Vibay

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Hồng Hà và kế hoạch xuất khẩu tàu chiến

29/4/12- Thủ lĩnh đóng tàu chiến (TT): - Một giám đốc mang quân hàm đại tá, lãnh đạo một doanh nghiệp nổi tiếng với kỳ tích đóng thành công tàu chiến đầu tiên của VN, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược về quốc phòng.

Nghe:

Đại tá Nguyễn Văn Cường (bìa phải) giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về khu vực nhà máy trong dịp Thủ tướng về thăm và làm việc (tháng 12-2011) - Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẮC
Đại tá Nguyễn Văn Cường (bìa phải) giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về khu vực nhà máy trong dịp Thủ tướng về thăm và làm việc (tháng 12-2011) - Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẮC

Đó là đại tá Nguyễn Văn Cường - giám đốc Công ty đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng).

Dấu ấn quan trọng nhất của vị giám đốc sinh năm 1961 này là hai bước ngoặt mang tính lịch sử của Hồng Hà: đóng tàu xuất khẩu cho một quốc gia có thế mạnh về đóng tàu xuất khẩu và là đơn vị đầu tiên - cũng là duy nhất ở thời điểm này của VN - tự thiết kế công nghệ và đóng thành công tàu chiến.

Không thay đổi, không có tương lai

“Đó là một người luôn gây ngạc nhiên về tầm nhìn chiến lược vượt trội, sự bản lĩnh hiếm có và tinh thần dám mạo hiểm. Những quyết định của giám đốc đều là những bước ngoặt lịch sử của công ty” - đại tá Nguyễn Văn Đắc, chính ủy Nhà máy Z173, nói như thế về người thủ trưởng và cũng là bạn của mình. Chính ủy muốn nhắc về câu chuyện cách đây tám năm, chủ tịch Tập đoàn đóng tàu Rensen (Hà Lan) khi đến thăm Nhà máy Z173 đã bất ngờ hỏi: Z173 có thể sản xuất sản phẩm có sự giám sát của đăng kiểm nước ngoài được không và đưa ra đề nghị về dự án đóng tàu hàng công nghệ cao.

Nhận lời hay từ chối, đó không đơn giản là một câu trả lời. Để đạt được những yêu cầu của đăng kiểm quốc tế, Hồng Hà phải có dấu vôlăng của tổ chức giám sát chất lượng của châu Âu. “Đề nghị của tổng giám đốc Tập đoàn Rensen là một cơ hội lớn và cũng là thử thách đầy áp lực” - đại tá Nguyễn Văn Cường nói. Lãnh đạo các đơn vị bạn hỏi tại sao không tập trung thị trường trong nước mà mạo hiểm đóng tàu xuất khẩu? “Chưa làm, không dám làm thì sao biết có làm được hay không? Ban đầu làm sẽ vấp, sẽ vướng nhiều thứ nhưng đó là điều đương nhiên. Phải vượt qua, càng làm sẽ tự hoàn thiện dần. Mình có năng lực không lẽ giậm chân tại chỗ mãi?” - ông Cường lập luận.

Ý định đóng tàu xuất khẩu đã có trong chiến lược phát triển của giám đốc Công ty Hồng Hà, nhưng thời điểm đó người thủ lĩnh của Z173 đang phân vân giữa hai hướng đi: đầu tư vào con người và trang thiết bị để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, làm gia công cho đối tác, tập đoàn; hay là xây dựng nguồn lực cán bộ kỹ thuật thật mạnh, thật giỏi, đủ năng lực làm trực tiếp với các hãng vận tải lớn và các chủ tàu trên thế giới? Ông chọn con đường thứ hai. Nhưng muốn đóng tàu xuất khẩu cho một quốc gia châu Âu thì phải có khoa học, công nghệ và con người.

"Tôi sợ nhất những người không có ý tưởng mới"

Đại tá giám đốc Nguyễn Văn Cường

“Giám đốc là người đã thay đổi hoàn toàn cách làm, cách nghĩ của cả công ty: phải chuyên nghiệp, tiến độ với đối tác là tiền bạc. Ông đã tạo ra tư duy rất quan trọng với mỗi cán bộ, công nhân Hồng Hà là: không thay đổi thì không có tương lai” - chính ủy Đắc cho biết. Một cuộc đại “thay máu” trong cách nghĩ, cách làm diễn ra trong toàn Hồng Hà.

Trao quyền cho trí thức trẻ

Trong quy chế của công ty xuất hiện nội dung mới rất hấp dẫn và lạ: tài trợ toàn bộ chi phí và ưu tiên thời gian cho tất cả đi học văn bằng hai về kỹ thuật và kinh tế. Hồng Hà đưa người đi đào tạo ở những quốc gia châu Âu có truyền thống về đóng tàu theo công nghệ mới và tàu chiến ở Nga. Những người ở nhà được học các lớp có giáo sư, hợp tác với nhiều trường đại học nổi tiếng về kinh tế thị trường, cạnh tranh, tư duy đổi mới...

Các tổ trưởng, tổ phó cũng phải đi học về quản lý, về kinh tế để hiểu được tư duy kinh doanh trong sản xuất. Giám đốc Hồng Hà quan niệm: “Dân kỹ thuật không thể chỉ biết làm kỹ thuật, phải biết làm kinh tế. Người làm sản xuất phải biết kinh doanh vì sản xuất để bán hàng hóa cho người khó tính chứ không phải giao sẵn cho người nhận sẵn.

Sự liên kết sản xuất - tư duy, kinh tế - công nghệ - kỹ thuật... phải có lập luận và kết hợp để đạt tiêu chuẩn và hiệu quả”. Toàn bộ cán bộ phải giỏi tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Trợ lý kỹ sư đầu ngành không cần phiên dịch. Công ty lo học phí. Ngay cả công nhân cũng phải biết tiếng Anh để tự tin giao tiếp vì thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài.

Khi đã có sự chuẩn bị đầy tự tin về con người, chiếc tàu vận tải đa năng 2.600 tấn đầu tiên được đặt ky. Tập đoàn Rensen thuê hẳn một nhóm giám sát sang theo dõi rất chặt chẽ, nghiêm ngặt từng công đoạn nhỏ. “Chúng tôi hiểu rằng nếu không ngừng nỗ lực thì sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Chúng tôi tự tạo ra sức ép để vươn lên” - thượng úy Nguyễn Thành Trung, phó trưởng phòng sản xuất, nói.

Tháng 11-2006, sau khi tiếp nhận chiếc tàu vận tải đa năng 2.600 tấn đầu tiên, Tập đoàn Rensen quyết định nâng số lượng hợp đồng lên tám chiếc dù lúc đầu chỉ là phương án 2+2 (2 chính thức và nếu làm tốt mới thêm 2 chiếc nữa). Bây giờ Hồng Hà đang thực hiện dự án bốn tàu trọng tải 3.500 tấn cho tập đoàn nổi tiếng này.

Sau khi đóng tàu cho Rensen được một năm, tư duy chọn mặt gửi vàng của giám đốc Công ty đóng tàu Hồng Hà thay đổi. Ông không đánh giá năng lực bằng thâm niên mà bằng các tiêu chí làm việc cho các vị trí đó. Với những sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu nước ngoài, ông Cường đã dám trao cho những người trẻ, năng động đứng đầu các dự án và để những người có kinh nghiệm đứng sau hỗ trợ.

Thế nên việc một kỹ sư mới ra trường 2-3 năm (trẻ nhất sinh năm 1987) làm trưởng nhóm của một dự án trị giá hàng chục triệu euro không phải là chuyện lạ ở Hồng Hà. “Sếp tạo ra một môi trường cho mọi người thật sự muốn cạnh tranh, muốn thăng tiến. Ai có sáng kiến, giám đốc sẵn sàng nghe. Sếp đã tạo ra một không khí văn hóa doanh nghiệp và giúp mọi người nhìn về cái chung nhiều hơn, tự họ thúc đẩy mình” - thượng úy Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

Bắt đầu từ nhân viên kinh doanh

Đại tá Nguyễn Văn Cường là một người không thích nói nhiều về bản thân mình. Gặng mãi, ông chỉ kể ngắn gọn: “Bố tôi hi sinh năm 1970. Khi tôi học hết cấp III, gia đình khó khăn, mẹ ốm nặng, chị gái lấy chồng.

Tôi có một em nhỏ, ăn không đủ ăn, làm sao nghĩ đến chuyện đi học. Vậy là đi bộ đội. Năm 1981 tôi nhập ngũ. Hai năm sau được điều về C37, trung đoàn 876, Tổng cục Hậu cần. Tôi thấy mình cần phải học thì mới làm được nhiều việc hơn, cống hiến được nhiều hơn. Nhờ đơn vị tạo điều kiện, tôi mới có thời gian đi học và tốt nghiệp ĐH Kinh tế. Năm 1986, tôi về Công ty đóng tàu Hồng Hà, khởi đầu chỉ là nhân viên kinh doanh”.

Tàu chiến TT400-TP - tàu chiến đầu tiên do VN sản xuất, niềm tự hào của Công ty đóng tàu Hồng Hà - Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẮC
Tàu chiến TT400-TP - tàu chiến đầu tiên do VN sản xuất, niềm tự hào của Công ty đóng tàu Hồng Hà - Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẮC

Khát vọng xuất khẩu tàu chiến

Ngày xưa Hồng Hà chỉ đóng và sửa chữa xuồng cứu nạn cứu hộ, tàu nhôm... nhưng từ cuối năm 2002, họ đã đóng tàu cảnh sát biển, tàu hải quân và hiện là nhà máy chủ lực sản xuất những loại tàu này.

Nhận đóng tàu chiến chỉ với thiết kế sơ bộ là quyết định táo bạo nhất, mạo hiểm nhất đến thời điểm này của giám đốc Nhà máy Z173. Tám năm trước, ngay từ khi lên làm giám đốc, ông Cường đã nghĩ đến việc đóng tàu chiến. “Chúng ta cần có những chiến thuyền rộng về kích thước, nhanh về tốc độ, mạnh về hỏa lực, giỏi về tác chiến. Nhưng nếu không nghĩ đến việc tự đóng mà cứ mua của nước ngoài thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế đất nước. Vì chi phí mua một tàu chiến lên đến hàng chục triệu USD!” - ông cho biết.

Ông đã bàn với ban lãnh đạo Z173 và quyết định: chỉ mua thiết kế sơ bộ rồi tự mình thiết kế, thi công công nghệ. Nếu mua bản thiết kế và chuyển giao công nghệ cho một lớp tàu thì giá lên đến hàng chục triệu USD! “Mua bản vẽ thiết kế sơ bộ chỉ tốn mấy trăm ngàn USD. Còn thiết kế công nghệ thì mình chủ động làm. Giá thành sản xuất một chiếc tàu sẽ rẻ hơn rất nhiều, chỉ gần 1 triệu USD” - giám đốc Nhà máy Z173 cho biết.

Vào thời điểm đó, nhiều người bên ngoài không tin Hồng Hà có thể đóng được tàu chiến. Giám đốc Công ty Hồng Hà quyết định: chủ động đàm phán với các đối tác nước ngoài, tự bỏ tiền mua bản thiết kế sơ bộ rồi chứng minh cho chủ đầu tư (Quân chủng hải quân) và Bộ Quốc phòng là Z173 có thể đóng được tàu chiến! Ông bảo: “Chúng tôi đã đóng mới thành công tàu cảnh sát biển TT400, cũng mua thiết kế sơ bộ của nước ngoài. Vậy tại sao lại không thể đóng được tàu chiến? Tại sao chúng ta không dám đi con đường mà chưa ai dám nghĩ, dám đi trong khi có rất nhiều người tài như vậy?”.

Tháng 8-2011, chiếc tàu chiến TT400-TP đầu tiên “bằng xương bằng thịt” xuất hiện trong niềm xúc động của toàn thể cán bộ, công nhân Nhà máy Z173. Khi nghiệm thu bắn đạn thật (ngày 27-9-2011), tàu chiến TT400-TP đã được đăng kiểm quốc tế công nhận có công nghệ lắp ghép vỏ tương đương thế giới. Ngày 16-1-2012, chiếc TT400-TP đầu tiên đã được bàn giao cho hải quân. “Chúng tôi không chỉ dừng lại việc đóng tàu chiến cho đất nước mình. Xuất khẩu tàu chiến cũng nằm trong chiến lược phát triển của công ty” - giám đốc Công ty Hồng Hà chia sẻ về khát vọng vươn xa hơn nữa của mình.

MY LĂNG

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/489429/Thu-linh-dong-tau-chien.html
-----------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét