Nhóm nghiên cứu đa quốc gia mô phỏng lại thuở sơ khai khi tổ tiên chúng ta còn cư ngụ trên các hạt băng giá lang thang giữa các vì sao để rồi được sao chổi mang đến hành tinh này.
Công trình do Đại học Hawaii (Mỹ) dẫn đầu, với sự cộng tác của nhiều trường, viện nghiên cứu tại Mỹ, Pháp, Đài Loan, được ca ngợi là phát hiện đột phá trong việc trả lời câu hỏi: "Chúng ta đến từ đâu?". Trong khi con người đang theo đuổi và mơ ước tìm thấy những sinh vật ngoài hành tinh, thì nhóm nghiên cứu trưng ra các bằng chứng cho thấy chính nhân loại và mọi sinh vật khác trên trái đất cũng là sinh vật đến từ không gian!
Các nhà khoa học đã sử dụng một buồng siêu chân không, làm lạnh đến -450 độ F (tương đương -267,787 độ C) để tái tạo các hạt băng giá lang thang giữa các vì sao, phủ carbon dioxide, nước và phốt pho.
Theo nhà khoa học Andrew Turne, đến từ Đại học Hawaii, ở trái đất phốt pho gây tử vong cho sinh vật sống nhưng ở trong môi trường không gian, các hóa chất chứa phốt pho lại có thể thúc đẩy những phản ứng hóa học hiếm có, biến các phân tử khác trên hạt băng giá thành những "khối xây dựng sự sống".
Cụ thể, đó là hai hợp chất phosphates và axit diphosphoric, hai yếu tố chính cần thiết cho các khối xây dựng sự sống trong sinh học phân tử. Những dấu vết cổ xưa đó đã được tìm thấy trong chính DNA của sinh vật hiện đại.
Nhóm khoa học gia cũng khẳng định vị trí ban đầu của các khối xây dựng sự sống là "không gian sâu", tức một nơi vô định ở rất xa hành tinh mà chúng ta đang cư ngụ.
Tuy nhiên, nhờ một ngôi sao chổi may mắn, các hạt băng chứa khối xây dựng sự sống này vô tình được mang đến và gieo mầm trên trái đất - một miền đất lành cho sự sống - vào 4,1 tỉ năm trước.
Và chúng ta hoàn toàn có thể có những người đồng bào ở đâu đó ngoài không gian xa kia. Theo nhà khoa học hành tinh Cornelia Meinert, đến từ đại học Nice (Pháp), thành viên nhóm nghiên cứu, một phần các khối xây dựng sự sống có thể tiếp tục được sao chổi mang đi sau khi nó viếng thăm hệ mặt trời, trở lại lang thang giữa các vì sao hoặc một lần nữa được mang đi, định cư tại một hành tinh khác.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện loại thuốc có thể tiêu diệt virus corona trong 48 giờ ở phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học đang thử nghiệm ivermectin để chữa Covid-19. Ảnh: Anadolu.
Theo BGR, các nhà nghiên cứu từ Australia vừa phát hiện Ivermectin, loại thuốc tiềm năng có thể loại bỏ virus SARS-CoV-2.
Nó có khả năng tiêu diệt mọi dấu vết của virus chỉ trong vòng 2 ngày, nhưng mới giới hạn ở các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm.
Ivermectin được phát triển từ giữa thập niên 70 thế kỷ trước để chữa bệnh ký sinh trùng bao gồm chấy, ghẻ và các bệnh liên quan đến giun. Thuốc cũng được dùng để chữa bệnh giun chỉ Onchocerca, một bệnh nhiệt đới khiến người bệnh ngứa dữ dội, nổi mụn dưới da và có thể gây mù lòa.
Thuốc được sử dụng định kỳ mỗi 6-12 tháng để tiêu diệt ấu trùng và giun trưởng thành. Giới y học còn dùng nó cho bệnh nhân HIV, sốt xuất huyết và Zika. Đây có thể là lý do các nhà nghiên cứu thử nghiệm Ivermectin trong quá trình điều trị người nhiễm SARS-CoV-2.
Nhóm khoa học từ Viện khám phá y sinh (BDI) thuộc ĐH Monash cùng Viện nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty kết luận Ivermectin có thể là cơ sở để phát triển vaccine Covid-19.
“Chúng tôi phát hiện chỉ một liều duy nhất cũng có thể loại bỏ hoàn toàn RNA virus trong vòng 48h, và chỉ sau 24h, nó đã tiêu diệt lượng virus đáng kể”, Tiến sĩ Kylie Wagstaff của BDI nói.
Ông Kylie cho biết thêm họ mới thử nghiệm thuốc trong ống nghiệm và cần thử nghiệm trên người mới kết luận được thuốc có khả năng điều trị Covid-19 không. Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ xác định tác dụng của thuốc đối với virus corona ở liều lượng thích hợp dành cho người.
Hiện chưa rõ liệu Ivermectin có được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 hay không và tiến hành vào lúc nào.
Theo các kết quả nghiên cứu mới, bệnh nhân mắc Covid-19 có thể bị tổn thương tim và não.
SARS-CoV-2 là một loại virus thuộc họ corona, được biết đến với phương thức tấn công vào hệ hô hấp, gây ra các triệu chứng giống cúm thông thường như ho khan và sốt. Các công trình nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ bị tổn thương phổi lâu dài. Tuy nhiên, hậu quả của bệnh chưa dừng lại ở đó.
Không ít trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim và tử vong khi mắc Covid-19. Ảnh: SPH.
Theo Gizmodo, nhiều bác sĩ và nhà khoa học cho biết xuất hiện hàng loạt trường hợp bệnh nhân bị tổn thương tim trong khi nhiễm SARS-CoV-2, có thể dẫn đến tình trạng tim ngừng đập và tử vong.
Trong bài báo đăng trên Tạp chí Hiệp hội y khoa Mỹ, Matt Arentz, nghiên cứu sinh tại Đại học Washington (Mỹ) cùng các đồng sự thống kê có đến 1/3 bệnh nhân Covid-19 ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) gặp vấn đề với tim.
Ngoài ra, một số ít ca bệnh có triệu chứng bị tấn công hệ thần kinh, chẳng hạn như sưng não, co giật, đột quỵ, mất vị giác và khứu giác. Thậm chí, tỷ lệ khá lớn bệnh nhân Covid-19 bị rối loạn tiêu hóa, bằng chứng cho thấy virus ảnh hưởng đến hệ thống cơ quan này.
Gizmodo nhận xét việc xuất hiện hàng loạt tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau cho thấy phản ứng của hệ miễn dịch đối với virus đôi lúc mang lại tác dụng tiêu cực.
Bệnh nhân Covid-19 có thể gặp Hội chứng giải phóng Cytokine, hiện tượng hệ miễn dịch sản sinh quá nhiều tế bào miễn dịch trong hầu khắp cơ thể, tấn công cả tế bào khỏe mạnh và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh lý sẵn có.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng không loại trừ khả năng chính virus SARS-CoV-2 trực tiếp tấn công vào tim và não bệnh nhân.
Trước tình hình bùng phát mạnh mẽ của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, giới khoa học đang chạy đua để tìm ra thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa. Một số loại thuốc có hiệu quả với các virus trước đây như hydroxychloroquine (trị sốt rét), avigan (trị cúm), ritonavir (phòng ngừa nhiễm HIV)… cũng được nghiên cứu và thử nghiệm điều trị SARS-CoV-2.
(06/04/2020)- Trong các cơ thể động vật có hàng trăm loại virus chưa vượt qua hàng rào giữa các loài để rồi sau đó có thể lây nhiễm sang người, ông Alexander Semenov, phó giám đốc Viện nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Pasteur cho biết trên kênh truyền hình Russia 1. Theo ông, virus muốn lây lan cần nhiều sự tiếp xúc giữa các loài, để chúng có thể tìm được một cơ thể thích hợp của con người.
"Có hàng trăm loại virut trong động vật hoang dã chưa vượt qua hàng rào giữa các loài. Chúng sống trong các cơ thể động vật và chờ đợi chúng ta. Chúng ta chỉ là chưa tiếp xúc với chúng mà thôi".
Hơn nữa, trong trường hợp có tiếp xúc, sớm hay muộn cũng sẽ có một người dễ bị nhiễm virut, nhà virus học nói.
Trước đó, WHO đã nêu ra triệu chứng rõ rệt nhất khi bị nhiễm coronavirus là sốt trên 38 độ. Có hơn 90 phần trăm những người bị nhiễm gặp phải trạng thái này.
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 11 tháng 3 đã công bố sự bùng phát căn bệnh coronavirus chủng mới COVID-19 là đại dịch. Theo số liệu mới nhất của WHO, trên toàn thế giới ghi nhận hơn 1,13 triệu trường hợp nhiễm bệnh, gần 63 nghìn người tử vong.
Các nhà khoa học tại Đại học California tại Davis (Mỹ) đã phát hiện ra cơ chế di truyền tái tạo mô ở loài thủy tức sống trong vùng nước ngọt, cơ chế này cho phép động vật phục hồi cơ thể từ một mảnh mô, về bản chất đây là sự bất tử sinh học. Đây là tin đưa của ấn phẩm Science News. Việc tái tạo polyp có sự tham gia của ba nhóm tế bào gốc, các tế bào này chuyển hóa thành các mô thần kinh, các tuyến và các cơ quan khác. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 25 nghìn tế bào được phân lập từ động vật để xác định gen nào hoạt động trong mỗi tế bào.
Các nhà khoa học đã sử dụng các đầu dò huỳnh quang liên kết với ARN thông tin, sản phẩm trực tiếp của biểu hiện gen, được sử dụng để tổng hợp loại protein tương ứng. Điều này cho phép theo dõi số phận của các tế bào riêng lẻ.
Các nhà sinh học phát hiện ra rằng các tế bào gốc làm phát sinh các tế bào tiền thân, được định vị ở lớp ngoài của mô và hình thành mô thần kinh hoặc biến thành các tuyến. Đồng thời, những thay đổi trong biểu hiện gen xảy ra khi tế bào di chuyển trong cơ thể thủy tức. Điều này cho phép tạo ra một bản đồ phát triển của 12 loại tế bào thần kinh khác nhau và các mô khác.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng kết quả của công việc khoa học sẽ giúp phát triển các phương pháp mới chữa lành các mô bị tổn thương ở người.
Các nhà khoa học tại Đại học California tại Davis (Mỹ) đã phát hiện ra cơ chế di truyền tái tạo mô ở loài thủy tức sống trong vùng nước ngọt, cơ chế này cho phép động vật phục hồi cơ thể từ một mảnh mô, về bản chất đây là sự bất tử sinh học. Đây là tin đưa của ấn phẩm Science News.
Nghiên cứu cho thấy sự độc lập về mặt di truyền phản ánh sức đề kháng rất cao của người Việt và khác xa hệ gene của người Hán, thông tin vừa được VnExpress đăng tải.
Các nhà nghiên cứu phát hiện 25 triệu biến dị sau khi giải trình tự gene ở người Kinh. Ảnh: DNAtix.
Công trình nghiên cứu về bộ gene người Việt do các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Vinmec về Công nghệ tế bào gốc và gene thực hiện vừa công bố trên tạp chí di truyền quốc tế Human mutation. Các phân tích gene của nhóm nghiên cứu cho thấy người Kinh và các dân tộc khác ở Đông Nam Á có cùng tổ tiên.
Kết quả từ các phân tích gene khác nhau đều thống nhất và củng cố giả thuyết người dân di cư từ châu Phi sang châu Á theo lộ trình từ phương Nam đến phương Bắc thay vì từ phương Bắc xuống Nam. Các dữ liệu cũng cho thấy người Kinh và người Thái có cấu trúc hệ gene tương tự nhau và quan hệ tiến hóa gần gũi.
Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu và giải trình tự toàn bộ hệ gene và vùng gene của 305 người Kinh, kết hợp với dữ liệu gene của 101 người đã công bố trước kia, phát hiện 25 triệu biến dị, trong đó hơn 99% biến dị có tần suất lặp lại trên 1%. Nghiên cứu cũng hé lộ một số lượng lớn biến dị gọi là đột biến bệnh lý và cho thấy sự độc lập về mặt di truyền phản ánh sức đề kháng rất cao của người Việt, khác xa hệ gene của người Hán. Điều này có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở tham chiếu cho nhiều nghiên cứu Y - Sinh tiếp theo về sức khỏe người Việt có liên quan đến hệ gene.
Theo nhóm nghiên cứu, các biến dị cấu trúc trong dân số người Kinh tuy đóng vai trò thiết yếu trong nghiên cứu hệ gene nhưng đã không được thực hiện trong đề tài này. Lý do là các phương pháp tính toán hiện nay nhằm phát hiện biến dị cấu trúc từ dữ liệu giải trình tự bộ gene có tỷ lệ sai khá cao.
Do đó, các biến dị cấu trúc từ dữ liệu giải trình tự bộ gene có thể không đáng tin cậy. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu những phương pháp khác như phép lai di truyền so sánh vi mô để xây dựng cơ sở dữ liệu biến dị cấu trúc cho người Kinh và dân cư Đông Nam Á.
Có đến một nửa dân số trên thế giới này tin vào sự tồn tại của ma quỷ và những câu chuyện bí ẩn xung quanh nó. Các nhà khoa học đã và đang tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "Liệu ma có thực sự tồn tại?". Cho tới nay, họ đã có lời giải thích cho một số những hiện tượng ma quái tồn tại trong đời sống con người.
1. Sự kích thích điện của não
Rất nhiều người khỏe mạnh trên thế giới từng nhìn thấy bóng người lướt qua tầm mắt rồi lập tức biến mất. Họ tin đó là linh hồn của người đã chết hoặc ma quỷ. Nhưng các nhà khoa học Thụy Sĩ đã tìm ra bằng chứng để giải thích hiện tượng bí ẩn này. Khi tiến hành kích thích điện não vùng đỉnh thái dương trái của một bệnh nhân nữ mắc bệnh động kinh, cô gái đó nói rằng có bóng người ngồi phía sau và bắt chước mọi cử động của mình.
Nguyên nhân là do các nhà khoa học kích thích điện vùng não chịu trách nhiệm giúp con người xác định ý thức về bản thân, giúp nhận ra sự khác biệt giữa họ và những người khác. Khi đó họ sẽ tưởng tượng ra bóng người bắt chước trong đầu. Tóm lại khi bộ não hoạt động bất thường, nhiều người khỏe mạnh và tâm thần phân liệt bắt gặp bóng ma và các sinh vật khác như người ngoài hành tinh.
2. Ảnh hưởng của vô thức
Bàn cầu cơ là một trò chơi tâm linh phổ biến được những người mê tín dùng để giao tiếp với linh hồn. Bàn cầu cơ gồm một bảng chữ cái, chữ số và hai đáp án yes/có và no/không. Những người tham gia sẽ cùng nhau đặt tay lên một mảnh gỗ nhỏ hình trái tim trên bảng và đọc to câu hỏi. Linh hồn sẽ trả lời bằng cách di chuyển mảnh gỗ từ chữ cái này sang chữ cái khác để ghép thành từ, mặc dù những người đặt tay lên đó khẳng định họ không hề di chuyển miếng gỗ.
Michael Faraday, nhà vật lý nổi tiếng đã chứng minh được rằng mảnh gỗ di chuyển được là nhờ vào ảnh hưởng của hiệu ứng vô thức, sức mạnh cơ bắp của những người tham gia gây ra sự chuyển động do họ kỳ vọng mảnh gỗ di chuyển chứ không phải do linh hồn tạo ra.
3. Sóng hạ âm
Sóng hạ âm là những âm thanh có tần số nhỏ hơn 20Hz, thấp hơn ngưỡng nghe thấy của con người. Sóng hạ âm được hình thành từ các cơn gió, bão, trong nhiều thiết bị hàng ngày và thậm chí là từ cơ thể của con người.
Con người nghe được âm thanh trong khoảng tần số từ 20Hz tới 20.000Hz. Con người có thể cảm nhận được những đợt sóng hạ âm này, nhất là những sóng hạ âm từ dạ dày của mình. Nó tạo ra một cảm giác tiêu cực hoặc tích cực như bất an hoặc sợ hãi. Khi sóng hạ âm dao động ở tần số 19Hz, gần bằng tần số cử dộng nhãn cầu trên mắt con người, khoảng 20Hz, hiện tượng cộng hưởng sẽ xảy ra khiến con người nhìn thấy hình ảnh ma không có thật.
Người ta thường nghe thấy tiếng gió gào thét hoặc tiếng bước chân rùng rợn trong các ngôi nhà được cho là bị ma ám. Nguyên nhân gây nên những hiện tượng huyền bí đó là do những cơn gió mạnh thổi vào các bức tường trong ngôi nhà tạo ra sóng hạ âm.
4. Thuyết tự động
Giao tiếp với thế giới tâm linh là điều mà con người vẫn luôn cố gắng để thực hiện. Có một số người được cho là có năng lực đặc biệt có thể kết nối với những người đã chết. Họ nói rằng có thể nghe được âm thanh bí ẩn từ một linh hồn hoặc để linh hồn "nhập" vào thân xác của mình.
Một số nhà khoa học đã giải thích hiện tượng trên bằng "thuyết tự động". Theo họ đây là một số trạng thái thay đổi của ý thức, khi con người nói và suy nghĩ những điều mà họ không nhận thức được. Họ tự điều chỉnh, xóa bỏ suy nghĩ trong đầu, những ý tưởng, hình ảnh ngẫu nhiên có thể phát sinh khiến họ cho rằng đó là những suy nghĩ đến từ thực thể khác.
5. Điểm lạnh
Điểm lạnh là hiện tượng khi một người nào đó đang đứng trong nhà thì bỗng cảm thấy có khí lạnh xung quanh. Nhưng nếu người đó bước sang phải hoặc trái vài bước thì nhiệt độ trở lại bình thường. Những người tin vào thế giới siêu nhiên cho rằng điểm lạnh xuất hiện khi con ma xuất hiện trong lớp không khí mỏng. Con ma hút nhiệt từ môi trường xung quanh để có năng lượng hiện hình.
Theo các nhà khoa học, luồng khí lạnh đó xuất hiện thông qua cửa sổ hoặc khe hở nào đó trong ngôi nhà. Dù căn phòng đã khép kín thì khi một khối không khí khô đi vào căn phòng ẩm ướt, khối không khí khô bay dưới thấp sẽ kết hợp với khối không khí ẩm hơn trên trần nhà tạo ra một dòng khí xoáy đối lưu. Khi một người đứng đúng vị trí đó sẽ cảm thấy mát hơn và đó chính là điểm lạnh.
6. Máy ảnh chụp được những quả cầu sáng mà mắt thường không nhìn thấy
Những quả cầu sáng chỉ xuất hiện trong các bức ảnh mà con người không thể nhìn thấy bằng mắt thường được cho là linh hồn của những người đã chết.
Theo nhà nghiên cứu Skeptic Brian Dunning, khi một động vật nhỏ hoặc một hạt bụi quá gần với máy ảnh nó sẽ hiện ra trong bức ảnh dưới dạng một vòng tròn mở ảo, hiệu ứng từ ánh sáng đèn flash khiến quả cầu phát sáng gây nên sự bí ẩn, huyền bí cho bức ảnh.
7. Nhiễm khí CO
Năm 1921, William Wilmer, một bác sĩ nhãn khoa đã cho xuất bản một bài báo giải mã về một ngôi nhà được cho là bị ma ám.
Những người sống trong ngôi nhà này bị ám ảnh bởi đồ đạc di chuyển lung tung, những âm thanh đóng sầm cửa và tiếng bước chân trong phòng trống. Tất cả những cây họ trồng trong nhà đều chết dần.
Bí ẩn đã được giải mã khi họ phát hiện ra lò sưởi bị hỏng, khói không thoát được ra ngoài khiến mọi người sống trong căn nhà đó bị nhiễm độc khí carbon momonoside - CO.
CO là một khí không mùi, không màu, rất khó phát hiện và dễ dàng hấp thụ hơn oxy. Khi thiếu oxy lâu dài, con người sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, lú lẫn, buồn nôn, xuất hiện ảo giác thậm chí là tử vong.
8. Hội chứng kích động theo số đông
Tháng 6/2013, hơn 3000 công nhân tại nhà máy may ở Gazipur, Bangladesh đã đình công với mong muốn ai đó hãy làm điều gì đó với con ma trong nhà vệ sinh. Theo họ, một linh hồn giận dữ đã tấn công một công nhân nữ khiến mọi người hoảng sợ.
Sau khi trật tự được lập lại, các nhà nghiên cứu cho rằng những công nhân này đã trải qua một hiện tượng tâm lý gọi là cuồng loạn theo số đông. Nguyên nhân là họ bị căng thẳng và xuất hiện ảo giác do môi trường làm việc quá áp lực. Nhưng điều đáng chú ý là người phụ nữ cho rằng bị linh hồn tấn công lại không hề trông thấy điều gì. Cô chỉ bị ốm và nói rằng do linh hồn ma quỷ tạo nên.
9. Ion
Những người thợ săn ma thường sử dụng các máy đo ion để phát hiện ra bóng ma, bởi theo họ linh hồn can thiệp vào số ion bình thường trong bầu không khí, sự xuất hiện của ion đồng nghĩa với sự xuất hiện của bóng ma.
Ion được tạo ra do bức xạ Mặt Trời, tất cả các hiện tượng thời tiết... và ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới tâm trạng của con người. Ion dương có thể khiến con người bị đau đầu hoặc tạo ra cảm giác tệ hại, ion âm giúp con người cảm thấy bình tĩnh, thoải mái. Đây là lý do mà những người sống trong những ngôi nhà được cho là bị ma ám cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, đau đầu.
10. Cơ học lượng tử
Stuart Hameroff, tiến sĩ vật lý, giám đốc của trung tâm nghiên cứu ý thức tại Đại học Azirona, Mỹ và người bạn của mình tên là Roger Penrose đưa ra giả thuyết rằng, ý thức của con người xuất phát từ vi cấu trúc hình ống trong tế bào não. Những ống này chịu trách nhiệm xử lý lượng tử - phần hồn của con người về cơ bản. Họ tin rằng, khi con người trải qua trải nghiệm cận tử những thông tin lượng tử rời khỏi não nhưng vẫn tiếp tục tồn tại. Đó là lý do mà một số người cho rằng mình đã thoát ra ngoài cơ thể hoặc nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
Phương Phùng chia sẻ trên quantrimang.com
Nguồn: https://quantrimang.com/10-hien-tuong-ma-quy-bi-an-duoi-goc-nhin-khoa-hoc-131651?fbclid=IwAR2QP2l8_EXta6P37TtIx5ZmB-y8_oU7AW-PdOAuXejKjr5w13JoQ7E-VKg, Chủ Nhật, 17/12/2017 07:26
_______________
Tham khảo:
- 10 Scientific Explanations For Ghostly Phenomena: https://listverse.com/2013/09/30/10-scientific-explanations-for-ghostly-phenomena/ PHỤ BẢN 1:
Máy gia tốc hạt lớn chứng minh ma không tồn tại https://quantrimang.com/may-gia-toc-hat-lon-chung-minh-ma-khong-ton-tai-131621
Khoảng 50% dân số trên Trái Đất tin rằng ma và thế giới siêu nhiên thực sự tồn tại. Nhưng đó chỉ là niềm tin chứ hầu hết mọi người không đưa ra được bằng chứng cụ thể và xác thực nào cả.
Nhưng theo Brian Cox, nhà vật lý lý thuyết người Anh đến từ trường Đại học Manchester thì không có chỗ nào để ma có thể tồn tại trong quy chuẩn vật lý hiện đại cả. Dưới góc nhìn của khoa học thì, không thể tồn tại một thứ chất hay vật chất trung gian nào có thể truyền đạt thông tin của con người sau khi chết mà máy gia tốc hạt lớn không thể phát hiện ra.
Ông Cox cho rằng "Nếu chúng ta muốn một thứ vật chất gì đó có thể mang thông tin của những tế bào còn sống của con người, ta phải xác định chính xác được vật kết nối trung gian đưa chúng lại với nhau cũng như cách chúng tương tác với những hạt vật chất làm nên cơ thể con người. Theo một cách nào đó, ta phải phát minh ra một phiên bản mở rộng của các quy chuẩn về vật lý hạt, dành riêng cho những loại hạt không thể bị phát hiện bởi máy gia tốc hạt lớn". Ông khẳng định ma không hề tồn tại.
Ma là một thứ đối nghịch hòan toàn với luật thứ hai của nhiệt động lực học, một trong những luật cơ bản nhất của vũ trụ và đã được kiểm nghiệm nhiều trong vật lý: tổng độ hỗn loạn của một hệ thống riêng biệt luôn luôn tăng lên theo thời gian.
"Độ hỗn loạn" là cách ta đo đạc những điều ngẫu nhiên, những sự hỗn loạn diễn ra bên trong một hệ thống riêng biệt. Tức là nếu như một lượng năng lượng biến mất, độ hỗn loạn sẽ tăng lên và nếu không cung cấp thêm năng lượng cho hệ thống, hiện tượng hỗn loạn ấy sẽ không bao giờ bị đảo ngược lại.
Nói một cách đơn giản hơn thì trong mọi hệ thống, năng lượng luôn luôn mất đi bởi nhiệt, ngay cả vũ trụ cũng không ngoại lệ, và chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được thứ năng lượng đã đưa vào. Điều này giải thích lý do tại sao thời gian luôn chỉ đi về một hướng.
Do con người không thể chạm vào hay tương tác vật lý với ma nên chúng ta có thể khẳng định ma là năng lượng. Chính vì vậy, nếu ma có sử dụng năng lượng để làm gì đó như di chuyển, tạo ánh sáng mờ mờ hay tiếng gào thét thì chúng sẽ không có đủ năng lượng để duy trì sự tồn tại của mình trong một khoảng thời gian dài được.
Máy gia tốc hạt lớn có thể nhìn thấy cách thức năng lượng bên trong cơ thể điều khiển thông tin tế bào cơ thể. Do đó, nếu năng lượng để duy trì sự tồn tại của ma tồn tại bên ngoài cơ thể và xuyên suốt từ lúc ta còn sống thì chắc chắn máy gia tốc hạt lớn phải phát hiện được.
Mặc dù đã được chứng minh ma không hề tồn tại nhưng điều đó cũng không ngăn cản được con người tin vào nó và những thế lực siêu nhiên.
______________
SH- Tham khảo:
- Ghosts definitely don't exist because otherwise the Large Hadron Collider would have found them, claims Brian Cox - https://www.independent.co.uk/
- If ghosts were real, Brian Cox claims CERN would have found them by now https://www.wired.co.uk/... PHỤ BẢN 2:
10 bí ẩn đã được các nhà khoa học giải mã (https://quantrimang.com/top-10-bi-an-da-duoc-cac-nha-khoa-hoc-giai-ma-130087)
Nền văn minh nhân loại từng chứng kiến vô vàn những hiện tượng kỳ lạ đến siêu nhiên mà cho đến nay vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu. Ngày nay với khoa học kỹ thuật hiện đại, các nhà khoa học đã tìm ra những bằng chứng và giải thích được một số những bí ẩn lớn của nhân loại như: nguyên nhân sự diệt vong của nền văn minh Maya, quá trình xây Kim tự tháp Ai Cập, vị trí chính xác của con tàu mà Columbus đã sử dụng khi thám hiểm châu Mỹ...
Dưới đây là top 10 bí ẩn thách thức nhân loại hàng chục thậm chí hàng ngàn năm qua đã được các nhà khoa học giải mã.
19/9/12- Sáng nay dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam chính thức khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam trong 35 năm qua.
Đại diện của Việt Nam ấn nút chính thức khởi công Trung tâm vũ trụ Việt Nam. Từ trái qua phải: ông Châu Văn Minh cùng hai Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Văn Lạng và Lê Đình Tiến. Ảnh: Hương Thu.
Trung tâm Vũ trụ Quốc gia cách trung tâm Hà Nội 30 km và có diện tích 9 ha, gồm nhiều khu chức năng như trung tâm điều khiển công nghệ vũ trụ, trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ, nhà điều hành, trạm thiên văn, khu nghiên cứu, đào tạo, trạm mặt đất thu dữ liệu từ vệ tinh.
Đây là dự án đặc biệt quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ năm 2020” do Trung tâm Vệ tinh quốc gia, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai.
Trung tâm vũ trụ Việt Nam được xây dựng dựa vào nguồn vốn đầu tư hơn 600 triệu USD từ ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ. Dự án được đầu tư đồng bộ thành ba phần, gồm hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Khác với nhiều nước, Trung tâm Vũ trụ Quốc gia là nơi sản xuất ra các vệ tinh dùng công nghệ radar chứ không bằng công nghệ quang học. Công nghệ radar là công nghệ có thể chụp ảnh toàn bộ trái đất với độ phân giải rất cao và đặc biệt chụp được ở bất kỳ thời tiết nào.
"Theo dự kiến, vào năm 2020, Việt Nam sẽ có Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á", tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm vệ tinh nhấn mạnh.
Khi hoạt động, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là nơi nghiên cứu, sản xuất, làm chủ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ radar hiện đại, xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường, nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo tính toán của chuyên gia Nhật, dự án ra đời sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu tổn thất hàng năm từ 1-1,5 tỷ USD, vì Việt Nam sẽ cảnh báo sớm được tình hình biến động của khí hậu, thời tiết.
Mô hình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ảnh: VNSC.
Trong thư chúc mừng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân viết: “Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư đồng bộ và đến nay nó cũng là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam trong 35 năm qua".
Phó Thủ tướng khẳng định, chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đúng tiến độ, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020. Dự án cũng là bước khởi đầu cho sự hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Theo Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Châu Văn Minh, sau khi dự án hoàn thành, đến năm 2020, Việt Nam có thể tự thiết kế, lắp ráp thử nghiệm, điều khiển vệ tinh quan sát trái đất riêng. Đồng thời Việt Nam hoàn toàn chủ động trong việc thu nhận ảnh vệ tinh mà không phụ thuộc vào nước ngoài.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định đây là dự án có tầm quan trọng to lớn trong điều kiện Việt Nam là nước chịu nhiều thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
"Trung tâm Vũ trụ thành lập sẽ giúp Việt Nam hạn chế hậu quả từ những thiên tai như lũ lụt, hạn hán", ông phát biểu.
Đại diện của Nhật cho rằng, việc phát triển dự án trên sẽ đẩy mạnh các dự án khác tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
"Hy vọng dự án sẽ là góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hóa hiện đại hóa vào năm 2020", ông Tanizaki nói.
Dự kiến tháng 1/2017, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thám công nghệ radar đầu tiên và năm 2020 sẽ phóng vệ tinh thứ hai. Mỗi vệ tinh này có trọng lượng khoảng 500 kg, tuổi thọ 5 năm. Vệ tinh đầu tiên do Việt Nam và Nhật Bản phối hợp thiết kế và sản xuất. Vệ tinh thứ 2 do người Việt Nam tự thiết kế lắp đặt và chế tạo ngay tại khu công nghệ cao.
08/9/12- Một siêu Trái đất mới vừa được phát hiện trong khu vực có thể tồn tại sự sống quanh ngôi sao lùn đỏ Gliese 163.
Sử dụng kính thiên văn HARPS tại Đài quan sát European Southern Observatory, một nhóm các nhà thiên văn học châu Âu đến từ Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Bỉ, đã phát hiện thấy một một hành tinh khổng lồ mới quay quanh ngôi sao lùn đỏ Gliese 163 – nằm trong chòm sao Dorado cách Trái đất 49 năm ánh sáng.
Hành tinh mới phát hiện được đặt tên là Gliese 163c, có khối lượng lớn gấp 6,9 lần so với Trái đất và quỹ đạo 1 vòng quay quanh ngôi sao mẹ là 26 ngày. Trong khi đó, bán kính của Gliese 163c lớn hơn bán kính của Trái đất từ 1,8 đến 2,4 lần, tùy thuộc hành tinh này cấu tạo chủ yếu từ đá hay nước.
Hành tinh Gliese 163c nhận trung bình 40% ánh sáng từ ngôi sao mẹ nhiều hơn so lượng ánh sáng Trái đất nhận từ Mặt trời. Điều này, khiến hành tinh mới nóng hơn nhiều so với Trái đất của chúng ta.
Ảnh mô phỏng và ảnh quan sát qua kính thiên văn của siêu Trái đất Gliese 163c
“Chúng tôi không biết các đặc tính của bầu khí quyển quanh hành tinh Gliese 163c, nhưng nếu giả định hành tinh này có bầu khí quyển tương tự Trái đất, nhiệt độ trên bề mặt của nó khoảng 60 độ C”, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Phần lớn sinh vật sống phức tạp trên Trái đất – như cây, động vật và thậm chí con người – không thể sống sót ở nhiệt độ trên 50 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cao như thế này có thể chịu đựng được bởi rất nhiều tổ chức sống khác nhau.
Trong công bố mới nhất của mình, nhóm các nhà thiên văn học cũng phát hiện một hành lớn hơn quay quanh ngôi sao lùn Gliese 163c và được đặt tên là Gliese 163b. Nhưng hành tinh này không được coi là siêu Trái đất vì nó nằm quá gần ngôi sao mẹ không đủ điều kiện thuận lợi để sự sống phát triển.
04/9/12- Phương pháp xử lý khí nhà kính đặc biệt là CO2, không phải là chưa được biết đến. Tuy nhiên, có lẽ sẽ còn tốt hơn nếu chúng ta có thể biến lượng khí nhà kính khổng lồ đang hủy hoại Trái Đất thành những thứ có ích hơn cho con người.
Những con vi khuẩn R-eutropha có thể chuyển hóa carbon thành xăng sinh học. Ảnh minh họa.
Mới đây, các nhà khoa học tại Học viện Công nghệ Massachussets (MIT) của Mỹ đã thành công trong việc biến đổi gene của loài vi khuẩn Ralstonia Eutropha để chúng có thể chuyển hóa carbon thành isobutanol.
Isobutanol là thứ chất dung môi có thể trộn lẫn để sử dụng cùng với xăng hay thậm chí là có thể dùng thứ chất này để thay thế cho xăng xe. Các nhà khoa học hi vọng khi đề án nghiên cứu của họ hoàn thành, những con vi khuẩn R-eutropha qua biến đổi gene có thể giúp giảm thiểu lượng khí nhà kính trong môi trường cũng như giảm bớt sự phụ thuộc của chúng ta vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang sắp bị cạn kiệt.
Ban đầu, trước khi bị thay đổi, nguồn thức ăn của R-eutropha là carbon. Khi nguồn thức ăn xung quanh môi trường sống của chúng trở nên khan hiếm, R-eutropha tổng hợp một loại chất polyme để lưu giữ và bòn rút nốt từng chút carbon đã từng đi qua bộ máy tiêu hóa của chúng.
Sau khi loại bỏ cũng như thêm vào một vài gen cho những con vi khuẩn này, cộng với việc phức hợp một số phản ứng tổng hợp trong R-eutropha, các nhà nghiên cứu tại MIT đã thay thế được loại polyme chúng sản sinh ra thành isobutanol.
Không giống như các sản phẩm cồn hay các chế phẩm xăng sinh học khác, isobutanol có thể được sử dụng trực tiếp trên động cơ mà không cần qua thanh lọc.
Thực chất, đây không phải lần đầu tiên khoa học sử dụng vi khuẩn để chế tạo các loại xăng sinh học thay thế cho xăng hóa thạch. Tuy nhiên, ở các loài vi khuẩn tạo xăng trước đây, số vi khuẩn sử dụng để chế tạo xăng phải chết đi thì con người mới thu được sản phẩm xăng sinh học cần có.
Ở nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachussets, loài vi khuẩn R-eutropha sẽ thải isobutanol trực tiếp ra, tạo thành môi trường chất lỏng xung quanh chúng. Từ đây, chúng ta chỉ việc xây dựng một quy trình đơn giản để thu giữ số chế phẩm xăng sinh học này.
Tạm thời, thức ăn đang được các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachussets cung cấp cho loài vi khuẩn biến đổi gene này là đường fructose. Các bước nghiên cứu và thử nghiệm tiếp theo để R-eutropha chuyển hóa CO2 thành xăng sinh học đang được gấp rút tiến hành.
Trong tương lai, các nhà khoa học hi vọng rằng có thể tạo ra những quy trình dẫn CO2 trực tiếp từ các nhà máy đến nơi nuôi nhốt R-eutropha để chúng có thể loại bỏ khí thải công nghiệp cũng như tạo ra nguồn nhiên liệu hoạt động cho nhà máy.
Không chỉ có vậy, các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng loài vi khuẩn này sau khi được biến đổi gene có khả năng chuyển hóa bất cứ dạng carbon nào trở thành isobutanol. Đây có lẽ là chìa khóa cho việc giải quyết chất thải công nghiệp cũng như nông nghiệp đang làm chúng ta phải đau đầu.
Cơ chế hoạt động của loại vi khuẩn Ralstonia Eutropha.
Trước mắt, nhóm nghiên cứu một mặt đang cố gắng làm cho những con vi khuẩn R-eutropha sản sinh ra nhiều isobutanol hơn với cùng một lượng thức ăn cung cấp cho chúng. Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng phải hoàn thành thiết kế một hệ thống để sử dụng tại các nhà máy công nghiệp.
Như đã nói, MIT không phải nơi đầu tiên nghiên cứu để sử dụng vi khuẩn sản xuất xăng sinh học tuy nhiên chưa một nơi nào thật sự hoàn thiện công việc này.
Một ví dụ điển hình là vào năm 2006, các nhà khoa học tại UCLA tuyên bố rằng họ đã thành công trong việc thu isobutanol từ loài vi khuẩn Synechoccus Elongatus cũng bằng nguyên liệu là khí CO2. Tuy nhiên, cho đến ngày nay chúng ta vẫn chưa thấy một hệ thống hoàn chỉnh nào sử dụng vi khuẩn để chuyển hóa khí nhà kính thành xăng sinh học. Hi vọng rằng những nghiên cứu tại MIT không chìm xuồng như những tuyên bố trước đây từ giới khoa học.
(RFA-05/12/2011) Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (VSAT) và Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) hôm 5/12 đã ký kết ở Hà Nội một thỏa thuận hợp tác nhiều mặt.
Nội dung hợp tác bao gồm các vấn đề: quản lý thiên tai và an ninh lương thực, trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất, phát triển nguồn nhân lực về nghiên cứu không gian, họat động giáo dục môi trường, nghiên cứu môi trường, tham gia nghiên cứu khí hậu ở khu vực Đông Nam Á và vùng khí hậu gió mùa ở khu vực Châu Á, đóng góp vào quá trình nghiên cứu các chòm sao vệ tinh và tham gia đào tạo nhân lực phục vụ cho các chương trình nghiên cứu vì môi trường toàn cầu.
Theo mạng tin Bee.net đây là lần đầu tiên các giới chức cao cấp của NASA đến viếng thăm Việt Nam.
Diễm Thi bình luận thú vị về trả lời chất vấn của Thủ tướng.
ICTnews – Theo đại diện Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT (FTRI), hiện Viện đang đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng vệ tinh giám sát tàu thuyền trên vùng biển Đông Việt Nam.
Đại diện FTRI cho hay, từ cuối năm 2010 Viện đã tiến hành nghiên cứu xây dựng Đề án chế tạo và ứng dụng vệ tinh nhỏ giám sát các tàu thuyền đi lại trên vùng biển Đông của Việt Nam. Đề án đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức trong và ngoài nước như Cục Hàng hải Việt Nam, Ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn quốc gia, Tổ chức CANEUS, Hệ thống An ninh - An toàn thông tin Hàng hải (MSSIS) Hoa Kỳ…
Đề án cũng đã được FTRI mang đi dự thi tại Cuộc thi ý tưởng Vệ tinh Nano tổ chức tại Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) hồi tháng 3/2011 và lọt vào vòng chung kết.
Đến nay, trong nỗ lực bước đầu hiện thực hóa đề tài nghiên cứu này, FTRI đã xây dựng 1 trạm thu tín hiệu tàu biển thử nghiệm tại Đà Nẵng và kết nối với máy chủ đặt tại Hà Nội.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu gồm 10 thành viên của FTRI cũng đang gấp rút phát triển phần mềm cho người sử dụng để thao tác với dữ liệu.
Theo anh Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng Nghiên cứu không gian (F- Space) của Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, thì để việc nghiên cứu hệ thống vệ tinh giám sát tàu biển đạt hiệu quả cao nhất, vấn đề đang được đặt ra là Việt Nam cần có sự đầu tư nhiều hơn về công sức, tài chính phù hợp. Chính vì thế, để giải được bài toán này thì việc đi theo hướng kêu gọi sự liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế để cùng xây dựng hệ thống và chia sẻ dữ liệu là một lời giải phù hợp.
Theo thông tin từ FTRI, vào ngày 15/10 tới đây, nhằm thúc đẩy hơn nữa vấn đề ứng dụng công nghệ vệ tinh giám sát tàu biển, Viện cùng Đại học FPT, Tổ chức Hợp tác quốc tế về phát triển vũ trụ (CANEUS International) sẽ phối hợp tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ vệ tinh giám sát tàu biển” tại Hà Nội.
Hội thảo sẽ bàn luận các vấn đề liên quan đến việc hiện thực hóa đề án “Sử dụng Chùm vệ tinh nhỏ giám sát tàu thuyền trên vùng biển Đông” do FTRI và Đại học Uppsala (Thụy Điển) hợp tác cùng phát triển, góp phần phòng chống những vụ xả dầu bất hợp pháp và hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển dựa trên việc triển khai thử nghiệm dự án Khả năng giám sát đối tượng LOD (Limited Objective Demonstration).
Ngoài việc trình bày về hiện trạng và nhu cầu quản lý vùng biển Việt Nam, hội thảo cũng sẽ giới thiệu đề án nghiên cứu chế tạo vệ tinh AIS của Viện Nghiên cứu công nghệ FPT, hệ thống giám sát tàu biển của Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ…