Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019
Gia hạn hoạt động giàn khoan ở Bãi Tư Chính, Việt Nam tiếp tục cứng rắn trước Trung Quốc
Việt Nam vừa ra thông báo rộng rãi về việc gia hạn thời gian hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 tại Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, phía tây bắc Bãi Tư Chính, một động thái được cho là “bất tuân” tiếp theo của Hà Nội sau khi khước từ yêu cầu của Bắc Kinh hồi tháng 6 là rút lại giàn khoan này, dẫn đến việc Bắc Kinh thực hiện lời đe dọa “hành động mạnh” bằng việc đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 đến khu vực, theo tiết lộ của một chuyên gia nghiên cứu với VOA.
Trong khi các dữ liệu theo dõi cho thấy tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động gần khu vực Bãi Tư Chính ở Biển Đông bất chấp phản đối từ phía Việt Nam và chỉ trích của Mỹ, một số nguồn tin cho hay Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội rút giàn khoan ở khu vực này đi và đổi lại, Trung Quốc sẽ rút các tàu của họ. Nhưng Việt Nam bác bỏ đề nghị này.
Trao đổi với VOA hôm 25/7, TS. Hà Hoàng Hợp xác nhận thông tin về những đòi hỏi của Trung Quốc hồi tháng 6.
“Đúng là họ có trao đổi với một số nơi ở Việt Nam điều kiện như thế”, TS. Hà Hoàng Hợp khẳng định với VOA. “Họ đòi Việt Nam phải bắt công ty Nhật và công ty Nga phải rút khỏi chỗ đấy. Nếu không rút thì họ sẽ có hành động mạnh”.
Trung Quốc đã thực hiện lời đe dọa bằng cách đưa con tàu dài 88 met, rộng 20,4 met, với tổng trọng tải 6.918 tấn đến “thăm dò” trong khu vực gần Bãi Tư Chính kể từ ngày 3/7. Vụ việc đã đẩy căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm kể từ sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.
Thông báo của Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam, thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được truyền thông Việt Nam trích dẫn ngày 25/7 cho biết hoạt động khoan của khu vực Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn do công ty Rosneft Việt Nam B.V. (công ty con của Công ty Rosneft của Nga) “dự kiến kéo dài đến hết ngày 15/9/2019”.
Trang Twitter IndoPacific_SCS_Info, nơi thường xuyên cập nhật tin tức về Biển Đông, nói rằng hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 lẽ ra chấm dứt vào ngày 30/7 theo như kế hoạch ban đầu, nhưng “Việt Nam không lùi bước”.
Theo phân tích của TS. Hà Hoàng Hợp, động thái thông báo gia hạn từ phía Việt Nam là “có và không” liên quan đến căng thẳng ở Bãi Tư Chính.
TS. Hà Hoàng Hợp nói việc gia hạn là do các công ty khai thác dầu khí của Nga, Nhật thực hiện và Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam ra thông báo là để tàu bè đi lại có thể tránh xa khu vực này.
“Hợp đồng ban đầu nói có khả năng [hoạt động khai thác] kéo dài 60-90 ngày. Mà bắt đầu khoan từ ngày 29/6 tới giờ chưa được một tháng, thì phải khoan thêm thì mới đạt kết quả về mặt kỹ thuật”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Còn yếu tố “có liên quan”, theo ông, là vì Trung Quốc đã từng yêu cầu Việt Nam rút giàn khoan này đi nhưng phía Việt Nam khước từ.
Theo chuyên gia của Viện Nghiên Đông Nam Á ISEAS, động thái thông báo gia hạn hoạt động từ phía Việt Nam tái khẳng định một lần nữa rằng đòi hỏi của Bắc Kinh là “không hợp lý”.
“Người Nga đã khai thác ở chỗ đó từ năm 2013, sau khi mua lại cổ phần từ công ty BP của Anh quốc và một cố phần nhỏ của công ty Conoco Philips. Từ đó đến giờ họ làm rất tốt, và ai cũng khẳng định khu vực đó là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không tranh cãi được”.
Trong một diễn tiến cùng ngày 25/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lặp lại lần thứ 3 rằng Việt Nam “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền” và đã trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc về hoạt động của Hải Dương Địa Chất 8. Đây được xem là phản ứng mạnh nhất từ trước đến nay từ phía Việt Nam liên quan đến những vụ xung đột căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo VOA
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét