Ngày nay, với sự ra đời của điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính xách tay, mọi nơi, mọi lúc, chúng ta đều kết nối với thế giới. Cuồng nhiệt, thiếu kiên nhẫn, bị phụ thuộc…Già trẻ, lớn bé đều bị màn hình máy tính làm biến đổi và chúng ta ôm lấy chúng cả ngày lẫn đêm.
Tạp chí dẫn trường hợp một số nhân chứng thuật lại tầm quan trọng và ảnh hưởng to lớn của các công cụ này trong cuộc sống của họ. Trẻ em mới hai tuổi đã nghiện chơi Ipad, khi cha mẹ không cho sử dụng thì đập đầu ăn vạ. Người lớn cũng không thoát khỏi cơn nghiện này, cứ ôm lấy smarthphone, máy tính bảng mà kết nối facebook hay lướt nét. Con cái đi học về muốn khoe điểm học tập mà cha mẹ cũng thờ ơ. Thanh niên hàng ngày gửi trung bình 60 tin nhắn trên điện thoại.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy Internet có hại cho trí nhớ và sự tập trung. Các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ tiếp xúc với màn hình. Trẻ em đánh máy thay vì viết tay cũng bị mắc chứng loạn đọc. Khi viết bằng tay, trẻ em nhớ lâu hơn mặt chữ.
Về đề tài này, tạp chí Le Nouvel Observateur phỏng vấn bác sĩ, giáo sư dạy hóa sinh Bernard Sablonnière. Ông cảnh báo không nên lạm dung, sử dụng quá nhiều các loại máy vi tính, điện thoại thông minh. Các giáo viên đều phàn nàn rằng học sinh thiếu tập trung trong giờ học do ôm lấy máy tính hay điện thoại sử dụng không ngừng nghỉ. Theo ông, đối với não bộ của trẻ, nên hạn chế nhồi nhét các cảm xúc thuộc về thị giác. Ở trẻ em, não bộ vẫn đang trong trạng thái xây dựng, nên khi một loạt các hình ảnh thông tin đến quá nhanh, não bộ chưa kịp xử lý đầy đủ và ghi nhớ các thông tin. Điều đó có thể gây hại đến mối quan hệ con người. Ngoài ra, thiếu vận động thể chất sẽ gây hại đến quá trình oxy hóa não bộ, đặc biệt là để xả stress. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, ở mọi lứa tuổi, cần phải bỏ máy tính bảng sang một bên để hoạt động thể thao.
Còn theo nhận định của một triết gia thì khi ta kết nối qua các màn hình, chúng ta cứ nghĩ là đang trao đổi với cả thế giới nhưng không phải, chúng ta đang thu minh lại và mất mối quan hệ với con người. Do đó, nên ưu tiên quan hệ trao đổi giữa người với người, chứ không phải là thông qua bức tường ngăn cách của màn hình máy tính.
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét