Vibay

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Việt Nam cân nhắc chiến lược mới để ngăn chặn Trung Quốc

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, từng công tác tại Học viện Quốc phòng Australia mới đây đã có bài viết “Vietnam Mulling New Strategies to Deter China” trên trang The Diplomat. Bài viết nhận xét những hành động của Trung Quốc là vô cùng hung hăng, đồng thời chỉ ra những chiến lược mà Việt Nam có thể sử dụng để đối phó với những “cơn bão” mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông. Cụ thể những chia sẻ của Giáo sư như sau:

Truyền thông quốc tế gần đây liên tục sục sôi với những tin tức về căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi Chính quyền Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ tại vùng biển Việt Nam. Biển Đông vẫn chưa hề lặng gió. Tình hình hiện nay giữa hai nước không phải là một bế tắc, Trung Quốc vẫn đang “nỗ lực” thay đổi cục diện bằng những biện pháp ”cố đấm ăn xôi” như vòi rồng và đâm húc trực diện vào Lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam, để chiếm cho bằng được khu vực mà Trung Quốc vẫn tự gọi là “đường chín đoạn” do họ tự đặt ra.


Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng tàu CSB 8003 chỉ huy tàu để tránh sự chủ động đâm va của tàu Trung Quốc.

Truyền thông với những hình ảnh và clip rõ nét đã liên tục cung cấp thông tin về việc tàu Trung Quốc hung hăng sử dụng vòi rồng để tấn công tàu Việt Nam, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại sự việc này dường như không còn được lưu tâm nhiều. Trung Quốc rõ ràng đang tham gia vào một “cuộc chiến hao mòn” (war of attrition) không cân sức với Việt Nam. Chiến thuật của Trung Quốc là cho tàu thuyền cỡ lớn đâm vào tàu Việt Nam (nhẹ hơn tàu Trung Quốc từ 2 đến 4 lần) để buộc các tàu Việt Nam phải quay về bờ sửa chữa vì hư hại nghiêm trọng. Hệ quả là, nếu mức thiệt hại như hiện tại tiếp tục xảy ra, Việt Nam có thể sẽ không đủ tàu để đối phó với Trung Quốc trong vùng biển xung quanh giàn khoan.

Theo Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, ngày 03/05/2014 tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44044 đã cố tình đâm thẳng vào mạn phải tàu cảnh sát biển Việt Nam số hiệu 4033, khiến một số thủy thủ Việt Nam bị thương, mạn phải tàu bị vỡ, và hư hỏng hoàn toàn động cơ bên phải của tàu.


Hình ảnh được The Diplomat sử dụng để minh họa cho bài phân tích

Nghiên cứu gần đây của chuyên gia Scott Bentley tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tiết lộ rằng, Trung Quốc đang cố tình tấn công vào các cột thông tin liên lạc và các ăng ten trên tàu thuyền của Việt Nam bằng vòi rồng. Các clip đăng tải trên Youtube đã chỉ rõ các cột thông tin liên lạc bị văng ra khỏi đài chỉ huy trên các tàu của Việt Nam. Điều này làm giảm khả năng kết nối giữa các tàu và buộc các tàu này phải quay trở về cảng để sửa chữa.


Hơn nữa, những hành động của Trung Quốc là vô cùng nguy hiểm. Theo ông Scott Bentley, hầu hết các tàu hải cảnh Trung Quốc hiện đang được trang bị súng hải quân, chưa kể đến cả tàu hải cảnh và tàu Hải quân của Trung Quốc đều đã triển khai súng và cố ý nhằm mục tiêu các tàu Việt Nam trong các cuộc va chạm vừa qua.

Việt Nam đã phản ứng thế nào trước sự hung hăng của Trung Quốc? Và chiến lược của Việt Nam để chống lại những hành động xâm lược từ Trung Quốc là gì?

Việt Nam đang cố gắng bám trụ và trực chiến sát vòng hoạt động của các hạm đội tàu Trung Quốc đi theo bảo vệ giàn khoan. Và các tàu Việt Nam vẫn kiên nhẫn phát đi các thông tin tái khẳng định chủ quyền của mình và kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Theo Scott Bentley, Việt Nam đã cực kỳ cẩn thận và kiềm chế khi chỉ sử dụng các loại vũ khí hạng nhẹ của mình để không đẩy căng thẳng này đi quá xa. Điều này rõ ràng cho thấy, thái độ của Việt Nam là không hề hung hăng.

Bên cạnh đó, các tàu chiến Hải quân và tàu ngầm Việt Nam được đặt tại cảng hoặc rất xa khu vực mà giàn khoan trái phép đang hạ đặt. Việt Nam cũng nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tiến hành đàm phán, đề nghị kích hoạt các đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai bên. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng có cuộc gặp mặt với người đồng cấp Trung Quốc – Thường Vạn Toàn bên lề Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng của ASEAN gần đây tại Nay Pyi Taw. Nhưng Trung Quốc đã từ chối tất cả những nỗ lực tiếp cận đàm phán, nói chuyện của Việt Nam.

Để đối phó với Trung Quốc, Việt Nam đã đề xuất ngoại giao với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Trong động thái mới nhất, Việt Nam cho biết đang xem xét các hành động pháp lý nhằm đối phó với Trung Quốc.

Giáo sư Thayer cho biết, theo các trao đổi riêng của ông với một số viên chức chính phủ và các chuyên gia an ninh của Việt Nam, Việt Nam cũng đang xây dựng một chiến lược dài hạn để ngăn chặn Trung Quốc có những hành vi tương tự trong tương lai. Giáo sư Thayer đã đưa ra một số chiến lược đang được Chính phủ Việt Nam thảo luận nhưng vẫn chưa chính thức được phê duyệt.

Theo Giáo sư Thayer, chiến lược mới của Việt Nam là cố gắng tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc nhưng không loại trừ bất kì phương pháp nào để có thể buộc Trung Quốc phải di dời giàn khoan và các tàu hải quân ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà chiến lược Việt Nam cũng tìm cách ngăn chặn Trung Quốc có những hành động tương tự trong tương lai.

Giáo sư Thayer nhận định, hiện tại, có vẻ như Việt Nam đang xem xét hai chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc là tận dụng mối quan hệ với Philippines và Nhật Bản – hai đồng minh của Mỹ và chiến lược “tàn phá lẫn nhau“.


Việt Nam đang thúc đẩy quan hệ với Philippines - đất nước cũng có những căng thẳng trên Biển Đông bị Trung Quốc

Mục tiêu chính trong chiến lược mới của Việt Nam không phải là đối đầu với Trung Quốc mà là để ngăn chặn Trung Quốc bằng cách tạo ra tình huống buộc Trung Quốc phải chấp nhận rút giàn khoan và các tàu thuyền ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc tiếp tục leo thang để “trạng chết chúa cũng băng hà”.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với Nhật Bản và Philippines bắt đầu bằng việc hợp tác với các lực lượng hải quân của hai quốc gia này như tiến hành các chương trình liên kết đào tạo và các cuộc diễn tập hàng hải khác, bao gồm cả tuần tra chung, trên Biển Đông.

Việt Nam cũng đang xem xét việc hợp tác với Mỹ. Một đề nghị được đưa ra là tiến hành thỏa thuận hợp tác giữa Cảnh sát biển hai bên. Lực lượng Cảnh sát biển của Mỹ có thể được triển khai đến vùng biển của Việt Nam để liên kết đào tạo. Hai bên cũng có thể sẽ trao đổi các quan sát viên.


Hệ thống tên lửa phòng không cơ động tầm trung SA-6, "ba ngón tay của thần chết" vẫn là khắc tinh của bất kỳ loại máy bay nào.

Chiến lược gián tiếp của Việt Nam buộc Trung Quốc phải quyết định liệu có nên mạo hiểm tấn công các tàu hải quân và máy bay Việt Nam khi mà nó đang hoạt động phối hợp với các đồng minh của Mỹ, Philippines và Nhật Bản, hoặc các nhân viên quân sự Mỹ.

Các lực lượng hải quân và không quân sẽ hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế. Mục tiêu là để duy trì sự hiện diện liên tục của hải quân và không quân để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng sự đe dọa và cưỡng chế đối với Việt Nam. Việc ngăn chặn có thể được thúc đẩy bằng cách trao đổi các lực lượng hải quân và không quân trong các cuộc diễn tập. Phạm vi và cường độ của các cuộc diễn tập có thể được thay đổi cho phù hợp với mức độ căng thẳng.


Chiến lược "tiêu phá lẫn nhau" nhằm tạo ra sự bấp bênh tâm lý để khiến cho mức giá bảo hiểm Lloyd tăng vọt và các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc hoảng sợ và bỏ đi

“Tàn phá lẫn nhau” – chiến lược tiềm năng thứ hai của Việt Nam có thể là sự răn đe. Đây là chiến lược chỉ áp dụng trong tình huống mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã trở nên quá xấu và phải đi đến các xung đột vũ trang. Các nhà chiến lược Việt Nam cho rằng, mục tiêu của chiến lược này không phải là để đánh bại Trung Quốc nhưng đủ để gây thiệt hại và tạo ra sự bấp bênh tâm lý để khiến cho mức giá bảo hiểm Lloyd tăng vọt và các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc hoảng sợ và bỏ đi.

Theo chiến lược này, nếu xung đột vũ trang nổ ra thì Việt Nam trước tiên sẽ nhắm mục tiêu vào các tàu chở hàng và tàu buôn có gắn cờ Trung Quốc hoạt động trong điểm cực nam của biển Đông. Việt Nam hiện đang sở hữu tên lửa đạn đạo được đặt trong phạm vi căn cứ hải quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam và quần đảo Woody.


Nhanh chóng triển khai hệ thống tổ hợp tên lửa S300 - ra đa dẫn đường chuẩn bị cơ động chiến đấu

Một số nhà chiến lược Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng trang bị một số lượng lớn tên lửa đạn đạo đủ khả năng tấn công những thành phố lớn như Thượng Hải và thậm chí là Hồng Kông. Để trong trường hợp xung đột vũ trang, những thành phố như vậy có thể trở thành mục tiêu bị tấn công, khiến cho nền kinh tế của Trung Quốc phải bị gián đoạn. Như vậy điều này sẽ tác động đến toàn cầu. Theo đó, các chiến lược gia Việt Nam hy vọng rằng các cường quốc sẽ mau chóng can thiệp để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.

Nhìn chung, việc Việt Nam đang cân nhắc một chiến lược mới cho mình là một dấu hiệu cho thấy lãnh đạo và các nhà chiến lược Việt Nam đã nhìn rõ bản chất những căng thẳng hiện tại thực ra là một phần của âm mưu nham hiểu lâu dài của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc muốn khẳng định sự thống trị không chỉ trên biển Đông mà còn cả biển Hoa Đông.

The Diplomat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét