13/2/12-Cam Ranh từ 2010 đã trở thành một thành phố thuộc tỉnh Khánh Hòa, cùng vị thế như Nha Trang. Ngoài quân cảng nổi tiếng Cam Ranh còn có sân bay quốc tế, con đường sắt Bắc-Nam, quốc lộ 1 và khu nước nóng tự nhiên Ba Ngòi. Cam Ranh lưng dựa vô vùng núi Khánh Sơn, với thương hiệu Sầu Riêng-Khánh Sơn, mắt trải rộng tầm nhìn ra Biển Ðông, cách Trường Sa gần 250 hải lý.
Vùng biển giáp với khu du lịch Ngọc Sương của Ninh Thuận là một khu hoang sơ, tuyệt đẹp nhưng còn chưa được khai thác...
Buổi chiều xuống sớm khi mặt trời khuất sau những rặng núi, đứng trong khu Nước Ngọt sát dưới chân núi vắng bóng người xe nghe tiếng hát karaoke lồng lộng thấy một cảm giác rất lạ, nhất là nhìn phía dưới chân núi nơi cửa biển, thấy những cánh quạt nước trong các đìa nuôi tôm quay rào rào, lúc đó mới chợt nhận ra là nông nghiệp Việt Nam “cất cánh” từ một nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo không chỉ nhờ vào việc giải tán những tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp, trả lại ruộng đất cho nông dân mà còn nhờ rất nhiều vào việc “điện khí hóa” với đường dây 500KV kéo từ Bắc vô Nam vượt qua những đèo, những núi, những sông và cả những định kiến chỉ trích hết lời của báo chí Việt Nam thời của thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt, người quyết định và quyết tâm phủ lưới điện quốc gia.
Cũng trong những buổi chiều hôm nơi cửa biển, chúng tôi bắt gặp những người đồng bào dân tộc, quần cụt, lưng trần lặn lội mò cua bắt ốc cả buổi cho đến khi trời tối sẫm được vài ký ốc móng tay đem bán cho những người nuôi tôm được 10 ngàn đồng 1 ký. Trong khi những chủ đìa tôm phía trong thì rất mong mua được những đìa tôm sát cửa biển không phải để nuôi tôm mà để “đón gió” vì nghe nói Nhật Bản sắp vô xây dựng một nhà máy đóng tàu và như vậy theo họ thì tiền đền bù giải tỏa sẽ có giá rất cao (?).
Sát bên những đìa tôm của người dân chúng tôi thấy có một khu rất rộng lớn, đường sá khang trang, hỏi thăm những người dân thì được biết đó là khu nuôi trồng thủy hải sản của bộ và khu nghiên cứu phát triển giống tôm. Nghe tên thì “kêu” và loằng ngoằng vậy, nhưng thực chất theo người dân thì từ cả chục năm trước, sau khi lấy đất của dân rồi bỏ ra mấy chục tỉ đồng lập ra cái trung tâm này, kết quả là nuôi cái gì thất bại cái đó và chẳng hề phát triển được cái giống tôm nào, cuối cùng... bỏ hoang. Gần đây trung tâm được đem cho tư nhân thuê lại với giá “bèo,” dù sao người dân làm ăn vẫn hiệu quả hơn. Nghe chuyện trung tâm nghiên cứu thủy hải sản xong chúng tôi không khỏi ngao ngán vì biết trên cái đất Việt Nam này có rất nhiều các trung tâm nghiên cứu nọ kia, nhưng hầu như chẳng đem lại một lợi ích gì ngoài việc tiêu tốn tiền thuế là mồ hôi, nước mắt của người dân.
Ðứng trước khu nước nóng Ba Ngòi, nhìn ra phía xa chúng tôi thấy sự vươn cao của những ống khói công nghiệp, hỏi thăm thì được biết đó là khu nghiền xi-măng thuộc nhà máy xi-măng Hà Tiên.
Từng có nhiều dịp ra miền Trung, chúng tôi thấy thế mạnh của miền Trung là du lịch biển với những bờ biển với khung cảnh tuyệt đẹp, nhưng chúng tôi cũng nghe rất nhiều lời than phiền của du khách về việc “phát triển công nghiệp” không đúng chỗ làm phá vỡ cảnh quan, môi trường. Họ còn ví von là, một bên mở nhà hàng sang trọng, một bên mở lò rèn đập búa chan chát suốt ngày đêm thì thực khách nào mà dám tới ăn?
Về Cam Ranh chúng tôi cũng tình cờ gặp và nghe một cựu binh kể chuyện Trường Sa.
Theo lời người cựu binh thì trong trận chiến Trường Sa năm 1988, ông ta và đồng đội hoàn toàn bị bất ngờ. Lúc đó, Hải Quân Việt Nam điều ba chiếc tàu vận tải chở vật liệu ra xây dựng căn cứ tại các đảo chìm. Khi gặp tàu Trung Quốc phát loa cảnh cáo, phía Việt Nam còn đưa “lương khô” dứ dứ về phía tàu Trung Quốc để đùa vì nghĩ rằng họ không dám nổ súng, vì cũng ỷ y là có “anh Hai” Nga cộng chống lưng. Không ngờ, quân Tàu nã đại bác thật, ba chiếc tàu vận tải của Hải Quân Việt Nam bị bắn chìm mà chưa hề bắn trả, vì ngay cả súng cá nhân có người chủ quan còn chẳng đem theo. Tàu chìm, binh sĩ lớp chết, lớp bị thương, lớp bị bắt làm tù binh, rất ít người bơi thoát được về các đảo nổi.
Sau trận chiến Trường Sa 1988, khi mà lúc đó hạm đội Thái Bình Dương của Nga (lúc đó còn là Liên Bang Xô Viết) đang đóng tại quân cảng Cam Ranh cách nơi xảy ra cuộc chiến không quá 250 hải lý mà không hề động tĩnh, cục cựa gì. Quá ê chề trong việc làm đồng minh quân sự và ý thức hệ với anh chàng “khổng lồ chân đất sét,” Việt Nam chuyển dần sang đa phương hóa các quan hệ ngoại giao, kinh tế và gần đây thêm cả quân sự.
Theo lời người cựu binh Trường Sa nói với chúng tôi, thì Cam Ranh chỉ có thể “cất cánh” để phồn vinh khi mà từ bỏ cái tư duy luôn xem Cam Ranh là mảnh đất của quân sự, nhả “cục xương” quân cảng ra thì Cam Ranh mới khá lên được.
Ðiều người cựu binh Trường Sa nói có thể đúng, nhưng khó là cho dù Cam Ranh có tất cả từ cảng biển tốt nhất, sân bay quốc tế, đường bộ, đường sắt thì Cam Ranh vẫn là một đô thị nhỏ thuộc tỉnh. Mà trong một nước trung ương tập quyền như Việt Nam thì Cam Ranh cũng khó mà tự do phát triển, trừ khi Cam Ranh được hưởng quy chế của một “đặc khu kinh tế,” điều đó có lẽ phải nghĩ tới bởi vị thế quá đặc biệt của Cam Ranh, bởi lẽ kinh tế Việt Nam cũng đang hướng ra biển và ngay cả vấn đề an ninh quốc phòng cũng phải mạnh ngay từ phía khơi xa chứ không thuần là phòng thủ bờ biển.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=144513&z=307
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét