Vibay

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Sao lại bỏ Tết cổ truyền?

Năm nào cũng có ý kiến đòi 'thủ tiêu' tết Nguyên đán – sự kiện được chờ đợi nhất trong năm của người Kinh, tộc người chiếm đa số trên lãnh thổ Việt Nam. Nguyên nhân có vô vàn, như để thuận tiện hội nhập, bớt tốn kém, hạn chế các vấn đề ngoài ý muốn nảy sinh…

Bỏ tết không khó, nếu không muốn nói là quá dễ với cơ quan chức năng. Nhưng như vậy sẽ bỏ luôn những giá trị truyền thống tốt đẹp có trong tết. E rằng, lợi bất cập hại.


Tết Nguyên Đán là một dịp nghỉ có lẽ là dài nhất trong năm. Vì vậy, mọi người có thời gian tạm gác công việc chính, về quê thăm gia đình, cùng sum họp.

Xã hội được gắn kết nhờ vào nền tảng gia đình, trong gia đình sợi dây bền nhất không phải tiền bạc, vật chất mà là tình cảm vợ-chồng; anh-em; con cháu-ông bà, cha mẹ. Tết là dịp tốt nhất để xốc lại tình cảm gia đình có nguy cơ rệu rã sau một năm bận bịu mưu sinh. Tết là lúc vực dậy bản năng cố kết cộng đồng của người Việt dường như nhạt dần theo thời gian.

Ai đi Bắc đi Nam, đi ngược đi xuôi, tết đến đều khát khao đoàn tụ cùng gia đình, bớt chút thời gian thăm hỏi nhau, để những mâu thuẫn trong cộng đồng có dịp được giải quyết, để các mối quan hệ được nâng cấp, để con người và con người xích lại gần nhau hơn. Tết cũng là lúc mỗi cá nhân tự "tổng kết" chính mình và đặt mục tiêu cho năm mới.

Không thể đổ thừa các tệ nạn xã hội cho tết, bởi vì không có tết người Việt vẫn xả rác, vẫn kém ý thức công cộng, vẫn cờ bạc, rượu chè quanh năm suốt tháng. Gạn đục khơi trong cho tết là nhiệm vụ của ngành văn hóa. Mọi thứ trên đời đều tồn tại song song hai mặt đối lập, không vì mặt xấu là vứt luôn cả cái tốt. Tại sao không cải tạo nó?

Nếu nói tết gây tốn kém lãng phí… rồi bỏ tết là không hiểu nguyên tắc kinh tế thị trường, sự "tốn kém" của người dân kích cầu nền kinh tế phát triển, tăng sức mua, nhìn đại cục là có lợi. Hãy tưởng tượng ai cũng cất giữ tiền, hạn chế tiêu dùng thì nền kinh tế sẽ èo uột như thế nào. Bởi thế mới có câu nói vui "tiêu tiền là yêu nước".

Có phải do tết mới lãng phí? Hoàn toàn không phải, lãng phí có nguồn gốc sâu xa trong tâm thức người Việt, phần nào đó do tính hiếu khách, sĩ diện. Tết chỉ là cái cớ để người ta có cơ hội thể hiện đẳng cấp ăn chơi, nhưng đó là chuyện của những đại gia lắm tiền, nhiều của.

Tết là lúc người nghèo, các tầng lớp yếu thế trong xã hội được quan tâm chăm sóc nhiều nhất. Những ngày này khắp cả nước rộn ràng những chuyến xe từ thiện cấp phát quà tết, trao gửi yêu thương.

Có phải do tết làm mất năng suất lao động? Chưa hẳn đúng, vì năng suất lao động hiện nay hầu như chẳng liên quan gì đến ngày nghỉ mà phụ thuộc vào mức độ hiện đại của công cụ lao động, cụ thể ở đây là yếu tố khoa học kỹ thuật, chất xám. Chính phủ Nhật khuyến khích người dân làm việc ít lại nhờ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ thượng thặng. Ở các nước tiên tiến họ cũng có lễ hội, thậm chí còn ăn chơi bài bản, họ đi du lịch khắp thế giới mà xã hội vẫn phát triển.

Tết cổ truyền suy cho cùng chỉ là một dạng đời sống tinh thần, bản thân nó không đủ sức để làm phát sinh các vấn đề tác động xấu đến xã hội. Lãng phí, tệ nạn, khó hội nhập, mất năng suất lao động… phải được tìm nguyên nhân từ nơi khác.

Hội nhập không phải bỏ hết cái mình có để chạy theo cái của người ta. Không nên bỏ tết mà chỉ nên cải biên tết sao cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Ví dụ: tết Nguyên đán không còn nghỉ quá nhiều ngày, có thể bỏ bớt các ngày nghỉ lễ trong năm để dồn cho tết cổ truyền, điều chỉnh lịch ăn tết cổ truyền cho phù hợp với dương lịch…

Cũng cần thấy rằng, ở Việt Nam không chỉ có tết Nguyên đán; tết Nguyên đán chỉ là tết của người Kinh, tộc người chiếm đa số trong 54 dân tộc anh em, vì vậy quan điểm coi tết Nguyên đán là tết cổ truyền của cả dân tộc đang gây tranh cãi gay gắt.

Trương Khắc Trà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét