THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Sáu, ngày 6/9/2013
TTXVN (New York 5/9)
Tờ “Al-Alam As-Siasyia ” (Chính trị thế giới) vừa có bài phân tích về chiến lược của Trung Quốc tìm kiếm quyền chi phối thế giới, kể cả các nước phương Tây, bắt đầu từ lợi thế kinh tế, thương mại, nội dung như sau:
Năm 2001, việc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), sai lầm chết người của phương Tây, đã cho phép Bắc Kinh thực hiện đầy đủ chiến lược chiến tranh kinh tế của mình, một chiến lược không nhằm gì khác ngoài việc bảo đảm cho Trung Quôc sự bá quyền thế giới và dựa vào sự thao túng đồng tiền của mình. Chủ nghĩa bảo hộ, mà sự định giá thấp đồng nhân dân tệ đã mang lại cho Trung Quốc một lợi thế đáng kể trong buôn bán quốc tế, mang lại cho Trung Quốc khả năng gom góp những số dư khổng lồ về thương mại. Việc chấp nhận kép này, cho phép Trung Quốc xuất siêu quá mức và gia nhập WTO, thực sự là một thảm họa đối với các nước phương Tây. Cách đây hơn 10 năm, các nước phương Tây đã trải qua một chuỗi gần như liên tục những khó khăn nghiêm trọng: từ năm 2001, thâm hụt thương mại khổng lồ và không ngừng tăng trong thương mại giữa họ với Trung Quốc; từ cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng bất động sản, ngân hàng, chứng khoán và kinh tế; từ năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ công và cuộc khủng hoảng về Liên minh kinh tế và tiền tệ của châu Âu; từ năm 2011 đến nay, hai loại đồng tiền dự trữ, đồng USD và đồng euro bị truất ngôi và sự lên ngôi của Trung Quốc ở Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đây không chỉ là sự thụt lùi, mà còn là một loạt thất bại thực sự của các nước phương Tây do việc Trung Quốc thực hiện một chiến lược nhằm làm mất ổn định các nước phương Tây để đặt cơ sở cho sự bá quyền của mình. Bằng chứng là mỗi bước thụt lùi của phương Tây đều tương ứng với một thắng lợi của Trung Quốc. Năm 2008-2009, tăng trưởng của Trung Quốc, khoảng 9% mỗi năm, liên quan rõ ràng đến sự suy thoái của các nước phương Tây trong suốt 6 quí liên tiếp. Công nghiệp chế biến của Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ. Năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ của phương Tây bắt đầu diễn ra và lan rộng do sự không nhân nhượng của chủ nợ Trung Quốc. Năm 2011, Trung Quốc có thể vui mừng trước việc đồng USD và đồng euro giảm giá mạnh, và chuẩn bị ngày càng công khai thay thế những đồng tiền này bằng đồng nhân dân tệ. Đồng thời, dựa vào 5.000 tỷ USD dự trữ, Trung Quốc tự khẳng định mình như người thay thế tất yếu của Quỹ tiền tệ quốc tế.
Tính hám lợi và cuộc khủng hoảng
Từ gần 5 thế kỷ nay, trong một mức độ khá rõ ràng, lịch sử của thế giới là lịch sử châu Âu chi phối thế giới và đặc biệt hơn là lịch sử của các cuộc đụng độ do việc thực hiện các chiến lược con buôn về thặng dư thương mại. Ban đầu, cần phải “tích trữ vàng”: đây là nguồn của cải và vì vậy cũng là sức mạnh. Như Pháp, Anh đã có được vàng nhờ xuất khẩu các sản phẩm chế biến của mình và đó là bí quyết thành công. Bất kỳ nước nào tìm kiếm của cải và sức mạnh, hai yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau, đều mong muốn là người xuất siêu trong thương mại với bên ngoài; nếu nước đó đủ lớn để thực hiện chiến lược này thì khi đó nó có thể ấp ủ những dự định bá quyền. Đó là trường hợp của Anh, nước đã mất 150 năm mới có thể tự khẳng định mình trước Pháp và là nước đã thống trị thế giới trong suốt thế kỷ 19. Đó cũng là Hoa Kỳ, nước đã tiến hành một cách kiên trì trong thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 một chính sách bảo hộ cho phép nước này tạo được những số dư thương mại ngày càng đáng kể; Nhật Bản, đến lượt mình, cũng ra sức đạt được như vậy từ năm 1950 đến 1989. Cần phải nhắc lại rằng Hoa Kỳ đã thực hiện chính sách bảo hộ thuế quan, Nhật Bản cho đến cuối những năm 1980 đã thực hiện chính sách bảo hộ tiền tệ dựa vào một tập hợp những quy định dẫn đến sự giảm giá đồng yên. Ở châu Âu, cuộc khủng hoảng những năm 1930 là sản phẩm của sự mất cân bằng lớn về thương mại giữa Hoa Kỳ có thặng dư và châu Âu bị thâm hụt và cũng là sản phẩm của chiến lược không hợp tác của Hoa Kỳ và thể hiện bằng sự phá giá đồng USD vào năm 1933 ngay giữa một hội nghị ở London. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhằm xem xét các vấn đề về tiền tệ trên thế giới. Khi đó Hoa Kỳ đã thông báo quyết định phá giá đồng USD so với vàng. Cuộc khủng hoảng này cũng đánh dấu một sự quá độ: chuyển từ sự bá quyền của Anh sang sự bá quyền của Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng mang bản chất như vậy. Nhưng lần này Trung Quốc giữ vai trò như Hoa Kỳ khi đó, trong khi thế giới phương Tây giữ vai trò như châu Âu khi đó. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này dường như đáng sợ hơn: Hoa Kỳ là một cường quốc dân chủ, Trung Quốc là một nhà nước cực quyền.
Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, sau khi đã bị chia cắt bởi các cường quốc châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản, Trung Quốc trở thành nơi diễn ra cuộc nội chiến dẫn đến việc thiết lập chế độ Cộng sản. Chế độ độc tài và mang tính tập thể này tỏ ra là một thảm họa cả về mặt kinh tế lẫn con người, với hàng chục triệu nạn nhân. Việc Đặng Tiểu Bình được phục hồi chức vụ vào năm 1978 đánh dấu một bước ngoặt mang tính quyết định: chấm dứt chủ nghĩa tập thể, chuyển tiếp dần tới chủ nghĩa tư bản… nhưng duy trì chế độ độc tài. Cuộc đàn áp tàn bạo phong trào “mùa Xuân Bắc Kinh” vào năm 1989, khi hàng nghìn sinh viên biểu tình đòi thiết lập nền dân chủ bị thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn, là một minh chứng khủng khiếp về sự duy trì nền độc tài. Chiến lược của Trung Quốc được cơ cấu xung quanh nền kinh tế: mở cửa thương mại; phát triển sản xuất trong khuôn khổ các hợp đồng làm thuê cho các hãng nước ngoài và công ty liên doanh thầu lại cho phép chuyển giao các công nghệ. Tất cả là nhờ sự kết hợp giữa khoản tiền lương thấp một cách không ngờ với một tỷ giá hối đoái được định giá thấp. Đây là một vũ khí rất lợi hại và là kết quả của sự điều khiển thường xuyên dựa vào một sự kiểm soát tỷ giá hối đoái rất chặt chẽ và sự can thiệp của ngân hàng trung ương đối với thị trường chứng khoán. Thực tế này đã giúp ích rất nhiều trong việc đạt được thặng dư thương mại rất đáng kể cho Trung Quốc, trong khi đó, ở phương Tây, lại là thâm hụt thương mại, sự phi công nghiệp hóa và mất ổn định hóa xã hội. Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, những hậu quả từ chiến lược ấy của Trung Quốc thực sự là thảm họa cho phương Tây, và nó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng bắt đầu vào năm 2007.
Các nước phương Tây trong cái bẫy của Trung Quốc
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện, chiến lược này đã được củng cố thêm bằng sự đồng tình của nhiều hãng phương Tây. Trong khi một số công ty liên doanh chuyển giao ồ ạt công nghệ cho Trung Quốc thì những hãng khác, rất đông, thầu lại của Trung Quốc việc sản xuất trên quy mô lớn, vì họ thấy có một lợi ích rõ ràng do mức lương thấp tại Trung Quốc. Họ nhận thấy sự hấp dẫn này còn lớn hơn so với việc định giá thấp một cách khó tin đồng nhân dân tệ. Các doanh nghiệp của Trung Quốc, trái với các doanh nghiệp của Nhật Bản, không phải là những đối thủ của các hãng phương Tây. Đây chính là lý do khiến Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập WTO. Kết quả là từ thời điểm ấy (2001), một số nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, Anh và Pháp, đã phải chịu đựng một biến động lớn phi công nghiệp hóa và thâm hụt thương mại gia tăng. Lúc đầu, các chính phủ phương Tây không nhận thấy rõ lắm mối nguy hiếm mà sự thâm hụt thương mại gia tăng gây ra đối với nền kinh tế của họ, và họ đã mặc nhiên chấp nhận hiện tượng này. Và lúc bấy giờ, họ chỉ nghĩ cách làm sao để bù đắp được sự thâm hụt trong cán cân thương mại để tăng trưởng kinh tế. Họ đã ra sức kích thích chi tiêu trong nước, cả chi tiêu tư lẫn chi tiêu công, và tùy theo mỗi nước nhấn mạnh hơn đến loại chi tiêu nào. Trong trường hợp Hoa Kỳ, nhờ những sự “đổi mới về tài chính” đúng lúc, người ta đã lợi dụng khoản nợ của các gia đình để kích thích phát triển lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, từ năm 2003 đến 2007, số tiền tiết kiệm của các gia đình hầu như trống rỗng trong khi khoản nợ của họ, cũng như của nhà nước, lại tăng lên khi thâm hụt thương mại đạt tới mức kỷ lục, chiếm 6% tổng sản phẩm quốc nội. Với tỷ lệ tăng trưởng 3% mỗi năm, đất nước này có thể còn khiến người ta có ảo tưởng về sự phồn vinh. Nhưng việc duy trì sự tăng trưởng đòi hỏi phải tiếp tục một cách vô hạn chính sách nợ, kể cả đối với các tầng lớp nhân dân không có khả năng chi trả, vì thế, sớm hay muộn, cuộc khủng hoảng là không thể tránh khỏi. Hoa Kỳ đã phải can thiệp mạnh mẽ và đồng loạt bằng cách mua các khoản nợ tư. số nợ lên rất cao, nhất là đối với Trung Quốc, chủ nợ trái phiếu, và theo nhiều dự đoán, số nợ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng. Và vì đã đâm lao, Hoa Kỳ tiếp tục phải theo lao. Cũng vào thời kỳ đó, nợ công của một số nước châu Âu tăng chóng mặt. Cuộc khủng hoảng, mà một số người cho rằng nó chỉ là một “cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ”, đã lan rộng khắp thế giới, nhưng chủ yếu, đây được coi là một cuộc khủng hoảng nợ của các nước phát triển, và là kết quả của sự mất cân bằng thương mại thế giới, giống như nền thương mại mà lục địa già đã trải qua trong những năm 1930. Sự mất cân bằng này có một nguyên nhân chính mà đến bây giờ mọi người đều đã nhận ra, đó là chính sách phá giá đồng tiền của Trung Quốc.
Tất nhiên, lúc đầu các nước phương Tây không cưỡng nổi sự cám dỗ của khoản nợ và không thấy cái bẫy của Trung Quốc. Trong thời gian đầu, họ vẫn không thấy bất cứ một dấu hiệu xấu nào, nhất là khi sự tăng trưởng vẫn tiến triển đều đều, và các hãng cửa phương Tây vẫn kinh doanh tốt. Thặng dư thương mại của Trung Quốc, quy theo những trái phiếu của phương Tây do Trung Quốc nắm giữ, đã cho phép duy trì lâu dài mức lãi suất rất thấp, nhân tố quyết định đối với việc tiếp tục mắc nợ. Hậu quả của việc phi công nghiệp hóa được che giấu bằng tình trạng có vẻ tốt của lĩnh vực bất động sản và tài chính đang trong thời kỳ hưng thịnh nhờ vào các khoản tín dụng. Tuy nhiên, trong thời gian tiếp theo, người ta đã cảm nhận được thực tế khắc nghiệt. Khoản nợ chỉ có giới hạn, tỷ lệ thất nghiệp tăng, vốn đầu tư công nghiệp hơn bao giờ hết dồn ra nước ngoài. Khi lĩnh vực bất động sản và tài chính lâm vào tình trạng khủng hoảng, sự tăng trưởng bấp bênh, các nước ngày càng khó có thể tự tài trợ được cho chính mình, trong khi đó chủ nợ nước ngoài chính Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngạo mạn và luôn đòi hỏi. Hiện nay tình hình vẫn như vậy. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn tiếp tục mắc sai lầm, không chịu công nhận bản chất thực sự của tình hình tồi tệ đang ảnh hưởng tới xã hội của họ là thâm hụt thương mại với bên ngoài. Lẽ ra phải tố cáo, vạch mặt những người thực hiện cuộc cạnh tranh gian lận trong nền thương mại quốc tế thì họ lại không làm như thế, và chỉ chú tâm đến những nguyên nhân rất “vu vơ” khác.
Trong những năm trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng; các nước phương Tây đã bắt đầu bị mất ổn định do hậu quả của sự thâm hụt thương mại của mình, nhất là do sự phi công nghiệp hóa và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Cuộc khủng hoảng này đã buộc các nước phương Tây phải tăng mạnh các khoản nợ trong khi nền kinh tế của họ tiếp tục bị lún sâu vào tình trạng trì trệ và thậm chí một số nước còn lâm vào tình trạng suy thoái, chẳng hạn như Pháp vào quí 2 năm 2011. Phương Tây gặp hạn, nhưng bất hạnh ấy lại là thắng lợi của Trung Quốc. Bắc Kinh có một chiến lược rất gắn kết với nhau và chiến lược này càng thuận lợi hơn vì nó nằm trong khuôn khổ một chế độ cực quyền. Khác với các nước dân chủ, Chính phủ Trung Quốc không cần phải xem xét lại mình trong các cuộc bầu cử. Việc thực hiện chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc không kèm theo một tiến trình dân chủ hóa, mà trái lại, hệ thống cực quyền vẫn được duy trì. Sự duy trì chế độ cực quyền ở Trung Quốc đã phủ nhận niềm tin, rất phổ biến nhưng không có cơ sở, rằng sự phát triển chủ nghĩa tư bản tất yếu dẫn đến nền dân chủ. Bộ máy tuyên truyền chính thức của Trung Quốc mô tả chế độ hiện nạy như là một “xã hội hài hòa” mang màu sắc “chủ nghĩa tư bản yêu nước”. Sự kết hợp chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cực quyền rõ ràng khiến người ta nghĩ tới Đức quốc xã trước đây. Vào cuối năm 1930, được một nhà báo Đức hỏi tại sạo không tiến hành quốc hữu hóa các xí nghiệp lớn như đã được thông báo, Hitler đã trả lời: “Tôi không làm như vậy bởi vì tôi thấy không cần phải như vậy. Tôi đã quốc hữu hóa con người rồi”. Trên thực tế, tất cả các nhà lãnh đạo quan trọng của các ngành kinh tế đều là thành viên của Đức quốc xã. Cũng như vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Cuộc chiến tranh không giới hạn” là tiêu đề của một cuốn sách do hai viên đại tá của quân đội Trung Quốc viết, được xuất bản ở Pháp vào năm 1999. Các tác giả cuốn sách này đã giải thích rằng cuộc chiến tranh diễn ra trong tất cả các lĩnh vực: văn hóa, chính trị, kinh tế, tài chính, đôi khi cả quân sự. Điều lý tưởng là giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh ấy mà không phải chiến đấu, nhưng kẻ thù phải chấp nhận thất bại. Đúng, chiến lược hiếu chiến này không hạn chế ở lĩnh vực kinh tế, nó còn được thực hiện trong các lĩnh vực tài chính và địa chính trị, cho phép Trung Quốc không những là “công xưởng của thế giới”, mà còn mua cả thế giới: các xí nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đất đai, các mỏ tài nguyên thiên nhiên, không gian du lịch, trái phiếu nợ công v.v… Trở thành cường quốc tài chính hàng đầu thế giới, dựa vào lượng tiền dự trữ lên tới 5.000 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng số tiền dự trữ của toàn thế giới, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh tài chính vô song của mình để áp đặt các mục tiêu của mình cho các nước khác.
Nhà nước – chủ nợ của thế giới
Sau thắng lợi rất quan trọng của mình mà cuộc khủng hoảng của các nước phương Tây đã tạo ra, Trung Quốc đã bắt đầu những thủ đoạn cho một trận chiến lớn thứ hai và có thể có tính quyết định: hai đồng tiền chính của phương Tây là đồng euro và đồng USD từ nay nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Mọi thể chế của IMF dường như vẫn không có gì thay đổi, nó bị các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, những nước duy nhất có quyền phủ quyết các quyết định của thể chế này, chi phối. Nhưng giờ đây ai có thể cho IMF vay tiền để quỹ này lại cho các nước thứ ba vay? Hoa Kỳ ư, hay châu Âu? Những nước này hiện không có tiền nữa. Châu Âu thậm chí còn phải xin viện trợ của quỹ này, thoạt nghe có vẻ ngược đời, nhưng đúng là như vậy. Thế chỗ Mỹ và châu Âu, hiện tại Trung Quốc là nước duy nhất, hoặc gần như là vậy, có thể tài trợ cho IMF. Trung Quốc nắm giữ khỏang 5.000 tỷ USD, sau đó là Nhật Bản đứng thứ hai, nhưng cách rất xa, chỉ nắm giữ 1.000 tỷ USD; tiếp theo là Nga, Saudi Arabia v.v. Trong các điều kiện như thế, dù các qui chế và sự phân bổ ghế trong Hội đồng quản trị của IMF có như thế nào chăng nữa, thì chính Trung Quốc mới là người chỉ đạo. Hiện nay, IMF bị coi như nằm dưới ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngân hàng trung ương Trung Quốc mua ngoại tệ tương ứng với thặng dư thương mại của nước này, điều đó ngăn cản việc làm tăng giá đồng nhân dân tệ và là cơ sở để ngành công nghiệp Trung Quôc cạnh tranh với bên ngoài. Sau đó ngân hàng này chuyển đối các ngoại tệ này thành trái phiếu Nhà nước của các nước ngoài, những nước này, phần lớn là do các thủ đoạn của Trung Quốc, bị thâm hụt về thương mại và vì vậy bị thâm hụt về ngân sách. Theo cách ấy, các nước này lại phải chịu ơn Trung Quốc. Ai cũng biết, Trung Quốc đã áp dụng cách thức này với các nước phương Tây và cả các nước khác, nhất là Brazil và Ấn Độ. Các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), gần đây mở rộng tới Nam Phi để thành BRICS, là nơi “kiếm tiền” của Trung Quốc.
Nhiều bài báo hoặc cuốn sách của Trung Quốc đã giải thích rằng không có mối nguy hiểm nào cả, và rằng phương Tây không nên sợ việc định giá thấp đồng nhân dân tệ cũng như sự thâm hụt thương mại của mình đối với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng thề sống, thề chết rằng Trung Quốc không biến lợi thế của mình là chủ nợ của các nước phương Tây thành sự chi phối về chính trị. Họ bảo rằng chủ nợ và con nợ đều cần đến nhau: các khoản nợ đối với Trung Quốc chỉ là “mang tính chất khái niệm”, chứ chưa hề cần phải trả. Tuy nhiên, người ta vẫn còn nhớ khi còn đương chức cách đây chưa lâu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã khẳng định rằng Trung Quốc là nước duy nhất có thể thỏa mãn những nhu cầu về tài chính của các nước phương Tây, nhưng “không có ai” buộc được Trung Quốc làm điều đó và rằng nếu Trung Quốc làm điều đó thì “phía bên kia” phải thực hiện 3 điều kiện: thắt lưng buộc bụng về ngân sách; chấp nhận chính sách hối đoái của Trung Quốc, công nhận Trung Quốc là “nền kinh tế thị trường”, và quan trọng hơn, phải cho phép Nhà nước Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc mua các tài sản mà họ muốn trong các vùng lãnh thổ của “phía bên kia”.
Theo dự báo của các nhà kinh tế, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là nhà nước chủ nợ lớn duy nhất trên thế giới, và như vậy, các con nợ của nước này không thể làm mếch lòng chủ nợ khi họ vẫn còn phải rất cần những khoản vay mới.
***
Bài viết “Bắc Kinh nỗ lực thống trị kinh tế thế giới bằng sức mạnh mềm” của hai tác giả Heriberto Araujo và Juan Pablo Cardenal đăng trên tờ “Thời báo New York” ở Hoa Kỳ mới đây cho rằng sự kết hợp giữa một nước Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và tình trạng trì trệ kinh tế ở châu Âu cũng như Hoa Kỳ khiến dư luận phương Tây ngày càng trở nên khó chịu. Mặc dù không đứng đầu thế giới về quân sự, nhưng Trung Quốc liên tục đứng đầu về thương mại. Các công ty và các nhà đầu tư Trung Quốc đã tìm cách mua 2 công ty phương Tây gồm Smithfield Foods chuyên sản xuất sản phẩm thịt lợn của Hoa Kỳ và Club Med chuyên kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng của Pháp.
Người châu Âu và Hoa Kỳ có xu hướng nghi ngờ sự quyết đoán của Bắc Kinh trên biển Đông, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và các vụ tấn công mạng của các công ty phương Tây, nhưng tất cả những vấn đề đó không quan trọng bằng một hiện tượng mà ít người nhận thấy thật đáng lo ngại hơn: Bắc Kinh đã và đang nỗ lực đẩy thế giới vào chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc. Bằng cách mua các công ty, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng và cho vay trên toàn thế giới, Trung Quốc đang theo đuổi một hình thức thống trị kinh tế bằng sức mạnh mềm không ai có thể ngăn chặn. Nguồn tài chính phong phú của Bắc Kinh cho phép Trung Quốc trở thành một lực lượng có thể thay đổi cuộc chơi ở tất cả các nước phát triển cũng như đang phát triển, một nguy cơ đe dọa phá hủy ưu thế cạnh tranh của các công ty phương Tây, làm mất công ăn việc làm ở châu Âu và Hoa Kỳ, ngăn chặn những lời chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền và dân chủ tại Trung Quốc. Rõ ràng, dựa vào các khoản tiền gửi ngân hàng của hơn một tỷ người tiết kiệm trên cả nước, Chính phủ Trung Quốc có thể mua các tài sản chiến lược trên toàn thế giới. Điều này có thể diễn ra bởi vì các khoản tiền gửi bị hạn chế ở mức lãi suất thấp hơn tỷ lệ lạm phát và kiểm soát vốn nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn người gửi tiền tiết kiệm đầu tư tiền bạc của họ vào các khoản đầu tư có thể kiếm lời nhiều hơn ở nước ngoài. Do đó, hiện nay Chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát các đường ống dầu khí chạy từ Turkmenistan đến Trung Quốc và từ Nam Sudan đến Biển Đỏ. Một đường ống dẫn dầu khác chạy từ Ấn Độ Dương đến thành phố Côn Minh, chảy qua Myanmar, dự kiến sẽ được hoàn thành sớm trong nay mai và một đường ống dẫn dầu khác từ Siberi chạy đến phía Bắc Trung Quốc đã được xây dựng. Trung Quốc cũng đầu tư các khoản tiền rất lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án thủy điện lớn như đập Merowe trên sông Nile ở Sudan, dự án lớn nhất của Trung Quốc tại châu Phi và đập Coca Codo Sinclair của Ecuador trị giá 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, các công ty trực thuộc nhà nước Trung Quốc cũng đang xây dựng hơn 200 con đập khác trên khắp hành tinh.
Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới và vượt Hoa Kỳ trở thành quốc gia có tổng thương mại lớn nhất thế giới năm 2012. Chỉ mấy năm qua, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước như Australia, Brazil và Chile khi Bắc Kinh tìm kiếm các nguồn tài nguyên như quặng sắt, đậu nành và đồng. Mức thuế xuất nhập khẩu thấp hơn và nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc giải thích mức tăng trưởng cấp số nhân này. Bằng cách chủ yếu mua các nguồn tài nguyên và lương thực, Trung Quốc bảo đảm chắc chắn 2 trong số các động cơ kinh tế của đất nước: đô thị hóa và khu vực xuất khẩu, được cung cấp các nguồn cần thiết. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, tuy sự xuất hiện của Trung Quốc mới diễn ra gần đây, nhưng các số liệu cho thấy đầu tư hàng năm của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu tăng từ 1 tỷ USD/năm trước năm 2008 lên hơn 10 tỷ USD trong 2 năm qua. Và tại Hoa Kỳ, đầu tư của Trung Quốc tăng từ mức chưa đến 1 tỷ USD năm 2008 lên mức cao kỷ lục 6,7 tỷ USD năm 2012. Năm ngoái, châu Âu là địa chỉ chiếm 33% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. Thông qua các khoản trợ giá và các nguồn tài chính ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc tạo lợi thế cho các công ty trực thuộc nhà nước lớn hơn nhiều các đối thủ cạnh tranh. Từ năm 2008, suy thoái kinh tế cho phép Trung Quốc thâm nhập các thị trường phương Tây để săn lùng công nghệ, bí quyết và các thỏa thuận mà trước đây Bắc Kinh không thể tiếp cận. Các tài sản của phương Tây không được bán trước đây nay đã được phép bán và các khoản đầu tư của Trung Quốc góp phần tạo nên khả năng thanh toán tiền mặt cần thiết. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm tới. Theo dự kiến, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 1000 đến 2000 tỷ USD vào năm 2020. Điều này có nghĩa các công ty trực thuộc nhà nước Trung Quốc đang giữ vị trí độc quyền ở trong nước có thể thực hiện chương trình bành trướng quốc tế đầy tham vọng và cạnh tranh với các công ty khổng lồ toàn cầu. Tình trạng bất công này thể hiện rõ nhất trong ngành công nghiệp sản xuất thép và tấm thu năng lượng mặt trời, khu vực Trung Quốc đã phát triển từ một nước nhập khẩu thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới và chỉ trong vài năm đã xuất khẩu. Trung Quốc có thể tung ra các loại sản phẩm với giá cả thấp hơn giá thị trường trên khắp thế giới, từ đó phá hủy các ngành công nghiệp và việc làm ở các nước phương Tây cũng như nhiều khu vực khác. Đây là mối đe dọa thực sự đối với Hoa Kỳ và các nước khác. Nhưng hầu hết các chính phủ phương Tây dường như không giải quyết chủ nghĩa bành trướng của nhà nước Trung Quốc như một ưu tiên trước mắt. Ngược lại, các chính phủ châu Âu đang đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế lại coi Trung Quốc là một quốc gia có thể giúp đỡ bằng cách mua các khoản nợ chủ quyền hoặc chào đón các khoản đầu tư để tạo công ăn việc làm ở các nước. Công ty Cosco trực thuộc nhà nước Trung Quốc hiện đang quản lý kho vận hàng hóa chính ở bến cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp gần Aten theo một hợp đồng nhượng quyền kéo dài 35 năm. Và Quỹ lợi ích quốc gia (CIC) của Trung Quốc mua 10% cổ phần của sân bay Heathrow ở thủ đô London năm 2012 cũng như gần 9% cổ phần của công ty “Thames Water” của Anh. Các công ty trực thuộc nhà nước Trung Quốc như: công ty Three Gorges Corporation và State Grid là các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu trên lĩnh vực phát điện của Bồ Đào Nha và CIC cũng mua 7% cổ phần của tập đoàn viễn thông Eutelsat Communications của Pháp. Tại bến cảng Hy Lạp, Trung Quốc có thể tăng gấp 3 công suất bất chấp những lời chỉ trích của các công đoàn địa phương về điều kiện lao động ngày càng tồi tệ. Nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của Trung Quốc trong các khoản đầu tư khác.
Thực tế các công ty Trung Quốc có thể đầu tư vào các lĩnh vực ở châu Âu nhưng Trung Quốc lại đóng cửa hoặc hạn chế các công ty châu Âu đầu tư vào các khu vực tương tự tại Trung Quốc. Ví dụ Đức chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) sang Trung Quốc. Nhưng chắc chắn Berlin không thể thay đổi sự cạnh tranh không bình đẳng, nền tảng chính sách của Trung Quốc. Hơn nữa, thiếu đòn bẩy và sự lãnh đạo của Brussels có nghĩa EU không thể hành động mạnh mẽ để buộc Trung Quốc áp dụng các biện pháp tạo nên một sân chơi bình đẳng hoặc đảm bảo có đi có lại trên thị trường nội địa của Trung Quốc. Hiện nay Hoa Kỳ là nước duy nhất đang giải quyết vấn đề bằng cách thúc đẩy thỏa thuận Thỏa thuận Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại khu vực bị các nhà phê bình ở Bắc Kinh và những nơi khác chỉ trích là một chính sách do Hoa Kỳ đứng đầu để ngăn chặn Trung Quốc. TPP chỉ chấp nhận các nước đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Hoa Kỳ về các vấn đề như: cạnh tranh tự do, tiêu chuẩn lao động và môi trường, quyền sở hữu trí tuệ. Do không đáp ứng các tiêu chuẩn đó, Trung Quốc sẽ phải cải cách hoặc có nguy cơ bị cô lập trong khu vực. Hơn nữa, Hoa Kỳ đã gây khó khăn cho tập đoàn viễn thông khổng lồ Hoa Vĩ của Trung Quốc bằng cách không cung cấp cho tập đoàn này các hợp đồng của các công ty viễn thông hàng đầu của Hoa Kỳ. Đây không chỉ là vấn đề lo ngại an ninh quốc gia mà còn gửi đến Bắc Kinh một thông điệp rõ ràng rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng ngăn chặn một trong những công ty thành công nhất của Trung Quốc. Mặc dù các công ty phương Tây phàn nàn về các rào cản đối với việc mua sắm công, đấu thầu và nỗ lực cạnh tranh trong các lĩnh vực bị hạn chế ở Trung Quốc, nhưng các công ty Trung Quốc được đối xử rất ưu đãi ở châu Âu, mua lại các tài sản chiến lược và các công ty
lớn như Volvo và nhà sản xuất thiết bị Putzmeister của Đức. Nhận thức chung ở châu Âu là Trung Quốc không thể tránh khỏi thực trạng hiện nay, do đó lựa chọn duy nhất của châu Âu là thỏa hiệp – chấp nhận tất cả mọi thứ từ môi trường đầu tư hào phóng đến từ bỏ vấn đề chỉ trích nhân quyền của Trung Quốc trong chương trình nghị sự. Một quan chức cấp cao của châu Âu nói: “Chúng tôi không có cây gậy nào. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra củ cà rốt và hy vọng tốt đẹp nhất”. Khu vực Greenland, một lãnh thố giàu tài nguyên khoáng sản chủ yếu do Đan Mạch kiểm soát, là một ví dụ. Năm ngoái, Quốc hội Greenland thông qua đạo luật cho phép người nước ngoài đến lao động ở đây và được hưởng mức lương thấp hơn lương tối thiểu của người lao động địa phương. Nhưng đại diện Trung Quốc tuyên bố các ngân hàng và các công ty nhà nước Trung Quốc sẽ đầu tư thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản của Greenland chỉ khi nào các quy định của khu vực được sửa đổi cho phép hàng nghìn công nhân người Trung Quốc có mức lương thấp đến làm việc trong khu vực. Lãnh thổ Bắc Cực không có nhiều lựa chọn thay thế. Không nước nào có thể trở thành đối tác chiến lược của Greenland để phát triển tương lai của khu vực, vì nhiều rủi ro kinh doanh liên quan đến khu vực Bắc Cực và quy mô đầu tư cần thiết ở một lãnh thổ lớn hơn Mexico, nhưng không hề có một tuyến đường cao tốc. Một công ty dầu lửa của Hoa Kỳ không thể thực hiện nhiệm vụ đó một mình. Ngược lại, hệ thống tư bản nhà nước Trung Quốc cho phép các công ty nhà nước phối hợp với nhau để vừa khai thác dầu khí đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản. Do đó, các nhà lãnh đạo của Greenland chấp nhận điều kiện của Trung Quốc bởi vì họ có thể tin rằng những dự án tốn kém đó sẽ không bao giờ được thực hiện nếu Trung Quốc không tham gia. Chỉ Trung Quốc có tiền, nhu cầu, kinh nghiệm và quyết tâm chính trị để biến các ý tưởng thành hiện thực. Hơn nữa, không có đủ công nhân có tay nghề cao ở Greenland để thực hiện các dự án như vậy, Chính phủ Greenland buộc phải áp dụng một trường hợp ngoại lệ của luật pháp để cho phép người lao động Trung Quốc được mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu của người lao động địa phương, từ đó được hưởng lợi nhờ cơ sở hạ tầng mới và các khoản tiền thuê mỏ. Nhận thấy Trung Quốc có túi tiền quá lớn, lực lượng lao động dư thừa và nhu cầu tài nguyên thiên nhiên vô hạn, do đó Chính phủ Greenland chuẩn bị thông qua và áp dụng một đạo luật thích hợp để đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc. Thậm chí Đan Mạch, hiện đang nắm giữ quyên lực ở Greenland trên các lĩnh vực như nhập cư và chính sách đối ngoại, quyết định không can thiệp.
Thậm chí tình hình trên cũng đang xảy ra ở các pháo đài, chẳng hạn Canada. Đến nay Tổng thống Obama vẫn không phê duyệt dự án đường ống dẫn dầu Keystone, từ đó làm cho chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper chuyển hướng sang Trung Quốc để Canada có thể trở thành một thị trường xuất khẩu các khoản dầu thô dự trữ khổng lồ. Ngành công nghiệp dầu lửa đặt trụ sở tại Calgary đang nỗ lực vận động Thủ tướng Harper áp dụng một chiến lược đa dạng hóa mới, trong đó có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu gây tranh cãi chạy đến phía Tây British Columbia, bất chấp mọi phản đối mạnh mẽ của các tổ chức môi trường, công chúng và các cộng đồng thổ dân đầu tiên ở Canada. Hiện nay Canada đã ký một Thỏa thuận Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư Nước ngoài (FIPA) với Trung Quốc, theo đó thỏa thuận cho phép chính phủ áp dụng các biện pháp bảo hộ đầu tư hào phóng cho người Trung Quốc. Do Trung Quốc là trung tâm của các cuộc tranh luận về FIPA và tuyến đường ông dẫn dầu phía Tây, Chính phủ Canada chấp thuận công ty dầu lửa nhà nước Trung Quốc CNOOC tiếp quản tập đoàn năng lượng khổng lồ Nexen của Canada trị giá 15,1 tỷ USD. Quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chính trị của Canada. Hiện nay Chính quyền Harper xem ra có vẻ rất thận trọng trong việc chỉ trích hồ sơ vi phạm nhân quyền và dân chủ của Trung Quốc. Thực tế cho đến gần đây Canada vẫn là một trong những tiếng nói mạnh nhất về việc xử lý những người bất đồng chính kiến của Chính phủ Trung Quốc, điều này không chỉ là một Sự thay đổi 180 độ mà cũng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc có thể gạt bò chương trình chính trị của các nước và khu vực, kể cả phương Tây, sang một bên. Tại Australia, tổng số tiền đầu tư từ Trung Quốc đến cuối năm 2012 đạt hơn 50 tỷ USD. Riêng năm 2012, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Australia tăng 21% so với năm 2011 và đạt 11,4 tỉ USD, đưa Trung Quốc trở thành một đối thủ quan trọng trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Australia. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng vượt Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Đức (về số lượng thỏa thuận). Các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm và mua lại các công ty của các nước, chắng hạn công ty sản xuất máy bơm bê tông Putzmeister của Đức, có thế mạnh về công nghệ và trở thành các nhà lãnh đạo thế giới trên các thị trường thích hợp. Việc tiếp quản các công ty toàn cầu của các nước cũng cho phép Trung Quốc tiếp thu các bí quyết của phương Tây về các mối quan hệ giữa thương hiệu, tiếp thị, phân phối và khách hàng. Bên cạnh đó, đối mặt với suy thoái kinh tế, các công ty châu Âu đang gặp khó khăn, như tập đoàn sản xuất ô tô Volvo của Thụy Điển, nhanh chóng hoan nghênh các đối tác Trung Quốc hiện sẵn sàng bơm số lượng vốn khổng lồ và toàn quyền kiểm soát các công ty. Các khoản vay mà Bắc Kinh tung ra thế giới thậm chí quan trọng hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện nay Trung Quốc cung cấp các khoản vay lớn cho các nước như: 40 tỷ USD cho Venezuela và hơn 8 tỷ USD cho Turkmenistan. Ngân hàng chính sách của Trung Quốc (Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc) là cơ quan chủ chốt hỗ trợ chiến lược “Đi khắp toàn cầu” của Trung Quốc. Cơ quan cung cấp các khoản vay trị giá nhiều tỷ USD cho nước ngoài để buộc các nước mua hàng hóa giá rẻ Trung Quốc; cung cấp tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng và bắt đầu triển khai các dự án trong ngành công nghiệp khai khoáng cũng như các ngành công nghiệp khác. Rõ ràng hành động của Trung Quốc hoàn toàn ngược lại với phương Tâv, thường tuyên bố các khoản viện trợ phải đi kèm với các điều kiện cải thiện nhân quyền và hoạt động kinh doanh minh bạch. Các khoản cho vay của Trung Quốc rất quan trọng đối với các nước đang đối mặt với mối đe dọa cắt giảm tài chính từ các chủ nợ phương Tây, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Chẳng hạn khi chính phủ Ecuador, Venezuela, Turkmenistan, Sudan và Iran đang gặp nhiều khó khăn tài chính, Trung Quốc đã nhảy vào mà không hề kèm theo bất cứ điều kiện chính trị hoặc đạo đức nào. Do đó, từ năm 2009-2010, Tmng Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới với tổng số các khoản cho vay đạt tới 110 tỷ USD, lớn hơn Ngân hàng Thế giới. Nhưng điều quan trọng mà thế giới cần biết là thực tế đứng sau sự bành trướng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc là nhà nước Trung Ọuốc có thể đang phát triển đúng hướng trên một số lĩnh vực, nhưng khi các công ty trực thuộc nhà nước Trung Quốc vươn ra nước ngoài và tìm cách áp dụng các quy tắc bắt nguồn từ một chế độ độc đoán, vấn đề nguy hiếm nhất là: vì nhu cầu kinh tế các nước phương Tây sẽ phải chơi theo các quy tắc của Bắc Kinh. Khi Trung Quốc trở thành một bên tham gia toàn cầu và một đối thủ cạnh tranh khốc liệt trên các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, chế độ chính trị và hệ tư tưởng tư bản nhà nước của Trung Quốc sẽ tạo nên mối đe dọa, Do đó các chính phủ phương Tây phải thường xuyên gắn với những gì là cốt lõi của sự thịnh vượng như các quy định luật pháp, tự do chính trị và cạnh tranh lành mạnh. Các nước phương Tây không được nghĩ đến cái lợi trước mắt. Từ bỏ cam kết về nhân quyền, hoặc phục tùng khi đối mặt với chủ nghĩa tư bản nhà nước tham lam của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại đến lợi ích lâu dài của các nước phương Tây. Và đã đến lúc Chính phủ Trung Quốc cần phải thích ứng với thế giới chứ không thể đi theo con đường khác./.
Nguồn:
http://basam.info/2013/09/10/2026-trung-quoc-tu-chi-phoi-kinh-te-thuong-mai-den-chi-phoi-chinh-tri/