Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bao cao dac biet. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bao cao dac biet. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Ấn Độ đang "chơi bài hai mặt" ở biển Đông ?

(Diplomat- 25.10.13) Ấn Độ dường như đang chơi "con bài hai mặt" trong tranh chấp Biển Đông khi New Delhi cố gắng mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ để cân bằng lợi ích với Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á mà không làm mất hòa khí với Bắc Kinh.

Hành động cân bằng tinh tế của New Delhi đã được đưa vào thử nghiệm tuần này khi chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới Trung Quốc trùng hợp với chuyến đi của Bộ trưởng Ngoại giao Salman Khurshid đến Philippines.

Hành trình của Khurshid ở Biển Đông dường như không nổi bật so với chuyến đi đến Bắc Kinh của ông Singh - chuyến thăm nhằm làm giảm căng thẳng dọc theo biên giới Trung- Ấn cũng như tái cân bằng các mối quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, trước khi ông Singh đến Trung Quốc, Khurshid đã có một cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Công, trong đó ông xuất hiện để hòa giải với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

"Chúng tôi không can thiệp" vào vấn đề tranh chấp biển Đông của Trung Quốc, Khurshid nói với tờ nhật báo Hồng Công. Ông nói thêm , "Chúng tôi tin rằng bất cứ điều gì là một vấn đề song phương giữa hai quốc gia phải được giải quyết bởi hai quốc gia".

Quan điểm này phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc rằng tranh chấp ở Biển Đông phải được xử lý trên cơ sở song phương mà không cần bất kỳ sự can thiệp từ những bên không có tranh chấp. Trước đây, Trung Quốc đã kịch liệt chỉ trích Ấn Độ vì các hoạt động chung với Việt Nam trong vùng biển mà cả Hà Nội và Bắc Kinh cùng tuyên bố chủ quyền. Gần đây nhất là hồi đầu tháng này Thủ tướng Singh hậu thuẩn mạnh mẽ các tổ chức khu vực đóng một vai trò tích cực trong việc quản lý các tranh chấp ở biển Đông trong khi Bắc Kinh đã cố gắng để tránh đa phương hóa vấn đề. Việc Khurshid thừa nhận một cơ chế song phương dường như mâu thuẫn với phát biểu của ông Singh tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng này.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Philippines trong tuần này, Khurshid đi xa hơn so những thách thức mà Ấn Độ thể hiện trước đây đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Để bắt đầu, mục đích chính trong chuyến đi của ông Khurshid là để chuẩn bị cho việc nâng cấp quan hệ song phương Ấn Độ- Philippines lên tầm đối tác toàn diện khi Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến Philippines vào năm tới. Khurshid và người đồng cấp Philippines, Albert del Rosario, cũng nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Truyền thông Philippines tuần này thậm chí còn báo cáo rằng Manila có thể mua hai tàu khu trục của Ấn Độ.

Đáng chú ý nhất có lẽ là tuyên bố chung, mà Khurshid đã ký, gọi là biển Đông là "Biển Tây Philippines"- tên gọi biển Đông mà Manila sử dụng để chỉ các vùng biển tranh chấp. Theo phương tiện truyền thông Ấn Độ, điều này đã phá vỡ chính sách thông thường của Ấn Độ là luôn đề cập đến vùng biển này với tên gọi "Biển Nam Trung Hoa" (South China Sea) nhằm tránh gây mất lòng với Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm Philippines, Khurshid tán thành sự tham gia của các bên Đông Nam Á để giải quyết tranh chấp trong khi Bắc Kinh phản đối kịch liệt. Ví dụ, trong câu trả lời cho một câu hỏi từ các phóng viên sau một bài phát biểu ông, Khurshid "nhấn mạnh rõ ràng" rằng Ấn Độ ủng hộ sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS) là cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Cuối cùng, Khurshid nói cũng hỗ trợ các quyết định của Philippines trong việc tìm kiếm tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.

"Tòa án là một câu trả lời. Tôi hy vọng nó làm việc", Khurshid nói. Trung Quốc đã bác bỏ việc đưa tranh chấp này ra tòa án quốc tế.

Cuối cùng, Khurshid đề cập trực tiếp vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với các tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Mặc dù ông làm điều đó nhằm giúp Philippines có nhiều ưu thế nếu tham gia đối thoại trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp, Bắc Kinh phản đối việc gắn liền các vụ tranh chấp lãnh thổ lại với nhau.

Các đối thủ của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, đã cố gắng để làm chính xác điều đó.

Tác giả Zachary Keck, Tạp chí ngoại giao The Diplomat
0

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Nhật triển khai tên lửa đối hạm đối phó Trung Quốc

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết một đơn vị tên lửa đất- đối- hạm sẽ được triển khai trên đảo Miyako, thuộc quần đảo Okinawa, lần đầu tiên vào tháng tới.

Lực lượng Phòng vệ sẽ tiến hành tập trận ở tây nam Nhật Bản từ 01 đến 18 tháng 11, với khoảng 34.000 nhân viên tham gia.

Những đơn vị này được trang bị tên lửa đất đối hạm Type 88 (tầm bắn: 150-200km, tốc độ: 1150km/h) sẽ được triển khai trên đảo Miyako đặt tất cả các vùng biển xung quanh quần đảo trong vòng "phủ sóng" của tên lửa đối hạm dẫn đường này.

Trong khi tàu hải quân Trung Quốc thường lên đường ra Thái Bình Dương xuyên qua giữa đảo chính của quần đảo Okinawa và đảo Miyako.

Ngoài ra, một đơn vị bộ binh với 100 nhân viên, cùng với tàu và máy bay trực thăng, sẽ tham gia vào một cuộc diễn tập để bảo vệ một "hòn đảo xa xôi".


Theo NHK
0

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Tiết lộ về tàu ngầm đầu tiên Việt Nam sở hữu từ năm 1997

(Soha.vn) - Năm 1997, theo hợp đồng đổi gạo lấy vũ khí, Việt Nam đã nhận về hai chiếc tàu ngầm mini lớp Yugo của Triều Tiên.

Theo một bài báo đăng trên Tuổi Trẻ tháng 1/2010, thì rất lâu trước khi nhận tàu ngầm Hà Nội, chiếc đầu tiên trong lô 6 chiếc Kilo 636, Việt Nam đã có một đơn vị tàu ngầm với mã hiệu M96.

Đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam đóng tại căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa) ra đời từ năm 1996, nhưng vì “bí mật quân sự” nên mãi đến sau này, đơn vị này mới “hé cửa” cho một vài nhà báo tới thăm.

Hình ảnh chiếc tàu ngầm đăng tải trên báo Tuổi Trẻ tháng 1/2010
Hình ảnh chiếc tàu ngầm đăng tải trên báo Tuổi Trẻ tháng 1/2010

Bài viết cho biết đến năm 1997, Việt Nam đã tiếp nhận những chiếc tàu ngầm đầu tiên từ một “nước bạn”.

Hãng tin BBC (Anh) sau đó đã có những suy đoán về con tàu này. BBC nhận định rằng nó thuộc loại tàu ngầm nhỏ, vì theo mô tả, “chỉ cần thả người xuống và sải hai buớc là đặt chân xuống sàn tàu”, và “trên vách khoang tàu chật chội này, bố trí dày đặc các loại thiết bị chuyên dùng với nhiều màn hình, nút bấm, nút vặn.”

Có một chi tiết trong bài viết khiến người đọc suy tưởng rằng con tàu chạy bằng ắc quy. “Máy nổ sẽ tích điện cho cả trăm bình ăc-quy cỡ lớn và đó là nguồn năng lượng cho tàu khi hoạt động ngầm”, “Khoang máy có lẽ chiếm không gian rộng nhất trên tàu”.

Tháng 4/2012, trong một bài viết với tiêu đề “Việt Nam gấp rút đào tạo thủy thủ tàu ngầm”, BBC có đề cập tới chiếc tàu ngầm Việt Nam từng tiếp nhận trong năm 1997 và dẫn lời giới quan sát quân sự cho rằng Việt Nam có một cơ số tàu ngầm loại mini do Triều Tiên cung cấp. Tuy nhiên, không có thông tin nào chi tiết hơn về những con tàu này.

Sau đó, trong bài viết về “Hạm đội tàu ngầm Việt Nam” đăng tải tháng 8/2012, BBC cho biết: Năm 1997, theo hợp đồng đổi gạo lấy vũ khí, Việt Nam đã nhận về hai chiếc tàu ngầm mini lớp Yugo của Triều Tiên. Hai tàu này đậu tại Vịnh Cam Ranh, nơi chúng được bảo trì và sửa chữa.

Bài viết nhắc lại bức ảnh chiếc tàu ngầm xuất hiện cùng hạm đội M96 từng đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, và nói đây là chiếc tàu ngầm lớp Yugo. Tác giả nhận định rằng hai chiếc tàu Yugo dường như chỉ được Việt Nam sử dụng trong các hoạt động lặn và để hiểu thêm về cơ chế hoạt động cũng như bảo trì tàu ngầm. Theo một số nguồn tin, tàu ngầm Yugo được chuyển giao cho Việt Nam đã ngừng hoạt động trong năm 2012.

Yugo là tên ký hiệu của NATO dành cho tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Una của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Phương Tây tin rằng tàu ngầm Una được đóng tại Nam Tư những năm 1965 nên đặt tên là Yugo.

Tờ Thiết Huyết của Trung Quốc từng nhận định do là tàu ngầm nhỏ nên Yugo chủ yếu dùng để huấn luyện chiến đấu cho đặc công nước là chính, khó có khả năng tác chiến.

Yugo có lượng choán nước 90 tấn khi nổi và 110 tấn khi lặn. Yugo dài 20m, rộng 3,1m, mớn nước là 4,6m. Tốc độ 10 hải lý/giờ khi nổi và 4 hải lý/giờ khi lặn liên tục, sử dụng 1 động cơ đơn diesel MTU 320 mã lực cùng 1 động cơ điện dự bị.

Yugo trang bị 2 ống phóng ngư lôi loại 406mm, và biên chế 4 thủy thủ cùng từ 6 đến 7 lính đặc công nước (người nhái).

Theo Soha News
0

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Quân đội Syria dùng thai phụ làm bia tập bắn?

Phụ nữ mang thai và thai nhi ở Syria bị các tay súng bắn tỉa của quân đội Syria dùng làm bia tập bắn - tờ Times dẫn lời một bác sĩ phẫu thuật Anh cho biết.

Bác sĩ David Nott - người vừa làm việc tình nguyện 5 tuần tại một bệnh viện Syria - cho biết, ông và các đồng nghiệp bắt đầu phát hiện tình trạng đáng lo ngại nói trên khi phụ nữ mang thai và trẻ em bị dùng làm bia tập bắn.

"Hôm nay, một người bị bắn vào háng, tiếp theo là vào ngực trái. Một ngày sau đó không có ai bị bắn vào ngực mà tất cả đều bị thương ở cổ'' - ông Nott nói trong lần trả lời phỏng vấn tờ Times. - ''Từ những bệnh nhân đầu tiên nhập viện vào buổi sáng, chúng tôi có thể biết trước những gì diễn ra từ đó đến cuối ngày. Đó là một trò chơi. Chúng tôi nghe được những tay súng bắn tỉa nói với nhau rằng người này, người kia thắng vài gói thuốc lá vì bắn trúng mục tiêu".


Bức ảnh chụp X-quang do một tổ chức từ thiện mang tên Cứu trợ Syria cung cấp, cho thấy một thai nhi bị một viên đạn găm vào hộp sọ.

Ông Nott cho hay, tin đồn nói rằng những tay súng bắn tỉa là lính đánh thuê từ Trung Quốc và Azerbaijan, làm việc cho chính phủ của Tổng thống Assad. Điều này chưa được xác nhận.

Ông Nott tình nguyện làm bác sĩ phẫu thuật cấp cứu ở những vùng chiến sự như Bosnia, Libya, Chad, Sudan và Congo từ 20 năm qua. Tuy nhiên, ông nói rằng Syria là nơi duy nhất ông chứng kiến dân thường - đặc biệt là phụ nữ có thai - bị làm bia tập bắn. Có hôm, khoảng 5-6 thai phụ bị trúng đạn. Hôm khác, ông Nott cấp cứu cho hai phụ nữ mang thai cuối kỳ. Cả hai đều sống sót, nhưng con của họ chết trên đường mẹ nhập viện.

Một trường hợp thương tâm khác là một bào thai trúng đạn vào não. "Những phụ nữ này bị bắn xuyên qua tử cung. Tôi thậm chí không thể mở miệng ra nói nó kinh khủng thế nào. Thông thường, dân thường bị trúng đạn ngẫu nhiên trong các cuộc đọ súng. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng như trên, bởi đó là hành động có chủ ý. Thật là hơn cả địa ngục".

Ông Nott cho hay, khoảng 90% bệnh nhân mà ông chữa trị là dân thường. "Tôi chỉ thấy một vài chiến binh". Vị bác sĩ này làm việc tình nguyện ít nhất 1 tháng mỗi năm ở vùng chiến sự.

Trong khi đó, một quan chức giấu tên tại Bộ Thông tin Syria cho biết, những cáo buộc nói trên là hoàn toàn vô căn cứ, nhằm mục đích bôi nhọ hình ảnh quân đội Syria trong khi lực lượng này thực thi nhiệm vụ bảo vệ người dân và đất nước Syria.

"Đây là một phần của cuộc chiến truyền thông do một số nước phương Tây và khu vực đứng sau nhằm chống lại Syria" - vị quan chức giấu tên này nói và bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc.

Theo Times, Xinhua

http://laodong.com.vn/The-gioi/Quan-doi-Syria-dung-thai-phu-lam-bia-tap-ban/143849.bld
0

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Internet có làm cho ta điên ?

Trong cuộc sống hàng ngày, con người kết nối liên tục với Internet qua màn hình : Trong công việc, đặt hàng trên mạng, kết bạn, giải trí…Thế nhưng có khi nào ta tự hỏi liệu mình có quá lạm dụng internet hay không. Tạp chí Le Nouvel Observateur quan tâm đến đề tài này qua một hồ sơ dài đề tựa : « Internet có làm cho ta điên ? ».


Ngày nay, với sự ra đời của điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính xách tay, mọi nơi, mọi lúc, chúng ta đều kết nối với thế giới. Cuồng nhiệt, thiếu kiên nhẫn, bị phụ thuộc…Già trẻ, lớn bé đều bị màn hình máy tính làm biến đổi và chúng ta ôm lấy chúng cả ngày lẫn đêm.

Tạp chí dẫn trường hợp một số nhân chứng thuật lại tầm quan trọng và ảnh hưởng to lớn của các công cụ này trong cuộc sống của họ. Trẻ em mới hai tuổi đã nghiện chơi Ipad, khi cha mẹ không cho sử dụng thì đập đầu ăn vạ. Người lớn cũng không thoát khỏi cơn nghiện này, cứ ôm lấy smarthphone, máy tính bảng mà kết nối facebook hay lướt nét. Con cái đi học về muốn khoe điểm học tập mà cha mẹ cũng thờ ơ. Thanh niên hàng ngày gửi trung bình 60 tin nhắn trên điện thoại.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy Internet có hại cho trí nhớ và sự tập trung. Các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ tiếp xúc với màn hình. Trẻ em đánh máy thay vì viết tay cũng bị mắc chứng loạn đọc. Khi viết bằng tay, trẻ em nhớ lâu hơn mặt chữ.

Về đề tài này, tạp chí Le Nouvel Observateur phỏng vấn bác sĩ, giáo sư dạy hóa sinh Bernard Sablonnière. Ông cảnh báo không nên lạm dung, sử dụng quá nhiều các loại máy vi tính, điện thoại thông minh. Các giáo viên đều phàn nàn rằng học sinh thiếu tập trung trong giờ học do ôm lấy máy tính hay điện thoại sử dụng không ngừng nghỉ. Theo ông, đối với não bộ của trẻ, nên hạn chế nhồi nhét các cảm xúc thuộc về thị giác. Ở trẻ em, não bộ vẫn đang trong trạng thái xây dựng, nên khi một loạt các hình ảnh thông tin đến quá nhanh, não bộ chưa kịp xử lý đầy đủ và ghi nhớ các thông tin. Điều đó có thể gây hại đến mối quan hệ con người. Ngoài ra, thiếu vận động thể chất sẽ gây hại đến quá trình oxy hóa não bộ, đặc biệt là để xả stress. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, ở mọi lứa tuổi, cần phải bỏ máy tính bảng sang một bên để hoạt động thể thao.

Còn theo nhận định của một triết gia thì khi ta kết nối qua các màn hình, chúng ta cứ nghĩ là đang trao đổi với cả thế giới nhưng không phải, chúng ta đang thu minh lại và mất mối quan hệ với con người. Do đó, nên ưu tiên quan hệ trao đổi giữa người với người, chứ không phải là thông qua bức tường ngăn cách của màn hình máy tính.

RFI

Clip: I forgot my phone (Tôi không lạm dụng điện thoại di động)

0

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Nga quan ngại trước nguy cơ xung đột ở Biển Đông

Ngày 18/10, hội thảo quốc tế lần thứ I về an ninh và hợp tác ở Biển Đông do Viện Đông Phương học-Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức đã diễn ra tại Moskva.

Tham dự hội thảo có đại diện chính quyền, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, giới nghiên cứu vấn đề an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Biển Đông của Nga và gần 20 quan chức, học giả đến từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore... Các phương tiện truyền thông lớn của Nga và quốc tế cũng đưa tin về sự kiện này.

Trong một ngày làm việc với 5 nhóm thảo luận, những người tham dự hội thảo đã tập trung phân tích vấn đề Biển Đông dưới các góc độ địa-chính trị, cơ sở lịch sử và pháp lý của tranh chấp lãnh thổ, nguy cơ đe dọa mất ổn định ở khu vực và đưa ra một số khuyến nghị giải quyết xung đột hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ kế hoạch đối ngoại Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Tokovinin kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực và giải quyết vấn đề tuyệt đối chỉ bằng biện pháp chính trị-ngoại giao, trong đó cơ sở quan trọng để áp dụng là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ông Tokovinin nhấn mạnh Nga là quốc gia Á-Âu và rất quan tâm đến việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Nga mong muốn cùng các đối tác thành lập một cấu trúc an ninh chung, tin cậy tại châu Á và đang tích cực thúc đẩy tiến trình này.

Phó chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga) Nikolai Levichev (ảnh) bày tỏ quan ngại trước nguy cơ xung đột ở Biển Đông trong tương lai gần có thể phát triển thành một điểm nóng, cho rằng điều quan trọng mà các bên liên quan cần làm hiện nay là không để căng thẳng tiếp tục leo thang.

Ông Levichev đánh giá cao vai trò của các chuyên gia quốc tế và Nga tham gia hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ tình hình an ninh ở Biển Đông và đóng góp ý kiến cùng với các nhà lập pháp, ngoại giao và lãnh đạo các nước liên quan tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp, mâu thuẫn ở khu vực.

Trong khi đó, ông Vitaly Naumkin, Viện trưởng Viện Đông phương học đánh giá an ninh tại châu Á là một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm sát sao của dư luận quốc tế, trong đó có Nga. Nga mong muốn các bên tranh chấp cùng nhau vượt qua thách thức nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực.

Các chuyên gia tham dự hội thảo nhất trí cho rằng Việt Nam đã thể hiện lập trường xây dựng, nhất quán ủng hộ việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, kiên trì kêu gọi các bên liên quan xây dựng “lộ trình” thống nhất và mang giá trị pháp lý cao hơn để giải quyết tranh chấp như thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Đề nghị hết sức kịp thời của Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Đối thoại Shang-ri-la lần thứ 12 vào tháng 6 vừa qua về việc loại bỏ các biện pháp sử dụng vũ lực nhằm giải quyết xung đột và làm tất cả để đạt được bầu không khí hòa bình hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau cũng nhận được sự đồng tình cao của hội nghị.

Các nhà nghiên cứu quốc tế nhấn mạnh, hòa bình và ổn định chỉ được đảm bảo trên cơ sở nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên liên quan. Trong đó, lòng tin, sự nhượng bộ lẫn nhau và cam kết không sử dụng vũ lực trong bất luận trường hợp nào đóng vai trò hết sức quan trọng; mọi tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


Quang cảnh Hội thảo quốc tế Moskva về an ninh và hợp tác tại biển Đông. (Nguồn: Viện Đông phương học)

Về tương lai giải quyết vấn đề biển Đông, các chuyên gia cho rằng các bên liên quan cần chấm dứt mọi hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giữ nguyên hiện trạng, khôi phục lại lòng tin và nghiên cứu đưa ra một chương trình nghị sự mới, đáp ứng tốt hơn lập trường của các bên, trước mắt cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và tuyệt đối tuân thủ các thỏa thuận đã được ký kết.

Hội nghị cũng nhận định, tiến trình giải quyết vấn đề biển Đông phụ thuộc phần lớn vào lập trường và thiện chí của Trung Quốc. Trong đó, một trong những giải pháp tháo gỡ nút thắt là Trung Quốc phải công nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và các nước liên quan ở biển Đông, thay vì đơn phương phủ nhận hoàn toàn như hiện nay. Nếu Trung Quốc thực hiện bước đi này, thế bế tắc hiện nay sẽ được tháo gỡ và mở ra bầu không khí thuận lợi hơn để tiến tới giải quyết vấn đề một cách công bằng và hợp lý./.

TTXVN
0

Bí mật AH-64 Apache lọt vào tay Trung Quốc

VietnamDefence - Trên các site Trung Quốc xuất hiện những hình ảnh chụp cảnh vận chuyển một trực thăng tiến công AH-64 Apache của hãng Boeing, Mỹ.

Bí mật AH-64 Apache lọt vào tay Trung Quốc

Điều đó cho thấy, có thể quân đội Trung Quốc đã lấy cắp được trực thăng tối tân này của quân đội Mỹ hoặc đã sao chép được nó.

Các bức ảnh chụp chiếc Apache với các cánh quạt và mấu treo vũ khí được tháo ra và không có che đậy gì.

Theo The Aviationist, Trung Quốc có thể đã làm được bản sao chép chính xác trực thăng này của Mỹ hoặc đã lần đầu tiên thừa nhận họ đã có được chiếc trực thăng chiến đấu bị bắn rơi 10 năm trước ở Iraq.

Khi xâm lược Iraq vào năm 2003, quân đội Mỹ đã mất hơn 30 chiếc Apache, trong đó có một chiếc bị quân đội Iraq bán rơi gần Kerbala và đã phải hạ cánh khẩn cấp.

Chiếc trực thăng này không bị hư hại lớn, cả hai phi công bị bắt làm tù binh và hôm sau, Lầu Năm góc thông báo về chiến dịch tiêu hủy thành công chiếc Apache này. Tuy nhiên, có tin đồn nói rằng, chiếc trực thăng này đã được phía Iraq nhanh chóng cất giấu và sau đó có thể đã bị bán và chuyển sang Trung Quốc.

Hiện chưa rõ chiếc trực thăng được chụp ở đâu. Biển số của chiếc xe tải chở chiếc trực thăng là thuộc thành phố cảng Ninh Ba, tỉnh Triết Giang ở miền đông Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc khoe vũ khí mới bằng cách “rò rỉ” thông tin lên Internet.

Trước đó, báo chí đưa tin Pakistan có thể đã cho phép các kỹ sư Trung Quốc tiếp cận tìm hiểu cấu tạo và thiết bị của chiếc trực thăng bí mật tối tân của Mỹ bị sự cố trong chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden ngày 2/5/2011.

AH-64 Apache được phát triển trong thập kỷ 1970, hiện có trong trang bị của quân đội Mỹ, Israel, Nhật Bản, Saudi Arabai và nhiều nước khác. Sắp tới, Mỹ sẽ bán trực thăng này cho cả Hàn Quốc và Đài Loan, vì vậy, có thể Trung Quốc rất quan tâm đến việc tìm hiểu tính năng của nó.

Tuy nhiên, The Aviationist không loại trừ Trung Quốc đã sản xuất được bản nhái trực thăng Mỹ như đã làm với các máy bay không người lái Mỹ bị thu giữ hay bị bắn rơi với hư hỏng nhẹ ở Pakistan, Afghanistan và Iraq.

Hiện nay, quân đội Trung Quốc được trang bị 2 loại trực thăng tiến công là WZ-10 (với sự tham gia của các kỹ sư của hãng Kamov, Nga, vào việc thiết kế bản vẽ sơ bộ trong những năm 1990) và Z-19 thiết kế dựa trên trực thăng Pháp AS.365 Dauphin.

Nguồn: ruvr, arms-expo, 16.10.2013.

Vietnamdefence
0

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Malaysia thành lập thủy quân lục chiến và căn cứ hải quân mới ở biển Đông

Hải quân Hoàng gia Mã Lai Á (Malaysia) đang lập ra một lực lượng thủy quân lục chiến và một căn cứ hải quân mới ở Biển Đông gần vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, IHS Jane's báo cáo trong tuần này, trích dẫn một thông cáo báo chí từ Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Tun Hussein .


AH-1Z Viper hay còn gọi là Zulu hoặc King Cobra (hổ mang chúa) là biến thể mới nhất của máy bay trực thăng tấn công

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng, căn cứ hải quân mới sẽ được xây dựng ở Bintulu trong Biển Đông với mục đích bảo vệ vùng biển dự trữ dầu xung quanh. Tuy nhiên, Jane's chỏ ra rằng các cơ sở sẽ được đặt chỉ 60 dặm từ Bãi ngầm James, một khu vực ở biển Đông mà cả Trung Quốc và Malaysia cùng tuyên bố chủ quyền.

Hồi tháng Ba, một lực lượng đặc nhiệm đổ bộ của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận hải quân hoành tráng ở bãi ngầm này.

IHS Jane cho biết, Thủy quân lục chiến sẽ được sử dụng một phần để đối phó với chiến binh Sulu, lực lượng đã gây ra tình trạng bất ổn ở Sabah, miền đông Malaysia. Thủy quân lục chiến được thành lập từ các lực lượng hiện có của Malaysia.

IHS Jane's cho biết, Malaysia sẽ dựa trên chuyên môn của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ để giúp phát triển lực lượng thủy quân lục chiến mới .

"Malaysia rất muốn học tập chuyên môn của Thủy quân lục chiến Mỹ và đã thảo luận với Hoa Kỳ để xin hỗ trợ, đào tạo và trao đổi chuyên môn", báo cáo cho biết .

Ban đầu, Quân đoàn thủy quân lục chiến Malaysia sẽ thiếu một nền tảng hải quân đổ bộ khi chỉ có tàu đổ bộ của Hảo quân Hoàng gia Malaysia, tàu đổ bộ lớp Newport chở xe tăng mang tên KD Sri Inderapura (Ảnh trên đầu bài), đã bị phá hủy trong một vụ cháy hồi năm 2009. Gần đây, Malaysia thảo luận với cả Pháp và Hàn Quốc về việc mua lại các tàu đổ bộ. Mỹ cũng đã đề nghị Malaysia mua tàu LPD USS Denver (loại tàu này từng được sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam) sau khi nó "tái xuất giang hồ" vào năm 2014. Các công ty an ninh có trụ sở tại Mỹ cũng thảo luận về việc bán siêu máy bay trực thăng tấn công Cobra AH-1Z cho Malaysia.

Quyết định của Malaysia thiết lập một căn cứ hải quân ở Biển Đông là phù hợp với các quốc gia Đông Nam Á khác đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên các vùng biển. Tuần trước , Philippines đã thành lập một căn cứ hải quân mới ở Vịnh Oyster, đảo Palawan. Tương tự như Việt Nam đang mở rộng căn cứ hải quân Cam Ranh của mình và cung cấp cho lực lượng hải quân nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với nó.

Nguồn: The Diplomat
0

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

“Viện trợ khẩn cấp” bằng tên lửa đạn đạo


Đã tìm được cách ứng dụng cho những tên lửa đạn đạo sẽ phải qua thanh lý ở Mỹ và Nga. Chúng có thể được sử dụng cho việc giao hàng khẩn cấp đến những khu vực có thảm họa thiên tai. Các đại biểu thành viên hội nghị hàng không học tại thành phố Mỹ San Diego đã đề xuất ý tưởng này. Các chuyên gia cho rằng dự án có thể thực hiện được về mặt lý thuyết nhưng còn nhiều vấn đề phức tạp trên con đường này.

Những tên lửa đạn đạo được tái trang bị có khả năng cung cấp hàng viện trợ nhân đạo tới vùng bị thiên tai chỉ trong vài phút. Trên đó có thể có thuốc men, máy phát điện, nước uống và thực phẩm. Những thứ đó đủ để cứu sống nhiều người trong khi chờ đợi xe tải, tàu hoặc máy bay đến được nơi xảy ra thảm họa. Và nếu như nói về Nam Cực hoặc các đảo ở Thái Bình Dương thì khó mà đánh giá hết được giá trị của phương cách này, các tác giả của đề xuất trên khẳng định.

Về lý thuyết, có thể cài đặt được một container đựng hàng ở vị trí đầu đạn trên tên lửa đạn đạo. Quan trọng là phải làm sao để container không bị vỡ ra khi tiếp đất. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị xã hội Vladimir Yevseyev bình luận:

“Nếu nói về việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo trong phần đầu của tên lửa thì cần phải thiết kế phần này với dù. Đây là một thay đổi quan trọng trong cấu trúc. Và phải hiểu rằng phần đầu của tên lửa liên lục địa đi vào thượng tầng khí quyển với vận tốc khoảng 5 kilômét mỗi giây. Sẽ phải sử dụng một hệ thống dù rất lớn. Tôi không chắc là sẽ có thể giảm được vận tốc vì nó quá lớn”.


Thêm một vấn đề khác liên quan đến tính chính xác của việc giao hàng vì mọi người sẽ có thể sử dụng hàng viện trợ hay không phụ thuộc trực tiếp vào điều này. Bản thân việc tái trang bị tên lửa đạn đạo không phải là một ý tưởng mới mẻ, biên tập viên của tạp chí “Tin tức hàng không vũ trụ” Igor Afanasyev hồi tưởng:

“Trong thập kỷ 90, các công ty Nga đã phát triển phương án cung cấp hàng viện trợ với sự trợ giúp của tên lửa đạn đạo và các thiết bị có điều khiển cho các thủy thủ đoàn của những con tàu gặp nạn trên biển. Các tính toán đã được thực hiện, một số dự án đã được phát triển, nhưng rất tiếc là mọi việc chỉ ngừng lại ở đó”.

Có đề xuất cung cấp cả những bệnh viện dã chiến cỡ nhỏ và thiết bị y tế đến vùng bị thiên tai bằng các tên lửa đạn đạo. Nhưng tất cả những dự án phát triển này chỉ mới tồn tại trên giấy tờ. Dưới thời Xô Viết, bất kỳ vụ phóng tên lửa nào cũng có thể được coi như một sự khiêu khích, viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Vũ trụ Nga mang tên Tsiolkovsky, ông Yuri Caras giải thích:

“Trong tình hình hiện nay, ý tưởng này sẽ còn khó thực hiện hơn nhiều so với trước đây. Bởi vì chương trình tên lửa của các nước Bắc Triều Tiên, Iran và Pakistan đã mạnh lên đáng kể. Nếu như một tên lửa mang hàng viện trợ bay từ Mỹ về phía Bắc Triều Tiên thì CHDCND Triều Tiên phải biết chắc chắn rằng đó thực sự là hàng viện trợ. Khi đó họ sẽ không đáp trả Mỹ bằng đầu đạn thật”.

“Viện trợ khẩn cấp” bằng tên lửa đạn đạo sẽ không thể thực hiện một khi trên thế giới vẫn tồn tại khí hậu ngờ vực và không tin tưởng lẫn nhau, các chuyên gia khẳng định. Cho đến lúc đó, những tên lửa đã ngừng hoạt động sẽ được sử dụng vào những mục đích khác. Thí dụ như ở Nga, chúng có thể đưa những vệ tinh cỡ lớn lên quỹ đạo gần trái đất. Một phần tên lửa được quân đội sử dụng để thực hành bắn súng. Dù gì thì việc đó vẫn tốt hơn là “ép dẹp” chúng bằng máy nén hay cắt chúng ra thành nhiều mảnh tại các nhà máy.

Nguồn: Tiếng nói nước Nga
0

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Bộ Ngoại giao trả lời cử tri Phú Yên v/v kiện Trung Quốc lên Hội đồng Bảo an LHQ

(Phú Yên Online- 17.10.2013) Trong đợt tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của ĐBQH tỉnh, nhiều cử tri kiến nghị: Về vấn đề biển Đông liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Bộ Chính trị gửi đơn kiện Trung Quốc lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc Trung Quốc lấn chiếm vùng biển, đảo của nước ta.


Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét giải quyết. Bộ Ngoại giao đã có Công văn số 3239 ngày 27/8/2013 trả lời, nội dung cụ thể như sau:

- Chủ trương nhất quán của Việt Nam trong vấn đề biển Đông là kiên trì thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; vận dụng tổng hợp các biện pháp, chủ yếu bằng chính trị, ngoại giao; coi trọng đấu tranh pháp lý, sẵn sàng đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán quốc tế khi cần thiết. Ta có chính nghĩa và cơ sở pháp lý trong vấn đề biển Đông. Hiện ta đang tích cực chuẩn bị các hồ sơ pháp lý, sẵn sàng cho việc sử dụng công cụ pháp lý bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích trên biển của Việt Nam. Mặt khác, cũng cần hết sức thận trọng, tránh để lại những hậu quả bất lợi, lâu dài cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa mang tính bước ngoặt, mở ra hướng đấu tranh pháp lý trên biển Đông. Với vụ kiện này, lần đầu tiên vấn đề biển Đông được xử lý theo phương thức pháp lý tại cơ quan tài phán quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, điều này tạo ra những hệ lụy phức tạp và khó dự đoán đối với các nước có liên quan; vừa mở ra cơ hội mới trong đấu tranh bác bỏ đường lưỡi bò, vừa tạo ra những thách thức mới cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước ta. Do vậy, ta cần xem xét toàn diện, cẩn trọng, thấu đáo, xuất phát từ tầm cao chiến lược của lợi ích quốc gia của ta để có các bước đi phù hợp và cần thiết bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Trong vấn đề biển Đông, chủ trương của ta là kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để trực tiếp giải quyết tranh chấp với các bên liên quan, bảo vệ chủ quyền và quyền lợi chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc đưa tranh chấp ra diễn đàn đa phương, kể cả các cơ quan của Liện Hợp Quốc, luôn được tính đến như là một biện pháp để lên án các bên tranh chấp khác vi phạm chủ quyền và quyền lợi của Việt Nam, nêu cao lập trường chính nghĩa của ta đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với biện pháp đấu tranh trực tiếp của ta. Tuy nhiên, hình thức và diễn đàn cụ thể của Liên Hợp Quốc được sử dụng vì mục đích này được xác định căn cứ từ thực tiễn hoạt động của tổ chức để bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, việc đưa bên tranh chấp tại biển Đông ra trước diễn đàn quốc tế cũng cần được xem xét kỹ lưỡng nhằm không gây ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ giữa Việt Nam và các bên tranh chấp, đặc biệt là các thỏa thuận và nỗ lực giải quyết tranh chấp của các bên.

Cho đến nay, khi tham gia các cuộc họp có liên quan trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, đặc biệt là tại Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đoàn Việt Nam luôn phát biểu khẳng định rõ lập trường nhất quán của ta, trong đó nhấn mạnh chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông, sự cần thiết phải duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và không ngại phê phán các bên tranh chấp khác có hành vi vi phạm chủ quyền và quyền lợi chính đáng của Việt Nam tại biển Đông.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc củng cố cơ sở pháp lý chủ quyền nước ta ở biển Đông, bao gồm củng cố các bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền của ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của ta ở biển Đông.

http://www.baophuyen.com.vn/Chinh-tri-76/7705605506005606406371
0

Mỹ thoát cảnh vỡ nợ, chính phủ sẽ hoạt động lại

Các lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Thượng viện Mỹ vừa đạt được một thỏa thuận để chấm dứt việc chính phủ dừng hoạt động một phần và nâng trần nợ công.

Dự luật mà các nhà lập pháp lưỡng đảng đề xuất cần được thông qua bởi Hạ viện, nơi mà một nhóm nhỏ các dân biểu Cộng hòa được hy vọng sẽ cùng những người của đảng Dân chủ gửi dự luật tới Tổng thống Barack Obama.

Theo BBC, dự luật sẽ nới giới hạn nợ liên bang cho tới ngày 7/2/2014 và cấp tiền cho chính phủ hoạt động tới ngày 15/1/2014.

Diễn biến này đã đến chỉ một ngày trước thời hạn chót phải nâng mức trần nợ công 16,7 nghìn tỷ USD của nước Mỹ.


Mái vòm nổi tiếng của Tòa nhà Quốc hội Mỹ, nơi các
nhà lập pháp lưỡng đảng cùng đàm phán về một dự luật
"giải cứu" chính phủ, được chụp ảnh hôm 16/10 với
tiền cảnh là một chiếc xe cứu thương. Ảnh: AFP

Từ Thượng viện, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ, Harry Reid gọi thỏa thuận đạt được kể trên là một diễn biến lịch sử. Ông cho rằng nó sẽ cho Quốc hội thêm thời gian để cùng làm việc nhằm hướng tới một thỏa thuận ngân sách lâu dài.

"Đất nước của chúng ta đã thoát khỏi bờ vực của thảm họa", Reid nói.

Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa ở Thượng viện, Mitch McConnell cho biết ông tin tưởng rằng chính phủ sẽ hoạt động trở lại và tránh được cảnh vỡ nợ nhờ có dự luật nói trên. McConnell là đại diện đảng Cộng hòa đàm phán với Thượng nghị sĩ Reid.

"Giờ là lúc để những thành viên của đảng Cộng hòa đoàn kết lại vì những mục tiêu quan trọng khác", McConnell nói.

Thượng nghị sĩ John McCain, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2008, được New York Times dẫn lời: "Các thành viên đảng Cộng hòa phải hiểu rằng chúng ta vừa thua trong cuộc chiến này, như tôi đã dự đoán vài tuần trước, rằng chúng ta sẽ không thể thắng vì chúng ta đã yêu cầu điều mà không thể có được".

Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động từ ngày 1/10 sau khi Thượng viện và Hạ viện không thể thống nhất về ngân sách cho các cơ quan của chính phủ. Tình trạng này đã diễn ra 17 lần kể từ năm 1977, trong đó thời gian ngắn nhất là một ngày và dài nhất là 21 ngày.

