Trong một bài phát biểu đề cập nhiều vấn đề chính sách đối ngoại tại học viện quân sự West Point, Tổng thống Obama nói rằng Mỹ cần phải dứt bỏ chính sách đứng ngoài cuộc và quân đội Mỹ phải chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng.
"Hành động gây hấn trong khu vực mà không bị kiểm soát - cho dù ở miền nam Ukraine hay biển Đông, hoặc bất cứ nơi nào khác trên thế giới - cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh của chúng ta, và có thể lôi cuốn quân đội chúng ta can dự," ông Obama nói.
Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh cảnh báo về bất kỳ quyết định sử dụng vũ lực nào. "Ảnh hưởng của Mỹ luôn mạnh hơn khi chúng ta đi đầu làm gương," ông nói.
"Chúng ta không thể cố gắng giải quyết những vấn đề ở Biển Đông khi chúng ta không chịu đảm bảo rằng Công ước về Luật Biển được phê chuẩn, dù thực tế là các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của chúng ta nói rằng hiệp ước đó giúp thăng tiến an ninh quốc gia của chúng ta," ông Obama nói, không nêu đích danh Trung Quốc khi ông phát biểu ngoài câu chữ chuẩn bị sẵn trong bài phát biểu.
"Đó không phải là sự lãnh đạo, đó là sự thoái lui. Đó không phải là sức mạnh. Đó là sự yếu kém," ông Obama nói.
Những thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đối thủ đã từ chối phê chuẩn hiệp ước, nói rằng công ước của Liên Hiệp Quốc sẽ làm mất hiệu lực chủ quyền của Mỹ.
Gần đây căng thẳng đã dâng cao giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về tranh chấp lãnh hải. Việt Nam hôm thứ Ba cáo buộc Bắc Kinh đâm chìm một tàu đánh cá của mình ở Biển Đông.
'Hành động tập thể'
Ông Obama nói Mỹ vẫn sẽ lãnh đạo nhưng cần "tránh những sai lầm đắt giá" trong quá khứ và cho biết chính sách ngoại giao mới của Hoa Kỳ sẽ dựa trên "hành động mang tính tập thể" với đồng minh.
"Những người hoài nghi thường xem nhẹ tính hiệu quả của hành động đa phương. Đối với họ, giải quyết vấn đề thông qua các định chế quốc tế, hay tôn trọng luật pháp quốc tế là biểu hiện của sự yếu ớt. Tôi nghĩ là họ đã sai," ông nói.
Tổng thống Obama cũng công bố khoản ngân sách 5 tỷ đô la để chống khủng bố trên toàn cầu và hứa Hoa Kỳ "sẽ không tạo ra nhiều kẻ thù hơn số mà chúng ta loại khỏi chiến trường."
Việc quân đội Hoa Kỳ chấm dứt sứ mệnh tại Afghanistan vào cuối năm nay sẽ giải phóng các nguồn tài chính để đối phó với những đe dọa ở những nơi khác, chẳng hạn "quỹ hợp tác chống khủng bố" trị giá 5 tỷ đôla để giúp các nước chống chủ nghĩa cực đoan.
Khoản tiền này sẽ được sử dụng cho việc huấn luyện lực lượng an ninh tại Yemen, hỗ trợ liên minh đa quốc gia đang gìn giữ hòa bình ở Somalia, hợp tác với các đồng minh châu Âu để huấn luyện lực lượng an ninh hoạt động hiệu quả ở Libya và trợ giúp chiến dịch của Pháp ở Mali, ông nói thêm.
Đề cập đến cuộc nội chiến ở Syria, ông hứa sẽ "tăng cường hỗ trợ" cho phe đối lập dù không nói cụ thể.
Các thành viên của lớp tốt nghiệp năm 2014 tại Trường Võ bị West Point ném mũ của họ ở phần cuối của buổi lễ hôm thứ Tư
Chính sách ngoại giao mới
Bài phát biểu của ông Obama được cho là nhằm định hình lại chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, trong đó vẫn sử dụng quân đội khi cần thiết nhưng chỉ khi có sự đồng thuận của quốc tế.
"Chúng ta cần mở rộng các công cụ của mình để bao gồm các các biện pháp ngoại giao và phát triển, trừng phạt và cô lập, dùng đến luật pháp quốc tế - và nếu chính đáng, cần thiết và hiệu quả thì sử dụng hành động quân sự đa phương."
"Chúng ta phải làm vậy vì những hành động mang tính tập thể trong những trường hợp này nhiều khả năng sẽ thành công hơn, có thể duy trì dễ hơn, và khó dẫn tới những sai lầm đắt giá."
Đây là bài diễn văn đầu tiên trong hàng loạt phát biểu của Tổng thống Mỹ về chính sách ngoại giao trong 10 ngày tới để đáp lại các chỉ trích rằng chính sách đối ngoại của Mỹ là 'yếu ớt'.
Hôm 28/5, một nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ nói sự "thiếu quyết đoán và thận trọng quá mức" của ông Obama "khiến người ta phải lo lắng".
"Tôi không nói là chúng ta phải làm cảnh sát của thế giới, nhưng tôi cho rằng việc chúng ta không lãnh đạo đang tạo ra một khoảng trống, và chính trong khoảng trống đấy nhiều vấn đề đã nảy sinh," Thượng Nghĩ sỹ Bob Corker nói.
Bình luận về bài diễn văn then chốt của ông Obama ở West Point, một số báo tiếng Anh so sánh 'học thuyết ngoại giao' của ông với Chủ thuyết Nixon trong thập niên 1970.
Quan điểm 'giúp đồng minh nhưng không đánh thay' của Tổng thống Richard Nixon khi đó đã khiến Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ cho các chính quyền ở Tehran và Sài Gòn nhưng đồng thời rút quân tác chiến của Mỹ ra.
Học thuyết Nixon sau đó bị phê phán là thất bại ở cả Iran và Nam Việt Nam.
Nguồn: GMA News, BBC, VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét