Ông Sergey Chemezov – TGĐ Rostec tuyên bố Tập đoàn hàng đầu của Nga về công nghiệp quốc phòng này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển công nghệ vũ trụ. Thông cáo báo chí vừa phát đi từ Tập đoàn Rostec cho biết họ sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong các chương trình công nghệ hàng không vũ trụ. Theo đó, với năng lực vượt trội, Tập đoàn Rostec có thể giúp Việt Nam trong Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ cho tới năm 2020.
Rostec đang có sự phát triển nhanh chóng và năng động trong ngành công nghiệp vũ trụ, tích hợp hiệu quả thành tựu công nghệ từ nhiều lĩnh vực khám phá không gian. Trong đó:
– Động cơ (tên lửa đẩy) được sản xuất bởi Liên hiệp chế tạo động cơ thống nhất (UEC) đã đưa các tàu vũ trụ Soyuz lên không gian.
– Technodinamika sản xuất các hệ thống hỗ trợ sự sống và sinh hoạt cho các phi công và phi hành gia, bao gồm cả bộ đồ chuyên dùng cho phi công vũ trụ Orlan-MKS.
– Hệ thống quang học thiết kế bởi Shvabe được lắp đặt trên các vệ tinh thám sát trái đất và chúng cũng được sử dụng phổ trên các phương tiện giám sát chủ yếu trên thế giới.
– RT‑Chemcomposite chế tạo vật liệu composit độc đáo có khả năng chịu được siêu trọng tải và nhiệt độ lớn.
“Nga và Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác truyền thống lâu dài hết sức hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam đang đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực khám phá không gian, và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các dự án của các bạn Việt Nam”, ông Sergey Chemezov – TGĐ Tập đoàn Rostec vui mừng bày tỏ.
“Rostec có nền tảng vượt trội trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ không gian. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các giải pháp tích hợp để ứng dụng vào những chương trình không gian của Chính phủ Việt Nam”.
Vì thế, thông qua Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport (thành viên của Tập đoàn Rostec) và trên cơ sở mối quan tâm các đối tác (nước ngoài), các doanh nghiệp chế tạo tên lửa – công nghệ vũ trụ Nga thiết kế và phóng những phương tiện vũ trụ với nhiều ứng dụng khác nhau.
Đồng thời các thành viên của Rostec còn sản xuất những hệ thống điều khiển mặt đất để quản lý điều hành tàu vũ trụ và chế tạo nhiều tổ hợp để tiếp nhận và xử lý dữ liệu thu được từ các tàu vũ trụ cũng như cung cấp cho đối tác nước ngoài những dữ liệu bản đồ không gian dựa trên kết quả từ các cuộc khám phá vũ trụ.
Bên cạnh đó, Rosoboronexport cũng hỗ trợ đào tạo chuyên gia cho các nước đối tác để tiếp thu quy trình xử lý và phân tích những dữ liệu nhận được từ các phương tiện thám sát trái đất.
Rosoboronexport sẵn sàng đề xuất các dự án độc đáo một cách toàn diện và hiệu quả dành cho đối tác, ví dụ cụ thể như đưa nhà du hành vũ trụ người Malaysia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong khuôn khổ hợp đồng cung cấp tiêm kích đa năng Su-30MKM cho nước này.
Tính đến nay, Rosoboronexport đã hỗ trợ thành công trong việc đưa 30 phương tiện không gian từ 14 quốc gia lên vũ trụ, bao gồm cả các quốc gia như Anh, Đức, Italia, Trung Quốc, Na Uy, Thụy Điển và Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Theo Thời Đại