Sau 60 năm chiếc ô tô đầu tiên của Việt Nam được sản xuất mang tên 'Chiến Thắng', ngày 2/10/2018, 2 chiếc xe hơi thương hiệu Việt lại tái xuất nhưng trong một triển lãm lớn nhất thế giới Paris Motor Show.
Ngày 2/10, sự xuất hiện của 2 mẫu ô tô VinFast đã đánh dấu 1 kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Nhưng ít ai biết được, trước đó ngành công nghiệp ô tô đã ghi nhận 2 thương hiệu ô tô của Việt Nam.
“Siêu xe” Chiến Thắng 1958
Vào năm 1958, nhà máy Chiến Thắng đã quyết định sản xuất một chiếc ô tô nhỏ theo cách của ta. Ngày đó, nhiệm vụ sản xuất ô tô được giao cho Đại tá, kỹ sư Hồ Mạnh Khang, Giám đốc nhà máy Z157 và ông Vũ Văn Đôn, Cục trưởng Cục Quản lý xe.
Trong một lần nói về chiếc ô tô “made in Việt Nam” đầu tiên, Thiếu tướng Vũ Văn Đôn cho biết, chiếc ô tô Chiến Thắng là mồ hôi công sức của cả một tập thể. Chiếc ô tô Chiến Thắng có thể nhận gọi là chiếc ô tô đầu tiên do người Việt chế tạo.
Thiếu tướng Vũ Văn Đôn đến với ngành công nghệ, chế tạo ô tô từ lúc còn rất trẻ. Năm 1949, khi đó mới hơn 20 tuổi và vừa tốt nghiệp trường Kỹ nghệ thực hành (một trường cơ khí của Pháp), Thiếu tướng Đôn đã được Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng thời kỳ đó là ông Tạ Quang Bửu giao cho làm Giám đốc Nha Sự vụ Cục Quân giới.
Đến năm 1954, ông Vũ Văn Đôn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quản lý xe (Bộ Quốc phòng) và ông quyết tâm làm bằng được chiếc ô tô đầu tiên của người Việt.
Đúng ngày 22/12/1958, tại nhà máy Chiến Thắng đã cho ra mắt chiếc ô tô đầu tiên (4 chỗ ngồi) do người Việt Nam sản xuất. Mặc dù xe được lắp ráp từ nhiều linh kiện khác nhau, tỷ lệ nội địa hóa chưa đạt 100%, song nó không kém loại Matxcơvic của Liên Xô lúc bấy giờ.
Chiếc ô tô Chiến Thắng được làm dựa theo chiếc Fregate chạy xăng của Pháp. Các bộ phận như thân máy, nắp máy, chế hòa khí, bơm xăng, bơm dầu được các thợ chiến trường mày mò tìm mẫu, tạo khuôn mẫu trước, sau đó đúc gang rồi mới đưa lên cắt gọt, gia công cơ khí cho thật tinh xảo.
Có những chi tiết phải đúc đi, đúc lại rất nhiều lần mới thành công. Nguyên liệu chủ yếu lấy từ đống phế liệu chiến tranh của Pháp “nấu” đúc lại. Đến phần chế tạo trục guồng của máy bàn phải dùng một trục bánh tàu hỏa, đo đạc lấy kích thước, vẽ mẫu chuẩn. Chỉ riêng cái “trục guồng quay” này, cả tổ tiện, nguội, mài... phải “đánh vật” lăn lộn làm suốt đêm ngày mất gần hai tuần lễ.
Tuy nhiên, có những chi tiết không thể làm được và phải lắp đồ ngoại, đó là: Nến điện, dây điện, hệ thống đồng hồ và chỉ thị, bóng điện, hệ thống kính, săm lốp và vòng bi.
Họa sĩ Diệp Minh Châu đã giúp đỡ nhà máy về tạo dáng và màu sắc. Ông còn bỏ tiền mua ngà voi làm núm còi, trên đó khắc nổi hình chùa Một Cột. Ông làm một tượng nhỏ bằng thạch cao người chiến sĩ cầm cờ để nhà máy đúc đồng gắn lên nắp capô.
Chiếc xe có biểu tượng của chữ V, có thể hiểu là “Việt Nam” hay “Victory” (Chiến Thắng). Chính vì lẽ đó, chiếc ô tô “Chiến Thắng” mang biển số QS 0001 chính thức được ra đời.
Ngay sau khi chế tạo thành công chiếc ô tô đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến xem và động viên: "Ta đã sản xuất được xe con. Từ nay về sau cần nghiên cứu, sản xuất xe vận tải để phục vụ đất nước". Khi được đề nghị nhận chiếc xe, Hồ Chủ tịch từ chối: "Cảm ơn các chú đã quan tâm đến Bác, tặng Bác chiếc xe này. Nhưng hiện nay, Bác đã có xe đi rồi. Vậy các chú giúp Bác tặng lại chiếc xe này cho thương binh. Các chú ấy cần chiếc xe mới và tốt thế này hơn Bác".
Mục đích của việc sản xuất ô tô Chiến Thắng 1958 là để giải quyết nhu cầu giao thông tăng cao trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ - Thống nhất đất nước.
Quốc khánh năm 1959, ô tô con "Chiến Thắng" do quân đội chế tạo được xếp vào đội hình diễu binh tại Quảng trường Ba Đình.
Huyền thoại ô tô “Trường Sơn”
Không chỉ sản xuất ra chiếc Chiến Thắng, Việt Nam đã có thời điểm tự mình sản xuất ra những chiếc xe máy. Chiếc xe máy đầu tiên, đặt nền móng của ngành công nghệ cơ khí chế tạo Việt Nam là chiếc Ấp Bắc. Ấp Bắc có tốc độ trung bình đạt 50 - 60 km/giờ, tiếng nổ giòn và rất khỏe, chạy đường gồ ghề rất tốt.
Với sự thành công nhất định, Thiếu tướng Vũ Văn Đôn cùng tập thể các đồng chí trong ngành đã quyết tâm làm một chiếc xe ô tô “thực sự của Việt Nam”. Không còn chắp vá linh kiện như chiếc Chiến Thắng.
Chiếc ô tô thứ 2 được đặt tên là “Trường Sơn”. Trong đó, nhà máy Z159 phụ trách làm piston (pit - tông), vòng bi, cần số; Nhà máy Z179 làm sắt xi, gầm xe.
Một ngày cuối năm 1971, gần như toàn thể cán bộ trong Cục Quản lý xe tập hợp ở Văn Điển để xem xe chạy thử. Kết quả ngoài mong đợi, xe không hề có trục trặc gì xảy ra. Đó là chiếc xe hoàn hảo nhất với phần lớn thiết bị do Việt Nam chế tạo. Mấy hôm sau, chiếc xe được điều “đi B” và nó đã hoạt động tốt cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Xe_h%C6%A1i_Chi%E1%BA%BFn_Th%E1%BA%AFng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét