Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tuc the gioi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tuc the gioi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Tòa án Tây Ban Nha ra lệnh truy nã quốc tế Giang Trạch Dân và Lý Bằng

Tư pháp Tây Ban Nha hôm 19/11/2013 đã ra lệnh truy nã quốc tế cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lý Bằng, trong khuôn khổ một vụ án được thụ lý từ năm 2006 vì tội « diệt chủng » đối với người Tây Tạng trong thập niên 80-90. Trung Quốc hôm nay lên tiếng đòi Tây Ban Nha phải « làm rõ » vấn đề.

Giang Trạch Dân (trái), Lý Bằng (phải) và ba lãnh đạo khác bị cáo buộc tội ác diệt chủng người Tây Tạng.
Giang Trạch Dân (trái), Lý Bằng (phải) và ba lãnh đạo khác bị cáo buộc tội ác diệt chủng người Tây Tạng.

Tòa án quốc gia ở Madrid nhận thấy có thẩm quyền điều tra vì một trong số các nguyên đơn là Thubten Wangchen, một người Tây Tạng lưu vong mang quốc tịch Tây Ban Nha ; và tư pháp Trung Quốc không mở điều tra về vụ kiện này.

Từ năm 2005, tư pháp Tây Ban Nha có thẩm quyền trên toàn cầu để truy tố các tội phạm hàng loạt như tội diệt chủng, với điều kiện là chưa được điều tra tại nước liên quan.

Trong phán quyết hôm qua, tòa án Madrid nhận định có « những dấu hiệu cho thấy có sự tham gia » của Giang Trạch Dân, Lý Bằng và ba lãnh đạo khác vào thời đó vào tội ác diệt chủng người Tây Tạng. Đó là do « trách nhiệm về chính trị và quân sự của từng người trong suốt một thời kỳ dài được điều tra ». Xét các yếu tố trên, tòa án Madrid « cho rằng cần thiết phải ra lệnh truy nã quốc tế » đối với họ.

Đơn kiện chủ yếu do Ủy ban Ủng hộ Tây Tạng (CAT) và quỹ « Nhà Tây Tạng » đệ trình, tố cáo năm người này về tội « diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tra tấn và khủng bố đối với nhân dân Tây Tạng » trong thập niên 80-90.

Ba bị cáo khác là cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc Kiều Thạch (Qiao Shi), cựu Bí thư Khu tự trị Tây Tạng (1992-2000) Trần Khuê Nguyên (Chen Kuiyuan), và cựu Bộ trưởng Kế hoạch hóa gia đình thập niên 80 Bành Bội Vân (Peng Pelyun).

Hôm 11/10, tòa án Madrid đã mở rộng điều tra đến cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vì không còn được quyền đặc miễn từ khi thôi chức Chủ tịch nước vào tháng 11/2012.

Cũng như các nguyên đơn, tòa án Tây Ban Nha cho rằng Hồ Cẩm Đào, nguyên Bí thư Tây Tạng, « có thẩm quyền và quyền hạn đủ để tiến hành một loạt các hoạt động trong những chiến dịch nhắm vào việc quấy nhiễu nhân dân Tây Tạng ». Và ông Hồ Cẩm Đào « là cựu Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tây Tạng, trong nhiều chiến dịch đàn áp khác nhau ở vùng này trong những năm 1988-1992 ».

Hơn nữa, tòa án nhắc lại các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận rằng « chính quyền Trung Quốc đã quyết định tiến hành một loạt hành động nhắm vào việc loại trừ tính đặc thù và sự hiện hữu của đất nước Tây Tạng, bằng cách áp đặt lệnh thiết quân luật, cưỡng bức di dời, tung ra các chiến dịch triệt sản hàng loạt, tra tấn các nhà ly khai ».

Hôm nay Bắc Kinh cho biết đã đòi hỏi Madrid « làm rõ » về lệnh truy nã này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết « hết sức bất bình và kiên quyết phản đối các định chế liên quan của Tây Ban Nha ». Bắc Kinh hy vọng chính quyền Tây Ban Nha sẽ không « tiến hành những hành động có thể gây tổn hại cho Trung Quốc và cho quan hệ hai nước ».

Theo RFI
1

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Nhật Bản định sửa đổi hiến pháp chủ hòa, Trung Quốc nổi giận

TOKYO — Chính phủ Nhật Bản cho biết họ dự trù cho phép lực lượng tự vệ nắm giữ một vai trò lớn hơn trong nền an ninh toàn cầu. Hiện nay, hiến pháp chủ hòa của Nhật, được soạn thảo dưới sự giám sát của Mỹ sau thế chiến thứ hai, chỉ cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang của nước này cho những mục tiêu phòng thủ để bảo vệ an ninh quốc gia. Các kế hoạch của Nhật đã gây ra sự tức giận ở Trung Quốc, là nước đang có một vụ tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Nhật Bản.

Các thành viên của phong trào dân tộc 'Ganbare Nippon' diễu hành với quốc kỳ Nhật Bản gần đền thờ Yasukuni ở Tokyo, tháng 9/2013.
Các thành viên của phong trào dân tộc 'Ganbare Nippon' diễu hành với quốc kỳ Nhật Bản gần đền thờ Yasukuni ở Tokyo, tháng 9/2013.

Thông tín viên Henry Ridgewell của đài VOA tường thuật từ Tokyo dưới đây.

Hơn 100 nhà lập pháp Nhật hôm thứ 6 tuần trước đã đến thăm đền thờ Yasukuni ở Tokyo, là nơi thờ phượng hơn 2 triệu liệt sĩ Nhật, trong đó có những người phạm tội ác chiến tranh.

Chuyến viếng thăm đó đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu như sau.

"Chúng tôi, một lần nữa, nghiêm túc hối thúc Nhật Bản tuân thủ một cách nghiêm chỉnh những cam kết về sự phản tỉnh sâu sắc đối với lịch sử và thông qua những hành động thực tế để có được sự tin tưởng của các nước láng giềng ở Á châu và của cộng đồng quốc tế."

Những mối căng thẳng này đã xuất hiện trong lúc Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp với nhau về vấn đề chủ quyền của những hòn đảo nhỏ mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp quốc hội Nhật Bản hồi tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết an ninh quốc gia là một trọng tâm chính của những nỗ lực cải cách chính sách.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng nước ông không thể làm ngơ trước tình hình an ninh khu vực đang mỗi ngày một khắc nghiệt hơn và vì vậy ông sẽ áp dụng những chính sách an ninh và ngoại giao có tính chất thực tế.

Nhật Bản đã phát triển điều mà họ gọi là “lực lượng tự vệ”, nhưng an ninh tổng thể của nước này vẫn lệ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.

Ông Hideaki Kase, một nhân vật nổi tiếng của phe dân tộc chủ nghĩa ở Nhật, nói rằng sự lệ thuộc đó bây giờ đã lỗi thời.

"Chúng tôi đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cô lập ở Mỹ. Vì vậy chúng tôi không thể tiếp tục đặt sự tin tưởng 100% vào việc nước Mỹ sẵn lòng bảo vệ chúng tôi."

Ông Shinichi Kitaoka, cựu Đại sứ Nhật tại Liên hiệp quốc, là cố vấn cao cấp của Thủ tướng Abe. Ông cho biết so với Hoa Kỳ, sức mạnh tương đối của quân đội Trung Quốc đang gia tăng một cách nhanh chóng.

"Không phải chỉ có sự gia tăng nhanh chóng của ngân sách quốc phòng mà thôi. Những hành động của họ có đôi lúc mang tính chất bất thường và theo nhận định của chúng tôi, họ muốn dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng. Đó là một việc hết sức nguy hiểm."

Các chiến hạm của Nhật đang được bố trí ở ngoài khơi Somalia để tiến hành những hoạt động chống cướp biển. Nhưng hiến pháp Nhật không cho phép các lực lượng của họ đến giúp các chiếc tàu của những nước đồng minh trong trường hợp các tàu đó bị tấn công.

Cố vấn Kitaoka cho rằng Nhật Bản phải giải thích lại hiến pháp để loại bỏ sự cấm đoán mà họ tự áp đặt đối với quyền tự vệ tập thể.

"Nếu chúng tôi phải ứng phó với tất cả những mối đe dọa chỉ bằng sức mạnh của chính mình, thì có lẽ chúng tôi phải có một quân đội lớn. Vì thế cho nên, quyền tự vệ tập thể chẳng những là không nguy hiểm mà còn là một cách thức an toàn hơn để duy trì hòa bình."

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến công chúng hồi gần đây cho thấy chỉ có phân nửa cử tri Nhật Bản muốn sửa đổi bản hiến pháp chủ hoà, trong lúc có tới 90% các nhà lập pháp muốn sửa đổi.

Bà Takako Tsuchida, một cư dân ở Tokyo, cho biết bà phản đối việc sửa đổi hiến pháp.

"Tôi chống đối chiến tranh 100%. Nếu sửa đổi hiến pháp, tôi e rằng chiến tranh có thể sẽ lại xảy ra. Vì vậy tôi chống lại việc sửa đổi hiến pháp."

Thủ tướng Abe nhất mực cho rằng việc để cho Nhật Bản nắm giữ một vai trò lớn hơn trong lãnh vực an ninh toàn cầu sẽ có ích cho nền hòa bình của khu vực Á châu Thái bình dương. Nhưng các nước láng giềng của Nhật vẫn tiếp tục lo ngại là Tokyo vẫn chưa học được những bài học của quá khứ.

Nguồn: VOA
0

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Mỹ-Nhật siết chặt liên minh quân sự

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hôm nay 03/10/2013 bàn bạc với hai người đồng nhiệm Nhật Bản về một liên minh quân sự chặt chẽ hơn. Đây là vấn đề chủ yếu đối với Washington trong bối cảnh căng thẳng khu vực, khiến châu Á-Thái Bình Dương trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.


Mỹ, Nhật đạt thỏa thuận về việc Mỹ sẽ triển khai Máy bay không người lái Global Hawk, máy bay chiến đấu F-35s và radar mới ở Nhật.

Sau khi đặt vòng hoa tại nghĩa trang quốc gia Chidori ga Fuchi tưởng niệm những người Nhật thiệt mạng trong Đệ nhị Thế chiến, hai ông Kerry và Hagel sẽ gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera trong hội nghị « 2+2 » lần đầu tiên được tổ chức trên đất Nhật.

Trung tâm của cuộc thảo luận là vấn đề an ninh khu vực, trong lúc Nhật Bản đang quan ngại trước sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc nhất là trên biển. Bên cạnh đó, chính sách phiêu lưu về hạt nhân của Bắc Triều Tiên vẫn là ưu tư lớn của cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, hai nước bị vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng đe dọa.

Đối với ông John Kerry, cuộc gặp ở Tokyo cần phải « đặt ra nền tảng cho quan hệ an ninh Mỹ-Nhật tại khu vực trong 15 đến 20 năm tới ». Hai nước thỏa thuận là Nhật Bản sẽ « tăng cường vai trò » trong liên minh này. Gần đây Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã nói rõ ý định của Tokyo đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh khu vực, mà ông gọi là « chủ nghĩa hòa bình tích cực ».

Nhắc nhở rằng hiệp định hợp tác quân sự song phương chưa được xem xét lại từ năm 1997, ông Kerry nhấn mạnh từ đó đến nay « đã có rất nhiều thay đổi, với những mối đe dọa mới dưới những hình thức khác nhau ». Trước tình hình đó, hai nước đã đề ra việc hợp tác trong « những lãnh vực chiến lược như không gian và thế giới ảo ». Theo Ngoại trưởng Mỹ, « liên minh này là một nhân tố trọng yếu trong chiến lược an ninh khu vực ».

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Mỹ-Nhật « trong lúc tình hình an ninh khu vực đang căng thẳng hơn ». Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đặt thẳng vấn đề « các đe dọa khác nhau từ Bắc Triều Tiên » và sự kiện « các nước châu Á có quan hệ rất căng với Trung Quốc, đặc biệt về vấn đề chủ quyền biển đảo ».

Từ hơn một năm qua, quan hệ Bắc Kinh – Tokyo vẫn lạnh giá vì hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư. Ông Onodera cho rằng « sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Á rất quan trọng » cho hòa bình khu vực.

Washington và Tokyo thỏa thuận sẽ thiết trí tại miền trung nước Nhật một hệ thống radar phòng vệ thứ hai chống hỏa tiễn đạn đạo. Tuần rồi, Lầu Năm Góc đã báo cáo với Quốc hội về dự thảo hợp đồng gần một tỉ đô la để hiện đại hóa các máy bay radar của Nhật. Hôm nay, hai bên cũng đồng ý về việc rút khoảng 5.000 quân Mỹ đóng tại đảo Okinawa sau năm 2020, và lần đầu tiên sẽ triển khai tại Nhật Bản « từ hai đến ba » phi cơ thám sát không người lái Global Hawk.

Dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Nhật trong chiến dịch xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương : Washington sẽ triển khai các máy bay trinh sát biển P-8 Poseidon từ tháng 12 tới (lần đầu tiên hoạt động ngoài nước Mỹ) và phi cơ tiêm kích F-35 từ năm 2017.

Một viên chức cao cấp Mỹ cho biết : « Cho dù phải đối phó với khó khăn ngân sách ở Washington, chúng tôi vẫn tiếp tục dành ưu tiên cho châu Á để có được các thiết bị quân sự tiên tiến nhất ». Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đánh giá quan hệ Washington-Tokyo là « trụ cột cho thịnh vượng và an ninh khu vực ».

Một sự trùng hợp là bên bề cuộc hội đàm Mỹ-Nhật, một viên chức Mỹ loan báo tuần tới sẽ có cuộc tập trận chung trên biển giữa hai nước và Hàn Quốc ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20131003-my-nhat-siet-chat-lien-minh-quan-su

0

Trung Quốc phát động chiến dịch ve vãn châu Á

(Kienthuc.net.vn) - Trung Quốc chuẩn bị mở một cuộc đột phá mới, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á.


Sáng kiến trên được công bố tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Indonesia Bambang Susillo Yudhoyono. Ông Tập đang tiến hành chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, và tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali, Indonesia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời các nền kinh tế châu Á đang phát triển sử dụng hỗ trợ của Trung Quốc trong việc củng cố cơ sở hạ tầng. Ngân hàng mới sẽ hợp tác với các hệ thống tài chính hiện có để khai thác lợi thế lẫn nhau.

Hiện nay, các công trình hạ tầng lớn trong khu vực trông chờ vào sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á. Trung Quốc có ảnh hưởng hạn chế trong các quyết định của ngân hàng này. Ông Tập Cận Bình đã công khai nói về sự sẵn sàng của Trung Quốc, ghé vai đỡ gánh nặng kinh phí trong các dự án cơ sở hạ tầng mới ở khu vực.

Trung Quốc đã trở thành cổ đông lớn nhất của các ngân hàng phát triển do SCO và BRICS thành lập. Rõ ràng, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á sẽ được bổ sung vào danh sách này. Đây là lĩnh vực ưu tiên đặc biệt của Trung Quốc trong hợp tác với hầu hết các nước của khu vực. Trước hết, đó là các nước ASEAN mà sáng kiến mới trực tiếp nhằm vào.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội chính trị (Nga) Vladimir Yevseyev, Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng ở ASEAN. Ông Yevseyev nói: “Sự giúp đỡ dành cho các nước khác phục vụ cả những lợi ích riêng của Trung Quốc. Chẳng hạn, xây dựng ống dẫn, đường bộ và đường sắt. Bề ngoài là thúc đẩy sự phát triển, nhưng trên thực tế, hàng Trung Quốc bắt đầu đổ vào ồ ạt và bán phá giá. Ở Trung Á là như vậy. Chắc chắn sẽ xuất hiện luồng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Mở rộng ảnh hưởng kinh tế tiến tới ảnh hưởng về chính trị”.

Đề án ngân hàng tài chính còn là kỳ vọng tăng cường kiểm soát các tuyến đường biển châu Á. Đây là một mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc trước sự cạnh tranh thống trị với Mỹ trong khu vực.

Chuyên gia Vladimir Yevseyev nói tiếp: “Tất nhiên, Trung Quốc không muốn bị lệ thuộc vào eo biển Malacca. Trung Quốc có các dự án Gwadar ở Pakistan và Myanmar nhằm mở hướng thoát khỏi ‘nút thắt cổ chai’ Malacca. Trung Quốc tìm cách tận dụng mọi cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu đạt thỏa thuận với Iran, Mỹ có thể giảm sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh và tập trung lực lượng vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong trường hợp như vậy, Trung Quốc phải sẵn sàng có các kênh thay thế an toàn để đảm bảo cung cấp nguyên liệu, dầu mỏ và khí đốt”.

Trong chuyến công du đầu tiên tới châu Phi hồi tháng Ba năm nay, ông Tập Cận Bình đã đề nghị cấp đầu tư lãi suất thấp cho hoạt động phát triển tài nguyên khoáng sản, xây dựng hạ tầng. Hồi tháng Chín, nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Trung Á cũng với hành lý ngoại giao tương tự. Xu hướng làm việc này nổi bật trong chuyến đi Đông Nam Á của ông Tập Cận Bình.

Đề xuất hỗ trợ tài chính từng nhận được sự cổ vũ ở Tanzania, Nam Phi, Cộng hòa Congo cũng như Tajikistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan. Lần này, không biết ông Tập Cận Bình sẽ nhận được sự phản hồi như thế nào?

Theo Kiến Thức
0

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

“Thánh chiến tình dục” ở Syria: tin đồn bẩn thỉu hay sự thật gây sốc


Đã một thời gian dài, trong những phương tiện truyền thông khác nhau ở Trung Đông liên tục đưa tin đồn về sự tồn tại ở Syria cái gọi là “thánh chiến tình dục”. Đó là tin cho rằng phụ nữ Hồi giáo từ các nước láng giềng đã đến quê hương của ông Bashar Assad và hỗ trợ tinh thần của những phiến quân Hồi giáo bằng những thú vui tình dục, theo Le Nouvel Observateur.

Các nhà báo phương Tây đã có chuyến đi đặc biệt đến Syria để xác minh tính chính xác của thông tin này. Sự quan tâm của các nhà báo với chủ đề tế nhị này lại tăng thêm sau khi hôm 19 tháng Chín, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tunisia chính thức xác nhận rằng những nữ đồng hương của ông đã tham gia vào cuộc thánh chiến tình dục. Theo quan chức, những phụ nữ này đã quan hệ tình dục lần lượt với 20, thậm chí là 100 người Hồi giáo nhân danh “cuộc thánh chiến gợi cảm”, vốn được gắn cho một cái tên đặc biệt là “Jihad al- nikah”. Sau đó, những phụ nữ này mang thai trở về nhà và sinh hạ những người lính mới của Thánh Allah. Tuy nhiên quan chức cấp cao không nói rõ là từ đâu mà ông có được thông tin gây sốc này.

Dù gì đi nữa, chưa đầy hai tuần sau báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tunisia, tạp chí địa phương Al Mijhar đã có bài đăng cuộc phỏng vấn gây sốc một trong những nữ chiến binh của đội quân tình dục với tựa đề đầy khiêu khích: “Tôi đã được hứa hẹn thiên đường và tôi đã làm tình với 152 người đàn ông”. Sau bài báo rúng động này, một loạt các chuyên gia đã viết bài bình luận rằng những chuyện về tình dục thánh chiến không có gì hơn là chuyện bịa đặt của các nhà báo câu chuyện giật gân. Một điều thú vị khác là trong cả Kinh Coran lẫn Bộ luật Sharia đều không có từ nào về “thánh chiến tình dục”.

Hai phóng viên Mỹ Root Michaelson và Anna Therese Day, những người đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến Syria để nghiên cứu vấn đề này, tuyên bố rằng họ không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy cuộc thánh chiến tình dục đang thực sự diễn ra. Thực tế duy nhất mà họ có thể thiết lập được là trong thời gian qua đã có 12 cô gái bị mất tích ở Tunisia. “Liệu có thể từ đó mà suy ra kết luận là tồn tại thánh chiến tình dục hay không? Theo quan điểm của chúng tôi là không”, - các phóng viên Mỹ nhận định.

Theo Tiếng nói nước Nga
0

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Công ty Nhật Bản xa lánh Trung Quốc để tới Đông Nam Á

Đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc sụt giảm trong lúc có những căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia, một xu thế mang ý nghĩa là Bắc Kinh có thể thiệt hại trong đợt sóng mới bành trướng ra nước ngoài của các công ty Nhật Bản.


Ảnh minh họa.

Thay vào đó, các doanh nghiệp Nhật chuyển trọng tâm chú ý tới các nước Đông Nam Á, ký một số hợp đồng trong những tháng mới đây để mua các xí nghiệp bảo hiểm, ngân hàng, và nhà máy.

Ngoài ra, sự chuyển đổi này cũng phản ánh sự gia tăng chi phí lương bổng tại Trung Quốc.

Một số xí nghiệp Nhật Bản nói họ cũng lo ngại về thái độ chống Nhật. Họ nêu trường hợp bạo động của đám đông một năm trước đây chống lại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, khi căng thẳng tăng cao liên quan tới một nhóm đảo không có người cư ngụ tại Biển Hoa Đông.

Showa, một nhà sản xuất linh kiện chính xác có căn cứ tại Nhật Bản cung cấp hàng cho công ty như Toyota và Nintendo, nói những vụ việc đó khiến họ chọn một địa điểm ở bên ngoài thủ đô Bangkok của Thái Lan cho nhà máy đầu tiên của họ ở nước ngoài, thay vì Trung Quốc.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Nước ngoài Nhật Bản, một cơ quan của chính phủ, đầu tư của Nhật Bản tại Đông Nam Á gia tăng 55% trong sáu tháng đầu năm 2013 so với năm trước, lên tới 10,29 tỉ đô la, trong khi đầu tư tại Trung Quốc sụt giảm 31%, chỉ còn 4,93 tỉ đôla.

Nguồn: Wall Street Journal, Japan Daily Press
0

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Đài Loan phát triển vũ khí thông minh chống Trung Quốc

Đài Bắc - Lực lượng không quân của Đài Loan sẽ được trang bị vũ khí "thông minh" vào cuối năm nay. Defense News cho biết tên lửa này có thể được sử dụng để chống lại bất kỳ cuộc tấn công xâm lược nào Trung Quốc nhằm vào Đài Loan xuất phát từ các sân bay và bến cảng trên đất liền của Trung Quốc đại lục.

Loại vũ khí mới, có tên gọi là "Wan Chien" (Vạn Kiếm) , dự kiến ​​sẽ được trang bị cho hàng chục máy bay chiến đấu của Đài Loan.

Tên lửa Vạn Kiếm
Tên lửa Vạn Kiếm

Quốc đảo này bắt đầu phát triển vũ khí thông minh riêng của mình sau khi Hoa Kỳ - nhà cung cấp vũ khí chính của Đài Loan - từ chối bán bom dẫn đường cho Đài Bắc.

Lực lượng không quân của Đài Loan có kế hoạch nâng cấp 60 máy bay chiến đấu trước cuối năm, sáu chiếc cuối cùng được tân trang lại và dự kiến ​​sẽ được hoàn thành vào tháng Mười Hai, báo China Times có trụ sở ở Đài Bắc đưa tin.

Bộ Quốc phòng Đài Loan từ chối bình luận về thông tin trên .

Vũ khí mới sẽ cho phép máy bay chiến đấu của Đài Loan không kích các mục tiêu trong lãnh thổ Trung Quốc từ xa nhằm làm giảm các nguy cơ đối với Đài Loan từ Trung Quốc đại lục, các nhà phân tích nói.

Loại vũ khí này, tương đương với bom tấn công JDAM của Mỹ, có thể chuyển đổi thành bom không điều khiển "thông minh" trong mọi điều kiện thời tiết, được thiết kế để tấn công bến cảng, tên lửa và các căn cứ radar, cũng như các cơ sở quân sự trước bất kỳ một cuộc xâm lược nào nhắm vào hòn đảo này, China Times cho biết.

Mỗi hệ thống mang hơn 100 đầu đạn có khả năng khoét các đường băng sân bay thành "hàng chục lỗ thiên thạch nhỏ", làm cho chúng vô dụng, Báo cáo viết.

Vạn Kiếm được dẫn hướng kết hợp quán tính và GPS ngoài ra tên lửa cũng có thể trang bị radar hoặc đầu dò hồng ngoại cho việc khóa mục tiêu giai đoạn cuối. Tên lửa có tầm bắn tối đa 240km, như vậy tầm bắn của Vạn Kiếm nhỉnh hơn đôi chút so với hệ thống tên lửa phòng không HQ-9B của Trung Quốc có tầm bắn 200km.

Về mặt lý thuyết,Vạn Kiếm có phần nắm ưu thế hơn so với HQ-9B, các phi công Đài Loan có thể phóng Vạn Kiếm từ bên ngoài tầm với của HQ-9B. Vạn Kiếm có thể tấn công các khu vực sân bay, bến cảng, các căn cứ phòng không được bố trí dọc theo bờ biển Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Đài Loan và gả láng giềng khổng lồ ham xâm lược đã được cải thiện đáng kể từ khi chính phủ Quốc Dân Đảng Bắc thân Bắc Kinh lên nắm quyền tại Đài Bắc năm 2008. Mã Anh Cữu tái đắc cử vào tháng Giêng năm 2012.

Nhưng Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là phần đảo lãnh thổ đang chờ thống nhất vào Trung Quốc bằng vũ lực nếu cần thiết, khiến Đài Bắc tìm kiếm các loại vũ khí phòng thủ tiên tiến hơn, chủ yếu là từ Mỹ .

Các chuyên gia Đài Loan ước tính quân đội Giải phóng Nhân dân đã có hơn 1.600 tên lửa nhằm vào hòn đảo này.

Tin tổng hợp
0

Thử nghiệm MiG thành công trên tàu sân bay Ấn Độ + Video

Tàu sân bay Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ đã trở lại cảng của công ty đóng tàu Sevmash tại thành phố cảng Severodvinski của Nga bên bờ biển Trắng, sau khi thủy thủ đoàn Ấn Độ hoàn thành chương trình thử nghiệm trên biển.


Phi công chiến đấu của Hạm đội Bắc Hải đã bay thử nghiệm thành công trên boong của tàu sân bay Vikramaditya.

Đại diện của Sevmash cho biết tàu sân bay Severodvinski trong quá trình di chuyển trên biển Trắng và biển Barents từ ngày 3/7 đã được kiểm tra tốc độ và khả năng cơ động của tàu, máy bay, thiết bị và vũ khí điện tử, đồng thời tổ chức chuỗi thử nghiệm các hệ thống và thiết bị của tàu.

Trong quá trình thử nghiệm trên biển Barents cũng tổ chức thực hành cho thủy thủ đoàn của Ấn Độ gồm 875 người.

Theo ông, việc chuyển giao tàu cho Hải quân Ấn Độ sẽ diễn ra vào ngày 15/11 tới.

Ấn Độ là một trong những bạn hàng lớn nhất của Nga trong ngành công nghiệp vũ khí.

Hồi tháng Tám vừa qua, Ấn Độ cũng đã hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant đầu tiên do nước này tự chế tạo với 90% được nội địa hóa tại nhà máy đóng tàu Kochi, bang Kerala.

Đây là sự kiện quan trọng đưa Ấn Độ trở thành thành viên của câu lạc bộ gồm một số ít quốc gia trên thế giới có khả năng tự thiết kế và sản xuất loại tàu sân bay tương tự.

Tàu INS Vikrant có trọng tải 40.000 tấn, dài 260m, rộng 60 mét, có thể mang được 36 máy bay chiến đấu, bao gồm 19 chiếc trên bong và 17 chiếc trong khoang chứa./.

Nguồn: Vietnam+

0

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Campuchia: Diễn biến bất ngờ, phát ngôn gây sốc về Trung Quốc

(GDVN) - Son Chhay, một trong những lãnh đạo chủ chốt của đảng CNRP đã nói thẳng ra rằng “Trung Quốc đã lợi dụng và lừa dối nhân dân Campuchia” trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên số mới nhất của của tờ Southeast Asia Globe. Báo Giáo Dục Việt Nam loan tải hôm thứ Tư.


Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập Campuchia CNRP.

Tờ GDVN cho biết, chỉ một tháng trước đây, đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) vẫn còn được xem là chỗ dựa tin cậy của Trung Quốc. Tuy nhiên một số phát biểu gần đây của các lãnh đạo đảng này liên quan đến Trung Quốc khiến cả Bắc Kinh lẫn nhiều nhà phân tích không khỏi bất ngờ.

Diễn biến bất ngờ, phát ngôn gây sốc

Nội bộ đảng CNRP dường như đang có sự cải tổ về đường lối chính trị của mình. Ngày 8/9 vừa qua, ông Sam Rainsy đã tuyên bố úp mở rằng "tình hình chính trị hiện nay không còn giống như quá khứ". Vậy hàm ý trong lời nói đó của Sam Rainsy là gì?

Son Chhay, một trong những lãnh đạo chủ chốt của đảng CNRP đã nói thẳng ra rằng “Trung Quốc đã lợi dụng và lừa dối nhân dân Campuchia” trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên số mới nhất của của tờ Southeast Asia Globe.

Ông Son Chhay đưa ra dẫn chứng về những khoản vay từ Trung Quốc để xây đường xá, cầu cống, đập thủy điện tại Campuchia muốn giải ngân phải chấp nhận điều kiện để các công ty Trung Quốc thi công. Các công ty này đã nhân chi phí lên gấp nhiều lần so với chi phí thực để họ trục lợi bất chính với khoản tiền khổng lồ.

Tuyên bố của lãnh đạo CNRP gây bất ngờ cho dư luận quốc tế bởi trong suốt cuộc bầu cử vừa qua phe đối lập Campuchia vẫn đề cao vai trò của Trung Quốc đối với đất nước họ và coi đó là một trong những mũi nhọn trong vận động bầu cử.


Ông Son Chhay trả lời báo giới.

Cũng trong ngày 8/9, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã ra thông báo cuối cùng về kết quả bầu cử Campuchia hôm 28/7/2013. Theo đó đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành thắng lợi với 3,2 triệu phiếu bầu, cao hơn so với mức 2,9 triệu phiếu của CNRP. Đây là kết quả thấp nhất của đảng cầm quyền tại Campuchia kể từ năm 1998, và mất 22 ghế so với cuộc bầu cử 5 năm trước.

Đảng CPP cầm quyền liên tục kể từ sau khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết năm 1991. CPP đã kết thúc chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot và mở ra thời kỳ phát triển hòa bình. Thông điệp tuy đơn giản này nhưng đã mang lại nhiều sự ủng hộ cho Thủ tướng Hun Sen trong nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên ngày nay, Campuchia được nhìn nhận là một trong những đối tác và là "con bài" quan trọng nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 9,17 tỉ USD viện trợ và đầu tư vào nước này.

Bằng khoản tiền khổng lồ đó, Trung Quốc đã gây áp lực lên Campuchia về mặt chính trị để qua đó tạo được lợi thế trong quan hệ với các quốc gia ASEAN. Quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc đặc biệt nở rộ từ tháng 12 năm 2010 khi hai nước ký quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.

Trong giai đoạn tranh cử vừa qua, cương lĩnh chính của CNRP tập trung chủ yếu vào 2 điểm: Một là, chỉ trích chính quyền Hunsen đã quá già cỗi, quan liêu, thiếu đổi mới tư duy, không dân chủ và không còn phù hợp với thời đại;

Hai là, CNRP nhấn mạnh sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Campuchia, xem Trung Quốc là một đồng minh quan trọng cho sự phát triển của quốc gia này. Điều này được thể hiện khá rõ qua tuyên bố của Sam Rainsy rằng các đảng phái khác ở Campuchia không thể “ủng hộ Trung Quốc rõ ràng về Biển Đông” như CNRP.


Ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc có chuyến thăm chóng vánh đến Campuchia sau khi nước này bầu cử Quốc hội, chúc mừng đảng CPP của ông Hun Sen đã "giành thắng lợi" khi Ủy ban Bầu cứ Quốc gia Campuchia còn chưa tuyên bố chính thức.

Chống Trung Quốc chi phối Campuchia, vũ khí mới của phe Sam Rainsy

Với những tuyên bố khác hẳn quan điểm trên, có vẻ như CNRP đã lộ rõ cách thức để tranh đấu với CPP trong thời gian tới. Đó là thay vì tiếp tục ủng hộ Trung Quốc, phe Sam Rainsy quay sang chỉ trích Bắc Kinh và sẽ dùng nó làm vũ khí quan trọng để chống lại CPP.

Ngày nay người dân Campuchia bắt đầu cảm nhận được những tác động tiêu cực của “cuộc tấn công quyến rũ” (charm offensive) từ Trung Hoa. Mặc dù khoản viện trợ lên đến 9.17 tỉ USD trong 20 năm qua đã giúp đem lại một bộ mặt mới cho Campuchia nhưng nó cũng để lại nhiều hệ quả tiêu cực.

Những doanh nghiệp trong nước đang phải chịu sự bất công khi cạnh tranh với những doanh nghiệp của Trung Quốc ngay trên đất Campuchia.

Theo Luật Đất đai của Campuchia năm 2001, việc cho thuê đất làm kinh tế vượt quá 10.000 ha là bị cấm. Nhưng Tập đoàn phát triển liên hợp Thiên Tân (Union Group) của Trung Quốc lại được chính phủ Campuchia đặc cách cho thuê 36.000 ha đất ở tỉnh Botum Sakor với thời hạn đến 99 năm.

Những sự ưu đãi của chính phủ vốn không nằm trong "các khoản viện trợ không điều kiện" từ Trung Quốc này đang dần bóp chết sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Campuchia.

Ngoài ra Campuchia đang phải hứng chịu sức ép từ các nước ASEAN sau những hành động trái với lợi ích của toàn thể Hiệp hội. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại ASEAN đã không thể đưa ra một thông cáo chung do những quan điểm khác biệt của Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2012, với các quốc gia thành viên còn lại.

Trong bối cảnh nước rút để hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, vị thế của Campuchia trong ASEAN sẽ bị suy giảm mạnh nếu chính sách thân Trung Quốc của chính phủ Campuchia tiếp tục gây ảnh hưởng tới lợi ích của toàn Hiệp hội.

Những lời chỉ trích mới đây của lãnh đạo CNRP cho thấy một xu hướng mới của nội bộ đảng này. Đây có thể là sự khởi đầu cho cuộc cải tổ về cương lĩnh chính sách của phe Sam Rainsy để đối chọi với đảng CPP của Hun Sen.

Hiện tại hãy còn quá sớm để kết luận về hiệu quả của những thay đổi chính sách của CNRP, nhưng những lời tuyên bố gây sốc vừa qua cũng đã báo hiệu một sự thay đổi lớn từ bên trong Campuchia.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Campuchia-Dien-bien-bat-ngo-phat-ngon-gay-soc-ve-Trung-Quoc/316373.gd
0

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Quân đội TQ chiếm đóng thêm 640km vuông lãnh thổ Ấn Độ

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã "từng bước" chiếm gần 640 km vuông diện tích trên tuyến đường kiểm soát thực tế (LoAC- đường biên giới hiệu lực giữa Ấn Độ và Trung Quốc) ở Ladakh trong vài tháng qua.

Báo cáo gây sốc của Ban Cố vấn An ninh Quốc gia (NSAB) gửi lên Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ (PMO - Prime Minister's Office) cho hay.

Tờ Headlines Today đã tiếp cận các chi tiết của báo cáo do cựu ngoại trưởng và Chủ tịch NSAB Shyam Saran gửi đến PMO vào ngày 12 tháng 8.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã gia tăng quân số và lập ra các khu vực được gọi là PLA area denial (tạm dịch: khu vực từ chối xâm nhập của PLA) ở phía đông Ladakh thuộc bang Jammu-Kashmir của Ấn Độ hiện nay thành đường biên giới mới.


Kết quả của khu vực từ chối là 640 km vuông ở Depsang, Chumar và Pangong Tso, báo cáo cho biết.

Theo đó, quân đội Ấn Độ không thể tiếp cận ít nhất bốn điểm trên đường tuần tra cũ, qua đó phủ nhận một khu vực mà quân Ấn Độ được tiếp cận trước đó.

Hơn nữa, sau khi quân đội Trung Quốc xâm nhập trong tháng Tư và Năm, các lực lượng Ấn Độ đã mất quyền kiểm soát khu vực Depsang Bulge.


Các khu vực nằm bên trong lãnh thổ Ấn Độ đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Ảnh: India Today.

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng tuyến đường đường phi cơ giới của PLA dọc biên giới ở Raki Nallah (nằm bên trong Ladakh) vẫn còn xe cơ giới.

Thêm khoảng 70 km vuông lãnh thổ trên thực tế của Ấn Độ hiện nay ở Pangong Tso đã bị đặt dưới sự kiểm soát của PLA, báo cáo của NSAB đánh giá.

Quân đội Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào bang Jammu-Kashmir và Arunachal Pradesh trong vài tháng qua. Nhưng Ấn Độ đã không có phản đối mạnh mẽ đối với sự xâm lược này.

Nguồn: India Today, ngày 5 tháng 9, 2013

http://indiatoday.intoday.in/story/chinese-army-occupied-640-square-km-three-ladakh-sectors-report/1/305652.html

Bài trên tạp chí The Diplomat: Is China Occupying 640 km of Indian Territory?

0