Công nhân tại một nhà máy của Foxconn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Foxconn, công ty lắp ráp iPhone lớn nhất của tập đoàn Apple, đang xem xét đưa nhà máy của họ tới Việt Nam.
Foxconn, công ty lắp ráp iPhone lớn nhất của tập đoàn Apple, đang xem xét việc thành lập nhà máy tại Việt Nam nhằm tránh các mức thuế mới từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tập đoàn Công nghệ Foxconn, có trụ sở ở Đài Loan, và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã họp bàn về vấn đề này, theo nguồn tin của Báo Đầu tư (VIR).
Bản tin bằng tiếng Anh của VIR ra ngày 3/12 cho biết Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 22/11, tiết lộ rằng tập đoàn Foxconn và UBND TP Hà Nội đang hợp tác để mở một nhà máy sản xuất iPhone ở Việt Nam nhằm giảm thiểu những tác động của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
“Chúng tôi đang bàn thảo việc này với Foxconn,” ông Lộc nói với Reuters nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Động thái này được xem là một trong những chuyển dịch đáng chú ý của một công ty lớn đang có các nhà máy sản xuất quy mô lớn ở Trung Quốc để có thêm những cơ sở ở bên ngoài do những căng thẳng về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nhận định của Reuters.
Một số người đứng đầu các công ty công nghệ khác được Reuters phỏng vấn đều cho rằng Việt Nam và Thái Lan là hai nơi sẽ được họ xem xét nếu họ muốn chuyển dây truyền sản xuất kinh doanh tới để tránh tác động của cuộc chiến thương mại.
“Trước bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hiện đang có làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, miền Bắc và Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư,” người đứng đầu VCCI, ông Lộc, được Báo Pháp Luật trích lời nói tại cuộc họp với Thủ tướng Phúc hôm 22/11. “Việc đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam cũng là dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.”
Để đón nhận làn sóng đầu tư mới, đặc biệt cho lĩnh vực công nghệ cao, ông Lộc đề nghị Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Lý do các nhà đầu tư lựa chọn TP Hà Nội, theo ông Lộc, là vì thành phố có những bước chuyển mới trong cải cách hành chính, có khí hậu tốt, truyền thống văn hóa và gần thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn theo Pháp Luật, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung lại cho rằng việc giải quyết thủ tục hành chính của TP Hà Nội vẫn không nhanh bằng TP HCM. Ông Cung nói việc giải quyết các thủ tục phát sinh sau các thủ tục ban đầu của Hà Nội còn chậm và rằng nhiều sở, ngành của thủ đô “vẫn có những nhiêu khê nhất định làm khó nhà đầu tư.”
Một trong những bất cập lớn đang làm cản trở môi trường kinh doanh tại Việt Nam là các “chi phí ngoài pháp luật” mà các doanh nghiệp phải trả để ‘bôi trơn.’
Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 công bố đầu năm 2017, khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả phí ‘bôi trơn’ cho quan chức địa phương.
Nguồn: VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét