Vibay

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Về chiến lược quân sự bất đối xứng của Trung Quốc

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Thứ Sáu, ngày 22/11/2013

TTXVN (Moskva 21/11)


Trang mạng quân sự của Nga mới đây đăng bài viết bình luận, hơn 10 năm trước, Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ đã đánh giá rất cao chương trình tên lửa của Trung Quốc trên cơ sở nhìn chung ngành công nghiệp quân sự nước này có vấn đề. Năm 2010, quân đội Trung Quốc thông báo đã bắt đầu thử nghiệm chương trình tên lửa đạn đạo đối hạm Đông Phong DF-21A nhiều tham vọng nhất của nước này.

Năm 2013 xuất hiện một số thông báo rằng tên lửa này được triển khai với số lượng không lớn ở miền Nam Trung Quốc. DF- 21A được chế tạo như loại tên lửa “diệt tàu sân bay”, nhằm chế ngự các nhóm tàu sân bay Mỹ trong trường hợp xẩy ra xung đột tại Đài Loan hay vùng lãnh thổ tranh chấp trên biển Hoa Nam (Biển Đông).

Quyết định của Trung Quốc sử đụng tên lửa đạn đạo đối hạm là bất thường nếu biết rằng sử dụng tên lửa đạn đạo nhằm vào tàu đang di chuyển phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi phải dẫn đường tinh vi hơn so với tên lửa có cánh. Quyết định của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đặt cược vào loại vũ khí này (ASBM) cho thấy niềm tin ngày càng lớn và sự phát triển của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc.

Các nhà phân tích đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về tác động của hệ thống mới đối với quân đội Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi một số chuyên gia cho rằng đây lá yếu tố quyết định làm thay đổi cán cân quân sự và là hiểm họa với lực lượng Mỹ trong khu vực. Các chuyên gia khác thì cho rằng có một số phương án, theo đó có thể không cần sử dụng ASBM, như tạo ra các mục tiêu giả hay nhằm vào các hệ thống hỗ trợ và thông tin, Dù cả 2 trường phái đều đưa ra những lập luận có lý, song không nên xem xét ASBM một cách biệt lập mà như một phần trong tiến trình lớn hơn hiện đại hóa quân đội và thay đổi học thuyết quân sự của PLA.

Các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc trong nhiều thế kỷ vẫn ưa thích cách tiếp cận phương thức tiến hành chiến tranh bất đối xứng. Trung Quốc không ảo tưởng trước sự thiếu chuẩn bị của quân đội trong cuộc chiến chống lại Mỹ và hiểu rằng hiện họ còn thua kém Mỹ về quân sự ít nhất 2 thập kỷ. Chính vì thế PL A đang phát triển một loạt chiến lược bất đối xứng để răn đe cho tới khi sức mạnh quân sự của họ đủ khả năng đối đầu với Mỹ.

Xét đến sự phụ thuộc của Mỹ vào liên lạc vệ tinh và vũ trụ để tiến hành thậm chí những hoạt động chiến tranh cơ bản nhất PLA đã đầu tư đáng kể để phát triển vũ khí chống vệ tinh. Tháng 1/2007, Trung Quốc phóng tên lửa chống vệ tinh đầu tiên của nước này, phá hủy một vệ tinh cũ của mình trong vũ trụ. Tháng 5/2013, Trung Quốc phóng một tên lửa không tải vào vũ trụ. Tên lửa này bay được 10 000km và là vụ phóng tên lửa xa nhất kể từ giữa những năm 1970. Việc tên lửa không mang theo vệ tinh có thể hiểu là tên lửa này được thiết kế cho mục đích chống vệ tinh. Cùng với tên lửa Trung Quốc còn thử nghiệm vũ khí laser xanh lá cây và xanh da trời, đều trùng với những nghi ngờ của quân đội Mỹ về vụ bắn chùm tia laser vào các vệ tinh của nước này. Năng lượng laser có thể làm gián đoạn liên lạc của vệ tinh, và tùy vào sức mạnh, có thể phá hủy vệ tinh.

Chương trình tên lửa của Trung Quốc cũng phát triển ổn định và phần nào tăng tính chính xác cũng như nhanh chóng hoàn thiện tầm bắn. Tiến bộ của dự án tên lửa cũng đi kèm với tiến triển trong dự án vũ trụ, được thể hiện rõ nét qua số vệ tinh phóng đi ngày càng tăng cũng như độ phức tạp của chương trình. Chương trình Mặt Trăng là sự thể hiện rõ nét ưu tiên vũ trụ của Trung Quốc.

Chiến lược quân sự bất đối xứng của PLA không chỉ giới hạn trong lĩnh vục vũ trụ, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác – trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng. Ví dụ trên biển, hải quân Trung Quốc không tập trung vào cách thức chống tàu sân bay Mỹ bằng tàu sân bay, hay dùng tàu chiến chống tàu chiến như tư duy của một số người. Trung Quốc triển khai số lượng ngày càng lớn các tàu ngầm tấn công trang bị vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, đồng thời số lượng thủy thủ trên tàu ngầm – chiếm 45% toàn hạm đội. Đây là tỷ lệ cao nhất trong tất cả các hạm đội lớn trên thế giới.

Ngoài tàu ngầm, hải quân Trung Quốc còn đặt hàng nghìn tên lửa, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên đất liền. Họ cũng phát triển hàng chục tàu cao tốc bí mật trang bị tên lửa, như tàu hai thân lớp Hầu Bắc. Ở khu vực nước nông và duyên hải, các tàu này có thể tác chiến rất hiệu quả chống lại tàu cỡ lớn hơn, đặc biệt khi áp dụng chiến thuật “bầy đàn”.

Một lĩnh vực khác tạo ưu thế cho PLA là chiến tranh không gian mạng. Từ năm 2000, quân đội Trung Quốc đã thảo luận mô hình chiến tranh tổng lực hay chiến tranh không hạn chế trong đó PLA sẽ sử dụng các chiến thuật bất đối xứng trên mọi chiến trường. Công trình nổi tiếng nhất của Trung Quốc liên quan tới chiến tranh bất đối xứng do 2 đại tá của PLA viết năm 1999, với nhan đề “chiến tranh không hạn chế”, hay chiến tranh không biên giới.

Các vụ tấn công mạng gần đây cũng như các vụ thâm nhập nhậy cảm đối với Mỹ và các nước phát triển khác có mục đích nhằm thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của vũ khí mạng Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục Trung Quốc, như Viện Khoa học quân sự, Học viện Quốc phòng và Học viện Hải quân đã dành thời gian đáng kể để nghiên cứu các chiến dịch quân sự của phương Tây. Cuộc xung đột Arập-Israel, trong đó có cuộc chiến thứ 2 tại Liban, đem lại cho Trung Quốc vô số ví dụ, theo đó việc bố trí tên lửa trên biển có thể gây thiệt hại lớn cho một hạm đội tiên tiến.

Mặc dù sự trung thành đối với chiến tranh bất đối xứng của Trung Quốc không phải là điều mới, song mô hình này đã nhanh chóng phát triển từ lý thuyết sang thực hành, và trở thành cách tiếp cận chính. Không nên cho rằng PLA sẽ chỉ trông cậy vào chiến lược bất đối xứng. Trên thực tế khi Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về công nghệ, rất nhiều chính sách của nước này sẽ được phổ biến. Tuy nhiên tính tới sự ưa chuộng cả nghìn năm, yếu tố bất đối xứng nhiều khả năng vẫn sẽ là chiến lược chủ đạo. Ngược lại Mỹ ít quan tâm tới cuộc chiến bất đối xứng và các hình thức chiến tranh phi chuẩn mực khác. Cái gọi là hành động quân sự theo phong cách Mỹ chú trọng tới hỏa lực tấn công và xem nhẹ các yếu tố phòng thủ.

Vấn đề không phải nằm ở chỗ liệu Mỹ có thể chế ngự được một hệ thống cá biệt mà là liệu họ có thể hiểu được bản chất của các chiến lược bất đối xứng trong toàn bộ các khu vực chiến trường hay không. Hạm trưởng Scott Dzhaspar, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hải quân và là chuyên gia chiến tranh chống tàu ngầm cho rằng “tên lửa đạn đạo và hành trình kết hợp với tàu ngâm và tàu cao tốc mang tên lửa có thể kết liễu tàu sân bay. Một lượng lớn tên lửa. Với các biện pháp đối phó hiện đại chống nhiễu sóng vô tuyến có thể vô hiệu hóa các hệ thống tiên tiến nhất của chúng tôi như Aegis”

Trên thực tế, trong cuộc chiến năm 2006 chống Israel, Hezbollah đã phóng một loạt tên lửa do Trung Quốc chế tạo được Iran cung cấp vào tàu hộ tống lớp Eliat của Israel, khiến cho 4 thủy thủ thiệt mạng. Tàu hộ tống này được coi là tàu tiên tiến nhất trong các tàu hộ tống trên thế giới.

Mặc dù Mỹ sẽ duy trì ưu thế quân sự của mình trong tương lai gần nhưng Trung Quốc vẫn có khả năng làm suy yếu ưu thế đó. Điều này có thể có tác động tích cực cho cả hai bên, vì hai siêu cường sẽ kiềm chế lẫn nhau Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ nhiều lợi ích, Các mối quan hệ có lợi đó có thể làm giảm nguy cơ xung đột. Tuy nhiên cần nhớ rằng trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới thế kỷ trước Đức đều là đối tác thương mại chính của Anh./.

Theo Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét