Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hạn mặn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hạn mặn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Ngăn sông trữ ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, một trong những giải pháp giữ nước ngọt hiệu quả là biến những dòng sông trở thành hồ trữ ngọt.


GS.TS Nguyễn Quốc Dũng (bên phải ngoài cùng) trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam về giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Ảnh: NNVN.

Chấp nhận sống chung với hạn, mặn

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, ĐBSCL là một trong 5 vùng trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, với kịch bản biến đổi khí hậu trung bình, đến năm 2100 mực nước biển dâng lên 70cm.

Nhưng ở Việt Nam, tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tiến hành đo độ lún ở ĐBSCL tại 3 điểm của Cà Mau trong nhiều năm và đưa ra con số tốc độ lún bình quân ở vùng đất này khoảng 2,5cm/năm. Như vậy, 100 năm nữa ĐBSCL sẽ lún 2,5m. Thậm chí, có dự đoán còn cho rằng ĐBSCL chỉ còn tồn tại khoảng 80 năm.

Tất nhiên đó mới chỉ là dự đoán và hơi cực đoan, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, vì chương trình của GIZ đang tiếp tục đo ở các vùng khác, chứ không thể lấy kết quả đo của Cà Mau để khái quát cho cả vùng đồng bằng rộng lớn.


Năm 2020, nước mặn xâm nhập sâu kỷ lục vào đất liền tại các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ. Ảnh: Quang Dũng.

Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn là ĐBSCL đã và sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi nước biển dâng và biến đổi khí hậu, vì cao độ của vùng đất này thấp. Chúng ta có thể liên tưởng đến Hà Lan, quốc gia phần lớn nằm ở độ cao dưới mực nước biển (lại còn có những vùng người ta phải đắp đê sau đó hút nước ra, chẳng hạn như sân bay Amtesdam nằm ở độ cao thấp hơn mực nước biển khoảng 7 – 8m).

Từ năm 1953, sau trận lũ lịch sử, người Hà Lan đã đẩy mạnh đắp đê lấn biển, nhưng những sáng kiến trị thủy của Hà Lan không phải lúc nào cũng đúng ngay từ đầu. Ví dụ, họ làm đê ngăn mặn, nhưng một thời gian sau, nhận thấy những con đê chính là tác nhân tác động xấu đến môi trường. Về sau, Hà Lan phải mở đê (bằng cách mở cống) để trả lại dòng chảy tự nhiên, chỉ khi nào cần thiết (bão trên biển Bắc) mới đóng cống lại.

Ở Việt Nam, gần đây chúng ta nhận thức mới được vấn đề này và đã chuyển từ khái niệm ngăn mặn sang kiểm soát mặn, thích ứng với mặn. Các cống thủy lợi đã dần khép kín một vùng rộng lớn, để giữ nước ngọt trong kênh rạch, ngăn mặn ngoài sông trong một giai đoạn ngắn. Phần lớn thời gian trong năm trả về trạng thái lưu thông tự nhiên.

Ngăn sông trữ ngọt - giải pháp hay

Để kiểm soát mặn ở ĐBSCL thì cần làm tốt hai việc. Thứ nhất phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo hạn mặn để chủ động ứng phó. Thứ hai phải có hệ thống dự báo khí tượng thủy văn dài hạn và có mô hình thủy lực tính hệ thống sông ngòi vùng ĐBSCL được nghiên cứu và hoàn thiện dần trong nhiều năm.

Hiện nay, rất mừng là mỗi xã vùng ảnh hưởng ở ĐBSCL đều được trang bị thiết bị đo mặn; công tác dự báo sớm về hạn, mặn do đó cũng khá chính xác. Nhờ đó trong vụ đông xuân 2019 – 2020, chúng ta đã thay đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy lịch gieo cấy sớm hơn khoảng 1 tháng để né hạn hán, xâm nhập mặn.


GS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Nếu hạn mặn lịch sử năm 2016 có hơn 400.000 ha cây trồng bị thiệt hại vì nhiễm mặn, thì năm 2020, hạn mặn khốc liệt hơn 2016 nhưng diện tích bị ảnh hưởng thiệt hại chỉ khoảng 57.000 ha.

Những năm qua, chúng ta đã đầu tư và sớm đưa vào những công trình kiểm soát mặn lớn như cống Ninh Quới, cống Xuân Hòa, cống Vũng Liêm... Trong đó, 6 công trình lớn đã vượt tiến độ hoàn thành trước 6 – 14 tháng, đã hỗ trợ đắc lực trong việc kiểm soát mặn vụ đông xuân 2019 – 2020, với diện tích khoảng 300.000 ha.

Về mặt công trình, trước đây sử dụng các cửa van tự động thủy lực để ngăn mặn, giữ ngọt. Với loại cửa tự động này chúng ta không chủ động trong việc vận hành. Từ 2 năm trước, Bộ NN-PTNT đã cho thay đổi các cửa van tự động thành cửa van phẳng, có thể đóng mở bất kỳ lúc nào. Có nghĩa là, khi độ mặn nước sông cho phép thì mở cửa lấy nước vào kênh.

Đến nay, Bộ NN-PTNT đã cho sửa trên 100 cống như vậy, chưa kể số các địa phương tự làm. Sắp tới còn tiếp tục làm. Còn các cống mới xây dựng thì tất nhiên là đều dùng loại có thể chủ động đóng mở.

Bộ NN-PTNT cũng đã đầu tư xây dựng các cống lớn để kiểm soát mặn, bao cho cả vùng lớn. Ví dụ như xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé tổng mức đầu tư trên 3.300 tỷ đồng phát huy hiệu quả trực tiếp cho trên 380.000ha của 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.


Một số địa phương ở ĐBSCL đã đắp đập tạm để ngăn mặn và giữ ngọt trên các sông cụt, qua đó trữ được nguồn nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Quang Dũng.

Nếu cống Cái Lớn – Cái Bé đi vào vận hành, chúng ta chỉ đóng khoảng 15 ngày để ngăn mặn vào thời kỳ triều cường cao, còn lại là mở liên tục quanh năm. Hệ thống thủy lợi này sẽ giữ được một số lượng nước ngọt khổng lồ cho 4 tỉnh nói trên.

Bộ NN-PTNT cũng tiếp tục đầu tư hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi lớn, ví dụ như hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre. Tiếc rằng, do còn 1 cống không kịp tiến độ nên mùa khô vừa qua Bến Tre bị mặn xâm nhập nghiêm trọng, phải cấp cứu bằng đập tạm. Tôi tin rằng, đến thời kỳ hạn hán, xâm nhập mặn năm 2021, khi hệ thống kiểm soát mặn vùng Bắc Bến Tre hoàn chỉnh thì tỉnh này sẽ thu hẹp rất nhiều diện tích ảnh hưởng do thiên tai.

Có thể nói, ngăn sông tạo hồ trữ ngọt đang là một giải pháp chống hạn mặn hiệu quả ở ĐBSCL trong thời gian qua.

Công trình trọng điểm Cái Lớn - Cái Bé

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé triển khai xây dựng tại huyện Châu Thành và huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, gồm: cống Cái Lớn, cống Cái Bé và đê nối với quốc lộ 61. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1, do Bộ NN-PTNT là cấp quyết định đầu tư, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 là chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Quy mô, công trình cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455 m, gồm 11 khoang. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85 m, gồm 2 khoang. Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu giao thông tải trọng 30T (HL93).

Nhiệm vụ của dự án nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên. Vùng hưởng lợi của dự án giai đoạn 1 với diện tích tự nhiên là hơn 384.000 ha. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là trên 346.000 ha. Kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng… Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/ngan-song-tru-ngot-cho-dong-bang-song-cuu-long-d264196.html
0

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Đồng bằng sông Cửu Long chống chọi với hạn, mặn và đập thủy điện Trung Quốc


Do dịch Covid-19, sự chú ý của công luận đối với tình trạng hạn hán và nước biển xâm lấn ở đồng bằng sông Cửu Long (Mêkông) đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Theo báo mạng Le Courrier du Vietnam (14/02), vào tháng 02/2020, khoảng 79.700 hộ trong khu vực không có nước sạch sử dụng hàng ngày. Nhiều xe bồn đã được huy động chở nước cung cấp cho khoảng 40.000 hộ dân ở những khu vực xa xôi nhất thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau và Trà Vinh.

Phần âm thanh:


Năm 2020, nước mặn xâm nhập không thua gì năm 2015-2016. Giai đoạn 08-13/04 là thời điểm nước biển xâm lấn đạt mức cao nhất, vẫn theo Le Courrier du Vietnam. Sau đó, tình trạng này giảm dần cho đến tháng Năm, nhưng vẫn ở mức cao. Năm 2019, hạ lưu sông Mêkông từng trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng do các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn đã cố tình giữ nước. Hiện tượng bất thường này được công ty nghiên cứu và tư vấn Mỹ Eyes on Earth Inc, do bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ, công bố ngày 12/04/2020.

Để hỗ trợ người dân tám tỉnh đang chịu thiên tai, ngày 10/04, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phê chuẩn chương trình trợ giúp 530 tỉ đồng (hơn 22,7 triệu đô la) : Năm tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang, mỗi tỉnh được nhận 70 tỉ đồng ; ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Bạc Liêu, mỗi tỉnh được nhận 60 tỉ đồng.

Kinh phí trên được dành cho việc triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như bơm nước ngọt, nạo kênh, xây kè giữ nước ngọt, đào ao và giếng, mở rộng mạng lưới dự trữ nước, mua trang thiết bị lọc và giữ nước, phân phối nước…

Những biện pháp trước mắt này là hữu hiệu, nhưng phải tính phương án xa hơn. Đây là nhận định với RFI Tiếng Việt của tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong, Mekong convervancy Foundation, MCF). Trách nhiệm nghiêm trọng của các đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn cũng được tiến sĩ Dương Văn Ni phân tích trong buổi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.

*****

RFI : Thưa tiến sĩ, đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua một đợt hạn hán và nước biển xâm lấn nghiêm trọng. Xin ông cho biết nghiêm trọng đến mức nào ?

TS. Dương Văn Ni : Theo báo cáo của các địa phương, so với năm 2015-2016, chúng ta có 10 tỉnh tuyên bố thiên tai so với 12 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, đến giờ phút này (tháng 04/2020), có 7 tỉnh đã công bố thiên tai. Như vậy, so về mức độ ảnh hưởng, năm nay không bị ảnh hưởng nhiều như năm 2015-2016.

Tuy nhiên, đó là vấn đề mang tính hành chánh. Còn trong thực tế, năm 2020 này, nước mặn xâm nhập không thua gì năm 2015-2016. Dù nước mặn xâm nhập nhiều, nhưng dù sao bà con ở vùng duyên hải ít bị thiệt hại hơn 2015-2016 là bởi vì vào năm 2015-2016, bà con không có tư thế chuẩn bị, bởi vì cả mấy chục năm trước đó không có xuất hiện cái mặn gay gắt như vậy, thành thử ra người ta cũng chủ quan. Thứ hai là chính sách Nhà nước lúc đó vẫn giữ diện tích lúa vì sợ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, thành thử ra không cho phép người dân chuyển đổi.

Sau 2015-2016, nhiều địa phương rút kinh nghiệm và người ta cũng chuyển đổi một số diện tích, không trồng lúa nữa. Thành thử ra năm 2020 này, mặc dầu mặn xâm nhập sâu cũng không thua gì năm 2015-2016 nhưng mức độ thiệt hại thấp hơn 2015-2016, bởi vì người dân đã được cảnh báo trước.

RFI : Đâu là những nguyên nhân giải thích hiện tượng này ?

TS. Dương Văn Ni : Nói về mặn của đồng bằng sông Cửu Long thì chắc chắn chúng ta biết rồi, bản chất của đồng bằng sông Cửu Long được hình thành trong hai môi trường nước : nguồn nước ngọt trong mùa mưa và nguồn nước mặn trong mùa khô.

Vào mùa mưa, nó hình thành được là do nguồn nước ngọt truyền tải phù sa từ phía thượng nguồn về bồi thêm cho đồng bằng. Nhưng trong mùa nắng, thì nó lại nhờ dòng nước biển xâm nhập vào và mang phù sa biển vào để bồi cho vùng duyên hải. Vậy thì tự nhiên đã như thế rồi ! Hàng năm nước biển xâm nhập vào, tùy lượng nước ngọt trên phía thượng nguồn đưa về. Năm nào nguồn nước ngọt phía thượng nguồn đưa về nhiều và kéo dài khi mùa mưa chấm dứt thì mùa khô năm đó, mặc dầu đã dứt mưa giống như những năm bình thường, nhưng mà do lượng nước ở trên còn dồi dào đổ về, thành thử nó đẩy nước mặn ra ngoài biển, năm đó cái mặn xâm nhập vào đồng bằng ít hơn.

Nói nôm na lại, ở đồng bằng sông Cửu Long, cái mặn ngọt của vùng duyên hải lệ thuộc vào mấy yếu tố. Yếu tố thứ nhất là nguồn nước mặn, dồi dào đến mức độ nào. Yếu tố thứ hai là kiểu sử dụng đất của người dân. Ví dụ người dân trên vùng thượng nguồn hoặc ở những tỉnh phía trên, họ sử dụng nước để tưới tiêu nhiều thì sẽ chặn nguồn nước ngọt lại, do đó không đủ nước ngọt về bên dưới và bên dưới bị ảnh hưởng mặn. Yếu tố thứ ba là do mưa. Có nhiều năm, vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long nhận được một lương mưa khá lớn, từ 1.800 đến 2.200 mm. Do đó, lượng mưa này đóng góp rất đáng kể cho chuyện làm bớt mặn vùng này.

Ba nguồn nước này, nguồn nước mặn, nước mặt (nước ngọt) và nước mưa cùng kiểu sử dụng đất quyết định vấn đề mặn ngọt của vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng mà mấy năm gần đây, chúng ta biết là trên chuỗi sông Mêkông, từ phía Trung Quốc, qua tới Lào qua tới Thái Lan, Campuchia và xuống tới Việt Nam, thì trên dòng sông này, trong tự nhiên, nó có rất nhiều vùng chống ngập, những vùng chứa nước rất nhiều vào mùa mưa. Vào mùa khô, nó phóng thích từ từ ra dòng sông và chảy xuống dưới phía đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Điển hình nhất là Biển Hồ (Tonlé Sap) bên Campuchia, mỗi năm tích trữ một lượng nước khổng lồ. Khi mùa khô, hết mưa, nó cũng phóng thích từ từ ra dòng sông và do đó cũng góp phần đẩy mạnh, làm cho cái mặn của đồng bằng sông Cửu Long giảm đi.

RFI : Những công trình đập nước, nhà máy điện trên thượng nguồn sông Mêkông tác động như thế nào đến hiện tượng này ?

TS. Dương Văn Ni : Chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn mà không cần phải tranh cãi gì nữa, những đập thủy điện này tác động rất trầm trọng đến chế độ thủy văn của đồng bằng sông Cửu Long. Nói tác động trầm trọng, có nghĩa như thế nào ? Có nghĩa là có những năm bình thường, nói nôm na như người dân nói là « mưa thuận gió hòa », thì không có vấn đề gì xảy ra cả. Các đập thủy điện này ngăn nước để phát điện. Họ ngăn nhưng họ cũng phải xả nước. Vào những năm mưa thuận gió hòa, lượng nước về bình thường, nói chung không ảnh hưởng gì lớn.

Nhưng những năm thời tiết cực đoan, ví dụ hạn hán như năm nay, thì nguyên tắc của đập thủy điện là phải trữ nước, đủ nước mới phát điện được, thành thử ra, quá trình họ trữ nước, chắc chắn phía hạ du sẽ không thể nào nhận đủ nước. Nói tóm lại, những năm bị khô hạn thì những đập thủy điện này làm cho khô hạn thêm, như năm nay. Ngược lại, vào những năm mưa nhiều, khi đập thủy điện đã tích đầy, thì có ngưỡng an toàn, không thể nào tích cao hơn được nữa. Nếu tích cao hơn, trọng lượng của khối nước bên trên lớn hơn tính toán của đập, có thể làm vỡ đập và họ bắt buộc phải xả bỏ. Nói tóm lại, trong những năm mưa nhiều, trong khi phía hạ du nước đã ngập rồi, thì các đập thủy điện lại xả nước, làm ngập thêm.

Do đó, các đập thủy điện có tác động, có thể nói, đối với nước, năm nào hạn thì sẽ trầm hạn, làm cho hạn hán trầm trọng thêm. Ngược lại, năm nào lũ thì sẽ chồng thêm lũ, làm trận lũ đó lớn thêm.

RFI : Vào đầu tháng 04/2020, thủ tướng Việt Nam đã thông qua kế hoạch hỗ trợ 530 tỉ đồng cho 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khoản kinh phí này có đủ giúp cải thiện tình hình, cũng như trợ giúp người nông dân trong vùng không ?

TS. Dương Văn Ni : Với số tiền đó, nếu tính đều ra cho 8 tỉnh duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long thì không đáng là bao nhiêu cả. Nhưng số tiền đó tập trung vào giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, thì có ý nghĩa tương đối tốt.

Tại vì nếu nói về nước, chúng ta chia làm mấy loại nước. Nước dùng để uống, để sinh hoạt hàng ngày tắm giặt và nước dùng để sản xuất. Với số tiền đó, nếu chính quyền địa phương từng nơi tập trung vào nguồn nước để người dân ăn uống, sinh hoạt, thì tôi cho rằng số tiền đó có ý nghĩa đáng kể.

Nhưng nếu số tiền đó để tập trung giải quyết nguồn nước sản xuất, thì chẳng thấm vào đâu bởi vì sản xuất cần nhiều nước lắm.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong.


Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200427-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%B1ng-s%C3%B4ng-c%E1%BB%ADu-long-ch%E1%BB%91ng-ch%E1%BB%8Di-v%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1n-m%E1%BA%B7n-v%C3%A0-%C4%91%E1%BA%ADp-th%E1%BB%A7y-%C4%91i%E1%BB%87n-trung-qu%E1%BB%91c
0

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Ứng phó hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long


(05/04/2020)- Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn đang ở mùa khô nên tình trạng hạn mặn ảnh hưởng nặng nề đến việc canh tác của bà con và khiến cho hàng ngàn hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt...
0