Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

“Chúng chờ đợi chúng ta”: bác sĩ nói về “hàng trăm loại virus mới”


(06/04/2020)- Trong các cơ thể động vật có hàng trăm loại virus chưa vượt qua hàng rào giữa các loài để rồi sau đó có thể lây nhiễm sang người, ông Alexander Semenov, phó giám đốc Viện nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Pasteur cho biết trên kênh truyền hình Russia 1.

Theo ông, virus muốn lây lan cần nhiều sự tiếp xúc giữa các loài, để chúng có thể tìm được một cơ thể thích hợp của con người.

"Có hàng trăm loại virut trong động vật hoang dã chưa vượt qua hàng rào giữa các loài. Chúng sống trong các cơ thể động vật và chờ đợi chúng ta. Chúng ta chỉ là chưa tiếp xúc với chúng mà thôi".

Hơn nữa, trong trường hợp có tiếp xúc, sớm hay muộn cũng sẽ có một người dễ bị nhiễm virut, nhà virus học nói.

Trước đó, WHO đã nêu ra triệu chứng rõ rệt nhất khi bị nhiễm coronavirus là sốt trên 38 độ. Có hơn 90 phần trăm những người bị nhiễm gặp phải trạng thái này.

Tổ chức Y tế Thế giới ngày 11 tháng 3 đã công bố sự bùng phát căn bệnh coronavirus chủng mới COVID-19 là đại dịch. Theo số liệu mới nhất của WHO, trên toàn thế giới ghi nhận hơn 1,13 triệu trường hợp nhiễm bệnh, gần 63 nghìn người tử vong.

Theo Sputnik
0

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Virus corona có thể lan truyền qua không khí ?

(05/04/2020)- Tạp chí Science ngày 02/04/2020 cho biết các báo cáo mới của Mỹ khẳng định có một số bằng chứng cho thấy virus corona gây bệnh Covid-19 có thể lan truyền qua không khí, chứ không chỉ qua các giọt nước nhỏ li ti, văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi.


Việc virus corona gây bệnh Covid-19 có khả năng truyền qua đường không khí khiến Hoa Kỳ khuyến cáo dùng khẩu trang nơi công cộng. Ảnh minh hoạ : Trong một toa xe điện ngầm ở Paris ngày 3/4/2020. © AFP

Tờ báo trích một bức thư của ông Harvey Fineberg, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, gởi cho ông Kelvin Droegemeier, quan chức đặc trách chính sách khoa học và công nghệ của Nhà Trắng, ngày 01/04. Trong bức thư, ông Fineberg cho biết, tuy các nghiên cứu mới chưa thể đưa ra một kết luận chắc chắn nào, nhưng một số bằng chứng dường như xác nhận giả thuyết virus có thể lan truyền ra không khí, khi người bệnh thở ra. Theo viện sĩ Fineberg, đó chính là lý do vì sao dịch Covid -19 lây lan với tốc độ kinh khủng như vậy.

Thông thường, các giọt nước nhỏ xuất phát từ người bệnh chỉ văng ra tới khoảng cách tối đa là 2 mét, rồi rơi xuống đất theo trọng lực. Như vậy, chúng ta chỉ có thể nhiễm bệnh qua hai cách : hít trực tiếp các giọt nước nhỏ từ người bệnh, hoặc chạm tay vào một bề mặt bị nhiễm virus qua các giọt nước nhỏ từ người bệnh, rồi đưa tay lên mặt, mũi, mắt.

Thành ra, cho tới nay, cơ quan y tế tại những nước như Pháp chỉ khuyên người dân là không cần đeo khẩu trang ( trừ các nhân viên y tế và người bệnh ), mà chỉ cần giữ khoảng cách an toàn với nhau, tối thiểu là một mét, đồng thời phải rửa tay thường xuyên bằng xà bông, hoặc bằng dung dịch diệt khuẩn.

Nhưng bây giờ, nếu đúng là virus có thể lan truyền qua không khí thì như vậy là chính phủ các nước phải xem xét các khuyến cáo phòng ngừa dịch Covid -19. Trước mắt, có lẽ dựa trên nội dung bức thư nói trên mà Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ đã khuyến cáo người dân nước này nên mang khẩu trang khi đi ra ngoài.

Tuy vậy, Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 27/03 đã nhắc lại rằng sự lan truyền của virus qua không khí chỉ xảy ra trong số trường hợp rất cá biệt, ví dụ như như khi luồn ống vào khí quản của bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nguy kịch.
0

Virus gây dịch Covid-19 tại Việt Nam đã tiến hóa, có sự khác biệt rõ rệt

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, hiện tại, đã tìm thấy sự khác biệt đối với virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại Việt Nam.


Virus SARS-CoV-2 do các nhà khoa học thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nuôi cấy, phân lập từ bệnh phẩm của bệnh nhân ghi nhận đầu vụ dịch Covid-19

Theo PGS - TS Lê Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ngay từ khi có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2, gây dịch Covid-19, từ bệnh phẩm của ca bệnh Covid-19.

TS Mai đánh giá: "Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã qua 2 đợt dịch. Khi phân tích các virus trên bệnh phẩm từ các bệnh nhân, kết quả cho thấy, virus gây bệnh đã tách thành 2 nhóm khác hẳn nhau. Giai đoạn trước, các bệnh nhân là những người về từ châu Á, còn giai đoạn hiện nay, các bệnh nhân nhiễm virus có nguồn gốc bắt đầu từ châu Âu chiếm đa số. Và virus mà ta phân lập được trên ca bệnh Covid-19 về từ châu Âu thì khác với virus gây bệnh tại châu Á".

Hiện tại, các nhà khoa học của Viện chưa khẳng định về độc lực của virus này liên quan đến nguồn gốc địa lý, nơi mà chúng tồn tại. "Tuy nhiên, nó rất khác, khác biệt rõ rệt, có tiến hóa’’, TS Mai cho biết.


Các nhà khoa học nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 ngay từ đầu vụ dịch Covid-19

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng cho hay: “Virus nào lây nhiễm nhiều hơn, mạnh hơn hiện vẫn chưa khẳng định. Vì ngoài yếu tố đặc tính riêng, thì việc virus lây nhiễm còn phải có điều kiện tốt, môi trường tốt và cơ thể cảm nhiễm tốt”.

Trước đó, hồi đầu tháng 2, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV gây dịch Covid-19. Việc phân lập, nuôi cấy thành công đã giúp phát triển các sinh phẩm xét nghiệm, cũng như phục vụ cho nghiên cứu điều chế vắc-xin dự phòng bệnh.

Với các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất mồi chuẩn thực hiện các xét nghiệm chính xác khẳng định ca bệnh Covid-19, cho kết quả xét nghiệm sớm hơn với số lượng lớn mẫu bệnh phẩm. Việc này càng có ý nghĩa khi dịch Covid-19 tại Việt Nam đang lây lan trong cộng đồng, số người cần xét nghiệm tăng cao.

Theo Thanh Niên
0

Vài mẹo nhỏ khiến muỗi phải chạy "bán sống bán chết" khỏi nhà bạn


Chỉ cần hiểu về đặc tính của muỗi một chút, bạn có rất nhiều cách để đuổi muỗi ra khỏi môi trường sống của mình cực kỳ đơn giản.

Muỗi không chỉ gây khó chịu mà còn là sinh vật nguy hiểm nhất hành tinh. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, hàng năm có khoảng 1,5 triệu người chết vì những loại bệnh do muỗi đem lại.

Muỗi đem lại không chỉ căn bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt rét, sốt vàng da mà còn rất nhiều lại bệnh nguy hiểm khác...

Tuy nhiên, đuổi muỗi và diệt muỗi lại vô cùng đơn giản. Bạn không nhất thiết phải sử dụng hóa chất vì những loại hóa chất diệt muỗi hiện nay tuy hiệu quả nhưng lại rất độc hại cho sức khỏe.

Chỉ cần hiểu về đặc tính của muỗi một chút, bạn có rất nhiều cách để đuổi muỗi ra khỏi môi trường sống của mình cực kỳ đơn giản.

1. Đuổi muỗi bằng tỏi:

Tỏi là một loại gia vị có tác dụng xua đuổi muỗi cực kỳ hiệu quả. Muỗi dường như rất "e ngại" mùi tinh dầu bốc ra từ tỏi. Ở những nơi có mùi tỏi, muỗi đều tránh rất xa.


Những cách đuổi muỗi bằng tỏi mà bạn có thể áp dụng:
- Ăn tỏi: Nếu bạn thường xuyên ăn tỏi, mùi tỏi sẽ thoát ra khỏi các lỗ chân lông. Tuy rằng mùi này rất nhẹ khiến cho bạn không cảm nhận bằng mũi được nhưng muỗi rất nhạy cảm và chắc chắn sẽ cảm nhận được mùi vị đáng sợ này.

- Bôi nước tỏi lên da: Nếu nhà có trẻ nhỏ mà bạn không muốn dùng hóa chất bôi lên cơ thể của trẻ, hãy dùng một chút nước tỏi thoa vào da của trẻ, muỗi sẽ không còn dám tấn công những đứa trẻ của bạn nữa.

- Đun sôi nước tỏi và dùng dung dịch này phun vào các góc nhà, chỗ muỗi thường trú ngụ. Đây là cách bạn giúp môi trường sống của mình không còn bóng muỗi vì chúng đã sớm "cao chạy xa bay".

2. Đuổi muỗi bằng bạc hà:

Bạc hà là loại thảo dược an toàn và cực kỳ hữu dụng trong việc xua đuổi muỗi và côn trùng. Trong lá bạc hà có chứa chất nepetalactone - một loại tinh dầu mà muỗi không sao chịu nổi.

Chính vì thế, tinh dầu bạc hà có tác dụng ngăn chặn muỗi hiệu quả gấp 10 lần DEET - một thành phần được tìm thấy trong các loại hóa chất đuổi côn trùng.


Cách đuổi muỗi bằng bạc hà:

- Dùng những bó bạc hà nhỏ để trên bàn ăn, bệ bếp, cửa sổ và những nơi có muỗi để xua đuổi chúng. Cách này giúp xua đuổi muỗi trong vòng 1,2 ngày, sau đó bạn hãy thay bằng những bó bạc hà mới.

- Trồng bạc hà xung quanh nhà: Cách này có vẻ lâu dài và đỡ mất công hơn. Bạn hãy tạo ra một "hàng rào" chống muỗi bằng cách sử dụng những chậu nhỏ trồng cây bạc hà rồi đặt ở ngoài ban công, sửa sổ nơi muỗi có thể theo đó vào nhà.

3. Đuổi muỗi bằng nước súc miệng listerine:

Trong trường hợp cấp thiết mà nhà bạn lại không có sẵn những vật dụng đuổi muỗi khác, bạn có thể "chống cháy" bằng nước súc miệng listerine bởi loại nước này không chỉ làm sạch răng miệng mà còn có tác dụng đuổi muỗi rất hiệu quả.

Trong thành phần của nước súc miệng listerin có chứa nhiều tinh dầu khuynh diệp (Eucalyptus oil), loại dầu này có tác dụng đuổi muỗi rất hiệu quả.


Cách đuổi muỗi bằng nước súc miệng listerine:
Cho một ít nước súc miệng vào trong lọ xịt nhỏ rồi xịt vào những nơi muỗi hay trú ngụ như góc nhà, gầm bàn, gầm giường, gầm tủ... Mùi tinh dầu khuynh diệp sẽ làm muỗi sợ mà bay đi hết.

Theo Tri Thức Trẻ
0

Úc phát hiện loại thuốc dùng một liều tiêu diệt Covid-19 chỉ trong 48 giờ

(05/04/2020) - Một loại thuốc chống ký sinh trùng được phát hiện có thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 ở môi trường phòng thí nghiệm trong 2 ngày.


Tờ 7News hôm 3/4 dẫn tin từ AAP cho hay, nghiên cứu do Đại học Monash (Úc) thực hiện chỉ ra rằng một liều Ivermectin có thể ngăn virus SARS-CoV-2 phát triển trong môi trường tế bào.

"Chúng tôi nhận thấy rằng chỉ cần một liều duy nhất của Ivermectin, về cơ bản cũng có thể loại bỏ tất cả chất liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 trong 48 tiếng hoặc thậm chí là 24 tiếng", tiến sĩ Kylie Wagstaff, làm việc tại Viện khám phá sinh học Monash, cho biết hôm 3/4.

Trong khi cơ chế tiêu diệt virus gây dịch Covid-19 của Ivermectin vẫn chưa được làm sáng tỏ, loại thuốc này có thể ngăn virus làm giảm số lượng tế bào gốc - tế bào có khả năng loại bỏ virus.

Theo 7News, bước tiếp theo, các nhà khoa học sẽ xác định liều lượng chính xác dành cho người, để đảm bảo mức độ an toàn tuyệt đối nếu sử dụng.

"Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu và chưa có thuốc điều trị, nếu một loại thuốc có thể diệt được virus gây bệnh, nó sẽ giúp rút ngắn thời gian kiểm soát bệnh dịch trên toàn thế giới. Nhưng thực tế, chúng ta vẫn cần thời gian để kiểm chứng trước khi sản xuất được vaccine", tiến sĩ Wagstaff nói.


Trước khi được sử dụng để chống lại virus SARS-CoV-2, Ivermectin cần được thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng. Và quá trình này đòi hỏi một số lượng kinh phí lớn.

Ivermectin, một loại thuốc chống ký sinh trùng được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn, cũng cho thấy hiệu quả chống lại nhiều loại virus như HIV, sốt xuất huyết và cúm, trong môi trường phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu về khả năng diệt virus SARS-CoV-2 của Ivermectin được Viện khám phá sinh học Monash kết hợp nghiên cứu cùng Viện nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty (Úc). Kết quả nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Nghiên cứu thuốc kháng virus.

Theo 24H
0

Giới siêu giàu Mỹ đi nghỉ mát trốn virus, khu nghỉ dưỡng thành ổ dịch


Nhiều khu trượt tuyết và khu nghỉ mát tại Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến. Điều này làm quá tải hệ thống y tế yếu ớt tại đây.

Các thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hoảng do Covid-19 khi nhiều người dân rời khỏi các thành phố đến đây tránh dịch.

Các quan chức địa phương tại những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng đã ghi nhận ngày càng nhiều ca nhiễm Covid-19. Họ cũng lo lắng tình hình này sẽ làm quá tải những bệnh viện nhỏ ở địa phương, theo Guardian.

Trong nhiều thập kỷ, thành phố Sun Valley, quận Blaine, bang Idaho là nơi thu hút những người nổi tiếng và tỷ phú như Arnold Schwarzenegger, Mark Zuckerberg, Marilyn Monroe và Clint Eastwood. Tính đến hôm 2/4, đã có 351 ca nhiễm tại quận Blaine, nơi chỉ có dân số 22.000 người.

Số ca nhiễm tại quận Blaine đang chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm trên toàn bang. Tình hình đã làm quá tải bệnh viện duy nhất trong khu vực, nơi chỉ có một máy thở và đã ngừng hoạt động một phần sau khi một số bác sĩ bị cách ly.

Theo một phân tích trên Salt Lake Tribune, những khu vực có kinh tế dựa vào giải trí có số ca nhiễm tính theo đầu người cao nhất trong cả nước chỉ sau thành phố New York và New Orleans, hai điểm nóng của dịch ở Mỹ.

Hai hạt du lịch có nhiều ca nhiễm nhất vào cuối tháng 3 tại Mỹ là nơi có các điểm nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng Vail ở Colorado và Thành phố Park ở Utah.

Các ca nhiễm ở Vail có liên quan đến các trường hợp ở Mexico sau khi 400 người đến thăm khu nghỉ mát từ Guadalajara, Mexico. Ít nhất ba giám đốc điều hành cấp cao đã dương tính với virus sau khi trở về từ Vail.

Hạt Palm Beach, nơi có khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump và cũng thu hút nhiều người nổi tiếng khác như Bill Gates, Tiger Woods, Jimmy Buffett và Rod Stewart ở Florida hiện có tỷ lệ tử vong do Covid- 9 cao nhất tại bang. Nơi này có 27 trong số 144 ca tử vong trên toàn bang cho đến nay.

Mặc dù còn quá sớm để đưa ra lý do cho việc các ca nhiễm tăng đột biến, sự gia tăng khách đến những nơi này có thể là một yếu tố.

Thống đốc Florida Ron DeSantis đã xác định các trường hợp nhiễm bệnh ở đây là du khách quốc tế và dự định triển khai các nguồn lực của Florida trước khi ban hành lệnh ở nhà trên toàn bang vào hôm 1/4.

Số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt mốc 300.000 và số ca tử vong tại đây cũng được ghi nhận hơn 8.100 trường hợp tính đến ngày 4/4.

Theo Guardian
0

Tuyên bố chấn động: Chủng coronavirus mới ở lại với loài người vĩnh viễn


Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, chuyên gia virus học hàng đầu Vitaliy Zverev kêu gọi nên thừa nhận rằng chủng coronavirus mới sẽ tồn tại mãi mãi cùng với nhân loại.

«Cần hiểu rằng loại virus này không xâm nhập vào loài người chỉ riêng hôm nay hay là cho đến mùa hè, cho đến mùa thu. Nó đến và ở lại trong nhiều năm, thậm chí có thể là vĩnh viễn. 70% cư dân thế giới sẽ bị nhiễm bệnh do chủng coronavirus này».

Chuyên gia virus học chỉ ra rằng thậm chí số người tiềm năng nhiễm coronavirus có thể nhiều hơn, theo những đánh giá khác nhau.

COVID-19 bám lại mãi mãi với chúng ta

Viện sĩ cũng nhấn mạnh rằng nếu xét nghiệm phát hiện mầm bệnh COVID-19 đã có tính chất đại trà, số lượng người nhiễm bệnh sẽ cao hơn, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do nhiễm coronavirus sẽ thấp hơn.

«Tỷ lệ tử vong không phải là 5% mà ít hơn so với bệnh cúm thường. Và đây là căn bệnh nhiễm trùng mà chúng ta sẽ sống chung, giống như với bệnh cúm», - nhà khoa học nói thêm.

Theo Sputnik News
0

Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước


Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám, chữa bệnh là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở đặc biệt quan trọng và cần thiết

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám, chữa bệnh là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài. Vì thế, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cần nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất.

Miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất máy thở

Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ số lượng các loại máy thở đang sử dụng và dự trữ, đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới.


Các trang thiết bị y tế từ Chương trình “Cùng Tuổi trẻ chống dịch COVID -19” được vận chuyển đến Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ công tác phòng, chống dịch

Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, khẩn trương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 6/4.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẵn sàng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực sử dụng, vận hành máy thở; chủ động phương án cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng thay thế trong quá trình sử dụng máy thở bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Vingroup sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt để kịp thời phục vụ chống dịch Covid-19

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã chính thức bắt tay vào sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt. Vingroup đã ký kết hợp đồng bản quyền với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

Theo Vingroup, các đơn vị được giao trọng trách chủ lực là Viện nghiên cứu – thiết kế Ô tô 1, Viện nghiên cứu – thiết kế Ô tô 2, Viện nghiên cứu Thiết bị Di động, Viện nghiên cứu – thiết kế Thiết bị Gia đình Thông minh, Viện nghiên cứu thiết kế Thiết bị Viễn thông, Viện nghiên cứu thiết kế Pin Thông minh, Nhà máy sản xuất Ô tô VinFast và Nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử VinSmart, tất cả các Cán bộ Lãnh đạo Tập Đoàn và các ban phòng chuyên môn có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và được yêu cầu làm việc trực tiếp điện thoại 24/24.

Việc cung ứng được chia thành 2 nhóm: các linh kiện có thể mua được trên thị trường và các linh kiện Vingroup phải tự chế tạo, hoặc hợp tác/hỗ trợ các đối tác chế tạo do công suất sản xuất của họ đã hết.


Vingroup bắt tay vào sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt.

Dự kiến các lô linh kiện của máy thở không xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của máy thở xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y Tế, Bộ Khoa học công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở Y tế trên toàn quốc.

Các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn nhiều lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy xâm nhập là 160 triệu đồng.

Được biết, các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng.

Dự kiến tập đoàn này sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y Tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất vào giá thành. Trước mắt, Vingroup sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch.
0

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Thủ tướng Anh nhiễm nCoV

Thủ tướng Boris Johnson dương tính với nCoV, đang tự cách ly ở Phố Downing với triệu chứng nhẹ.


Thủ tướng Anh Boris Johnson rời văn phòng làm việc tại số 10 Downing Street, London ngày 18/3. Ảnh: AFP.

"Trong 24 giờ qua, tôi có triệu chứng nhẹ và có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Tôi đang tự cách ly nhưng sẽ tiếp tục lãnh đạo công tác phản ứng của chính phủ bằng hệ thống họp qua video trong cuộc chiến chống nCoV. Đoàn kết với nhau, chúng ta sẽ đánh bại đại dịch. Hãy ở nhà để cứu người khác", Thủ tướng Boris Johnson thông báo trên Twitter ngày 27/3 kèm video. Ông cho biết triệu chứng của ông gồm sốt, ho dai dẳng.

Phát ngôn viên của số 10 phố Downing, dinh Thủ tướng Anh, cho biết ông Johnson đã có các triệu chứng nhẹ nghi nhiễm nCoV hôm 26/3, một ngày sau khi ông tham dự phiên họp hàng tuần. Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhân viên dinh Thủ tướng cùng các bộ trưởng cần phải cách ly.

Phát ngôn viên cho biết thêm Johnson đã làm xét nghiệm nCoV theo lời khuyên của Giáo sư Chris Whitty, cố vấn y tế chính phủ Anh.

Văn phòng Thủ tướng Anh hôm 22/3 đã chỉ định Ngoại trưởng Dominic Raab làm người thay thế trong tình huống Johnson không thể lãnh đạo vì nhiễm nCoV. Ngoại trưởng Raab đã làm xét nghiệm nCoV hai lần và đều cho kết quả âm tính.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Johnson nói ông sẽ tự cách ly trong 7 ngày thay vì 14 ngày như các công dân Anh khác. Ngôi nhà số 11 Phố Downing, nơi Johnson ở, đã bị phong tỏa. Các bữa ăn và giấy tờ của Thủ tướng Anh được để ngoài cửa, nhân viên sẽ gõ cửa sau khi giao đồ và rời đi.

Thủ tướng Johnson không xác nhận có ở cùng bạn gái đang mang thai Carrie Symonds hay không. Phóng viên Times Steven Swinford cho biết Symonds đang không sống tại Phố Downing.

Điện Buckingham cho biết Nữ hoàng Anh Elizabeth II gặp Thủ tướng Johnson lần cuối ngày 11/3 trong buổi báo cáo hàng tuần, sau đó bà chỉ liên hệ qua điện thoại. Điện Buckingham từ chối bình luận về việc xét nghiệm nCoV của Nữ hoàng Elizabeth II, cho biết "bà đang làm theo các khuyến nghị phù hợp liên quan đến sức khỏe".

Thái tử Anh Charles cũng được xác định dương tính với nCoV hai ngày trước, nhưng cũng với triệu chứng nhẹ, sức khỏe tốt và vẫn làm việc ở nhà. Nữ công tước Camilla, vợ Thái tử Charles, âm tính với nCoV, đang cách ly cùng chồng tại nhà ở Scotland.

Anh ghi nhận hơn 11.600 ca nhiễm nCoV, trong đó gần 580 người chết và 135 người đã hồi phục. Số người chết tại Anh tăng 113 người trong 24 giờ qua, trung bình cứ 13 phút thêm một ca tử vong.

Sau khi bùng phát ở Trung Quốc từ tháng 12/2019, Covid-19 hiện lan tới gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn nửa triệu người bị nhiễm và hơn 21.000 người thiệt mạng.

Nhiều quan chức cấp cao các nước cũng nhiễm nCoV, trong đó có Phó Tổng thống thứ nhất Iran Eshaq Jahangiri và Phó thủ tướng Tây Ban Nha Carmen Calvo. Một số nguyên thủ cũng làm xét nghiệm nCoV và cho kết quả âm tính, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
0

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

CNN: 25 thủy thủ dương tính trên tàu sân bay Mỹ từng ghé Việt Nam


Hải quân Mỹ thông tin thêm về các ca nhiễm Covid-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, khẳng định đang tiếp tục xét nghiệm, và chưa có ca nhiễm nặng.

“Việc xét nghiệm đang được tiếp tục, và có thêm các ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện trên tàu USS Theodore Roosevelt... Chưa thủy thủ nào phải nhập viện hoặc có triệu chứng nặng”, Đô đốc Michael Gilday, chỉ huy trưởng các hoạt động hải quân, cho biết trong một thông cáo, nhưng không nêu rõ cụ thể tổng số ca nhiễm.

Ngày 24/3, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly xác nhận ba thủy thủ trên tàu USS Theodore Roosevelt, vừa có chuyến thăm Đà Nẵng từ 5-9/3, dương tính với virus corona.

CNN dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ nói rằng số ca nhiễm đã lên đến 25 người, tính đến ngày 26/3.

Trung úy Rachel Mcmarr, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương, nói với Zing.vn rằng “những người được cho là đã tiếp xúc gần với các cá nhân dương tính cũng đã được cách ly và đang được xét nghiệm”.

Bà cũng xác nhận rằng kể từ khi rời Đà Nẵng, tàu USS Theodore Roosevelt vẫn ở trên biển cho đến ngày hôm nay (27/3), và vừa tới Guam. Bà cũng không trả lời câu hỏi về việc có bao nhiêu thủy thủ đã lên bờ tại Đà Nẵng.

Ông Gilday cho biết đội ngũ y tế trên tàu sân bay đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. “Ưu tiên trước mắt sẽ là các thủy thủ có triệu chứng, những người tiếp xúc với các thủy thủ đã dương tính, và những người đứng gác thiết yếu. Chúng tôi đang cách ly những người dương tính... Việc khử trùng kỹ lưỡng cũng sẽ được tiến hành”.

“Chúng tôi dự kiến có thêm các ca dương tính, và những thủy thủ dương tính sẽ được chuyển tới Bệnh viện Hải quân Mỹ ở Guam để khám và điều trị nếu cần thiết”, vị đô đốc cho biết.

“Trong chuyến thăm cảng này, thủy thủ trên tàu Roosevelt chỉ được giới hạn trong khu vực cảng. Không ai khác từ căn cứ hay từ khu vực được tới cảng”, ông Gilday nói thêm, khẳng định con tàu vẫn có thể phản ứng với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Thông cáo cho biết tàu USS Theodore Roosevelt ở Guam theo lịch thăm tàu định trước, nơi có nguồn lực của Hải quân Mỹ để có thể xét nghiệm, cách ly và điều trị cho thủy thủ.

Ngày 26/3, trước câu hỏi của phóng viên về việc có phương án truy tìm những người ở Đà Nẵng có thể đã tiếp xúc với các thủy thủ dương tính khi tàu thăm Đà Nẵng hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi quan tâm và đang tìm hiểu thông tin này, phía Mỹ cũng đã có phát biểu về vấn đề này. Chuyến thăm của đội tàu USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng ngày 5-9/3 đã kết thúc tốt đẹp. Thủy thủ đoàn đã có các hoạt động giao lưu theo kế hoạch”.
0

Tìm ra người đầu tiên nhiễm coronavirus


Một phụ nữ bán tôm sống ở Trung Quốc chính là người đầu tiên được xác định nhiễm coronavirus. Sputnik đưa tin dẫn nguồn báo chí Trung Quốc.

Xác định được rằng người phụ nữ có họ là Wei bán tôm sống ở chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán. Ngày 11 tháng 12 năm 2019 người này bị sốt không rõ nguyên nhân và đã đến khám ở trạm y tế. Người phụ nữ kể rằng bà thường đến bệnh viện khi thấy mình không khỏe, tại đó bà chỉ cần tiêm một mũi là ngày hôm sau khá lên ngay. Nhưng lần này thậm chí bà được tiêm hai mũi mà vẫn không giúp ích được gì.

Ngày 16 tháng 12 người phụ nữ tới bệnh viện Sehe trực thuộc Đại học khoa học và kỹ thuật Hoa Trung (Huazhong). Sau đó xác định được rằng đây là người đầu tiên trong số những người nhiễm coronavirus ở chợ Hoa Nam. Đã có giả thuyết rằng chính chợ hải sản này là nơi khởi phát lây lan căn bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên cho đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được virus có thể truyền từ vật chủ sang người bằng cách nào và trong hoàn cảnh nào.

Ngày 31 tháng 12, Ủy ban Y tế Vũ Hán thông báo rằng nhóm đầu tiên nhiễm bệnh gồm 27 người. Các nhà báo đã nhận được một bản sao danh sách các bệnh nhân coronavirus, qua đó cho thấy 24 người có tiếp xúc với chợ Hoa Nam, trong khi đó bốn người trong số họ là thành viên trong một gia đình.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã tìm ra người đầu tiên bị nhiễm mà không có bất kỳ tiếp xúc nào với chợ Hoa Nam. Đó là một người đàn ông có họ là Chen. Vào ngày 16 tháng 12, người này bị sốt và đến khám ở một bệnh viện ngoại ô thành phố Vũ Hán. Bệnh nhân không thể hiểu mình bị nhiễm bệnh ở đâu. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các thành viên gia đình ông cũng như người đi cùng ông đến bệnh viện đều khỏe mạnh.
0

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Covid-19: Vì sao BN100 vẫn đi lễ 60 lần sau khi từ Malaysia về? | VTC Now


Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 100 đã đi lễ ở thánh đường Hồi giáo tại quận 8 (TPHCM) suốt từ ngày 4/3 đến 17/3 mới được cách ly và dương tính với virus Sars-CoV-2, dù từng trở về từ Malaysia.
0

nCoV không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm

Sau khi so sánh và phân tích bộ gene của nCoV và những virus corona khác, các nhà khoa học khẳng định nCoV không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm.

Nhóm các nhà khoa học tại Mỹ, Anh và Australia trong một nghiên cứu mới về nCoV đã so sánh các bộ gene của nCoV với bảy loại virus corona khác để xác định những dấu hiệu biến đổi của chúng, trong đó ba loại lây nhiễm qua người, gây bệnh nghiêm trọng gồm SARS, MERS, nCoV và bốn loại gây ra các triệu chứng nhẹ như HKU1, NL63, OC43 và 229E.

"Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ ràng nCoV không phải là một dạng cấu trúc được tạo ra từ phòng thí nghiệm hoặc một loại virus bị điều khiển có chủ đích", nhóm nghiên cứu viết trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature ngày 17/3.


nCoV có vỏ chứa vật liệu di truyền tự nhiên. Ảnh: Live Science

Kristian Andersen, phó giáo sư về miễn dịch học và vi sinh học tại Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) cùng các đồng nghiệp đã xem xét khuôn mẫu di truyền của các gai S protein tăng đột biến nhô ra khỏi bề mặt của nCoV. Các virus corona sử dụng gai này để dính vào bức tường bảo vệ bên ngoài tế bào chủ, sau đó xâm nhập vào các tế bào. Họ theo dõi những trình tự gene chịu trách nhiệm cho hai tính năng chính của S protein gồm chức năng "móc" vào các tế bào chủ, được gọi là miền liên kết với thụ thể (một phân tử protein) và chức năng phân tách để cho phép virus mở và xâm nhập vào các tế bào đó.

Phân tích này cho thấy phần "gai móc" của S protein nhắm vào một thụ thể ở bên ngoài tế bào người gọi là ACE2, có liên quan đến quá trình điều hòa huyết áp. Phần "gai móc" của protein S gắn vào tế bào người một cách dễ dàng và thuần thục, giúp các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận protein S là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên chứ không phải kỹ thuật di truyền nhân tạo.

Đây là lý do tại sao nCoV có liên quan mật thiết với virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), xuất hiện trên toàn cầu gần 20 năm trước. Các nhà khoa học đã nghiên cứu vấn đề làm thế nào chứng minh SARS-CoV khác với nCoV với một vài thay đổi trong mã di truyền. Tuy nhiên, trong các mô phỏng trên máy tính, các đột biến trong nCoV có vẻ hoạt động không tốt trong việc giúp virus liên kết với các tế bào của con người. Nếu các nhà khoa học tạo loại virus này có chủ đích, họ sẽ không chọn các đột biến mà mô hình máy tính cho rằng sẽ không hoạt động.

Vậy nCoV bắt nguồn từ đầu? Nhóm nghiên cứu đã đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra về nguồn gốc của nCoV ở người. Kịch bản đầu tiên dựa vào nguồn gốc một vài loại virus corona gần đây đã tàn phá dân số loài người như bệnh MERS xuất phát từ lạc đà, bệnh SARS xuất phát từ cầy hương. Về nCoV, các nhà nghiên cứu cho rằng dơi hoặc tê tê là động vật trung gian mang nCoV sang người.Trong kịch bản có thể xảy ra này, virus tiến hóa chọn lọc tự nhiên qua các vật chủ và con vật trước khi lây nhiễm sang người.

Kịch bản thứ hai virus "nhảy" từ vật sang người và quá trình biến đổi để thích ứng sau đó diễn ra trong quá trình lây nhiễm từ người sang người cho đến khi virus đủ mạnh để gây bùng phát dịch. Một số virus corona có nguồn gốc từ tê tê có miền liên kết với thụ thể tương tự như của nCoV. Theo cách đó, tê tê truyền virus vào vật chủ của con người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Một khi virus vào bên trong vật chủ, chúng có thể đã tiến hóa để có tính năng như phân tách và lây lan trong tế bào người. Một khi virus đạt được khả năng đó, khả năng bùng phát dịch rất cao.

Tất cả những cơ sở này chỉ ra bằng chứng rõ ràng về việc tiến hóa tự nhiên của virus corona chủng mới, giúp nhà khoa học dự báo tương lai của Covid-19 và tìm cách loại bỏ những tin đồn thất thiệt ảnh hưởng tới quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Scripps, La Jolla, California, Đại học Tulane (Mỹ) và Viện Sinh học tiến hóa, Đại học Edinburgh, Edinburgh (Anh) phối hợp cùng Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và an toàn sinh học Marie Bashir, Trường Khoa học Đời sống và Môi trường, Đại học Sydney, Sydney (Australia).

Nguyễn Xuân (Theo Live Sience)
0

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Lợi ích bất ngờ của việc nhịn ăn

Nhịn ăn kéo dài buộc cơ thể phải kích hoạt các cơ chế hữu ích trong vòng vài giờ.

Nhịn ăn giúp cải thiện sức khỏe như thế nào?

Nhịn ăn thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy tim, cũng như giúp tăng tuổi thọ.

Theo ấn phẩm MedicalXpress, các chuyên gia của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã tiến hành phân tích kết quả thông tim của gần 2 nghìn người, trong đó 389 người thực hành nhịn ăn thường xuyên. Hóa ra tỷ lệ tử vong trong số những người nhịn ăn thấp hơn 45% so với những người tham gia khác, tần suất xảy ra các cơn đau tim ở những người nhịn ăn ít hơn 71%.

Ông Benjamin Horn, giám đốc về bệnh học di truyền và tim mạch ở Trung tâm Y tế Intermenez tại Thành phố Salt Lake, cho biết kết quả khác biệt này là một bất ngờ đối với các nhà nghiên cứu. Theo ông, cần phải tiến hành các thí nghiệm bổ sung để tìm ra chính xác mối liên hệ giữa việc nhịn ăn và tác dụng chống lại chứng suy tim. Ông Horn cũng tin rằng, nhiều khả năng có mối liên hệ giữa việc nhịn ăn và củng cố năng lực về trí óc.

Ông cũng lưu ý rằng, nếu thực hành việc nhịn ăn mỗi tháng một ngày trong vòng thập kỷ thì cơ thể buộc phải kích hoạt những cơ cấu hữu ích trong vòng vài giờ.
0

Các loại thực phẩm có đặc tính chống ung thư


Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng một số hợp chất thực vật có đặc tính chống ung thư. Cổng thông tin MedicForum nêu tên tám loại thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh nan y này.

Sản phẩm chống ung thư

Trong danh sách bao gồm táo, là loại quả có chứa polyphenol - hợp chất ngăn ngừa các bệnh tim mạch và nhiễm trùng. Ngoài ra, olyphenol có đặc tính chống ung thư. Theo dữ liệu được công bố năm 2018 trên tạp chí “Phân tích thực phẩm và dược phẩm”, chất polyphenol phloretin trong táo có khả năng ức chế đáng kể sự phát triển của các tế bào ung thư vú, nhưng không ảnh hưởng đến các tế bào bình thường”.

Bài báo cũng đề cập đến các loại rau họ cải - bông cải xanh, súp lơ và bắp cải trắng. Các loại rau này có chứa chất sulforaphane, là chất có khả năng làm giảm sự phát triển của các tế bào ung thư và kích hoạt quá trình tử vong của các tế bào trong các khối u ác tính.

Danh sách các sản phẩm làm giảm nguy cơ ung thư còn bao gồm cà rốt, dầu cá, các loại hạt dẻ, các loại đậu đỗ, cà phê và sốt cà chua. Cà rốt chứa beta-carotene, chất này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Dầu cá chứa axit béo, có khả năng ức chế các quá trình viêm nhiễm trong cơ thể.

Tiêu thụ sốt cà chua, nước ép cà chua, bột cà chua và các sản phẩm khác từ cà chua đã nấu chín cũng giúp giảm đáng kể khả năng phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Theo các nhà khoa học, đó là nhờ vai trò quan trọng của lycopene, chất chống oxy hóa trong cà chua.

Cà phê làm giảm 25% nguy cơ mắc bệnh xơ gan và cũng giảm 40% nguy cơ ung thư gan.
0

Loại rau nào giúp làm khỏe lại phổi của người hút thuốc?


Các nhà khoa học tại Trường Y khoa Johns Hopkins của Mỹ phát hiện ra rằng việc tiêu thụ cà chua thường xuyên có thể giúp kìm hãm tốc độ suy giảm chức năng phổi do hút thuốc.

Trong vòng 10 năm, các bác sĩ đã theo dõi sức khỏe của 650 tình nguyện viên, họ được làm các loại xét nghiệm khác nhau, trong đó có xét nghiệm đo phế dung. Đây là một phương pháp đặc biệt để nghiên cứu chức năng hô hấp bên ngoài, bao gồm đo thể tích và tốc độ hô hấp.

Cà chua và táo giúp phục hồi sức khỏe

Ở những người tham gia thí nghiệm ăn nhiều cà chua và ít nhất ba quả táo trong chế độ hàng ngày, tốc độ suy giảm chức năng hoạt động của phổi chậm hơn so với những người không tiêu thụ các loại rau và trái cây này một cách thường xuyên, như tin đưa của Food News.

Các nhà nghiên cứu cũng rút ra kết luận rằng, nếu hàng ngày ăn nhiều rau quả thì có thể trì hoãn quá trình suy thoái chức năng của phổi và giúp người hút thuốc lấy lại sức khỏe. Các nhà khoa học cho biết thêm rằng chức năng hoạt động của phổi bắt đầu giảm sau 30 tuổi.
0

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

Chết do vừa ăn sầu riêng vừa uống rượu

Người đàn ông 48 tuổi ở Thái Lan bỏ qua lời can ngăn của bạn, mua rượu và sầu riêng ăn trong lúc đợi xe buýt.

Sáng 14/8, anh được phát hiện tử vong trên ghế tại đường Sukhumvit, thành phố Pattaya. Kết quả khám nghiệm thi thể cho thấy anh này đã tử vong 5 giờ trước đó, bên cạnh là một chai rượu trắng đã cạn và một hộp sầu riêng.

Peng, bạn của nạn nhân, chia sẻ hai người thường đi nhặt nhạnh đồ dùng cũ trên đường mỗi ngày. Đêm 13/8, nạn nhân có ý định mua sầu riêng và rượu để ăn uống tạm trong khi đợi xe buýt về nhà. Peng đã ngăn cản, cảnh cáo bạn rằng vừa ăn sầu riêng vừa uống rượu có thể ngộ độc mà chết, nhưng anh vẫn làm theo ý mình.

Các chuyên gia cho biết uống rượu kết hợp ăn sầu riêng sẽ gây ngộ độc chết người. Thực tế có những người đang mắc các bệnh lý như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh về tim, nguy cơ tử vong cao hơn sau khi ăn sầu riêng kết hợp uống rượu.

"Có thể người đàn ông này đang mắc một trong các bệnh lý nguy hiểm, nên dễ bj ngộ độc chết người khi vừa ăn sầu riêng vừa uống rượu, so với người bình thường", các chuyên gia nhận định.

Bác sĩ Wong, làm việc tại tập đoàn Y tế Raffles, cho biết ăn quá nhiều sầu riêng có thể gây chứng ợ nóng, nếu kết hợp với rượu, tình trạng sẽ tồi tệ hơn bởi cả hai món đều có tính nóng. Năm 1933, một trường hợp tương tự cũng xảy ra khi người đàn ông tử vong sau bữa tối vừa ăn sầu riêng vừa uống bia.

Lê Hằng (Theo Worldofbuzz
0

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

Đã tìm ra chìa khóa để mở cánh cửa bất tử

Các nhà khoa học tại Đại học California tại Davis (Mỹ) đã phát hiện ra cơ chế di truyền tái tạo mô ở loài thủy tức sống trong vùng nước ngọt, cơ chế này cho phép động vật phục hồi cơ thể từ một mảnh mô, về bản chất đây là sự bất tử sinh học. Đây là tin đưa của ấn phẩm Science News.

Việc tái tạo polyp có sự tham gia của ba nhóm tế bào gốc, các tế bào này chuyển hóa thành các mô thần kinh, các tuyến và các cơ quan khác. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 25 nghìn tế bào được phân lập từ động vật để xác định gen nào hoạt động trong mỗi tế bào.

Các nhà khoa học đã sử dụng các đầu dò huỳnh quang liên kết với ARN thông tin, sản phẩm trực tiếp của biểu hiện gen, được sử dụng để tổng hợp loại protein tương ứng. Điều này cho phép theo dõi số phận của các tế bào riêng lẻ.

Các nhà sinh học phát hiện ra rằng các tế bào gốc làm phát sinh các tế bào tiền thân, được định vị ở lớp ngoài của mô và hình thành mô thần kinh hoặc biến thành các tuyến. Đồng thời, những thay đổi trong biểu hiện gen xảy ra khi tế bào di chuyển trong cơ thể thủy tức. Điều này cho phép tạo ra một bản đồ phát triển của 12 loại tế bào thần kinh khác nhau và các mô khác.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng kết quả của công việc khoa học sẽ giúp phát triển các phương pháp mới chữa lành các mô bị tổn thương ở người.
0

Sự thật khi nhịn ăn 40 ngày điều trị ung thư


VTC14 | Người mắc bệnh ung thư vẫn có 1 quan niệm sai lầm, đó là phải nhịn ăn để hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Và không ít người bệnh đã gánh những hậu quả nặng nề vì quan niệm này. Mới đây, một người phụ nữ ở Hà Nội chỉ còn da bọc xương vì nhịn ăn hơn 40 ngày để điều trị căn bệnh này.
0

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Sự thật khi nhịn ăn 40 ngày điều trị ung thư


VTC14 | Người mắc bệnh ung thư vẫn có 1 quan niệm sai lầm, đó là phải nhịn ăn để hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Và không ít người bệnh đã gánh những hậu quả nặng nề vì quan niệm này. Mới đây, một người phụ nữ ở Hà Nội chỉ còn da bọc xương vì nhịn ăn hơn 40 ngày để điều trị căn bệnh này.
0