Vibay

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Ấn Độ và Việt Nam: Ở giữa Trung Quốc và Mỹ


Vào tuần này, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Manmohan Singh. Kết quả chính của chuyến thăm là việc ký kết hiệp định hợp tác thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.

Thỏa thuận của Việt Nam và Ấn Độ liên quan tới khu vực thềm lục địa tiếp giáp quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trường Sa, được Trung Quốc đặt tên Nam Sa, là một trong những lãnh thổ mà Trung Quốc tranh chấp quyền sở hữu với các nước láng giềng. Xung khắc về lãnh thổ cản trở triển vọng phát triển kinh tế của khu vực giàu tài nguyên biển, trực tiếp gây trở ngại cho tự do hàng hải trong vùng. Vụ việc đáng ghi nhớ đã xảy ra vào cuối năm 2011, khi tàu Ấn Độ thăm Việt Nam buộc phải rời khỏi Biển Đông trước sự đe dọa tấn công của Hải quân Trung Quốc, - chuyên gia Boris Volkhonsky, Viện Nghiên cứu chiến lược Nga nhớ lại.

“Thực tế, vấn đề không giới hạn trong quan hệ song phương của Trung Quốc với từng quốc gia sở hữu hải phận ở Biển Đông hoặc thậm chí quan hệ cùng lúc với tất cả các nước này. Trong những năm gần đây, Biển Đông trở thành vũ đài địa chính trị lớn, lôi kéo cả các quốc gia ở xa khu vực. “Sự mở mang chiến lược” mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố cuối năm 2011 có nghĩa Mỹ sẽ không đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ vốn không liên quan đến họ.”

Trong luồng chính sách mang đặc thù kiềm chế Bắc Kinh, Mỹ tìm cách đặt cược vào tất cả những quốc gia tồn tại bất đồng với Trung Quốc. Đó là lý do trong những năm gần đây, họ chủ động gần gũi với Việt Nam, quốc gia mà họ ra sức đối đầu vũ lực trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước và gây nên nhiều tổn thất to lớn ở đây.


Hoa Kỳ cũng dành cho Ấn Độ một vị trí đặc biệt trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, như những kinh nghiệm trước đây đã chỉ ra, Hoa Kỳ hoàn toàn coi thường lợi ích các nước khác khi ràng buộc họ vào chính sách của mình. Chẳng hạn khi Washington gây áp lực với Delhi, đòi Ấn Độ ủng hộ chế độ trừng phạt Iran. Nhập khẩu dầu mỏ Iran giảm, ảnh hưởng không chỉ bản thân Iran mà tác động tiêu cực tới cả Ấn Độ, dẫn đến tăng giá nhiên liệu và giá hàng tiêu dùng. Ông Boris Volkhonsky tiếp tục nhận xét:

“Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm một "phương hướng thứ ba" thật cần thiết. Đó là hợp tác giữa các quốc gia có lợi ích không liên quan đến cuộc đối đầu địa chính trị của hai nhà khổng lồ Mỹ và Trung Quốc. Và sự hợp tác Ấn Độ-Việt Nam chính là thí dụ điển hình mà các nước khác có thể noi theo. Quan trọng đó phải là sự hợp tác cùng có lợi, không nhằm chống lại các nước thứ ba.”

Những năm gần đây, dường như ít ai còn để ý tới Phong trào Không liên kết, từng đóng vai trò nổi bật trên vũ đài chính trị thế giới thời kỳ "chiến tranh lạnh". Phải chăng đã tới lúc giai đoạn lịch sử mới đòi hỏi sự khôi phục một cơ chế tương tự.

Nguồn: Tiếng nói nước Nga


Phát hành DVD "Biển đảo quê hương 3"

(VOH) - Hãng phim Trẻ, Nhà văn hóa Thanh niên và Báo Tuổi trẻ phối hợp thực hiện, phát hành DVD “Biển đảo quê hương 3” gây quỹ "Góp đá xây Trường Sa" bắt đầu từ hôm nay 21/11.

Chương trình nhằm kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

DVD “Biển đảo quê hương 3” được thực hiện với nhiều ca khúc, những bài thơ viết về Trường Sa và biển đảo với sự tham gia tình nguyện của gần 400 văn nghệ sĩ và 3.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, lực lượng vũ trang, đoàn viên, công nhân, học sinh, cán bộ công chức… Đặc biệt có sự giao lưu của nhiều vị lãnh đạo Thành ủy, UBND, các Sở, ban ngành và cán bộ Đoàn - Hội.

Hãng phim Trẻ và các đơn vị trong Ban tổ chức sẽ phát hành 7.000 đĩa DVD trong hệ thống trên toàn quốc, trong đó, 1.000 đĩa DVD được gửi tặng các chiến sĩ tại các vùng biên giới, hải đảo nhân dịp đón xuân 2014; 6.000 đĩa còn lại sẽ được bán để ủng hộ chương trình "Góp đá xây Trường Sa".


Ca sĩ Nhật Tinh Anh cùng 600 TNXP hát và thu hình cho DVD "Biển đảo quê hương 3" - Ảnh: TTO.

VOH

1 nhận xét: