Vibay

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Việt Nam muốn có nền điện ảnh như Hollywood


oster quảng bá phim Cô Ba Sài Gòn và Song Lang của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Cô Ba Sài Gòn là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt Nam được chọn tham dự giải Oscar 2019.

Gọi là Vollywood được không?

Nền điện ảnh của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với sự bùng nổ các rạp hát trên khắp cả nước và nhiều nhà làm phim tham gia vào thị trường này cùng với sự chú ý toàn cầu nhờ bộ phim bom tấn "Kong" (Đảo Đầu Lâu) được quay ở Việt nam và ra mắt năm ngoái.

Khi tìm kiếm từ khóa "Phim Việt Nam" trên mạng internet thì hầu hết các kết quả không phải là phim do người Việt Nam làm, mà là các siêu phẩm điện ảnh của Hollywood về Chiến tranh Việt Nam, như Apocalypse Now (Lời sấm truyền), Full Metal Jacket (Áo giáp sắt) và Born on the Fourth July (Sinh ngày 4/7). Nhiều bộ phim được quay tại Hoa Kỳ, và tất cả đều là những câu chuyện về người Mỹ, với các nhân vật Việt Nam rải rác làm nền.

Đây là một cái gai đối với những người muốn Việt Nam có vị trí riêng trong thế giới điện ảnh. Điều đó đang bắt đầu diễn ra.

Ngô Thanh Vân, nghệ sỹ được biết tiếng trong làng điện ảnh quốc tế với vai diễn trong "Crouching Tiger, Hidden Dragon" (Ngọa hổ tàng long), nay đã trở thành đạo diễn. Bộ phim mới nhất của cô, "The Tailor" (Cô Ba Sài Gòn), đã chính thức được chọn đại diện cho Việt Nam tham dự giải Oscar năm tới, trong hạng mục phim nói tiếng nước ngoài.

"Làm phim ở Việt Nam đã là một công việc mạo hiểm rồi, không phải với riêng tôi", Thanh Vân, người cũng đóng một vai phụ trong bộ phim bom tấn của Hollywood "Star Wars: The Last Jedi" (Chiến tranh giữa các vì sao: Jedi cuối cùng), nói với Zing. "Nhưng chính vì khó, mình muốn dồn hết tâm sức làm cho bằng được."

Niềm đam mê phim ảnh của cả người làm phim lẫn khán giả Việt Nam đang ngày càng tăng. Chuỗi rạp chiếu phim trong nước CGV báo cáo lợi nhuận tăng 30% trong năm 2017 so với năm trước. Dù chỉ là một công ty nhưng CGV kiểm soát gần một nửa số rạp chiếu phim ở quốc gia Đông Nam Á này. Các nhà phê bình gọi đó là độc quyền, nhưng điều đó cũng có nghĩa là sự tăng trưởng của nó phản ánh sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh nói chung. Bên cạnh CGV, thuộc sở hữu của tập đoàn CJ Group của Hàn Quốc, còn có nhiều cụm rạp khác bao gồm BHD, Galaxy, Skyline, Cinestar, Cinebox, Lotte, và một số công ty khác kinh doanh phim ảnh ở Việt Nam.

Các rạp chiếu phim đang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong một nền kinh tế mở với mức tăng trưởng 7% mỗi năm. Nhu cầu tăng cao này đã thu hút những dịch vụ phim trực tuyến như Netflix và iflix – đối thủ cạnh tranh của Netflix – đến Việt Nam.

"Khi một quốc gia phát triển, nhu cầu phát triển đi kèm theo là giải trí, vì vậy điều quan trọng là nắm bắt được nhu cầu này", công ty tư vấn đầu tư Investar viết trong một bài phân tích về ngành công nghiệp điện ảnh. "Ở Việt Nam, nhiều rạp chiếu phim lớn đã bắt đầu phát triển, và dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực này ngày càng tăng".

Sự phát triển của điện ảnh Việt Nam diễn ra cùng lúc với sự góp mặt ngày càng nhiều của các nghệ sỹ người Việt ở hải ngoại trong các bộ phim nước ngoài. Bộ phim được yêu thích của Netflix "To All Boys I Loved Before" (Những chàng trai năm ấy) có sự góp mặt của một ngôi sao người Mỹ gốc Việt sinh ra ở thị trấn Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong "Downsizing" (Thu nhỏ), Matt Damon là bạn diễn của Hong Chau, người nói tiếng Anh với ngữ điệu đặc Việt nhưng lại giành được một đề cử Quả cầu vàng.

Và một số người trong cộng đồng Việt Kiều đó đang trở về quê hương. Các diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất và biên tập phim người Mỹ (gốc Việt) đã trở lại Việt Nam hoặc tái định cư ở đây trong những năm gần đây, nổi tiếng nhất là anh em Johnny Trí và Charlie Nguyễn. Các nhà làm phim đến từ Pháp, cựu thực dân ở Việt Nam, cũng đã dời tới Việt Nam, chẳng hạn như một cặp đôi người Pháp gốc Việt – họ đã thành lập một xưởng phim hoạt hình tại TP Hồ Chí Minh.

"Xem phim Việt Nam là một trong những cách thư giãn, vui và hiệu quả để thể hiện lòng yêu nước Việt ", nghệ sĩ Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho biết trên trang Facebook của cô. "Nếu bạn ủng hộ phim Việt Nam, các bộ phim sẽ thu được lợi nhuận, và các nhà đầu tư sẽ đầu tư nhiều tiền hơn".

Cô nói thêm rằng Việt Nam có rất nhiều địa danh tuyệt đẹp mà một người quay phim phải mơ tới.

"Kong: Skull Island" (Đảo Đầu lâu) là một ví dụ điển hình. Phần mới nhất của loạt phim về con đười ươi khổng lồ được quay ở Việt Nam, trong đó có những cảnh quay các dải núi đá vôi trên vùng biển xanh của Vịnh Hạ Long, một di sản thế giới của UNESCO.

Bộ phim cũng là một biểu tượng cho thấy sự thay đổi của Việt Nam. Mặc dù nó được lấy bối cảnh trong chiến tranh Việt Nam, nhưng "Kong" đã không bị xem như là một bi kịch cuộc chiến mà được khen ngợi vì những thứ khác – gồm trận chiến hấp dẫn với Kong, màn trình diễn của Samuel L. Jackson và Brie Larson, và phong cảnh hùng vĩ. Việt Nam vui mừng được phô diễn phong cảnh đó thay vì chỉ được dùng như một bối cảnh chiến trường khác.

Các bộ phim tiếng Việt đã đến được nhiều nơi trên thế giới, từ "Cyclo" (Xích lô) cho đến "The White Silk Dress" (Áo lụa Hà Đông). Người dân Việt hy vọng đó chỉ là khởi đầu của một ngành công nghiệp phát triển mạnh.

"Chúng tôi biết rằng phim Việt Nam chưa bằng với các nước láng giềng, bởi vì chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn mở cửa", Kỳ Duyên cho biết. "Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ không bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua họ."

Ấn Độ có Bollywood. Nigeria có Nollywood. Có thể sẽ đến lúc có Vollywood.​

Nguồn: VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét