Vibay

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Biển Đông - Chiến trường mới của chủ nghĩa dân tộc châu Á

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Thứ Bảy, ngày 19/10/2013

TTXVN (Paris 18/10)

Báo Le Monde ngày 10/10 có bài viết về tranh chấp ở Biển Đông cho rằng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một loạt cuộc họp cấp cao diễn ra tại Đông Nam Á đầu tháng 10 đã tạo cơ hội để Trung Quốc tự do hành động với các vấn đề của khu vực. Nội dung chính bài viết như sau:

Về phía châu Á, tất nhiên đã có những tiếng nói bầy tỏ sự lo lắng đối với chiến lược “chuyển hướng” sang châu Á-Thái Bình Dương của Chính quyền Obama, một yếu tố tạo đối trọng với các tham vọng của Trung Quốc, về phần mình, Trung Quốc tỏ ra khoan hòa và mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế trên mọi phương diện. Bắc Kinh cam kết tăng cường hội nhập thương mại với các nước Đông Nam Á và nâng gấp đôi mức trao đổi thương mại với các nước trong khu vực từ nay đến năm 2020. Còn các vấn đề lãnh thổ? Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN tại Bandar Seri Begawan (Brunei): “Chúng ta cần cùng nhau làm việc để biển Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Jean-Pierre Cabestan, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Hong Kong nhận xét cuộc tấn công ngoại giao của Lý Khắc Cường cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi chiến lược: “Có một thiện chí hòa dịu từ phía Trung Quốc. Không biết có phải là tạm thời hay không, nhưng tôi tin rằng Trung Quốc đã ý thức được các tác dụng phụ của cách tiếp cận hung hăng quá đà ngoài Biển Đông mà họ áp dụng tới nay. Người ta đã lưu ý thấy các cuộc tranh luận ở Trung Quốc, trong giới nghiên cứu, kể cả ở Trường Đảng và trong các nhóm chính thức, về cái giá của thái độ hung hăng này .

Theo Cabestan, cứ mỗi lần tham dự các diễn đàn kiểu này, Trung Quốc đều chơi chiêu bài như vậy. Các nước liên quan sẽ không tin lời hứa của Trung Quốc là thật, đặc biệt là Indonesia, quốc gia có trọng lượng ở ASEAN và có những tham vọng địa chính trị riêng. Tất cả vấn đề là ở chỗ đợi xem Trung Quốc có thiện chí với các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu tại Bandar Seri Begawan hay không.

Sau một thời gian dài tranh luận về chủ đề này, Bắc Kinh lần đầu tiên – tại một cuộc họp với ASEAN ở Túc Châu ngày 15/9 – đã chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử là một phần nghị sự trong các cuộc gặp chính thức giữa quan chức cấp cao Trung Quốc và những người đồng nhiệm ASEAN, cho phép bảo đảm tính liên tục trong các cuộc thảo luận và các tham vấn chính thức. Các khu vực trên Biển Đông đã thực sự trở thành một chiến trường đối đầu của các chủ nghĩa dân tộc châu Á và là nơi các mối căng thăng không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Tham vọng xây dựng một lực lượng hải quân biển xa đang thúc đẩy Trung Quốc phá vỡ vòng vây vật chất và chiến lược được tạo thành từ chuỗi đảo nằm ven biển gần và từ các đồng minh hoặc các nước thân cận với Mỹ.

Sự khan hiếm các nguồn hải sản hoặc những sự tước đoạt và tình cảm tích tụ của các nhân tố khu vực nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh là một nguồn gây xung đột thường trực. Đó là chưa kể tới cuộc chạy đua vũ trang ở cấp độ lực lượng hải quân và sự phát triển ngoạn mục các khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Andrew s. Erickson, một chuyên gia nghiên cứu về hải quân Trung Quốc thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Rhode Island (Mỹ), từng lưu ý trên tạp chí “The Diplomat” hồi tháng 3/2013 rằng “Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) ngày càng có nhiều nguồn lực khả năng và sự bảo đảm hơn để giá trị hóa các lợi ích của Trung Quốc trên vành đai mà Bắc Kinh yêu sách, đặc biệt tại các vùng biển gần.

Theo quan điểm của Trung Quốc, mọi vấn đề chủ quyền đều không thể đàm phán và Bắc Kinh muốn giành lại “các quyền lịch sử” đối với một vùng lãnh hải mênh mông ở Biển Đông. Như vậy, vùng lãnh hải này sẽ bao gồm Biển Hoa Đông, nơi có các hòn đảo không người sinh sống trên quần đao Senkaku (Điếu Ngư) mà Nhật Bản quản lý từ năm 1972; hoặc ở Biển Đông (Biển Hoa Nam), một vùng rộng lớn hình thành theo đường lưỡi bò, được ấn định bởi cái mà người Trung Quốc gọi “đường chín đoạn”, bao gồm 3 quần đảo và dải đá ngầm lớn. Trung Quốc hiện đang kiểm soát thực tế một phần, chẳng hạn quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa), nhưng đang muốn thâu tóm toàn bộ bất chấp các nước ven biển khác, trước hết gồm Việt Nam và Philippines, tiếp đến là Brunei, Malaysia và Indonesia.

Cho đến nay, Bắc Kinh đang triển khai một chiến lược hai mặt. Đối với các nước láng giềng và các đối thủ, Trung Quốc dựa vào cái mà nhà nghiên cứu Stephanie Kleine-Ahlbrandt (Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế – ICG) mô tả là “sự quyết đoán phản ứng”, có nghĩa là nắm bắt cơ hội từ khủng hoảng để đảo ngược nguyên trạng sao cho có lợi. Đó là trường hợp Trung Quốc đã làm với Nhật Bản sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa tháng 9/2012, quần đảo Senkaku vốn thuộc quyền sở hữu của một điền chủ Nhật Bản. Bắc Kinh đã lập tức chính thức yêu cầu Liên Hợp Quốc công nhận Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Trung Quốc, sau đó ra lệnh cho các lực lượng tuần duyên của mình xâm nhập sâu và hầu như hàng ngày vào các vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Theo Kleine-Albrandt, Bắc Kinh đang tìm mọi cách áp đặt một nguyên trạng mới, đó là ý đồ đồng quản lý các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ở Biển Đông, năm 2012, Bắc Kinh lấy cớ Philippines khám xét tàu thuyền của các ngư dân Trung Quốc để giành quyền kiểm soát thực tế đảo Hoàng Nham (bãi đá cạn Scarborough) bằng các tầu riêng của mình. “Vùng biển” mà Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông là rất có vấn đề nếu chiếu theo các điều khoản trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc phê chuẩn năm 1996. Một cách khái quát, việc sở hữu đầy đủ các hòn đảo và bãi cạn liên quan có thể dẫn tới việc thiết lập các vùng đặc quyền kinh tế quan trọng, nhưng trong mọi trường hợp đều không phải là một vùng biển gần quy mô lớn như Bắc Kinh chỉ định là “lãnh hải của Trung Quốc”.

Trung Quốc đã cho xây dựng cả một cơ sở tư pháp và hành chính hỗn hợp để làm chỗ dựa cho các yêu sách chủ quyền của mình. Tháng 7/2012, Trung Quốc đã thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa ở Hoàng Sa và dựng lên ở đây một trạm đồn trú của quân đội. Tam Sa là thành phố được trao thẩm quyền quản lý đối với một vùng lãnh hải nằm bên trong “đường chín đoạn”, gồm Trường Sa (Nam Sa) và bãi ngầm Macclesfield (Trung Sa) hiện đang chịu một phần kiếm soát của các nước Đông Nam Á. Tỉnh Hải Nam mà Tam Sa trực thuộc cũng ban hành một bộ luật ủy quyền cho các đơn vị tuần duyên khám xét trên một vùng biển rộng lớn các tàu thuyền “không tôn trọng các quy định” – chẳng hạn các ngư dân nước ngoài đi vào vùng được coi là đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Sự không rõ ràng về bờ biền của Trung Quốc đã gắn chặt với tư duy nạn nhân hóa phức tạp – trước các cựu thực dân, trong đó có Nhật Bản và cả các cường quốc châu Âu thông qua đường biển – và với sự bao vây cũng như “trò chơi đồng minh” của Mỹ. Đó là chiến lược “chuyển hướng” sang châu Á-Thái Bình Dương mà Hillary Clinton đã đề cập lần đầu tiên vào tháng 11/2011. Chiến lược này đã liên tục bị Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt là âm mưu “ngăn chặn Trung Quốc”, tóm lại là một thách thức công khai đối với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc cho dù Bắc Kinh không thể gọi rõ tên.

Chiến lược của Mỹ đã “khích lệ và tăng cường” nhu cầu của các nước châu Á về mặt an ninh. Đây chính là quan điểm – được nêu trên diễn đàn “Thời báo Hoàn cầu” tháng 3/2013 – của Lưu A Minh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải: “Mỹ đã khai thác nhu cầu hoặc sự lo ngại về an ninh của các nước châu Á trong một ý tưởng rằng các nước này sẽ phục vụ cho chiến lược riêng của Mỹ, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc lại trở thành sự bao biện cho việc theo đuổi một chiến lược như vậy”.

Bắc Kinh đã dựng lên một hàng rào rất cao và mọi nhượng bộ của giới lãnh đạo đối với phạm vi chủ quyền trên biển đều đẩy họ hứng chịu búa rìu của dư luận Trung Quốc. Công cuộc tái chinh phục vùng ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn là một dự án dài hạn đối với Trung Quốc. Nếu muốn gạt bỏ thách thức, Mỹ buộc phải tránh bị gạt ra rìa trên lĩnh vực kinh tế và phải chứng tỏ được mình tại các hội nghị thượng đỉnh của khu vực./.

Theo Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét