Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vinh Cam Ranh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vinh Cam Ranh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Nga mở đường bay tới Vịnh Cam Ranh

13/11/2012- Hàng không Nga chuẩn bị mở đường bay trực tiếp từ Chelyabinsk tới Cam Ranh, Khánh Hòa.


Thành phố Chelyabinsk nằm tại vùng núi Ural ngăn cách châu Âu và châu Á. Thành phố này là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Nga.

Hãng tin Interfax-Ural cho hay hôm thứ Hai 12/11 rằng ngay mùa đông này, sẽ có các chuyến bay định kỳ từ Chelyabinsk tới Cam Ranh.

Tuy nhiên hãng này không cho biết tần suất các chuyến bay.

Trước đây, Hàng không Vladivostok cũng đã có các chuyến bay đưa khách Nga từ Vladivostok và Khabarovsk tới Cam Ranh, nhưng không thường xuyên.

Mục tiêu là thúc đẩy khách Nga đi du lịch ở miền Trung Việt Nam.

Gần đây cũng có thông tin nói Nga đang vận động để xây dựng một cơ sở nghỉ dưỡng ở Cam Ranh.

Địa chỉ quen thuộc

Cam Ranh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung đã trở nên quen thuộc với người Nga kể từ khi quân đội Nga được quyền sử dụng quân cảng Cam Ranh.

Theo một thỏa thuận ký giữa hai nhà nước, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga sử dụng cảng Cam Ranh trong 25 năm từ năm 1979.

Đây từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô bên ngoài lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên hoạt động của hải quân Nga dần dần bị thu nhỏ cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và năm 2002, trước khi thỏa thuận thuê Cam Ranh hết hiệu lực, Nga đã rút hoàn toàn khỏi nơi đây.

Việt Nam sau đó tuyên bố sẽ không sử dụng Cam Ranh cho mục đích quân sự nữa.

Trong tình hình mới, Vịnh Cam Ranh sẽ là nơi Việt Nam lập căn cứ tàu ngầm và sự tham gia của người Nga, quốc gia sản xuất tàu ngầm cho Việt Nam, là không thể tránh khỏi.

Hải quân Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần sử dụng cơ sở dịch vụ của cảng Cam Ranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã bắt đầu chuyến thăm Việt Nam tháng Sáu năm nay ở Cam Ranh.

Nguồn: BBC
0

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Nga-Việt: Đàm phán việc thành lập căn cứ mới ở Cam Ranh

08/11/2012- Chủ đề thành lập căn cứ dành cho các tàu Nga ở Cam Ranh đang tiếp tục bàn bạc, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nói với các nhà báo.


Chúng tôi đã thảo luận về việc thành lập căn cứ cho các tàu Nga ở Cam Ranh – ông Medvedev cho biết - Đây là chủ đề của chương trình nghị sự và đang tiếp tục thỏa thuận."

Thủ tướng nói thêm rằng hai bên đã xác định được với các đối tác và phía Việt Nam sẽ tự quyết định cách hợp thức mối quan hệ với các đối tác. “Chủ đề này đã và sẽ được tiếp tục được thảo luận. Tôi nghĩ rằng nó sẽ có kết quả tích cực", Đài Tiếng nói nước Nga cho hay.

Báo Đất Việt dẫn tin Itar-Tass nói Việt Nam đã quyết định hình thức hợp tác trong vấn đề này. Thủ tướng Nga đánh giá việc hợp tác là khả quan.


Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev lạc quan với khả năng Nga quay lại Cam Ranh

Trước đây, Liên Xô/Nga từng thiết lập căn cứ quân sự ở Cam Ranh. Vịnh có thể tránh được bão từ biển Đông nhờ một bán đảo dài chừng 30km. Với địa thế của mình, Cam Ranh được coi là cảng nước sâu tốt nhất trên thế giới.

Thời chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh là một trong những căn cứ hậu cần lớn của Mỹ. Người Mỹ đã xây dựng sân bay và một cảng biển hiện đại tại Cam Ranh. Sân bay Cam Ranh là nơi đóng quân của phi đội máy bay tiêm kích chiến thuận số 1 và phi đội máy bay vận tải của Mỹ.

Hồi tháng 6-2012, Trang Defense-update nói Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Panetta đã trình bày rõ ràng ​​rằng Washington mong muốn cảng Cam Ranh mở cửa cho tàu chiến Mỹ. Panetta nói rằng Hoa Kỳ hy vọng sẽ "làm việc với các đối tác của chúng tôi như Việt Nam để có thể sử dụng bến cảng như thế này khi chúng tôi di chuyển tàu từ các cảng trên bờ biển phía Tây hướng tới các trạm của chúng tôi ở đây, trong Thái Bình Dương".

Ông đã nói rằng "việc cho phép tàu chiến Mỹ vào Vịnh Cam Ranh là một phần quan trọng của mối quan hệ này (Việt-Mỹ) và chúng ta thấy một tiềm năng to lớn cho tương lai". "Làm việc với Việt Nam để phát triển vịnh Cam Ranh thành một cảng thương mại quốc tế có lợi nhuận, Mỹ hy vọng sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam cho Hoa Kỳ tiếp cận quân sự sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận của vịnh.

Tuy nhiên, Việt Nam và Hoa Kỳ không đạt được thỏa thuận cho phép tàu chiến Mỹ vào Cam Ranh do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề "nhạy cảm" giữa Việt Nam và Trung Quốc ( Hà Nội chủ trương đối ngoại hòa bình, Việt Nam muốn làm bạn của tất cả các nước, "không theo nước này để chống nước kia",... trong khi Mỹ đang xây dựng "Vòng cung lửa" để bao vây Trung Quốc).

Tháng 5/1979, Việt Nam và Nga ký một bản thỏa thuận sử dụng cảng Cam Ranh như một điểm bảo dưỡng cho các tàu Hải quân Liên Xô trong thời gian 25 năm.

Từ năm 1989, tàu chiến Liên Xô bắt đầu rút khỏi căn cứ.

Sau khi Hải quân Nga hoàn toàn rút khỏi Cam Ranh vào tháng 5/2002, Việt Nam tuyên bố sẽ không cho quân đội bất kỳ nước nào thuê Cam Ranh làm căn cứ.

Ngày 12/12/2009, Việt Nam mở cửa sân bay quốc tế tại Cam Ranh./.

1

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Tại vịnh Cam Ranh: Ụ nổi hàng trăm tỷ đồng bị bỏ hoang

(Dân Việt) - Nhiều năm qua, một ụ nổi mang tên Venture Dock 2 trị giá 11,5 triệu USD nằm phơi nắng phơi mưa trên vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) và đang gỉ sét...


Tiền tấn vứt trên biển


Từ tháng 8.2008, trên vịnh Cam Ranh, khu vực bãi trước đảo Bình Lập xuất hiện một ụ nổi 12.500 tấn mang tên Venture Dock 2. Cũng từ đó, chiếc ụ nổi khổng lồ này cứ nằm mãi, trở thành nơi để người dân và du khách đến… câu cá. Trong vai du khách, chúng tôi nhờ người quen giới thiệu để tiếp cận ụ nổi sau khi không thể khai thác thông tin từ Cảng vụ Cam Ranh.


Ụ nổi hàng trăm tỷ đồng đang bị bỏ hoang cho gỉ sét tàn phá.

Mặt ngoài thành và toàn bộ mặt sàn ụ nổi đã chuyển màu đỏ quạch gỉ sét. Thành cầu thang lên trung tâm điều khiển đã "rụng" một đầu, bậc thang bị ăn mòn hơn nửa. Hệ thống phòng cháy chữa cháy, ống dẫn nước… gãy đứt, rơi rụng mỗi nơi một khúc. Dây neo rữa ra thành bột nằm chất đống trên mặt sàn phủ một lớp dày mảnh gỉ sắt…


Ban đầu, hai nhân viên đang trực ở đây ngừng việc câu cá, cởi mở trò chuyện nhưng sau khi nhận điện thoại, họ cương quyết yêu cầu "du khách" rời tàu. Trên đường về, "người quen" của chúng tôi liên tục nhận điện thoại tra vấn "đưa nhà báo lên ụ nổi làm gì…".


Hải quan Khánh Hòa cho biết, chiếc ụ nổi này trị giá 11,5 triệu USD (khoảng hơn 230 tỷ đồng), nhập cảnh vào vịnh Cam Ranh ngày 9.8.2008 từ Singapore. Mục đích là để chờ phục vụ sửa chữa tàu biển tại Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh (gọi tắt và Vinashin Cam Ranh - thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin), nhưng nằm mãi không hoạt động và đến nay cũng chưa làm thủ tục hải quan.


Truy lùng chủ hàng


Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Khánh Hòa, cho biết: Từ tháng 1.2012, Hải quan đã phải mở đợt điều tra truy tìm chủ hàng của chiếc ụ nổi này. Hồ sơ ban đầu không phản ảnh cụ thể chủ hàng ngoài một đại lý hàng hải thay mặt cho bên bán ở nước ngoài. Đến khi lần ra được tên đơn vị nhập khẩu thì công ty này lại thay đổi trụ sở. Cũng theo Hải quan Khánh Hòa, có rất nhiều đối tác trong "phi vụ" Venture Dock 2 nhưng chưa thể cung cấp thông tin vì vẫn chưa điều tra xong.


Ụ nổi Venture Dock 2 dài 166,5m, cao 14m, đóng năm 1999 tại Indonesia, mang cờ Singapore nhưng quốc tịch Mông Cổ. Ụ nổi này có 5 cẩu, trong đó 2 cẩu 80 tấn, 2 cầu 70 tấn và 1 cẩu 100 tấn. Ụ đến vịnh Cam Ranh ngày 9.8.2008, trị giá lúc mua là 11,5 triệu USD.

Bà Trần Thị Hiền - Giám đốc Công ty CP Vận tải biển và thương mại Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn), đơn vị nhập khẩu ụ nổi Venture Dock 2, cho biết: Mục đích ban đầu là tạm nhập - tái xuất nhưng không thành.


Công ty Long Sơn sau đó đã thống nhất bán lại ụ nổi Venture Dock 2 cho một công ty thứ 2 và năm 2010, công ty này đã hợp tác với Vinashin Cam Ranh để khai thác ụ nổi. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa đã không cho phép sử dụng ụ nổi tại vịnh Cam Ranh (vì ô nhiễm môi trường).


Chiều 12.6, ông Bùi Hữu Sỹ - Tổng Giám đốc Vinashin Cam Ranh xác nhận có kế hoạch hợp tác khai thác ụ nổi Venture Dock 2, nhưng lại khẳng định: "Chúng tôi không biết Công ty Long Sơn nào cả".


Được biết, Công ty Long Sơn đã vay tiền của một ngân hàng và lấy chính ụ nổi này thế chấp làm tài sản đảm bảo. Hiện nay, mỗi tháng ụ nổi này "ngốn" hơn 1,72 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng (có thời điểm lên tới 4,6 tỷ đồng/tháng) và hơn 60 triệu đồng tiền phí neo đậu. Thông tin từ Cảng vụ Nha Trang, kể từ ngày vào đậu tại vịnh Cam Ranh, chủ sở hữu của ụ nổi vẫn chưa đóng phí neo đậu.


http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/danviet.vn/Tai-vinh-Cam-Ranh-U-noi-hang-tram-ty-dong-bi-bo-hoang/8676104.epi
0

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Vịnh Cam Ranh: Chuyện thật như bịa!

04/6/12- (Tuần Việt Nam) Xuống địa phương thấy lúc nào cán bộ cũng bận họp, bận đi cơ sở. Vậy đi cơ sở làm gì khi mà những chuyện "tầy đình" xẩy ra lại không hay biết?

Mấy tuần gần đây, liên tiếp có nhiều chuyện "nóng" khiến dư luận bàn tán. Mới đây nhất, lại chuyện các thương lái Trung Quốc vào làm ăn buôn bán ở khắp đất nước ta cứ như chỗ... không người.

Chuyện "lắc và gật"

Làm ăn, buôn bán, chuyện sang tận "xứ người" đầu tư thời hội nhập cũng là "chuyện thường ngày ở huyện" nên không thể "bế quan tỏa cảng".

Chúng ta cũng sang tận bên kia đại dương, cách nửa vòng trái đất đầu tư khai thác còn gì.

Hội nhập mở cửa thì mọi thứ đều phải chấp nhận, vấn đề là sức đề kháng của cơ thể. Và thứ nữa là phải biết "gật' và biết "lắc" đúng lúc đúng việc.

Có quá nhiều bài học cho sự "lắc và gật".

Nhiều nhà máy đường, rồi nhà máy xi măng lò đứng có dạo ồ ạt tràn sang. Có đại biểu Quốc hội đăng đàn cảnh báo và nói rõ nếu chúng ta cứ "gật" như vậy sớm muộn đất nước ta sẽ trở thành bãi rác.

Chuyện "lắc và gật" dư luận còn lên tiếng trong nhiều dự án cụ thể: Cho thuê rừng đầu nguồn, nơi biên giới. Sân golf ở mũi Sa Vĩ địa bàn quan trọng địa đầu tổ quốc. Các dự án ở những vị trí chiến lược thời gian qua...cũng đã "nóng" tại Hội trường Quốc hội.

Người viết bài này đã từng đến dự án sân golf ở Móng Cái ngay sát cửa khẩu sông Bắc Luân.

Bên kia là đất láng giềng, nơi có dự án nhà máy điện hạt nhân, còn bên này là dự án sân golf.

Địa phương cho biết dự án này phải báo cáo lên trên. Trên đã thẩm định chu đáo nên mới "gật". Nhưng nhiều người đến đây vẫn thấy tiếc cho một bãi biển non nước hữu tình sát biên giới- bãi biển Trà Cổ- không được đầu tư lại mọc lên một dự án khác. Và quan trọng đây là một vị trí chiến lược như nhiều người đã từng lên tiếng.

Và chuyện không "lắc" không "gật"

Nhưng có những chuyện không "lắc", cũng không "gật" nhưng vẫn xẩy ra. Chuyện mua cua ở Cà Mau, mua dứa, mua khoai ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi hỏi thì chính quyền sở tại không biết, cũng chả ai "gật".

Mới đây nhất, việc thương lái Trung Quốc vào tận quân cảng Cam Ranh nuôi cá. Khi báo chí lên tiếng thì địa phương mới giật mình chỉ đạo cơ sở báo cáo.

Lạ nhỉ, đất nước ta có tiếng là trật tự, kỷ cương, quản lý chặt chẽ từ trên xuống dưới cơ mà.


Lồng bè do những người Trung Quốc điều hành tại Cam Ranh


Việc gì ở đâu đều không thể thoát được sự quản lý. Ví như các vụ tội phạm. Nhiều vụ việc những tên tội phạm gây án không hề để lại dấu vết mà chúng ta đã nhanh chóng truy nã và phát hiện được chỉ trong ít thời gian...

Thế mà ở đây thương lái Trung Quốc không những vào thu mua cá mà còn tổ chức nuôi lồng bè cá chỉ cách quân cảng Cam Ranh có 300m.

Lại còn chuyện những người này đã kịp thời... lấy vợ "tại trận" như cái anh A Giót. Ông thương lái này lấy được một chị vợ ở ngay Cam Ranh mà địa phương cũng không biết mới là chuyện thật như bịa.

Cam Ranh là quân cảng và giá trị của nó như thế nào, người Việt Nam chắc ai cũng đều hiểu.
Việc bất chấp tất cả làm ngơ cho người nước ngoài vào đây làm những việc "bình thường mà không bình thường" nên chăng cần làm rõ.

Khi nhiều thông tin đăng tải trên báo, Thành ủy Cam Ranh liền chỉ đạo UBND Cam Ranh báo cáo. Ngay sau đó UBND Khánh Hòa có văn bản khẩn yêu cầu TP Cam Ranh vào cuộc và phải báo cáo sớm.

Thật là một sự chỉ đạo khẩn trương. Tuy muộn!

Thôi thì các vụ khác họ có thu mua như cua, dứa, đỉa, hay như móng trâu, râu ngô non rồi "chuồn" thì còn có lý do, đằng này lại tổ chức cả 4 cơ sở thu mua cá và 1 cơ sở nuôi với rất nhiều lồng bè vào cỡ nhất nhì cơ mà.

Tài thật, tài không thể hiểu nổi.

Mà sao bây giờ hệ thống chính quyền ta chỗ nào cũng được Nhà nước trả lương lại làm ăn thế nhỉ? Không biết họ làm gì?

Đọc báo chí, nghe tin tức mà thấy giật mình. Đành rằng ở tận Trung ương không nắm được phải chỉ đạo báo cáo để nắm. Đằng này ngay việc của địa phương cũng không nắm được lại phải dưới báo cáo.

Thế những cuộc hội họp giao ban hàng ngày hàng tuần đều có, sao không có ai phản ảnh? Xuống địa phương thấy lúc nào cán bộ cũng bận họp, bận đi cơ sở. Vậy đi cơ sở làm gì khi mà những chuyện "tầy đình" xẩy ra lại không hay biết?

Không biết là điều đáng trách nhưng biết mà không báo cáo mới là chuyện đáng đặt dấu hỏi? Phải chăng là bao che hay còn gì nữa không?

Cam Ranh là quân cảng và giá trị của nó như thế nào, người Việt Nam chắc ai cũng đều hiểu.

Việc bất chấp tất cả làm ngơ cho người nước ngoài vào đây làm những việc "bình thường mà không bình thường" nên chăng cần làm rõ.

Đăng Tấn

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/74985/vinh-cam-ranh--chuyen-that-nhu-bia-.html

1