Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Trung Quốc có thể đã bí mật ký thỏa thuận dùng căn cứ hải quân Campuchia

Báo Mỹ cho biết thỏa thuận được ký đầu năm cho phép Trung Quốc bố trí lực lượng hải quân thường xuyên ở Campuchia trong 30 năm.


Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh: Khmer Times.


Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 21/7 dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên của Mỹ và đồng minh cho biết Bắc Kinh và Phnom Penh hồi đầu năm đã bí mật ký một thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan.

Theo dự thảo mà quan chức Mỹ có được, Trung Quốc sẽ có thể bố trí quân nhân, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại căn cứ Ream, biến nơi đây thành cơ sở bố trí hải quân chuyên dụng đầu tiên của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.

Thỏa thuận có giá trị trong 30 năm và được tự động gia hạn sau mỗi 10 năm. Bài báo cho hay quan chức Mỹ đang tranh luận về khả năng liệu Washington có thể thuyết phục Phnom Penh đảo ngược quyết định hay không.

Thông tin được đưa ra sau khi các đối tác và đồng minh của Mỹ kêu gọi Campuchia không cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay do công ty tư nhân Trung Quốc đang xây dựng tại Dara Sakor với hợp đồng thuê 99 năm trên đất Campuchia. Hình ảnh vệ tinh cho thấy sân bay hiện có đường băng dài hơn 3 km, có thể cho phép máy bay quân sự Trung Quốc cất hạ cánh.

Tuy nhiên, Phay Siphan, phát ngôn viên của chính phủ Campuchia nói rằng thông tin về thỏa thuận là "giả". "Chẳng có chuyện gì như thế xảy ra cả", ông nói.

Emily Zeeberg, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, nói rằng Washington "lo ngại rằng bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia để mời gọi sự hiện diện quân đội nước ngoài" ở nước này sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định khu vực.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á Joseph Felter tháng trước yêu cầu Campuchia giải thích lý do từ chối đề xuất của Washington về việc hỗ trợ cải tạo căn cứ hải quân Ream. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh sau đó cho biết nước này đã giải thích với Mỹ rằng sự hỗ trợ như Washington đề xuất là không cần thiết bởi Campuchia đã lên kế hoạch chuyển căn cứ hải quân Ream tới khu vực khác.

Căn cứ Ream do hải quân Campuchia vận hành trên bờ biển vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Sihanoukville ở tây nam nước này. Quân đội Mỹ và Campuchia từng tiến hành một số cuộc diễn tập chung ở căn cứ này trước khi quan hệ quốc phòng giữa hai nước trở nên nguội lạnh, trong bối cảnh Phnom Penh xích lại gần hơn với Bắc Kinh.

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong những năm gần đây. Ngoài các khoản viện trợ quân sự, Bắc Kinh trong năm 2017 đã hỗ trợ Phnom Penh 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Kể từ năm 2016, Campuchia đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ nhưng hai lần tổ chức diễn tập chung với Trung Quốc. Quân đội hai nước năm nay cũng tổ chức tập trận "Rồng Vàng" với quy mô lớn để tăng cường hợp tác song phương.


Vị trí căn cứ hải quân Ream và sân bay quốc tế Dara Sakor. Đồ họa: WSJ.

Huyền Lê (Theo Wall Street Journal)/ VnExpress
0

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Trung Quốc bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông

TTO - Chi tiết về vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) của Trung Quốc ngày 1-7 bắt đầu được hé lộ. Phần lớn chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã bắn tên lửa từ đất liền chứ không phải các thực thể nhân tạo trên biển.


Hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh CM-401 của Trung Quốc được giới thiệu lần đầu hồi năm ngoái - Ảnh: REUTERS

Thông tin về vụ bắn thử xuất hiện đầu tiên trên Đài CNBC của Mỹ ngày 2-7 với nguồn tin là "các sĩ quan am hiểu vấn đề". Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó lên tiếng xác nhận Bắc Kinh đã bắn các tên lửa "từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông".

"Điều đáng lo ngại thực sự là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại chính các cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các thực thể này", người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn khi đó nhấn mạnh.

Đài NHK của Nhật sau đó dẫn lời một sĩ quan giấu tên tiết lộ Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa ASBM từ đất liền ra Biển Đông. Các tên lửa sau đó đánh trúng hai mục tiêu giả định trên biển. Tuy nhiên, danh tính của loại tên lửa này vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Trang Naval News dẫn các nguồn thạo tin ngày 15-7 cũng nói Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông trong cuộc tập trận bắn đạn thật vừa rồi.

Các suy đoán xoay quanh 3 loại tên lửa đạn đạo chống hạm hiện có trong biên chế Trung Quốc là DF-16, DF-21D và DF-26C.

Giới quan sát đồng ý cho rằng động thái của Trung Quốc là sự leo thang căng thẳng và mang tính dằn mặt chưa từng có. Thời điểm diễn ra vụ bắn thử có nhiều tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không có tàu nào nằm gần khu vực mục tiêu của Trung Quốc.


Khu vực Trung Quốc phát cảnh báo cấm tàu thuyền qua lại trên Biển Đông trong thời gian tập trận - Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tuyên bố của Lầu Năm Góc về việc Trung Quốc đã bắn các tên lửa ABSM từ đảo nhân tạo có lỗ hổng và chưa đủ sức thuyết phục.

Việc triển khai các xe phóng tên lửa tự hành (TEL) ra các thực thể nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên Biển Đông là bước đi thiếu tính toán chiến lược. Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện là thực thể nhân tạo lớn nhất bị Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp.

Mục đích của việc đưa các tên lửa lên xe phóng là để sau khi khai hỏa có thể nhanh chóng rời trận địa và ẩn nấp, tăng độ sống sót nếu xảy ra chiến sự. Dù có diện tích lên tới 5,52km2, các phương tiện TEL gần như không có chỗ nấp trên đá Xu Bi và dễ trở thành mục tiêu bị tấn công phủ đầu ngay từ đầu nếu xảy ra chiến sự.

Điều này hoàn toàn khác với đất liền, nơi các xe TEL có thể di chuyển trên các con đường và tỏa ra nhiều nơi để nấp trong các hầm ngầm, công sự bí mật.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc triển khai các tên lửa ASBM ra Trường Sa cũng không làm tăng thêm hiệu quả chiến thuật. Bởi nếu Trung Quốc muốn răn đe các tàu sân bay và tàu chiến Mỹ, triển khai ASBM ở đảo Hải Nam hay các tỉnh ven biển phía nam là đủ.

Tuy nhiên, bất lợi của việc triển khai sát bờ biển là các tên lửa của Trung Quốc có thể bị tên lửa SM-6 của Mỹ bắn hạ ngay trong giai đoạn lấy độ cao. Để khắc phục điều này, Bắc Kinh đã di chuyển các ASBM vào sâu trong đất liền từ tháng 1 năm nay.

Theo Tuổi Trẻ
0

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Cổ trấn 2.000 năm treo trên dòng thác, đẹp như tiên cảnh ở Trung Quốc


Giữa núi non trập trùng, Phù Dung cổ trấn như treo mình lơ lửng trên thác nước. Địa danh 2.000 năm tuổi này là một trong những điểm hút khách nhất của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).
0

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Những tiết lộ sốc từ cuốn sách ‘Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua’

“Quân của bọn phản động Trung Quốc đi đến đâu là hành động với sự man rợ của một đạo quân ăn cướp thời trung cổ kết hợp với những thủ đoạn tinh vi của các đội quân xâm lược của đế quốc ngày nay”.


Tháng 10 năm 1979, Nhà xuất bản Sự Thật (nay là NXB Chính trị Quốc gia – Sự Thật) đã cho xuất bản cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, trong đó công bố rất nhiều những thông tin quan trọng và đáng chú ý về mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc kể từ khi nhà nước Trung Hoa chính thức ra đời (1949). Đáng chú ý, cuốn sách còn công bố khá nhiều tư liệu lịch sử quan trọng liên quan đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam (tháng 2/1979).

Điều đáng tiếc là đến nay vẫn còn khá nhiều người chưa biết đến cuốn sách cũng như các thông tin quan trọng về cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên cương phía Bắc, của quân và dân Việt Nam.

Xin trích đăng một số nội dung của cuốn sách để độc giả hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước CNXHCN Việt Nam được công bố ngày 4/10/1979, không chỉ nêu rõ về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đầu năm 1974 để từng bước kiểm soát Biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông Nam Á, khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển Đông, mà còn “vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài” (chú dẫn của NXB Sự thật, tháng 10/1979).

Việt Nam trong chiến lược toàn cầu và chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc

Theo sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” (1979), trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính đế dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ.

Đông Nam Á là hướng bành trướng cổ truyền trong lịch sử Trung Quốc, là khu vực mà từ lâu những người lãnh đạo nước CHND Trung Hoa ước mơ thôn tính. Ý đồ bành trướng của Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á”!

Cũng trong dịp này, Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc về diện tích thì tương đương nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở. Đối với nước Lào đất rộng, người thưa, Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Lào để ở.

Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 8/1965: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore… Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh cua chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây”.

So với các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á là khu vực mà Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, có nhiều phương tiện và khả năng nhất (hơn 20 triệu Hoa kiều, các chính đảng lệ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, có đường đất liền với Trung Quốc…) để thực hiện chính sách bành trướng và bá quyền nước lớn của mình. Cho nên hàng chục năm qua, những người lãnh đạo CHND Trung Hoa đã dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện chính sách bành trướng ở khu vực này, tạo điều kiện cho chiến lược toàn cầu của họ.

“Họ xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược, phát triển lực lượng kinh tế, đe dọa bằng quân sự và hứa hẹn viện trợ về kinh tế để mua chuộc, lôi kéo hoặc gây sức ép với các nước ở khu vực này, hòng làm cho các nước đó phải đi vào quỹ đạo của họ. Họ xâm phạm lãnh thổ và gây ra xung đột biên giới, dùng lực lượng tay sai hoặc trực tiếp đem quân xâm lược, hòng làm suy yếu để dễ bề khuất phục, thôn tính nước này, nước khác trong khu vực.

Họ không từ bất kỳ một hành động tàn bạo nào, như họ đã dựng lên tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia. Họ dùng nhiều công cụ ở các nước Đông Nam Á: lực lượng Hoa kiều làm “đạo quân thứ năm”, các tổ chức gọi là “cộng sản” theo mệnh lệnh của Bắc Kinh, các dân tộc thiểu số ở các nước thuộc hu vực này có ít nhiều nguồn gốc dân tộc ở Trung Quốc, để phục vụ cho chính sách bành trướng và bá quyền của họ.” (Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua – 1979).

Cũng theo sách này, Việt Nam có một vị trí chiến lược ở Đông Nam Á. Trong lịch sử, phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược hòng thôn tính Việt Nam, dùng Việt Nam làm bàn đạp để xâm lược các nước khác ở Đông Nam Á. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, những người lãnh đạo Trung Quốc âm mưu nắm Việt Nam để nắm toàn bộ bán đảo Đông Dương, mở đường đi xuống Đông Nam Á.

Trong cuộc gặp gỡ giữa đại biểu 4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Lào tại Quảng Đông tháng 9/1963, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam Á”!

Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” (1979) nêu rõ: “Để làm suy yếu và nắm lấy Việt Nam, họ ra sức phá sự đoàn kết giữa ba nước Đông Dương, chia rẽ ba nước với nhau, đặc biệt là chia rẽ Lào và Campuchia với Việt Nam. Đồng thời họ cố lôi kéo các nước khác ở Đông Nam Á đối lập với Việt Nam, vu khống, bôi xấu, hòng cô lập Việt Nam với các nước trên thế giới… Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc đã không thành công trong các kế hoạch đen tối này… vì họ vấp phải đường lối độc lập, tự chủ trước sau như một của Việt Nam”.

Giấu mặt sau lưng bè lũ Pol Pot – Ieng Sary hòng làm suy yếu Việt Nam

Theo cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, xuất phát từ lợi ích dân tộc của mình, những người cầm quyền Trung Quốc có giúp Việt Nam khi nhân dân Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ và trở nên mạnh, mà chỉ muốn Việt Nam yếu, lệ thuộc Trung Quốc.

“Họ muốn Việt Nam bị chia cắt lâu dài, nhưng nhân dân Việt Nam đã đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất nước nhà. Họ lợi dụng xương máu của nhân dân Việt Nam để buôn bán với Mỹ, nhưng sự cấu kết của họ với Mỹ không ngăn được nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và dựng lên nước CHXHCN Việt Nam…

Thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam không chỉ là thất bại lớn của đế quốc Mỹ xâm lược, mà cũng là thất bại lớn của bọn bành trướng Bắc Kinh. Họ hằn học nhìn thắng lợi của nhân dân Việt Nam, cho nên, từ khi nhân dân Việt Nam giành được toàn thắng, họ ngày càng công khai và điên cuồng thực hành một chính sách thù nghịch toàn diện và có hệ thống chống nước CHXHCN Việt Nam” – cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao Việt Nam viết.

Ngay từ giữa những năm 1960, những người lãnh đạo Trung Quốc đã mưu tính nắm trọn vấn đề Campuchia, trước mắt nhằm phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân các nước ở Đông Dương, làm yếu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, có thế đàm phán với Mỹ; và lâu dài là nhằm bắt Campuchia lệ thuộc và trở thành một bàn đạp của Trung Quốc để bành trướng xuống Đông Dương và Đông Nam Á.

Sau ngày 17/4/1975, Campuchia hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của bè lũ Lon Non, tay sai của Mỹ; Trung Quốc dùng bọn tay sai Pol Pot – Ieng Sary chiếm quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Campuachia, gạt Quốc trưởng Sihanouk và những người thân cận của ông ta để xây dựng nên một chế độ phát xít diệt chủng có một không hai trong lịch sử loài người và thông qua chế độ đó hoàn toàn kiểm soát Campuchia, biến Campuchia thành một nước chư hầu kiểu mới và căn cứ quân sự của họ để tiến đánh Việt Nam từ phía Tây Nam.

Dưới sự đạo diễn của Bắc Kinh, tập đoàn cầm quyền phản động Phnom Penh lúc đó đã tiến hành liên tục chiến dịch tuyên truyền rộng khắp vu khống Việt Nam “xâm lược Campuachia”, “âm mưu ép Campuchia vào liên bang Đông Dương do Việt Nam khống chế”, ráo riết hô hào chiến tranh chống Việt Nam. Chúng đã phá hoại cuộc đàm phán giữa hai nước nhằm giải quyết vấn đề biên giới để có cớ duy trì một tình hình ngày càng căng thẳng ở vùng biên giới Việt Nam – Campuchia.

“Ngay từ tháng 4/1975, chúng đã đưa quân lấn chiếm, bắn phá nhiều điểm trên lãnh thổ Việt Nam và từ đó ngày càng gây thêm nhiều vụ xung đột ở biên giới, đột kích nhiều đồn biên phòng, lành xóm Việt Nam, làm cho tình hình ở vùng biên giới không ổn định, ngăn cản nhân dân Việt Nam khôi phục và xây dựng kinh tế.

Từ những cuộc khiêu khích vũ trang, chúng tiến đến gây ra một cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam từ tháng 4/1977 suốt dọc hơn 1.000km với những cuộc tiến công quy mô, huy động hàng vạn bộ binh có xe tăng, trọng pháo yểm trợ, có khi vào sâu lãnh thổ Việt Nam hơn 30km, giết hại dã man dân thường, tàn phá nhà cửa, hoa màu, gây nên biết bao tội ác không thể dung thứ được” – cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” thuật lại.

Duy trì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Nam

Theo văn kiện “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” (NXB Sự thật xuất bản tháng 10/1979) được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố vào ngày 4/10/1979, sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979, song song với các hoạt động phá hoại về kinh tế, chính trị, những người cầm quyền Trung Quốc còn ráo riết tăng cường sức ép quân sự đối với nước CHXHCN Việt Nam từ mọi phía.

Theo đó, ở phía Bắc, Trung Quốc đưa thêm quân ra vùng biên giới Việt – Trung, tăng cường những vụ khiêu khích vũ trang lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo nên tình hình thường xuyên căng thẳng ở vùng biên giới. Nếu số vụ khiêu khích lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam của họ năm 1975 là 234 vụ, gấp rưỡi năm 1974, thì năm 1978 đã tăng vọt lên 2.175 vụ, gấp gần 10 lần!

Ở phía Tây Nam, theo mệnh lệnh của Bắc Kinh, bè lũ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary khước từ các đề nghị của Việt Nam về việc hai bên thành lập một khu phi quân sự ở vùng biên giới, cách ly quân đội của mình và ký một hiệp ước hữu nghị không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, để kiếm cớ duy trì cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam, đồng thời chuẩn bị những cuộc phiêu lưu quân sự quy mô lớn sau này.

Ở phía Tây, những người cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngày càng tăng cường gây sức ép đối với nước CHDCND Lào, một nước nhỏ hơn Trung Quốc luôn luôn theo đuổi chính sách hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Họ nuôi dưỡng bọn tàn quân của lực lượng đặc biệt người Mẹo do CIA tổ chức và chỉ huy trước đây, thông qua đạo quân làm đường của họ để tìm cách can thiệp sâu vào các tỉnh ở Bắc Lào, vu cáo Việt Nam “thôn tính” Lào, chia rẽ Lào với Việt Nam, đưa nhiều sư đoàn quân áp sát biên giới Lào – Trung. Mục tiêu của họ là để tăng thêm sự uy hiếp Việt Nam về quân sự từ phía Tây, đồng thời làm suy yếu và từng bước khống chế Lào.

Tấn công Việt Nam từ hai hướng

“Những mưu đồ trên đây rất thâm độc và có gây khó khăn cho nhân dân Việt Nam, nhưng đều đã thất bại, cho nên cuối năm 1978 và đầu năm 1979, những người cầm quyền Trung Quốc đã phải tính đến việc tấn công quân sự nước CHXHCN Việt Nam từ hai hướng” – cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” cho hay.

Ở phía Tây Nam, theo kế hoạch của Bắc Kinh, sau khi tập trung 19 trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh đến sát biên giới Việt Nam, ngày 22/12/1978, bè lũ Pol Pot – Ieng Sary đã sử dụng những sư đoàn tinh nhuệ nhất của chúng, có xe tăng và pháo binh yểm trợ, đánh vào khu vực Bến Sỏi thuộc tỉnh Tây Ninh (cách Sài Gòn hơn 100km) với ý đồ đánh chiếm chớp nhoáng thị xã Tây Ninh, mở đường tiến sâu vào miền Nam Việt Nam, đồng thời làm suy yếu Việt Nam để quân Trung Quốc dễ đánh vào Việt Nam từ phía Bắc.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, nhân dân Việt Nam đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch quân sự đó. Đồng thời quân và dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, được sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân Việt Nam, đã vươn lên đập tan chế độ diệt chủng tàn bạo Pol Pot – Ieng Sary và cái gọi là “chính phủ Campuchia dân chủ”, lập nên chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia ngày 10/1/1979 thật sự đại diện cho nhân dân Campuchia.

Ở phía Bắc, những người cầm quyền Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân, gồm nhiều quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật với gần 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay các loại của hầu khắp các quân khu của Trung Quốc, điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17/2/1979 trên toàn tuyến biên giới dài hơn 1.000km.

“Quân của bọn phản động Trung Quốc đi đến đâu là tàn sát dân thường, kể cả phụ nữ, trẻ sơ sinh, người già, phá hủy triệt để các bản làng, chùa chiền, nhà thờ, trường học, vườn trẻ, bệnh viện, nông trường, lâm trường… Chúng đã hành động với sự man rợ của một đạo quân ăn cướp thời trung cổ kết hợp với những thủ đoạn tinh vi của các đội quân xâm lược của đế quốc ngày nay” – Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” thuật lại.

Văn kiện quan trọng này của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho hay, để lừa gạt dư luận Trung Quốc và dư luận thế giới, những người cầm quyền Bắc Kinh đã tuyên bố rằng đây chỉ là một cuộc “phản kích để tự vệ” bằng những đơn vị biên phòng. Sự thật đây là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện bằng lực lượng chính quy của hầu hết các quân khu của Trung Quốc, có chuẩn bị kỹ càng về các mặt, từ việc xây dựng những công trình quân sự, đường sá, hầm hào, sân bay dọc biên giới Việt – Trung đến việc vu cáo Việt Nam phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung, kích động tư tưởng đại dân tộc trong nhân dân Trung Quốc hòng biện bạch và che giấu hành động xâm lược của họ.

Về mặt đối ngoại, họ cũng chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là họ đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược sau khu Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ và Nhật Bản để tranh thủ sự đồng tình. Mục tiêu đầy tham vọng của họ là tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang của Việt Nam, phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế, chiến đất đai của Việt Nam, kích động bạo loạn.

“Hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà những người cầm quyền Trung Quốc gây ra từ hai hướng là bước leo thang cao nhất trong cả một quá trình hành động tội ác chống độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam từ trước đến nay nhằm làm yếu, thôn tính và khuất phục Việt Nam.

Trái với mọi tính toán của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh xâm lược của họ đã thất bại thảm hại, đã bị toàn thế giới lên án và một bộ phận nhân dân Trung Quốc phản đối. Ngày 5/3/1979, họ đã buộc phải tuyên bố rút quân, và sau đó đã phải nhận ngồi vào đàm phán với phía Việt Nam” – Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Tiếp tục chống phá Việt Nam bằng mọi thủ đoạn

Cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” cũng cho hay, mặc dù những người cầm quyền Trung Quốc đã tuyên bố rút quân về bên kia đường biên giới, nhưng thực tế là suốt nhiều thời gian sau đó, quân của Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng hơn 10 điểm trên lãnh thổ Việt Nam, xây dựng thêm công sự ở các nơi đó, vi phạm trắng trợn đường biên giới do lịch sử để lại mà cả đôi bên đã thỏa thuận tôn trọng.

Suốt dọc biên giới Việt – Trung, họ tiếp tục bố trí nhiều quân đoàn có pháo binh và thiết giảm yểm trợ, tăng cường các phương tiện chiến tranh, ra sức xây dựng các công trình quân sự, thường xuyên diễn tập quân sự, tung các đội thám báo, biệt kích xâm nhập nhiều khu vực của Việt Nam. Không ngày nào họ không gây những vụ khiêu khích vũ trang, nổ sung, gài mìn, bắn giết nhân dân địa phương.

Có nơi, họ cho bắn súng cối hạng nặng suốt ngày, có nơi họ cho một tiểu đoàn quân chính quy tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam hơn 4km, bắn giết dân thường, đốt phá nhà cửa và phá hoại hoa màu. Có nơi từng tốp máy bay Trung Quốc bay sâu vào vùng trời Việt Nam từ 8 – 10km. Họ bí mật đẩy trở lại Việt Nam những người Hoa đã bị họ cưỡng bức di cư đi Trung Quốc. Những hành động có tính toán đó cùng với các thủ đoạn khác của họ nhằm duy trì tình hình căng thẳng ở vùng biên giới, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục uy hiếp an ninh của nước Việt Nam.

“Những người cầm quyền Trung Quốc còn nhiều lần đe dọa “cho Việt Nam một bài học thứ hai”, thậm chí “nhiều bài học nữa”. Trên danh nghĩa nào, và dựa vào luật pháp nào mà những người cầm quyền Bắc Kinh có quyền cho Việt Nam và dạy Việt Nam bài học? Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước độc lập, có chủ quyền. Hiến chương Liên hợp quốc, công pháp quốc tế cũng như tập quán quốc tế tuyệt đối không cho phép Trung Quốc làm bất cứ điều gì phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như bất kỳ nước nào khác. Phải chăng vì Trung Quốc nước rộng, người đông mà bọn bành trướng Trung Quốc tự cho phép làm ra luật, đe dọa, khuất phục các nước nhỏ hơn, ít người hơn?” – Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” đặt câu hỏi đanh thép.

Cũng trong cuốn sách này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, Trung Quốc đã nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam để bàn những biện pháp cấp bách đảm bảo hòa bình và an ninh ở vùng biên giới và các vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nước. Nhưng ở vòng một tiến hành tại Hà Nội, cũng như ở vòng hai tiến hành tại Bắc Kinh, họ vẫn lẩn tránh những đề nghị hợp lý hợp tình của Việt Nam, từ chối bàn đề nghị của phía Việt Nam về những biện pháp cấp bách nhằm chấm dứt các hoạt động khiêu khích vũ trang và bảo đảm hòa bình, ổn định ở vùng biên giới hai nước, tiền đề cấp thiết cho việc tiếp tục giải quyết các vấn đề khác thuộc quan hệ giữa hai nước. Mặt khác, họ đặt điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải từ bỏ đường lối độc lập, tự chủ của mình, từ bỏ chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ mới đi vào bàn bạc các vấn đề khác.

“Đây là thái độ bá quyền nước lớn: Họ đến đàm phán không phải đề bàn bạc một cách bình đẳng và xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp, mà chỉ để buộc đối phương phải chấp nhận lập trường của mình. Việc những người cầm quyền Trung Quốc đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Lào, thậm chí nêu ra “nguyên tắc chống bá quyền” chẳng qua là để che giấu việc họ đưa quân xâm lược Việt Nam, uy hiếp nước CHDCND Lào và can thiệp vào công việc nội bộ của nước CHND Campuchia, che giấu bộ mặt bá quyền bỉ ổi của họ nhằm thôn tính ba nước ở Đông Dương, dùng Đông Dương làm bàn đạp bành trướng xuống Đông Nam Á” – Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” nêu rõ.

Sự thay đổi của chiến lược bành trướng bá quyền

Từ cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979, cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố năm 1979 đã chỉ rõ: “Những hành động thù địch công khai của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh xâm lược của họ ngày 17/2/1979, đã làm cho dư luận thế giới ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam. Sự thay đổi đó không phải là điều bất ngờ, mà là sự phát triển logic của chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của những người lãnh đạo Trung Quốc trong 30 năm qua”.

Sau khi điểm lại những chiến lược theo kiểu “lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện” trong đối ngoại và những cuộc thanh trừng tàn bạo, đẫm máu trong đối nội của Trung Quốc tính đến thời điểm đó, cuốn sách này tiếp tục nêu: Chiến lược của những người lãnh đạo Trung Quốc có những thay đổi rất lớn. Nhưng có một điều không thay đổi: đó là mục tiêu chiến lược muốn nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc bậc nhất thế giới và thực hiện mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ đối với các nước khác”.

Điều đó được thể hiện qua các phát biểu của Mao Trạch Đông tại Hội nghị Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956: “Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới”, và tại Hội nghị Quân ủy TƯ Trung Quốc tháng 9/1959: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”!

Đối với Việt Nam, văn kiện “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chỉ rõ: Trong 30 năm qua, những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược của họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam. Muốn như vậy, Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc Trung Quốc. Trái lại, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, có đường lối độc lập, tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Đông Nam Á.

“Đó là nguyên nhân vì sao trước đây họ vừa giúp, vừa kiềm chế cách mạng Việt Nam, mỗi khi Việt Nam đánh thắng đế quốc thì họ lại buôn bán, thỏa hiệp với đế quốc trên lưng nhân dân Việt Nam; vì sao từ chỗ giấu mặt chống Việt Nam họ đã chuyển sang công khai thù địch với Việt Nam và đi tới trắng trợn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chính sách của những người lãnh đạo Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam nằm trong chính sách chung của họ đối với các nước Đông Nam Á cũng như đối với các nước láng giềng khác.

Chiến lược quốc tế ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc, mặc dầu núp dưới chiêu bài nào, đã phơi trần tính chất cực kỳ phản cách mạng của nó và những người lãnh đạo Trung Quốc đã hiện nguyên hình là những người theo chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, những người dân tộc chủ nghĩa tư sản. Chính sách ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mặc dầu được ngụy trang khéo léo như thế nào, vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế “thiên triều” trong mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính Việt Nam, khuất phục nhân dân Việt Nam, biến Việt Nam thành một chư hầu của Trung Quốc” – Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” vạch trần.

Chủ nghĩa bành trướng thời hiện đại: Quyết liệt và trắng trợn

Ngày 19/1/2014, trong tham luận “40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm: Nhận diện rõ hơn tính chất của chủ nghĩa bành trướng thời hiện đại” tại hội thảo quốc gia về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa tổ chức tại Đà Nẵng, sau khi điểm lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, ông Nguyễn Vĩ Khải, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ: “Chủ nghĩa bành trướng trong thời hiện đại tiếp tục tồn tại với tính chất mới: Quyết liệt và trắng trợn bất chấp sự phản ứng của dư luận”. Việc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 là một trong chuỗi sự kiện nằm trong toan tính của chủ nghĩa đó.

Trước khi chết 2 năm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông là người trực tiếp can dự vào cuộc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 17/1/1974, Mao Trạch Đông đã phê vào bản báo cáo của Thủ tướng Chu Ân Lai và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh 2 chữ “Đồng ý”, đồng thời giao cho Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy quân đội Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Không dừng lại đó, tháng 2/1979, thế lực phản động Trung Quốc đã phản bội nhân dân hai nước, đưa 60 vạn quân đổ bộ các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam tàn sát dân lành, phá hoại công cuộc tái thiết của Việt Nam, làm cho nền kinh tế sau chiến tranh của chúng ta rơi vào khủng hoảng trầm trọng (mất hơn 10 năm khắc phục). Tháng 3/1988, hải quân Trung Quốc lại gây tội ác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiếm đảo Gạc Ma…

“Lịch sử cho thấy suốt 40 năm qua, từ sự kiện Hoàng Sa năm 1974 đến nay, phía Trung Quốc không ngừng “quậy phá“ ở biển Đông. Hệ thống lại quá trình bành trướng kể từ khi thống nhất được Trung Hoa lục địa (hơn 60 năm), nhà cầm quyền Trung Quốc đã đẩy chủ nghĩa bành trướng Đại Hán sang một nấc thang mới với tính chất ngày càng trắng trợn , quyết liệt, bất chấp phản ưng của láng giềng của quốc tế với các đặc trưng:

Hành động của chủ nghĩa bành trướng hiện đại: Tấn công, gây rối liên tục – cấp tập, cường độ ngày càng quyết liệt, phức tạp. Thời kỳ các thế lực phong kiến chỉ có 15 – 20 năm xảy ra 01 tình huống, sự kiện tranh chấp. Thời kỳ tồn tại 2 nhà nước XHCN, cùng 1 thể chế chính trị, cùng “chung một biển Đông” nhưng lại là 2 cách hành xử rất khác nhau về chủ quyền trên biển Đông nói chung và Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng. Thời gian này tần số xảy ra trung bình 10 năm có tới 15 – 17 sự kiện.

Thời gian gần đây, trong 3 năm 2010 đến 2013 liên tục gây ra nhiều cuộc đụng độ với các nước trong khu vực tại Biển Đông (trừ Campuchía). Nhiều sự kiện xảy ra ở biển Đông làm “nổi sóng” khu vực và thế giới lên tiếng mạnh mẽ. Nhưng Trung Quốc vẫn lấn tới. Riêng trong năm 2012 đã xảy ra 52 sự kiện do phía Trung Quốc gây ra. Trung bình 1 tuần một sự cố làm mất ổn định trầm trọng trong khu vực và thế giới lo ngại!” – Ông Nguyễn Vĩ Khải viết.

Bản chất bành trướng không thay đổi?

Từ những cứ liệu trên, bài tham luận “40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm: Nhận diện rõ hơn tính chất của chủ nghĩa bành trướng thời hiện đại” của ông Nguyễn Vĩ Khải đưa ra kết luận: “Nhân sự kiện Hoàng Sa cách đây 40 năm, hệ thống lại chuỗi sự kiện, chúng ta thấy bản chất của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán trong lịch sử là không thay đổi – mặc dù đã thay đổi chế độ chính trị – từ nhà nước phong kiến sang nhà nước dân chủ nhân dân?

Không những thế, tư tưởng nước lớn + chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của nhóm người cầm quyền Bắc Kinh đã đẩy sự bành trướng tới cực đoan, bất chấp các luật lệ quốc tế, chà đạp lên dư luận tiến bộ của nhân loại. Đây là biểu hiện của thế yếu: tự Trung Quốc làm mất đồng minh, trở nên cô độc, thêm thù – bớt bạn. Đó là ngõ cụt – hạ sách trong thế kỷ XXI – thế kỷ của HÒA BÌNH , HỢP TÁC & PHÁT TRIỂN”.

Trước đó, sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng chỉ rõ: “Trong hàng nghìn năm qua, nước Việt Nam đã bị các hoàng đế Trung Quốc xâm lược hàng chục lần, nhân dân Việt Nam hiểu rõ những ý đồ đen tối của những người lãnh đạo Trung Quốc, cho nên không một phút nào là không cảnh giác đối với họ… Nhân dân Việt Nam luôn luôn giữ vững đường lối độc lập, tự chủ của mình không gì lay chuyển được, bất chấp sức ép dù là che giấu hay công khai, gián tiếp hay trực tiếp, của những người cầm quyền Trung Quốc”.

Đồng thời cuốn sách cũng dự báo và tin tưởng: “Bằng chính sách bịp bợm “thân xa đánh gần” của các hoàng đế Trung Quốc và nhiều thủ đoạn xảo quyệt khác, những người cầm quyền Trung Quốc có thể còn che giấu được bộ mặt bành trướng của họ trong một thời gian. Nhưng sớm muộn nhân dân các nước ở Đông Nam châu Á sẽ hiểu rằng chính sách thù địch của Bắc Kinh chống Việt Nam đe dọa độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không phải chỉ của riêng Việt Nam, mà của tất cả các nước trong khu vực…

Những người cộng sản chân chính ở Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc, trong 30 năm tồn tại của nước CHND Trung Hoa, đã luôn luôn bị các tập đoàn thống trị lừa dối, sớm muộn sẽ nhận ra chân lý và sẽ đứng vế phía nhân dân Việt Nam, sẽ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam… Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ sống trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác, hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước và hợp với lợi ích của hòa bình ở Đông Nam châu Á và trên thế giới”.

Theo INFONET
0

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Giải mã vấn đề nợ trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”

Tiền của Trung Quốc lấp đầy khoảng trống trong quỹ tài trợ cơ sở hạ tầng quốc tế. Vậy tại sao nó lại gây ra nợ nần và tranh luận?
Liệu Bắc Kinh có thực sự tìm cách mua ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài hay không? Trung Quốc đang có một trong những dấu ấn phát triển toàn cầu lớn nhất. Nước duy nhất có các dòng chảy tài chính quốc tế chính thức lớn hơn là Mỹ. Tuy nhiên, Washington chi cho Hỗ trợ phát triển chính thức nhiều gấp 4 lần so với Bắc Kinh. Phần lớn nhất của các dòng tiền chính thức của Trung Quốc được xếp vào khoản Tài chính chính thức khác và gần như chi cho các khoản vay để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng và liên lạc. Những dự án này là một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), phương tiện chính của Trung Quốc để thúc đẩy sự phát triển cả trong và ngoài nước. Thông qua các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, mục đích của Bắc Kinh là kết nối tốt hơn Trung Quốc với các phần khác của thế giới và để tăng cường giao thương dọc con đường này. 5 năm sau khi Tập Cận Bình công bố các kế hoạch của mình về BRI, Trung Quốc đã chi khoảng 25 tỷ USD cho những dự án cơ sở hạ tầng liên quan. Nhưng các nước được lợi từ các khoản đầu tư của Trung Quốc ở mức độ nào? Theo báo cáo tháng 3/2018 của Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD), ít nhất 8 nước có nguy cơ vỡ nợ bởi các khoản cho vay liên quan đến BRI của Trung Quốc. Những người chỉ trích sợ rằng Trung Quốc đang sử dụng các khoản vay để tạo sự phụ thuộc và gia tăng ảnh hưởng chính trị. "Ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc Nguyên cố vấn Chính phủ Mỹ và Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua Paul Haenle tóm tắt nội dung chỉ trích: "Một số người tin rằng Trung Quốc đang thực hiện "ngoại giao bẫy nợ" thông qua BRI, khiến các nước đang phát triển phải phụ thuộc vào các khoản nợ và sau đó chuyển sự phụ thuộc đó thành ảnh hưởng địa chính trị". Haelen giải thích: "Những lo ngại đặc biệt xung quanh các hành động của Trung Quốc ở Sri Lanka, Pakistan và Malaysia đang là trọng tâm của các cuộc tranh luận về bẫy nợ. Trung Quốc giành được quyền điều hành 99 năm cảng Hambantota ở phía Nam Sri Lanka sau khi chi phí cho dự án đã tăng vượt khỏi tầm kiểm soát buộc Colombo phải từ bỏ quyền kiểm soát cảng để đối lấy gói cứu trợ của Trung Quốc". Tìm kiếm giải pháp thay thế việc thanh toán khi các nước không đủ khả năng trả nợ không phải là một cách làm mới đối với Trung Quốc. Báo cáo của CDG cho biết hồi năm 2011, có tin Trung Quốc đã xóa nợ cho Tajikistan để đổi lấy 1.158 km² lãnh thổ tranh chấp. Nhưng theo Haenle, năm 2018, “luận cứ bẫy nợ đã giành được sự tin cậy hơn sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed đã hủy bỏ các dự án BRI trị giá 23 tỷ USD và cảnh báo đừng trở thành con mồi của ‘một phiên bản chủ nghĩa thực dân Trung Quốc’”. Một số nước phương Tây đã nhanh chóng ủng hộ quan điểm này. Ngoại trưởng Mỹ thời đó Rex Tillerson đã cảnh báo về cách tiếp cận phát triển của Trung Quốc trong bài diễn văn tại Đại học George Mason ở Virginia. Theo Tillerson, chiến lược của Trung Quốc "khuyến khích sự phụ thuộc bằng việc sử dụng các hợp đồng mập mờ, các thông lệ cho vay kiểu chiếm đoạt, và các thỏa thuận tham nhũng khiến các nước này mắc nợ và buộc phải cắt giảm chủ quyền, tước bỏ khả năng phát triển lâu dài và ổn định của họ". Frans-Paul van der Putten đã theo dõi Trung Quốc trong 12 năm, hiện làm việc tại Clingendael, tổ chức tư vấn chiến lược về quan hệ quốc tế Hà Lan. Ông cho rằng việc tạo ra các khoản nợ giữa các đối tác trong BRI là một chiến lược có chủ ý và được xem xét đầy đủ của Trung Quốc, với mục đích đổi nợ lấy tài nguyên hoặc hỗ trợ ngoại giao sau này là không có khả năng. Nhưng Bắc Kinh cũng hầu như không làm gì để ngăn điều này xảy ra. Điều này phù hợp với cách tiếp cận luôn thực dụng của Trung Quốc, theo van der Putten: "Việc các nước này có trả được nợ hay không thực sự không phải là vấn đề, bởi nếu họ không thể, chúng ta sẽ tìm cách khác để thu lợi". Trung Quốc không sợ sử dụng các khoản nợ làm đòn bẩy và các thỏa thuận của nước này với những nước mắc nợ đều không theo thể thức và được tiến hành theo từng trường hợp. Trung Quốc luôn thắng Với ý tưởng "hợp tác cùng thắng", Bắc Kinh luôn giành được gì đó từ khoản tài trợ của mình. Nếu đòn bẩy chính trị chỉ là một tác dụng phụ hữu ích, thì Trung Quốc sẽ phải giành được gì từ hàng tỷ USD nước này chi cho cơ sở hạ tầng nước ngoài? Mô hình phát triển của Trung Quốc dựa vào thương mại. Cơ sở hạ tầng tốt hơn có nghĩa là tăng cường thương mại, thúc đẩy sự phát triển. BRI nhằm kết nối và phát triển các khu vực phía Tây của Trung Quốc, nhưng cũng hướng tới phát triển các thị trường khác thành các lợi thế của mình. Phương Tây đã đạt tới tiềm năng phát triển và sẽ không mua thêm gì từ Trung Quốc. Nhưng châu Phi, với dân số lớn, trẻ và đang gia tăng, là lục địa có tiềm năng phát triển thực sự. Bằng việc thúc đẩy phát triển ở các nước châu Phi, Trung Quốc muốn phát triển và mở một thị trường mới ở lục địa này. Hơn nữa, theo lời giải thích của van der Putten, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng là "khoản đầu tư vào quan hệ tốt hơn giữa Chính phủ Trung Quốc và chính phủ của nước tiếp nhận. Cho vay là một lợi thế ngoại giao, bởi nó thắt chặt các quan hệ với một nước cụ thể. Đó là một thu hoạch của Trung Quốc mà không thể thể hiện bằng tiền". Cái có thể được thể hiện bằng tiền là công việc mà Trung Quốc cung cấp cho các công ty xây dựng của mình thông qua các dự án BRI. Ngân hàng chính sách Trung Quốc thường cung cấp tiền cho một dự án cụ thể tại nước vay nợ với điều kiện các công ty Trung Quốc thực hiện dự án. Van der Putten giải thích: "Vì vậy, đa phần các dòng tiền chảy từ các ngân hàng chính sách Trung Quốc tới các công ty xây dựng của Trung Quốc. Đường sắt đang được xây dựng, đường cao tốc đang được xây dựng. Có lẽ nó sẽ không bao giờ được sử dụng, nhưng các công ty xây dựng này đã đạt được mục tiêu của mình". Lấp đầy khoảng trống cơ sở hạ tầng Nhưng Trung Quốc được lợi không nghiễm nhiên có nghĩa là các nước tiếp nhận không thu được gì. Các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc đang đáp ứng nhu cầu cần thiết - Ngân hàng phát triển châu Á ước tính rằng chỉ riêng châu Á cần khoảng 26.000 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho tới năm 2030 để duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp là một trong những khó khăn lớn nhất đối với sự tăng tưởng và phát triển ở châu Phi và Mỹ Latinh. Vì vậy, theo Haenle, việc BRI tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng có thể đi đến "tình huống rõ ràng 'hai bên cùng thắng'". Haenle lập luận: "Đầu tư cơ sở hạ tầng hay thúc đẩy liên kết toàn cầu trong thế giới phát triển vốn chẳng có gì sai". Theo Marina Rudyak, người đã làm việc trong lĩnh vực phát triển trong nhiều năm và hiện đang hoàn thành luận án tiến sĩ về sự hợp tác phát triển Trung Quốc tại Đại học Heidelberg (Đức), có một "khoảng cách rất lớn giữa số tiền cần có để phát triển và số tiền hiện có, nhất là trong cơ sở hạ tầng",. Các tổ chức đa phương và các nhà tài trợ hiện nay không thể tài trợ tất cả những dự án phát triển cần thiết do đó vẫn còn nhiều không gian cho Trung Quốc bên cạnh các nhà tài trợ truyền thống. "Đó không phải vấn đề về tiền của Mỹ hay Trung Quốc, tiền của EU hay Trung Quốc. Châu Phi cần tất cả". Van der Putten giải thích rằng các ngân hàng phát triển quốc tế, như Ngân hàng phát triển châu Phi và Ngân hàng Thế giới, đã giới hạn các khoản tài trợ sẵn có. Điều này không đủ để tài trợ cho tất cả các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết. Các ngân hàng thương mại phương Tây không thể cung cấp các khoản cho vay rủi ro kể từ sau khủng hoảng kinh tế. Van der Putten nói: "Vai trò của Trung Quốc là rất quan trọng bởi họ không chỉ là một nguồn tài chính thay thế, mà còn là một nguồn tài chính thực sự lớn". Các ngân hàng phát triển của Trung Quốc, như Ngân hàng phát triển Trung Quốc và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim), cung cấp tài chính cho dự án dựa vào mức giá bình thường. Van der Putten nhấn mạnh: "Đây không phải là viện trợ phát triển", nhưng nó có một số đặc điểm của viện trợ phát triển. "Có những khoản vay rủi ro cho các nước đang phát triển, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của họ". Mô hình cho vay của Trung Quốc Tiền của Trung Quốc lấp đầy khoảng trống trong quỹ tài trợ cơ sở hạ tầng quốc tế. Vậy tại sao nó lại gây ra nợ nần và tranh luận? Lý do là hầu hết quỹ tài trợ BRI đang dựa vào các cấu trúc quan hệ giữa hai nhà nước. Điều này có thể tạo ra các thách thức về khoản nợ chính phủ với các tác động có thể có đối với các mối quan hệ song phương. Các khoản nợ thường được thực hiện theo các tiêu chuẩn được quyết định bởi các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế hay các cơ chế đa phương như Câu lạc bộ Paris. Nhưng Trung Quốc không phải là thành viên của Câu lạc bộ Paris, vì vậy nước này không cần thông báo cho các thành viên về các hoạt động tín dụng của mình và không phải theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Báo cáo của CDG kết luận: "Không có một khuôn khổ đa phương chỉ dẫn hay khuôn khổ khác để xác định cách tiếp cận của Trung Quốc với các vấn đề về tình bền vững của các khoản nợ, chúng ta chỉ có bằng chứng có tính giai thoại về các hoạt động đặc biệt mà Trung Quốc thực hiện làm cơ sở để mô tả cách tiếp cận chính sách của quốc gia". Theo giải thích của Scott Morris, một trong những tác giả của báo cáo CDG về nợ ở các nước BRI, thay vì các tiêu chuẩn phổ quát, "Trung Quốc nói chung tuân thủ luật địa phương khi cho vay để thực hiện các dự án phát triển. Điều này có nghĩa là các tiêu chuẩn cao khi luật địa phương mạnh và tiêu chuẩn rất thấp khi luật yếu". Sự khác nhau với các khoản vay từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới là những tổ chức này đánh giá luật địa phương và sẽ áp đặt sự bảo hộ của mình nếu luật địa phương quá yếu. Morris cho biết Trung Quốc bỏ lại trách nhiệm này cho các chính phủ đối tác và "tuân thủ theo luật địa phương". Ông bổ sung thêm: "Trung Quốc cũng không nhạy cảm với các vấn đề về tình bền vững của nợ, vì thế các điều khoản cho vay không hoàn toàn phù hợp với các rủi ro nợ của quốc gia. Vì thế, việc các nước tiếp nhận được lợi từ các khoản vay của Bắc Kinh đến mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào các tiêu chuẩn của riêng họ”. Cái giá Bắc Kinh phải trả Trung Quốc cũng phải trả giá cho các vấn đề nợ ở các nước trong BRI. Trong các năm 2000-2014, Bắc Kinh chi 13 tỷ USD cho các hoạt động liên quan đến nợ. Về vấn đề nợ khó đòi, Trung Quốc giảm rủi ro bằng việc mở rộng các điều khoản cho vay. Theo Morris, Trung Quốc cũng chịu rủi ro đáng kể khi những bên cho vay không được trả nợ. Morris nói: mặc dù "nợ là yếu tố cần thiết cho đầu tư cơ sở hạ tầng, số lượng lớn các khoản nợ gây rủi ro lớn và cần quản lý cẩn thận bởi những người cho vay và những người đi vay”. Rudyak cho biết rằng điều quan trọng nhất là sự chỉ trích quốc tế cũng đang tạo một "vấn đề lớn ở Trung Quốc". "Công luận Trung Quốc chỉ trích gay gắt khoản viện trợ và các khoản cho vay của Trung Quốc". Trung Quốc không những không thu lại được tiền mà còn chịu sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc hỏi tại sao Bắc Kinh không chi số tiền này cho người nghèo ở trong nước. Trung Quốc và các khoản cho vay đa phương Trong một khuôn khổ đa phương, Trung Quốc đang hoạt động theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Theo Rubyak, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) "hoàn toàn" đáp ứng được các quy định trong hệ thống Bretoon Woods. "Nếu bạn nhìn vào công việc thực tế họ đang làm, ngoại trừ nó được người Trung Quốc thành lập hoặc đề xuất và được đặt ở Bắc Kinh, bên cạnh tất cả các ngân hàng chính sách khác của Trung Quốc, nó là một ngân hàng đa phương bình thường và nhàm chán”. AIIB lưu thông số tiền ít hơn rất nhiều so với các ngân hàng chính sách khác của Trung Quốc, như Ngân hàng phát triển Trung Quốc hay Ngân hàng Exim Trung Quốc. Một số người chỉ trích khẳng định rằng Trung Quốc muốn xây dựng một hệ thống riêng bên cạnh trật tự thống trị hiện nay hoặc các thể chế Bretton Wooods như Ngân hàng Thế giới và IMF. Với những ngân hàng chính sách của mình, Bắc Kinh có thể tránh được hạn chế của trật tự hiện nay, các tiêu chuẩn và quy chế mà liên quan chặt chẽ đến trật tự đó. Van der Putten không nghĩ Trung Quốc muốn thay thế Ngân hàng Thế giới. Ông nói: "Khi nói tới tài trợ phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng, Trung Quốc chỉ sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn". Nhưng Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng cho vay đang ngày một tăng để tăng cường sức ảnh hưởng trong Ngân hàng Thế giới. Haenke nói: "Dĩ nhiên Trung Quốc cũng sẽ tìm cách có được tầm vóc và ảnh hưởng toàn cầu tương xứng với sức mạnh của nước này". Trong các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Bắc Kinh vẫn không có mức độ ảnh hưởng như họ mong muốn. "Bắc Kinh đang đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn trong các tổ chức Bretton Woods và Liên hợp quốc, nhưng cũng thành lập các tổ chức riêng mà nước này cho rằng thích nghi tốt hơn với thực tế ngày nay". Quan điểm này được chia sẻ ngày càng nhiều bởi các nhà lãnh đạo thế giới. Trong khi kêu gọi nỗ lực hiện đại hóa các tổ chức để phản ánh cán cân quyền lực hiện nay thay vì tạo ra những cái mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói gián tiếp tới Trung Quốc. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới vào tháng 1/2019, Angela Merkel nói: "Từ phía chúng ta, bị ảnh hưởng bởi các giá trị phương Tây, chúng ta nên sẵn sàng xem xét các tổ chức đã có và nhìn nhận cán cân quyền lực được phản ánh một cách thực tế với các tổ chức đó. Chúng ta phải chấp nhận các thực tế và cải cách mới và một cách tiếp cận mới sẽ làm yên lòng những ai đang ngờ vực về hệ thống quốc tế". Bằng việc thành lập các tổ chức mới, Haenle tin rằng "Trung Quốc không muốn phá hủy trật tự quốc tế, nước này muốn khôi phục nó. Tôi có một người bạn Trung Quốc so sánh quan điểm của Bắc Kinh về trật tự quốc tế với các đền thờ. Họ muốn xây những đền thờ mới, sửa chữa những đền thờ cũ, nhưng họ không muốn dỡ bỏ bất kỳ đền thờ nào". Sẽ không hợp lý khi Trung Quốc muốn lật đổ trật tự quốc tế, vì "Trung Quốc là một trong những nước được lợi nhất từ trật tự toàn cầu trong 4 thập kỷ qua". Các mục đích và chính trị Theo Rudyak, các tổ chức Bretton Woods "đang phản ánh những gì sau năm 1945 và thế giới đã thay đổi. Nhưng hiện nay tất nhiên khó khăn với cải cách là việc nhiều nước, muốn có tiếng nói lớn hơn, không phải các nền dân chủ tự do". Morris và các đồng tác giả khẳng định rằng Bắc Kinh nên đa phướng hóa BRI để tổ chức lại những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong tài trợ phát triển quốc tế và giảm thiểu các vấn đề nợ. Theo lời Morris: "Trung Quốc đánh giá cao sự can dự của mình với các tổ chức đa phương bởi đây là mối quan hệ ảnh hưởng. Tôi nghĩ các tổ chức này có cơ hội lớn nhất để thuyết phục và giúp Trung Quốc cải thiện các dự án và các tiểu chuẩn cho vay",. Bước đi gần đây của Trung Quốc nhằm mở một trung tâm phát triển năng lực chung với IMF là một động thái đáng khích lệ, với mục đích đào tạo các chuyên gia về chính sách và kinh tế vì vậy các nước có thể quyết định tốt hơn liệu có nên tiếp nhận khoản vay hay không. Rudyak khẳng định: "Thực tế là Trung Quốc có rất nhiều tri thức phát triển để chia sẻ. Trung Quốc đi từ nghèo đói đến vị trí hiện nay là điều mà không một ai trong chúng ta ở phương Tây làm được theo cách tương tự và trong khoảng thời gian như thế". Thay vì những chỉ trích chung chung về "ngoại giao bẫy nợ", chúng ta nên phân tích rõ hơn những dự án cụ thể nào sai hay đúng và tại sao. Sophie van der Meer là nhà khoa học chính trị, nhà báo Hà Lan. Bài viết được đăng trên The Diplomat. Trần Quang (gt)
0

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

Vẻ đẹp kỳ thú của những địa danh có thật trong tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung

Những tín đồ bộ truyện võ hiệp nổi tiếng của cố nhà văn Kim Dung hẳn sẽ rất tò mò về các vùng đất có khung cảnh như tiên giới xuất hiện trong tiểu thuyết. Cùng khám phá xem địa danh nào đã làm nên nhiều trang tiểu thuyết kinh điển đó.
Ngày 30/10, nhà văn Kim Dung - cha đẻ của hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ… đã qua đời vì tuổi cao, hưởng thọ 94 tuổi.

Với những tín đồ của bộ truyện hẳn sẽ rất tò mò về các vùng đất có khung cảnh như tiên giới xuất hiện ở từng trang tiểu thuyết. Để tưởng nhớ về cố nhà văn Kim Dung, hãy cùng khám phá đâu là những địa danh có thật bước ra từ trang sách kinh điển ấy.

Núi Nga Mi

Nhắc đến Nga Mi Sơn, ắt hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay tới nhân vật nổi tiếng trong bộ truyện “Ỷ thiên Đồ long ký” của cố nhà văn là Chu Chỉ Nhược, Diệt Tuyệt sư thái. Theo nội dung từ cuốn tiểu thuyết, võ lâm Trung Nguyên có 3 phái lớn gồm Thiếu Lâm, Võ Đang và Nga Mi. Trong đó, môn phái võ thuật Nga Mi ra đời ở núi Nga Mi, do Quách Tương - con gái Quách Tĩnh và Hoàng Dung sáng lập, được truyền bá rộng rãi tại Tứ Xuyên.


Vẻ đẹp kỳ thú của những địa danh có thật trong tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung
31/10/2018 10:14
Những tín đồ bộ truyện võ hiệp nổi tiếng của cố nhà văn Kim Dung hẳn sẽ rất tò mò về các vùng đất có khung cảnh như tiên giới xuất hiện trong tiểu thuyết. Cùng khám phá xem địa danh nào đã làm nên nhiều trang tiểu thuyết kinh điển đó.
Ngày 30/10, nhà văn Kim Dung - cha đẻ của hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ… đã qua đời vì tuổi cao, hưởng thọ 94 tuổi.

Với những tín đồ của bộ truyện hẳn sẽ rất tò mò về các vùng đất có khung cảnh như tiên giới xuất hiện ở từng trang tiểu thuyết. Để tưởng nhớ về cố nhà văn Kim Dung, hãy cùng khám phá đâu là những địa danh có thật bước ra từ trang sách kinh điển ấy.

Núi Nga Mi

Nhắc đến Nga Mi Sơn, ắt hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay tới nhân vật nổi tiếng trong bộ truyện “Ỷ thiên Đồ long ký” của cố nhà văn là Chu Chỉ Nhược, Diệt Tuyệt sư thái. Theo nội dung từ cuốn tiểu thuyết, võ lâm Trung Nguyên có 3 phái lớn gồm Thiếu Lâm, Võ Đang và Nga Mi. Trong đó, môn phái võ thuật Nga Mi ra đời ở núi Nga Mi, do Quách Tương - con gái Quách Tĩnh và Hoàng Dung sáng lập, được truyền bá rộng rãi tại Tứ Xuyên.



Bước ra từ trang tiểu thuyết, núi Nga Mi là địa danh hoàn toàn có thật, cũng nhờ đó trở thành một trong những điểm đến hút du khách bậc nhất tại Trung Quốc.

Núi Nga Mi cao 3099m, là một trong 4 ngọn núi danh thắng, được gọi là “Tứ đại Phật giáo danh sơn”, nằm ở Tứ Xuyên. Đỉnh cao nhất của núi là Vạn Phật, nằm trên ngọn núi chính Kim Đính.


Nga Mi sơn như chốn bồng lai tiên cảnh

Trên Nga Mi Sơn có chùa Vạn Niên là ngôi chùa mang kiến trúc đậm dấu ấn Đạo giáo. Trong chùa có bức tượng Phổ Hiền Bồ Tát nặng 62 tấn, được đúc bằng đồng mạ 20kg vàng bên ngoài, sớm trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới ngọn núi danh tiếng này.

Nhạn Môn Quan

Nhạn Môn Quan là một cửa ải của Vạn Lý Trường Thành nằm trên thung lũng thuộc tỉnh Sơn Tây. Đây là địa danh có hai bên là vách núi dựng đứng hùng vỹ. Sở dĩ địa danh mang tên Nhạn Môn Quan bởi ở đây có nhiều chim nhạn và chỉ chúng mới bay qua được.


Nhạn Môn Quan là địa danh từng chứng kiến nhiều cuộc chiến khốc liệt

Địa danh Nhạn Môn Quan dưới ngòi bút của Kim Dung đã trở thành vùng đất huyền thoại trong bộ tiểu thuyết “Thiên Long Bát Bộ”. Nơi này gắn liền với nhân vật Kiều Phong, một đại anh hùng đã dùng chính sinh mạng của mình đổi lấy sự bình yên của dân hai nước Tống - Liêu.

Nhạn Môn Quan cách thành phố Hân Châu, tỉnh Sơn Tây chừng 20km về phía Bắc, đồng thời là cửa ải trọng yếu của trường thành trước kia. Nơi này từng chứng kiến rất nhiều cuộc chiến khốc liệt trong lịch sử. Bởi vậy, ngày nay khi đến với Nhạn Môn Quan, không chỉ thăm thú danh lam thắng cảnh, du khách có dịp tìm hiểu thêm lịch sử trầm hùng của vùng đất này.


Đây là một trong những cửa ải rất quan trọng

Hiện tại, 3 cửa ải của Nhạn Môn Quan vẫn được bảo vệ tốt. Địa danh này đã trở thành một phần quan trọng của Di sản Văn hóa Thế giới.

Hoa Sơn

Hoa Sơn là một trong 5 ngọn núi danh tiếng nhất của Trung Quốc, mang trong mình ý nghĩa lịch sử to lớn về tín ngưỡng. Năm 1990, Hoa Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.


Nếu là tín đồ của tiểu thuyết Kim Dung, sẽ không ai xa lạ với cụm từ “Hoa Sơn luận kiếm” của Đông tà Hoàng Dược Sư, Tây độc Âu Dương Phong trong bộ “Anh hùng xạ điêu”. Cũng nhờ địa hình hiểm trở, cố nhà văn Kim Dung đã chọn Hoa Sơn là nơi tỷ võ chọn Đệ nhất võ lâm Trung Nguyên, bởi đơn giản, chỉ những bậc võ nghệ cao cường mới vượt được dãy núi hiểm trở để lên đỉnh.

Núi Hoa Sơn cấu tạo từ đá hoa cương, có hình dáng dựng đứng, xòe rộng như bông hoa, nên gọi với cái tên như vậy. Gồm 5 đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất 2154m gọi là Nam Phong hay Lạc Nhạn.


Tới thăm Hoa Sơn, du khách có cảm giác lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh, như bước vào thế giới kiếm hiệp từ trang tiểu thuyết năm nào. Cũng vì lẽ đó, từ lâu Hoa Sơn đã trở thành điểm du lịch hút khách, đặc biệt với những tín đồ của bộ truyện võ hiệp Kim Dung.

Hoàng Hà/ Dân Trí
0

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Kiểu tư vấn khiến Trung Quốc hoang mang trong bão thương mại với Trump

Lãnh đạo Trung Quốc dường như bất ngờ khi thái độ của Mỹ trong chiến tranh thương mại trái với nhận định của các cố vấn trong nước.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngồi giữa) tại Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2016. Ảnh: AFP.

Trong lúc cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ trở nên khốc liệt, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc ngày càng hoang mang khi các tổ chức tư vấn và chuyên gia kinh tế mà họ triệu tập để tham vấn chỉ chăm chăm đưa ra những "lời nói ngọt" và "thông tin chắt lọc" nhằm tránh làm mếch lòng lãnh đạo, SCMP hôm 22/10 dẫn các nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc và giới quan sát.

Hồi đầu năm, khi Trump bắt đầu đưa ra lời đe dọa áp thuế, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin rằng họ có thể thuyết phục Washington không gây ra cuộc đối đầu thương mại. Với lời khuyên từ các cơ quan tư vấn, họ cho rằng Trump chỉ là một Tổng thống bốc đồng và sẽ dễ dàng hài lòng khi Trung Quốc chấp nhận mua thêm một số hàng hóa của Mỹ.

Khi Phó thủ tướng Lưu Hạc tới Washington vào tháng 2 và tháng 3, ông đưa ra đề xuất mua thêm một loạt hàng hóa của Mỹ, nhưng danh sách các mặt hàng này lại được phía Trung Quốc chuẩn bị một cách "quá vội vàng", theo một nguồn tin của Politico. "Những danh sách kiểu này lẽ ra phải được lên từ sớm hơn rất nhiều như một phần của chiến lược toàn diện, không phải là giải pháp tình thế được vạch ra trong đêm trước cuộc họp quan trọng", nguồn tin nói.

Đề xuất này của Trung Quốc không làm chính quyền Trump hài lòng và căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng. Hồi tháng 4, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc vừa có chuyến thăm Mỹ kể trong một hội thảo ở Đại học Thanh Hoa rằng trong khi các tổ chức tư vấn và cơ quan hoạch định chính sách ở Mỹ đã gần hoàn thiện các kế hoạch hành động thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn "bình chân như vại".

"Dựa trên những gì được truyền thông nhà nước và các quan chức đưa ra, Trung Quốc dường như không sẵn sàng cho cơn bão thương mại sắp ập đến. Cảm giác chung lúc đó là quan hệ Mỹ - Trung vẫn trong tầm kiểm soát và theo quỹ đạo bình thường", chuyên gia kinh tế này nói.

Đến ngày 6/7, Trump quyết định áp thuế 25% với gần 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh vội vàng chống trả bằng đòn áp thuế tương tự. Lúc này, các quan chức Bắc Kinh bắt đầu tỏ ra giận dữ khi các chuyên gia trong nước đều đưa ra những lời khuyên dè dặt, chủ yếu để phục vụ lợi ích cho những bộ ngành hậu thuẫn họ, các nguồn tin nói.

"Dù các tổ chức tư vấn này đều trực thuộc nhà nước, lập trường của họ đối với cuộc chiến thương mại rất khác nhau", một nguồn tin nói. Trong một số trường hợp, các chuyên gia được triệu tập lại không nghiên cứu đầy đủ về vấn đề mà mình được mời đưa ra lời khuyên.

Khi Trump liên tiếp tung ra các đòn đánh mới, tiếp tục áp thuế với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc và rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới nhằm gây khó dễ cho hoạt động thương mại điện tử toàn cầu của Trung Quốc, giới lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu chỉ trích những cơ quan tư vấn đưa ra lời khuyên, ý tưởng cho chính phủ.

"Một số cơ quan tư vấn cho rằng Trung Quốc cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế, trong khi số khác khẳng định phải duy trì lập trường cứng rắn với Mỹ", một nguồn tin cho biết. "Sự khác biệt trong quan điểm của các tổ chức tư vấn này là rất lớn, nhưng điều đó là bình thường. Điều gây thất vọng lớn nhất là một số cơ quan tư vấn không chịu nói sự thật".

Khi giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn tìm hiểu tâm tư của các doanh nhân nước ngoài trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một số cơ quan tư vấn trực thuộc bộ ngành của chính phủ đã tìm cách "gạn lọc" thông tin mà họ thu thập được từ các kênh liên lạc từ các văn phòng xúc tiến thương mại quốc tế và các bộ có liên quan.

Việc cung cấp các thông tin kiểu "gạn lọc" này được cho là nhằm không làm mất lòng lãnh đạo các bộ ngành quản lý trực tiếp những tổ chức tư vấn đó, nhưng chúng lại khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh không có được cái nhìn toàn cảnh và chính xác về cách nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận về căng thẳng đang lên trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Hai nghiên cứu viên thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 5 tiến hành một nghiên cứu về tác động của đòn áp thuế Mỹ với tăng trưởng GDP Trung Quốc. Dựa trên các số liệu thống kê của Mỹ, họ kết luận rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc chỉ bị giảm khoảng 0,2%, tương tự kết quả nghiên cứu được các đơn vị tư vấn khác công bố.

Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng các chuyên gia này có thể đã cố tình điều chỉnh số liệu để cho ra kết quả "hợp lý". Một cựu quan chức thương mại Trung Quốc nói rằng con số này thiếu chi tiết, không xét tới những khác biệt về cấu trúc và thay đổi trong chuỗi cung ứng giữa hai nước.

"Các chuyên gia và quan chức Trung Quốc lúc đầu tưởng rằng đòn áp thuế của Trump chỉ phục vụ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sắp tới ở Mỹ và mọi thứ sẽ thay đổi sau đó", một cựu cố vấn chính sách giấu tên của Mỹ cho biết. "Họ đã hoàn toàn nhầm và hiểu sai tình thế. Tôi cho rằng đây là hậu quả của việc họ ngày càng trở nên tách biệt và không ai dám nói với Bắc Kinh rằng họ đã sai".

Định hướng chính trị


Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1. Ảnh: CGTN.

Trung Quốc hiện có hơn 500 tổ chức tư vấn, so với hơn 1.800 tổ chức tương tự ở Mỹ. Phần lớn các đơn vị tư vấn này đều trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và được tăng ngân sách hỗ trợ đáng kể trong những năm gần đây.

Các tổ chức tư vấn này đã lọt vào danh sách những cơ quan tư vấn hàng đầu thế giới năm 2017 do Viện Lauder thuộc Đại học Pennsylvania công bố hồi đầu năm. Tổ chức tư vấn hàng đầu Trung Quốc được xếp hạng 29 trong tổng số 170 tổ chức trên toàn cầu.

Hồi tháng 7, để tăng cường năng lực nghiên cứu, đề xuất chính sách chống lại đòn tấn công thương mại của Trump, Bộ Tài chính Trung Quốc đã lần đầu tiên lập liên minh 20 tổ chức tư vấn của nước này. Liên minh gồm các cơ quan tư vấn mạnh nhất đến từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Thương mại, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và một số trường đại học hàng đầu của nước này.

Tuy nhiên, tính hiệu quả của liên minh bị nhiều người hoài nghi khi vấn đề chính trị nhiều khi được đặt lên trên chất lượng thông tin. "Bè phái, cô lập và chỉ phục vụ cấp trên trực tiếp của mình là vấn đề kinh niên trong các cơ quan tư vấn của Trung Quốc", Li Zhongshang, giáo sư Đại học Nhân Dân, người từng làm việc cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc ở Australia, nói.

"Dù đã được cấp ngân sách dễ dàng hơn trong vài năm qua, nhiều chuyên viên tư vấn vẫn rất coi trọng việc đảm bảo nguồn ngân sách và sự hài lòng từ cấp trên của mình", Li nói. "Họ ít quan tâm hơn tới chất lượng nghiên cứu, vì biết rằng việc dùng kết quả nghiên cứu của mình tác động tới các nhà hoạch định chính sách là rất khó khăn. Điều này rất khác so với Mỹ, nơi các chuyên gia tư vấn có thể đưa các diễn viên, doanh nhân hay các chính trị gia nghiệp dư tiến vào trung tâm của nền chính trị".

Một số nghiên cứu viên thuộc liên minh này nói rằng các nghiên cứu của Trung Quốc về Mỹ không đủ sâu để giúp Bắc Kinh chuẩn bị tốt cho cuộc chiến thương mại với một Tổng thống Trump khó lường, người từng cam kết với cử tri sẽ ngăn chặn các hành động vi phạm thương mại của Trung Quốc.

"Nhiều chuyên gia nghiên cứu chỉ ngồi lỳ trước màn hình máy tính, không bao giờ chịu tham gia hoạt động thực địa nào", Li Guoqiang, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nói. "Không ai có thể dựa vào những nghiên cứu đó để xử lý các vấn đề trong thực tiễn".

Trong lúc đó, Trung Quốc thắt chặt công tác quản lý tư tưởng, đặc biệt là với giới học giả, nghiên cứu, yêu cầu họ luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của đảng. Bất cứ cuộc thảo luận vượt thẩm quyền nào về chính sách của chính phủ đều có thể khiến các học giả này bị kỷ luật. Điều này khiến một số cố vấn Trung Quốc và nhà ngoại giao phương Tây lo ngại rằng các đề xuất, kiến nghị của họ có thể bị gạn lọc, chỉnh sửa để "phù hợp về chính trị" trước khi đến được với các lãnh đạo cấp cao nhất.

Một cựu quan chức Mỹ thường xuyên tới Trung Quốc cho biết các cố vấn và quan chức Trung Quốc từng trao đổi rất cởi mở với ông gần đây đang trở nên ngày càng kín tiếng, ngay cả trong các cuộc nói chuyện riêng. "Càng lúc càng khó để biết được họ đang nghĩ gì, vì họ chỉ lặp lại quan điểm chính thức của chính phủ", cựu quan chức này nói. "Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ đưa ra quyết định sai lầm cao hơn, thậm chí là cả sai lầm chí mạng".

Dường như việc thiếu các nguồn thông tin đáng tin cậy khiến giới lãnh đạo Trung Quốc đến nay vẫn lần lữa chưa đưa ra quyết định về động thái tiếp theo trong chiến tranh thương mại với Mỹ. "Trung Quốc trước mắt nhiều khả năng sẽ duy trì lập trường 'chờ và xem' khi Trump đóng vai trò dẫn dắt cuộc chiến thương mại", một nguồn tin nói.

Tuy nhiên, Chen Wenling, chuyên gia kinh tế chính tại Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, tự tin rằng Bắc Kinh sẽ trụ vững trước đòn thương mại của Trump và Washington cuối cùng sẽ phải nhượng bộ. "Trung Quốc phải đáp trả và không ngần ngại tung đòn đau vào Mỹ", bà Chen nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9.

Theo Chen, chiến tranh thương mại kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ và người dân nước này sẽ cảm thấy nỗi đau đó khi "men say" về cắt giảm thuế, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và sự cải thiện của thị trường việc làm tan hết. "Người Mỹ sẽ thức tỉnh từ cơn cuồng Trump và nhận ra cái giá phải trả cho các chính sách của ông", bà nói. "Nhận thức méo mó hiện nay của họ sẽ biến mất trong nửa cuối năm nay, khi hậu quả của chiến tranh thương mại bắt đầu ngấm tới người tiêu dùng".

Xu Changchun, chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho rằng với mức độ gắn kết của kinh tế Mỹ - Trung như hiện nay, đòn áp thuế của Trump chỉ là "lưỡng bại câu thương". "Chúng tôi như hai người anh em. Khi hòa thuận, chúng tôi có thể phất lên cùng nhau", Xu tuyên bố. "Nhưng một khi môi hở, răng nhất định sẽ lạnh".

Thành Nguyễn

Nguồn: VnE
0

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Chiến tranh Thương mại có lợi cho nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc

Tại Hội chợ Triển lãm hàng Xuất khẩu ở Quảng Châu, Trung Quốc, câu chuyện của nhiều nhà sản xuất đã được Bloomberg góp nhặt nhằm vẽ lên bức trang toàn cảnh nhất về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.


Với hàng nghìn gian hàng từ các nhà sản xuất trên khắp Trung Quốc, Bloomberg có thể tiếp cận một cách dễ dàng với nguồn thông tin đa dạng nhằm tìm hiểu các doanh nghiệp Trung Quốc đối đầu với Chiến tranh Thương mại cũng như tác động của nó với doanh nghiệp của họ và triển vọng nền kinh tế.

Ningbo Staxx, công ty chuyên sản xuất xe nâng của Trung Quốc, cho biết Chiến tranh Thương mại mang đến cho họ những lợi ích trong ngắn hạn, khi các khách hàng và công ty đang cùng nhau vượt qua những rào cản của chính sách thuế quan mà Tổng thống Mỹ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Jeremy Chow, giám đốc kinh doanh của công ty cho biết, trường hợp của công ty họ là minh chứng tốt nhất với việc mua trước các đơn hàng phòng trường hợp mức thuế có thể cao hơn nữa. Đó cũng là lời giải thích cho sự tăng tốc bất ngờ trong tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tháng 9 vừa qua.

Ở thời điểm hiện tại, xe nâng mà Ningbo Staxx sản xuất nằm trong diện đánh thuế 25%. Tuy nhiên, họ chọn cách tháo rời các bộ phận để bán cho các đối tác Mỹ trước khi lắp lại sản phẩm. Việc này khiến chi phí sản xuất tăng 10% trong khi phí nhập khẩu là 10%. Dù sao, nó vẫn thấp hơn 5% so với việc nhập khẩu nguyên sản phẩm.

Tuy nhiên, cơ hội cho sự chênh lệch này sẽ biến mất vào năm tới khi mức thuế 10% tăng lên 25%. Thomas Wang, giám đốc phụ trách xuất khẩu của công ty, lại tỏ ra không quá lo lắng về sự sụt giảm doanh số bán hàng với mức độ cạnh tranh về chi phí với sản phẩm của công ty, dù có bị đánh thuế 25%.

Việc doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách lách thuế quan của Mỹ không phải là điều bí mật. Ngoài các mặt hàng về máy móc, một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất gỗ cũng chọn cách lách thuế để hưởng mức thuế rẻ hơn. Thậm chí, có những công ty nước ngoài đứng vị trí trung gian để hiện thực hóa việc lách thuế này bởi nó có lợi cho tất cả các bên, trừ chính sách của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ bức tranh đều màu hồng với các doanh nghiệp Trung Quốc. Các nhà sản xuất đồ trang trí Giáng sinh đang lo ngại việc Mỹ đánh thuế vào mặt hàng vốn có tỷ suất lợi nhuận rất thấp này. Chi phí nhân công tăng cao khiến các nhà sản xuất Trung Quốc không thể giảm giá hơn nữa. Nếu chịu thuế, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chấp nhận những sản phẩm giá cao hơn. Họ chỉ có thể mua hoặc không mua.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu khác của Trung Quốc thì chịu tác động bởi việc chính phủ nước này đánh thuế đáp trả nhằm vào các mặt hàng Trung Quốc. Giá cấu kiện tăng cao khiến chi phí giá thành sản phẩm trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, khách hàng lại thích dùng những sản phẩm với linh kiện Mỹ, điều khiến việc tìm nguồn cung thay thế không phải giải pháp hiệu quả.

Theo Tri Thức Trẻ/ Bloomberg
0

Khoản nợ 6.000 tỷ USD đẩy Trung Quốc tiến sát "mối họa Titanic"


Các chính quyền địa phương của Trung Quốc có thể đã nợ tới 40.000 tỷ tệ (5.800 tỷ USD), thậm chí còn nhiều hơn đẩy nền kinh tế nước này đối mặt nguy cơ bị núi nợ đè.

S&P Global, một công ty về dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mỹ, nhận định nợ công "ngầm" của các chính quyền địa phương Trung Quốc có thể đã lên tới 40.000 tỷ tệ hoặc hơn, tương đương khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2017. Đây là con số đáng báo động trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang dần hạ nhiệt trong khi sản xuất bắt đầu "thấm đòn" từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

"Những khoản nợ tiềm năng là tảng băng trôi với rủi ro tín dụng là con tàu Titanic", Gloria Lu, chuyên gia phân tích tín dụng của S&P Global, nói trong báo cáo được phát hành hôm 16/10 về kinh tế Trung Quốc.

Với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại trong khi hạn ngạch phát hành trái phiếu chính phủ dành cho địa phương không đủ để phát triển cho các dự án cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng khu vực, nhà chức trách các địa phương trên toàn Trung Quốc đã sử dụng "công cụ tài chính của chính quyền địa phương" (LGFV) để huy động tiền. Đây chính là vấn đề.

LGFV khiến mức nợ thực tế của chính phủ ở các địa phương có thể cao hơn vài lần so với mức công bố. Dù không được báo cáo nhưng thực tế, tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã đạt đến mức "đáng báo động". Nợ ẩn dưới các LGFV khiến việc thống kê rất khó khăn.

"Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường đã đúng khi cảm thấy lo ngại hơn về tính ổn định trong các khoản nợ của Trung Quốc và rủi ro tài chính tăng lên. Tôi cũng cảm thấy áp lực mới trên đồng nhân dân tệ", Liu Li-Gang, kinh tế gia trưởng của Citigroup tại Hong Kong, nhận định.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm trong thời gian gần đây. Quãng thời gian tăng trưởng nóng của nền kinh tế Trung Quốc đã kết thúc.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn không có dấu hiệu cho thấy sự hạ nhiệt trong tương lai gần, càng làm nảy sinh những khó khăn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Các doanh nghiệp của Trung Quốc đã bắt đầu hứng chịu những tác động từ chính sách thuế quan mà Tổng thống Trump áp dụng lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của nước này vào Mỹ.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại sẽ thể hiện tất cả những hậu quả của nó trong năm 2019, đe dọa biến những khó khăn, thách thức hiện tại trở nên nghiêm trọng hơn. Cùng với đó, khoản nợ lên tới 6.000 tỷ từ các chính quyền địa phương có thể đẩy kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng bị nợ đè.

Theo Tri Thức Trẻ/ Bloomberg
0

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Mỹ lo ngại trước hành vi 'cướp bóc' của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington không cố kìm chế Bắc Kinh, nhưng chỉ trích những động thái về quân sự và thương mại của nước này.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc tháng 5/2017. Ảnh: Reuters.

"Mỹ rõ ràng không cố kìm chế Trung Quốc mà chỉ đưa ra quan điểm khác. Chúng tôi là hai cường quốc tại khu vực Thái Bình Dương và là hai nền kinh tế lớn. Sẽ có những lúc chúng tôi 'giẫm chân lên nhau'. Vì vậy chúng tôi sẽ tìm cách để điều chỉnh hiệu quả mối quan hệ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm nay phát biểu trước khi lên chuyến bay tới Việt Nam và Singapore.

Tuy nhiên, Mattis sau đó đề cập tới những khúc mắc chính giữa hai nước, lên án "hành vi cướp bóc về kinh tế" của Bắc Kinh đối với các quốc gia nhỏ hơn tại châu Á, khiến những nước này rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Ông cũng bày tỏ lo ngại trước sự hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

"Chúng tôi vẫn vô cùng lo ngại trước tình trạng quân sự hóa đang tiếp diễn tại các thực thể trên Biển Đông", Mattis cho biết. Trung Quốc gần đây tăng cường hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông nhằm phản ứng với yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc.

Chuyến thăm Việt Nam của Mattis diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang xung quanh các vấn đề thương mại, Biển Đông và việc Washington cáo buộc Bắc Kinh can thiệp bầu cử. Mattis từng lên kế hoạch thăm Trung Quốc vào cuối tháng, nhưng chuyến đi đã bị hủy.

Mattis tới TP HCM vào ngày 16-17/10. Đây là chuyến thăm thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Việt Nam trong năm nay, tiếp nối chuyến đi hồi tháng 1 tới Hà Nội. Mattis dự kiến hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và thăm sân bay Biên Hòa, nơi quân đội Mỹ từng chọn làm nơi chứa chất diệt cỏ trong thời kỳ chiến tranh và đang là một điểm nóng về ô nhiễm chất dioxin tại Việt Nam.

Theo VnExpress
0

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Sức mạnh mềm Trung Quốc tại Đông Nam Á

(Baodatviet) Chúng tôi xin lược dịch bài viết về quan hệ hợp tác quân sự- kỹ thuật của Trung Quốc với một số nước ASEAN, lập trường của Nga về Biển Đông


Trung Quốc đã triển khai lực lượng quân sự trên một số đảo thuộc Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Ảnh: www.navy.mil

LTS: Bài viết của Phó giám đốc Trung tâm phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga Aleksandr Khramchikhin đăng trên báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) ngày 20/7/2018. Cách khai thác vấn đề và quan điểm địa chính trị khu vực là riêng của tác giả nên có thể nó sẽ gây nên những cuộc tranh luận nho nhỏ, thú vị.

Nếu so với tình hình đang rất nóng ở Trung Cận Đông, Ucraine, Bán đảo Triều Tiên,- thì khu vực Đông Nam Á và phần Tây Nam Châu Đại Dương phụ cận trông có vẻ như đang là một khu vực yên bình, nhưng:

TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG

Điểm nóng xung đột địa chính trị nổi bật nhất tại khu vực này vào thời điểm hiện tại - đó là tranh chấp các đảo và mặt nước Biển Đông.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) tuy không đưa ra được bất cứ một bằng chứng có sức thuyết phục nào nhưng lại khăng khăng đòi chủ quyền đối với toàn bộ mặt nước Biển này (trừ vùng lãnh hải của các nước ven Biển Đông) và tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, còn đối với Trường Sa thì ngoài Việt Nam còn có thêm Philippines, Malaixia, Bruney và Đài Loan (trong vai “người đóng thế” của Trung Quốc”).

Đến thời điểm hiện tại Bắc Kinh đã xây dựng trên một số đảo của hai quần đảo trên các điểm dân cư (thường là các điểm dân cư giả) và các công trình quân sự (trước hết - cho không quân và phòng không) với tính toán rằng bằng cách đó có thể hợp pháp hóa quyền chiếm hữu các đảo đó.

Tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa, - đó là với căn cứ quân sự Tây Sa (theo cách gọi của Bắc Kinh). Trung Quốc cũng đã cho xây dựng các công trình cảng biển, đường băng cất hạ cánh máy bay và các trận địa tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm.

Còn trên một số đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, họ cũng đã triển khai xong một số cứ điểm quân sự trên rạn san hô Đảo Đá Chữ Thập (Fiery Reef) và các đảo khác.

Mặc dù những đảo (rạn san hô) đó có diện tích rất nhỏ, Trung Quốc vẫn cho xây dựng trên các đảo đó nhiều kiểu công trình khác nhau,- các đường băng cất hạ cánh, bãi đỗ máy bay lên thẳng, trạm khí tượng, kho chứa nhiên liệu và đạn dược, trận địa tên lửa phòng không và v.v.

QUAN HỆ QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT CỦA BẮC KINH TẠI KHU VỰC

Hiện nay, tiềm lực của Các lực lượng vũ trang (Quân đội) Trung Quốc (chưa tính tới tiềm lực vũ khí hạt nhân) cũng đã vượt nhiều lần tiềm lực quân sự của tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cộng lại. Trong lĩnh vực kinh tế, tình hình cũng tương tự như vậy.

Dĩ nhiên, các nước ASEAN cực kỳ quan ngại trước một Trung Hoa “trỗi dậy” nhanh chóng cùng các tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ. Còn về phần mình, Bắc Kinh cố “làm yên lòng” các láng giềng phía Nam của mình bằng cách củng cố tối đa quan hệ kinh tế với những nước này.

Ngoài quan hệ kinh tế, quan hệ hợp tác quân sự- kỹ thuật (của Trung Quốc) với các nước trong khu vực cũng được đẩy mạnh,- và mối quan hệ hợp tác quân sự này là một chỉ thị kế hiển thị rất rõ mức độ gần gũi về chính trị giữa Trung Quốc với nước này hay nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Mối quan hệ “gần gũi” nhất (của Trung Quốc) tại khu vực này (ASEAN) – đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc với Thái Lan và Trung Quốc với Myanmar.

Mối tình hữu nghị giữa Bắc Kinh và Băng Cốc được “khởi nguồn” từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Từ thời điểm đó, quốc gia được coi là “thành viên không chính thức thứ 16 của NATO này (tức Trung Quốc) đã cung cấp cho Băng Cốc hơn 50 xe tăng “Type 69”, 450 xe BTR (xe vận tải bọc thép) “Type 85”, hơn 50 khẩu pháo 130 ly “Type 59-1”( bản sao pháo Xô Viết M-46), một số lượng lớn (không có số liệu cụ thể) tổ hợp tên lửa phòng không vác vai HN-5.

Trong những năm 90 sau đó, nhịp độ hợp tác quân sự với Thái Lan có phần nào chững lại. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian đó Băng Cốc vẫn nhận được từ Bắc Kinh hơn 100 khẩu pháo phòng không, 4 khinh hạm kiểu “Jianghu” (“Type 053HT”- âm Hán Việt hình như là “Giang hộ” – nếu không chuẩn xin bạn đọc chỉ giáo, tên Thái là “Chao Phraya”) mang tên lửa chống hạm C-801 và 2 khinh hạm kiểu “Naresuan” đóng tại Trung Quốc nhưng khi sang đến Thái Lan lại được trang bị các vũ khí Mỹ, trong đó có tên lửa chống hạm “Harpoon”.

Bước sang thế kỷ XXI, hợp tác quân sự- kỹ thuật giữa hai nước Trung-Thái lại có bước tiến vượt bậc. Thái Lan mua của CHNDTH 4 tàu hộ vệ và các cơ số đạn tên lửa chống hạm C-802 kèm theo, các hệ thống pháo phản lực phóng dàn SR-4, tổ hợp tên lửa phòng không KS-1, các xe tăng VT-4 (phiên bản xuất khẩu của xe tăng Trung Quốc “Type 96”).

Trung Quốc cũng đã cấp giấy phép cho Thái Lan sản xuất loại pháo phản lực phóng giàn (loạt) mạnh nhất trên thế giới WS-1(tên gọi tiếng Thái là DTi-1) trên lãnh thổ nước này. Theo kế hoạch thì sắp tới Thái Lan sẽ sắm của Trung Quốc thêm một lô tăng VT-4 (không rõ số lượng), không ít hơn 30 BTR (xe vận tải bọc thép) “Type 07” và những chiếc tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử Hải quân Thái (có thể là 3 tàu ngầm).

Ngoài ra, Các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Thái Lan năm nào cũng tiến hành các cuộc tập trận chung với quy mô và bài tập khác nhau.


Tập trận chung của Các lực lượng vũ trang Trung Quốc với các nước khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: www.dvidshub.net

Lịch sử tình hữu nghị Trung Quốc và Myanmar có hơi khác (so với quan hệ Trung-Thái) một chút. Đến cuối những năm 1980, Quân đội Myanma chỉ có trong trang bị kiểu xe tăng duy nhất là xe tăng “Cometa” của Anh sản xuất từ thời Thế chiến thứ hai với số lượng không đến 30 chiếc, một số khẩu pháo cũng ra lò từ thời Thế chiến hai là M101 của Mỹ (100 khẩu).

Vào thời gian đó, Myanma không có máy bay và máy bay lên thẳng, Hải quân nước này chỉ có 10 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ do Nam Tư và Đan Mạch sản xuất. Trong khi đó, Quân đội Myanma có quân số rất đông và thường xuyên phải tiến hành các chiến dịch liên miên và vô vọng chống các nhóm ly khai và băng đảng ma túy.

Trong năm 1988, giới quân sự Myanmar lên nắm quyền.Thế giới Phương Tây phản ứng bằng cách quay lưng lại với nước này và ngay sau đó đã diễn ra tiến trình “xích lại gần nhau thần tốc” giữa Yangon với Bắc Kinh.

Trong nửa những năm 90, Trung Quốc giúp “đổi mới” toàn bộ lực lượng tăng- thiết giáp của Quân đội Myanmar, cung cấp cho nước này tới 80 xe tăng “Type 69” hơn 100 xe tăng hạng nhẹ “Type-63”, 250 BTR “Type 85”.

Trung Quốc cũng chuyển giao không ít hơn 30 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt xe kéo 107 ly “Type 63”, 24 khẩu pháo phòng không 37 ly “Type 74”, gần 200 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai HN-5A.

Trung Quốc “hỗ trợ” Myanma xây dựng gần như từ đầu một lực lượng không quân “quy chuẩn” bằng cách bán rẻ cho Myanmar 24 máy bay cường kích Q-3, 36 máy bay tiêm kích J-7, 12 máy bay vận tải, nhiều loại vũ khí hàng không. Còn đối với hải quân Myanmar- Trung Quốc thân tặng 6 tàu mang tên lửa và 10 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Trung Quốc cung cấp ngày càng nhiều phương tiện kỹ thuật quân sự cho Myanmar.

Nước này đã tiếp nhận từ Trung Quốc 50 xe tăng hiện đại “Type 90-2” (là một trong những phiên bản xuất khẩu của xe tăng “Type 96” Trung Quốc), 200 xe BMP (xe chiến đấu bộ binh) nhiều kiểu khác nhau, đến 50 tổ hợp pháo tự hành và các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, 4 đại đội (cơ số) tổ hợp tên lửa phòng không KS-1A, đến 60 máy bay huấn luyện K-8, 12 máy bay không người lái tấn công (UAV) CH-3, 2 khinh hạm “Type 053TH”.

Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển giao cho Myanmar các máy bay tiêm kích Trung Quốc hiện đại JF-17 (những máy bay này được sản xuất theo giấy phép của Trung Quốc tại Paksitan).

Ngoài ra, PLA bố trí 3 trạm (cơ sở) đảm bảo vật chất- kỹ thuật cho Hải quân Trung Quốc. Cảng Kyaukpyu Myanmar là một đầu mối vận chuyển dầu cực kỳ quan trọng ,- Trung Quốc đang xây dựng đường ống dẫn dầu nối cảng này với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt nối cảng Kyaukpyu với tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Cảng Kyaukpyu còn là một đầu mối cung cấp lương thực, nước sạch và nhiên liệu- dầu mỡ cho các tàu Hải quân PLA. Ngoài cảng Kyaukpyu, Trung Quốc còn sử dụng các cảng Yangun và Sittwe của Myanmar làm cơ sở đảm bảo vật chất- kỹ thuật cho Hải quân PLA.

Hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động một trung tâm điện tử rất lớn trên Quần đào Coco của Myanmar. Trung tâm này có chức năng dẫn đường cho các tàu ngầm, giám sát radar tình huống trên mặt nước, đảm bảo liên lạc, tiến hành trinh sát và tác chiến điện tử.

Trung Quốc đã lắp đặt một hệ thống đường ống kéo dài từ bờ biển phía Nam Myanmar lên biên giới với Trung Quốc để chuyển dầu mỏ và khi đốt được vận chuyển bằng tàu biển từ Trung Đông và Châu Phi tới (làm như vậy để các tàu chở dầu mỏ- khí đốt Trung Quốc không phải đi qua eo biển Malacca).

Nhưng song song với sự “giúp đỡ” trên cho chính quyền trung ương Myanmar, Trung Quốc lại trực tiếp hỗ trợ các nhóm ly khai Myanmar tại tỉnh biên giới Kokang ở phía Đông Bắc nước này. Trong nửa đầu năm 2015, các nhóm quân ly khai nói trên đã đánh bại Quân đội Myanmar và sau đó hai bên (các nhóm ly khai và chính phủ Myanmar) đã ký một thỏa thuận ngừng bắn do chính Bắc Kinh đứng ra làm trung gian.

QUAN HỆ VỚI CÁC NƯỚC KHÁC

Quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự của Trung Quốc với các nước ASEAN khác cũng đang được tăng cường, thêm nữa, những mối quan hệ này cũng có những gốc gác lịch sử rất thú vị.

Nước Campuchia quân chủ (Sihanuk) vào đầu những năm 70 đã được Trung Quốc cung cấp gần 40 các máy bay nhiều kiểu khác nhau (tiêm kích J-2 và J-5, máy bay vận tải Y-5, máy bay huấn luyện CJ-6), còn nước Campuchia dân chủ của Polpot- 20 xe tăng hạng nhẹ “Type 62”, khoảng 200 tổ hợp tên lửa chống tăng HJ-73 và đến 10 máy bay tiêm kích J-5 và J-6. Sau đó, như trên vừa nói, Bắc Kinh ủng hộ bè lũ Polpot ẩn náu trên đất Thái Lan.

Vào đầu những năm 90, Trung Quốc không còn quan tâm mấy đến Campuchia, nhưng trong thời gian gần đây, Campuchia lại là một trong những hướng ưu tiên trong hợp tác kỹ thuật quân sự của Bắc Kinh.

Trong các năm trở lại đây, Phnôm Pênh đã nhận từ Bắc Kinh 4 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ “Type 062-1”, 2 máy bay vận tải MA60, 12 máy bay lên thẳng Z-9 (trong đó có 4 chiếc là phiên bản máy bay lên thẳng tấn công) và 50 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai FN-6.

Nước láng giềng của Campuchia là Lào tính từ năm 2010 đến nay cũng đã được Bắc Kinh chuyển giao 4 máy bay vận tải MA60 và 9 máy bay hạng nhẹ LE-500, 5 chiếc máy bay lên thẳng Z-9.

Quan hệ hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Philippines cũng có những nét rất đáng chú ý. Như đã biết, có thể nói Philipines là nước thân Mỹ nhất trong các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Những thay đổi đột ngột (trong các tuyên bố về chính sách đối ngoại) do Tổng thống Duberte đưa ra từ khi lên nắm quyền, rất có thể chỉ là những nước cờ lắt léo sách lược nào đó để buộc Mỹ phải đưa ra chính thức cam kết đảm bảo chắc chắn an ninh cho Philippines.

Nhưng cũng không thể hoàn toàn loại trừ việc “tự diễn biến” của Manila là có thật, bởi vì, theo kinh nghiệm của nhiều nước và các chủ thể phi nhà nước, một liên minh với Mỹ trong thời buổi hiện đại có điều gì đấy làm ta nhớ tới một phương pháp tự sát tinh tế. Và một khi đã không trông mong gì từ phía Washington, buộc phải nghiêng mình trước Bắc Kinh và nhỏ nhẹ hơn trong các tuyên bố chủ quyền.

Tháng 10/2017, Bắc Kinh chuyển giao lô súng bộ binh, đạn dược và các trang bị quân sự đầu tiên cho Các lực lượng vũ trang Philippines để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Động thái này của Bắc Kinh làm mọi người thấy ngay rằng mục đích duy nhất của những “khẩu súng trên được bàn giao trên” từ phía Bắc Kinh là củng cố mối quan hệ chính trị với Manila dưới thời Duderte, chứ tuyệt đối không liên quan gì đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố tại Mindanao vốn không hề có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc.

Indonexia, Malaixia, Bruney và Singapore cũng ngày càng ít công khai bộc lộ những bất bình của mình đối với chính sách của Bắc Kinh. Bắc Kinh cũng có những quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự nhất định với nhóm nước này. Ít nhất thì đến thời điểm hiện tại Malaiuxia và Indonexia đã mua các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai của Trung Quốc, riêng Indonexia còn mua thêm cả các tên lửa chống hạm.

Ngay cả một quốc gia láng giềng với khu vực Đông Nam Á từng có lúc được coi là đồng minh thân Mỹ còn hơn cả Anh cũng đã bắt đầu phần nào tỏ ra mềm mỏng hơn trước sức ép từ Trung Quốc.Nước này ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào quan hệ thương mại với Trung Quốc và nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, cộng đồng người Trung Quốc tại Úc đang ngày càng đông. Chính vì thế mà Úc ngày càng ít muốn “cãi nhau” với Trung Quốc hơn, mặc cho Washington nghĩ thế nào thì nghĩ.

Hiện tuy giữa hai nước vẫn chưa thiết lập mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự, nhưng hợp tác quân sự thì đã có. Tháng 9/2017, các phân đội của Bộ Tư lệnh Quân khu Nam PLA và các phân đội Quân đội Úc đã tổ chức cuộc tập trận chung mang tên “Panda- Kangaroo” tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Trong các năm 2015 và 2016, các cuộc tập trận chung tương tự cũng đã được tiến hành trên lãnh thổ Úc. Cuộc tập trận năm 2017 kéo dài tới10 ngày. Các quân nhân tham gia đã thực hiện các bài tập tiến hành các hoạt động quân sự chung trong các điều kiện khí hậu- tự nhiên phức tạp (trên núi và trong rừng rậm nhiệt đới), trong đó có cả các bài tập vượt sông, hồ và rên luyện kỹ năng tồn tại.

Tuy mỗi bên chỉ cử 10 quân nhân tham gia nhưng điều quan trọng nhất nằm ở chỗ đây là cuộc tập trận chung giữa PLA với quân đội một nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Thêm nữa, cuộc tập trận này không mang tính hình thức, mà có một ý nghĩa thực tế đối với hai quân đội nếu xét từ góc độ quân sự. Một mục tiêu nữa của các cuộc tập trận này là xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Kết quả là trong tương lai gần chỉ còn “Đông Phổ của Đông Nam Á”–tức Việt Nam là chưa có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Bắc Kinh. Sau khi chiến thắng Pháp, Mỹ và cả chính Trung Quốc trong nửa sau của thế kỷ XX, nước này không quen với việc khuất phục trước một ai đó.....

LẬP TRƯỜNG CỦA MATXCOVA

Do tình hình ở Đông Nam Á không trực tiếp đụng chạm đến những lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng bậc nhất của Nga nên Matxcova cho đến bây giờ vẫn né tránh đưa ra một lập trường chinh thức nào đó về vấn đề này.

Matxcova vừa không muốn gây mâu thuẫn với Trung Quốc trong bối cành quan hệ với Phương Tây ngày càng xấu đi như hiện nay, vừa vẫn xác định các nước ASEAN là đối tác hợp tác quân sự-kỹ thuật quan trọng, đồng thời cũng là một đối trọng địa chính trị tiềm năng với Trung Quốc trong tương lai.

Ngoài ra, các công ty “Rosnheft” và “Gazprom” (Nga) đang tích cực tham gia vào các dự án khai thác mỏ dầu của Việt Nam trên thềm lục địa đang tranh chấp trên Biển Đông.

Tháng 4/2012, “Gazprom” Nga và “Petrovietnam” đã ký thỏa thuận khai thác hai mỏ khí đốt trên thềm lục địa tại khu vực Quần đảo Trường Sa,- phía Trung Quốc đã phản ứng bằng cách gửi công hàm phản đối vì cho rằng các hoạt động thăm dò khai thác theo thỏa thuận được thực hiện trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trên Biển Đông.

Năm 2016, cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung trên Biển Đông đã bị thế giới đánh giá là một hành động ủng hộ Bắc Kinh từ phía Matxcova.

Cùng thời gian đó, Matxcova cũng tỏ ý ủng hộ Bắc Kinh trong việc phớt lờ phán quyết của Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực tại Lahay theo đơn kiện của Manila (bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc) và động thái trên của Matxcova được coi là sự ủng hộ hoàn toàn của Matxcova đối với lập trường của Bắc Kinh (ngay cả Bắc Kinh cũng nghĩ như vậy).

Nhưng trên thực tế,- các cuộc tập trận (chung Nga- Trung) “Phối hợp biển” được tiến hành thường niên từ năm 2012. Trong những năm chẵn- các cuộc tập trận đó được tiến hành trong khu vực chịu trách nhiệm của Hải quân PLA, còn trong các năm lẻ- trong khu vực chịu trách nhiệm của Hải quân LB Nga.

Về mặt lý thuyết, phía Nga có thể tiến hành các cuộc tập trận tại các vùng biển chịu trách nhiệm của phân hạm đội Primorski, hoặc của phân hạm đội Camchatka (thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương Nga), nhưng Nga chỉ cho tiến hành các cuộc tập trận biển trong khu vực chịu trách nhiệm của Phân hạm đội Primorski (trên Biển Nhật Bản gần cảng Valdivostok).

Phía Trung Quốc tiến hành luân phiên các cuộc tập trận chung này trên những khu vực chịu trách nhiệm của 3 hạm đội: năm 2012- Hạm đội Bắc Hải, năm 2014- Hạm đội Đông Hải.

Thành thử, năm 2016 đến lượt Hạm đội Nam Hải với khu vực chịu trách nhiệm là Biển Đông. Không thể tiến hành tập trận được ở bất cứ nơi nào khác.

Nếu Matxcova từ chối tham gia, một quyết định như vậy sẽ được coi là một thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc, điều mà Matxcova dĩ nhiên là không muốn, nên cuộc tập trận “theo phiên” này đứt khoát không phải là một cử chỉ của Matxcova ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc xung đột trên Biển Đông- đây là một cuộc tập trận định kỳ chứ không phải là đột xuất và địa điểm tiến hành đã được xác định từ trước đó rất lâu.

Hơn nữa, chính Matxcova đã chủ động yêu cầu thu gọn quy mô cuộc tập trận (trên Biển Đông năm 2016) và địa điểm tập trận được chọn cách rất xa khu vực tranh chấp.

Cuộc tập trận này được tiên hành ven bờ biển tỉnh Quảng Đông, có nghĩa là ngay sát cạnh phần lục địa của Trung Quốc,- nơi không có bất cứ ai đưa ra các yêu sách về chủ quyền. Và như vậy, Matxcova đã làm tất cả những gì có thể để thể hiện lập trưởng trung lập. Trong năm 2018 này, cuộc tập trận “Phối hợp biển” sẽ lại được tiến hành trong khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội Bắc Hải PLA.

Còn về chuyện Nga đứng về phía Trung Quốc khi không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại Lahay như đã nói ở trên, thì trong trường hợp này Matxcova không ủng hộ Bắc Kinh, mà là lại một lần nữa thể hiện một thái độ là về nguyên tắc, Matxcova cũng sẽ không chấp nhận những phán quyết tương tự.

Lý do- rất có thể Tòa Lahay lại cũng đưa ra những phán quyết như vậy đối với Nga (ví dụ, như về vấn đê chủ quyền đối với Crimea hoặc các đảo của Quần đảo Kuril chẳng hạn). Có nghĩa là trong trường hợp này Matxcova theo đuổi lập trường mang tính nhất quán và nguyên tắc chung, chứ không phải là quan điểm về một vụ việc cụ thể nào đó.

Nhìn chung, đến cách đây không lâu thì Matxcova đã cố không chỉ giữ trung lập, mà còn làm ra vẻ hoàn toàn “không nhận thấy” vấn đề và vì thế - không đưa ra một sự lựa chọn nào.

Tuy nhiên, dù sao thì Matxcova cũng không thể đứng mãi ngoài cuộc, đặc biệt là vào giai đoạn khi mà giới lãnh đạo Nga liên tục nhắc tới vị thế toàn cầu của nước mình và tuyên bố sẵn sàng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng nhất. Hơn nữa, dù khu vực Đông Nam Á không có đường biên giới chung với Nga, nhưng cũng không cách Nga quá xa.

Cuối cùng thì Matxcova cũng bắt đầu lên tiếng kêu gọi “giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình có tính tới lợi ích của tất cả các bên” đồng thời “bày tỏ mong muốn” giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương (có nghĩa là riêng rẽ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Trung Quốc với Philippines, Trung Quốc với Malaixia) và không có sự can thiệp của những nước không liên quan đến khu vực này, dĩ nhiên, ai cũng hiểu là nước mà Matxcova muốn nói tới đó chính là Mỹ.

Có lẽ Matxcova có thể có một thái độ rõ ràng hơn trong vấn đề giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, nếu như tại khu vực này xuất hiện một lợi ích rất có ý nghĩa nào đó (đối với Nga).

Cụ thể như xây dựng căn cứ quân sự Nga tại khu vực, hoặc là các công ty Nga tham gia vào các hợp đồng khai thác các mỏ dầu và khí đốt lớn, hoặc là một trong các nước trong khu vực mua một khối lượng rất lớn vũ khí Nga. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì ngay cả đến Việt Nam cũng chưa tạo cho Nga một cơ hội nào như vậy, chứ chưa nói tới những nước khác.

Về phần mình, Trung Quốc dĩ nhiên là muốn có một sự ủng hộ cụ thể hơn từ phía Matxcova đối với lập trường của mình trong vấn đề chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông, nhưng để có được sự ủng hộ đó chính bản thân Trung Quốc cũng phải thể hiện sự ủng hộ Nga mạnh mẽ hơn rất nhiều trong những vấn đề mang tính nguyên tắc khác (Crimea, Ucraine, Syria và v.v), nhưng hiện chưa thấy có bất cứ chỉ dấu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ làm như vậy.

Ngoài ra, rất có khả năng là Bắc Kinh cũng đoán ra rằng nếu Matxcova đưa ra một sự lựa chọn dứt khoát có lợi cho Bắc Kinh thì quyết định đó sẽ buộc các nước ASEAN nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ và viễn cảnh đó chắc gì đã có lợi cho Bắc Kinh.

Và nói chung, nếu như Washington vẫn tiếp tục lập trường chống Trung Quốc cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến xung đột trên Biển Đông như hiện nay thì điều đó sẽ tư động đẩy Matxcova gần Trung Quốc hơn hiện nay. Nhưng nếu như Mỹ hạ nhiệt, lập trường của Nga vẫn sẽ là tương đối trung lập.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)
0