Vibay

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Không để bị kẹt giữa các nước lớn

(VNN- 19/9/13) Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giúp củng cố cục diện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường vị thế của Việt Nam, không gây ra những hiệu ứng phụ và không để đất nước bị kẹt giữa các nước lớn.

Việt Nam và Mỹ xác lập khuôn khổ đối tác toàn diện trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7 vừa qua. Ảnh: AP


Trong chuyến thăm chính thức Pháp sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Pháp sẽ chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Pháp là nước tiếp theo sau Italia, Indonesia, Thái Lan và Singapore ký khuôn khổ “đối tác chiến lược” với Việt Nam chỉ riêng trong năm 2013.

Nội hàm đối tác chiến lược của Việt Nam với các nước là gì? Bài viết phân tích ông Trần Việt Thái, chuyên gia nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược - Học viện Ngoại giao giúp độc giả hiểu rõ:


10 năm, 11 đối tác chiến lược đầy đủ

Ngoài hai mối quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia và mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Cuba, kể từ 2001 đến tháng 9/2013, Việt Nam có 11 đối tác chiến lược đầy đủ: Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Italia, Indonesia, Thái Lan, Singapore.
Ở mức độ thấp hơn, Việt Nam đã lập đối tác chiến lược về đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với Hàn Lan, đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh với Đan Mạch, đối tác toàn diện với Mỹ.

Không để bị kẹt giữa nước lớn
Các đối tác chiến lược của Việt Nam, ở những mức độ khác nhau, đều đã có những đóng góp tích cực cho quan hệ song phương với đối tác cũng như tới bàn cờ đối ngoại chung của Việt Nam.

Các đối tác chiến lược đã giúp xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và các đối tác, đặc biệt, khuôn khổ đối tác chiến lược mở ra nhiều kênh đối thoại quan trọng đặc biệt ở cấp chiến lược và thực hiện chính sách vừa giúp thúc đẩy quan hệ vừa giúp xử lý các bất đồng/khác biệt.

Thứ hai, đưa quan hệ đối ngoại của Việt Nam đi dần vào ổn định, ngày càng có chiều sâu và bền vững, đồng thời, chúng ta vẫn giữ vững được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đa dạng hóa, đa phương hóa và ngày càng chủ động trong hội nhập quốc tế.

Trong chuyến thăm Italia của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu năm 2013, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Ảnh: VOV

Thứ ba, góp phần gia tăng cả về số lượng và chất lượng các dự án, các cơ chế hợp tác quốc tế, từng bước góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới.

Các đối tác chiến lược đã từng bước đáp ứng được các lợi ích của Việt Nam trên nhiều mặt khác nhau. Ví dụ như trong đối tác chiến lược với Nga, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác dài hạn, có tính chiến lược như hợp tác về năng lượng, an ninh - quốc phòng…

Với Nhật, hai bên đã triển khai nhiều dự án hạ tầng cơ sở, giao thông quan trọng. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2…

Quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc mở rộng nhanh chóng. Các đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực như Hà Lan và Đan Mạnh đã có nhiều dự án cụ thể giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trồng rừng…

Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược còn có tác dụng đòn bẩy, giúp củng cố cục diện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường vị thế của Việt Nam, không gây ra những hiệu ứng phụ và không để đất nước bị kẹt giữa các nước lớn.

Không bằng mọi giá

Bên cạnh những mặt thuận lợi, vẫn còn có hạn chế như một số nội dung hợp tác chưa được cụ thể hóa và chưa được triển khai tích cực. Đối với một số đối tác, nội dung hợp tác có mặt còn chưa tương xứng với tầm vóc quan hệ.


Tuy đã tạo được sự đan xen về lợi ích nhưng sự gắn kết giữa Việt Nam và các đối tác chưa thực sự bền vững, cần được tiếp tục gia cố thêm.

Chúng ta mới chỉ tập trung xây dựng đối tác chiến lược trong vài năm trở lại đây; quá trình triển khai chưa dài, chưa tạo ra những kết quả có tính đột phá. Chủ trương chung là không xây dựng quan hệ đối tác chiến lược bằng mọi giá.

Phục vụ lợi ích quốc gia


Từ kinh nghiệm thực tiễn những năm vừa qua cho thấy thận trọng là điều cần thiết và cần xử lý tốt các vấn đề sau:

Một là, đối tác chiến lược phải phục vụ tốt các lợi ích quốc gia. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ và giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng góp phần không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng Singapore vừa thăm chính thức Việt Nam. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Ảnh: Reuters

Hai là, xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa thiết lập và triển khai đối tác chiến lược.

Lựa chọn đối tác, tìm kiếm đồng thuận về nội hàm... để xây dựng đối tác chiến lược là một quá trình khó khăn, lâu dài và không phải lúc nào chúng ta muốn thúc đẩy đối tác chiến lược, phía đối tác cũng đồng ý hoặc ngược lại. Phải có điểm đồng cả về nhận thức, thời gian, mục tiêu…

Thiết lập xong đối tác chiến lược mới chỉ là sự khởi đầu. Trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ không tránh khỏi khó khăn, thách thức. Do vậy, cần kiên trì, bĩnh tĩnh xử lý trên cơ sở nắm vững lợi ích quốc gia.

Ba là, coi trọng chất lượng và xử lý thích đáng mối quan hệ giữa số lượng và hiệu quả. Xu hướng chung trên thế giới là coi trọng chất lượng và hiệu quả đối tác hợp tác, nhưng trên thế giới không có bất cứ tiêu chí nào để định lượng bao nhiêu đối tác chiến lược là đủ đối với mỗi quốc gia.

Điều quan trọng là mỗi quốc gia phải biết tự lượng sức mình, trong quá trình xây dựng và triển khai phải gắn chặt với thực tiễn và lấy hiệu quả làm thước đo trong từng dự án hợp tác cụ thể.

Tìm đối tác thiết thân

Thực tế quan hệ quốc tế cho thấy luôn luôn có khoảng cách giữa mong muốn và hiện thực. Trên thế giới, có rất nhiều trường hợp quan hệ đối tác chiến lược không đáp ứng được các tiêu chí, nội hàm cũng như kỳ vọng về quan hệ đối tác chiến lược.

Tổng thống Hàn Quốc vừa thăm cấp nhà nước Việt Nam. Hàn Quốc cũng là một trong những đối tác chiến lược đầy đủ của Việt Nam

Ví dụ, Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Gruzia nhưng thực tế đây chỉ là một đối tác rất nhỏ của Mỹ. Hoặc như quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn, hợp tác về chính trị, an ninh rất hạn chế, nhưng quan hệ kinh tế thương mại lại rất lớn.

Bước đầu, các đối tác chiến lược mà Việt Nam vừa thiết lập đã góp phần tạo ra những khuôn khổ quan hệ để hai bên cùng hướng vào xây dựng, phát triển. Bên cạnh đó, cần coi trọng các đối tác lớn, thiết thân đối với vấn đề an ninh và phát triển của Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy.

Trong khi vai trò và ý nghĩa của các liên minh quân sự ngày càng suy giảm, thì đối tác chiến lược đang nổi lên thành một trong những công cụ đa dụng và sắc bén của chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế mà các nước như Việt Nam cần triệt để tận dụng.

Trần Việt Thái - VietNamNet.Vn


http://m.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/140879/khong-de-bi-ket-giua-cac-nuoc-lon.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét