Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chính phủ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chính phủ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Cách duy nhất để Việt Nam tự bảo vệ

(TuanVietNam.net) Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình, và quan trọng hơn, phải quyết tâm và gấp rút đổi mới để xây dựng VN thành một quốc gia hùng mạnh.

Suốt từ đầu tháng 5, dư luận trong và ngoài nước dậy sóng trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, người láng giềng "môi hở răng lạnh" của chúng ta, bất chấp luật pháp quốc tế, mang máy bay, tàu chiến xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Lòng yêu nước quật cường của người Việt Nam lại được thổi bùng lên, trên khắp năm châu bốn biển. Dù còn khác nhau về chính kiến nhưng tất cả người Việt, đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, hay ở nước ngoài, đều chung một ý chí: quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Ai ai cũng trăn trở: "Làm sao để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia?" Nhiều ý kiến cho rằng cách tốt nhất để tự bảo vệ là chúng ta phải tự mạnh lên về mọi mặt. Ý kiến đó thật xác đáng. Đó là cách duy nhất chúng ta có thể tự bảo vệ mình.

Trong thế giới sức mạnh quân sự ngày càng được sử dụng nhiều hơn để thôn tính lãnh thổ hay áp đặt ý chí của nước này lên nước khác, thì không còn cách nào khác là nước nhỏ cũng phải mạnh. Là con cá nhỏ trong đại dương đầy rẫy cá to, muốn không bị cá to nuốt chửng thì cá nhỏ phải có nọc độc, rất độc để cá to phải nể sợ.

Chúng ta không thể trông chờ ai đó ra tay cứu giúp, nước nào đó "động binh" đến ứng cứu nếu xảy ra chiến sự. Nước nào cũng hành xử trên nguyên tắc quyền lợi quốc gia của họ. Nếu ai đến cứu chúng ta, thì chắc chắn chúng ta phải trả cái giá nào đó. Trong lịch sử Việt Nam, các thế lực phản dân cầu nước ngoài tới cứu, kết cục trở thành bù nhìn trong tay ngoại bang. Kể cả dựa vào một nước lớn, vẫn có nguy cơ khi nước lớn thay đổi ưu tiên lợi ích quốc gia, nước nhỏ có thể bị bán đứng.


Trên đảo An Bang - Trường Sa. Ảnh: Kiên Trung

Các định chế quốc tế, khu vực cũng không hỗ trợ chúng ta được nhiều. Vì những đại diện quốc gia ở các định chế đó, trước hết phải phục vụ lợi ích quốc gia của họ. Những gì đang diễn ra gần đây chứng tỏ điều đó. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần cung cấp thông tin trung thực để dư luận thế giới hiểu rõ bản chất hành động của Trung Quốc và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta. Và không còn cách nào khác là tự lực, tự cường.

Trong cả hai cuộc chiến tranh trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về tinh thần và vật chất của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý khắp năm châu, trên dưới một lòng, muôn người như một, với tinh thần "Tổ quốc trên hết", quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược giành độc lập, tự do.

Sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, mấy triệu người Việt đã ngã xuống và đến hôm nay bom đạn vẫn còn rải rác ở nhiều nơi trên đất nước, nên người Việt chúng ta yêu quí hòa bình hơn ai hết. Nhưng chúng ta phải khỏe mới bảo vệ được hòa bình, giữ gìn được độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta yếu, kẻ mạnh sẽ áp đặt ý chí của họ lên chúng ta và buộc chúng ta phải theo luật chơi của họ. Ngay bây giờ đây chúng ta đang cần hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề. Nhưng người láng giềng lớn hơn đã không cho chúng ta được yên.

Nhân dân Trung Quốc chắc chắn cũng không muốn chiến tranh. Trung Quốc đang xây dựng đất nước; chiến tranh không mang lại lợi ích gì cho họ. Hơn nữa, bản thân Trung Quốc cũng đang phải đương đầu với nhiều vấn đề: bất bình xã hội vì bất bình đẳng do quá trình phát triển kinh tế gây ra, vấn đề dân tộc, vấn đề môi trường, vấn đề an sinh xã hội. Vùng nông thôn rộng lớn còn rất kém phát triển, thậm chí nhiều nơi lạc hậu. Đó là những quả bom nổ chậm ngay trong lòng Trung Quốc.

Bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng còn bấp bênh với các khoản nợ khổng lồ của doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương; sản phẩm của Trung Quốc ngày càng mất uy tín trên thị trường thế giới, và ngay ở Việt Nam. Trung Quốc cũng lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài. Chiến tranh chắc chắn sẽ gây ra làn sóng rút vốn của các doanh nghiệp FDI, mà ngay hiện nay đang có xu hướng rút khỏi Trung Quốc vì nhiều lý do.

Chúng ta cũng không nên quá sợ hãi đòn trừng phạt kinh tế nào đó của Trung Quốc. Đúng là nếu xảy ra chuyện đó, ta sẽ gặp một số khó khăn. Nhưng phía Trung Quốc cũng không phải không thiệt hại. Họ cũng cần thị trường để bán hàng, nhất là số hàng rẻ tiền chất lượng kém mà họ đã tạo ra. Họ cũng có lợi ích từ các dự án của họ ở Việt Nam. Chúng ta vẫn còn nguồn lực chưa khai thác hết, hoặc chưa sử dụng hiệu quả. Ví dụ nguồn kiều hối hàng chục tỉ đô la mỗi năm, nguồn tài chính dưới nhiều dạng còn đọng trong dân có thể còn lớn hơn nguồn kiều hối, và nếu chúng ta chấm dứt việc sử dụng lãng phí các nguồn lực thì chúng ta thừa sức bù lại những thiếu hụt do một đòn kinh tế nào đó gây ra.

Hơn nữa, với truyền thống yêu nước sâu đậm, người dân Việt Nam, mà phần lớn đã trải qua chiến tranh, đã chịu đựng gian khổ, hy sinh to lớn, sẵn sàng thắt lưng buộc bụng một lần nữa để xây dựng đất nước vững mạnh, miễn là của cải chung không rơi vào túi bọn tham nhũng.

Cách hành xử của Trung Quốc lần này càng làm cho người Việt Nam hiểu rõ hơn bản chất của họ. Những lời lẽ hoa mỹ, ru ngủ xưa nay được họ dùng để mô tả mối quan hệ láng giềng giữa hai nước đã bị xổ toẹt khi họ ngang nhiên đặt dàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa của Việt Nam được luật pháp quốc tế công nhận.

Họ đã "thăm dò" Việt Nam từ lâu

Tại sao họ chọn thời điểm này? Họ cho rằng thế giới đang bận rộn về nhiều vấn đề lớn ở các khu vực, dư luận quốc tế sẽ không chú ý việc họ làm.

Họ đã nghiên cứu và hiểu chúng ta rất rõ. Họ cho rằng chúng ta đang yếu, không chỉ vì kinh tế đang gặp khó khăn chồng chất, không chỉ vì họ có số máy bay, tàu chiến nhiều hơn ta. Mà chính họ đã thấy những vết rạn trong xã hội của ta.

Hành động của họ lần này là kết quả của một quá trình thăm dò từ lâu, qua những lần "tàu lạ" đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam, leo thang thành các vụ bắn cháy tàu cá, bắt ngư dân của ta trong lãnh hải của Việt Nam... Họ tưởng rằng ta đã nhiều lần "một điều nhịn mong chín điều lành" thì lần này cũng sẽ như vậy. Và cứ như thế họ lấn dần, gặm nhấm lãnh thổ và lãnh hải của ta. Nếu ta không cương quyết đáp trả thì sẽ mãi mãi phải chịu chấp nhận sự ngang ngược ngày càng tăng của họ.

Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam không mới, và sẽ còn diễn ra dài dài, chừng nào Việt Nam chưa đủ mạnh để chặn đứng bàn tay của họ và thu hồi những thước đất, nước đã mất. Vì vậy chúng ta phải kiên trì và dứt khoát đòi Trung Quốc chấm dứt việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc này không thể khoan nhượng.

Đây cũng là lúc nhìn lại dân mình. Qua biến cố này, ta càng thấy rõ: Dân là gốc. Trước nguy cơ chủ quyền quốc gia bị đe dọa, dân ta, thuộc đủ thành phần, tầng lớp, lứa tuổi hừng hực tinh thần yêu nước, "Quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ" bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Đó là nguồn sức mạnh cốt lõi, vô tận và không thế lực nào có thể đánh bại của dân tộc ta trong bất kỳ thời đại nào.

Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, người Việt Nam lại gạt bỏ những khác biệt, bất đồng, trên dưới một lòng, đoàn kết thành một khối chống trả quyết liệt kẻ xâm lược, giành thắng lợi cuối cùng. Tuyệt đối không có kẽ hở nào, có vết rạn nứt nào để kẻ thù khai thác. Những thế lực nhăm nhe thôn tính Việt Nam bằng cách này, hay cách khác hãy nhớ lấy bài học đó!

Cũng trong cơn nguy biến, người Việt Nam rất bình tĩnh, sáng suốt và đưa ra được những quyết sách mạnh bạo, những thay đổi, cải cách dũng cảm, sâu rộng mang tính đột phá mà trong điều kiện yên bình, thuận lợi không có được.

Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, và quan trọng hơn, phải quyết tâm và gấp rút đổi mới để xây dựng Việt Nam thành một quốc gia hùng mạnh, mà sức mạnh đó trước hết phải là sức mạnh tổng hợp của một dân tộc gắn kết, muôn người như một, trên dưới đồng lòng, gạt bỏ lợi ích cá nhân, hy sinh vì nghĩa lớn. VN có pháp lý, có chính nghĩa tạo nên sức mạnh đấu tranh và cùng với đó là xây dựng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân sự.

Xuân Thành (Cán bộ hưu trí, quận Bắc Từ Liêm, HN)
0

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Video tóm tắt: ĐB Dương Trung Quốc hỏi - Thủ tướng trả lời

14/11/2012- AFP cho biết, trong buổi chất vấn của Quốc hội được phát trên truyền hình, đại biểu Dương Trung Quốc tuyên bố : "Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm chứ không phải chỉ là lời xin lỗi". Ông kêu gọi Thủ tướng "Hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại, đó là văn hóa từ chức".

Xin nhắc lại, trước đây trong phiên họp Quốc hội ngày 22/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tự kiểm điểm những yếu kém trong quản lý kinh tế, việc quản lý các tập đoàn quốc doanh,...

Trong phần trả lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 51 năm hoạt động cách mạng, ông không "xin Đảng cho làm chức vụ gì, và cũng không từ chối bất cứ nhiệm vụ gì được Đảng giao". Đảng hiểu rõ các ưu khuyết điểm của ông, đã phân công ông tiếp tục làm Thủ tướng, và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu cho ông, thì ông chấp hành. Tóm lại, gần suốt cuộc đời đi theo Đảng, ông không xin xỏ cũng không thoái thác, và sẽ nghiêm túc thực hiện như đã làm suốt 51 năm qua.


--> Xem video đầy đủ


Thủ tướng xin lỗi vì những yếu kém của Chính phủ:
1

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Sao đến mức này, thưa Quốc hội!?

26/9/2012- (Dân Trí) "Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút… Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông"


(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là lời của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn.

Trong báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ tại phiên họp UBTV QH vừa qua có đoạn: "Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được "ưu tiên" giải quyết công việc".

Đọc đến đoạn này, không thể không thốt lên câu hỏi: Sao đến mức này, thưa Quốc hội!?
Báo cáo viết như vậy chả lẽ để dẫn đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng tràn lan và trầm trọng hiện nay là do bởi một bộ phận không nhỏ (cũng có thể hiểu là lớn - NV)… người dân không những không “hành động quyết liệt” mà còn “đồng tình, tiếp tay”?

Không và một ngàn lần không, thưa Quốc hội!
Nếu có câu hỏi ai căm ghét tham nhũng, hối lộ nhất thì câu trả lời không ai khác, chính là người dân. Bởi tham nhũng, hội lộ đã hành hạ người dân nhiều năm qua và trở thành mối bức xúc lớn nhất, là tích tụ sự phẫn nộ của nhân dân.
Người xưa có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Không ai muốn “rút ruột” mình vô cớ đưa cho người khác bởi nó đau đớn lắm, xót xa lắm. Đồng tiền được trả bằng mồ hôi, nước mắt, đôi khi cả máu và sự cay đắng.

Không và ngàn lần không có người dân nào tự dưng đem tiền đưa đút lót, hối lộ.
Việc Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã phải bật ngay sau khi bản báo cáo vừa dứt rằng "Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút" và "Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông" đã nói hộ nhân dân điều đó.

Cách đây ít lâu, tại cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu lập pháp về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đề xuất: "Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo" vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lần này.
Còn cách đây khoảng 4 năm, Nhà báo Hữu Thọ trong một bài viết về tệ hối lộ đã chỉ ra rằng luật pháp trừng trị cả người nhận và người đưa hối lộ. Tuy nhiên, có những người vì hoàn cảnh nào đó mà bắt buộc phải đưa một ít quà thì dư luận cũng nên xem xét mà xử cho đúng.

Thưa Quốc hội!
Người dân yêu quý đồng tiền của họ làm ra lắm. Một doanh nhân đã từng nói: “Tôi đã từng phải bán máu để lấy tiền nhưng chưa bao giờ bỏ tiền ra mua máu”.
Vâng, người dân luôn coi tiền như máu của mình, họ khôngbao giờ “đồng tình, tiếp tay” cho kẻ khác móc túi mình đâu. Chẳng qua họ bị “bóp hầu, bóp cổ” mà ngậm bồ hòn “tự nguyện” đó thôi.

Thưa Quốc hội!
Công cuộc chống tham nhũng vừa qua chưa đạt kết quả là do chưa có sự quyết tâm cao, chưa có giải pháp tốt, chưa có bản lĩnh vững vàng… chứ không có nguyên nhân từ người dân “đồng tình, tiếp tay”.
Gần đây, trong xã hội xuất hiện cái mà dân gian gọi mỉa mai là “Hội chứng tám chữ vàng”. Đó là “Tranh công - Chối tội - Đổ lỗi - Thanh minh”.

Đoạn trích trên trong bản báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012 vừa qua chính là hành động “đổ lỗi” cho dân. Và nói như đồng nghiệp bên Vietnamnet là “đổ tiếng xấu cho dân là hành động dại dột”.

Vâng, dại dột và hơn thế!
Có phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám
Dân Trí
0

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Đá bóng ở... Quốc hội ?

(Vietnamnet) - Trả lời chất vấn của QH, có vị đá quả bóng trách nhiệm vào hư không: “Không được báo cáo nên tôi không nắm được”. Vị khác lại trả bóng “làm thế nào”, “bao giờ” về cho đại biểu. 

Trước phiên chất vấn, những sai phạm, thất thoát tại Vinalines và chuyện lùng nhùng xung quanh Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng, cựu lãnh đạo Vinalines nhắc nhớ không khí Quốc hội cách đây một năm rưỡi, khi những món nợ của Vinashin được công bố và lãnh đạo tập đoàn vướng vào lao lý.

Khi ấy, trong hai ngày rưỡi chất vấn, "trái bóng" trách nhiệm cá nhân trong sai phạm tại Vinashin đã được chuyền hết từ Bộ Tài chính sang Bộ GTVT, đến Phó Thủ tướng thường trực, và cuối cùng đến chân Thủ tướng - người đăng đàn cuối cùng.

Bộ trưởng KH-ĐT khi đó là ông Võ Hồng Phúc sau khi được các đại biểu tấn công liên tục, dồn ép, vẫn quyết tâm cố thủ: "Chúng tôi không có một trách nhiệm gì để mà phải chịu trách nhiệm như đại biểu yêu cầu". Bởi theo ông, Quốc hội với việc xây dựng luật đã biến Bộ trưởng như ông và các đồng nhiệm thành "đười ươi giữ ống", chẳng có quyền lực gì với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Lần này, đại biểu và cử tri "nín thở" đợi liệu kịch bản tương tự có xảy ra, với sai phạm tại Vinalines, với sự cố thủy điện Sông Tranh, với tình hình lao động, thương lái nước ngoài làm việc trái phép... Nhất là khi những lần thông tin trên báo chí trước đó, các vị quan chức luôn miệng khẳng định “đúng quy trình”, “đúng trách nhiệm”… “Trái bóng” mang tên trách nhiệm liệu có tiếp tục lăn tròn?

Nhiều người băn khoăn: rồi chất vấn sẽ về đâu, nhất là khi danh sách bộ trưởng đăng đàn thiếu vắng những cái tên muốn hỏi. Đến mức đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã phải xin phép được "lạc đề" trong phiên thảo luận ngay trước chất vấn, để đòi hỏi "phải tôn trọng ý kiến đại biểu".

Hai ngày rưỡi chất vấn với 10 vị bộ trưởng, trưởng ngành, hai Phó Thủ tướng trực tiếp và tham gia trả lời, cử tri và đại biểu có người hài lòng, có người chưa.

Vẫn có lúc, không khí nghị trường giống như một vở kịch nói, mà bộ trưởng là diễn viên độc thoại trên sân khấu, buộc chủ tọa phải nhắc nhở. (Thành thực mà nói, với 10-15 đại biểu hỏi một lượt mà số câu hỏi thường lên tới suýt soát con số 20, bộ trưởng có muốn tạo không khí đối thoại, chất vấn thực sự cũng khó).

Có khi người nghe bấm bụng, rúc rích cười vì câu hỏi của đại biểu nhưng cũng có không ít lần Bộ trưởng phải than “câu hỏi khó quá”, “trả lời được câu này chắc tôi sẽ lên điểm đây”.

Quốc hội cũng có phần trách nhiệm để bộ trưởng không chỉ biết chuyền bóng, đỡ bóng, mà còn biết ghi bàn. Ảnh: Minh Thăng

Để đối phó, không khác gì các cầu thủ cứ dắt bóng vòng quanh, có vị dùng chiêu lảng tránh, để chủ tọa phải nhắc “đồng chí nói loanh quanh thì nó cũng không ra đâu, nên cứ xin với Quốc hội về nghiên cứu, kỳ họp sau sẽ trả lời”.

Lại có vị bày tỏ “không được báo cáo nên tôi không nắm được” (việc sai phạm ở Vinalines), "không ai bàn giao nên không biết có chuyện đó" (pháp lệnh quản lý ODA). Quả bóng trách nhiệm được ông đá vào hư không, bởi dân gian có câu "không biết không có tội”. Nhưng ông quên, dân gian cũng có câu khác: “không biết điều phải biết cũng là có tội”.

Vị khác lại thường xuyên trả lại bóng cho đại biểu, khi đá lại chính câu hỏi “làm thế nào”, “bao giờ” về cho người hỏi. Hình như ông quên, đây không phải là phiên họp ông chỉ đạo cấp dưới “làm thế nào”, cũng không phải cuộc giao ban hằng ngày với các thứ trưởng đã thành thông lệ vào mỗi bữa trưa từ khi ông nhận nhiệm.

Gây ấn tượng tốt nhất trong hai ngày rưỡi chất vấn là Bộ trưởng Công an. Nắm lĩnh vực mình điều hành trong lòng bàn tay, từ tổng thể đến chi tiết, ông thuyết phục được cả những người khó tính nhất. Đặc biệt, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để quyết định "câu hỏi nào cũng quan trọng, tôi sẽ trả lời cụ thể, rõ ràng từng câu hỏi của đại biểu. Trong trường hợp chưa được mong muốn, chúng tôi cũng sẽ gửi câu trả lời bằng văn bản, để đại biểu nắm rõ", nhất là khi người điều hành đã mách nước, chỉ chiêu “gộp các câu hỏi theo nhóm vấn đề để trả lời”.

Sau hai ngày rưỡi chất vấn, như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, “các bộ trưởng đã nghiêm túc kiểm điểm tình hình, nhận rõ trách nhiệm liên quan quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền”.

Dù vẫn có cảnh các bộ trưởng chuyền quanh trái bóng trách nhiệm, nhưng chí ít, những đồng đội trên sân đã đỡ bóng tốt hơn. Bộ trưởng Huệ dẫn lại kết luận thanh tra “không có câu nào nói đến trách nhiệm của Bộ Tài chính hay Bộ KH-ĐT”, nhưng đã có Bộ trưởng Vinh nói “không thể nói không có trách nhiệm”. Đến lượt Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù chưa nêu cụ thể trách nhiệm của từng bộ trong sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty, ông cũng đã cam kết Chính phủ sẽ làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm và công khai với dân.

Không phải ngồi ghế nóng, nhưng người đứng đầu ngành giao thông cuối cùng cũng đã nhận trách nhiệm cá nhân việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng khi chia lửa chất vấn.

Những lời hứa đã được đưa ra. “Bộ trưởng hãy nhớ lời hứa của mình”, Chủ tịch QH đã nhiều lần nhắc.

Và trong những lời hứa ấy, có không ít việc vốn là món nợ từ trước để lại, như 7 nghị định liên quan đến quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được đưa ra trước Quốc hội 3 năm về trước, nay vẫn nằm đó.

Cử tri chờ đợi thực tế, các bộ trưởng và toàn Chính phủ sẽ làm nhiều hơn hứa. Để trái bóng trách nhiệm không mãi lửng lơ giống chuyện quản tập đoàn những năm qua.

Và Quốc hội cũng có phần trách nhiệm trong đó, để bộ trưởng không chỉ biết chuyền bóng, đỡ bóng, mà còn biết ghi bàn. Bởi như đại biểu Dương Trung Quốc - người tham gia QH đến nhiệm kỳ thứ 3 - đã nói, “Quốc hội như thế nào sẽ có Chính phủ thế đó. Quốc hội không thỏa hiệp, Chính phủ sẽ khác”.

Phương Loan

Toàn cảnh hai ngày rưỡi chất vấn:


0

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Chính phủ thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế

14/6/12- Sai phạm Vinalines: Bộ nào cũng nói mình không biết: Sau Bộ GTVT đến lượt Bộ KH&ĐT nói rằng mình không biết gì về sai phạm của Vinalines.


Chiều 13-6, tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, nội dung được nhiều đại biểu QH đề cập nhất vẫn là sai phạm, thất thoát tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà mới đây nhất là Vinalines. Tuy vậy, câu trả lời của bộ trưởng cho thấy vẫn chưa rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong việc để các “ông lớn” thoải mái vung tiền tỉ qua cửa sổ.

Không được báo cáo nên không nắm rõ

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) hỏi thẳng: Theo quy định không chỉ có Vinalines mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có sự giám sát thường xuyên chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan (Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành). Vậy vì sao các vụ việc sai phạm chỉ phát hiện qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ chứ không phải từ các bộ? Trách nhiệm của bộ trưởng trong vụ Vinalines thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết về nguyên tắc có trách nhiệm của các bộ. “Trước năm 2005, Việt Nam có luật riêng dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, đến Luật DN năm 2005, DNNN được trao quyền tự chủ lớn hơn, được tự chủ trong các dự án đầu tư, không phải báo cáo. Cho nên thật sự Bộ KH&ĐT không nắm được, qua các vụ Vinashin và Vinalines thì thấy đúng là như vậy” - ông Vinh nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bổ sung: Về những sai phạm của Vinalines, trách nhiệm chính trong việc đầu tư không có hiệu quả như mua ụ nổi là của lãnh đạo tổng công ty... Hiện nay có lúng túng giữa vai trò chủ sở hữu và quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp và đã, đang được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN


Đại biểu Nga truy tiếp: Bộ trưởng Vinh nói do Vinalines không báo cáo nên Bộ không nắm được. Vì sao Bộ quản lý mà không nắm được? Trả lời bà Nga, ông Vinh “kể khổ”: “Vinalines, theo luật họ được quyết định. Thậm chí Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung uơng (cơ quan thuộc Bộ) đến họ cũng không tiếp”.

Lỗ hổng lớn: Tập đoàn to hơn QH?

Như tiếp thêm lửa cho đại biểu Nga, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt vấn đề: “Bộ trưởng cho biết theo quy định thì các tập đoàn quyết hết cho nên Bộ vô can. Nhưng thế thì tôi xin hỏi nguồn lực của nhân dân giao cho, Bộ có xót xa với cách dùng tiền đó như tiền của các ông chứ không phải của nhân dân?”.

Dẫn vụ Vinashin trước đó, đại biểu Lịch cũng chỉ ra lỗ hổng lớn trong cơ chế quản lý, trao quyền tự chủ kinh doanh cho các tập đoàn, DNNN hiện nay. “Vụ Vinashin xảy ra, các bộ KH&ĐT, Tài chính, bộ chủ quản không chịu trách nhiệm mà dồn hết cho Thủ tướng. Cơ chế nào để cho Vinashin được tự quyết định đầu tư trên 50.000 tỉ đồng không hỏi ý kiến ai trong khi dự án trên 20.000 tỉ đồng đã phải báo cáo QH? Các bộ quản lý ngành có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra tình trạng đó?” - ông Lịch hỏi.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhắc Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời rõ những câu hỏi hóc búa này của đại biểu Lịch. Theo đó, ông Vinh cho biết tới đây sẽ định hướng trở lại theo hướng bộ chuyên ngành quản lý, chịu trách nhiệm toàn bộ đối với tập đoàn nhà nước. “Vốn do Nhà nước cấp hay vốn DNNN đi vay cũng là của Nhà nước, không thể buông lơi như DN tư nhân. Vì vậy các dự án đầu tư đều phải báo cáo, phải có người giám sát chứ không thể để tùy tiện. Theo tôi phải có cơ chế thay đổi” - ông Vinh nói.

Bộ trưởng Vinh cũng chia sẻ ông “rất xót xa trước thực trạng đầu tư của DNNN lãng phí”. Theo vị tư lệnh ngành này, pháp luật của chúng ta dù chưa hoàn thiện nhưng về cơ bản đã có hết. Những tiêu cực, sai phạm vừa rồi đều là liên quan đến con người, đều do con người cố tình làm. “Vì thế ngoài việc hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm đến phẩm chất của cán bộ - những người trực tiếp làm, nếu họ cố tình thì pháp luật phải xử lý nghiêm” - ông Vinh nhấn mạnh.


Tranh luận về chạy chọt, xin-cho

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Hiện nay có tình trạng khoán trắng đầu tư công, địa phương nào cũng làm sân bay, bến cảng, trường ĐH nhưng cả nước chưa có cảng nước sâu, giáo dục ĐH thì kém. Có ý kiến cho rằng có tình trạng đó là do trung ương, do cơ chế xin-cho nên có cả lợi ích nhóm, đầu tư dàn trải, chạy vốn, chạy dự án giữa các địa phương. Vậy hạn chế này do đâu, giải pháp là gì?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: Nói bất cập đầu tư công do phân cấp mạnh hoặc do trung ương đều đúng. Trách nhiệm của Bộ là phải ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Có tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán vì quy định giao cho địa phương phải làm kinh tế, tăng GDP. Vì vậy, các địa phương đều phải làm. Hiện đã có chỉ thị để khắc phục việc chạy dự án, theo đó các địa phương phải lựa chọn danh mục đầu tư, tự chịu trách nhiệm cân đối vốn mới ký quyết định. Thậm chí, giao luôn vốn trong 3-5 năm tới để tự chọn hạng mục để làm. Khi giao một cục như thế thì cũng không chạy được nữa.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Lâu nay dư luận râm ran có tình trạng chạy dự án với muôn vàn nẻo đường nhưng chưa bắt được tận tay. Không có lửa làm sao có khói, nhất là những dự án chỉ định thầu của Bộ KH&ĐT? Xin bộ trưởng làm rõ có chuyện chạy dự án như dư luận hay không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương): Có tình trạng DN nào chịu “quan hệ ngoài luật” sẽ nhận được nhiều dự án, nhiều ưu đãi. Vì thế, các DN phải tìm mọi cách để đầu tư cho quan hệ. Nhưng điều này ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư, làm tăng chi phí đầu tư. Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: Phải tìm lý do chạy dự án. Còn có hay không, nếu tôi bắt được, tôi đã kỷ luật nhưng nếu bảo không có chạy dự án, tôi cũng không tin. Cách chống tham nhũng quan trọng nhất là tìm giải pháp để ngăn chặn, để không có cơ hội chạy. Việc này Bộ KH&ĐT đã có chủ trương để tham mưu cho Chính phủ.

Không dùng ngân sách để cứu ngân hàng

“Căn cứ nào để đưa ra quy định ngân sách Nhà nước phải gánh chịu một phần nợ xấu của ngân hàng thương mại trong đề án tái cấu trúc? Nợ xấu có liên quan gì đến các món nợ xấu của Vinashin, có quan chức nào bảo lãnh nợ xấu không?” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định không có chuyện lấy tiền ngân sách để cứu nợ xấu ngân hàng. Việc giải cứu nợ xấu gỡ “cục máu đông” để thông dòng vốn là ý kiến của chuyên gia. Qua đó có thể giúp DN tiếp cận được vốn chứ hiện nay lãi suất giảm nhưng DN không vay được vì vướng nợ cũ. “Mua bán nợ xấu chúng tôi không tham gia, các ngân hàng tự lo để trang trải” - ông Vinh nói.



Theo Phapluattp.vn, Tuoitre.vn

Xem thêm: Bộ trưởng Thăng nhận trách nhiệm việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
1

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Quốc hội không thỏa hiệp thì Chính phủ sẽ khác

13/6/12- Là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ba khóa liên tiếp, nhà sử học Dương Trung Quốc giờ ít phát biểu hơn trước.

Nhưng mỗi lần “phát”, ý kiến của ông đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, mà gần đây nhất là bài viết chuẩn bị sẵn trong phiên thảo luận hội trường ngày 7-6, chỉ ra một nhu cầu cấp bách đổi mới hệ thống chính trị, mà trước hết là QH, là Chính phủ (CP), để không quá trễ nhịp với xu hướng dân chủ hóa xã hội.

ĐBQH Dương Trung Quốc nói: “Không bi quan nhưng tôi là người hay lo lắng. Hoạt động QH nhiều năm, bằng nghề nghiệp sử học, tôi cảm nhận thấy QH phải thay đổi. Càng ngày càng thấy QH nào thì CP ấy. QH có chất lượng, không thỏa hiệp, biết tạo điều kiện thuận lợi cho CP phát triển lành mạnh, thì CP sẽ khác”.

Cứ mỗi kỳ họp, QH lại nghe CP báo cáo công việc sáu tháng. Cứ thế mãi, thành ra bức tranh toàn cảnh về hoạt động của CP bị cắt vụn, không chỉ khóa này với khóa khác, mà ngay trong mỗi khóa cũng bị vụn. QH như thế thì CP sẽ vẫn tiếp tục loay hoay với những vấn đề có thể nóng bỏng nhưng ngắn hạn và hoạt động của CP sẽ mãi chỉ là giải quyết tình huống các vấn đề xã hội đặt ra.

Thay đổi nếp điều hành ấy thì trước hết QH phải thay đổi. Chẳng hạn, như ý kiến ĐB Trần Du Lịch, QH mà quyết định, kiểm soát được ngân sách thì CP chắc chắn sẽ khác đi rất nhiều. Còn tiếp tục như hiện nay, thì mãi mãi vẫn là một QH thỏa hiệp. Tất nhiên, thay đổi không đơn giản, bởi QH hay CP cũng đều dưới sự lãnh đạo của Đảng.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc đang phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Lý sự cái chóp

- Phóng viên: Ông có vẻ muốn đẩy tới trách nhiệm của QH, đòi hỏi tiền đề đổi mới phải từ QH. Nhưng ý kiến các ĐB thảo luận đề án đổi mới hoạt động của QH có vẻ cho thấy rất khó thay đổi...

+ Ông Dương Trung Quốc: Đương nhiên, chúng ta đâu được bàn đến cái chóp, cái thực chất của hệ thống chính trị. Nếu nói đến hết, thì Đảng chủ trương thế nào sẽ có một QH, một CP như thế. Ví dụ rất điển hình, QH khóa trước nữa thảo luận về dự luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhiều ý kiến cho rằng không thể để hành pháp đứng đầu ban chỉ đạo. Nhưng Đảng đã chủ trương rồi, mà QH chỉ là thể chế hóa nghị quyết của Đảng, nên Luật PCTN ra đời như vậy. Đến nay Đảng thấy chưa ổn, thì QH lại được yêu cầu đưa luật ra sửa.

- Nói thế thì việc các ĐBQH ít nhắc tới những sự kiện nóng bỏng vừa mới xảy ra giữa hai kỳ họp, như Tiên Lãng, Văn Giang, là có lý do của nó?

+ Thì rõ là QH đã không nhạy bén, không làm hết trách nhiệm của mình. Những vụ việc ấy là kết quả của quá trình tích lũy những bức xúc xã hội, trong xu hướng dân chủ hóa, dưới sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của truyền thông. Thế nhưng QH cứ như quên mất, ở khía cạnh pháp lý, 2013 là hết hạn giao đất nông nghiệp, quên mất rằng chính mình đã đề ra thời hạn đó.

Còn ở góc hẹp hơn, như tôi từng nói, khi vụ Tiên Lãng xảy ra, sao không thấy Thủ tướng vào cuộc dưới vai trò ĐBQH được bầu ở Hải Phòng, không thấy Đoàn ĐBQH Hải Phòng kịp thời giám sát, kiểm tra.

Còn tại sao chưa làm hết trách nhiệm, thì có lẽ vẫn do cơ chế xin - cho, tập tính nể nang, rồi lợi ích cục bộ. ĐB làm ở cơ quan hành pháp địa phương thì trước hết phải quan hệ tốt với trung ương mới mong bảo vệ được lợi ích của địa phương mình. Chằng chéo thế sao hết mình với nhiệm vụ QH được. Điều đó cho thấy chưa có mô hình thích hợp cho cả QH và CP trong đặc thù nền chính trị chúng ta.

- Nhưng ngay cả những chủ đề nóng bỏng, như xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa được nêu ra ở Trung ương 4 cũng thấy ít ĐBQH đề cập tới. Tại sao vậy?

+ Với con mắt người ngoài Đảng, tôi hiểu chủ đề này liên quan đến con người, đến bộ máy và với ít nhất hơn 90% ĐBQH là đảng viên. Nhưng quá trình đó đang diễn ra, mà sớm nhất tháng 7 này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới kiểm điểm, tự phê và phê bình. Quy trình làm từ trên xuống ấy có mặt hợp lý nhưng còn có mặt tạo tâm lý đợi chờ, quan sát xem có “đầu xuôi, đuôi lọt” không. Các ĐBQH ít đề cập tới, có lẽ cũng vì thế.

- Vậy thì năng lực lắng nghe đâu chỉ là việc của QH, của CP như trong bài phát biểu của ông?

+ À, thì suy cho cùng cũng là tới cái chóp kia chứ. Chấp nhận đặc thù chính trị thì cũng phải nói tới cùng lý sự ấy.

Nhân dân đang vượt trước

- Trở lại với nhận định QH nào CP ấy, vậy đã qua ba nhiệm kỳ QH, ông nhận xét thế nào về ba khóa QH - CP?

+ Bộ máy nhà nước ta biến động nhân sự khá nhiều qua mỗi nhiệm kỳ. Rõ nhất là QH: Tính chuyên nghiệp rất thấp, không chỉ ở tỉ lệ ĐB chuyên trách thấp, mà cả tỉ lệ ĐB được bầu lần đầu sau mỗi kỳ bầu cử. Thành ra, QH hoạt động thế nào tùy thuộc rất nhiều phong cách người đứng đầu: Từ Chủ tịch Nguyễn Văn An khác với ông Nguyễn Phú Trọng, giờ là ông Nguyễn Sinh Hùng đều có những nét khác nhau, từ chi tiết nhỏ nhất.

Chẳng hạn, tới nhiệm kỳ này, các ĐBQH được nghỉ hết các ngày thứ Bảy, không quần quật hay cách nhật như các kỳ trước. Ấy phải chăng xuất phát từ phong cách của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, gốc từ hành pháp.

- Cử tri thường cảm nhận QH qua những ĐB gai góc. Nhưng đến nay, dường như chưa thấy những hình ảnh, kiểu như ông Nguyễn Minh Thuyết ở khóa XII hay Nguyễn Quốc Thước ở khóa IX...

+ Đã có lúc được xếp vào nhóm ấy nhưng tôi thấy điều đó chưa phản ánh tất cả. Hình ảnh ấy là dễ nhận biết, là đòi hỏi của xã hội nhưng hoạt động của QH đâu chỉ là những nội dung được truyền hình trực tiếp, những bài viết mà báo chí truyền bá. ĐBQH còn nhiều hoạt động khác chưa được truyền thông tới công chúng.

Tôi nghĩ, trong xu thế dân chủ hóa không thể đảo ngược này, QH khóa sau sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn khóa trước. Rõ nhất là giờ tôi đăng ký phát biểu không kịp nữa. Rất nhiều ĐB mạnh dạn phát biểu đã xếp hàng trước.

Chỉ có điều, trong bối cảnh này, không chỉ dân trí, mà cả ý thức dân chủ của người dân đã mạnh lên rất nhiều. Tốc độ ấy của nhân dân đang đi nhanh hơn cơ chế hiện hành, tạo ra độ chênh. Độ chênh ấy thể hiện bằng những bức xúc của người dân với thời cuộc, mà nếu các nhà chính trị không điều chỉnh thể chế đáp ứng kịp thời thì bức xúc có thể vượt giới hạn, gây đổ vỡ không ai mong muốn.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Nghĩa Nhân - Pháp Luật TP. HCM

http://dantri.com.vn/c728/s728-606516/quoc-hoi-khong-thoa-hiep-thi-chinh-phu-se-khac.htm
1

Còn bao nhiêu Vinashin nữa?

13/6/12- SGTT.VN - Ngày 2.6.2010 vụ bê bối Vinashin được công bố. Trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 18.7.2010 tôi có bài viết Chiếc tàu Vinashin đưa Việt Nam quay lại câu lạc bộ Paris và London?, trong đó có ý: “Năm 2010 với con tàu Vinashin (...), nếu có thêm vài Vinashin trong vài năm kế tiếp thì con tàu kinh tế Việt Nam có nguy cơ trở lại với câu lạc bộ Paris và câu lạc bộ London(1) thêm một lần nữa”. Ngày 18.5.2012, gần đúng hai năm sau, vụ bê bối Vinalines được công bố. Không còn bất ngờ nhưng không thể không có những cơn đau xót ruột.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân


tham nhũng ở Vinalines và có thể còn ở những “vina khác” chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến chứng bệnh lạm phát và trì trệ của Việt Nam kéo dài.

Thật lạ khi cho đến thời điểm gần đây vẫn còn những cơ quan và người có thẩm quyền còn đặt vấn đề cần tìm đúng nguyên nhân của chứng bệnh lạm phát và những hệ luỵ mà nền kinh tế phải gánh chịu trong suốt năm năm qua. Có ý kiến cho rằng đó là vì chính sách tài khoá. Có ý kiến cho rằng vì chính sách tiền tệ. Cũng có ý kiến cho rằng chính sách này không và chưa chịu phối hợp chính sách kia; vì cơ cấu kinh tế lệch pha; vì bảo thủ và trì trệ quá v.v.

Nói một cách đơn giản, tham ô và tham nhũng ở Vinashin, Vinalines và có thể còn ở những “vina khác” chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến chứng bệnh lạm phát và trì trệ của Việt Nam kéo dài hơn năm năm qua. Đây cũng là một loại tử huyệt triệt tiêu nhiều kết quả đã tích luỹ và làm kiệt quệ những tiềm năng của nền kinh tế.

Tôi tin những nhà kinh tế, những nhà quản trị và bất cứ ai có lương tâm, am hiểu và quan tâm tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam sẽ đồng ý rằng với mạng lưới cấu kết tham ô và tham nhũng “thâm căn cố đế” như hai nhóm cấu kết trong Vinashin và Vinalines thì không có bất cứ chính sách tiền tệ nào là đúng hướng, chính sách tài khoá nào là lành mạnh cũng như không có một chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nào là phù hợp để nền kinh tế phát triển bền vững và xã hội phồn vinh.

Việt Nam – một nền kinh tế nhỏ với GDP 299 tỉ USD năm 2011 – còn quá nhiều nhu cầu cấp thiết và thiết yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục... nhưng chỉ hai trong 13 tập đoàn, 96 tổng công ty và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác “bê bối” đã làm tiêu hao đến vài tỉ USD (trên tổng số 6 tỉ USD – ba lần ngân sách bộ Y tế hoặc 2,5 lần ngân sách bộ Giáo dục và đào tạo năm 2011 cho trên 91 triệu người dân). Vậy thì ngay cả nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ với GDP hàng năm khoảng 15.000 tỉ USD cũng phải chào thua!

“Mặt cứ trơ ra...”

Tính chất và bản chất của những nhóm tham ô và tham nhũng này đã thể hiện rõ họ ung dung tự mãn với những đỉnh cao vô cảm trơ trọi và tàn nhẫn tận cùng đối với xã hội mà trên 20 năm cố vượt nghèo và hơn 13 triệu người đang sống dưới mức nghèo khó vẫn phải tảo tần cong lưng đóng thuế cho những nhóm tham ô và tham nhũng đó.

Trao đổi với báo chí tại kỳ họp Quốc hội những ngày vừa qua, ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, có nói: “Vừa rồi đi tiếp xúc cử tri kêu lắm, Vinalines thua lỗ, cựu chủ tịch (HĐQT Vinalines – PV) bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra. Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, hỗ trợ chẳng được bao nhiêu tiền mà cứ phải đưa lên đưa xuống miết chưa quyết được thì đằng này, hàng ngàn tỉ đồng tiền đổ sông, đổ biển. Xót hết cả ruột...”

“Mặt cứ trơ ra…” như ông Thanh diễn tả có lẽ để nói ông không biết phải trả lời thế nào với cử tri, còn với những vị quan chức liên quan trong vụ Vinashin, Vinalines, tôi nghĩ mặt họ cũng trơ ra, nhưng không phải vì không biết trả lời mà vì vô cảm và tàn nhẫn.

Từ nghèo sẽ đến mạt nếu cứ để tình trạng tham ô – tham nhũng tiếp tục cấu kết, tàn phá đất nước như thế này.

LÊ TRỌNG NHI
(1) CLB Paris – CLB London là hai tổ chức đa phương, nơi đàm phán và đưa các giải pháp giải quyết các khoản nợ của các nền kinh tế bị mất khả năng thanh toán...
http://sgtt.vn/Ban-doc/164952/Con-bao-nhieu-Vinashin-nua.html
0