Ngoài cảnh phải đóng cửa một phần, chính phủ Mỹ còn đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nếu như một dự luật khẩn cấp không được thông qua trước 17/10. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, trong khi các khoản phải chi là gấp đôi. Chính phủ Mỹ sẽ chính thức hết sạch tiền vào khoảng 22/10 - 1/11, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Hạ viện và Trung tâm chính sách lưỡng đảng.

Nhật Nam/ VnExpress
0

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Tuyên bố chung về quan hệ Việt-Trung thời kỳ mới

Trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường, hai bên đã ra tuyên bố chung.

TTXVN xin giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường gặp gỡ báo chí sau khi hội đàm.
(Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường đã thăm chính thức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013.

Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong không khí chân thành, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như tình hình quốc tế, khu vực hiện nay và các vấn đề cùng quan tâm.

2. Hai bên đã nhìn lại và đánh giá cao sự phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định sẽ tuân theo những nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Hai bên nhất trí cho rằng trong tình hình kinh tế, chính trị quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, việc hai bên tăng cường trao đổi chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như thế giới.

3. Hai bên đánh giá cao vai trò quan trọng không thể thay thế của tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc và thăm viếng cấp cao, xuất phát từ tầm cao chiến lược nắm vững phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới. Đồng thời, thúc đẩy trao đổi cấp cao qua nhiều hình thức như gặp gỡ bên lề các diễn đàn đa phương, sử dụng tốt đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao để đi sâu trao đổi các vấn đề trọng đại trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm.

4. Hai bên nhất trí tiếp tục sử dụng tốt cơ chế của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy tổng thể hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện tốt “Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các ngành Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế Thương mại, Công an, An ninh, Báo chí hai nước và giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo của hai Đảng; tổ chức tốt Phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, Phiên họp Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng; làm tốt các công tác như Tham vấn Ngoại giao thường niên, Tham vấn An ninh-Quốc phòng, đào tạo mở rộng cho cán bộ Đảng và Nhà nước; sử dụng hiệu quả đường dây điện thoại trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng, tăng cường định hướng đúng đắn báo chí và dư luận..., góp phần quan trọng cho việc tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, duy trì phát triển ổn định quan hệ hai nước.

5. Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng và đối tác quan trọng của nhau, đều đang ở trong thời kỳ then chốt của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích chung của hai nước, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện với trọng tâm là các lĩnh vực dưới đây:

a. Về hợp tác trên bộ

(i) Hai bên nhất trí nhanh chóng thực hiện “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016” và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm; thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng giữa hai nước để quy hoạch và chỉ đạo thực hiện các dự án cụ thể; sớm đạt nhất trí về phương án thực hiện và huy động vốn đối với dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội nhằm sớm khởi công xây dựng. Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy dự án đường bộ cao tốc Móng Cái-Hạ Long, phía Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia dự án này theo nguyên tắc thị trường, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về huy động vốn trong khả năng. Các bộ, ngành hữu quan hai nước đẩy nhanh công tác, sớm khởi động nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Hai bên nhất trí thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới”, tích cực nghiên cứu đàm phán ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung” (sửa đổi) nhằm phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác và phồn vinh ở khu vực biên giới hai nước.

(ii) Hai bên đồng ý tăng cường điều phối chính sách kinh tế thương mại, thực hiện tốt “Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản” và “Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia,” để thúc đẩy cân bằng thương mại song phương trên cơ sở bảo đảm thương mại tăng trưởng ổn định, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD. Phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc mở rộng thị trường. Phía Việt Nam sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn thành Khu công nghiệp Long Giang và Khu công nghiệp An Dương. Hai bên sẽ đẩy nhanh thi công, thúc đẩy sớm hoàn thành dự án Cung Hữu nghị Việt-Trung.

(iii) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế...

(iv) Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền giữa hai nước, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác hàng năm; tiến hành Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu giữa hai nước, thúc đẩy công tác mở cửa, nâng cấp một số cặp cửa khẩu biên giới trên bộ, sớm chính thức mở cặp cửa khẩu quốc gia Hoành Mô-Động Trung; thúc đẩy đàm phán về “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc” sớm đạt được tiến triển thực chất, sớm khởi động vòng đàm phán mới và đạt nhất trí về “Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân”, sớm hoàn thành xây dựng các cầu qua biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước.

b. Về hợp tác tiền tệ

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư. Trên cơ sở Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân hàng trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên. Hai bên quyết định thành lập Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ giữa hai nước, để nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro tài chính tiền tệ của hai bên, duy trì ổn định và phát triển kinh tế hai nước và khu vực. Tăng cường điều phối và phối hợp đa phương, cùng nhau thúc đẩy hợp tác tài chính tiền tệ khu vực Đông Á.

c. Về hợp tác trên biển

Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Theo tinh thần đó, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc.

Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ, Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.
Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

6. Hai bên nhất trí tổ chức tốt các hoạt động như Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ hai, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, Liên hoan Nhân dân Việt-Trung…, nhằm bồi dưỡng ngày càng nhiều thế hệ tiếp nối sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên nhất trí thành lập Viện Khổng Tử tại Việt Nam và đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, thiết thực tăng cường tuyên truyền về quan hệ hữu nghị Việt-Trung, làm sâu sắc sự hiểu biết và hữu nghị giữa người dân hai nước.

7. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc hoan nghênh lập trường trên của Việt Nam.

8. Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị Cấp cao Đông Á..., cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Hai bên đánh giá cao những thành tựu to lớn đạt được trong phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhất trí lấy dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc làm cơ hội tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược. Phía Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”, nâng cấp Khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Việc ASEAN và Trung Quốc triển khai hợp tác rộng rãi có vai trò hết sức quan trọng đối với thúc đẩy hòa bình, ổn định, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau tại khu vực Đông Nam Á.

Hai bên nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).

9. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký “Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia,” “Bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới,” “Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam,” “Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu” và Nghị định thư kèm theo, “Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ,” “Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang,” “Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội” và một số văn kiện hợp tác kinh tế.

10. Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhất trí cho rằng chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển và hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực./.

(TTXVN)
0

Tăng cường hợp tác tàu hải quân Việt Nam và Nga

Chiều 15/10, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc Hội đàm giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đoàn Liên ngành Nga. Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ngài Morgulov I.V, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Nga đồng chủ trì.

Tại hội đàm, hai bên đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian qua.

Đặc biệt trên lĩnh vực hợp tác về kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng, hợp tác đào tạo cán bộ, hai bên đã thường xuyên được củng cố, tăng cường và phát triển.

Hai bên cũng nhất trí trong thời gian tới cần tăng cường tạo điều kiện cho tàu hải quân 2 nước thăm cảng biển, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; đẩy mạnh xúc tiến hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; hợp tác về đảm bảo năng lượng, an ninh năng lượng ở mỗi nước.

Ngoài ra, hai đoàn đã trao đổi, thống nhất một số nội dung mà phía Việt Nam và Liên bang Nga cùng quan tâm./.

Nguồn: TTXVN
0

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Sức mạnh của Việt Nam tại biển Đông sẽ gia tăng

(TNO) Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định trên trang tin The Diplomat hồi đầu tuần này: Với sự giúp đỡ của Nga, sức mạnh của Việt Nam tại biển Đông sẽ gia tăng.

Cán cân sức mạnh hải quân tại biển Đông sẽ thay đổi vào cuối năm 2013 khi Việt Nam nhận hai chiếc tàu ngầm chiến đấu hiện đại lớp Kilo từ Nga, ông Thayer cho hay. The Diplomat đăng tải nhận định của ông Thayer hôm 8.10.

Hai chiếc tàu ngầm này nằm trong số sáu tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga, dự kiến hoàn tất hợp đồng vào năm 2016.


Kilo là lớp tàu ngầm đa năng, tác chiến trên nhiều phương diện - Ảnh: vnplus

Vào tháng 5.2012, Việt Nam và Nga đã nâng mối quan hệ "đối tác chiến lược" lên mức "đối tác chiến lược toàn diện".

Giáo sư Thayer cho rằng các thương vụ mua trang thiết bị, công nghệ quân sự và các khóa huấn luyện quân đội là trọng tâm của mối quan hệ hợp tác này.

Theo biên bản thỏa thuận đạt được giữa hai nước về hợp tác hải quân, hai bên đã thiết lập một nhóm nghiên cứu chung. Ngoài ra, Nga và Việt Nam cũng đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự cho đến năm 2020.

Trong năm 2013, Nga và Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận mới về mua bán vũ khí và trao đổi công nghệ quân sự quan trọng, giáo sư Thayer nhận xét.

Chẳng hạn như vào tháng 2, Việt Nam đã ký kết với phía Nga để đặt mua thêm hai khinh hạm lớp Gepard.


Hai chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ tuần tra trên biển Đông vào tháng 6 - Ảnh: Đỗ Hùng

Trước đó vào năm 2011, Việt Nam cũng đã nhận bàn giao hai chiếc khinh hạm lớp Gepard được đặt mua vào năm 2005.

So với hai chiếc tàu cũ, hai khinh hạm lớp Gepard mà Việt Nam vừa đặt mua sẽ được trang bị động cơ đẩy hiện đại hơn và có thêm nhiều vũ khí chống tàu ngầm, hãng tin RIA Novosti (Nga) cho hay.

Zelenodolsk, nhà máy chịu trách nhiệm đóng hai tàu nói trên, cho biết hai chiến hạm này được thiết kế để đối phó với các mục tiêu trên không, trên biển và tàu ngầm, đồng thời có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.

Trong cuộc gặp gỡ tại Hà Nội vào tháng 3, bộ trưởng quốc phòng Nga và Việt Nam khẳng định hai nước sẽ tiếp tục các cuộc huấn luyện quân đội, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự, cũng như sẽ có thêm các thương vụ mua bán vũ khí.

Trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh hồi tháng 8, bộ trưởng hai nước cũng đã bàn bạc về việc cùng thiết lập một trung tâm bảo trì, sửa chữa tàu và tàu ngầm của Việt Nam (các loại do Nga và Liên Xô đóng).

Tại buổi gặp gỡ này, Bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigo đã đặt vấn đề rằng Việt Nam nên cho phép tàu chiến Nga ghé vịnh Cam Ranh để sửa chữa và bảo trì, đồng thời thủy thủ hải quân Nga có thể nghỉ ngơi tại đây.

Khoảng 10 ngày sau chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, hãng tin Interfax (Nga) cho hay Nga đã ký hợp đồng bán cho Việt Nam thêm 12 chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK2 với giá tổng cộng trên 600 triệu USD.


Một chiếc Sukhoi Su-30MK2 của Không quân Việt Nam cất cánh bay huấn luyện - Ảnh: Đỗ Hùng - Tấn Tú

Lô hàng này sẽ được giao làm 3 đợt, mỗi đợt giao 4 chiếc, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2015.

“Đội tàu ngầm mới, kết hợp với các chiến đấu cơ Su-30, sẽ gia tăng sức mạnh của Việt Nam tại biển Đông, đồng thời giúp nước này tăng cường khả năng chống tiếp cận/từ chối xâm nhập (A2/AD)”, giáo sư Thayer đánh giá.

Hoàng Uy

>> Những tàu ngầm Kilo Việt Nam đặt mua có tên gì ?
>> Nga chuẩn bị khởi công hai tàu hộ vệ Gepard cho Việt Nam
>> Nga bán thêm 12 chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK2 cho Việt Nam
>> Việt Nam có trung tâm bảo trì, sữa chữa tàu ngầm vào năm 2015?

0

Đài Loan thăm dò dầu khí ở vùng Trường Sa

Hôm nay, 09/10/2013, một nghị sĩ Đài Loan thông báo là nước này đã tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng Trường Sa, một hành động có thể gây thêm căng thẳng trên vấn đề chủ quyền quần đảo này.


Theo lời nghị sĩ nói trên, thứ Hai, 07/10 vừa qua, một đội kỹ thuật viên của công ty dầu khí Nhà nước CPC của Đài Loan đã đến đảo Ba Bình ( mà Đài Loan gọi là Thái Bình ), đảo hiện nằm dưới sự kiểm soát của Đài Bắc. Họ đã hoàn tất việc thăm dò địa chất ngày hôm qua và đã trở về nước với sự hộ tống của hai chiến hạm. Theo dự kiến, sẽ có những chuyến thăm dò địa chất khác ở khu vực đảo Ba Bình.

Việc thăm dò địa chất đã được tiến hành sau khi vào năm 2011, chính phủ Đài Loan cấp giấy phép cho công ty CPC khai thác dầu khí ở khu vực đảo Ba Bình, Trường Sa. Tại đây đang có một đơn vị lính tuần duyên Đài Loan trú đóng. Trong năm nay, Đài Loan cũng đã gởi các dàn súng cối và súng phòng không đến đảo này, gây phản ứng giận dữ từ phía Việt Nam. Đài Loan cũng thông báo sẽ xây một bến cảng đủ lớn để có thể tiếp nhận các chiến hạm. Vào giữa năm 2006, Đài Loan đã xây một phi đạo trên đảo Ba Bình, bất chấp phản đối của Việt Nam.

Theo RFI
0