung Quốc và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Những băng rôn đó sẽ được giữ lại cả tuần, ngay cả khi các nhà lãnh đạo 16 quốc gia khác có những phát biểu tại Cung điện Hòa Bình.

Những người quan sát kỹ hơn sẽ thấy những hàng binh sĩ vây quanh các con phố với những khẩu súng trường kiểu 097 và xe môtô do Trung Quốc sản xuất.

Báo chí địa phương thì tràn ngập thông tin trong cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen, Ôn Gia Bảo đã cam kết thực hiện thỏa thuận viện trợ 50 triệu USD cho Campuchia, một cam kết giá trị nhất trong số những thỏa thuận tổng trị giá 500 triệu USD mà Trung Quốc đã đưa ra hồi tháng 9 trong tất cả các lĩnh vực quan hệ giữa hai nước, từ phát triển mở rộng, đến kinh tế và thương mại. Những thỏa thuận này đã đưa Trung Quốc trở thành đối tác quốc tế quan trọng nhất của Campuchia.

Một phái viên ASEAN tuyên bố: “Chắc chắn Hun Sen đã thực hiện nhiệm vụ mà Trung Quốc giao cho trong năm nay. Tuy nhiên, điều đó chỉ giúp Bắc Kinh trì hoãn, chứ không phải là thành công hoàn toàn. Nó cũng dẫn đến một quyết tâm đã được làm mới để đưa các cuộc đàm phán quay trở lại đúng hướng và có thể tiến triển hơn. Mọi người đều muốn nhặt những mảnh vỡ lên và tiến về phía trước”.

Trong khi mối quan hệ với Campuchia vẫn mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc, các quan chức và học giả Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh những thách thức phía trước khi chức Chủ tịch luân phiên ASEAN được chuyển cho Brunây.

Vương quốc giàu dầu mỏ này – chế độ quân chủ hoàn toàn cuối cùng ở Đông Nam Á – sẽ là một “cục than nóng” đầy khó khăn đối với Trung Quốc. Dù là một nước khá lặng lẽ trong ASEAN, nhưng Brunây là một trong 4 đối thủ tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, bên cạnh Philippin, Việt Nam và Malaixia.

Xinhgapo – nước muốn thấy tiến triển trong năm tới về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông – và các quốc gia khác đã kín đáo giúp đỡ Brunây để nước này sẵn sàng quay trở lại ánh đèn sân khấu ngoại giao.

Một sự phức tạp tiềm tàng là việc xoay vòng chức Tổng Thư ký ASEAN – một vị trí ít quyền lực nhưng có ảnh hưởng đáng kể. Cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surin Pitsuwan đã trao lại chức vụ này cho nhà ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh, người sẽ nắm giữ chức vụ này trong 5 năm.

Ông Lê Lương Minh, một người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Liên hợp quốc, dự kiến sẽ duy trì mạnh mẽ sự thúc đẩy của ASEAN đối với Bộ quy tắc ứng xử về vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự của tổ chức này.

Cựu Tổng Thư ký Surin Pitsuwan đã có những lúc có vẻ như miễn cưỡng đi vào những chi tiết về căng thẳng Biển Đông, ngoài những lời kêu gọi nhẹ nhàng về sự đoàn kết. Khi bầu không khí “tăng nhiệt”, ông Surin đã lẩn tránh báo chí.

Tuy nhiên, tân Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh sẽ có nguy cơ bị chỉ trích nếu như ông này quá thẳng thắn trons việc thể hiện lập trường của Hà Nội chống Trung Quốc.

Vị trí Tổng Thư ký ASEAN vẫn là một điều gì đó cho thấy một công việc có tiến triển và là một cơ hội cho ông Lê Lương Minh biến điều đó trở nên quan trọng hơn. Như một số học giả đã nhấn mạnh, ASEAN cần nhiều hơn ở một vị tướng, thay vì chỉ là một thư ký.

Những vấn đề mà ông Lê Lương Minh sẽ phải đối mặt ít nhất không là gì khác ngoài một cuộc chiến vì tinh thần của ASEAN. Lại một lần nữa ASEAN thấy mình đứng ở trung tâm của các đổi thủ hùng mạnh như thời kỳ cao trào của thời Chiến tranh Lạnh. Và dĩ nhiên là không ai muốn thấy lại kỷ nguyên đẫm máu đó.

Theo cách nói khoa trương của Oasinhtơn, việc Mỹ tái can dự khắp Đông Nam Á là một phần của nỗ lực nhằm định hình sự trỗi dậycủa Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải tuân theo các quy chuẩn quốc tế. Với sự thận trọng đáng kể, Mỹ đã củng cố những nỗ lực của các nước ASEAN trong việc phối hợp và tổ chức những phản ứng ngoại giao đối với những thách thức từ phía Trung Quốc. Ví dụ, trong khi Philíppin công khai đứng ra phản đối, những nước khác đang giúp đỡ ở hậu trường.

Về phía Trung Quốc, các quan chức và học giả nước này đã cho thấy rõ ràng rằng ở hướng ngược lại, họ quyết tâm định hình sự trỗi dậy của ASEAN. Trung Quốc cần phải không bị đe dọa, kiềm chế hay thách thức tại sân sau hàng hải của riêng họ, và những tranh chấp song phương phải không trở thành chủ đề để nước ngoài can thiệp.

Như Giáo sư Tra Đạo Quýnh của Đại học Bắc Kinh (Hồng Công) đã nóigần đây, Trung Quốc không quan tâm đến một ASEAN bị chia rẽ, nhưng Trung Quốc phải cẩn thận, trong thời gian dài ASEAN không phát triển giống như một Liên đoàn Arập ngày càng quyết đoán và theo chủ nghĩa can thiệp. Giáo sư Tra Đạo Quýnh nói rằng Trung Quốc có một lợi ích chiến lược ở trong khối ASEAN vững mạnh, đoàn kết và có khả năng dẫn dắt các cuộc họp của khu vực mà không có các cường quốc bên ngoài, nhưng Trung Quốc phải duy trì được chương trình nghị sự lâu dài là kiến tạo hòa bình và tránh xung đột, thay vì làm bất kỳ điều gì quyết liệt hơn. Theo Giáo sư Tra Đạo Quýnh, Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn thấy việc hình thành một nhóm các nước “đấu tranh bằng hành động quân sự bên trong bản thân nhóm đó hoặc chống lại các nước khác ở bên ngoài”.

Một số nước ASEAN rõ ràng muốn Trung Quốc nhận thức rõ hơn về sức mạnh của nước này, và từ bỏ những hành động gần đây vì những mối quan hệ tốt đẹp.

Theo hãng tin Bloomberg, khi Tổng thống Philíppin Aquino trở về Manila sau khi đưa ra một lời kêu gọi quốc tế hành động khẩn cấp, nhà lãnh đạo này đã khẳng định rằng chính phủ của ông vẫn muốn Trung Quốc “trở thành ví dụ về sự khôn ngoan và đi đầu trong việc tìm kiếm hòa bình”. Tổng thống Aquino nói: “Khu vực của chúng ta có nhiều nơi rất khác nhau và sự hài hòa của khu vực có thể dễ dàng bị phá vỡ bởi việc làm chệch hướng chính trị, quân sự hoặc sức mạnh kinh tế”.

Chỉ cách đây 4 năm, Trung Quốc đã thành công trong việc giữ cho các nước ASEAN chính thức yên lặng trong vấn đề Biển Đông. Những sự kiện gần đây đã chứng tỏ rằng bất chấp những nồ lực đáng kể, những tính toán giờ đây đã trở nên phức tạp hơn nhiều./.

Theo Ba sàm
0

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Thủ tướng vịt què và câu hỏi về vai trò của Trung Quốc ở Đông Nam Á

25/11/2012- Christopher Bodeen, The Associated Press, Bắc Kinh - Trung Quốc đang tìm kiếm sự thân thiện trên con đường gập ghềnh Đông Nam Á, với sự giận dữ của các thành viên khối ASEAN chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo tranh chấp, đồng minh đáng tin cậy một thời của Bắc Kinh, Myanmar, đã dần rời xa Trung Quốc và sự chú ý mới của Mỹ đối với khu vực.


Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Địa hình thay đổi trên con đường của Bắc Kinh tuần vừa qua tại một cuộc họp kín bầu Tổng thư ký của khối ASEAN ở Campuchia. Ôn Gia Bảo, Thủ tướng vịt què của Trung Quốc (nguyên văn: Wen Jiabao, China's lame duck premier) thường thể hiện giọng điệu nhẹ nhàng nhưng mang tính cách như "ông nội" (nguyên văn: grandfatherly), khi trao đổi trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Các nhà lãnh đạo của Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Việt Nam đã phản ứng giận dữ khi chủ nhà Campuchia cho rằng tất cả các bên đồng ý không đem yếu tố bên ngoài vào tranh chấp - ám chỉ đến Mỹ giữa lúc ông chủ nhà trắng đang có mặt tại hội nghị.

Trong khi đó, Barack Obama, nhờ chuyến thăm đầu tiên trên cương vị một tổng thống Mỹ đến Myanmar, mang theo ​​một hình ảnh của Mỹ, tự tin, thân thiện, kêu gọi giảm căng thẳng và dường như không nghiêng theo bên nào.

Bắc Kinh đang phải vật lộn để tìm kiếm bàn chân của mình như một sức mạnh đang gia tăng trên con đường này, nhưng Hoa Kỳ từ chối nhường lại lối đi trong khu vực, mạnh dạn chống đở các quốc gia khác không để khu vực này nằm dưới chân Trung Quốc.

"Mỹ hiện diện mạnh mẽ, ngoại giao tương đối kỷ luật và bình tĩnh quan sát áp lực nặng tay của Trung Quốc," Ernest Bower, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, đã viết trong một bài bình luận hôm thứ năm.

Đó là một sự tương phản so với chiến thuật mà Bắc Kinh rất thích nhiều thập kỷ qua khi tán tỉnh khu vực Đông Nam Á với thương mại tăng cao, vốn đầu tư và thị trường rất lớn của Trung Quốc. Hơn nữa, ông Ôn đã tổ chức các cuộc thảo luận về mở rộng một thỏa thuận thương mại tự do giúp tăng nhập khẩu vào Trung Quốc từ khu vực Đông Nam Á.

Kinh tế của Trung Quốc "vẫn còn chào đón, nhưng nụ cười đã phai mờ", ông Aaron Friedberg, giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton nói.

Đông Nam Á là một khu vực ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc. 10 nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hay ASEAN, là một thị trường với hơn 600 triệu dân và nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, vùng biển nhiều cá, dầu, khí đốt và các khoáng sản.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh bắt đầu chìm trong năm 2010 khi tuyên bố chủ quyền các đảo ở biển Đông gây lo âu giữa Philippines và Việt Nam, cùng với Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần các hòn đảo.

Tranh chấp cung cấp một cánh cửa mở cho Hoa Kỳ. "Trục Mỹ" mang lại những chú ý ngoại giao mới trong khu vực và hứa hẹn nhiều nguồn lực quân sự.

Tuy nhiên, ma sát chỉ có tăng lên. Bắc Kinh đã trở nên tích cực hơn trong việc đưa tàu tuần tra xung quanh các đảo tranh chấp, dẫn đến một tình thế bế tắc vào mùa hè năm ngoái với Philippines ở bãi cạn Scarborough. Trung Quốc cũng đi xa hơn trên các hòn đảo khác với Nhật Bản, nâng cao lo ngại về một Trung Quốc bành trướng. Bắc Kinh cũng bắt đầu phát hành hộ chiếu mới với một bản đồ cho thấy toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc.

Sự căng thẳng trong thảo luận trở nên nổi bật tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia với sự tham dự của Tổng thống Obama.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino nêu vấn đề Bãi Scarborough, khiến Thủ tướng vịt què tuyên bố rằng hòn đảo nhỏ này là "lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại và không có tranh chấp chủ quyền tồn tại". "Hành động của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền là hoàn toàn thích hợp và cần thiết", vịt què nói trong cuộc họp được đóng kín cửa, theo Thứ trưởng Ngoại giao Fu Ying.

Tuyên bố nghiêm khắc của ông Ôn là "phá hoại và nguy hiểm", Bower viết tiếp, "Đây là một khu vực không chắc chắn, và không chắc chắn có nghĩa là tình trạng khẩn cấp của một sự bất ổn vốn có trong khu vực làm suy yếu nền tảng vững chắc cho sự phát triển khu vực."

Một chuyên gia hậu thuẫn chính phủ Trung Quốc thừa nhận thất bại, "Bằng cách nào đó, vấn đề này đã không được xử lý tốt trong cuộc họp", ông Zhao Gancheng, giám đốc của Trung tâm khu vực Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu về các vấn đề quốc tế Thượng Hải, nói.

Thực tế kinh tế vẫn có thể giúp Trung Quốc có lợi thế, các chuyên gia nói. Trung Quốc nhập khẩu từ khu vực này tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái đến $ 146 tỷ USD, và với nền kinh tế dự kiến ​​sẽ vượt qua Mỹ như là nước lớn nhất thế giới trong những năm tới, Trung Quốc sẽ chỉ tăng tầm quan trọng như là một nguồn đầu tư nước ngoài.

Thực tế là Trung Quốc đã từ chối để quay trở lại - mặc dù kích động một phản ứng dữ dội có thể làm tổn thương lợi ích dài hạn - bởi Bắc Kinh tin là nền kinh tế của Trung Quốc cuối cùng sẽ thuyết phục ASEAN rằng tương lai của họ đi chung đường với Trung Quốc, không có Mỹ, Friedberg từ Princeton nói.

"Câu hỏi lớn, tôi nghĩ, là liệu các nước ASEAN tin rằng Hoa Kỳ thực sự có quyết tâm và có nguồn lực để thực hiện các cam kết trong những năm gần đây. Nếu Washington bắt đầu nghi ngờ điều này, họ sẽ phải xoa dịu Bắc Kinh ", Friedberg nói.

Tác giả: Christopher Bodeen/ AP

Nguồn: The Jakarta Post (http://www.thejakartapost.com/news/2012/11/25/chinas-role-southeast-asia-questioned.html)
0

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Trung Quốc, Campuchia ‘tung hứng’ tại hội nghị ASEAN

21/11/2012- ASEAN cần "có thái độ nghiêm khắc" với Campuchia khi nước này bất chấp nguy cơ hủy hoại đoàn kết nội khối để đưa ra tuyên bố trái ngược với quan điểm chung của ASEAN về tranh chấp tại Biển Đông, truyền thông Philippines hôm nay kêu gọi.


Truyền thông Philippines kêu gọi trừng phạt Campuchia

Mạng tin Manila Times.net của Philippines sáng nay viết: "Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên có hành động trừng phạt đối với quốc gia thành viên Campuchia", vì nước này tuyên bố ASEAN nhất trí từ nay trở đi sẽ không quốc tế hóa các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Theo mạng tin trên, Campuchia "không được" và cũng "không nên" tuyên bố như vậy vì không có cơ sở thực tế; đồng thời ca ngợi phản ứng linh hoạt và kịp thời của Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

"Tổng thống Benigno Aquino đã đúng khi phản đối ngay lập tức tuyên bố táo bạo của Campuchia. Im lặng là đồng ý. Không phản ứng ngay có nghĩa là Philippines tự chấp nhận từ bỏ những điều mình đã theo đuổi bấy lâu", mạng Manila Times.net viết.

Ngày 19-11, nhà lãnh đạo Philippines đã thẳng thắn bác bỏ tuyên bố của quan chức ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn nói trước đó một ngày rằng các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã quyết định từ nay không quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Ông Aquino khẳng định ASEAN không hề đạt được thỏa thuận nào như vậy, đồng thời quả quyết Manila đã phản đối đến phút chót quan điểm của Phnom Penh trong các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Noda và các nhà lãnh đạo ASEAN.

"Hôm qua, một số nước thành viên bày tỏ quan điểm về sự đoàn kết của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông. Nhưng các quan điểm đó không thể biến thành sự đồng thuận của ASEAN. Để giải quyết vấn đề này... ASEAN không phải là con đường duy nhất cho chúng tôi. Là một nước có chủ quyền, chúng tôi có quyền bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình", Tổng thống Philippines nhắc lại lập trường của mình khi ông cắt ngang lời kết luận "thiếu chuẩn xác" của Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen sau cuộc hội đàm ASEAN - Nhật Bản.

Trong bài bình luận của mình, Manila Times.net cho rằng tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến an ninh an toàn ở Biển Đông nên được đưa ra vũ đài quốc tế. Trung Quốc muốn giải quyết các vấn đề này thông qua đàm phán song phương, nhưng điều này là không công bằng với Philippines, nước hiện có vị thế đàm phán yếu hơn.

Hiện tại, Trung Quốc là một siêu cường cả về kinh tế và quân sự. Trong khi đó, Philippines không có gì nhiều hơn ngoài vị thế của một nền kinh tế đang nổi với tiềm lực quân sự chủ yếu dựa vào sự chống lưng của đồng minh thân cận Mỹ.

Manila Times.net cũng cho biết các quan chức Campuchia đã cố gắng lôi kéo các nước thành viên ASEAN trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các Cấp cao liên quan ở thủ đô Phnom Penh từ ngày 18 - 20/11. Ngoài ra, mạng tin này cũng lưu ý Campuchia cần phải đưa ra lựa chọn rõ ràng giữa việc "trở thành con rối của Trung Quốc" hoặc là "một nhà nước độc lập như các quốc gia thành viên khác trong ASEAN".

"Nếu không thể thoát khỏi các mối quan hệ quá gần gũi với Trung Quốc, Campuchia có thể chọn cách rời xa ASEAN", Manila Times.net viết.

Hiện tại Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông với 4 nước thành viên ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Ngoài ra, nước này cũng đang có những vấn đề tương tự tại biển Hoa Đông với một quốc gia ngoài ASEAN như Nhật Bản. Mâu thuẫn của Trung Quốc với các nước tại hai vùng biển này ngày càng trở nên căng thẳng khi Bắc Kinh liên tục phái các đội tàu ngư chính và hải giám tới các vùng biển tranh chấp, đồng thời "mượn tay" Campuchia để lái các cuộc tranh luận về Biển Đông tại tuần lễ Cấp cao ASEAN 21.

"Trò chơi tung hứng"

Không chỉ có báo giới Philippines, tờ Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông số ra sáng nay cũng cho rằng Trung Quốc và Campuchia đang “chơi trò tung hứng” với ASEAN trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Theo báo trên, biểu hiện rõ nhất của trò “tung hứng” này là việc Trung Quốc đánh giá cao những nỗ lực của Campuchia trong việc hạn chế các cuộc thảo luận của ASEAN về tranh chấp Biển Đông, cho rằng nỗ lực này của nước chủ nhà là "sự hỗ trợ bảo vệ sự đoàn kết" tại Cấp cao Đông Á lần thứ 7 giữa 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước Đối tác đối thoại (gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zeland).

Đây không phải là lần đầu tiên "xứ chùa Tháp" được nhận những lời khen này từ Trung Quốc, nước đang dành cho Campuchia những khoản viện trợ khổng lồ mà mới đây nhất là khoản vay trị giá 100 triệu USD cho việc xây dựng nhà máy sản xuất xi măng lớn nhất nước. Trước đó, hồi tháng 7, Campuchia cũng đã đứng về phía Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45, khiến lần đầu tiên Hiệp hội không ra được tuyên bố chung sau hội nghị.

"Phnom Penh đang cố gắng bảo vệ sự đoàn kết của ASEAN", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói hôm 20-11 tại thủ đô Bắc Kinh.

Trong một phát biểu cứng rắn tại Cấp cao Đông Á, nơi bị phủ bóng bởi những tranh chấp ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo vấn đề Biển Đông “đang trở nên cấp bách và khẩn cấp” hơn bao giờ hết. Tuyên bố này không phải không có lý khi Bắc Kinh một mực muốn đẩy mạnh cơ chế đàm phán song phương với từng nước liên quan để dễ bề gây sức ép.

Tuy nhiên, như Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đã nói, mặc dù tranh cãi lãnh thổ là vấn đề của các bên liên quan, nhưng an ninh và tự do hàng hải là mối quan tâm chung của quốc tế, không thể bỏ qua. Điều cốt yếu nhất hiện nay là các bên phải thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy đồng thuận trong ASEAN, qua đó củng cố sức mạnh và đoàn kết nội khối vì tương lai hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn ở Biển Đông và mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Theo Dân Trí
0

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Trung Quốc đã rót bao nhiêu tiền vào Campuchia?

21/11/2012- Trước khi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á khai mạc, tờ The Wall Street Journal đã bình luận với hàm ý rằng ông Obama nên chuẩn bị sẵn tinh thần việc không được nước chủ nhà đón tiếp long trọng bằng đón ông Ôn Gia Bảo bởi giờ đây sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia đã vượt xa Mỹ rất nhiều.

LiMingjiang, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc (Viện nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnm của Xinhgapo), nhận định người Campuchia hiểu rằng Trung Quốc là “ân nhân” lớn nhất của họ trong những năm qua. Viện trợ đã giúp Bắc Kinh trở thành một đồng minh vững chắc của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong đó có cả các thành viên quan trọng cho chiến lược của Mỹ nhằm chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.


Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa tổ chức cuối tuần qua tại PnomPenh.

Cũng như các nước láng giềng Myanmar và Lào, những năm gần đây Campuchia được hưởng lợi lớn khi Trung Quốc nỗ lực nuôi dưỡng quan hệ với các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh. Từ 2006 đến tháng 8/2012, các công ty Trung Quốc đã đổ hơn 8,2 tỷ USD tiền đầu tư vào Campuchia và trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở đất nước chùa Tháp. Từ năm 1992 đến nay, Bắc kinh cấp viện trợ 2,1 tỷ USD cho Campuchia và các khoản vay để tài trợ các dự án phát triển nông nghiệp và xây dựng 2.000 km cầu đường.

Chưa hết, hồi tháng 9/2012, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ông Ôn Gia Bảo – Thủ tướng Trung Quốc đã hứa sẽ cung cấp một khoản viện trợ trị giá 24 triệu USD như “một món quà” cho Campuchia và ba thỏa thuận khác về vốn vay ưu đãi trị giá khoảng 80 triệu USD dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay. Ông Ôn Gia Bảo cũng đã cân nhắc đề xuất của ông Hun Sen về việc Trung Quốc cung cấp cho Campuchia các khoản vay mới ở mức 300-500 triệu USD mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, một công ty Trung Quốc đang có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thép và sử dụng 10.000 lao động ở Campuchia để sản xuất 3 triệu tấn thép mỗi năm.

Dường như những khoản đầu tư này “chưa đủ nặng” nên hôm 18/11, ngày đầu tiên cùa Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Đông Nam Á, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cam kết sẽ viện trợ 53 triệu USD cho Campuchia.

Nhờ các khoản đầu tư nói trên, “bộ mặt” của Campuchia đã thay đổi. Bắc Kinh khẳng định các khoản viện trợ của Trung Quốc cho Camphuchia là nhằm thúc đẩy tiến bộ ở một quốc gia nằm trong danh sách phát triển kém nhất trên thế giới, với GDP bình quân đầu người chỉ đạt 830 USD. Campuchia là một trong những nước có GDP bình quân đầu người thấp nhất châu Á và khoảng 30% trong tổng số 14,5 triệu người ở nước này đang sống dưới mức nghèo khổ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, các khoản viện trợ của Trung Quốc không những tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của Campuchia, mà còn giúp ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế.


Những đứa trẻ Campuchia đang chơi đùa cạnh một cây cầu đang xây dở. Đây là công trình ở thủ đô PnomPenh được xây dựng bằng nguồn tiền đầu tư của Trung Quốc.

Lần theo lịch sử, Trung Quốc bắt đầu tìm cách lấy lòng Campuchia từ năm 1997, sau khi các nhà lãnh đạo Campuchia kiểm soát toàn bộ chính quyền. Ông Douglas Clayton, Giám đốc điều hành công ty Leopard Capital, cho răng khoản viện trợ của Trung Quốc cho phép Campuchia tách khỏi phương Tây và các tổ chức phi chính phủ lâu nay vẫn thường chỉ trích họ. Hiện Bắc Kinh đang ủng hộ 19 dự án phát triển ở Campuchia, trong đó có các dự án đường bộ và công trình điện trị giá 1,1 tỷ USD.

Trung Quốc trở thành một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia từ năm 2002 với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 272 tỷ USD năm 2011, cao hơn nhiều so với 76 triệu USD năm 1996. Hiện các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đang hoạt động rất mạnh ở các quốc gia Đông Nam Á này ví dụ như Huawei Technologies đã đầu tư nhiều trăm triệu USD để phát triển mạng điện thoại di động của Campuchia. Các công ty Trung Quốc cũng tham gia ngành công nghiệp may mặc và chuẩn bị khai thác các nguồn năng lượng mới phát huy trên lãnh thổ Campuchia.

Nguồn: Infonet

Tin âm thanh: Trung Quốc vẫn khống chế được vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh ASEAN
0

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Mỹ tăng cường khí tài cho Đông Nam Á

18/11/2012- Thời gian qua, Mỹ liên tục thực hiện những chương trình hỗ trợ, cung cấp khí tài, tăng cường quan hệ quốc phòng đối với các nước Đông Nam Á.

Trong đó, Mỹ không chỉ cung cấp tàu chiến cũ cho Philippines mà còn viện trợ quân sự cho Campuchia, thông qua những đơn hàng vũ khí tối tân cho Indonesia và Singapore.

Hàng “khủng” cho Indonesia

Đầu tháng 11, tờ The Jakarta Globe đăng bài nhận định quan hệ quốc phòng giữa Indonesia với Mỹ giờ đây đang dần thắt chặt hơn. Bài viết dẫn ra việc Washington đồng ý cung cấp trực thăng chiến đấu đa nhiệm Apache cho Jakarta. Khi thỏa thuận trên được hoàn thành, Indonesia sẽ chính thức gia nhập câu lạc bộ, với chỉ hơn 10 nước, sở hữu loại trực thăng tấn công tối tân này. Lâu nay, chỉ các đồng minh thân cận và có ràng buộc hiệp ước với Mỹ mới được cung cấp trực thăng Apache.

Cuối tháng 9, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho hay quốc hội nước này đã được thông báo về đơn hàng trên, gồm 8 chiếc Apache. Tuy không tiết lộ thông tin chi tiết về giá trị số trực thăng tấn công trên nhưng Ngoại trưởng Clinton tuyên bố: “Thỏa thuận này sẽ đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên, góp phần tăng cường an ninh trong khu vực”. Đây không phải là thỏa thuận vũ khí duy nhất giữa Washington với Jakarta trong thời gian qua.


Mỹ đang xúc tiến viện trợ 24 chiến đấu cơ F-16 cho Indonesia - Ảnh: Themalaysianinsider.com

Trước đó, vào cuối tháng 8, Reuters đưa tin Mỹ đang xúc tiến gói viện trợ 24 chiến đấu cơ F-16 C/D đã qua sử dụng cho Indonesia. Mặc dù đã qua sử dụng nhưng số máy bay chiến đấu trên vẫn rất hiện đại. Jakarta chỉ cần chi 750 triệu USD để nâng cấp và bổ sung thêm vũ khí cũng đủ đảm bảo khả năng tác chiến hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chiến đấu cơ hiện đại cho Indonesia trong 20 năm tới. Không dừng lại ở đó, cũng trong tháng 8, tờ The Jakarta Globe đưa tin Mỹ đang xem xét bổ sung thêm một gói viện trợ F-16 đã qua sử dụng cho Indonesia. Nếu có cả 2 gói viện trợ, Indonesia sẽ sở hữu một lực lượng không quân hiện đại và hùng mạnh. Ngoài ra, Jakarta cũng đề nghị Washington cung cấp thêm đơn hàng tên lửa tấn công mặt đất AGM-65K2 để trang bị cho chiến đấu cơ F-16. Theo giới quan sát, sẽ khó có lý do gì để Washington từ chối đề nghị này.

Nhiều đối tác

Giữa lúc tình hình khu vực có nhiều căng thẳng, đặc biệt là các bất ổn xảy ra trên biển Đông, Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Philippines. Giữa năm ngoái, Washington bàn giao chiến hạm BRP Gregorio del Pilar cho Manila. Vốn là tàu tuần duyên đã qua sử dụng USCGC Hamilton, chiến hạm trên được bán với giá xấp xỉ 10 triệu USD để Philippines sớm tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân nước này. Hiện tại, Washington cũng đang xúc tiến kế hoạch bán cho Philippines chiến hạm cũ thứ 2. Hồi tháng 9, tờ Philippine Daily Inquirer đưa tin Manila dự định mua tên lửa đối hạm Harpoon hiện đại từ Mỹ để tăng cường trang bị khí tài cho 2 tàu chiến mới. Ngoài ra, Manila cũng nhiều lần khẳng định sẽ tìm cách mua một số phi đội chiến đấu cơ F-16 đã qua sử dụng từ Mỹ.

Thời gian qua, Singapore cũng là một đối tác và là khách hàng vũ khí khá quen thuộc của Mỹ. Ngày 1.5, Cơ quan Hợp tác an ninh (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phát đi thông cáo báo chí về việc Singapore đề nghị mua đơn hàng vũ khí và các thiết bị liên quan để trang bị cho không quân nước này. Theo đó, tổng đơn hàng trị giá 435 triệu USD gồm hơn 100 quả bom dẫn đường bằng tia laser cùng nhiều trang thiết bị liên quan cũng như các gói hỗ trợ khác. Ngoài ra, Singapore từ lâu cũng tăng cường hợp tác với Mỹ để phát triển các vũ khí hiện đại. Theo chuyên trang quốc phòng Defense Industry Daily, từ năm 2002, Singapore bắt đầu tham gia dự án phát triển tàu chiến nổi không người lái (USV) Spartan do Mỹ phát động. Nhờ đó, đến nay Singapore trở thành một trong số ít các quốc gia sở hữu USV được xem là khí tài đóng vai trò bước ngoặt của kỹ nghệ quân sự những năm tới.

Một quốc gia khác tại Đông Nam Á là Campuchia cũng ngày càng có nhiều hợp tác quân sự với Mỹ. Theo tờ Nhân dân nhật báo, hồi năm 2006, Washington đã cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 4,5 triệu USD gồm các phương tiện quốc phòng và huấn luyện cho Phnom Penh. Sau đó, giá trị viện trợ được tăng lên đáng kể và Mỹ cũng từng cung cấp hàng chục xe tải quân sự cho Campuchia. Hồi cuối tháng 10, giới chức quốc phòng cấp cao của hải quân hai nước đã gặp gỡ nhau tại thủ đô Phnom Penh. Tại đây, phía Mỹ cam kết sẽ tiếp tục bổ sung thêm các chương trình hỗ trợ quân sự cho Campuchia trong thời gian tới.


Chuyến công du “tái cân bằng”

Ngày 17.11, tờ The Kansas City Star dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Thomas Donilon cho hay chuyến công du của Tổng thống nước này Barack Obama đến Thái Lan, Myanmar và Campuchia nhằm “tái cân bằng” đối với châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ông Donilon tuyên bố: “Việc Tổng thống Obama quyết định công du châu Á ngay sau khi tái đắc cử khẳng định tầm quan trọng mà ông đánh giá về khu vực này, nơi đóng vai trò trung tâm trong lợi ích an ninh quốc gia cũng như ưu tiên của chúng tôi”.

Theo đó, chuyến công du là minh chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của chủ nhân Nhà Trắng. Sau khi đắc cử tổng thống hồi năm 2008, chuyến công du đầu tiên của ông Obama là đến Trung Đông nhằm gia tăng quan hệ với Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc Mỹ đang tìm giải pháp cho chiến trường Iraq. Giờ đây, mối quan tâm của Nhà Trắng chuyển hướng sang Đông Nam Á, một phần quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cố vấn Donilon tiết lộ: “Tổng thống sẽ đề cập một loạt các vấn đề liên quan đến khu vực, từ an ninh hàng hải đến thực thi pháp luật, ứng phó thiên tai...”. Ông Donilon cũng khẳng định Tổng thống Obama sẽ đề nghị giải quyết tranh chấp tại biển Đông dựa trên: “Các giải pháp hòa bình, không cản trở thương mại, tự do hàng hải cũng như loại bỏ việc đe dọa, dùng vũ lực hoặc cưỡng ép kinh tế để giải quyết bất đồng”. Đồng thời, Cố vấn Donilon còn khẳng định chuyến công du là một động thái để Washington thể hiện cam kết sẽ điều động 60% số tàu chiến Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Lầu Năm Góc từng tuyên bố.


Nguồn: Thanh Niên
0

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Trung - Mỹ tranh giành quyền lực gay gắt ở Đông Nam Á

11/11/2012- (PL&XH) - Cuộc chiến tranh ở Campuchia, hay còn gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba, đã kết thúc được 21 năm. Tuy nhiên, theo báo Sankei của Nhật Bản, bóng đen không tốt lành một lần nữa lại đang kéo đến Campuchia và toàn khu vực Đông Dương.

Vũ đài tranh giành quyền lực mới

“Bóng đen” mà báo Sankei đề cập chính là sự tranh giành quyền lực quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Dương, và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á. Do đó, có khả năng Đông Dương sẽ một lần nữa trở nên bất ổn. Kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, Mỹ đã coi “tương lai của Mỹ là ở châu Á” và tăng cường quan hệ với Đông Nam Á. Nước cản đường Mỹ tại khu vực này chính là Trung Quốc.

Từ nửa cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng ở khu vực bán đảo Đông Dương. Trừ Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng các khoản đầu tư và viện trợ lớn cho 4 nước Myanmar, Lào, Campuchia và Thái Lan để tăng cường sự hiện diện ở khu vực này. Sự trở lại Đông Nam Á của Mỹ bắt đầu từ Myanmar. Ngay sau khi thành lập năm 2009, chính quyền Obama đã bắt đầu tiếp xúc công khai và bí mật với chính quyền quân sự Myanmar khi đó đang bị cấm vận. Kết quả là đến tháng 11-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thăm Myanmar. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ trong vòng 57 năm qua. Một minh chứng rõ nét nữa là ngay sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Obama chính là đến Myanmar. Chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ ít nhất cũng đang thành công ở Myanmar.

Tại Lào, nơi Trung Quốc đã tạo được sự hiện diện áp đảo từ những năm đầu thế kỷ này, Mỹ cũng bắt đầu nỗ lực lôi kéo rời xa ảnh hưởng Trung Quốc. Tháng 7-2012, bà Hillary Clinton trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Lào sau 57 năm. Tháng 10-2012, nguyện vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Lào được chấp thuận với sự hậu thuẫn của Mỹ.

Tiếp theo là Campuchia. Trung Quốc đã ủng hộ Campuchia và không ngừng tăng cường hiện diện ở nước này. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 7-2012, Campuchia với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên đã điều hành hội nghị theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Việt Nam với Trung Quốc ở biển Đông.

Một hiện tượng nữa ở Đông Dương cũng thu hút sự chú ý của dư luận là việc Mỹ và Việt Nam nhanh chóng tăng cường quan hệ song phương. Mỹ có thiện ý với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và hai bên cũng đã bắt đầu tiến hành thao diễn quân sự chung. Đối với Mỹ, Việt Nam là đê chắn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, Mỹ là sự hậu thuẫn cần thiết để Việt Nam đối phó với sức ép từ phía Trung Quốc.

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc là hai kẻ thù của nhau. Tuy nhiên, khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô trở nên quyết liệt, chuyến thăm Trung Quốc của cựu Tổng thống Richard Nixon đã biến “kẻ thù ngày hôm qua” thành “bạn bè ngày hôm nay”. Mặc dù vậy, khi “mối đe dọa từ phương Bắc” biến mất cùng sự sụp đổ của Liên Xô, giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu “Nam tiến” mở rộng ảnh hưởng. Sau đó, Trung Quốc một lần nữa lại đối đầu với Mỹ - nước bắt đầu coi trọng khu vực Đông Nam Á.

Khi cuộc nội chiến ở Campuchia kết thúc năm 1991, thế giới đã nghĩ rằng “lần này thì hòa bình đã quay trở lại bán đảo Đông Dương”. Nhưng hiện nay bán đảo này đang trở thành vũ đài tranh giành quyền lực mới giữa Trung Quốc và Mỹ. Nền hòa bình đạt được ở Campuchia 21 năm trước liệu có phải chỉ là “thời gian tạm nghỉ” của lịch sử chiến tranh đối kháng lâu dài ở bán đảo Đông Dương?


Ngoại trưởng Hillari Clinton (trái) trong chuyến thăm Myanmar. Ảnh: TL

Đối tác hay đối thủ?

Trong cùng một tuần lễ, tại cả Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra hai sự kiện quan trọng. Tại Mỹ, Tổng thống Obama tái đắc cử, còn tại Trung Quốc, dù Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc ngày 8-11 và 14-11 mới bế mạc, nhưng kết quả đại hội gần như đã được ấn định từ trước. Nhiều chuyên gia quan sát nhận định, thế kỷ 21 là thế kỷ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, song nhật báo "La Croix" của Pháp lại cho rằng, dù có tiềm năng đối đầu về quân sự và kinh tế nhưng tình hình thế giới đã khiến các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Bởi vậy, bên cạnh sự đối đầu, hai nước này còn có sự nương tựa lẫn nhau.

Nhìn vào lĩnh vực quân sự, "La Croix" nhận định, từ những năm 80 của thế kỷ trước, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu được chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ngân sách dành cho quân đội của Trung Quốc không ngừng tăng và hiện lên tới 129 tỷ USD. Lập trường chính thức của Trung Quốc là bảo vệ lãnh thổ và chuẩn bị “đương đầu với các cuộc xung đột quân sự từ mọi phía”. Theo báo trên, trong mọi phía đó thì hàng đầu là đương đầu với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc muốn thiết lập bá quyền.

Còn đối với Mỹ, năm 2011, nước này dành đến 711 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, chiếm đến 41% chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới. Trong những năm tới, dù cắt giảm ngân sách song ngân sách của Nhà Trắng sẽ dao động từ 650-700 tỷ USD. Như vậy vẫn còn cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc, và Mỹ vẫn sẽ là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới. Còn ở Thái Bình Dương, hạm đội của Mỹ đóng tại Ấn Độ Dương cũng có đến 180 đơn vị với 2.000 máy bay và 125.000 quân nhân. Mỹ cũng có các đồng minh thân cận trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Chính phủ Mỹ cũng đã chuyển hướng tập trung quân sự về vùng châu Á-Thái Bình Dương để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ đã tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia.

Về kinh tế, mấy thập niên qua, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng bình quân 10%. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là không bền vững vì nhắm mắt chạy theo tăng trưởng GDP mà để phát sinh những bất công và bất bình đẳng xã hội, nạn phân hóa giàu nghèo rất cao và tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Nền kinh tế nước này vốn dựa vào đầu tư và xuất khẩu, nhưng trong bối cảnh kinh tế phương Tây đang khó khăn, xuất khẩu Trung Quốc giảm đi, đầu tư xuống dốc và tăng trưởng vì thế cũng mất đà. Trong khi đó, Mỹ hiện vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Tăng trưởng của Mỹ hiện ở mức 2%, tỉ lệ thất nghiệp ở mức trên dưới 8%, bảo hiểm xã hội đang hạn chế. Trung Quốc hiện đang nắm trong tay rất nhiều trái phiếu của Mỹ.

Trong thời gian tới, các lãnh đạo mới của hai nước sẽ đối đầu với hàng loạt thách thức. Đối với Trung Quốc, dù kinh tế phát triển nhanh song tình trạng bất bình đẳng xã hội ở mức nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường cũng đáng báo động, nạn tham nhũng hoành hành, lòng tin của dân vào Đảng giảm sút nghiêm trọng, dư luận bức xúc gây nguy cơ bạo động xã hội. Đối với Mỹ, trong thời gian tới, nợ công là vấn đề hóc búa nhất cần giải quyết. Sắp tới, để hạn chế nợ công, Chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu và nếu cắt giảm chi tiêu, sẽ ảnh hưởng đến chế độ hưu bổng, đến an sinh xã hội, đến quốc phòng, tức đến những vấn đề nhạy cảm nhất. Về việc Trung Quốc nắm nhiều trái phiếu của Mỹ, nếu Trung Quốc nắm càng nhiều thì hai bên càng lệ thuộc lẫn nhau, bởi khi món nợ càng cao thì khi con nợ chết, chủ nợ cũng không sống nổi.

Châu Âu có trọng lượng như thế nào trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc? Đối với Mỹ, châu Âu chỉ là một không gian thương mại, không hơn không kém. Chính sách chuyển ưu tiên chiến lược về vùng châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Obama cho thấy trong suốt nhiệm kỳ đầu ông Obama đã không xem trọng quan hệ với châu Âu nói chung, thậm chí với các nhà lãnh đạo châu Âu nói riêng. Trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-EU diễn ra năm 2009 tại Washington, Tổng thống Obama chỉ dành chưa tới 2 tiếng đồng hồ có mặt tại hội nghị. Ông cũng không dành thời gian đến Đức tham dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ.

Cũng như Mỹ, Trung Quốc lo ngại khủng hoảng kinh tế châu Âu vì châu Âu là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn ở thế thượng phong vì nắm trong tay một khối lượng khổng lồ ngoại tệ và sẽ có đủ sức để mua lại nợ công của châu Âu. Theo nhận định của một chuyên gia, đối với Mỹ và Trung Quốc, châu Âu chỉ là một khối quốc gia hoạt động thiếu đoàn kết. "La Croix" cho rằng, chính sự thiếu đoàn kết này tạo điều kiện cho các đối tác Mỹ và Trung Quốc có cơ hội trục lợi.

Nguồn: Pháp Luật & Xã Hội
0