15/2/12-Trước khi các lãnh đạo Trung Quốc tin quân đội của họ đủ mạnh để chiến thắng hoặc các đối thủ của họ quá yếu để kháng cự, họ sẽ tiếp tục kiềm chế đưa quân của mình vào một cuộc tấn công chính thức (ở Biển Đông)". 30 Ngày nay, điều đó vẫn đúng. Những gì thay đổi trong thời gian chuyển tiếp đó là các lực lượng Trung Quốc lớn mạnh hơn còn các lực lượng ở Đông Nam Á lại yếu đi tương đối.
Việt Nam
Bắt tay vào chương trình hiện đại hóa nhanh chóng năm 2009, Việt Nam rõ ràng đã tập trung vào công nghệ với một sự việc bất ngờ ở Biển Đông trong tâm trí. Không lực Việt Nam không chỉ mua các chiến đấu cơ Su-30MKV mới mà còn đặt chúng ở Biên Hòa, gần với Quần đảo Trường Sa, thay vì gần Hà Nội. Trong khi đó, hiểu rõ vị trí đứng đầu của Trung Quốc về năng lực chiến đấu trên biển, hải quân Việt Nam chọn cách không mua thêm các tàu mặt nước mà đầu tư vào các tàu ngầm lớp Kilo và các cơ sở cảng để hỗ trợ cho chúng. Và hợp đồng mua 6 tàu ngầm đảm bảo rằng ít nhất 2 tàu ngầm có thể cùng tuần tra một lúc. Một sự tính toán hoạt động tương tự có thể đã dẫn tới các cuộc đàm phán giữa Việt Nam với Nga hồi tháng 8/2011 để mua thêm các khẩu đội tên lửa bờ biển K-300P được trang bị các tên lửa hành trình P-800 Yakhont có tầm bắn 300km. Những khẩu đội tên lửa di động này hoạt động từ bờ biển Việt Nam sẽ giúp giữ cho các tàu chiến đối phương ở xa bờ, mặc dù tầm bắn của chúng không đủ bao trùm quần đảo Trường Sa.
Việt Nam đã có nhiều bước đi hợp lý để xây dưng lại năng lực ngăn chặn quân sự thông thường ở Biển Đông. Còn nhiều việc nữa cần được thực hiện. Việt Nam sẽ làm tốt để mua thêm các khẩu đội tên lửa đất đối không S-300PMU nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc phòng của nước này ở căn cứ không quân Biên Hòa và căn cứ hải quân Vịnh Cam Ranh. Ở một mức độ cơ bản hơn, nước này có thể cải thiện sự ẩn giấu và sự tồn tại của các cơ sở này. Điều đó có thể bao gồm các nhà chứa máy bay được gia cố chắc chắn và kho nhiên liệu, các thiết bị sửa chữa đường băng, và chuẩn bị cho các cơ sở hỗ trợ luân phiên, trong đó có các tàu tiếp liệu cho các tàu ngầm.
Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của quân đội Việt Nam sẽ là cải thiện tính sẵn sàng về hoạt động và cấu trúc của các lực lượng. Đối với phần đa số, điều đó đồng nghĩa với các mức độ bảo trì và huấn luyện cao hơn, nhằm đảm bảo rằng thêm nhiều nền tảng chiến đấu nữa luôn sẵn sàng hoạt động và có năng lực triển khai nhanh.
Tuy nhiên, do kinh nghiệm duy nhất có được từ trước về tàu ngầm là các tàu ngầm nhỏ lớp Yugo mà Việt Nam mua từ Triều Tiên năm 1997, hải quân Việt Nam sẽ có một đường cong học tập gấp khi có trong tay các tàu ngầm lớp Kilo.
Trung Quốc đã mua loạt tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên của mình hồi những năm 1990, và nước này phải khắc phục một loạt các bài thực hành bảo dưỡng yếu kém dẫn tới hỏng hóc thiết bị. Bên cạnh đó, các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam sẽ phải dốc sức huấn luyện về chiến tranh tàu ngầm nhiều như huấn luyện về chiến tranh trên biển để khai thác các điểm yếu của Trung Quốc. Để làm như vậy, họ có thể hợp tác với hải quân nước ngoài, chẳng hạn như Nhật Bản, nước đặc biệt thành thạo về chiến tranh chống tàu ngầm.
Đối với không quân Việt Nam, họ sẽ cần tăng cường số giờ bay cho các phi công Su-27SK và Su-30MKV cũng như phối hợp các bài huấn luyện chiến đấu thực tế hơn nữa. Họ cũng cần bổ sung các năng lực radar vượt quá đường chân trời và HF-DF trên đất liền, hoặc cân nhắc mua thêm các tài sản giám sát, chẳng hạn như máy bay tuần tra biển có hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, để đảm bảo rằng các chỉ huy hải quân và không quân của nước này có thể cực đại hóa việc sử dụng các lực lượng nhỏ hơn của họ.
Tuy nhiên, có thể thách thức lớn nhất của Hà Nội là thanh toán chi phí hoàn tất và duy trì các hợp đồng mua vũ khí hạng nặng mới.
Chi phí hoạt động hàng năm của một tàu ngầm điện-diesel có thể ngốn trung bình hàng chục triệu đôla. Các khoản này cộng với phí tổn hàng năm chắc chắn sẽ kéo căng ngân sách quốc phòng của Việt Nam.
Philippines
Với phần lớn Quần đảo Trường Sa nằm cách bờ biển Philippines chỉ vài trăm kilomet, nước này có vị thế tốt để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines gần như không có khả năng làm điều đó. Sau nhiều thập niên chiến đấu chống quân phiến loạn trên toàn quốc đảo, quân đội nước này đã hoàn toàn hướng vào an ninh nội địa. Phụ thuộc nặng nề vào hiệp ước quốc phòng chung với Mỹ để bảo vệ bên ngoài, Philippines đã để cho không quân và hải quân nước này sa sút. Cũng giống như Hà Nội, Manila đã thừa nhận cần phải hiện đại hóa các lực lượng thường của mình, nhưng cho đến gần đây vẫn chưa dành hết các nguồn lực để thực hiện cải tổ.
Vào cuối năm 2005, Philippines đã ngừng hoạt động các chiến đấu cơ F-5A cuối cùng của nước này, khiến cho đất nước không còn chiến đấu cơ phản lực nào nữa. 10 năm trước đó, các máy bay này đóng một vai trò trong việc khẳng định chủ quyền của Philippines ở Quần đảo Trường Sa khi Trung Quốc bất ngờ chiếm bãi đá ngầm Mischief. Lúc đó, không quân Philippines triển khai các chiến đấu cơ tới Puerto Princesa trên Đảo Palawan, nơi họ có thể yểm hộ hải quân Philippines khi họ dỡ các cột mốc Trung Quốc khỏi 4 mỏm đá và bãi cát ngầm khác.
Hải quân Philippines cũng trong tình cảnh tương tự. Khi họ vận hành hàng chục tàu tuần tra ven biển hỗ trợ các lực lượng chống phiến quân của quân đội, nòng cốt của hạm đội ngoài khơi của nước này là 3 tàu hộ tống lớp Jacinto mua của Anh sau khi Anh giải tán đội tàu chiến Hongkong.
Mãi cho tới gần đây, chiến hạm quan trọng khác duy nhất của Hải quân là Rajah Humabon, một tàu khu trục hộ tống có từ thời Thế chiến II. Được trang bị các súng 76mm và không hề có tên lửa hành trình chống hạm hoặc hệ thống phòng thủ chống tên lửa, các tàu này hạn chế về giá trị trong chiến đấu hải quân hiện đại.
Mặc dù vậy, vào cuối năm 2010, rất ít người tin quân đội Philippines có thể đạt được thành tích đáng kể trước khi bắt đầu Chương trình Nâng cấp Năng lực 2012-2018. Nhưng sự quyết đoán mới của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm thay đổi điều đó. Năm 2011, Manila đã mua 2 tàu hạng Hamilton của Mỹ đã nghỉ phục vụ. Mặc dù các tàu này có chi phí bảo trì cao và được trang bị vũ khí không hơn các tàu hộ tống lớp Jacinto, chúng từng được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm Harpoon RGM-84 và thiết bị phát hiện tàu ngầm, và hải quân Philippines sau này có thể trang bị thêm khi có tiền.
Hơn nữa, các tàu này có thể cung cấp cho Hải quân Philippines các hệ thống radar tìm kiếm trên không chuyên dụng đầu tiên của họ cùng các nền tảng trực thăng trên tàu đầu tiên, vốn sẽ cung cấp 2 trực thăng hạng nhẹ giúp mở rộng các năng lực giám sát của các tàu. Tuy vậy, các tàu này không có hệ thống phòng không cơ bản và do đó sẽ đòi hỏi lực lượng yểm hộ phải hoạt động hiệu quả trong chiến tranh hiện đại.
Bất chấp các hợp đồng gần đây, chương trình hiện đại hóa quân sự của Manila vẫn ở giai đoạn sơ khởi. Vào đầu năm 2011, hải quân Philippines mua các thiết kế cho một lớp các tàu tuần tra xa bờ biển từ Bộ tư lệnh đặc trách Hệ thống Hải lực Hải quân Mỹ, loại cung cấp sự hỗ trợ về bảo trì và máy móc cho Hải quân Mỹ. Trong khi đó, không quân Philippines vừa mới bắt đầu phác ra các kế hoạch mua một phi đội máy bay đa năng mới chế tạo. Đến nay, các chiến đấu cơ F/A-18 và MiG-29 đã được đề cử là các ứng viên thích hợp, nhưng một lựa chọn nhiều khả năng hơn sẽ là F-16C/D rẻ hơn nếu như ngân sách lại bị thu hẹp.
Quan trọng không kém, không quân Philippines không nên bỏ qua việc mua các máy bay tuần tra biển có sức chịu đựng lâu để có thể giám sát liên tục gần Quần đảo Trường Sa, do thời gian bay từ các căn cứ không quân chính ở Luzon rất dài.
Chắc chắn nếu Manila theo đuổi đến cùng cam kết mới của nước này nhằm thu về các mặt hàng quân sự trong 5 năm tới, không quân và hải quân Philippines có thể phục hồi sức mạnh. Nhưng những đơn hàng như vậy cần được xem xét thận trọng, không chỉ qua lăng kính của các hoạt động không quân và hải quân, mà còn với sự am tường về mức phí tổn để duy trì các lực lượng thông thường trong thời gian dài. Một lựa chọn mà Manila có thể theo đuổi sẽ là tối đa hóa lợi thế về vị thế địa lý của mình đối với Quân đảo Trường Sa, và đương đầu với thách thức kiểm soát biển ở Biển Đông bằng một lối tiếp cận bất đối xứng. Thay vì đối đầu với các lực lượng Trung Quốc với các lực lượng tương đương, họ có thể làm điều đó bằng một chiến lược được xây dựng xung quanh các hàng rào phòng thủ ven biển vốn có chi phí mua và bảo trì ít tốn kém hơn.
Đảo Palawan chỉ cách 450km từ các phần xa nhất của quần đảo Trường Sa mà Philippines nhận chủ quyền. Các tên lửa di động từ mặt đất, chẳng hạn như RGM-84L Harpoon của Mỹ, BrahMos PJ-10 của Ấn Độ, hoặc các tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont của Nga có tầm bắn khoảng 300km, có thể khống chế hầu hết các vùng biển tranh chấp. Hai hoặc ba khẩu đội tên lửa như vậy được đặt trên các xe bánh xích và nằm rải rác dọc hệ thống đường bộ dài có thể phóng ra hỏa lực tập trung mà Philippines thiếu hụt, trong khi làm giảm khả năng Trung Quốc có thể đánh chặn họ bằng một cuộc không kích hoặc một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo. Các lực lượng này sẽ không phải đối mặt với các lợi thế của Trung Quốc về công nghệ vũ khí phòng không hoặc chống hạm. Tất nhiên, những hàng rào phòng thủ ven biển như vậy đòi hỏi các máy bay tuần tra biển phải cung cấp những phát hiện vượt quá đường chân trời cùng các dữ liệu theo dõi mục tiêu và sự phối hợp cần thiết để phóng một loạt tên lửa đồng thời. Nhưng do tầm phát hiện hơn 600km của hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không AN/APS-145, một chiếc E-2C vận hành nó có thể tuần tra tốt trong không phận Philippines và có các hệ thống tên lửa đất đối không bảo vệ nó từ mặt đất.
Philippines sau đó có thể gia cố cấu trúc phòng thủ ven biển nòng cốt đó bằng một số lượng nhỏ các chiến đấu cơ giành ưu thế trên không và các tàu có sức chịu đựng cao. Một khái niệm chiến lược như vậy sẽ làm giảm bớt sự cần thiết phải đặt mua, bảo dưỡng và đào tạo một lực lượng không quân và hải quân có chi phí cao hơn và lớn hơn mà sẽ được cần đến để phóng ra một lượng hỏa lực tương đương để chọc thủng các hàng rào phòng thủ của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.
Các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Đông Nam Á
Brunei và Malaysia cũng có những tuyên bố chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa, trong khi Indonesia có một tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc xa hơn về phía nam. Nhưng rơi vào bất ổn nội địa trong hơn một thập niên, Indonesia không hiện đại hóa quân đội một cách thích hợp kể từ những năm 1990. Tuy danh sách vũ khí của không quân nước này bao gồm 10 chiến đấu cơ F-16A/B, 5 chiếc Su-27SK, và 5 chiếc Su-30MK fighters, hầu hết đều đáng ngờ về khả năng phục vụ. Trong khi đó, hải quân Indonesia chủ yếu được trang bị các tàu khu trục và máy bay tuần tra đã lỗi thời với các radar tìm kiếm có tầm phát hiện hạn chế đến mức chúng chỉ vượt quá tầm bắn của các tên lửa hành trình chống hạm. Chỉ sau khi hải quân Indonesia tiếp nhận chiếc cuối cùng trong 4 tàu khu trục lớp Sigma mới năm 2009 thì họ mới cải thiện một cách khiêm tốn năng lực chiến đấu hải quân. Trong khi đó, khả năng phóng sức mạnh ra Biển Đông của Brunei là rất nhỏ.
Trong số các bên khác tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Malaysia có lực lượng hải quân và không quân hiện đại nhất. Tuy nhiên, thách thức hoạt động lớn nhất của nước này nằm ở số lượng hạn chế các nền tảng chiến đấu. Do đó, nước này cần cực đại hóa tất cả các nền tảng, có nghĩa là phải trang bị thêm cho các tàu ngầm lớp Scorpene bằng động cơ đẩy độc lập khí để mở rộng khả năng tuần tra dưới nước của chúng. Và cũng giống Việt Nam, nước này cần tập trung vào cải thiện tính sẵn sàng về hoạt động và cấu trúc của hải quân và không quân.
May cho Malaysia, nước này có các căn cứ hải quân và không quân gần Kota Kinabalu và Labuan mà có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh chóng các lực lượng vào Biển Đông. Thêm vào đó, các tàu hậu cần lớp Sri Indera Sakti được thiết kế để hỗ trợ các tàu chiến hải quân triển khai trước tới các cảng dân sự dọc bờ biển Borneo. Nhưng việc hoàn thành căn cứ hải quân mới ở Vịnh Sepanggar, cách Kota Kinabalu 12km về phía bắc, liên tục bị trì hoãn sau 12 năm xây dựng. Tuy vậy, hải quân và không quân Malaysia đã tăng cường các cuộc tập trận trong khu vực, và sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung lớn dựa trên một sự kiện bất ngờ ở Biển Đông năm 2012. Những nỗ lực như vậy nhằm nâng cao tính sẵn sàng phải tiếp tục với cường độ ngày càng lớn nếu các lợi thế của Trung Quốc được bồi đắp.
Kết luận
Với cách hành xử quyết đoán hơn của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây, các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á phải nhận ra họ đang đối mặt với một thách thức lớn. Các năng lực quân sự của họ không thể được tái thiết ngày một ngày hai và các tình trạng khẩn cấp về kinh tế hoặc chính trị có thể làm trật bánh các kế hoạch hiện đại hóa đã được sắp đặt rất tốt của họ. Do các nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc đã gặt hái được lợi ích của 15 năm đầu tư thích hợp, hải quân và không quân nước này sẽ có một lợi thế quyết định đối với các nước khác ở Đông Nam Á, cho đến khi các chương trình hiện đại hóa của họ có thể đạt được tiến bộ xa hơn.
Một khi tàu sân bay mới của Trung Quốc và dàn chiến đấu cơ của nó đi vào hoạt động đầy đủ, hải quân Trung Quốc sẽ vượt qua được những bất lợi về công nghệ và địa lý trước đó của họ ở Biển Đông. Để đối phó, các nước Đông Nam Á sẽ phải tìm cách khắc phục khó khăn tài chính của việc hiện đại hóa quân đội, tận dụng lợi thế về vị thế nằm gần khu vực tranh chấp, và cực đại hóa tính sẵn sàng về hoạt động và cấu trúc của các hàng rào phòng thủ.
Tuy nhiên, cho đến khi các quốc gia Đông Nam Á có thể cải thiện được sức mạnh quân sự của mình thì chỉ ảnh hưởng từ một cường quốc bên ngoài mới có thể khôi phục sự cân bằng. Vì thế, một khi các thành viên chủ chốt của ASEAN thay đổi đánh giá của họ về các ý định của Trung Quốc, thì không ngạc nhiên mấy khi họ chấp nhận sự dính dáng nhiều hơn của Mỹ vào tranh chấp khu vực. Đối với Mỹ, nước này phải thận trọng khi mang mãi phần lớn gánh nặng cân bằng. Nước này cũng phải tránh bị kéo vào một cuộc tranh đua với Trung Quốc để giành các đồng minh ở Đông Nam Á thông qua viện trợ kinh tế và quân sự - một chính sách phát sinh ra tham nhũng và nhờ vả trong thời Chiến tranh Lạnh. Tuy hoàn cảnh này mang lại cho Mỹ một cơ hội để củng cố các mối quan hệ trong khu vực, nước này sẽ phải thận trọng để không sa vào những sắp xếp kém linh hoạt mà vô tình kéo căng quá mức các lực lượng của nước này, đặc biệt là vào lúc bắt đầu của một thời kỳ mà chi tiêu quốc phòng của Mỹ có thể sụt giảm. Điều quan trọng nhất mà Mỹ có thể làm cho các nước Đông Nam Á là giúp họ tự bảo vệ mình thông qua các hợp đồng vũ khí tăng dần và tư vấn quân sự.
Cách đây 15 năm, tôi dám chắc trong tạp chí Orbis rằng: "Trước khi các lãnh đạo Trung Quốc tin quân đội của họ đủ mạnh để chiến thắng hoặc các đối thủ của họ quá yếu để kháng cự, họ sẽ tiếp tục kiềm chế đưa quân của mình vào một cuộc tấn công chính thức (ở Biển Đông)". Ngày nay, điều đó vẫn đúng. Những gì thay đổi trong thời gian chuyển tiếp đó là các lực lượng Trung Quốc lớn mạnh hơn còn các lực lượng ở Đông Nam Á lại yếu đi tương đối. Nhiều yếu tố góp phần tạo nên thực trạng này, trong đó có các thời kỳ khó khăn kinh tế, bất ổn chính trị, và sự lạc quan rằng các ý định về lãnh thổ của Trung Quốc có thể được kiềm chế bằng cách xã hội hóa các quy chuẩn đa phương của ASEAN. Mãi gần đây các nước ASEAN mới hoàn toàn thức tỉnh trước sự thay đổi cán cân quân sự và trước sự thâm sâu trong quyết tâm của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việc họ kiểm soát phản ứng đối với những thách thức này giờ đây sẽ tác động một cách nghiêm trọng đến khả năng bảo vệ các lợi ích lãnh thổ của họ trong những năm sắp tới.
Thanh Hảo dịch theo viet-studies
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/60213/asean-thuc-tinh-truoc-bac-kinh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét