Vibay

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Chính phủ thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế

14/6/12- Sai phạm Vinalines: Bộ nào cũng nói mình không biết: Sau Bộ GTVT đến lượt Bộ KH&ĐT nói rằng mình không biết gì về sai phạm của Vinalines.


Chiều 13-6, tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, nội dung được nhiều đại biểu QH đề cập nhất vẫn là sai phạm, thất thoát tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà mới đây nhất là Vinalines. Tuy vậy, câu trả lời của bộ trưởng cho thấy vẫn chưa rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong việc để các “ông lớn” thoải mái vung tiền tỉ qua cửa sổ.

Không được báo cáo nên không nắm rõ

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) hỏi thẳng: Theo quy định không chỉ có Vinalines mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có sự giám sát thường xuyên chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan (Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành). Vậy vì sao các vụ việc sai phạm chỉ phát hiện qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ chứ không phải từ các bộ? Trách nhiệm của bộ trưởng trong vụ Vinalines thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết về nguyên tắc có trách nhiệm của các bộ. “Trước năm 2005, Việt Nam có luật riêng dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, đến Luật DN năm 2005, DNNN được trao quyền tự chủ lớn hơn, được tự chủ trong các dự án đầu tư, không phải báo cáo. Cho nên thật sự Bộ KH&ĐT không nắm được, qua các vụ Vinashin và Vinalines thì thấy đúng là như vậy” - ông Vinh nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bổ sung: Về những sai phạm của Vinalines, trách nhiệm chính trong việc đầu tư không có hiệu quả như mua ụ nổi là của lãnh đạo tổng công ty... Hiện nay có lúng túng giữa vai trò chủ sở hữu và quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp và đã, đang được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN


Đại biểu Nga truy tiếp: Bộ trưởng Vinh nói do Vinalines không báo cáo nên Bộ không nắm được. Vì sao Bộ quản lý mà không nắm được? Trả lời bà Nga, ông Vinh “kể khổ”: “Vinalines, theo luật họ được quyết định. Thậm chí Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung uơng (cơ quan thuộc Bộ) đến họ cũng không tiếp”.

Lỗ hổng lớn: Tập đoàn to hơn QH?

Như tiếp thêm lửa cho đại biểu Nga, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt vấn đề: “Bộ trưởng cho biết theo quy định thì các tập đoàn quyết hết cho nên Bộ vô can. Nhưng thế thì tôi xin hỏi nguồn lực của nhân dân giao cho, Bộ có xót xa với cách dùng tiền đó như tiền của các ông chứ không phải của nhân dân?”.

Dẫn vụ Vinashin trước đó, đại biểu Lịch cũng chỉ ra lỗ hổng lớn trong cơ chế quản lý, trao quyền tự chủ kinh doanh cho các tập đoàn, DNNN hiện nay. “Vụ Vinashin xảy ra, các bộ KH&ĐT, Tài chính, bộ chủ quản không chịu trách nhiệm mà dồn hết cho Thủ tướng. Cơ chế nào để cho Vinashin được tự quyết định đầu tư trên 50.000 tỉ đồng không hỏi ý kiến ai trong khi dự án trên 20.000 tỉ đồng đã phải báo cáo QH? Các bộ quản lý ngành có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra tình trạng đó?” - ông Lịch hỏi.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhắc Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời rõ những câu hỏi hóc búa này của đại biểu Lịch. Theo đó, ông Vinh cho biết tới đây sẽ định hướng trở lại theo hướng bộ chuyên ngành quản lý, chịu trách nhiệm toàn bộ đối với tập đoàn nhà nước. “Vốn do Nhà nước cấp hay vốn DNNN đi vay cũng là của Nhà nước, không thể buông lơi như DN tư nhân. Vì vậy các dự án đầu tư đều phải báo cáo, phải có người giám sát chứ không thể để tùy tiện. Theo tôi phải có cơ chế thay đổi” - ông Vinh nói.

Bộ trưởng Vinh cũng chia sẻ ông “rất xót xa trước thực trạng đầu tư của DNNN lãng phí”. Theo vị tư lệnh ngành này, pháp luật của chúng ta dù chưa hoàn thiện nhưng về cơ bản đã có hết. Những tiêu cực, sai phạm vừa rồi đều là liên quan đến con người, đều do con người cố tình làm. “Vì thế ngoài việc hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm đến phẩm chất của cán bộ - những người trực tiếp làm, nếu họ cố tình thì pháp luật phải xử lý nghiêm” - ông Vinh nhấn mạnh.


Tranh luận về chạy chọt, xin-cho

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Hiện nay có tình trạng khoán trắng đầu tư công, địa phương nào cũng làm sân bay, bến cảng, trường ĐH nhưng cả nước chưa có cảng nước sâu, giáo dục ĐH thì kém. Có ý kiến cho rằng có tình trạng đó là do trung ương, do cơ chế xin-cho nên có cả lợi ích nhóm, đầu tư dàn trải, chạy vốn, chạy dự án giữa các địa phương. Vậy hạn chế này do đâu, giải pháp là gì?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: Nói bất cập đầu tư công do phân cấp mạnh hoặc do trung ương đều đúng. Trách nhiệm của Bộ là phải ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Có tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán vì quy định giao cho địa phương phải làm kinh tế, tăng GDP. Vì vậy, các địa phương đều phải làm. Hiện đã có chỉ thị để khắc phục việc chạy dự án, theo đó các địa phương phải lựa chọn danh mục đầu tư, tự chịu trách nhiệm cân đối vốn mới ký quyết định. Thậm chí, giao luôn vốn trong 3-5 năm tới để tự chọn hạng mục để làm. Khi giao một cục như thế thì cũng không chạy được nữa.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Lâu nay dư luận râm ran có tình trạng chạy dự án với muôn vàn nẻo đường nhưng chưa bắt được tận tay. Không có lửa làm sao có khói, nhất là những dự án chỉ định thầu của Bộ KH&ĐT? Xin bộ trưởng làm rõ có chuyện chạy dự án như dư luận hay không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương): Có tình trạng DN nào chịu “quan hệ ngoài luật” sẽ nhận được nhiều dự án, nhiều ưu đãi. Vì thế, các DN phải tìm mọi cách để đầu tư cho quan hệ. Nhưng điều này ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư, làm tăng chi phí đầu tư. Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: Phải tìm lý do chạy dự án. Còn có hay không, nếu tôi bắt được, tôi đã kỷ luật nhưng nếu bảo không có chạy dự án, tôi cũng không tin. Cách chống tham nhũng quan trọng nhất là tìm giải pháp để ngăn chặn, để không có cơ hội chạy. Việc này Bộ KH&ĐT đã có chủ trương để tham mưu cho Chính phủ.

Không dùng ngân sách để cứu ngân hàng

“Căn cứ nào để đưa ra quy định ngân sách Nhà nước phải gánh chịu một phần nợ xấu của ngân hàng thương mại trong đề án tái cấu trúc? Nợ xấu có liên quan gì đến các món nợ xấu của Vinashin, có quan chức nào bảo lãnh nợ xấu không?” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định không có chuyện lấy tiền ngân sách để cứu nợ xấu ngân hàng. Việc giải cứu nợ xấu gỡ “cục máu đông” để thông dòng vốn là ý kiến của chuyên gia. Qua đó có thể giúp DN tiếp cận được vốn chứ hiện nay lãi suất giảm nhưng DN không vay được vì vướng nợ cũ. “Mua bán nợ xấu chúng tôi không tham gia, các ngân hàng tự lo để trang trải” - ông Vinh nói.



Theo Phapluattp.vn, Tuoitre.vn

Xem thêm: Bộ trưởng Thăng nhận trách nhiệm việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng

1 nhận xét:

  1. Một lũ bất tài. Ngoài miệng nói là đầy tớ phục vụ nhân dân. Thực chất rất bạo tàn coi nhân dân như cỏ rác. Cướp đất người dân mở sân gôn xây hotel, ăn trên ngồi trước, vơ vét công quỹ vô túi riêng. Bưng bít tin tức, chà đạp nhân quyền, không bảo vệ ngư dân trên biển.

    Vì bây nước nhà mất độc lập. Người dân không có đời sống hạnh phúc. Đã đến lúc chế độ cần giải thể hay sẽ phải bị đào thải bởi nhân dân.

    Trả lờiXóa