Thường thì nhắc tới “Tết”, người ta thường mặc định đó là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, Tết Cổ truyền.
Tết trong mỗi người là một thứ cảm giác khác nhau và mang những ý nghĩa khác nhau. Tết là sự sum vầy, ấm áp tình người, Nhưng Tết đối với một số là việc chuẩn bị, chi tiêu hao tài. Nhưng tóm lại, Tết truyền thống, còn có những kỷ niệm mà nhắc đến là người ta thấy vui trong lòng. Những điều này chỉ có Tết truyền thống mới có được. Cô Trần Minh Loan, Một Việt kiều Mỹ có dịp về Việt Nam đón tết 2018 chia sẻ:
Đối với người Việt Nam mình. Những ngày tết này lúc nào nó cũng nằm trong trí óc tuổi thơ những ngày Tết vui vẻ, chúc ông bà bà con hàng xóm. Nói túm lại rất là có ý nghĩa đối với người Việt mình. Mà nhất là đối với những người Việt tha hương nữa. Mình thấy người Việt mình ăn Tết vậy là thấy nhớ những cái năm về xưa á. Càng ngày càng thấy là càng nhộn nhịp tốt đẹp nữa. không khí tết rất là đẹp, rất là vui. Cảm thấy rất là vui vẻ.
Đối với cô Phạm Thị Tân, một người làm việc cho một nhà hàng tại Tp. HCM cả những ngày Tết, Tết cổ truyền có những ý nghĩa lớn với cô về mặt thờ cúng tổ tiên. Tết cũng khiến gia đình cô Tân vui hơn khi con cháu trong nhà quây quần, chia sẻ với ba mẹ.
Phải thích Tết ta hơn vì cô phải thờ ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ là xưa giờ cúng kiếng sao đó là xưa giờ ta sao mình vậy. Còn giới trẻ bây giờ rất là thích Tết Tây vì nó vui hơn, ngắn hơn, nghỉ ngày hai ngày thôi còn Tết Ta mình mình rất là lâu. Có người nghỉ tới rằm mới đi làm. Về với ông bà cha mẹ, đi làm xa xôi ở thành phố, về với anh em, hội tụ thì nó vui hơn. Còn ở miền Nam này thì nhất là người các tỉnh tới đây làm ăn, thì cuối năm người ta phải về.
Cô thì có hai thằng con trai, hai con dâu, hai cháu nội, đứa con gái 20 mấy tuổi chưa lấy chồng. Tết thì “Má ơi đừng mua bánh tét, thì con mua về,” đứa thì “Má ơi, con mua trứng rồi má đừng mua nha!” Thí dụ vậy, có hai đứa con dâu, thật sự rất là có hiếu, mua này mua kia cho vui vẻ gia đình à.
Tết thì thường thì 25 người ta đi tảo mộ. Gia đình cô thì 26 cô mới về Tây Ninh tảo mộ ông bà bên chồng. Lo bên chồng, tảo mộ xong xuôi thì hết nhiệm vụ trách nhiệm của 1 năm. Rất là vui.
Với Nguyễn Thiên Phú, một bạn sinh viên xa Huế để vào Tp. HCM theo học đại học thì Tết là dịp nghỉ dài ngày để có thể về quê thăm gia đình được lâu hơn.
Mình nghĩ là Tết Ta thì vẫn có ý nghĩa hơn đối với mình. Vì đó là dịp mà mọi người trong gia đình đều sum họp và mình được đi về quê nữa nên mình thấy nó ý nghĩa quan trọng hơn với mình. Cái Tết cũng không phải là dịp duy nhất mà đó là dịp duy nhất để mọi người trong dòng họ được tụ tập và gặp mặt đông đủ mọi người hơn, nên nó khá là đặc biệt.
Nếu đối với người Việt, Tết mang những giá trị truyền thống, mang tính ký ức và hoài niệm, thì đối với khách du lịch nước ngoài, Tết là một trong những đặc trưng văn hóa mới lạ khiến họ thích thú khi đến du lịch Việt Nam.
Dan Millard là một du khách đến từ UK, Anh. Trong lần đầu du lịch Việt Nam này, ông vô tình được trải nghiệm không khí tết tại Phố ông đồ, Quận 1 cho biết, cảm nghĩ của mình.
Ngày tết của các bạn thì rất khác biệt với những lễ hội khác mà tôi có dịp thấy trên thế giới. Được thấy người bản địa tổ chức tết truyền thống là một trong nhưng điều thú vị nhất khi du lịch. Khi đến một đất nước khác thì sự khác biệt văn hóa là một trong những lí do khiến tôi muốn du lịch để biết được những thứ khác nhau và trải nghiệm khác nhau ở một đất nước mới.
Nhưng dịp lễ này trông đầy sắc màu và sáng sủa. Có rất nhiều người mong muốn có trải nghiệp. Trước đây thì tôi chỉ có thể tưởng tượng đến dịp Giáng sinh tại Châu Âu thôi. Tức là dịp mà mọi người tặng quà cho nhau. Tôi thấy rất hào hứng và đầy năng lượng, mọi người trông rất vui. Thật khó lòng mà cảm thấy không vui và không thích thú trong không khí như vậy.
Cái Tết cứ đậm đà cảm xúc như thế đã bao đời nay và ý nghĩa giá trị của một cái Tết truyền thống vẫn vẹn nguyên với nhiều người. Đối với họ, nét văn hóa, truyền thống của Tết cổ truyền là những điều nên giữ lại.
Cô Loan và gia đình đã xa Việt Nam nhiều năm rồi, tuy nhiên gia đình vẫn cố gắng đón tết sao cho đầy đủ và giữ nguyên giá trị nhất.
Theo mình thì nên giữ, không nên bỏ bởi vì đúng ra theo mình thấy ở bên Mỹ, thì Tết truyền thống này người Việt bên Mỹ cũng rất là lớn, cũng mặc áo dài đi chùa, ca hát, chúc Tết ông bà, mua sắm bánh chưng bánh tét, mứt hay là tất cả những cái gì truyền thống của Việt Nam hồi xưa đó là bên Mỹ đều giữ mà làm giống như vậy. Nếu mình bỏ như vậy thì không còn ý nghĩa nữa. Mình nên giữ. Mà theo như bạn bè của mình ở bên đó nghĩ, khi mà nghe nói bỏ thì họ, có vài người cũng giận lắm. Không nên bỏ, mà bản thân của mình cũng thấy không nên bỏ vì đã gọi là truyền thống rồi thì mình nên giữ.
Có chứ, thường thường thì mình ở miền Tây thì tết cha mẹ hay kho một nồi thịt kho, dưa cải chua, bình thường là như vậy. nó rất có ý nghĩa với mình. Sự thật là đừng có nên bỏ. Theo mình nghĩ vậy.
Còn với Phú, Tết truyền thống là khoảng thời gian quý giá dành cho việc về quê, nghỉ ngơi, vui chơi. Do đó, bạn thấy không nên bỏ Tết truyền thống hay gộp Tết Tây, Tết Ta lại.
Thực sự đối với mình thì mình cũng không muốn gộp chung hai cái tết lại với nhau thì mình không có nhiều thời gian để đi chơi hay đi về quê. Thí dụ như là Tết Tây với Tết Ta gộp chung lại thì nó sẽ ít dần đi. Thời gian đi chơi, nghỉ ngơi nó cũng sẽ ít dần đi. Nên mình còn trẻ mà, mình muốn đi chơi nhiều lắm.
Du khách Dan Millard cũng chia sẻ cho biết, đối với anh việc giữ lại Tết truyền thống là cần thiết vì chính dịp này là lúc mọi người có nhiều thời gian hơn để ăn mừng cùng nhau. Hơn thế nữa, tổ chức tết còn khiến cho mọi người có nhiều năng lượng cho cả năm làm việc suôn sẻ hơn.
Theo tôi thấy thì Việt Nam cũng không có quá nhiều ngày lễ lớn, do đó việc có một dịp nghỉ dài ngày như vậy sẽ tạo điều kiện để mọi người chung vui với nhau. Và hãy nhìn vào kết quả từ việc Tết đem lại cho mọi người, nó đem lại một sự hứng khởi cho nguyên một năm sau đó. Nên ăn tết là việc tốt đấy chứ. Ý tôi là việc tổ chức Tết thì cần thiết cho mọi người có năng lượng làm việc được tốt hơn trong cả năm.
Ý nghĩa về một cái Tết trong lòng người Việt không phải là nhỏ. Những câu chuyện bàn cãi xung quanh nó sẽ còn tiếp nối hoài khi người ta còn trân trọng truyền thống lẫn với những lo toan hối hả của đời thường. Nhưng ở hiện tại, Tết vẫn là Tết, vẫn là dịp sum họp hết đỗi thân thương của hầu hết người Việt mà nhiều người muốn níu giữ.
Nguồn: RFA.org/....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét