Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Covid-19. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Covid-19. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Nga sắp thử nghiệm vaccine Covid-19 Sputnik V giai đoạn ba trên 40.000 người


Nga đang tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba với vaccine Sputnik V trên ít nhất 2.000 người và chuẩn bị thử nghiệm diện rộng với 40.000 người.

"Đợt thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả, khả năng tạo miễn dịch và độ an toàn của vaccine Sputnik V sẽ bắt đầu tại Nga từ tuần sau, với sự tham gia của 40.000 người tình nguyện thuộc những nhóm nguy cơ khác nhau tại hơn 45 trung tâm y tế", Arseniy Palagin, thư ký báo chí Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), tổ chức hỗ trợ tài chính cho Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến tối 20/8.

Đại diện RDIF thêm rằng thử nghiệm Giai đoạn ba đã được tiến hành trên 2.000 người tại Nga từ ngày 12/8, một ngày sau khi vaccine Sputnik V được Bộ Y tế Nga cấp phép.

Sputnik V do Viện Gameleya phát triển, là vaccine đầu tiên trên thế giới được chính phủ phê duyệt và đưa vào sản xuất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia huy động kinh phí và công sức nghiên cứu chưa từng có để gấp rút ra mắt loại vaccine có thể bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới.

Nga, Mỹ và Trung Quốc là những nước dẫn đầu "cuộc chạy đua" sản xuất vaccine Covid-19 đầu tiên. Theo dữ liệu dự thảo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tuần qua, hiện có 29 loại vaccine đang được đánh giá lâm sàng.

Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây cho rằng Nga đã "đốt cháy giai đoạn" trong quá trình phát triển vaccine và cấp phép cho Sputnik V trước khi tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba trên hàng nghìn người.

Thử nghiệm lâm sàng, hay thử nghiệm Giai đoạn ba, là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô lớn. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định được tiêm vaccine để theo dõi hiệu quả cũng như tác dụng phụ có thể xảy ra, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.

Trước những cáo buộc của các nước phương Tây, các quan chức Nga, trong đó có Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, khẳng định những hoài nghi về vaccine này là vô căn cứ.

"Chúng tôi đã chứng kiến một số quốc gia tiến hành chiến tranh thông tin chống lại Nga, nhưng phần lớn các nước đều muốn tìm hiểu về cơ chế hoạt động của loại vaccine này. Chúng tôi không muốn chính trị hóa vaccine, càng có nhiều loại vaccine thì nhân loại càng được hưởng lợi", giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev nói trong cuộc họp báo hôm nay.

Giới chức Nga cho hay khoảng 20 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm về vaccine Covid-19 của họ, đồng thời Moskva đã nhận được đơn hàng chế tạo khoảng một tỷ liều vaccine.

Tuy nhiên, Aleksander Gintsburg, giám đốc Viện Gameleya, lưu ý vaccine Sputnik V sẽ không được lưu hành rộng rãi trước tháng 1/2021 vì phải mất 4-5 tháng để theo dõi thêm hiệu quả cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra.

Theo VnExpress
0

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

1.400 nhà đầu tư Nhật Bản xem xét mở rộng sản xuất sang Việt Nam


Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), 41% công ty Nhật Bản với khoảng 1.400 doanh nghiệp đang hướng đến Việt Nam để mở rộng sản xuất. JETRO nhấn mạnh, giới đầu tư Nhật Bản chuyển trọng tâm sang Châu Á do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Việt Nam và Nhật Bản cũng ưu tiên thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi đã bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế -thương mại giữa hai nước.

41% doanh nghiệp Nhật Bản xem xét mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), ngày càng nhiều công ty Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á và thu nhỏ hoạt động tại Trung Quốc do căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.

Hãng tin Kyodo trích dẫn một cuộc khảo sát của JETRO được thực hiện vào cuối năm ngoái, cơ quan do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn cho biết, theo một báo cáo thương mại và đầu tư hàng năm, có đến 41% (tức khoảng 1.400 doanh nghiệp công ty Nhật Bản) đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, tăng 5,5% so với một năm trước đó.

Báo cáo công bố ngày 30/7 trích dẫn cuộc khảo sát cho biết 36,3% người được hỏi đưa ra câu trả lời tương tự cho Thái Lan, tăng 1,5%, trong khi 48,1% nói rằng họ sẽ thúc đẩy kinh doanh ở Trung Quốc, giảm 7,3%.

“Kể từ năm 2018, căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy việc đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”, báo cáo cho biết.

“Khoảng cách giữa lượng đầu tư (Nhật Bản) vào ASEAN và Trung Quốc đã mở rộng từ 10,2 tỷ yên vào năm 2017 lên 20,4 tỷ yên (191 triệu USD) vào năm 2019”, số liệu thống kê ghi nhận.

Nói về những động thái hướng tới việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, một doanh nghiệp sản xuất thép, kim loại màu và gia công các bộ phận kim loại ở Tokyo cho biết họ đã chuyển một phần chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan và chuyển các mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Một nhà sản xuất thép và kim loại màu ở vùng Shikoku, miền tây Nhật Bản, cho biết họ đang có kế hoạch chuyển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cuộc khảo sát, được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12, với sự tham gia của 9.975 công ty Nhật Bản, cho biết có khoảng 3.562 doanh nghiệp (tương đương 35,7%) quan tâm nhiều đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Trong khi đó, khoảng 80% các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng sẽ giảm vào năm 2020 so với năm trước do nhu cầu thu hẹp sau đại dịch Covid-19, theo báo cáo hàng năm.

Ở châu Á, có đến 91,4% công ty Nhật Bản hoạt động ở Ấn Độ, 89,4% ở Malaysia, 88,4% ở Thái Lan, 85,3% ở Philippines và 84,4% ở Indonesia đưa ra dự báo tương tự. Đại dịch cũng đã làm giảm đáng kể đầu tư của Nhật Bản vào thị trường châu Á.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giảm 35,5% đối với toàn ASEAN.

Trước đó, hồi tháng 7, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội Takeo Nakajima nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nên doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sớm khôi phục sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo ông Takeo Nakajima, về dài hạn, trong 10-15 năm tới, việc mở rộng cơ sở sản xuất của giới đầu tư Nhật sẽ được tăng cường và Việt Nam có thể trở thành thị trường tiềm năng vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa.

Việt Nam – Nhật Bản thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng

Trước đó, vào đầu tháng 8, theo cơ chế luân phiên, Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng được tổ chức tại Việt Nam theo hình thức họp trực tuyến.

Tại cuộc họp này, với lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi đã bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế -thương mại giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng.

Điểm đáng chú ý trong kỳ họp lần thứ 4 này, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những kết quả hợp tác giữa hai bên kể từ Kỳ họp lần thứ 3 của Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam Nhật Bản, đặc biệt là kết quả hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác năng lượng, hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô, hóa chất, đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Hà Nội.

Trên thực tế, cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh do coronavirus đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới, khu vực nói chung và hoạt động giao thương giữa hai nước nói riêng.

Hai Bộ trưởng nhất trí việc hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai Bên trong thời gian tới cần bám sát theo các mục tiêu của Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 và Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản.

Tại cuộc họp, đồng chí Trần Tuấn Anh và ông Kajiyama Hiroshi cùng xác định phương hướng tăng cường hợp tác song phương thời gian tới, trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời, khẳng định cần tính tới nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tính đa dạng, minh bạch và bền vững trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, có khả năng chống chịu tác động.

Đối với vấn đề này, hai Bộ trưởng nhất trí tầm quan trọng của việc thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, bền vững hơn thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ đa dạng hóa cơ sở sản xuất hàng hóa, nguyên liệu ở nước ngoài. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam để thực hiện mục tiêu này.

“Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Nhật Bản hỗ trợ phát triển nhân lực cho Việt Nam?

Về việc hợp tác nâng cao năng lực và sức cạnh tranh công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao đóng góp của các hỗ trợ kỹ thuật từ Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực trong những năm qua.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, rất vui mừng trước việc dự án tại Việt Nam nằm trong sáng kiến của Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm điều khiển ô tô trong các nước ASEAN sẽ được triển khai đầu tiên trong năm 2020 này.

Hợp tác giữa hai Bên trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sẽ có ý nghĩ hơn thông qua việc nhân rộng mô hình đào tạo “kỹ thuật gắn liền với kỹ năng thực hành và sáng tạo” (mô hình KOSEN) tại các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương.

“Hợp tác này nhằm nâng cao năng lực và tạo thêm giá trị gia tăng cho một số ngành công nghiệp chủ chốt tại Việt Nam như hóa chất, dệt may, công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Đặc biệt bằng cách tận dụng sự hợp tác của khu vực công và tư nhân về chuyển đổi kỹ thuật số, chẳng hạn như chương trình hợp tác trực tuyến mới do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam khởi xướng.

Cùng với đó, hai Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ số cũng như sản xuất thông minh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Nhận thức được tính tất yếu của việc thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm và phát triển khung chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0.

Liên quan đến mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển hơn do những thách thức mà Covid-19 đặt ra, các Bộ trưởng của Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu vì một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, để giữ cho thị trường mở và để duy trì hệ thống đa phương dựa trên luật lệ trong khuôn khổ các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các Bộ trưởng khẳng định lại cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời nhất trí ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại đa phương mà hai bên cùng tham gia, đặc điểm địa lý tại các cuộc họp đa phương bao gồm ASEAN + 3, EAS và APEC.

Đối với lĩnh vực năng lượng, hai Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi với nguồn cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng, ổn định trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cách thức tận dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19.

Phía Việt Nam và Nhật Bản đều chia sẻ quan điểm Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là rất quan trọng đối với cả hai nước. Hai vị lãnh đạo nhất trí rằng Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục quan tâm đến dự án trên cơ sở các điều kiện hai bên đã thỏa thuận.

Theo: https://vn.sputniknews.com/business/202008179372666-cuoc-thao-chay-khoi-trung-quoc-1400-nha-dau-tu-nhat-ban-chon-viet-nam/
0

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Trump dọa cắt quan hệ với Trung Quốc

Trump nói rằng ông thất vọng với cách Trung Quốc xử lý Covid-19 và có thể trả đũa bằng cách cắt hoàn toàn quan hệ với nước này.

"Tôi có mối quan hệ rất tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng ngay bây giờ tôi không muốn nói chuyện với ông ấy", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network được phát sóng hôm nay.

Trump cũng cho biết ông rất thất vọng vì Trung Quốc không ngăn chặn được Covid-19 và đại dịch toàn cầu đã khiến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trở nên u ám.


"Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Lẽ ra họ không bao giờ được để dịch bệnh xảy ra. Tôi đã thực hiện một thỏa thuận thương mại tuyệt vời nhưng bây giờ không cảm thấy như vậy nữa. Thỏa thuận vừa ráo mực thì dịch bệnh đã ập đến", Trump nói.

Khi được hỏi Mỹ có thể đáp trả thế nào, Trump không đưa ra thông tin cụ thể, nhưng nói với giọng đe dọa: "Có nhiều thứ chúng tôi có thể làm. Chúng tôi có thể cắt hoàn toàn quan hệ với họ".

"Khi làm việc đó, điều gì sẽ xảy ra", Trump nói tiếp. "Chúng ta sẽ tiết kiệm được 500 tỷ USD nếu cắt toàn bộ quan hệ với Trung Quốc".

Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019 và âm thầm lây lan khi Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 1. Trump từng ca ngợi thỏa thuận này là thành tựu lớn.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm, trong khi Mỹ đồng ý không áp thuế quan theo giai đoạn với hàng hóa Trung Quốc. Tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin các cố vấn giấu tên am hiểu các cuộc đàm phán đã đề nghị quan chức Trung Quốc xem xét khả năng hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn một và đàm phán một thỏa thuận mới có lợi hơn cho Trung Quốc.

Trump hôm 11/5 tuyên bố ông không hứng thú đàm phán lại với Trung Quốc và lặp lại quan điểm này trong cuộc phỏng vấn. Ông cũng tập trung nhiều hơn vào phản ứng của Trung Quốc đối với đợt bùng phát Covid-19 hơn là nguồn gốc virus.

"Chúng tôi có rất nhiều thông tin, và nó không ổn chút nào. Dù từ phòng thí nghiệm hay những con dơi, tất cả đều đến từ Trung Quốc và họ nên ngăn chặn. Họ lẽ ra nên ngăn chặn từ nguồn nhưng mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát", Tổng thống Mỹ cho hay.

Covid-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,4 triệu người nhiễm và gần 300.000 người tử vong. Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu dịch bệnh và xử lý chậm chạp, khiến thế giới bỏ lỡ thời gian ứng phó, đồng thời nghi ngờ nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Trung Quốc bác bỏ toàn bộ cáo buộc, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm là "phi thực tế và vô căn cứ".

Nguồn: https://vnexpress.net/trump-doa-cat-quan-he-voi-trung-quoc-4099580.html
0

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Việt Nam bước đầu tiêm thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 trên chuột

Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) cho hay Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vắc xin và tiêm thử nghiệm trên chuột.


TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết ngay từ khi Việt Nam ghi nhận những những mắc Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus này.

Kháng nguyên của SARS-CoV-2 trong thành phần vắc xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vắc xin.

Với việc bước đầu phát triển thành công dự tuyển vắc xin phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm trong nhiều tuần qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

TS Đạt cũng cho biết thêm trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2. Sau giai đoạn này, vắc xin phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vắc xin này.

Tính tới sáng 3/5, Việt Nam ghi nhận 270 ca mắc Covid-19. Kể từ sáng 16/4, đến nay, cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 219 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện.

51 bệnh nhân còn lại đang được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 8 cơ sở khám, chữa bệnh. Đa số bệnh nhân có sức khoẻ ổn định, 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus này.

Nguồn: https://zingnews.vn/viet-nam-buoc-dau-tiem-thu-nghiem-vac-xin-phong-covid-19-tren-chuot-post1080248.html
0

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Hệ thống do Hồ Chí Minh tạo ra giúp đánh bại Covid-19 tại Việt Nam


Đến nay trên thế giới ghi nhận gần 2 triệu 650 nghìn ca nhiễm virus corona, trong đó gần 186 nghìn ca tử vong. Với số ca nhiễm hơn 855 nghìn và gần 48 nghìn ca tử vong, Hoa Kỳ đã trở thành nước có nhiều người bị nhiễm Covid-19 nhất trên thế giới. Và số ca nhiễm tiếp tục tăng.

Trong khi đó, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cả một tuần đến ngày thứ Sáu. Tính đến sáng 26-4, tổng số ca nhiễm virus của Việt Nam là 270. Làm thế nào một quốc gia có gần 100 triệu dân với diện tích lãnh thổ nhỏ, đường biên giới dài với Trung Quốc và các mối liên hệ quốc tế sôi động, nhưng có thu nhập bình quân không phải cao nhất và hệ thống y tế chưa phát triển cao lại có thể đạt được kết qua này? Cả thế giới muốn biết câu trả lời.

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Việt Nam đã cho thấy rõ rằng, hệ thống quản lý hoạt động rất hiệu quả. - Giáo sư Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Quốc gia St.Petersburg nhận xét. - Nghệ thuật quản lý là sử dụng các nguồn lực hạn chế để giải quyết các vấn đề cụ thể. Đất nước rất nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các mối đe dọa chính đã được xác định, và tất cả các nỗ lực đều nhằm phòng tránh đến mức tối đa nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh".

Ngay vào ngày 28 tháng 1, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo hoạt động này, tập hợp năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sĩ để đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ, và dựa trên những khuyến nghị này Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đó là việc cách ly tất cả những người mắc bệnh, nguyên tắc cách ly đối với những người tiếp xúc với người nhiễm. Các biện pháp này nhanh chóng dẫn đến kết quả cụ thể, bởi vì nếu xuất hiện các triệu chứng trong quá trình kiểm dịch, người này ngay lập tức được cách ly điều trị tại bệnh viện. Sau đó bệnh nhân bị hạn chế liên lạc. Ở Việt Nam có mức độ huy động sức dân rất cao và trình độ quản lý rất cao. Ở nước này, chính phủ quan lý các quá trình, chứ không phải quá trình quản lý chính phủ. Có thể nói, trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, Việt Nam đã sử dụng hệ thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển, trong đó nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.

Tiếp tục tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch.


Cơ sở của hệ thống này đã được phát triển trong các cuộc kháng chiến, và tiềm năng huy động sức dân được duy trì và được sử dụng đầy đủ trong cuộc chiến chống lại coronavirus. Không phải ngẫu nhiên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chống dịch như chống giặc.

Bây giờ hệ thống này được hiện đại hóa, cải tiến, có sử dụng các công nghệ thông tin và Internet. Việt Nam phát triển và sản xuất bộ kit xét nghiệm COVID-19, sử dụng các ứng dụng để người dân khai báo y tế nhằm chủ động cho công tác phòng dịch. Tuy nhiên, điều chính trong hệ thống này là khối đại đoàn kết toàn dân, tính kỷ luật cao và nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình huống này. Chính quyền cung cấp cho người dân vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, và người dân tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của chính quyền.

Chống dịch như chống giặc

Trong khi đó ở Hoa Kỳ những nhà truyền giáo trên TV nguyền rủa virus, ở nhiều quốc gia ngươi dân coi lệnh “cách ly xã hội” như một biện pháp hạn chế tự do hoặc sử dụng thời gian này để giải trí, mà sau đó họ phải trả giá đắt. Ở một số quốc gia tiền công được sử dụng không phải để bảo vệ hiệu quả người dân, mà để tổ chức những chiến dịch đáng ngờ.

Kết quả của tất cả điều này là số ca nhiễm và số ca tử vong ngày càng tăng. Việt Nam đã tập trung mọi nỗ lực để tạo ra một hệ thống rõ ràng, mạch lạc và minh bạch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bênh và phát hiện sớm các ca nhiễm, hệ thống này đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Toàn bộ người dân nhận ra sự nghiêm trọng của mối đe dọa. Trước đây người Việt Nam đã sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, bây giờ họ cho toàn thế giới thấy một tấm gương về cuộc đấu tranh vì sức khỏe của toàn dân, chuyên gia Nga nói.

Nguồn: https://vn.sputniknews.com/vietnam/202004268972231-he-thong-do-ho-chi-minh-tao-ra-giup-danh-bai-covid-19-tai-viet-nam/
0