Vibay

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Phòng Không Việt Nam trang bị 2 khí tài hiện đại bậc nhất từ Nga và Thụy Điển?

Trong Chương trình “Xuân canh trời - Tết biên cương, hải đảo” do Quân chủng PK-KQ tổ chức đã thấy sự xuất hiện của 2 khí tài hiện đại bậc nhất từ Nga và Thụy Điển.


Chương trình “Xuân canh trời - Tết biên cương, hải đảo” do Quân chủng PK-KQ tổ chức.

Báo PK-KQ cho biết đây là chương trình do Cục Chính trị chỉ đạo Ban Thanh niên Quân chủng PK-KQ phối hợp với Sư đoàn 361; chính quyền địa phương thị trấn Mộc Châu tổ chức ngày 30-1.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Đại tá Mai Văn Tiến - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng nhấn mạnh:

"Chương trình "Xuân canh trời - Tết biên cương, hải đảo" nhằm sẻ chia những khó khăn với nhân dân trên địa phương nói chung, cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng đóng quân trên địa bàn nói riêng; chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo cho các hộ dân nghèo có cái Tết Nguyên đán đầm ấm, đầy đủ hơn.

Đặc biệt, các hoạt động giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian sẽ tạo ra không khí đoàn kết, thân ái tưng bừng sắc Xuân của nhân dân địa phương và cán bộ, chiến sĩ PK-KQ…".
Đáng chú nhất trong sự kiện này, đó là sự xuất hiện trên phông nền Chương trình của tới 2 loại khí tài rất hiện đại gồm đài radar RLM-M Nebo M (đài 55Zh6ME) băng sóng VHF do Nga chế tạo và đài radar ARTHUR do Thụy Điển phối hợp cùng Nauy chế tạo.

Trong đó, RLM-M Nebo M là đài radar được đánh giá hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay và mới chỉ được Nga chính thức đưa vào biên chế từ năm 2015.

Chưa rõ liệu Quân chủng PK-KQ có thực sự được trang bị 2 loại khí tài hiện đại này không, hay chỉ đơn thuần là phông nền mang tính minh họa cho không khí vui tươi ngày Tết của bộ đội radar.

Nhưng, 2 loại radar này, đặc biệt là đài 55Zh6ME được coi là niềm mơ ước của lực lượng phòng không nhiều quốc gia, nếu thực sự có trong tay những khí tài tối tân này thì khả năng phát hiện sớm các loại mục tiêu bay nhất là tên lửa đạn đạo và máy bay tàng hình của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.


Chương trình "Xuân canh trời - Tết biên cương, hải đảo" do Quân chủng PK-KQ tổ chức. Ảnh: Báo PK-KQ


Chương trình "Xuân canh trời - Tết biên cương, hải đảo" do Quân chủng PK-KQ tổ chức. Ảnh: Báo PK-KQ

RLM-M Nebo-M chuyên săn máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo

Hệ thống radar cơ động RLM-M (55Zh6ME) là một radar thành phần trong hệ thống Nebo-M đa băng tần được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ cảnh giới nhìn vòng và cung cấp tham số cho các tổ hợp tên lửa phòng không của Quân đội Nga và được xuất khẩu.

Theo chuyên gia phòng không nổi tiếng Carlo Kopp, đài radar này có khả năng phát hiện mục tiêu bay cỡ nhỏ với diện tích phản xạ radar cỡ 1 m2 bay ở độ cao 500 từ cự ly 91km, nếu bay ở độ cao 10.000m thì cự ly bị phát hiện là 378km và bay ở độ cao 20.000m thì nó sẽ lộ diện ở cự ly 532km. Con số quá ấn tượng.

Hiện chưa rõ RLM-M có đi kèm cùng với 2 đài radar khác gồm RLM-D băng sóng L (UHF) và RLM-S băng sóng S/X đồng bộ cùng đài chỉ huy KU-RLK hay không để tạo thành bộ 3 "mắt thần" tuyệt hảo hiện đại nhất của Nga, góp sức theo dõi mọi loại mục tiêu bay từ cự ly rất xa.


Đài radar RLM-M (55Zh6ME) và đài chỉ huy KU-RLK được trưng bày tại Triển lãm hàng không vũ trụ MAKS ở Moscow, Nga


Đài chỉ huy KU-RLK


Đài radar RLM-M (55Zh6ME)

Theo chuyên gia Carlo Kopp, ngoài nhiệm vụ chính là đài cảnh giới nhìn vòng trong mạng lưới radar phòng không quốc gia, đài radar RLM-M còn có thể được sử dụng như là đài cảnh giới tầm xa chỉ thị mục tiêu cho tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tối tân.

Đài radar ARTHUR

ARTHUR được viết tắt từ cụm từ "Artillery Hunting Radar - Radar săn pháo/phản pháo" do Na Uy và Thụy Điển cùng phối hợp nghiên cứu sản xuất.

Đây là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động băng C được thiết kế cho mục đích định vị trận địa pháo chiến trường của đối phương và được phát triển với vai trò chính là hệ thống cảm biến phản pháo dành cho cấp sư đoàn hoặc lữ đoàn.

Ban đầu, tổ hợp radar này sử dụng khung gầm xe bánh xích Bandvagn 206 do Công ty Hägglunds chế tạo, tuy nhiên, các tổ hợp mới ra lò gần đây hầu hết đầu sử dụng khung gầm xe vận tải việt dã quân sự.


Đài radar ARTHUR trên khung gầm xe vận tải việt dã 6x6


Đài radar ARTHUR trên khung gầm xe vận tải bánh xích.

Hiện nay, các đài ARTHUR đang tiếp tục được phát triển bởi Hãng SAAB Electronic Defence Systems (Thụy Điển) và Saab Technologies Norway AS (Na Uy).

ARTHUR phát hiện trận địa pháo đối phương thông qua việc theo dõi quỹ đạo bay của đạn pháo.

Phiên bản ARTHUR Mod A có thể định vị trận địa pháo ở cự ly 15-20km và trận địa cối 120mm từ cự ly 30-35km với sai số vòng tròn về cự ly chỉ khoảng 0,45%. Đây được coi là tọa độ tương đối chính xác và tin cậy, giúp quân nhà phản pháo, tiêu diệt trận địa của đối phương.

Phiên bản nâng cấp ARTHUR Mod B đáp ứng được tiêu chuẩn MAMBA của Lục quân Anh, chuyên dùng để định vị các trận địa pháo, cối, pháo phản lực.
Nó có thể phát hiện trận địa pháo đối phương từ cự ly 20-25km và trận địa cối 120mm từ cự ly 35-40km với sai số vòng tròn về cự ly chỉ khoảng 0,35%. Hệ thống này đã được sử dụng rất thành công bởi Lục quân Anh ở Iraq và Afghanistan.

Phiên bản ARTHUR Mod C có antenna lớn hơn và có thể định vị trận địa pháp ở cự y 31km, cối ở 55km và pháo phản lực ở cự ly 50-60km tùy thuộc vào kích cỡ của chúng với sai số vòng tròn chỉ có 0,2% đối với pháo và pháo phản lực, và chỉ 0,1% đối với cối.

Tổ hợp radar này có thể chuyên chở bởi máy bay vận tải quân sự C-130 hoặc di chuyển bằng cách treo dưới bụng những loại trực thăng hạng nặng kiểu như CH-47 Chinook. Nhờ khả năng không vận nên các hệ thống này cho phép trang bị tới tận các đơn vị phản ứng nhanh cỡ nhỏ như đổ bộ đường không hoặc thủy quân lục chiến.

Chương trình “Xuân canh trời - Tết biên cương, hải đảo”.

Nguồn: Soha News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét