Vibay

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Việt, Nga đẩy mạnh phát triển các dự án hợp tác năng lượng ở Biển Đông


Lá cờ truyền thống của PetroVietnam (phải) tung bay bên cạnh quốc kỳ và cờ của Đảng Cộng sản, ảnh chụp trước trụ sở chính của PetroVietnam ngày 11/1/2016. REUTERS/Kham

Việt Nam và Nga đang thắt chặt hợp tác kinh tế với các dự án phát triển dầu khí trên Biển Đông giữa lúc cả hai nước đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt thương mại. Trong khi Việt Nam cố chống lại áp lực kinh tế từ nước láng giềng phương Bắc giữa cuộc tranh chấp lãnh hải gay gắt ở Biển Đông, thì Nga hình như cũng đang tiến hành một “chính sách hướng Đông” của chính mình, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang bị tác động nặng nề bởi các biện pháp chế tài của các nước phương Tây để trừng phạt việc Moscow sáp nhâp bán đảo Crimea của Ukraine. Nhưng những dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nga để phát triển các tài nguyên dầu khí ở Biển Đông có thể gây phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, và lệnh cấm vận của các nước Tây phương cũng cản trở việc hoàn tất các dự án chung khác.

Khoảng trung tuần tháng 11 năm 2018, Thủ Tướng Dimitry Medvedev sang Hà nội gặp vị tương nhiệm Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Dịp này, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết của hai nước sẽ hợp tác để phát triển các dự án khai thác năng lượng ở Biển Đông, bên cạnh một số hình thức hợp tác kinh tế khác.

Báo chí Việt Nam tường thuật rằng tại cuộc họp với lãnh đạo Nga, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc gián tiếp chỉ trích các hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói các nước nên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và với sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Vẫn theo báo chí trong nước thì ông Medvedev đã hưởng ứng lời kêu gọi đó của ông Phúc.

Tập đoàn dầu khí quốc gia do nhà nước sở hữu, Petro Vietnam, và tập đoàn sản xuất khí đốt lớn nhất của nhà nước Nga, Gazprom, đồng ý cùng hợp tác để khai thác khí đốt tại các giếng trên thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông. Ông Medvedev nói ông hy vọng là với sự hợp tác của công ty dầu khí quốc gia của hai nước, các quan hệ song phương sẽ được củng cố.

Tuy nhiên dự án khai thác chung đã bị đình lại do những phản đối dữ dội từ Trung Quốc, nước đã xây các cơ sở quân sự trong khu vực và tuyên bố hầu hết Biển Đông là thuộc chủ quyền của mình.

Trong bối cảnh đó, Hà nội ngày càng cảm thấy bất an về mức độ lệ thuộc quá nặng nề vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đó là một trong những động lực khiến Việt Nam tích cực tìm cách thắt chặt quan hệ với Nga và nhiều nước khác.

Nga cũng đang tìm cách thắt chặt các quan hệ với Việt Nam để tìm một chỗ đứng ở Đông Nam Á. Hà nội vẫn cho rằng Nga và Việt Nam có “quan hệ đặc biệt 7 thập kỷ”. Từ năm 2012, quan hệ Việt-Nga được miêu tả là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong những năm gần đây, hai bên đã có các cuộc thăm viếng cấp cao. Ngoài chuyến đi thăm Hà nội mới đây của Thủ Tướng Medvedev, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đã lần lượt đi thăm Nga. Tổng Thống Putin đã tới thăm Việt Nam 5 lần, gần đây nhất là năm 2017, khi ông đến dự hội nghị APEC ở Đà Nẵng.

Nhưng bất chấp Nga là "đối tác truyền thống rất quan trọng" của Việt Nam -như lời Tổng Bí Thư Trọng, và bất chấp Việt Nam là một trong những nước mua vũ khí nhiều nhất của Nga, Nga không phải là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Các quan hệ thương mại được đánh giá là “chưa tương xứng với quan hệ chính trị”. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 chỉ đạt 3,55 tỷ USD, một số liệu không đáng kể so với các đối tác thương mại khác của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tuy tăng 42% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên.

Lãnh đạo hai nước cho rằng cần khai thác tiềm năng đó hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch mậu dịch song phương tới 10 tỉ đôla vào năm 2020. Mục tiêu này sẽ còn tùy thuộc vào một số yếu tố.

Tình trạng các siêu dự án Việt-Nga bị đình trệ là điều đáng quan tâm, theo Câu lạc bộ Valdai, một tổ chức phi lợi nhuận Nga quy tụ các học giả Nga, các think-tank quốc tế, các giáo sư các đại học lớn của thế giới và các nhà nghiên cứu đến từ 71 nước. Valdai đơn cử dự án xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam đã bị đóng băng từ năm 2016, dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, xúc tiến từ năm 2014, tới giờ vẫn chậm tiến độ vì bị ảnh hưởng của lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt đối với nhà thầu của dự án là Power Machines của Nga…

Vì thế, theo Câu lạc bộ Valdai, trong năm 2019, kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, hai nước sẽ còn vấp phải một số trở ngại, mà muốn khắc phục, cần một “hướng tiếp cận chiến lược”.

Nguồn: VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét