Vibay

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Các biện pháp quân sự của Mỹ ở châu Á và sách lược đối phó của Trung Quốc


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Chủ Nhật, ngày 17/11/2013

(Tạp chí “ Vòng quanh Đông Nam Á ”, tháng 5/2013)

1. Nguyên nhân của việc Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông

Trên thực tế, từ sau khi Chiến tranh Lạnh những năm 90 của thế kỷ 20 kết thúc, Mỹ bắt đầu tiến hành bố trí chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong thời kỳ Chính quyền Bill Clinton, xu hướng Mỹ chuyển dịch chiến lược sang phía Đông đã bắt đầu xuất hiện.

Tháng 7/1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng: “Thời điểm Mỹ cùng với Nhật Bản và các nước khác trong khu vực này xây dựng ‘Cộng đồng Thái Bình Dương mới’ đã đến. Tháng 11/1993, Tổng thống Bill Clinton lại cho rằng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, châu Á có lợi ích kinh tế quan trọng đối với Mỹ, vì vậy, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ sẽ chuyển hướng từ châu Âu sang châu Á, từ ưu tiên an ninh sang ưu tiên kinh tế.

Sau sự kiện “11/9” năm 2001, Chính quyền Bush (con) phát động Chiến tranh Afghanistan và Iraq, coi hai quốc gia này là cứ điểm quân sự, tăng cường lực lượng quân sự của Mỹ tại châu Á. Ngay cả khi chính Bush (con) đang tập trung chống khủng bố, nhưng Mỹ vẫn không quên tăng cường bố trí quân sự ở đảo Guam. Mỹ coi trọng các nước đồng minh, tích cực xử lý quan hệ với các nước phi đồng minh ở khu vưc châu Á-Thái Bình Dương, cố gắng chủ đạo toàn diện trật tự chính trị kinh tế và an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, nếu như nói Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, không bằng nói Mỹ chưa từng rời khỏi khu vực châu Á Thái Bình Dương. Và từ khi Chính quyền Obama lên cầm quyền đến nay, Chính phủ Mỹ càng chú trọng việc chuyển dịch trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương Tháng 10/2010, tại Hawaii Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có bài diễn thuyết về chính sách châu Á của Mỹ, nêu rõ phải chuyển dịch toàn diện trọng điểm về ngoại giao, kinh tế, an ninh quân sự và truyền bá giá trị quan của Mỹ sang châu Á. Ngay từ ngày đầu tiên khi Chính quyền Obama lên cầm quyền đã coi việc chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông là nhiệm vụ hàng đầu của Mỹ. Chính sách quay trở lại châu Á đại diện cho xu thế bành trướng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lựa chọn khu vực Đông Nam Á làm khu vực đến thăm đầu tiên của mình. Ngày 18/11/2012, tại Bangkok, Thái Lan, Obama bầy tỏ sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai việc Obama đến thăm 3 nước châu Á không có gì là bất ngờ, vì Mỹ chính là và mãi mãi là quốc gia Thái Bình Dương khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của kinh tế thế giới, khu vực này rất quan trọng đối với an ninh và phồn vinh của Mỹ trong thế kỷ 21, đóng vai trò then chốt đối với việc tăng thêm việc làm của người dân Mỹ. Việc Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có đặc điểm nổi bật là lấy “sức mạnh thông minh” làm phương châm chỉ đạo, các biện pháp vận dụng tổng hợp quân sự, chính trị kinh tế, ngoại giao… đều được tiến hành. Như việc Hillary Clinton đưa ra 6 phương châm hành động quan trọng: tăng cường liên minh an ninh song phương, đi sâu quan hệ với các nước mới nổi bao gồm cả Trung Quốc; tham gia các tổ chức đa phương khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; xây dựng nền tảng hiện diện quân sự vững chắc; nâng cao dân chủ và nhân quyền Trong 6 phương châm hành động nêu trên, có 3 phương châm hành động liên quan tới các bước an ninh quân sự. Đúng như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi đó từng bầy tỏ: “Việc tại khu vực tiền duyên của chúng ta ở châu Á- Thái Bình Dương được bố trí lực lượng quân sự đầy đủ là trọng tâm trong cam kết của chúng ta đối với khu vực này”. Hơn nữa, “Từ lâu nay, Mỹ luôn đi sâu tham gia các công việc của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cho dù là trong thời kỳ chiến tranh hay là thời kỳ hòa bình, cho dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa cầm quyền, cho dù Washington chỉ trích hay nhường nhịn nhau, cho dù thặng dư hay thâm hụt tài chính, đều không bao giờ thay đổi. Trước kia chúng ta ở đây, hiện nay ở đây, trong tương lai vẫn sẽ ở đây”. Việc bố trí lực lượng quân sự ở nước ngoài là để ủng hộ chính sách và chiến lược quốc gia của Mỹ, cũng là để bảo đảm việc Mỹ triển khai hợp tác tích cực với các đồng minh và đối tác của Mỹ, và giành lấy sự ủng hộ của các nước này.

2. Các biện pháp quân sự chủ yếu của Mỹ khi chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông

“Chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” trên lĩnh vực quân sự của Mỹ chủ yếu bao gồm hai mặt liên hệ với nhau, đó là: tái cân bằng về địa lý và tái cân bằng về khả năng quân sự. về địa lý, tái cân bằng chiến lược hao gồm việc điều chỉnh chiến lược khu vực, tư thế quân sự và kết cấu sức mạnh đã tồn tại ở khu vực này của Mỹ, để đối phó với các thách thức và cơ hội xuất hiện ở khu vực này. Về khả năng quân sự, tái cân bằng chiến lược bao gồm sự đầu tư cần thiết đối với các mặt như phần cứng, hệ thống và khoa học kỹ thuật..,từ đó khiến cho quân đội Mỹ có thể bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ, khi phải đối diện với thách thức của sức mạnh quân sự khu vực đang tăng lên nhanh chóng. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, củng cố và phát triển quan hệ đồng minh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh và đối tác hợp tác chủ yếu ở châu Á là mấu chốt tăng trưởng và ổn định của khu vực này trong tương lai. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh lịch sử đã cho thấy một khuôn khổ khu vực lớn mạnh có thể kích thích hợp tác, kiềm chế các hành vi khiêu khích. Khuôn khổ này đòi hỏi cần phải tiếp tục nỗ lực, cần có quan hệ đối tác tiếp tục nỗ lực, vững mạnh, điều quan trọng là vẫn cần có sự lãnh đạo của Mỹ, đây là trọng tâm trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Tất cả các hành động ngoại giao, kinh tế và quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều nhằm thực hiện mục tiêu này. Hệ thống đồng minh song phương là khởi điểm và cơ sở để Mỹ can dự vào an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tháng 11/2009, trong thời gian đến thăm Nhật Bản, Tổng thống Obama đã có bài phát biểu quan trọng, tỏ rõ chính sách châu Á của Mỹ và thái độ của Mỹ đối với liên minh Mỹ-Nhật, Obama cho rằng: “Từ khi nhậm chức đến nay, tôi luôn nỗ lực khôi phục địa vị chủ đạo của Mỹ ở khu vực châu Á… nhưng thành quả mà Mỹ đạt được ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên mức độ nhất định thường phải dựa vào quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật lâu dài và bền vững”.

Các học giả Mỹ cũng kiến nghị Mỹ phải xây dựng một liên minh quân sự ở châu Á có sức hội tụ lớn hơn, như vậy mới có thể thực hiện được lợi ích chính trị và kinh tế của Mỹ, các nước đồng minh là bàn đạp của Mỹ. Và khi phải đối phó với các thách thức an ninh khó khăn đang phải đối diện ở khu vực này, kết cấu đồng minh là không thể thay thế, Nhưng với tư cách là công cụ của chính sách quốc gia, đồng minh là nhân tố biến động trong quá trình đang thay đổi không ngừng, cần phải điều chỉnh vai trò, sứ mệnh và khả năng để phù hợp với một môi trường quốc tế thay đổi. Chính quyền Obama cũng tiến hành điều chỉnh tương đối đối với hệ thống đồng minh châu Á, lợi dụng mối quan hệ căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản để ngăn chặn xu hướng ly tâm của Hàn Quốc và Nhật Bản, tăng cường liên minh quân sự Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật. Tại bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh với Hàn Quốc, đặc biệt là sau vụ pháo kích đảo Yeonpyeong tháng 11/2010, Triều Tiên phóng vệ tinh tháng 4/2012, Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 tháng 2/2013, Mỹ và Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tổ chức tập trận quy mô lớn, đồng thời bắt đầu đồn trú quân đội tại Australia.

Thứ hai, mở rộng hợp tác quân sự với Ấn Độ, các nước Đông Nam Á như Singaoore, Thái Lan… Mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng chặt chẽ. Trong 10 năm qua, quân đội Mỹ cũng tập trận với quân đội Ẩn Độ, số lần tập trận hàng năm đều tăng lên, mối liên hệ giữa quân đội hai nước cũng không ngừng mở rộng, trong 10 năm qua, Ấn Độ đã mua hơn 8 tỷ USD trang thiết bị quân sự cửa Mỹ. Mỹ đưa quân đến Australia, bố trí hải quân ở Singapore, triển khai hợp tác quân sự trên các lĩnh vực mới với Philippines, mời Myanmar tham gia tập trận “Hổ mang vàng” giữa Mỹ và Thái Lan trong năm 2013…, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tầu chiến hải quân, lực lượng lính thủy và lính thủy đánh bộ của Mỹ đã tham gia hơn 170 cuộc tập trận song phương và đa phương, tiến hành hơn 250 chuyến viếng thăm các bến cảng của khu vực này. Lấy các căn cứ quân sự châu Á làm căn cứ hoạt động, lực lượng vũ trang của Mỹ có thể sẽ mở rộng khả năng hoạt động của các lực lượng này đến Ẩn Độ Dương và vịnh Persian.

Thứ ba, lợi dụng tranh chấp lãnh thổ lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, xây dựng vòng cung bao vây Trung Quốc, về vấn đề Biển Đông, Mỹ giữ lập trường thiên vị rõ ràng đối với các nước có tranh chấp với Trung Quốc, tiếp đến can dự vào vấn đề Biển Đông. Mỹ tuyên bố Mỹ là quốc gia Thái Bình Dương, cũng là nước lớn có sự hiện diện lâu dài ở khu vực này việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, bảo đảm luật pháp quốc tế được tôn trọng, bảo vệ tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở đều liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Mỹ không ngừng chỉ trích hành vi bảo vệ chủ quyền quốc gia hợp pháp của Trung Quốc, về vấn đề đảo Điếu Ngư tuy Mỹ nhiều lần tuyên bố giữ lập trường trung lập, nhưng việc chủ trương đưa đảo Điếu Ngư vào phạm vi của Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật đã cho thấy Mỹ thiên vị Nhật Bản.

Thứ tư, tăng cường thực lực quân sự của hải quân và không quân, đổi mới quan niệm tác chiến. Từ bề ngoài cho thấy ngân sách quân sự của Mỹ đang cắt giảm, trên thực tế là đang tiến hành tái bố trí khu vực. Về địa lý, tăng thêm số nước có liên hệ quân sự với Mỹ, mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nâng cao khả năng hành động quân sự. Tháng 3/2013, khi diễn thuyết tại Hiệp hội châu Á-Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Tom Donilon cho rằng: “Trong vài năm tới, trong lực lượng quân sự của Mỹ sẽ có, một phần tương đối lớn được bố trí ở khu vực Thái Bình Dương. Đến năm 2020, 60% hạm đội hải quân Mỹ sẽ lấy khu vực Thái Bình Dương làm căn cứ.

Trong 5 năm tới, không quân của Mỹ cũng sẽ dần dần chuyển trọng tâm đến khu vực Thái Bình Dương. Mỹ đang tăng cường sức mạnh của lực lượng lục quân và lính thủy đánh bộ. Lầu Năm Góc đang hoạch định kế hoạch, ưu tiên bố trí khả năng quân sự hiện đại hóa nhất cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, bao gồm tầu ngầm, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35 và các loại máy bay trinh sát tiên tiến nhất. Hơn nữa, chúng ta đang hợp tác với các nước đồng minh để giành lấy tiến triển nhanh chóng trong việc mở rộng hệ thống rađa và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, đưa tới sự bảo hộ cho các nước đồng minh của Mỹ và toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Đồng thời, Mỹ cũng coi trọng việc đổi mới quan niệm tác chiến, tháng 1/2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố “Khái niệm can dự tác chiến liên hợp”, đồng thời đưa ra khái niệm “Tác chiến liên hợp không quân – hải quân”, tìm cách phối hợp và nâng cấp lực lượng không quân và hải quân. Ngoài ra, Mỹ còn đầu tư máy bay tiếp dầu trên không, máy bay ném bom kiểu mới cũng như tầu tuần tra trên biển và máy bay chống tầu ngầm tiên tiến.

3. Phân tích nguyên nhân của việc Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông dưới góc độ an ninh quân sự

Từ những thông tin do Bộ Quốc phòng và các kênh chính phủ khác của Mỹ công bố cho thấy nguyên nhân của việc Mỹ chuyển dich trọng tâm chiến lược sang phía Đông chủ yếu có:

Thứ nhất, nâng cao khả năng lãnh đạo của Mỹ, duy trì địa vị lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu. Ngày 5/1/2012 Mỹ đã công bố Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia mới nhất “Duy trì địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ – Nhiệm vụ ưu tiên của quốc phòng trong thế kỷ 21”. Mục tiêu của Mỹ là trong môi trường an ninh toàn cầu mang tính thách thức phải “duy trì địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”, bảo đảm an ninh tuyệt đối, bảo vệ ưu thế tuyệt đối và lợi ích quốc gia của Mỹ. Thể hiện rõ địa vị lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện tại khu vực tiền duyên của Mỹ ở khu vực này, không cho phép ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương xuất hiện cục diện sức mạnh chính trị, kinh tế, an ninh và quân sự bài xích Mỹ. Thứ hai, bảo vệ lợi ích rộng rãi của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ Jame J. Przystup từng cho rằng lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm: bảo vệ lãnh thổ của Mỹ, bảo vệ công dân Mỹ; tiến vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Mỹ ủng hộ những nỗ lực nhằm mở rộng và bảo đảm việc thâm nhập thị trường, tăng cường nỗ lực mở rộng thương mại thông qua việc thành lập Khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương và ký hiệp định tự do với Australia, Singapore và Hàn Quốc; bảo đảm tự do trên các vùng biển quốc tế; duy trì thế cân bằng, đề phòng bất kỳ một cường quốc và tập đoàn quốc gia nào trỗi dậy gây trở ngại cho sự tham gia về chính trị và kinh tế của Mỹ đối với khu vực này; ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hủy diệt hàng loạt và hệ thống phóng tên lửa đạn đạo; nâng cao dân chủ và nhân quyền. Báo cáo “Duy trì địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ – Nhiệm vụ ưu tiên của quốc phòng trong thế kỷ 21” cũng, đã trình bầy về vấn đề này: “Lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển được mở rộng từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á đến khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á, sự phát triển này tạo ra sự thay đổi không ngừng giữa thách thức và cơ hội. Vì vậy, cho dù quân đội Mỹ tiếp tục thúc đẩy an ninh toàn cầu, nhưng Mỹ vẫn phải tái điều chỉnh đối với chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác hợp tác chủ yếu ở châu Á là điều then chốt quyết định sự tăng trưởng và ổn định của khu vực này trong tương lai.

Các đồng minh hiện nay của Mỹ đã đặt nền tảng quan trọng cho an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ cũng sẽ mở rộng mạng lưới quan hệ hợp tác với các đối tác mới nổi của toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Ấn Độ, để ủng hộ Ấn Độ với tư cách là nước dẫn đầu kinh tế trong khu vực, và tạo ra môi trường an ninh rộng rãi hơn ở khu vực Ấn Độ Dương”. Từ Ấn Độ Đương đến khu vực ven biển phía Tây nước Mỹ, cư trú một nửa dân số thế giới, có các đồng minh quan trọng của Mỹ, có các nước lớn kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, còn có nhiều tuyến đường vận tải năng lượng và thương mại sôi động nhất trên thế giới.

Lượng hàng hóa chuyên chở thông qua Biển Đông chiếm tới một nửa lượng hàng hóa thế giới. Thứ ba, tuyên truyền “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, tìm kiếm lý do và tạo cớ cho việc Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương bằng quân sự. Thứ tư, chuyển đổi phương hướng và phương châm chiến lược quân sự của Mỹ. Chính quyền Obama đã thay đổi chính sách chống khủng bố từ chủ yếu sử dụng vũ lực trong thời kỳ Chính quyền Bush (con), chuyển sang rút quân khỏi Iraq, tăng thêm quân đội cho Afghanistan, tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á, thực hiện coi trọng cả Trung Đông và Đông Á trong địa vị chiến lược quân sự của Mỹ. Từ phương châm chiến lược cho thấy Mỹ đã rút được bài học chống khủng bố ở Iraq, thay đổi chiến thuật biển người, chuyển sang nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò của biển đối với Mỹ, nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của hải quân đối với Mỹ, hoạch định kế hoạch tác chiến liên hợp không quân và hải quân. Và khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính là khu vực mà Mỹ quan tâm nhất đến việc kết hợp tác chiến giữa không quân và hải quân. Từ góc độ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy khu vực này có các đối tác đồng minh quân sự quan trọng nhất của Mỹ, lại có Trung Quốc và Nga là hai đối thủ cạnh tranh tiềm tàng chủ yếu nhất của Mỹ, vừa có vấn đề do Chiến tranh Lạnh để lại, vừa có rất nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống.

4. Kiến nghịsách lược đối phó của Trung Quốc đối với biện pháp quân sự của Mỹkhi chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông

Mỹ vẫn duy trì tư duy Chiến tranh Lạnh, không ngừng tăng cường hệ thống đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương của mình, việc Mỹ duy trì mức độ căng thẳng vừa phải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở tình hình khu vực xung quanh Trung Quốc có thể tạo ra cái cớ cho Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông. Từ ý nghĩa này cho thấy việc Mỹ dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang phía Đông chắc chắn sẽ là nhân tố tiêu cực trong phát triển an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và việc Mỹ không ngừng bố trí lực lượng ở khu vực xung quanh Trung Quốc trở thành biến số lớn nhất gây ảnh hưởng đến an ninh xung quanh Trung Quốc. Để bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển xung quanh Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kiến nghị Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp tích cực để đối phó.

(1). Kiến nghị dựa theo chiến lược phát triển biển quốc gia được đề xuất trong báo cáo Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ra sức thúc đẩy công cuộc xây dựng cường quốc biển

Báo cáo Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra chiến lược phát triển biển quốc gia “nâng cao khả năng khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển quốc gia, xây dựng cường quốc biển”, vạch rõ phương hướng tiên tiến cho công cuộc phát triển và xây dựng biển của Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc muốn trở thành cường quốc thế giới chắc chắn phải hướng ra biển. Từ lịch sử cho thấy sự trỗi dậy của các nước lớn đều gắn liền với biển. Việc Mỹ thực hiện chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông cũng dựa trên tầm quan trọng của biển đối với Mỹ.

Biển có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Trung Quốc đang trỗi dậy. Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc không tránh khỏi phải phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên. Và gần một nửa lượng dầu mỏ hàng năm của Trung Quốc, trên 80% thương mại quốc tế phụ thuộc vào tuyến đường vận tải trên biển đi qua eo biển Malacca. Trung Quốc tồn tại bất đồng về chủ quyền một số đảo và phân định vùng biển với một vài nước, cũng khiến cho sự quan tâm của các giới ở Trung Quốc đối với biển không ngừng tăng lên, cũng đưa tới cơ hội cho công chúng Trung Quốc nâng cao ý thức biển, kết hợp chặt chẽ giữa việc phát triển kinh tế biển; bảo vệ môi trường sinh thái biển, kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển quốc gia với các biện pháp bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, phối hợp hành động bảo vệ quyền lợi biển giữa chính phủ với nhân dân; kết hợp việc phát triển thực lực hải quân với bảo vệ lợi ích an ninh chủ quyền và lợi ích tại nước ngoài của Trung Quốc.

(2). Kiến nghị hoạch định mô hình ngoại giao xung quanh “Thái độ chủ động, can thiệp trước, có thể kiểm soát toàn bộ quá trình, có lợi cho Trung Quốc, cùng có lợi cùng thắng lợi”

Giảm thiểu việc nẩy sinh những vấn đề làm cho tình hình phức tạp thêm, đưa tới ảnh hưởng bất lợi, do không can thiệp trước hoặc mức độ can thiệp không đủ gây nên. Coi trọng việc áp dụng biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao và chiến lược để bảo vệ ổn định an ninh xung quanh. Đối với vấn đề đảo Điếu Ngư, phải không ngừng củng cố những thành quả đã giành được, liên kết hai bờ eo biển Đài Loan, cùng bảo vệ chủ quyền quốc gia. Kết hợp chặt chẽ giữa việc thực thi chiến lược phát triển biển với việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

(3). Tiếp tục thực hiện phương châm “coi láng giềng là bạn, thân thiện với láng giềng”

Đông Á là một khu vực chủ yếu khi Trung Quốc trỗi dậy, môi trường xung quanh ổn định hài hòa rất quan trọng đối với sự phát triển hòa bình của Trung Quốc. Giải quyết ổn thỏa tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với các nước xung quanh, củng cố láng giềng hữu nghị, đi sâu hợp tác cùng có lợi, nỗ lực khiến cho sự phát triển của Trung Quốc đem đến nhiêu điều tốt lành hơn cho các nước xung quanh, thực hiện mục tiêu “láng giềng giầu có, láng giềng an ninh, láng giềng thân thiện”.

(4). Kiến nghị tích cực thúc đẩy việc phát triển lành mạnh và thuận lợi quan hệ Trung-Mỹ

Việc Mỹ dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang phía Đông quả thực đã tạo nên sức ép và mối đe dọa nhất định cho Trung Quốc, nhưng suy cho cùng quan hệ Trung-Mỹ lại không giống với quan hệ Mỹ-Nga trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự phụ thuộc lẫn nhau trên lĩnh vực kinh tế, an ninh và chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ khiến cho quan hệ Trung-Mỹ xuất hiện cục diện cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại; trong một thời kỳ nhất định, sự cạnh tranh, thậm chí đối kháng giữa Trung Quốc và Mỹ trên một số lĩnh vực không thể làm mất đi hợp tác giữa hai nước.

Sự mở rộng của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng tăng thêm cơ hội trao đổi hiểu biết giữa Trung Quốc và Mỹ, điều hòa lập trường giải quyết tranh chấp giữa hai bên, đưa tới cơ hội cho việc thúc đẩy trật tự khu vực và thế giới phát triển theo hướng công bằng hợp lý. Vì vậy, Trung Quốc phải coi trọng vai trò của các cơ chế đối thoại Trung-Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường đối thoại an ninh chiến lược mới, thực hiện trao đổi lành mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, xây dựng quan hệ với các nước lớn mới nổi./.

Theo Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét