Vibay

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Tìm kiếm hòa bình trên Biển Đông

LS Vũ Đức Khanh, Asia Sentinel
Nguyễn Việt Nam chuyển ngữ

Cuộc nội chiến ở Syria vẫn đang tiếp diễn, và những tranh chấp trên Biển Đông cũng vậy. Trong khi Hoa Kỳ đã tìm cách thoát ra khỏi Trung Đông, họ lại đưa mắt hướng về Châu Á – Thái Bình Dương thông qua chiến lược “tái cân bằng” hay “xoay trục”. Kết quả là bất kỳ cuộc xung đột nào diễn ra trong khu vực cũng đều liên quan đến Hoa Kỳ; tuy nhiên, liệu Hoa Kỳ có quyết định tham gia hay không, hay liệu họ có đủ khả năng hay không, là những câu hỏi lớn vẫn còn chờ thời gian trả lời.

Hoa Kỳ không thể còn tiếp tục đứng ngoài giữa lúc vòng xoáy xung đột ở Syria đang diễn biến ngày càng phức tạp. Với những bằng chứng ngày một nhiều về việc chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad đã sử dụng vũ khí hoá học, “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Barack Obama rõ ràng là đã bị vượt qua từ lâu.

Tuy nhiên, gần nửa bên kia của thế giới, ở Đông Nam Á, một cuộc xung đột khác vẫn tiếp tục diễn ra âm ỉ và đòi hỏi sự chú ý của Hoa Kỳ. Những tranh chấp biển đảo kéo dài trên Biển Đông, nếu được phép biến thành một cuộc xung đột, sẽ nhất thiết đòi hỏi sự can thiệp của Hoa Kỳ, nếu không chỉ để ngăn chặn cuộc xung đột thì chắc chắn nhất cũng nhằm tôn trọng cam kết của họ với các đồng minh ở khu vực. Tuy nhiên, như cuộc nội chiến ở Syria đã cho thấy, một công chúng mệt mỏi với chiến tranh ở Mỹ có thể sẽ không háo hức đến vậy để thấy mình bị cuốn vào một cuộc xung đột khác ở nước ngoài.

Đầu tiên và quan trong nhất, liệu Hoa Kỳ có muốn can thiệp quân sự một khi chiến tranh nổ ra trên Biển Đông hay không? Tòa Bạch Ốc, bất kể là dưới chính quyền của Tổng thống Obama hay một ai khác, cũng sẽ không thể cam kết các nguồn lực cho một cuộc xung đột nếu thiếu sự ủng hộ của công chúng cũng như sự hậu thuẫn chính trị của Quốc hội. Afghanistan và Iraq từ lâu đã khiến người Mỹ mất đi cảm giác thèm muốn can thiệp ở nước ngoài, và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chính phủ của các tổng thống kế tiếp trong việc gửi quân tham chiến, như đã chỉ ra qua phản ứng của Hoa Kỳ trước những diễn biến ở Libya và Syria.

Tuy nhiên, liệu Hoa Kỳ có thể can thiệp vào tình hình ở Biển Đông nếu được yêu cầu hay không? Với căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) kế bên, cũng như mối quan hệ đối tác của họ với Australia và Philippines, Hoa Kỳ sẽ ở vào vị trí thuận lợi để triển khai lực lượng tới Trường Sa hay Hoàng Sa nếu được lệnh.

Cuối cùng, liệu Hoa Kỳ có nên can thiệp khi chiến sự nổ ra? Nếu Hoa Kỳ hy vọng đóng một vai trò nào đó trong khu vực thì câu trả lời ở đây là một từ “có” quyết đoán. Với những cam kết phải thực hiện, Hoa Kỳ không thể kỳ vọng là đứng ngoài bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến đồng minh của mình. Không giống như Syria, nơi mà những kẻ nổi loạn chiến đấu chống lại chế độ Al-Assad là vô danh trong mối quan hệ trung thành với Hoa Kỳ, những thành viên hàng đầu trong bất kỳ cuộc xung đột Biển Đông tiềm tàng nào cũng đều đã được điểm mặt chỉ tên.

Bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực chắc chắn cũng đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với những nước vẫn phản đối yêu sách của họ đối với Biển Đông và các lãnh thổ tranh chấp. Trong số những nước có thể chống lại Trung Quốc có một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ – Philippines – quốc gia mà Hoa Kỳ chia sẻ Hiệp ước Quốc phòng Song phương, chưa kể những nước đối tác như Indonesia và Malaysia. Ngay cả Việt Nam, một nước có tranh chấp với Trung Quốc không chỉ ở quần đảo Trường Sa mà cả ở quần đảo Hoàng Sa, cũng sẽ muốn Hoa Kỳ can thiệp.

Đối với Hoa Kỳ, thất bại trong việc can thiệp vào một cuộc xung đột trên Biển Đông sẽ gây ra những tổn hại không thể khắc phục về mức độ tin cậy trong khu vực cũng như ở những nơi khác. Chính sách xoay trục của Mỹ sang Châu Á – Thái Bình Dương sẽ cho thấy là một cử chỉ rỗng tuếch. Nếu không ngăn chặn để cuộc xung đột khỏi lan sang khắp Đông Á, một nguy cơ có thể kéo Nhật Bản và Hàn Quốc cùng những tranh chấp giữa hai nước này với nhau và giữa họ với Trung Quốc vào cuộc, Hoa Kỳ phải can thiệp nếu muốn tiếp tục đóng một vai trò nào đó ở Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chính trị và cảm tính của công chúng rốt cuộc sẽ định đoạt việc Hoa Kỳ liệu có điều bất cứ lực lượng quân sự nào tham gia vào cuộc xung đột trên Biển Đông hay không.

Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa

Chiến tranh là điều không đáng mong đợi đối với tất cả các bên liên quan, kể cả Trung Quốc, vì thế vấn đề ở đây là có thể làm những gì để ngăn ngừa một kết cục như vậy. Những biện pháp ngăn ngừa nào mà Hoa Kỳ có thể hy vọng trong việc giải quyết những tranh chấp này?

Tâm điểm của cuộc tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề chủ quyền đối với vùng biển và các quần đảo trong vùng biển đó. Tiêu biểu cho bản chất phức tạp của cuộc xung đột là quần đảo Trường Sa, quần đảo mà cả Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều đòi chủ quyền. Mỗi quốc gia đưa ra yêu sách đối với một số hoặc toàn bộ quần đảo, chồng lấn lên nhau. Mặc dù Hoa Kỳ đến nay vẫn từ chối can thiệp trực tiếp vào các cuộc tranh chấp, song họ lại ủng hộ một giải pháp đa phương, trước thái độ khó chịu của Trung Quốc.

Ngoài Trường Sa, trong số những vụ tranh chấp giữa các bên có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, và tranh chấp Bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc, mà sau vụ bế tắc ngoại giao năm ngoái giữa hai nước, Philippines đã rút khỏi khu vực.

Do tính chất nhạy cảm về vấn đề chủ quyền, những tranh chấp trên Biển Đông không thể giải quyết được nếu người ta không xử lý điểm nổi cộm này đầu tiên. Ngược lại, việc chú trọng quá mức vào điểm này, như thực tế hiện nay, có thể lại thúc đẩy xung đột. Trung Quốc có thể không mong muốn chiến tranh, song không nên cho rằng Bắc Kinh sẽ không tiến hành một cuộc chiến ở một quy mô nhất định nào đó để đạt được mục đích. Trung Quốc hiểu rất rõ rằng bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào, dù là hạn chế, cũng sẽ mở đường cho sự hiện diện lớn hơn rất nhiều của Mỹ trên Biển Đông, điều mà Trung Quốc vẫn tìm cách né tránh. Một sự thoả hiệp ở đây vì thế là điều cần thiết.

Như một biện pháp tạm thời, vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nên được đặt sang một bên để chấp nhận một giải pháp tạm thời (modus vivendi), tức là một thỏa thuận “nhất trí về sự không nhất trí”, nhất là liên quan đến quần đảo Trường Sa, nếu xét đến chiều kích đa phương của nó. Bản chất của cuộc tranh chấp đặc thù này sẽ đòi hỏi tất cả các bên đưa ra yêu sách phải hợp tác với nhau để đi đến một giải pháp khả dĩ chấp nhận được.

Hợp tác cùng khai thác tài nguyên có thể là hình thức không nhận được sự chấp nhận của tất cả các quốc gia liên quan; tuy nhiên, đây lại là một bước đi chắc chắn để tiến tới giảm căng thẳng trong khu vực. Nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua tài phán quốc tế, như Philippines đang tiến hành để chống lại Trung Quốc, sẽ ít hữu dụng trong dài hạn vì những khó khăn cố hữu trong luật pháp quốc tế. Trung Quốc thì quá lớn để cho Toà án Quốc tế về Luật Biển đủ sức kiềm tỏa.

Hoa Kỳ không thể bảo Trung Quốc phải làm gì, song họ lại có thể thuyết phục các bên liên quan trong cuộc tranh chấp cân nhắc một chương trình phát triển chung dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Không thể trông cậy luật pháp quốc tế để đảm bảo cho hoà bình, ngay cả trong ngắn hạn; trong khi đó một giải pháp đa phương dưới hình thức một dự án phát triển và khai thác tài nguyên, cho dù khó thực hiện, lại là một giải pháp khả dĩ. Đối với những nước không sẵn sàng tham gia, Hoa Kỳ cần nêu rõ với họ rằng đây không phải là một giải pháp vĩnh viễn, mà chỉ là một biện pháp tạm thời để ngăn ngừa, hay chí ít là giảm bớt, khả năng của sự đối đầu thù địch. 

Mặc dù một giải pháp tạm thời sẽ tạm gác vấn đề chủ quyền, vấn đề này vẫn tiếp tục là một trở ngại đối với nền hoà bình lâu dài ở Châu Á – Thái Bình Dương. Rốt cuộc, nếu không phải thế hệ này thì thế hệ kế tiếp, Trung Quốc và các nước tranh chấp phải đạt được một giải pháp về chủ quyền đối với các lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông. Dù vậy, một sự nhất trí về sự không nhất trí như thế chí ít cũng đem lại cho hoà bình một cơ hội và để có thêm thời gian cho một giải pháp lâu bền hơn.

———

Nguyên bản Anh ngữ Seeking peace in the South China Sea đã được đăng trên trang Asia Sentinel. Phiên bản Việt ngữ do dịch giả Nguyễn Việt Nam ở Hà Nội thực hiện.

Nguồn: http://phiatruoc.info/tim-kiem-hoa-binh-tren-bien-dong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét