Vibay

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Còn bao nhiêu Vinashin nữa?

13/6/12- SGTT.VN - Ngày 2.6.2010 vụ bê bối Vinashin được công bố. Trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 18.7.2010 tôi có bài viết Chiếc tàu Vinashin đưa Việt Nam quay lại câu lạc bộ Paris và London?, trong đó có ý: “Năm 2010 với con tàu Vinashin (...), nếu có thêm vài Vinashin trong vài năm kế tiếp thì con tàu kinh tế Việt Nam có nguy cơ trở lại với câu lạc bộ Paris và câu lạc bộ London(1) thêm một lần nữa”. Ngày 18.5.2012, gần đúng hai năm sau, vụ bê bối Vinalines được công bố. Không còn bất ngờ nhưng không thể không có những cơn đau xót ruột.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân


tham nhũng ở Vinalines và có thể còn ở những “vina khác” chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến chứng bệnh lạm phát và trì trệ của Việt Nam kéo dài.

Thật lạ khi cho đến thời điểm gần đây vẫn còn những cơ quan và người có thẩm quyền còn đặt vấn đề cần tìm đúng nguyên nhân của chứng bệnh lạm phát và những hệ luỵ mà nền kinh tế phải gánh chịu trong suốt năm năm qua. Có ý kiến cho rằng đó là vì chính sách tài khoá. Có ý kiến cho rằng vì chính sách tiền tệ. Cũng có ý kiến cho rằng chính sách này không và chưa chịu phối hợp chính sách kia; vì cơ cấu kinh tế lệch pha; vì bảo thủ và trì trệ quá v.v.

Nói một cách đơn giản, tham ô và tham nhũng ở Vinashin, Vinalines và có thể còn ở những “vina khác” chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến chứng bệnh lạm phát và trì trệ của Việt Nam kéo dài hơn năm năm qua. Đây cũng là một loại tử huyệt triệt tiêu nhiều kết quả đã tích luỹ và làm kiệt quệ những tiềm năng của nền kinh tế.

Tôi tin những nhà kinh tế, những nhà quản trị và bất cứ ai có lương tâm, am hiểu và quan tâm tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam sẽ đồng ý rằng với mạng lưới cấu kết tham ô và tham nhũng “thâm căn cố đế” như hai nhóm cấu kết trong Vinashin và Vinalines thì không có bất cứ chính sách tiền tệ nào là đúng hướng, chính sách tài khoá nào là lành mạnh cũng như không có một chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nào là phù hợp để nền kinh tế phát triển bền vững và xã hội phồn vinh.

Việt Nam – một nền kinh tế nhỏ với GDP 299 tỉ USD năm 2011 – còn quá nhiều nhu cầu cấp thiết và thiết yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục... nhưng chỉ hai trong 13 tập đoàn, 96 tổng công ty và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác “bê bối” đã làm tiêu hao đến vài tỉ USD (trên tổng số 6 tỉ USD – ba lần ngân sách bộ Y tế hoặc 2,5 lần ngân sách bộ Giáo dục và đào tạo năm 2011 cho trên 91 triệu người dân). Vậy thì ngay cả nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ với GDP hàng năm khoảng 15.000 tỉ USD cũng phải chào thua!

“Mặt cứ trơ ra...”

Tính chất và bản chất của những nhóm tham ô và tham nhũng này đã thể hiện rõ họ ung dung tự mãn với những đỉnh cao vô cảm trơ trọi và tàn nhẫn tận cùng đối với xã hội mà trên 20 năm cố vượt nghèo và hơn 13 triệu người đang sống dưới mức nghèo khó vẫn phải tảo tần cong lưng đóng thuế cho những nhóm tham ô và tham nhũng đó.

Trao đổi với báo chí tại kỳ họp Quốc hội những ngày vừa qua, ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, có nói: “Vừa rồi đi tiếp xúc cử tri kêu lắm, Vinalines thua lỗ, cựu chủ tịch (HĐQT Vinalines – PV) bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra. Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, hỗ trợ chẳng được bao nhiêu tiền mà cứ phải đưa lên đưa xuống miết chưa quyết được thì đằng này, hàng ngàn tỉ đồng tiền đổ sông, đổ biển. Xót hết cả ruột...”

“Mặt cứ trơ ra…” như ông Thanh diễn tả có lẽ để nói ông không biết phải trả lời thế nào với cử tri, còn với những vị quan chức liên quan trong vụ Vinashin, Vinalines, tôi nghĩ mặt họ cũng trơ ra, nhưng không phải vì không biết trả lời mà vì vô cảm và tàn nhẫn.

Từ nghèo sẽ đến mạt nếu cứ để tình trạng tham ô – tham nhũng tiếp tục cấu kết, tàn phá đất nước như thế này.

LÊ TRỌNG NHI
(1) CLB Paris – CLB London là hai tổ chức đa phương, nơi đàm phán và đưa các giải pháp giải quyết các khoản nợ của các nền kinh tế bị mất khả năng thanh toán...
http://sgtt.vn/Ban-doc/164952/Con-bao-nhieu-Vinashin-nua.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét