(RUVR- 10.10.13) Quá trình tái trang bị các lực lượng vũ trang Việt Nam, diễn ra có sự tham gia tích cực của Nga, đang là việc thu hút quan tâm ở phương Tây và các nước láng giềng châu Á, song hành với quan ngại ngày càng tăng của CHND Trung Hoa. Được biết, người Trung Quốc đã phát biểu về mối quan ngại này với phía Nga trong quá trình các tiếp xúc song phương. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Vasily Kashin chuyên viên Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ, Việt Nam chỉ thực hiện những động thái cần thiết tối thiểu để lực lượng vũ trang của đất nước theo kịp nhịp bước thời đại.
Dù vậy, hàng loạt nhà bình luận quân sự Trung Quốc đã tuyên bố trực tiếp rằng Việt Nam đang tái trang bị mạnh, cụ thể là trong lực lượng quốc phòng xuất hiện cả những chiếc tàu ngầm diesel-điện tiên tiến, và do đó tạo ra mối đe dọa rõ rệt với an ninh quốc gia của CHND Trung Hoa.
Quả thực, Việt Nam đã trở thành một đối tác lớn của Nga trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật. Với sự hỗ trợ của Nga, Việt Nam đang tạo lập hạm đội tàu ngầm trong thành phần có 6 tàu ngầm đề án 636. Việt Nam cũng nhận được từ Nga các chiến đấu cơ Su-30MK2, tàu tên lửa, khu trục hạm, tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không các loại khác nhau. Nga giúp Việt Nam bảo trì các trang bị vũ khí Liên Xô cung cấp trước đây và dành hỗ trợ nghiêm túc trong việc đào tạo các sĩ quan Việt Nam theo các chuyên ngành kỹ thuật.
Tuy nhiên, cũng không nên quá phóng đại ý nghĩa những thành công của Việt Nam trong lĩnh vực hiện đại hóa quốc phòng. Sẽ là ngây thơ nếu chờ đợi rằng một quốc gia lớn nhất của khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế phát triển nhanh chóng cứ mãi hài lòng với kho vũ khí còn sót lại từ thời xô-viết.
Trung Quốc hàng năm tiến hành chế tạo những tàu ngầm hạt nhân mới, hàng năm cho ra đời hàng chục máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, Trung Quốc đã thu xếp khâu xây dựng tàu khu trục, có trang bị hệ thống riêng tương tự với Aegis của Mỹ. So với tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, thì những thành quả của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Dù Nga có sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Việt Nam chăng nữa, thì Việt Nam đơn giản là chưa đủ nguồn lực tài chính để xây dựng và duy trì lực lượng không quân và hải quân trong tình trạng chuẩn bị chiến đấu đến mức có thể thách thức Trung Quốc. Việt Nam chỉ cố gắng để đảm bảo các nhu cầu cơ bản của quốc phòng. Và Trung Quốc nên lấy làm may mắn vì Việt Nam thực hiện điều đó với sự giúp đỡ của Nga.
Vì sao lại như vậy?
Bất kể luôn có căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn khác biệt so với quan hệ giữa Trung Quốc và những đồng minh gần gũi của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Philippines. Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ chiến lược của mình với Việt Nam, trông đợi thu hút quốc gia chủ chốt này của vùng Đông Nam Á vào hợp tác kinh tế quy mô lớn. Đồng thời, tranh chấp lãnh thổ chưa được tháo gỡ và sự hiện hữu tình cảm dân tộc mạnh mẽ từ cả hai bên có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng cục bộ, - chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều nhận thức được điều đó và đang cố gắng hạ nhiệt khủng hoảng trước khi mối quan hệ này gây những hệ lụy tổn hại không thể khắc phục.
Giả sử Nga từ chối cung cấp các loại vũ khí cần thiết cho Việt Nam, phía Việt Nam sẽ đối mặt với mối đe dọa giảm sút khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nước mình và sự xáo trộn cân bằng lực lượng trong khu vực. Trong tình trạng suy yếu dễ bị tổn thương như vậy, Việt Nam chắc chắn phải hướng tới nguồn cung cấp đối trọng thay thế duy nhất về vũ khí hiện đại, là Hoa Kỳ và các đồng minh của người Mỹ. Không giống như Nga, Hoa Kỳ hầu như luôn luôn ràng buộc hợp tác quân sự- kỹ thuật với việc thực hiện tổ hợp điều kiện chính trị. Tiến trình dần dần xích lại gần nhau của Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực quân sự - chính trị có thể được thúc đẩy nhanh hơn rõ rệt. Khi ấy Việt Nam sẽ nhận được số vũ khí tương đương hoặc thậm chí là nhiều hơn so với mức hiện nay đang nhận từ Nga, đồng thời cũng sẽ chuyển hướng từ chính sách giữ thế cân bằng giữa các cường quốc sang chính sách liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ. Do đó, giả như Matxcơva không cung cấp vũ khí cho Hà Nội thì sẽ là phương án xấu với Bắc Kinh, gây hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho an ninh của Trung Quốc, hơn là duy trì tiếp nối quá trình cung cấp như hiện nay.
Nguồn: Tiếng nói nước Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét