Vibay

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Đưa chó lên mặt trăng và nghịch lý làm giàu thời COVID

Khi đại dịch trở lại và đa số chúng ta đang trở nên nghèo đi rõ rệt, thì rất nhiều người nghĩ về một chuyện có vẻ là trên trời vào lúc này: làm giàu.



Trò đùa Dogecoin

Vào đầu tháng 2 năm nay, Billy Markus, người đã tạo ra đồng tiền điện tử Dogecoin vừa phá kỷ lục vốn hóa với mức đạt được là 9,1 tỷ USD, tuyên bố rằng anh đã quá mệt mỏi với cơn sốt này.

Markus đã tạo ra nó chỉ đơn thuần là một trò đùa, như chính anh nhiều lần thừa nhận. Anh đã bán hết tất cả số dogecoin mình sở hữu từ năm 2015. Ngay cả cái tên (tiền tố dog nghĩa là con chó) và với logo của nó, nhại lại một meme trên internet có hình chú chó Shiba Inu để ngầm phản kháng sự điên rồ của đầu tư trên mạng, cũng là những chỉ dấu không thể rõ ràng hơn: đây chỉ là một câu chuyện xàm xí.

Nhưng một cơn điên tài sản có thể bắt đầu theo một cách hoàn toàn nhảm nhí. Đám đông trên Reddit đã hô hào một khẩu hiệu kêu gọi mọi người đầu tư vào đồng tiền này, hòng biến nó thành “con chó đầu tiên lên mặt trăng”. Tỷ phú Elon Musk đăng Twitter về đồng tiền này 3 lần, hoàn toàn là những nội dung mơ hồ kiểu “đây sẽ là tiền tệ của internet”, khiến nó tăng đến gấp 10 lần giá trị chỉ sau một đêm.

Markus, người sáng lập Dogecoin, cũng phải bàng hoàng vì chuyện này: “Kỳ lạ là thứ tôi đẻ ra trong vài giờ lại thành một phần của văn hóa internet. Hay ho là Elon Musk cũng nói về nó. Có vẻ ngớ ngẩn đấy nhưng đằng sau điều này là sự bùng nổ” – anh nói trên Bloomberg.

Tất nhiên là cộng đồng muốn đưa chó lên mặt trăng lẫn Elon Musk đều không giải thích tại sao đồng tiền này xứng đáng với giá trị đang có của nó (đến người “đẻ” ra nó còn chẳng hiểu nổi!). Họ không cần phải làm thế, vì bộ não con người đã tự làm những điều đó mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào. Như học giả người Mỹ Jonathan Gottschall đã viết trong cuốn sách The Storytelling Animal (xuất bản 2012) của mình, rằng ngay cả bản phác thảo sơ sài nhất của một cốt truyện cũng đủ để thúc đẩy tâm trí của chúng ta điền vào các chi tiết.

Bản phác thảo về đồng tiền Dogecoin, vốn có xuất phát điểm là một trò đùa, đã vẽ ra câu chuyện về một tí hon David đang thách thức những Goliath, cho một tương lai mới của tiền tệ. Dù đây có là một trò đùa thì tôi vẫn là một phần của cuộc cách mạng “đưa con chó đầu tiên lên mặt trăng”. Đây không chỉ còn là câu chuyện tiền bạc.

Đó là một bản phác thảo hay, và thực tế là nó đã đủ sức lôi kéo hàng triệu người ném tiền vào một trò đùa. Nhưng đồng thời nó cũng bỏ qua rất nhiều chi tiết đúng đắn, như là mục đích đùa cợt của người tạo ra nó và rằng thực tế thì nó chẳng thể được ứng dụng vào chuỗi tiền tệ ngoài việc đầu cơ mua đi bán lại. Nó đơn giản là một câu chuyện hư cấu.

Nhưng cơn sốt hoa tu-líp Amsterdam vào thế kỷ 17 hay sự sụp đổ của thị trường tài chính năm 2008 cho thấy rằng tin vào những câu chuyện hư cấu sẽ luôn là những bài học mà con người dù học mãi vẫn không thuộc, vì nó là dạng thức tinh vi bậc nhất của sự tự ám thị: những câu chuyện mà người nghe tự điền chi tiết vào chỗ trống, luôn là những câu chuyện mạnh mẽ nhất, vì nó tạo ra ảo tưởng rằng đấy phải là bản ngã của họ.

Cơn sốt làm giàu trong đại dịch

Trong lần gần nhất ngồi taxi ở Đà Nẵng, nơi mà thời điểm ấy vẫn điêu đứng sau khi dịch COVID-19 quét qua, tôi được nghe anh tài xế bộc bạch rằng vừa ném “400 củ” (400 triệu) vào cổ phiếu. Đấy hầu như là tất cả vốn liếng của anh từ thời chạy xe đến giờ. Thu nhập thực tế của tài xế như anh thì đang giảm đến ba phần tư và cả xã hội, bao gồm các doanh nghiệp cũng điêu đứng nhưng anh vẫn có niềm tin rằng “đầu tư là lối thoát”.

Anh bắt đầu nói về dòng tiền, cách lựa chọn những cổ phiếu đáng tin cậy, đọc “nến” như thế nào, rồi một quyển sách của “bậc thầy” Warren Buffet, rằng “phải tham lam khi người khác sợ hãi”. Tôi ngồi nghe và chỉ nhớ đến một câu kinh điển khác, kiểu như khi có lái xe nào đó nói với bạn về cổ phiếu thì đó là lúc nên bán chúng đi.

Điều làm tôi kinh ngạc khi im lặng và nghĩ về những gì anh đang chia sẻ, là cảm giác rằng người nói đang rút gan ruột thật sự, kể những câu chuyện mà anh gom góp mỗi nơi một tí, để điền vào bản ngã của mình. Rằng anh lái xe này không đùa, khi nói về sự lột xác thành nhà đầu tư của mình, dù thời gian gia nhập thị trường có vội vã đến đâu, và dữ kiện thiếu đến thế nào.

Tôi tự hỏi nơi bắt đầu của một cuộc đầu tư kiểu này là gì, có phải là từ một cuộc gọi chào mời của môi giới sàn giao dịch, nơi sẽ kể cho bạn một phác thảo về chuyện làm giàu, từ ý tưởng sơ khởi ấy, bạn đọc được đâu chăng chớ và điền tiếp câu chuyện của mình. Một cách dấn thân đến đáng lo ngại.

Khi nền kinh tế đang bị tàn phá vì đại dịch COVID-19, có rất nhiều người dù miệng than vãn về sự đói kém ấy, vẫn sẵn sàng trở thành một “nhà đầu tư”, một thuật ngữ ám chỉ ngầm rằng anh ủng hộ tiềm năng của thị trường. Không thì tại sao lại đi ném tiền vào đấy lúc này. Đầu năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát nhưng đến tháng 11 năm ngoái, thống kê cho thấy chúng ta đã có thêm 330.000 tài khoản lần đầu tham gia sàn chứng khoán. Cánh môi giới mọi khi phải buôn nước bọt chán mới có khách. Bây giờ thì thiêu thân tự lao vào đèn.

Đa số này có thể đã gia nhập từ ý niệm ban đầu là một phác thảo câu chuyện đơn giản nào đó và tự điền chi tiết còn lại trên “hồ sơ” đầu tư mới mẻ của họ. Có thể không ít người đã thận trọng với quyết định của mình. Nhưng cũng có thể những dòng chi tiết còn thiếu của câu chuyện chỉ đơn giản là những cuộc cóp nhặt vội vã, kiểu Buffet đã nói thế này, Bill Gates đã bảo thế nọ, Bezos đã tiên tri như thế.

Nhưng nghĩ về câu chuyện con chó lên mặt trăng của Dogecoin thì rất khó để coi những ai đã ném tiền vào những cuộc chơi này như những người dốt nát thuần túy. Các câu chuyện như thế không chỉ mang lại hy vọng về tiền bạc mà còn tạo ra một bản thể khác của chính họ, điều họ chưa từng trải qua trong đời. Anh lái taxi không còn chỉ là lái taxi nữa, mà giờ còn là một nhà đầu tư. Giữa đại dịch hẳn hoi. Oách một cách đáng buồn.

Ai là người đi cày?

Tôi bỗng nhớ đến bố vợ mình, người đang ra đồng mỗi ngày, đi cày theo nghĩa đen của nó, không phải như cách nói bóng bẩy của một cổ cồn trắng văn phòng nói về việc ngồi máy lạnh lướt web trong đa số thời gian công sở của mình. Tôi quan sát ông, thấy mọi thứ đều rất thật: giọt mồ hôi này, cái nghiến răng này, sự vất vả này và từng hạt thóc đổ ra sân phơi. Thật đến từng chi tiết, rõ đến từng hình hài.

Bố vợ tôi chẳng phải điền thêm một chi tiết nào trong câu chuyện của ông, bởi nó cô đặc lại kiểu như thế. Không ông Warren Buffet nào thay mặt một lý thuyết đầu tư vĩ đại điền nổi thêm một dòng vào thành trì của một giọt mồ hôi thật rơi xuống đất kiểu như thế.

Nhưng xã hội đang vận hành theo một cách khiến những người đi cày nghĩa đen thua thiệt: phần lớn lợi nhuận không nằm ở những người đã làm ra sản phẩm mà thuộc về lái buôn, các bên xà xẻo trung gian và cả những người làm quảng cáo, nôm na là đi kể chuyện để bán hàng. Oxfam từng có một thống kê hẳn hoi, rằng chỉ khoảng 30% lợi nhuận của trồng lúa thuộc về người nông dân, dù họ phải bỏ đến 60-70% tổng chi phí sản xuất lúa, chưa tính đến rủi ro như thiên tai, dịch bệnh.

Tất nhiên là bàn tay vô hình của thị trường có cái lý của nó và nhiều người có thể cho rằng nếu người nông dân nghĩ là mấy việc khác ngon ăn thì họ có thể đảm nhận luôn đi. Nhưng nhìn vào cơn điên tài sản được tạo ra từ những câu chuyện tưởng tượng, chúng ta có lẽ nên dành nhiều thời gian hơn một chút để ngẫm nghĩ về những gì thật hơn. Như là việc một người đang đi cày theo nghĩa đen. Một việc mà trong tư duy tiền ảo và chứng khoán, dường như thật mờ nhạt.

Nhưng nghĩ về những điều như thế có thể là thứ sẽ níu kéo chúng ta ở lại với đời sống thật, trong khi có quá nhiều câu chuyện ảo đang được kể ngoài kia, khi đại dịch đang trở lại, khiến chúng ta phải tự thu mình trong không gian của riêng mình, tự điền những câu chuyện theo tưởng tượng. Những câu chuyện có thể chưa và sẽ không bao giờ được sống, một cách thật sự.

Và ai cũng chọn việc đi vẽ chuyện lừa nhau (hoặc bị lừa) và đều đi làm nhà đầu tư cả thì tất cả đều đói, theo nghĩa đen luôn. Vì cuối cùng cũng phải có một người rời máy tính để ra đồng đi cày chứ?

Theo BAN CẦM / AN NINH THẾ GIỚI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét