Ảnh chụp ngày 14/01/2018 tại một xưởng chế tạo phụ tùng xe đạp tại Chiết Giang. Công ty đã di dời sản xuất sang nhiều nước sang Việt Nam, Serbia và Mêhico.
Cả thế giới như tạm thở phào nhẹ nhõm trước việc hai lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hôm 02/12/2018 vừa qua quyết định ngưng tấn công nhau về thương mại trong vòng 90 ngày, để đàm phán lại quan hệ mậu dịch song phương. Thỏa thuận hưu chiến đó dĩ nhiên có lợi cho hai bên tranh chấp, nhưng câu hỏi được đặt ra là đối với các nước khác thì tác động ra sao, đặc biệt đối với các đối tác hay đối thủ của Bắc Kinh, trong thời gian qua đã thu hoạch được một số lợi ích từ việc Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt.
Từ lúc Hoa Kỳ bắt đầu khởi động cuộc chiến tranh thương mại đánh vào Trung Quốc, hầu hết các nhà quan sát đều nhận định rằng Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến đó, với việc các doanh nghiệp di dời sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam để tránh việc bị Mỹ đánh thuế khi đi vào thị trường Hoa Kỳ.
Với ba tháng hưu chiến vừa được quyết định, và triển vọng Mỹ - Trung tìm được giải pháp chấm dứt cuộc chiến, đà chuyển dịch cơ sở sản xuất đó chắc chắn sẽ chậm lại.
Đây chính là nhận định của lãnh đạo một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên trách việc giúp các doanh nghiệp Trung Quốc qua làm ăn tại Việt Nam. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 03/12 vừa qua, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11, công ty này đã nhận được hơn 130 yêu cầu tìm hiểu thị trường Việt Nam từ phía các nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhân vật này cho rằng thỏa thuận hưu chiến Mỹ-Trung chỉ làm chậm đà di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam, chứ không làm cho việc này dừng hẳn lại.
Lý do là vì việc di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc là một xu hướng tất yếu, kéo dài trong thời gian, do việc chi phí nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng cao, buộc các công ty sản xuất đi tìm nơi có chi phí thấp hơn, và Việt Nam là một điểm đến lý tưởng.
Mặt khác, tại Trung Quốc, các luật lệ bảo vệ môi trường cũng ngày càng chặt chẽ hơn, làm cho công việc sản xuất tốn kém hơn. Điều đó cũng thúc đẩy các nhà sản xuất tìm đến Việt Nam, nơi luật lệ môi trường còn tương đối lỏng lẻo.
Nhật Bản, Brazil, Achentina cũng bị ảnh hưởng
Nếu quyết định hưu chiến về mặt thương mại được cho là sẽ chỉ có tác động hạn chế đến Việt Nam, thì Nhật Bản có khả năng sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn, do sức ép gia tăng từ phía Mỹ.
Theo tờ South China Morning Post, sau khi đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể chuyển mũi dùi thương mại qua phía Nhật Bản. Trong một cuộc họp hôm thứ Sáu 30/11 vừa qua với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Achentina, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc nhở rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản thuộc diện đáng kể và hai bên « hy vọng rằng sẽ sớm cần bằng được ».
Chính quyền Trump dự kiến sẽ yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường xe hơi của họ, đồng thời thúc đẩy giới sản xuất ô tô Nhật Bản mở rộng hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung cũng được cho là sẽ ảnh hưởng đến Brazil và Argentina. Trước khi cuộc chiến bùng lên, Trung Quốc là nước nhập khẩu đến 60% lượng đậu nành bán ra trên toàn thế giới, và đã mua đến 32,9 triệu tấn từ Hoa Kỳ vào năm ngoái.
Thế nhưng, sau khi tổng thống Trump khởi động cuộc chiến thuế quan, Trung Quốc đã áp thuế suất 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, và quay sang tìm các nhà cung cấp khác. Theo hãng Reuters, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua từ 12 triệu đến 14 triệu tấn đậu nành từ Brazil trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 11. Hoa Kỳ cũng vậy, cũng phải tìm thị trường mới cho khối lượng sản phẩm mà Trung Quốc không mua, và Achentina đã thay thế Trung Quốc trong tư cách khách hàng số một của nông sản Mỹ.
Tuy nhiên, với thỏa thuận hưu chiến ngày 01/12 vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm sản phẩm nông nghiệp Mỹ, và điều này sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các nhà cung cấp khác.
Nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét