Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng bằng sông Cửu Long. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng bằng sông Cửu Long. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

Việt Nam : Giữ đồng bằng sông Cửu Long nhờ phát triển bền vững và nhân lực


Tháng 04 và 05/2020, đồng bằng sông Cửu Long trải qua mùa hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, thiệt hại về mùa màng không lớn bằng đợt hạn 2016 do người dân và chính quyền địa phương đã rút được bài học và chuyển đổi một số diện tích cây trồng, theo nghị quyết số 120/NQ-CP Về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, có hiệu lực từ ngày 17/11/2017.

Nghị quyết này đã giúp tháo gỡ về mặt chính sách cho Việt Nam, theo nhận định của tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong, khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh đến nguồn nhân lực và sự phối hợp giữa các nước trong vùng để có thể bảo đảm tương lai bền vững cho khu vực sông Mêkông.



RFI : Mùa hạn 2020 đã khiến ngành nông nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ngành trồng lúa, bị tác động nặng, đâu là giải pháp cho lĩnh vực này ?

TS. Dương Văn Ni : Năm 2017, thủ tướng ra nghị quyết 120. Tôi cho là nghị quyết 120 là một trong những tháo gỡ về mặt chính sách tốt nhất cho Việt Nam vào lúc này. Nghị quyết 120 đó đề cập đến mấy vấn đề cốt lõi.

Vấn đề thứ nhất đề cập là các nguồn nước, kể cả nước mặn, cũng phải xem như một dạng tài nguyên. Điểm này hoàn toàn khác với tư duy trước đó : Hễ thấy nước mặn là phải có một công trình nào đó ngăn chặn. Bây giờ công nhận nước mặn như một tài nguyên để mà khai thác nó dưới diện nào đó cho có hiệu quả về kinh tế. Tôi cho rằng sự thay đổi đó rất là căn cơ.

Nhưng điều quan trọng hơn nữa là nền nông nghiệp : Nhà nước cho phép chuyển dịch nền nông nghiệp theo hướng chiều sâu, hay là theo hướng có hiệu quả kinh tế nhất, chứ không phải là khư khư ép người dân trồng nhiều lúa để gọi là “bảo đảm an ninh lương thực”. Đây là điều làm trong nhiều năm qua, chúng ta đẩy mạnh diện tích lúa ra sát bờ biển, trong khi vùng sát bờ biển vốn không thuận lợi cho trồng lúa. Bởi vì, năm nào khi dứt mưa, vùng này chắc chắn là sông rạch bị ảnh hưởng nặng, bị nhiễm mặn. Nhưng nhờ đợt hạn mặn 2015-2016 cho thấy những nỗ lực đưa nước ngọt, đưa cây lúa ra vùng duyên hải rất là bấp bênh. Những bài học đó giúp cho người dân, giúp cho chính quyền địa phương và cả cấp trung ương nhìn thấy ra được vấn đề chỗ nào rất bị tổn thương, chỗ nào không cần chăm chăm đưa cây lúa vào đó.

Tôi cho rằng 2017, Nhà nước ra được nghị quyết 120 là tháo gỡ khó khăn mang tính vĩ mô và như vậy nó giúp cho người dân có cơ hội điều chỉnh lại sản xuất của họ. Có nghĩa là nếu vùng đó thường xuyên bị mặn đe dọa và xâm nhập như vậy, tốt nhất là chúng ta nên chọn loại cây trồng, vật nuôi nào phù hợp hơn là cứ cố giữ khư khư cây lúa theo chỉ thị của Nhà nước. Đó là cái mở mang rất tốt !

RFI : Sau khi Nhà nước ban hành nghị quyết 120, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long hiện chuyển sang hướng canh tác nào được cho là phù hợp với điều kiện thời tiết của vùng ?

TS. Dương Văn Ni : Nghị quyết chỉ mang tính rất tổng thể, giải quyết được vấn đề vĩ mô. Còn để đi vào thực tế, thực tiễn từng vùng, thì điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng tạo của người dân và chính quyền địa phương.

Bởi một lý do là trong một thời gian dài, chúng ta tập trung quá nhiều cho cây lúa, và bây giờ chuyển qua cây trồng và con khác, thì thứ nhất phải cần đến hạ tầng về kỹ thuật phải tương đối đồng bộ (hệ thống tưới tiêu, hệ thống dẫn nước…). Bây giờ ví dụ muốn nuôi trồng thủy sản, thì cũng phải có cải tiến hoặc thiết kế lại, công việc này tốn rất nhiều thời gian, cũng như kinh phí.

Điểm thứ hai, quan trọng hơn, đó là hạ tầng về xã hội và kinh tế. Ví dụ, ngày xưa trồng cây lúa, thì bao nhiêu chục năm nay, người dân biết trồng như thế nào. Bây giờ chuyển sang một cây trồng khác, việc đầu tiên là người dân phải nắm được kỹ thuật để quản lý mùa vụ của cây con đó. Khi người dân đã biết những việc đó rồi thì hạ tầng, dịch vụ phục vụ liệu đã có sẵn chưa, bởi vì một thời gian dài, chúng ta chỉ phục vụ cho cây lúa, giờ chuyển sang cây con khác, người ta không chuẩn bị sẵn vật tư, phân bón hay thuốc sâu, thuốc bệnh đó.

Tiếp theo phải nói tới công lao động. Phải nói rằng hiện nay cây lúa đã được cơ giới hóa với một tỉ lệ rất lớn, từ khâu làm đất đến thu hoạch. Bây giờ chuyển qua những cây trồng khác thì cần một lượng lao động nhiều để chuẩn bị gieo sạ hay thu hoạch. Điểm quan trọng cuối cùng là không biết bán cho ai và ai ăn, nên vẫn chưa biết thị trường ở đâu.

Những điểm trên cho thấy rằng mặc dầu nghị quyết 120 đã tháo gỡ những nút thắt, nhưng để chuyện đó thành hiện thực, cụ thể ở một nơi nào đó, thì cần sự quyết tâm và sự sáng tạo của người dân và chính quyền địa phương nơi đó.

RFI : Ngoài tình trạng thiên tai, còn phải nêu thêm vấn đề nguồn lao động do người dân, đặc biệt là thanh niên, di cư lên các thành phố lớn. Tương lai của đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao ?

TS. Dương Văn Ni : Nếu mà gọi là tương lai của đồng bằng sông Cửu Long như thế nào, chúng ta phải chia làm mấy loại tương lai.

Thứ nhất là tương lai gần. Tôi thấy trước mắt một vấn đề rất cụ thể là diện tích bình quân trên đầu người đã quá nhỏ do mật độ dân cư của đồng bằng đã quá lớn : Trước đây chỉ có 5-6 triệu người, giờ lên tới 20 triệu. Rồi vấn đề thiên tai, dịch bệnh, nước biển dâng, mưa bão... làm cho người dân không sống nổi trên mảnh đất của mình nữa, bởi thu nhập không đủ để trang trải nhu cầu của cuộc sống. Thành thử ra hiện nay, những người trẻ phải bỏ xứ, đi làm những nơi xa như ở trên thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sông Bé... Đây là một vấn đề rủi ro cho tương lai. Rủi ro là vì nguồn nhân lực không phải là thanh niên nữa.

Thứ hai là các đập ở phía thượng nguồn sẽ làm cho dòng nước thất thường, lúc nhiều thì nhiều qua, lúc ít thì lại không có thêm, gây hạn chồng hạn, lũ chồng lũ. Do đó, những thiên tai do con người đóng góp vô làm cho thêm trầm trọng, càng ngày càng nhiều trong tương lai.

Cái thứ ba, nói gì thì nói, chúng ta nhìn năng lực sản xuất của người dân đồng bằng mới là vấn đề quan trọng. Trong vòng 100 ngày thôi, ở đồng bằng này, người ta có thể sản xuất ra 7-8 triệu tấn lúa. Chưa thấy một vùng đồng bằng nào trên thế giới lại có một năng lực sản xuất, gọi là tương đối đặc biệt như vậy. Nếu sức sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long bị mai một bởi vì nguồn nhân lực trẻ không còn ở tại chỗ, rồi đất đai bị bạc mầu dần vì không còn được phù sa bồi thêm nữa, rồi nguồn nước thất thường... tất cả những yếu tố đó đe dọa đến một vấn đề rất căn cơ : Làm cho “bao tử” của nước Việt Nam bị đe dọa.

Do đó, nếu nói về sự ổn định của đồng bằng, ngoài yếu tố ổn định về môi trường, chúng ta phải coi sự ổn định năng lực sản xuất của người dân trong vùng này là điều gì đó quan trọng, từ bằng đến hơn sự phong phú của tài nguyên tự nhiên. Vì nếu tài nguyên tự nhiên có phong phú mà không có con người thì cũng không tạo được vật chất. Do đó, phải biết làm sao phải gìn giữ được năng lực sản xuất này và biết làm sao cho người dân, từng gia đình một, người ta sống nổi trên chính mảnh đất của họ, thì đến lúc đó, chúng ta mới duy trì được tính ổn định.

Thành thử ra, nói ổn định ở đây, nói về tương lai gần, tương lai xa, chúng ta thấy rõ ràng là chúng ta đang đối diện với một tương lai rất nhiều vấn đề bất định. Nếu chúng ta không tổ chức, gìn giữ được năng lực sản xuất của người dân trong khu vực này, thì chúng ta sẽ phải đối phó với nhiều rủi ro trong tương lai.

RFI : Nhiều nghiên cứu và diễn đàn khoa học đã cảnh báo rằng ổn định của lưu vực Mêkông không được bảo đảm. Đâu là những nguyên nhân dẫn đến việc các nước trong khu vực vẫn chưa tìm ra được đồng thuận cụ thể ?

TS. Dương Văn Ni : Đây là một vấn đề rất nổi cộm trong quá khứ, đặc biệt trong thời gian gần đây, nó lại nêu ra một vấn đề mang tính toàn cầu hơn. Trước hết, chúng ta thấy đồng bằng sông Cửu Long mỗi một năm xuất khẩu 6-7 triệu và 2-3 triệu tấn tôm cá... Lượng nông sản này phân phối ít nhất cho tầm 40 quốc gia trên khắp thế giới. Như vậy, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ sản xuất để phục vụ cho 20 triệu người dân tại đồng bằng, hay là 100 triệu người dân của toàn nước Việt Nam mà nó còn đóng một vai trò quan trọng trong mắt xích kinh tế thế giới.

Do đó, vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long phải vượt ra khỏi lưu vực của sông Cửu Long. Và không thấy ra được chuyện này, thì mọi người chỉ lo phát triển phần của mình. Ví dụ Lào có ưu thế phát triển thủy điện. Nhưng khi phát triển thủy điện thì lại gây ra những hệ lụy ở hạ lưu gồm có Campuchia, Việt Nam... Chúng ta thấy rằng Lào chỉ có khoảng từ 6-8 triệu dân, trong khi nội đồng bằng sông Cửu Long thôi đã có 20 triệu dân và có 60-80 triệu dân sống lệ thuộc vào dòng sông này. Dịch bệnh vừa xảy ra, chúng ta thấy rõ là ngành công nghiệp, dịch vụ bị ngưng trệ, thì lượng điện đâu có cần. Có nhiều điện nhưng không có lương thực thực phẩm trong khu vực, thì phải đối diện với rủi ro rất nhiều.

Điểm thứ hai mà chúng ta thấy là vừa rồi, khi dịch bệnh xảy ra, có hàng triệu người từ các thành phố lớn, như Sài Gòn, Bình Dương, Sông Bé... quay trở về đồng bằng sông Cửu Long tránh dịch. Chúng ta đặt tình huống là nếu đồng bằng sông Cửu Long không còn sức để hấp thụ thì mấy triệu người này đi đâu. Chúng ta biết là họ sẽ tìm những chỗ nào có nước, có lương thực để đi, thì đến lúc đó, liệu biên giới giữa các quốc gia còn thực sự yên ổn không hay là nó sẽ tạo ra sự xáo trộn trong khu vực và sự xáo trộn đó luôn luôn tạo ra nguy cơ lớn nhất cho những cộng đồng nào có số lượng ít.

Chính vì vậy, những quốc gia trong lưu vực sông Mêkông phải thấy rằng đây là một vấn đề lệ thuộc lẫn nhau. Thế nhưng, đây lại là một thách thức rất khó, đã bàn từ vài chục năm mà vẫn chưa tìm thấy được một tiếng nói chung. Các quốc gia vẫn thấy phần của mình là quan trọng. Nhưng tôi vẫn tin rằng những đợt xáo trộn dịch bệnh như này cũng làm cho người ta thức tỉnh và nhìn lại tất cả những vấn đề. Hy vọng là sẽ có một tiếng nói, một sự đồng thuận về chia sẻ nguồn nước hợp lý, về gìn giữ hệ sinh thái của sông Mêkông, bởi vì đây là tương lai không phải của một thế hệ mà của nhiều thế hệ tiếp theo.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong.


Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200608-vi%E1%BB%87t-nam-gi%E1%BB%AF-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%B1ng-s%C3%B4ng-c%E1%BB%ADu-long-nh%E1%BB%9D-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng-v%C3%A0-nh%C3%A2n-l%E1%BB%B1c
0

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Ngăn sông trữ ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, một trong những giải pháp giữ nước ngọt hiệu quả là biến những dòng sông trở thành hồ trữ ngọt.


GS.TS Nguyễn Quốc Dũng (bên phải ngoài cùng) trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam về giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Ảnh: NNVN.

Chấp nhận sống chung với hạn, mặn

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, ĐBSCL là một trong 5 vùng trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, với kịch bản biến đổi khí hậu trung bình, đến năm 2100 mực nước biển dâng lên 70cm.

Nhưng ở Việt Nam, tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tiến hành đo độ lún ở ĐBSCL tại 3 điểm của Cà Mau trong nhiều năm và đưa ra con số tốc độ lún bình quân ở vùng đất này khoảng 2,5cm/năm. Như vậy, 100 năm nữa ĐBSCL sẽ lún 2,5m. Thậm chí, có dự đoán còn cho rằng ĐBSCL chỉ còn tồn tại khoảng 80 năm.

Tất nhiên đó mới chỉ là dự đoán và hơi cực đoan, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, vì chương trình của GIZ đang tiếp tục đo ở các vùng khác, chứ không thể lấy kết quả đo của Cà Mau để khái quát cho cả vùng đồng bằng rộng lớn.


Năm 2020, nước mặn xâm nhập sâu kỷ lục vào đất liền tại các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ. Ảnh: Quang Dũng.

Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn là ĐBSCL đã và sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi nước biển dâng và biến đổi khí hậu, vì cao độ của vùng đất này thấp. Chúng ta có thể liên tưởng đến Hà Lan, quốc gia phần lớn nằm ở độ cao dưới mực nước biển (lại còn có những vùng người ta phải đắp đê sau đó hút nước ra, chẳng hạn như sân bay Amtesdam nằm ở độ cao thấp hơn mực nước biển khoảng 7 – 8m).

Từ năm 1953, sau trận lũ lịch sử, người Hà Lan đã đẩy mạnh đắp đê lấn biển, nhưng những sáng kiến trị thủy của Hà Lan không phải lúc nào cũng đúng ngay từ đầu. Ví dụ, họ làm đê ngăn mặn, nhưng một thời gian sau, nhận thấy những con đê chính là tác nhân tác động xấu đến môi trường. Về sau, Hà Lan phải mở đê (bằng cách mở cống) để trả lại dòng chảy tự nhiên, chỉ khi nào cần thiết (bão trên biển Bắc) mới đóng cống lại.

Ở Việt Nam, gần đây chúng ta nhận thức mới được vấn đề này và đã chuyển từ khái niệm ngăn mặn sang kiểm soát mặn, thích ứng với mặn. Các cống thủy lợi đã dần khép kín một vùng rộng lớn, để giữ nước ngọt trong kênh rạch, ngăn mặn ngoài sông trong một giai đoạn ngắn. Phần lớn thời gian trong năm trả về trạng thái lưu thông tự nhiên.

Ngăn sông trữ ngọt - giải pháp hay

Để kiểm soát mặn ở ĐBSCL thì cần làm tốt hai việc. Thứ nhất phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo hạn mặn để chủ động ứng phó. Thứ hai phải có hệ thống dự báo khí tượng thủy văn dài hạn và có mô hình thủy lực tính hệ thống sông ngòi vùng ĐBSCL được nghiên cứu và hoàn thiện dần trong nhiều năm.

Hiện nay, rất mừng là mỗi xã vùng ảnh hưởng ở ĐBSCL đều được trang bị thiết bị đo mặn; công tác dự báo sớm về hạn, mặn do đó cũng khá chính xác. Nhờ đó trong vụ đông xuân 2019 – 2020, chúng ta đã thay đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy lịch gieo cấy sớm hơn khoảng 1 tháng để né hạn hán, xâm nhập mặn.


GS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Nếu hạn mặn lịch sử năm 2016 có hơn 400.000 ha cây trồng bị thiệt hại vì nhiễm mặn, thì năm 2020, hạn mặn khốc liệt hơn 2016 nhưng diện tích bị ảnh hưởng thiệt hại chỉ khoảng 57.000 ha.

Những năm qua, chúng ta đã đầu tư và sớm đưa vào những công trình kiểm soát mặn lớn như cống Ninh Quới, cống Xuân Hòa, cống Vũng Liêm... Trong đó, 6 công trình lớn đã vượt tiến độ hoàn thành trước 6 – 14 tháng, đã hỗ trợ đắc lực trong việc kiểm soát mặn vụ đông xuân 2019 – 2020, với diện tích khoảng 300.000 ha.

Về mặt công trình, trước đây sử dụng các cửa van tự động thủy lực để ngăn mặn, giữ ngọt. Với loại cửa tự động này chúng ta không chủ động trong việc vận hành. Từ 2 năm trước, Bộ NN-PTNT đã cho thay đổi các cửa van tự động thành cửa van phẳng, có thể đóng mở bất kỳ lúc nào. Có nghĩa là, khi độ mặn nước sông cho phép thì mở cửa lấy nước vào kênh.

Đến nay, Bộ NN-PTNT đã cho sửa trên 100 cống như vậy, chưa kể số các địa phương tự làm. Sắp tới còn tiếp tục làm. Còn các cống mới xây dựng thì tất nhiên là đều dùng loại có thể chủ động đóng mở.

Bộ NN-PTNT cũng đã đầu tư xây dựng các cống lớn để kiểm soát mặn, bao cho cả vùng lớn. Ví dụ như xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé tổng mức đầu tư trên 3.300 tỷ đồng phát huy hiệu quả trực tiếp cho trên 380.000ha của 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.


Một số địa phương ở ĐBSCL đã đắp đập tạm để ngăn mặn và giữ ngọt trên các sông cụt, qua đó trữ được nguồn nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Quang Dũng.

Nếu cống Cái Lớn – Cái Bé đi vào vận hành, chúng ta chỉ đóng khoảng 15 ngày để ngăn mặn vào thời kỳ triều cường cao, còn lại là mở liên tục quanh năm. Hệ thống thủy lợi này sẽ giữ được một số lượng nước ngọt khổng lồ cho 4 tỉnh nói trên.

Bộ NN-PTNT cũng tiếp tục đầu tư hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi lớn, ví dụ như hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre. Tiếc rằng, do còn 1 cống không kịp tiến độ nên mùa khô vừa qua Bến Tre bị mặn xâm nhập nghiêm trọng, phải cấp cứu bằng đập tạm. Tôi tin rằng, đến thời kỳ hạn hán, xâm nhập mặn năm 2021, khi hệ thống kiểm soát mặn vùng Bắc Bến Tre hoàn chỉnh thì tỉnh này sẽ thu hẹp rất nhiều diện tích ảnh hưởng do thiên tai.

Có thể nói, ngăn sông tạo hồ trữ ngọt đang là một giải pháp chống hạn mặn hiệu quả ở ĐBSCL trong thời gian qua.

Công trình trọng điểm Cái Lớn - Cái Bé

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé triển khai xây dựng tại huyện Châu Thành và huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, gồm: cống Cái Lớn, cống Cái Bé và đê nối với quốc lộ 61. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1, do Bộ NN-PTNT là cấp quyết định đầu tư, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 là chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Quy mô, công trình cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455 m, gồm 11 khoang. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85 m, gồm 2 khoang. Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu giao thông tải trọng 30T (HL93).

Nhiệm vụ của dự án nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên. Vùng hưởng lợi của dự án giai đoạn 1 với diện tích tự nhiên là hơn 384.000 ha. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là trên 346.000 ha. Kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng… Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/ngan-song-tru-ngot-cho-dong-bang-song-cuu-long-d264196.html
0

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Đồng bằng sông Cửu Long chống chọi với hạn, mặn và đập thủy điện Trung Quốc


Do dịch Covid-19, sự chú ý của công luận đối với tình trạng hạn hán và nước biển xâm lấn ở đồng bằng sông Cửu Long (Mêkông) đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Theo báo mạng Le Courrier du Vietnam (14/02), vào tháng 02/2020, khoảng 79.700 hộ trong khu vực không có nước sạch sử dụng hàng ngày. Nhiều xe bồn đã được huy động chở nước cung cấp cho khoảng 40.000 hộ dân ở những khu vực xa xôi nhất thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau và Trà Vinh.

Phần âm thanh:


Năm 2020, nước mặn xâm nhập không thua gì năm 2015-2016. Giai đoạn 08-13/04 là thời điểm nước biển xâm lấn đạt mức cao nhất, vẫn theo Le Courrier du Vietnam. Sau đó, tình trạng này giảm dần cho đến tháng Năm, nhưng vẫn ở mức cao. Năm 2019, hạ lưu sông Mêkông từng trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng do các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn đã cố tình giữ nước. Hiện tượng bất thường này được công ty nghiên cứu và tư vấn Mỹ Eyes on Earth Inc, do bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ, công bố ngày 12/04/2020.

Để hỗ trợ người dân tám tỉnh đang chịu thiên tai, ngày 10/04, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phê chuẩn chương trình trợ giúp 530 tỉ đồng (hơn 22,7 triệu đô la) : Năm tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang, mỗi tỉnh được nhận 70 tỉ đồng ; ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Bạc Liêu, mỗi tỉnh được nhận 60 tỉ đồng.

Kinh phí trên được dành cho việc triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như bơm nước ngọt, nạo kênh, xây kè giữ nước ngọt, đào ao và giếng, mở rộng mạng lưới dự trữ nước, mua trang thiết bị lọc và giữ nước, phân phối nước…

Những biện pháp trước mắt này là hữu hiệu, nhưng phải tính phương án xa hơn. Đây là nhận định với RFI Tiếng Việt của tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong, Mekong convervancy Foundation, MCF). Trách nhiệm nghiêm trọng của các đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn cũng được tiến sĩ Dương Văn Ni phân tích trong buổi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.

*****

RFI : Thưa tiến sĩ, đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua một đợt hạn hán và nước biển xâm lấn nghiêm trọng. Xin ông cho biết nghiêm trọng đến mức nào ?

TS. Dương Văn Ni : Theo báo cáo của các địa phương, so với năm 2015-2016, chúng ta có 10 tỉnh tuyên bố thiên tai so với 12 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, đến giờ phút này (tháng 04/2020), có 7 tỉnh đã công bố thiên tai. Như vậy, so về mức độ ảnh hưởng, năm nay không bị ảnh hưởng nhiều như năm 2015-2016.

Tuy nhiên, đó là vấn đề mang tính hành chánh. Còn trong thực tế, năm 2020 này, nước mặn xâm nhập không thua gì năm 2015-2016. Dù nước mặn xâm nhập nhiều, nhưng dù sao bà con ở vùng duyên hải ít bị thiệt hại hơn 2015-2016 là bởi vì vào năm 2015-2016, bà con không có tư thế chuẩn bị, bởi vì cả mấy chục năm trước đó không có xuất hiện cái mặn gay gắt như vậy, thành thử ra người ta cũng chủ quan. Thứ hai là chính sách Nhà nước lúc đó vẫn giữ diện tích lúa vì sợ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, thành thử ra không cho phép người dân chuyển đổi.

Sau 2015-2016, nhiều địa phương rút kinh nghiệm và người ta cũng chuyển đổi một số diện tích, không trồng lúa nữa. Thành thử ra năm 2020 này, mặc dầu mặn xâm nhập sâu cũng không thua gì năm 2015-2016 nhưng mức độ thiệt hại thấp hơn 2015-2016, bởi vì người dân đã được cảnh báo trước.

RFI : Đâu là những nguyên nhân giải thích hiện tượng này ?

TS. Dương Văn Ni : Nói về mặn của đồng bằng sông Cửu Long thì chắc chắn chúng ta biết rồi, bản chất của đồng bằng sông Cửu Long được hình thành trong hai môi trường nước : nguồn nước ngọt trong mùa mưa và nguồn nước mặn trong mùa khô.

Vào mùa mưa, nó hình thành được là do nguồn nước ngọt truyền tải phù sa từ phía thượng nguồn về bồi thêm cho đồng bằng. Nhưng trong mùa nắng, thì nó lại nhờ dòng nước biển xâm nhập vào và mang phù sa biển vào để bồi cho vùng duyên hải. Vậy thì tự nhiên đã như thế rồi ! Hàng năm nước biển xâm nhập vào, tùy lượng nước ngọt trên phía thượng nguồn đưa về. Năm nào nguồn nước ngọt phía thượng nguồn đưa về nhiều và kéo dài khi mùa mưa chấm dứt thì mùa khô năm đó, mặc dầu đã dứt mưa giống như những năm bình thường, nhưng mà do lượng nước ở trên còn dồi dào đổ về, thành thử nó đẩy nước mặn ra ngoài biển, năm đó cái mặn xâm nhập vào đồng bằng ít hơn.

Nói nôm na lại, ở đồng bằng sông Cửu Long, cái mặn ngọt của vùng duyên hải lệ thuộc vào mấy yếu tố. Yếu tố thứ nhất là nguồn nước mặn, dồi dào đến mức độ nào. Yếu tố thứ hai là kiểu sử dụng đất của người dân. Ví dụ người dân trên vùng thượng nguồn hoặc ở những tỉnh phía trên, họ sử dụng nước để tưới tiêu nhiều thì sẽ chặn nguồn nước ngọt lại, do đó không đủ nước ngọt về bên dưới và bên dưới bị ảnh hưởng mặn. Yếu tố thứ ba là do mưa. Có nhiều năm, vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long nhận được một lương mưa khá lớn, từ 1.800 đến 2.200 mm. Do đó, lượng mưa này đóng góp rất đáng kể cho chuyện làm bớt mặn vùng này.

Ba nguồn nước này, nguồn nước mặn, nước mặt (nước ngọt) và nước mưa cùng kiểu sử dụng đất quyết định vấn đề mặn ngọt của vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng mà mấy năm gần đây, chúng ta biết là trên chuỗi sông Mêkông, từ phía Trung Quốc, qua tới Lào qua tới Thái Lan, Campuchia và xuống tới Việt Nam, thì trên dòng sông này, trong tự nhiên, nó có rất nhiều vùng chống ngập, những vùng chứa nước rất nhiều vào mùa mưa. Vào mùa khô, nó phóng thích từ từ ra dòng sông và chảy xuống dưới phía đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Điển hình nhất là Biển Hồ (Tonlé Sap) bên Campuchia, mỗi năm tích trữ một lượng nước khổng lồ. Khi mùa khô, hết mưa, nó cũng phóng thích từ từ ra dòng sông và do đó cũng góp phần đẩy mạnh, làm cho cái mặn của đồng bằng sông Cửu Long giảm đi.

RFI : Những công trình đập nước, nhà máy điện trên thượng nguồn sông Mêkông tác động như thế nào đến hiện tượng này ?

TS. Dương Văn Ni : Chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn mà không cần phải tranh cãi gì nữa, những đập thủy điện này tác động rất trầm trọng đến chế độ thủy văn của đồng bằng sông Cửu Long. Nói tác động trầm trọng, có nghĩa như thế nào ? Có nghĩa là có những năm bình thường, nói nôm na như người dân nói là « mưa thuận gió hòa », thì không có vấn đề gì xảy ra cả. Các đập thủy điện này ngăn nước để phát điện. Họ ngăn nhưng họ cũng phải xả nước. Vào những năm mưa thuận gió hòa, lượng nước về bình thường, nói chung không ảnh hưởng gì lớn.

Nhưng những năm thời tiết cực đoan, ví dụ hạn hán như năm nay, thì nguyên tắc của đập thủy điện là phải trữ nước, đủ nước mới phát điện được, thành thử ra, quá trình họ trữ nước, chắc chắn phía hạ du sẽ không thể nào nhận đủ nước. Nói tóm lại, những năm bị khô hạn thì những đập thủy điện này làm cho khô hạn thêm, như năm nay. Ngược lại, vào những năm mưa nhiều, khi đập thủy điện đã tích đầy, thì có ngưỡng an toàn, không thể nào tích cao hơn được nữa. Nếu tích cao hơn, trọng lượng của khối nước bên trên lớn hơn tính toán của đập, có thể làm vỡ đập và họ bắt buộc phải xả bỏ. Nói tóm lại, trong những năm mưa nhiều, trong khi phía hạ du nước đã ngập rồi, thì các đập thủy điện lại xả nước, làm ngập thêm.

Do đó, các đập thủy điện có tác động, có thể nói, đối với nước, năm nào hạn thì sẽ trầm hạn, làm cho hạn hán trầm trọng thêm. Ngược lại, năm nào lũ thì sẽ chồng thêm lũ, làm trận lũ đó lớn thêm.

RFI : Vào đầu tháng 04/2020, thủ tướng Việt Nam đã thông qua kế hoạch hỗ trợ 530 tỉ đồng cho 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khoản kinh phí này có đủ giúp cải thiện tình hình, cũng như trợ giúp người nông dân trong vùng không ?

TS. Dương Văn Ni : Với số tiền đó, nếu tính đều ra cho 8 tỉnh duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long thì không đáng là bao nhiêu cả. Nhưng số tiền đó tập trung vào giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, thì có ý nghĩa tương đối tốt.

Tại vì nếu nói về nước, chúng ta chia làm mấy loại nước. Nước dùng để uống, để sinh hoạt hàng ngày tắm giặt và nước dùng để sản xuất. Với số tiền đó, nếu chính quyền địa phương từng nơi tập trung vào nguồn nước để người dân ăn uống, sinh hoạt, thì tôi cho rằng số tiền đó có ý nghĩa đáng kể.

Nhưng nếu số tiền đó để tập trung giải quyết nguồn nước sản xuất, thì chẳng thấm vào đâu bởi vì sản xuất cần nhiều nước lắm.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong.


Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200427-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%B1ng-s%C3%B4ng-c%E1%BB%ADu-long-ch%E1%BB%91ng-ch%E1%BB%8Di-v%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1n-m%E1%BA%B7n-v%C3%A0-%C4%91%E1%BA%ADp-th%E1%BB%A7y-%C4%91i%E1%BB%87n-trung-qu%E1%BB%91c
0

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Cuộc ly hương nơi hạ nguồn Mekong

(14/04/2020)- Sau 300 năm tiền nhân xuôi phương Nam mở cõi, màu xanh của những cánh rừng bị thay thế bởi màu xám của những vạt đồng khô cháy, con cháu họ ly hương theo chiều ngược lại.

3h sáng, Đặng Văn Bình mở mắt trong căn chòi nhỏ ven sông ở xã An Phú Trung (Ba Tri, Bến Tre). Dưới bầu trời tĩnh mịch chỉ có tiếng ếch nhái gọi nhau rã rượi. Hai đứa con gái anh, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ mới hai tuổi rưỡi vẫn còn đang say ngủ.

Sợ con thức giấc, Bình chỉ đứng bên đầu giường nhìn chúng một lúc, rồi thở dài, bỏ ra phía trước chòi. Thạch Thị Bo Pha, vợ Bình đã thu xếp sẵn cho chồng ba bộ đồ lao động cũ mèm bỏ trong ba lô, mớ cá khô, chục hột vịt, một bao gạo chục ký cùng 600.000 đồng.

Đó là tất cả hành trang của người đàn ông 34 tuổi, cho cuộc tha phương cầu thực cách đó 300 km, giữa mùa hạn mặn khốc liệt, một sáng sớm tháng hai.

Bình có ba anh em đều học hành dang dở, riêng anh bỏ học năm lớp sáu. Rồi cả ba cùng rủ nhau đến TP HCM xin việc. 13 năm trước, khi đang làm công nhân ở TP HCM, Bình quen chị Bo Pha, người Khme, quê Bạc Liêu.

Bo Pha, lớn hơn Bình ba tuổi, cha mẹ mất sớm, sống chung với ông bà nội từ nhỏ. Năm 18 tuổi, chị ruột Pha bỏ xứ, theo người quen sang Thái Lan xin việc để gia đình bớt khổ, từ đó hai chị em mất liên lạc nhau. Pha buồn tủi, bỏ quê đi xa rồi gặp Bình.

Họ kết đôi trong lễ Pi Pea truyền thống, rồi dắt díu nhau đến doi đất ven sông, vay mượn họ hàng cất tạm căn nhà nhỏ bằng cây và những tấm tôn cũ, "mần thuê, mần mướn" sống qua ngày.


Ảnh trái: Xưởng hạt điều, nơi Bình đang làm thuê, kiếm tiền trả nợ. Ảnh phải: Bình nói chuyện online với vợ qua chiếc điện thoại.

Năm năm trước, vợ chồng trẻ được cha mẹ ruột Bình cho một công đất trồng lúa. Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, vụ lúa của vợ chồng Bình thất bại, không có lãi.

Sang đến năm thứ hai (năm 2016), cây lúa vừa kịp làm đòng, hứa hẹn vụ mùa bội thu thì miền Tây phải đối mặt với cơn hạn mặn lịch sử.

Vợ chồng Bình trắng tay, tiền phân thuốc từ hai năm dồn lại, cộng tiền mượn cất nhà, tổng nợ đến gần 20 triệu đồng. Bình và vợ chữ nghĩa ít, trong khi các xí nghiệp quanh vùng đều đã quá tải, vì người người địa phương xin vào đông do mùa vụ thất thu.

Bình và Pha sau đó được một người quen giới thiệu, đến làm tại một xưởng hạt điều ở xã Thống Nhất (Bù Đăng, Bình Phước). Vợ chồng trẻ gửi con gái lúc đó 8 tuổi cho ông bà nội, rồi khăn gói rời quê.

Suốt ba tháng ròng, hai vợ chồng dân miền Tây, chân không quen leo đường dốc miền Đông, mỗi ngày vẫn cố lội "mòn" hết các vườn điều quanh vùng để nhặt hạt thuê cho chủ. Ăn uống tiện tặn, sau ba tháng, họ tích cóp được 10 triệu đồng, rồi trở về quê trả bớt nợ, đợi mưa xuống gầy lại vụ lúa. Bo Pha khi ấy bảo đời chị đi nhiều, chân đã mỏi, nên muốn ở một nơi yên ổn để làm ăn. Còn Bình, cũng nghĩ chuyến tha hương của họ cũng là chuyến cuối cùng.

Những năm sau, do đám ruộng bị nhiễm mặn từ trước, cây lúa tiếp tục èo uột, năng suất thấp. Bình bàn với vợ bỏ lúa, lên liếp trồng mướp. Hai vụ đầu, do liếp đào quá thấp, đến mùa mưa, vườn mướp chìm ngập trong nước, họ lại vừa có thêm đứa con gái thứ hai, khiến cuộc sống gia đình khó khăn hơn.

Ba tháng trước, Bình tiếp tục cải tạo lại vườn mướp, đắp liếp cao hơn để chống ngập. Vườn đang xanh tốt thì nước mặn lại xâm nhập, đợt trái đầu tiên èo uột, lưa thưa bị thương lái "chê ỏng, chê ẹo". Bo Pha đang buồn rầu vì bảy triệu đồng vốn bỏ ra thua lỗ, một ngày nọ, chị đang làm vườn thì ngã ra bất tỉnh với căn bệnh sỏi thận, vừa phẫu thuật vừa điều trị tốn hơn 10 triệu đồng.

Sau bốn năm bị "cơn bão hạn mặn" càn quét, vợ chồng Bình lại quay về vạch xuất phát.

Quanh ấp An Thuận, hàng trăm gia đình khác cũng lâm vào cảnh khánh kiệt, bàn nhau tạm bỏ quê, tha hương xin việc sống qua mùa giáp hạt.

Buổi chiều trước chuyến đi, Bình vay người quen được 1,7 triệu đồng. Anh đưa cho vợ 700.000 đồng. Còn một triệu đồng, anh mua thuốc uống trị chứng đau đầu, giảm thị lực từ một vụ tai nạn xe máy nhiều năm trước hết 400.000 đồng.

Bình sau đó đi cùng một nhóm gần 10 người ra bến xe cách nhà 7 km. Ngồi sau xe do bạn chở, Bình dụi mắt, cố ngoái lại nhìn vợ con cho đến khi căn nhà nhỏ khuất xa dần.


Thạch Thị Bo Pha, vợ Bình cùng đứa con gái hơn hai tuổi bên căn nhà trống huơ ven sông.

Thuở xưa, Bến Tre là vùng đất được phù sa bồi đắp, nằm ở cuối nguồn sông Mekong, gồm ba cù lao: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù Lao An Hóa hợp thành. Từ thế kỷ 18, những lưu dân miền Bắc, miền Trung hành trình bằng ghe, men theo bờ biển xuôi về phương Nam.

Khi đến những chỗ đất giồng ở Ba Tri, họ neo ghe, đốn rừng, trồng rẫy, lập nên những xóm ấp đầu tiên ở Bến Tre. Theo sự mô tả của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, thì Bến Tre thuộc xứ Đàng trong, khi ấy là vùng đất phủ màu xanh của rừng rậm trải dài hàng ngàn dặm, nhưng bên trong rừng là các "lõm dân cư" sinh sống.

300 năm sau, màu xanh của những cánh rừng rậm xưa giờ được thay thế bởi màu xám của những vạt đồng khô cháy, nứt nẻ. Con cháu của tiền nhân mở cõi năm xưa giờ lại ly hương từ miền Tây lên miền Đông.

Từ Ba Tri, để tiết kiệm, Bình cùng nhóm bạn bắt xe khách nhỏ, loại 16 chỗ đi Bình Phước. Do là xe "dù", nhóm người liên tục bị sang xe đến ba lần. Xe chật như nêm, Bình vã mồ hôi, nhưng cố chịu. Mỗi khi xe dừng, anh chỉ tranh thủ xuống hít thở, mua bịch trà đá uống cầm hơi. Mất 11 tiếng sau mới đến nơi, Bình trả tiền xe hết 330 nghìn đồng, nghĩa là anh phải cố bám trụ khoảng một tháng nữa đến khi có lương, với số tiền 270 nghìn đồng.

Nhóm người tìm được một xưởng hạt điều nhỏ, cách không xa nơi hai vợ chồng Bình ở bốn năm trước. Chủ xưởng thấy nhóm người quá khổ, nên cho họ vào ở các phòng trọ xây sẵn cho công nhân, chỉ lấy tiền điện nước hàng tháng.

Mỗi ngày, Bình thức dậy lúc 5h, sau đó vào xưởng phân loại, khuân vác hạt điều. Hai đứa em Bình gần đây cũng rời quê, chuyển đến ở dãy trọ cùng anh. Mỗi ngày, Bình cùng hai đứa em ăn mì tôm buổi sáng và buổi trưa, chỉ buổi chiều mới ăn cơm.


Đặng Văn Bình trong phòng trọ vỏn vẹn 10 m2 ở Bình Phước.

Nếu hỏi những công nhân nghèo ở xóm trọ này, ai khổ nhất, chắc họ sẽ "bỏ phiếu" cho anh em của Bình. Ba anh em Bình được chủ xưởng xếp ở gần nhau. Bình ở một mình. Đứa em trai 20 tuổi của Bình vừa cưới vợ ở một phòng, cạnh bên là phòng của người em gái 30 tuổi cùng chồng và đứa con trai 2 tuổi.

Em rể Bình, người đàn ông đã luống tuổi, vài năm trước bị tai nạn xe máy, liệt một chân, vẫn cố phụ vợ làm các việc nhẹ trong xưởng hạt điều. "Bạn bè hay chọc em là số con rệp, đã nghèo còn gặp mạt", em gái Bình nửa đùa nửa thật.

Căn phòng trọ nhỏ nơi Bình ở chỉ vỏn vẹn 10 m2, trống huơ, những ngày nắng nóng như lò lửa. Những khi tan ca rảnh rỗi, Bình ngồi lặng lẽ dùng dao gọt nhẵn những khúc gỗ cà phê nhặt trên rẫy. Anh bảo gỗ cà phê cứng lắm, anh đi xa không có gì làm quà, nên đợi lúc về mang cho vợ và mẹ làm đồ đập nước đá.

Anh ăn uống kham khổ, bữa cơm duy nhất trong ngày chỉ có độc món khô cá, hoặc trứng vịt dầm nước tương. Khi nào mệt quá mới có thêm món canh thịt bằm, còn bình thường thì cơm nguội chan nước lạnh theo đúng kiểu dân miền Tây.

Gần đây, căn bệnh anh tái phát, nên phải nhờ đứa em gái nấu cơm hộ. Một ngày làm bình quân mười tiếng, anh bảo nếu làm xuyên suốt đủ 27 ngày một tháng, một công nhân như anh sẽ dư được 6 triệu đồng, trừ tiền cơm, tiền tiêu vặt một triệu đồng, số còn dư để dành đem về cho vợ.


Bình tại xưởng hạt điều cách quê nhà 300 km, mỗi tháng, nếu làm liên tục 27 ngày, anh được 6 triệu đồng, ăn uống một triệu, còn lại để dành gửi cho vợ con.

12h trưa, xưởng hạt điều nơi Bình làm việc được bao bọc bởi những tấm tôn, trời nóng toát mồ hôi. Những chiếc nồi hơi phả sức nóng, hòa với mùi dầu hạt điều khiến không khí thêm ngột ngạt. Bình cùng nhóm công nhân kiên nhẫn bóc tách vỏ hạt điều, khi đầy một khay hàng, họ lại còng lưng bê đổ vào các bao tải.

Giữa tiếng máy chát chúa trong xưởng, đứa cháu của Bình vẫn nằm trên chiếc võng ngủ ngon lành. Bình bảo, con nhà nghèo nên dễ nuôi, hồi mới đẻ ba má nó khổ quá, muốn đời nó khá hơn nên mới đặt tên Sang.

Bình cũng không có điện thoại "xịn xò", mà chỉ xài duy nhất "cục gạch" cả chục năm nay. Ngày nào sau giờ làm, Bình cũng tranh thủ mượn điện thoại bạn để gọi video đứa con gái nhỏ cho đỡ nhớ.

Bạn bè hay chọc Bình, bảo giờ xưởng hạt điều chính là số phận của anh. Bình muốn cãi lại, nhưng lại thôi, vì rõ ràng anh đang mắc kẹt giữa cái "số phận" nghiệt ngã ấy. Cũng có những hôm mệt, chán nản, phần vì nhớ con, anh muốn bỏ cuộc, nhưng lại nghĩ giờ bỏ về, thì cả nhà ba miệng ăn ai lo?

"Giờ còn sức em ráng làm dành dụm, đợi mưa xuống mới về quê gầy lại mảnh vườn, hạn mặn liên tiếp hai đợt rồi, nợ nần chồng chất chưa trả hết, thêm một đợt nữa chắc em bỏ xứ đi luôn", Bình nói.

Nhà Bình và Minh ở cùng ấp An Thuận, nhưng cách hai con sông. Bình – Minh, hàng xóm hay đùa, bảo hai anh em nếu đi chung thì đời sẽ sáng sủa hơn.


Anh Nguyễn Văn Minh trên đám ruộng thuê nứt nẻ vì khô hạn.

Nguyễn Văn Minh có ba đứa con, do nhà là hộ "nghèo rớt mồng tơi" hơn chục năm nay của xã, không có "cục đất chọi chim", nên đứa con gái lớn nhất học đến lớp 11 thì nghỉ cho hai em tiếp tục học lớp 4 và lớp 5.

Buổi sáng, ông già Sáu Trưởng ấp chạy xe qua mấy bờ ruộng khô nứt nẻ, rồi dừng lại phía trước sân nhà Minh.

"Tau qua đổi sổ hộ nghèo màu đỏ cho mày làm ăn coi có hên hơn không", ông Sáu vừa cười vừa trao chứng nhận sổ hộ nghèo mẫu mới cho Minh. 43 tuổi, nhưng nhìn Minh như ông cụ, với mái tóc rối bời lấm tấm bạc, khuôn mặt đen sì, mốc meo do tắm nước mặn cùng hàm râu không buồn cạo.

Minh cưới vợ năm 21 tuổi, hai vợ chồng cất căn nhà lá ven sông. Một trận giông từ cơn bão số 9 hơn chục năm trước khiến căn nhà anh đổ sập. Minh vay tiền cất tiếp căn nhà thứ hai, cột cây, mái, vách tôn. Qua 14 năm, vợ chồng Minh tếu táo rằng, căn nhà mình giờ như người say rượu, lúc nào cũng liêu xiêu, chỉ cần vài đợt mưa gió là đổ sập.

Không có đất ruộng, hai vợ chồng ai thuê gì làm đó. Vụ Đông Xuân bốn năm trước, họ thuê hơn một ha đất với giá một công (1.000 m2) 25 giạ lúa một năm. Năm đó, nước mặn tràn đồng, Minh nợ hơn 20 triệu đồng. Các vụ sau, Minh làm ăn có chút thuận lợi hơn, lúa đạt năng suất 22 giạ một công, một mẫu đất thuê trừ chi phí anh còn lãi hơn chục triệu đồng, vừa có rơm cho bò ăn.

Năm nay, Minh tiếp tục thuê 14 công đất, tiền thuê tính sơ cũng khoảng 2 tấn lúa, tương đương 15 triệu đồng. Lúa được hai tháng thì nước dưới kênh mặn chát, ruộng chết khô, phải cắt cho bò ăn. Nợ cũ dồn nợ mới gần 50 triệu đồng, Minh xin chủ ruộng khất nợ sang năm sau, rồi hai vợ chồng gửi đứa con gái lớn đi Bình Dương phụ bán quán ăn. Gần đây, do dịch bệnh, quán đóng cửa, đứa con gái phải trở về. Cả nhà 5 miệng ăn đành trông cậy vào nghề khiêng đất mướn của hai vợ chồng.

"Năm ngoái vụ này tụi em còn đi bó lúa thuê cho người ta, năm nay lúa chết hết rồi, còn khiêng đất thì không phải ngày nào cũng làm", Thu, vợ Minh bảo.

Mấy hôm nay, Thu ra chợ mua loại gạo ghe (loại gạo rẻ tiền nhất, hạt ngắn, tròn, nở nhiều) giá 7.000 đồng mỗi ký về ăn cho đỡ tốn. Buổi sáng, Minh lội xuống con kênh gần nhà thả tay lưới bắt cá. Mùa này, nước quá mặn nên cá đa phần đã chết hết, chỉ còn sót lại vài con cá phi ốm đói.


Anh Nguyễn Vinh Minh (43 tuổi) trước nhà.

Hơn 10 năm làm trưởng ấp, qua 5 nhiệm kỳ, già Sáu bảo rằng ông gần như thuộc hết mặt từng thành viên mỗi nhà, đến mức vô nhà nào chó cũng chạy ra mừng. Ấy vậy mà mấy ngày này, già Sáu phải liên tục lật sổ bộ ra xem xét, trước sự biến động, di cư cục bộ của người dân. Toàn ấp An Thuận có 350 hộ dân đa số trồng lúa. Vào mùa gặt những năm trước, những cánh đồng vàng rực đông nghịt người, trên bờ xe thồ chạy nối đuôi nhau, dưới sông ghe tàu chở lúa cũng tấp nập. Còn mùa này, dọc con lộ nhỏ đang bơm cát, những căn nhà đóng cửa im ỉm, nhà còn mở cửa cũng chỉ thấy người già và trẻ con.

"Vụ mùa thất bát, nên nhà nào cũng đóng cửa, gửi con đi làm ở xí nghiệp hết", ông Sáu nói.

Dưới kênh, những khúc sông trước đây lục bình mọc kín, ghe xuồng đi lại khó khăn, giờ trống trải. Giống bèo dại thường ngày không cách nào diệt xuể, nay cũng không sống nổi với nước sông mặn chát như pha muối.

Ba Tri là huyện có diện tích lúa lớn nhất Bến Tre, vụ này, gần 5.000 ha lúa gieo sạ ngoài lịch bị mặn xâm nhập, thiệt hại gần như toàn bộ. "Cơn bão hạn mặn" cũng càn quét sang các địa bàn lân cận, đe dọa hơn 4.000 ha hoa kiểng, cây ăn trái tại "thủ phủ" hoa Chợ Lách cùng 1.000 ha ao tôm càng xanh tại xứ biển Thạnh Phú.

Xứ dừa mùa này nước dưới kênh, hồ trữ ngọt lẫn nước máy đều bị nhiễm mặn, hàng nghìn hộ dân phải mua nước ngọt sử dụng, với giá có khi lên đến 300.000 đồng mỗi khối. Dọc bờ kênh, cây cối khô cằn, héo úa vì thiếu nước. Dưới cái nắng cháy, những đàn bò hàng chục con bụng đều căng tròn, nước quá mặn, nên chúng càng uống càng khát, cho đến khi dạ dày không thể chứa thêm được nữa.

Ông già Sáu ngồi uống trà, tay bóp trán, băn khoăn cho cái xóm nhỏ của mình những ngày sắp tới. Ông bảo, giờ nhiều nhà vẫn còn gạo ăn, độ chừng tháng nữa, khi đã đến vụ giáp hạt, không có lúa trữ trong nhà, một cuộc ly hương với quy mô lớn hơn sẽ là điều khó tránh khỏi.

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ suất xuất cư (ly hương) cao nhất nước.

Cụ thể, giai đoạn 5 năm trước khi điều tra dân số vào ngày 1/4/2019, tỷ suất xuất cư của Đồng bằng sông Cửu Long là 45/1.000. Nghĩa là, cứ 1.000 người dân miền Tây thì có 45 người di cư đến vùng khác. Tổng cộng toàn vùng có 728.800 người xuất cư trong giai đoạn 2014 - 2019. Đến năm 2019, dân số Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 17,2 triệu người.

So sánh với cả nước, tỷ suất xuất cư trung bình của 6 vùng kinh tế trong nước là 22/1.000. Điều này đồng nghĩa, người dân miền Tây có xu hướng ly hương cao hơn gấp đôi trung bình của cả nước. Trong khi đó, tỷ suất nhập cư của khu vực Tây Nam Bộ thuộc nhóm thấp nhất nước.

Ngược lại với xu hướng ly hương của miền Tây, Đông Nam Bộ tiếp tục là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư; với 1,3 triệu người nhập cư trong giai đoạn 2014-2019. Phần lớn người nhập cư đến Đông Nam Bộ là từ Đồng bằng sông Cửu Long (710.000 người, chiếm 53,2%). Nghĩa là trung bình hai người nhập cư vào Đông Nam Bộ thì có một người miền Tây.

Báo cáo trên nhận định, hầu hết người xuất cư từ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đều chuyển đến Đông Nam Bộ, khu vực kinh tế phát triển nhất nước với một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp tập trung ở tứ giác kinh tế trọng điểm gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những người di cư bỏ lại sau quê hương miền Tây với những "kỷ lục" buồn. Đó là tỷ lệ dân số tốt nghiệp THPT (11,3%) và tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật (9,7%) thấp nhất nước. Tỷ lệ tăng dân số của vùng châu thổ sông Cửu Long cũng thấp nhất nước trong khi chỉ số già hóa dân số lại cao nhất. Trẻ em, tương lai của miền Tây cũng không được thụ hưởng giáo dục tốt bằng các vùng khác, với tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất trong 6 vùng kinh tế (13,3 %, trung bình cả nước 8,3%).


Bức tranh ảm đảm của Đồng bằng sông Cửu Long, tương phản với sự phồn thịnh của miền Đông Nam Bộ, khiến những cuộc ly hương như của Bình và những người ở xã An Phú Trung (Ba Tri, Bến Tre) trở thành tất yếu.

Nhưng khó có thể biết trước được may mắn hay bất trắc đang chờ đợi họ trong những cuộc ly hương ấy. Như con gái của Minh, lên Bình Dương phụ bán quán ăn để giúp cha mẹ, nhưng phải về quê vì đại dịch Covid-19, giữa những ngày đồng khô, cỏ cháy.

Vợ Minh, như nhiều người dân khác trong vùng, bảo giờ chỉ cầu cho mưa xuống, để có nước ngọt nấu ăn, tắm rửa "cho đã đời". "Đàn ông không sao, chứ đàn bà, con gái con lứa mà tắm nước mặn hoài tội lắm", chị nói.

Minh đang ngồi trên chiếc ghế đẩu hút thuốc, lặng im khi nghe vợ nói. Anh đảo mắt nhìn xung quanh căn nhà tuềnh toàng, rồi nhìn lên phía trên mái. Nắng trưa xuyên ánh sáng, soi xuống nền đất của "căn nhà say rượu" qua những lỗ thủng nhỏ bằng ngón tay. "Mai mốt mình lỡ đi làm xa, mưa xuống rồi tụi nhỏ biết ngủ ở đâu", Minh nói, mắt đỏ hoen.

Bài: Hoàng Nam – Phạm Linh

Ảnh: Hoàng Nam, Hữu Khoa
0

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Bắt cá đồng ở rừng U Minh Cà Mau


Hằng năm, trên vùng đất trù phú U Minh Hạ, khi những cơn mưa cuối mùa dứt hạt, sau vài ba con nắng, cá rút hết xuống đìa là thời điểm người nông dân chuẩn bị thu hoạch cá đồng.
Nguồn: YouTube
0

Ký ức miền quê | Quê tôi mùa nước nổi


Quê tôi ở vùng sông nước miền Tây, ở đó có một mùa mà sẽ chẳng lầm lẫn với bất cứ nơi đâu bởi nét đặc trưng vừa thú vị vừa lãng mạn lại mang đến sự trù phú, hào sản cho người dân quê tôi. Đó là mùa nước nổi.
0

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

Những mất mát đau đớn của đồng bằng sông Cửu Long

(11/04/2020)- Sự phát triển nào cũng dẫn theo đánh đổi. Nhưng sự phát triển bây giờ đầy những hối tiếc, không bền vững và gần như không thể phục hồi khi ngày càng hiện rõ tác nhân con người đã thực hiện những hành vi nghịch thiên. Nhiều câu hỏi vẫn còn day dứt, đang chờ các quyết sách mới hơn.


Bài viết của tác giả Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Lần đầu từ Sài Gòn về đất Tây Đô, tôi ráng đếm xem mình phải qua bao nhiêu cây cầu lớn nhỏ. Nhưng đến Cai Lậy thì tôi bắt đầu bối rối, con số trở nên loạn xạ.

Do hoàn cảnh chiến tranh, tôi vào miền Nam rất sớm, đến nay cũng xấp xỉ nửa thế kỷ. Lần đầu tiên vào vùng châu thổ sông Cửu Long, ấn tượng tuổi thơ tôi là đi đâu cũng gặp nước. Từ Tây Đô, lúc đó mang tên tỉnh Phong Dinh, tôi có dịp theo sông, rạch về các nơi. Tôi ngỡ ngàng khi đứng bên bờ kinh xáng Xà No mênh mông nước, thầm nghĩ người Pháp sao đào được con kinh lớn, thẳng tắp như vậy. Rồi đi ghe xuôi ngược dòng sông Hậu, ghé cồn Phong Nẫm mua trái cây thiệt ngon, ngọt và rẻ. Xoài bán theo chục, không phải chục 10 trái là mỗi chục là 14 trái, thậm chí 16 trái. Ghé bến đò Kế Sách rồi qua cù lao Nhơn Mỹ, tôm cá ê hề, bán rẻ như cho. Người bán chẳng có cân lượng gì, cứ lấy rổ xúc ra, bán theo mớ.

Đi ngược dòng lên vùng Châu Đốc, thăm Bà chúa Xứ, thăm mộ cụ võ tướng Nguyễn Văn Thoại, nghe kể chuyện đào kinh Vĩnh Tế. Chiều về, ngồi xếp bằng trên bến thuyền ăn cơm với mắm ruột cá lóc kho tiêu, rau luộc tập tàng, dưới nước nghe cá vẫy bên be xuồng. Khi trời về đêm, trăng sáng loáng thoáng trên dòng nước, tôi mơ màng ngủ với tiếng hò văng vẳng đâu đó bên tai: “Hò ơ… Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc/ Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang/ Đói no em chịu cùng chàng/ Xuống sông ra biển, lên ngàn cũng theo…”.

Lúc ấy, bạn đi đường, thấy khát đều có thể ghé nhà nào đó uống nước trong cái khạp đầu ngõ một cách tự nhiên mà không cần xin phép gia chủ. Gặp chủ nhà đang ăn cơm, bạn có thể được mời vào ăn không hề khách sáo. Người có ruộng phía trong đều có thể điều đình chủ ruộng bên ngoài xẻ con mương dẫn nước từ sông rạch vào ruộng của mình mà không phải mua lại phần đất đào mương gì cả. Mùa gặt lúa, người nghèo có thể xin gặt mót lúa ruộng hay nuôi vịt chạy đàn vào từng ô ruộng ăn lúa, ăn ốc, ăn rau. Mùa nước nổi, họ có thể bắt cá bất cứ nơi nào trên đồng ruộng mênh mông với khái niệm “điền tư, ngư công”. Khái niệm chia sẻ nguồn nước từ lâu như một quy ước bất thành văn của miền này.

Khi đến mùa nước nổi, nước tràn trề phủ kín các cánh đồng, gần như không ai còn mua bán cá nữa. Ai cùng bắt cá dễ dàng, cá linh, cá lòng long, cá chốt,… nhiều vô số kể. Nông dân mùa nước nổi (lúc đó người ta không dùng từ mùa lũ) trở thành ngư dân. Tôi vô cùng bối rối với hàng chục tên ngư cụ và phương cách bắt cá thật lạ lùng. Người dân quê hiểu từng tính nết các loài thuỷ sản mới có những kiểu đóng đăng, chài lưới, giăng câu, đăng ven, rồi câu rê, câu cặm, đặt lờ, đặt dớn, đặt lọp, đẩy côn, chất chà, chụp đìa, tát mương, đắp tàu,…

Những năm tháng miền quê xưa thật thanh bình, tôi bắt đầu học cách phân biệt các phương ngữ dân gian của miền sông nước Cửu Long, nhiều lúc phải thật tinh tế mới tránh được lẫn lộn. Dường như không nơi nào khác ở Việt Nam, các tên gọi liên quan vùng đất ngập nước phong phú hơn ở đây: sông cái, rạch, kinh, mương, xẻo, ao, đìa, hào, bàu, lung, láng, đồng, vũng, bãi, đầm, gò, gành, ngọn, doi, vịnh, cồn, cù lao, hòn, đảo,…

Tùy tính nết, đặc điểm dòng nước, người ta có các tên gọi: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước cường, nước kém, nước nổi, nước lụt, nước trầm, nước bạc, nước son, nước đục, nước nhảy, nước chụp, nước đứng, nước ngược, nước xuôi, giáp nước, nhồi nước, xiết nước, rải nước,…

Tùy nguồn cung cấp và chất lượng nước thì có những từ: nước trời, nước mưa, nước sông, nước cây, nước ngầm, nước lung, nước đìa, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, nước phèn, nước than bùn,…

Dòng Cửu Long từ ngàn năm đã miệt mài mang từng hạt phù sa bồi đắp vùng đất này, xưa kia là xứ hoang vu nê địa, đầy chướng khí. Trên bờ thì cọp, rắn, dưới nước thì cá sấu, muỗi mòng, đỉa, đồng lụt mêng mông vào suốt mùa mưa, mùa khô nước mặn phèn chua. Ông cha chúng ta, những người tiên phương khai hoang mở đất, cứ bám theo bờ sông mà lập làng, nương theo sinh thái tự nhiên, con nước thuỷ triều mà tìm sinh kế phù hợp. Dần dần miền châu thổ trở nên trù phú, đông đúc. Sự thay đổi đặc điểm tổ chức hành chính, chính sách khai thác thiên nhiên và phân bố dân cư qua nhiều thời đại, thể chế làm bộ mặt vùng châu thổ dần biến đổi.

Với chính sách đẩy mạnh sản xuất lương thực, lúa gạo hơn ba thập kỷ qua, tính chất sông nước dần dần khác đi. Với mục tiêu chiến lược có thật nhiều lúa, những cánh đồng bị cắt vụn ra bằng những con kênh ngang dọc. Chữ nghĩa nôm na ngày trước cũng bị đổi theo các văn bản chẳng biết từ lúc nào. Kinh bị đổi thành kênh, mùa nước nổi thành mùa lũ, nước lớn – nước ròng thành triều lên – triều xuống. Vụ lúa mùa, vụ màu thì thành vụ Hè thu, vụ Đông xuân, vụ Xuân hè theo như miền Bắc mặc dầu ở miền đồng lụt Cửu Long này chỉ có duy nhất hai mùa mưa, nắng, chẳng có Xuân Hạ Thu Đông gì cả. Gọi cách này để tiện thống nhất trên cả nước, nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long, có những nơi lệch thời vụ do lệch nguồn nước cả ba tháng trời, vẫn bị gọi chung một tên.

Cái tiếc nuối hiện nay là những con sông, vùng lung đìa không còn như xưa. Nước sông ngày càng ô nhiễm do nông dân phải gia tăng sử dụng phân bón hoá học, nông dược trong canh tác và nuôi thuỷ sản. Nhiều nơi hệ thống đê đập, cống ngăn mặn, giữ ngọt đã chặn dòng chảy. Nhiều hệ sinh thái trở nên nghèo nàn, tôm cá dần ít đi, nước không chảy tự nhiên được trở nên ao tù, rác rến, độc chất tích tụ. Nông sản nhiều hơn nhưng đầy thuốc kích thích, hóa chất bảo quản. Con cá lóc đồng ít đi, thay bằng cá nuôi, mập béo hơn nhưng thịt vừa bở, vừa hôi. Về vùng sông nước, ruộng đồng thật buồn khi thấy người dân phải khoan lấy nước ngầm mà uống, trẻ con không còn biết bơi sông, nô đùa với các trò chơi đồng quê. Đi trên sông nước bây giờ, mấy ai trong giới thương hồ còn nhớ đến điệu hò đưa đẩy năm xưa? Nếu có hát hò thì đi đâu cùng thấy cái loa karaoke ầm ĩ tra tấn xóm làng. Tinh thần chia sẻ lợi ích nguồn nước ngày càng ít đi. Hàng hoá nông sản dù phong phú hơn, không còn mùa nào thức nấy như xưa kia mà cây trái hoa màu gần như hiện diện quanh năm. Lúa mùa, lúa nổi biến mất, nhường chỗ cho lúa thâm canh ngắn ngày trồng suốt ba vụ trong năm. Dưa hấu, thanh long không còn là những đặc sản mùa nắng mà cả mùa mưa người ta vẫn trồng. Bông điên điển mùa lũ vẫn có trong chợ mùa khô.

Mất mát nhất phải kể đến sự suy giảm chất lượng môi trường. Dòng nước trong lành trở nên khan hiếm, kế đến là biến dạng văn hoá, tập quán xưa kia. Người nông dân vùng châu thổ, nơi từng được khoác cho chiếc áo “bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia” và một phần thế giới vẫn thuộc nhóm nghèo, vẫn hoài nghi: trồng cây gì, nuôi con gì, mua bán ở đâu.

Sự phát triển nào cũng dẫn theo đánh đổi. Nhưng sự phát triển bây giờ đầy những hối tiếc, không bền vững và gần như không thể phục hồi khi ngày càng hiện rõ tác nhân con người đã thực hiện những hành vi nghịch thiên. Nhiều câu hỏi vẫn còn day dứt, đang chờ các quyết sách mới hơn.

Theo VnExpress
0

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Ứng phó hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long


(05/04/2020)- Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn đang ở mùa khô nên tình trạng hạn mặn ảnh hưởng nặng nề đến việc canh tác của bà con và khiến cho hàng ngàn hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt...
0

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Nước sông Mekong thấp kỷ lục, ĐBSCL bị đe dọa


VTC Now | Bên cạnh những yếu tố chủ quan từ kế hoạch các đập thủy điện tại thượng nguồn thì hạn hán được coi là nguyên nhân lớn nhất khiến mực nước sông Mekong ở mức thấp kỷ lục như hiện nay.
0