Vibay

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Có một Trung Hoa khốn khổ bởi cái đường lưỡi bò

23/11/2012- Trong lúc tàu thăm dò Curiosity của Mỹ đang lục lọi trên Sao Hỏa để tìm nước và vi khuẩn thì Trung Hoa vẫn ngồi chồm hỗm bên bờ Thái Bình Dương, ngày qua ngày thụt thè cái lưỡi bò đỏ lòm từ đầu đến gót Biển Đông. Đây quả là một nghịch lý của lịch sử bởi khi người Trung Hoa quan sát các vì sao cả ngàn năm về trước, nước Mỹ nói riêng và lục địa Châu Mỹ nói chung thậm chí còn nằm ngoài trí tưởng tượng của loài người.


Trong cuộc chiến Việt – Trung năm 1979, hình ảnh của những người lính Trung Hoa không khác là mấy so với chính họ khi can dự vào cuộc chiến hai miền Triều Tiên gần 30 năm trước đó. Nó giống nhau từ cái mũ vải tròn tròn, quân phục rất … tá điền, khẩu súng bắn nhát một hay chiến thuật biển người. Nhưng chỉ sau 5 năm, hình ảnh của họ đã hoàn toàn thay đổi. Điều này cho thấy, công cuộc mở cửa của Trung Hoa đã thành công nhanh chóng như thế nào.


Không phủ nhận rằng thế giới được hưởng lợi một phần từ chính sách cải cách của Trung Hoa. Nhưng trong câu chuyện này, chính Trung Hoa mới là bên được hưởng lợi nhiều nhất. Nhờ nguồn tư bản của nước ngoài, tận dụng thành công những thành tự khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, kết hợp với giá nhân công dồi dào, rẻ mạt, Trung Hoa đã chuyển mình, vượt qua Pháp, Anh, Đức rồi Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu.

Ai nên mang ơn ai? Trung Hoa cần phải cảm ơn thế giới nhiều hơn, trong đó có các nước Đông Nam Á. Thế giới đã góp phần quan trọng trong việc mang lại ấm no cho hơn một tỷ dân chúng. Đây là điều mà quốc gia này đã không làm được trong suốt mấy chục năm trời, kể từ ngày quốc khánh đầu tiên vào năm 1949.

Nhưng một Trung Hoa với chiều dài lịch sử rất dày và vĩ đại; một Trung Hoa được hưởng lợi to lớn từ quá trình toàn cầu hóa đã đáp lại hời hợt và thiếu trách nhiệm đối với nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Chính sách ngoại giao nước lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và mặc cảm lịch sử khó bỏ đối với một cường quốc bá quyền nhiều lần bại trận trước Nhật Bản đã biến Trung Hoa thành một gã nhà giàu to xác, thường xuyên hậm hực, tính tình sốc nổi.

Có lẽ, tự trong đáy lòng, người Trung Hoa cũng chẳng cảm thấy hãnh diện một cách to tát nếu nước này giành lợi thế trước cuộc tranh giành mấy hòn đảo không người ở với Nhật Bản, Philippin, Việt Nam, Malaysia và Bruney. Không ít người Trung Quốc cũng cảm thấy hổ thẹn về đường lưỡi bò; họ thậm chí còn ví von rằng: nếu đường lưỡi bò ấy được hợp pháp hóa, dân chúng mấy nước ven bờ chỉ cần bơi ra ngoài một chút là đã xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Trung Quốc.

Chỉ vì cái lưỡi bò và mấy hòn đảo không người ở, Trung Hoa sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đô la để thuê Hunsen nói khống trắng trợn trong Hội nghị cấp cao Asean – Nhật Bản khi khẳng định: toàn thể thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhất trí không quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông. Đây là cái giá không tưởng để mua một vết nhơ khó gột rửa trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của Asean.

Chỉ vì cái đường lưỡi bò và mấy hòn đảo không người ở, Trung Hoa sẵn sàng chi ra hàng tỷ đô la mỗi năm cho quân sự nhằm biểu thị, uy hiếp, dằn mặt, giương oai trước mấy nước láng giềng. Lên gân cốt một cách quá mức kèm theo những lời dọa nạt trước mấy anh chàng tí hon thực tế chỉ khiến hình ảnh Trung Hoa trở lên trịch thượng, đáng ghét.

Với ngần ấy tiền, Trung Hoa hoàn toàn có thể đầu tư cho kế hoạch khai thác kim cương, vàng, bạc, titan trên Mặt Trăng, Sao Hỏa hay vô vàn hành tinh khác mà đâu cần cãi cọ với Mỹ hay các nước láng giềng. Hoặc số tiền đó cũng giúp ích đáng kể cho hàng trăm triệu người dân Trung Quôc nghèo khó ở nông thôn hoặc miền Tây xa xôi. Với trí tuệ tích lũy từ hàng ngàn năm lịch sử, Trung Hoa đủ khả năng mang đến sự phồn vinh, giàu có cho dân tộc mình và cho cả nhân loại một cách thân thiện, hòa bình.

Vài thùng dầu, mấy con cá trong lòng Biển Đông chưa bao giờ là nhân tố tạo lên sự thịnh vượng của Trung Hoa. Ném tiền bạc, lòng tin và danh dự vào cái ao tù phương Nam, Trung Hoa đang chủ động tạo ta một cuộc chơi vô bổ và cầm chắc thất bại./.

Phamvietdao.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét