Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Znews. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Znews. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

CNN: 25 thủy thủ dương tính trên tàu sân bay Mỹ từng ghé Việt Nam


Hải quân Mỹ thông tin thêm về các ca nhiễm Covid-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, khẳng định đang tiếp tục xét nghiệm, và chưa có ca nhiễm nặng.

“Việc xét nghiệm đang được tiếp tục, và có thêm các ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện trên tàu USS Theodore Roosevelt... Chưa thủy thủ nào phải nhập viện hoặc có triệu chứng nặng”, Đô đốc Michael Gilday, chỉ huy trưởng các hoạt động hải quân, cho biết trong một thông cáo, nhưng không nêu rõ cụ thể tổng số ca nhiễm.

Ngày 24/3, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly xác nhận ba thủy thủ trên tàu USS Theodore Roosevelt, vừa có chuyến thăm Đà Nẵng từ 5-9/3, dương tính với virus corona.

CNN dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ nói rằng số ca nhiễm đã lên đến 25 người, tính đến ngày 26/3.

Trung úy Rachel Mcmarr, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương, nói với Zing.vn rằng “những người được cho là đã tiếp xúc gần với các cá nhân dương tính cũng đã được cách ly và đang được xét nghiệm”.

Bà cũng xác nhận rằng kể từ khi rời Đà Nẵng, tàu USS Theodore Roosevelt vẫn ở trên biển cho đến ngày hôm nay (27/3), và vừa tới Guam. Bà cũng không trả lời câu hỏi về việc có bao nhiêu thủy thủ đã lên bờ tại Đà Nẵng.

Ông Gilday cho biết đội ngũ y tế trên tàu sân bay đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. “Ưu tiên trước mắt sẽ là các thủy thủ có triệu chứng, những người tiếp xúc với các thủy thủ đã dương tính, và những người đứng gác thiết yếu. Chúng tôi đang cách ly những người dương tính... Việc khử trùng kỹ lưỡng cũng sẽ được tiến hành”.

“Chúng tôi dự kiến có thêm các ca dương tính, và những thủy thủ dương tính sẽ được chuyển tới Bệnh viện Hải quân Mỹ ở Guam để khám và điều trị nếu cần thiết”, vị đô đốc cho biết.

“Trong chuyến thăm cảng này, thủy thủ trên tàu Roosevelt chỉ được giới hạn trong khu vực cảng. Không ai khác từ căn cứ hay từ khu vực được tới cảng”, ông Gilday nói thêm, khẳng định con tàu vẫn có thể phản ứng với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Thông cáo cho biết tàu USS Theodore Roosevelt ở Guam theo lịch thăm tàu định trước, nơi có nguồn lực của Hải quân Mỹ để có thể xét nghiệm, cách ly và điều trị cho thủy thủ.

Ngày 26/3, trước câu hỏi của phóng viên về việc có phương án truy tìm những người ở Đà Nẵng có thể đã tiếp xúc với các thủy thủ dương tính khi tàu thăm Đà Nẵng hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi quan tâm và đang tìm hiểu thông tin này, phía Mỹ cũng đã có phát biểu về vấn đề này. Chuyến thăm của đội tàu USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng ngày 5-9/3 đã kết thúc tốt đẹp. Thủy thủ đoàn đã có các hoạt động giao lưu theo kế hoạch”.
0

Tìm ra người đầu tiên nhiễm coronavirus


Một phụ nữ bán tôm sống ở Trung Quốc chính là người đầu tiên được xác định nhiễm coronavirus. Sputnik đưa tin dẫn nguồn báo chí Trung Quốc.

Xác định được rằng người phụ nữ có họ là Wei bán tôm sống ở chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán. Ngày 11 tháng 12 năm 2019 người này bị sốt không rõ nguyên nhân và đã đến khám ở trạm y tế. Người phụ nữ kể rằng bà thường đến bệnh viện khi thấy mình không khỏe, tại đó bà chỉ cần tiêm một mũi là ngày hôm sau khá lên ngay. Nhưng lần này thậm chí bà được tiêm hai mũi mà vẫn không giúp ích được gì.

Ngày 16 tháng 12 người phụ nữ tới bệnh viện Sehe trực thuộc Đại học khoa học và kỹ thuật Hoa Trung (Huazhong). Sau đó xác định được rằng đây là người đầu tiên trong số những người nhiễm coronavirus ở chợ Hoa Nam. Đã có giả thuyết rằng chính chợ hải sản này là nơi khởi phát lây lan căn bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên cho đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được virus có thể truyền từ vật chủ sang người bằng cách nào và trong hoàn cảnh nào.

Ngày 31 tháng 12, Ủy ban Y tế Vũ Hán thông báo rằng nhóm đầu tiên nhiễm bệnh gồm 27 người. Các nhà báo đã nhận được một bản sao danh sách các bệnh nhân coronavirus, qua đó cho thấy 24 người có tiếp xúc với chợ Hoa Nam, trong khi đó bốn người trong số họ là thành viên trong một gia đình.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã tìm ra người đầu tiên bị nhiễm mà không có bất kỳ tiếp xúc nào với chợ Hoa Nam. Đó là một người đàn ông có họ là Chen. Vào ngày 16 tháng 12, người này bị sốt và đến khám ở một bệnh viện ngoại ô thành phố Vũ Hán. Bệnh nhân không thể hiểu mình bị nhiễm bệnh ở đâu. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các thành viên gia đình ông cũng như người đi cùng ông đến bệnh viện đều khỏe mạnh.
0

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Trung Quốc ngang nhiên khánh thành 2 trạm nghiên cứu mới ở Trường Sa


Trong lúc thế giới chạy đua kiểm soát đại dịch virus corona, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều labo về sinh thái học, địa chất học và môi trường, theo Tân Hoa Xã.

Trong bản tin hôm 20/3, Tân Hoa Xã nói hai trạm nghiên cứu mới đi vào hoạt động có thể hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại "Nam Sa", cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.


Đá Chữ Thập ở Trường Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: People’s Daily.

Một nhà nghiên cứu Trung Quốc được dẫn lời trong bản tin cho biết "cơ sở nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu" nay đã được thiết lập với hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung tâm nghiên cứu được xây dựng trước đó trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.

Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biến các thực thể này thành tiền đồn ở Biển Đông.

Với việc xây dựng các trạm nghiên cứu, CAS có kế hoạch "thúc đẩy năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu cầu của cả Trung Quốc và các nước ven biển Đông", theo Tân Hoa Xã.

Các cơ sở này cũng sẽ góp phần "cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới".

Collin Koh, một trong những chuyên gia về an ninh biển hàng đầu khu vực, nói việc Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến nghiêm trọng.

"Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này", ông Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nói với báo Inquirer.

"Sự thật là tình hình hoàn toàn ngược lại. PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) được động viên để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus corona".

"Sử dụng cái mà họ gọi là sáng kiến 'khoa học phục vụ dân sinh' để khẳng định yêu sách là cách họ thường làm và cũng là cách mà tất cả chúng ta thường không để ý", ông nói.

"Tuy nhiên cùng lúc, những hệ quả mang tính chiến lược sinh ra từ đó cũng quan trọng không kém".

Ông Koh tin rằng Trung Quốc sẽ duy trì sự nhất quán trong hoạt động của họ tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, vì dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu, hành động của họ có thể không được chú ý.

Theo Zing News
0