Vibay

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Trung Quốc sẽ trắng tay vì muốn độc chiếm biển Đông


(20/04/2020)- Trung Quốc hiện đang muốn lợi dụng tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19 để đẩy nhanh kế hoạch độc chiếm biển Đông.

Tờ South China Morning Post ngày 18-4 đưa tin chính quyền Trung Quốc (TQ) đã bất ngờ thông báo thành lập cái gọi là hai huyện đảo Tây Sa và Nam Sa trực thuộc TP tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam (VN). Phía VN đã không ngừng phản đối các động thái vi phạm pháp luật mà TQ đã thực hiện suốt thời gian qua.

Sẽ còn gia tăng hành động phi pháp

Bình luận về động thái của Bắc Kinh, TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), cho rằng TQ muốn gửi đi thông điệp là họ sẽ không bao giờ từ bỏ các yêu sách về chủ quyền ở khu vực biển Đông. “Rõ ràng Bắc Kinh có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa ý đồ từ chiếm giữ bất hợp pháp thành một lãnh thổ dưới quyền kiểm soát hành chính” - ông Trung nói.

TQ đã và đang dần biến khu vực (mà TQ gọi là) TP Tam Sa thành những khu vực có người cư trú lâu dài với khoảng 1.800 người. Việc TQ vô lý thành lập hai quận mới để chính thức hóa quan điểm của họ là các thực thể mà TQ đang chiếm giữ có khả năng duy trì sự sống cho người cư ngụ.

GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Maine (Mỹ), nhận định hành động lần này nằm trong chuỗi sự kiện mà Bắc Kinh đã tính toán từ trước. Mục đích của TQ là tiếp tục khẳng định chủ quyền theo yêu sách đường chín đoạn (hay đường lưỡi bò), bất chấp Tòa Trọng tài đã bác bỏ vào năm 2016.

Trong khi đó, chuyên gia quốc phòng Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) thì cho rằng: “Rõ ràng là TQ đang tìm kiếm thêm lợi ích trên biển Đông trước khi Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) được ban hành. Ngay cả nếu COC không được thông qua, TQ khi đó cũng đã có một thế đứng vững chắc hơn rất nhiều trên biển Đông.


Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: AMTI

Lợi bất cập hại

Dù thừa nhận rằng mọi hành động của TQ đều có toan tính trước nhưng giới quan sát cũng đồng thuận rằng dịch COVID-19 tạo ra một khoảng trống để Bắc Kinh lợi dụng gây hấn ở biển Đông. Thêm vào đó, đại dịch gây ra một cuộc khủng hoảng tại TQ. Vậy nên “chuyển lửa ra biển Đông” cũng là một kế sách, tuy không còn mới nhưng là dễ hiểu với TQ.

Mặt khác, việc leo thang căng thẳng ở biển Đông cũng là giải pháp để TQ gây áp lực trên bàn đàm phán COC. Song song đó, các thông tin về việc thiết lập các cơ quan hành chính trên sẽ được TQ dùng để tuyên truyền, tạo cớ nhằm gây bất an cho lực lượng chấp pháp, ngư dân, tàu thuyền các nước qua lại biển Đông. Đầu tháng 4-2020, tàu hải cảnh của TQ đã đâm chìm tàu cá của VN, tạo ra sự bức xúc lớn không chỉ từ VN mà còn trong cộng đồng quốc tế. Việc lập ra các quận đảo có thể là bước đầu để TQ đẩy mạnh các hoạt động bắt nạt tương tự.

TQ chắc chắn sẽ tăng cường nguồn lực để quản lý hai huyện đảo mới thành lập, biến các đơn vị hành chính này thành “vùng đệm ở tuyến đầu” để giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh ở các khu vực xung quanh. Ngoài ra, hai huyện đảo sẽ giúp TQ rộng đường phối hợp và liên lạc với các lực lượng đang đồn trú trái phép trên hai quần đảo của VN.

KANG LIN, Phó Giám đốc chương trình Nghiên cứu biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia TQ (CNI)

Tuy nhiên, TQ có thể phải trả giá đắt hơn họ nghĩ. Chuỗi hành vi của TQ trên biển, đi cùng với những bê bối liên quan dịch COVID-19 (xuất phát từ TQ) khiến niềm tin của cộng đồng quốc tế với chính quyền Bắc Kinh suy giảm trầm trọng. Không thiếu các chỉ trích “thừa nước đục thả câu” nhắm vào lãnh đạo TQ suốt thời gian qua. Việc lập ra các quận đảo đi cùng các hành vi bắt nạt sẽ là “cọng rơm cuối làm gãy lưng con lạc đà”, khiến các nước phản ứng mạnh.

Đầu tiên sẽ là các nước trong khu vực. VN, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 (và có thể kéo dài sang năm 2021 vì ảnh hưởng của dịch) và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chắc chắn sẽ có những bước đi ngoại giao quan trọng. Các nước ASEAN, trước các mối đe dọa an ninh do TQ tạo ra, chắc chắn sẽ không ngồi yên. Các “liên minh mềm”, ví dụ hợp tác về pháp lý, kinh tế, ngoại giao để đối trọng các hành xử sai trái của TQ là điều hoàn toàn khả dĩ và đang được kỳ vọng rộng rãi.

Một “nước Mỹ trên hết” ở xa khó chống lại TQ. Tuy nhiên, các sáng kiến về an ninh - quốc phòng, kinh tế với sự tham gia của các nước khu vực do Mỹ hậu thuẫn chắc chắn sẽ khiến TQ phải dè chừng.

Biển Đông là tuyến hàng hải vô cùng quan trọng, gắn liền lợi ích toàn cầu. Một khi niềm tin của các nước vào TQ suy giảm thì bằng nhiều cách khác nhau, họ sẽ có phản ứng tiêu cực với Bắc Kinh. Điển hình là việc cắt giảm đầu tư, chuyển hướng giao thương - hợp tác, lên án làm suy yếu hình ảnh “cường quốc có trách nhiệm và ảnh hưởng” mà TQ đang cố gắng theo đuổi. Mất niềm tin dễ dẫn đến việc TQ trắng tay và điều đó có vẻ không còn xa khi TQ vẫn hành xử phi pháp như lâu nay.

Biển Đông: Cách ứng phó Trung Quốc ‘xâm lấn vùng xám’

Trước một loạt hoạt động đơn phương gây rối của đội ngũ phức hợp các tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu khảo sát hải dương Trung Quốc (TQ), biển Đông dường như đã chuyển sang giai đoạn 3 của chiến lược “xâm lấn vùng xám” mà TQ đã triển khai nhất quán từ năm 2009.

Hai giai đoạn đầu là xây dựng lực lượng (2009-2014) và cải tạo thực địa (2015-2018). Trong đó, TQ gây áp lực đơn lẻ với từng nước và chỉ tập trung ở khu vực trung tâm biển Đông. Ở giai đoạn 3, TQ lại tăng cường tần suất và mở rộng quy mô của các hoạt động xâm lấn cùng lúc sang cả năm khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ), còn gọi là “vành đai EEZ”, của các nước láng giềng Đông Nam Á.

Đây cũng là “giai đoạn nước rút” của chính phủ TQ trước thời hạn kết thúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) với ASEAN vào năm 2021. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 bùng nổ đã gián tiếp tạo nên các “khoảng trống quyền lực” trên biển Đông do hầu hết các nước đều đang tập trung chống dịch. Đây là hai nguyên nhân khiến TQ đẩy nhanh các hoạt động đơn phương phi pháp với tâm thế “thừa nước đục thả câu”.

Dĩ nhiên tư duy “nước rút” sẽ tạo nên điểm yếu, đó là nóng vội, từ đó gây nên những tính toán nhầm lẫn. Sự kiện tàu khảo sát HYDZ-8 đi dọc theo EEZ của Việt Nam (VN) để đến hoạt động ở khu vực EEZ của Indonesia, Malaysia và Brunei lúc này sẽ như một giọt nước tràn ly. Nó gián tiếp thúc đẩy các nước láng giềng Đông Nam Á thấy rõ đã đến lúc “tối lửa tắt đèn có nhau” - một kịch bản sẽ khiến TQ thêm khó khăn trên bàn đàm phán COC nói riêng và mặt trận pháp lý nói chung.
Hơn nữa, với các nền tảng hợp tác an ninh biển đã ký kết với Philippines (tháng 5-2018), Indonesia (tháng 6-2019), Malaysia (tháng 8-2019)... VN dường như đang kiện toàn mạng lưới liên lạc và hợp tác chấp pháp trên biển của riêng các nước ASEAN. Cùng với vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2020, VN hoàn toàn có đủ cơ sở tiến hành ba biện pháp như sau:

Thứ nhất, phối hợp với các nước thiết lập hồ sơ những vụ vi phạm của các tàu khảo sát hải dương, tàu chấp pháp và dân quân biển TQ trên các vùng biển liên quan đến “vành đai EEZ” của các nước ASEAN trên biển Đông. Song song đó, VN đẩy mạnh cùng các nước lưu hành công hàm phản đối các vi phạm của TQ trên Liên Hiệp Quốc.
Thứ hai, phát triển các sáng kiến về tuần tra chung trên biển Đông giữa lực lượng cảnh sát biển các nước ASEAN (như Malaysia, Philippines, Indonesia...) và cân nhắc sự tham gia mở rộng của các cường quốc bên ngoài dưới sự điều phối của ASEAN.

Thứ ba, củng cố và tăng cường hợp tác khai thác dầu khí và tài nguyên khác với các nước trong và ngoài khu vực (như Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nhật…) ở các “vành đai EEZ” để gia tăng hiện diện lợi ích kinh tế của các cường quốc, từ đó nâng cao thế đối trọng và phản ứng quốc tế với các hành vi TQ xâm phạm “vành đai EEZ” này.

Với gói giải pháp trên, TQ càng xâm lấn trên biển Đông thì áp lực trên cả mặt trận tâm lý, pháp lý và truyền thông cho chính họ sẽ ngày càng lớn. TQ muốn duy trì phương châm “cường quốc có trách nhiệm” thì trước nhất phải ngừng ngay các hoạt động phi pháp để xây dựng lại từ đầu hình ảnh đó ở biển Đông.

ThS LỤC MINH TUẤN, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) ĐH KHXH&NV TP.HCM


Theo PLO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét