Vibay

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Trung - Mỹ tranh giành quyền lực gay gắt ở Đông Nam Á

11/11/2012- (PL&XH) - Cuộc chiến tranh ở Campuchia, hay còn gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba, đã kết thúc được 21 năm. Tuy nhiên, theo báo Sankei của Nhật Bản, bóng đen không tốt lành một lần nữa lại đang kéo đến Campuchia và toàn khu vực Đông Dương.

Vũ đài tranh giành quyền lực mới

“Bóng đen” mà báo Sankei đề cập chính là sự tranh giành quyền lực quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Dương, và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á. Do đó, có khả năng Đông Dương sẽ một lần nữa trở nên bất ổn. Kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, Mỹ đã coi “tương lai của Mỹ là ở châu Á” và tăng cường quan hệ với Đông Nam Á. Nước cản đường Mỹ tại khu vực này chính là Trung Quốc.

Từ nửa cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng ở khu vực bán đảo Đông Dương. Trừ Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng các khoản đầu tư và viện trợ lớn cho 4 nước Myanmar, Lào, Campuchia và Thái Lan để tăng cường sự hiện diện ở khu vực này. Sự trở lại Đông Nam Á của Mỹ bắt đầu từ Myanmar. Ngay sau khi thành lập năm 2009, chính quyền Obama đã bắt đầu tiếp xúc công khai và bí mật với chính quyền quân sự Myanmar khi đó đang bị cấm vận. Kết quả là đến tháng 11-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thăm Myanmar. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ trong vòng 57 năm qua. Một minh chứng rõ nét nữa là ngay sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Obama chính là đến Myanmar. Chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ ít nhất cũng đang thành công ở Myanmar.

Tại Lào, nơi Trung Quốc đã tạo được sự hiện diện áp đảo từ những năm đầu thế kỷ này, Mỹ cũng bắt đầu nỗ lực lôi kéo rời xa ảnh hưởng Trung Quốc. Tháng 7-2012, bà Hillary Clinton trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Lào sau 57 năm. Tháng 10-2012, nguyện vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Lào được chấp thuận với sự hậu thuẫn của Mỹ.

Tiếp theo là Campuchia. Trung Quốc đã ủng hộ Campuchia và không ngừng tăng cường hiện diện ở nước này. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 7-2012, Campuchia với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên đã điều hành hội nghị theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Việt Nam với Trung Quốc ở biển Đông.

Một hiện tượng nữa ở Đông Dương cũng thu hút sự chú ý của dư luận là việc Mỹ và Việt Nam nhanh chóng tăng cường quan hệ song phương. Mỹ có thiện ý với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và hai bên cũng đã bắt đầu tiến hành thao diễn quân sự chung. Đối với Mỹ, Việt Nam là đê chắn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, Mỹ là sự hậu thuẫn cần thiết để Việt Nam đối phó với sức ép từ phía Trung Quốc.

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc là hai kẻ thù của nhau. Tuy nhiên, khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô trở nên quyết liệt, chuyến thăm Trung Quốc của cựu Tổng thống Richard Nixon đã biến “kẻ thù ngày hôm qua” thành “bạn bè ngày hôm nay”. Mặc dù vậy, khi “mối đe dọa từ phương Bắc” biến mất cùng sự sụp đổ của Liên Xô, giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu “Nam tiến” mở rộng ảnh hưởng. Sau đó, Trung Quốc một lần nữa lại đối đầu với Mỹ - nước bắt đầu coi trọng khu vực Đông Nam Á.

Khi cuộc nội chiến ở Campuchia kết thúc năm 1991, thế giới đã nghĩ rằng “lần này thì hòa bình đã quay trở lại bán đảo Đông Dương”. Nhưng hiện nay bán đảo này đang trở thành vũ đài tranh giành quyền lực mới giữa Trung Quốc và Mỹ. Nền hòa bình đạt được ở Campuchia 21 năm trước liệu có phải chỉ là “thời gian tạm nghỉ” của lịch sử chiến tranh đối kháng lâu dài ở bán đảo Đông Dương?


Ngoại trưởng Hillari Clinton (trái) trong chuyến thăm Myanmar. Ảnh: TL

Đối tác hay đối thủ?

Trong cùng một tuần lễ, tại cả Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra hai sự kiện quan trọng. Tại Mỹ, Tổng thống Obama tái đắc cử, còn tại Trung Quốc, dù Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc ngày 8-11 và 14-11 mới bế mạc, nhưng kết quả đại hội gần như đã được ấn định từ trước. Nhiều chuyên gia quan sát nhận định, thế kỷ 21 là thế kỷ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, song nhật báo "La Croix" của Pháp lại cho rằng, dù có tiềm năng đối đầu về quân sự và kinh tế nhưng tình hình thế giới đã khiến các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Bởi vậy, bên cạnh sự đối đầu, hai nước này còn có sự nương tựa lẫn nhau.

Nhìn vào lĩnh vực quân sự, "La Croix" nhận định, từ những năm 80 của thế kỷ trước, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu được chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ngân sách dành cho quân đội của Trung Quốc không ngừng tăng và hiện lên tới 129 tỷ USD. Lập trường chính thức của Trung Quốc là bảo vệ lãnh thổ và chuẩn bị “đương đầu với các cuộc xung đột quân sự từ mọi phía”. Theo báo trên, trong mọi phía đó thì hàng đầu là đương đầu với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc muốn thiết lập bá quyền.

Còn đối với Mỹ, năm 2011, nước này dành đến 711 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, chiếm đến 41% chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới. Trong những năm tới, dù cắt giảm ngân sách song ngân sách của Nhà Trắng sẽ dao động từ 650-700 tỷ USD. Như vậy vẫn còn cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc, và Mỹ vẫn sẽ là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới. Còn ở Thái Bình Dương, hạm đội của Mỹ đóng tại Ấn Độ Dương cũng có đến 180 đơn vị với 2.000 máy bay và 125.000 quân nhân. Mỹ cũng có các đồng minh thân cận trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Chính phủ Mỹ cũng đã chuyển hướng tập trung quân sự về vùng châu Á-Thái Bình Dương để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ đã tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia.

Về kinh tế, mấy thập niên qua, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng bình quân 10%. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là không bền vững vì nhắm mắt chạy theo tăng trưởng GDP mà để phát sinh những bất công và bất bình đẳng xã hội, nạn phân hóa giàu nghèo rất cao và tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Nền kinh tế nước này vốn dựa vào đầu tư và xuất khẩu, nhưng trong bối cảnh kinh tế phương Tây đang khó khăn, xuất khẩu Trung Quốc giảm đi, đầu tư xuống dốc và tăng trưởng vì thế cũng mất đà. Trong khi đó, Mỹ hiện vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Tăng trưởng của Mỹ hiện ở mức 2%, tỉ lệ thất nghiệp ở mức trên dưới 8%, bảo hiểm xã hội đang hạn chế. Trung Quốc hiện đang nắm trong tay rất nhiều trái phiếu của Mỹ.

Trong thời gian tới, các lãnh đạo mới của hai nước sẽ đối đầu với hàng loạt thách thức. Đối với Trung Quốc, dù kinh tế phát triển nhanh song tình trạng bất bình đẳng xã hội ở mức nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường cũng đáng báo động, nạn tham nhũng hoành hành, lòng tin của dân vào Đảng giảm sút nghiêm trọng, dư luận bức xúc gây nguy cơ bạo động xã hội. Đối với Mỹ, trong thời gian tới, nợ công là vấn đề hóc búa nhất cần giải quyết. Sắp tới, để hạn chế nợ công, Chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu và nếu cắt giảm chi tiêu, sẽ ảnh hưởng đến chế độ hưu bổng, đến an sinh xã hội, đến quốc phòng, tức đến những vấn đề nhạy cảm nhất. Về việc Trung Quốc nắm nhiều trái phiếu của Mỹ, nếu Trung Quốc nắm càng nhiều thì hai bên càng lệ thuộc lẫn nhau, bởi khi món nợ càng cao thì khi con nợ chết, chủ nợ cũng không sống nổi.

Châu Âu có trọng lượng như thế nào trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc? Đối với Mỹ, châu Âu chỉ là một không gian thương mại, không hơn không kém. Chính sách chuyển ưu tiên chiến lược về vùng châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Obama cho thấy trong suốt nhiệm kỳ đầu ông Obama đã không xem trọng quan hệ với châu Âu nói chung, thậm chí với các nhà lãnh đạo châu Âu nói riêng. Trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-EU diễn ra năm 2009 tại Washington, Tổng thống Obama chỉ dành chưa tới 2 tiếng đồng hồ có mặt tại hội nghị. Ông cũng không dành thời gian đến Đức tham dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ.

Cũng như Mỹ, Trung Quốc lo ngại khủng hoảng kinh tế châu Âu vì châu Âu là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn ở thế thượng phong vì nắm trong tay một khối lượng khổng lồ ngoại tệ và sẽ có đủ sức để mua lại nợ công của châu Âu. Theo nhận định của một chuyên gia, đối với Mỹ và Trung Quốc, châu Âu chỉ là một khối quốc gia hoạt động thiếu đoàn kết. "La Croix" cho rằng, chính sự thiếu đoàn kết này tạo điều kiện cho các đối tác Mỹ và Trung Quốc có cơ hội trục lợi.

Nguồn: Pháp Luật & Xã Hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét