Vibay

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Hổ Việt Nam có "móng vuốt" Nhật Bản

(RUVR-17/9/13) Nhật Bản đang tìm thêm các điểm tựa ở châu Á, bởi dường như sự câu kết với Hoa Kỳ là chưa đủ. Ông Vladimir Evseyev, Giám đốc Trung tâm Các nghiên cứu xã hội chính trị đã nêu ý kiến như vậy với đài Tiếng nói nước Nga. Chuyên gia Nga bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera. Về phần mình, "con hổ" Việt Nam cần tới "móng vuốt" Nhật Bản cũng như Hoa Kỳ, nhằm củng cố sự tự tin trong cuộc tranh giành hải đảo trên biển Đông (*).


Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đón Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm Việt Nam.

Nhật Bản giúp Việt Nam hiện đại hóa lực lượng cảnh sát biển

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã được đón tiếp với nghi lễ nhà nước cấp cao. Nhưng điều này có lẽ không chỉ vì những yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong việc xử lý bom mìn chưa được phá hủy sau cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai đặt kỳ vọng vào tình hữu hảo với Việt Nam và Philippines. Đây là các quốc gia mà ông Abe thực hiện thăm vào tháng Giêng năm nay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Tình hữu nghị với Tokyo cũng cần thiết và quan trọng đối với Hà Nội và Manila.

Kết thúc chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, hai bên đã công bố sự tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Có thể thấy rõ qua đó mối quan ngại của hai nước trước các quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc, - giám đốc Trung tâm Các nghiên cứu xã hội chính trị, ông Vladimir Evseyev nói:

“Tất nhiên, nhiệm vụ chính là đối đầu với Trung Quốc. Nhưng có thể đồng thời dựa vào các đối tác trong cuộc đối kháng. Tôi nghĩ rằng, tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc không phải là yếu tố cuối cùng. Có lẽ sẽ nảy sinh cả một số vấn đề khác. Quan hệ với Trung Quốc sẽ ngày một phức tạp. Đòi hỏi những chỗ dựa bổ sung ở khu vực.”

Cũng theo ông Evseyev, liên minh quân sự với Hoa Kỳ không còn cung cấp cho Nhật Bản điểm tựa vững chắc như trước.

“Một trong những lý do đẩy Nhật Bản tích cực liên lạc với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như các nước ASEAN là sự thiếu tin tưởng của người Nhật trong việc bảo đảm an ninh nếu xung đột vũ trang xảy ra. Nhật Bản bắt đầu cảm thấy những yếu điểm. Cũng từ đó mà tồn tại các tranh luận về nhu cầu chế tạo vũ khí hạt nhân, bất chấp hậu quả nặng nề ở Fukushima. Chỉ một chỗ dựa vào Mỹ là chưa đủ. Và Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm các đối tác khác mà họ có thể hợp tác.”

Thiên hướng quân sự-chính trị phủ bóng đen lên các ưu tiên kinh tế trong chính sách của Tokyo. Các doanh nghiệp Nhật Bản giảm đầu tư vào Trung Quốc và chuyển sản xuất đến các nước châu Á láng giềng. Dẫn đầu ở đây là Philippines và Việt Nam. Tăng trưởng đầu tư của Nhật Bản vào hai nước này trong nửa đầu năm nay đạt 80 và 34 phần trăm. Đứng thứ ba là Indonesia, với 19 phần trăm. Đồng thời, dòng vốn của Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc đã tụt đi 31 phần trăm.

Thái độ bài Nhật ngày càng tăng ở Trung Quốc cũng làm nhiều nhà đầu tư tiềm năng bất mãn. Công ty Showa Nhật Bản, chuyên cung cấp linh kiện cho Toyota, quyết định mở nhà máy đầu tiên ở nước ngoài tại Thái Lan chứ không phải Trung Quốc. Mặc dù sự lựa chọn trước đây của hãng là Trung Quốc. Trong sáu tháng đầu năm nay, giảm sút sản xuất của Toyota tại Trung Quốc là 10,4 phần trăm, của Honda là 3,7 phần trăm. Hai tập đoàn này cũng với Nissan đã thiệt hại gần 250 triệu đô la vì các căng thẳng chính trị với Trung Quốc.

http://vietnamese.ruvr.ru/2013_09_17/121494221/

(*) Đài tiếng nói nước Nga ghi là "biển Hoa Nam".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét