Vibay

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Dại biểu Quốc hội

(Vibay-20/11/2011) Tổng hợp các bài viết về một số Dại biểu Quốc hội. À không, xin lỗi, phải nói là Đại biểu Quốc hội.

Xót đau cho nghị sĩ nước mình! (Bauxite Việt Nam)

Đọc thông tin về đại biểu QH Hoàng Hữu Phước mà đau và chán đến tận cổ. Làm sao có thể có một nghị sĩ vừa kém cỏi về kiến thức lại vừa ngông nghênh khinh dân – thậm chí đã vi hiến khi ngang nhiên chống lại Hiến pháp?

Chẳng hiểu ông Nghị Phước học từ đâu mà nói rằng cuộc biểu tình đầu tiên của loài người là ở Ấn Độ, năm 1913? Nói như thế có nghĩa là ông chả biết cái quái gì về hai từ cách mạng. Mọi cuộc cách mạng trên thế giới đều bắt đầu từ bạo lực vũ trang hoặc biểu tình. Những cuộc biểu tình sớm nhất đã xảy ra từ thời La Mã cổ đại khi những người bình dân (plebs) đấu tranh chống lại quý tộc, kết quả là giai cấp quý tộc phải nhượng bộ, chấp nhận cho bình dân có 5 đại biểu (trong tổng số 10) tham gia vào Hội đồng soạn thảo Bộ luật 12 bảng đồng suốt 2 năm và chính thức ban hành năm 449 B.C. Gần đây, nếu tìm dẫn chứng thì có vô số, chỉ xin dẫn ra một cuốn sách giáo khoa viết về biểu tình năm 1848. Sách giáo khoa Lịch sử thế giới cận đại, H. 1998, trang 133 viết: “Chính phủ (Pháp) ra lệnh cấm “bữa tiệc” của những người đòi cải cách tuyển cử định tổ chức vào ngày 22.2 (1848 – HVT). Quần chúng trả lời lệnh đó bằng thái độ kiên quyết đấu tranh, tiến hành một cuộc BIỂU TÌNH (chúng tôi nhấn mạnh – HVT) lớn tại Paris… Nhiều cuộc xung đột nổ ra giữa cảnh sát, binh lính với những người BIỂU TÌNH”.

Chuyện thứ hai chứng tỏ ông nghị Phước đã ngộ nhận về kiến thức sơ đẳng là ở chỗ ông cho rằng cuộc biểu tình đầu tiên ở Mỹ là những năm 60 của thế kỷ trước khi nhân dân Mỹ “chống lại chính phủ Kennedy đã đẩy mạnh cuộc chiến tranh Việt Nam, rồi phát triển mạnh mẽ thành các cuộc biểu tình chống Chính phủ Mỹ liên tục từ năm 1960 đến 1975”(sic – !) Đọc đến đây tôi buộc phải tự hỏi rằng phải chăng vì là “nghị” nên ông muốn nói gì cứ nói, kệ xác lũ dân đen? Nghị Phước quên mất cha ông ta dạy là biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột? Xin thưa với ông nghị Phước: 1, TT J.F. Kennedy nhậm chức ngày 20.1.1961 – có nghĩa là nếu có biểu tình năm 1960 thì chẳng có liên quan gì đến J.F.K.; 2, chính J.F.K là người không muốn đẩy mạnh chiến tranh Việt Nam nên mới bị chết tức tưởi. Một trong những minh chứng rõ nhất SGK Lịch sử lớp 12 ghi rõ trước khi J.F.K chết, số lượng cố vấn Mỹ ở miền Nam chỉ có 1.100 nhưng sau khi ông ta chết (22.11.1963) con số đó đã tăng gấp 10 lần (!); 3, Nghị Phước đã xúc phạm toàn thể nhân dân Việt Nam bằng sự phỉ báng không thể tha thứ khi ông nói những lời xưng xưng vô bằng cứ rằng những người biểu tình chống lại đường lưỡi bò của Trung Quốc bị người dân kẹt xe nguyền rủa (?); rằng không cần biết đến Hiến pháp hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phải soạn Luật Biểu tình và, ông cũng đã phạm tội vu khống vì chẳng có cuộc biểu tình yêu nước nào gây kẹt xe, để đến nỗi bị người dân nguyền rủa cả !? Xin hỏi thẳng, ông “nhận hợp đồng” với ai mà nói vậy? Là đại biểu QH nếu còn có một phần nghìn liêm sỉ thì nên khai cho rõ ra thưa ông, bởi nói cho ngay, có kẹt chính là do lực lượng an ninh gây ra đó. Ông nên nhớ trong những ngày sôi bỏng ấy thử hỏi ai mà không theo dói hình ảnh những cuộc biểu tình. Người biểu tình đã diễu hành rất trật tự, có một cuộc biểu tình nào cản trở một đám cưới nào hay không?

Và, căn cứ vào đâu để nghị Phước khẳng định rằng “đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”. Nhà nước ta là của dân, vì dân sao lại sợ dân biểu tình yêu nước? Lạm dụng hay bị lợi dụng là chỉ có sai bét bè be, không phải nhà nước của dân mới sợ chứ đã là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì làm sao phải sợ?

Một người không nắm được kiến thức cơ bản về chính trị thì không thể đủ tư cách để bàn về chuyện lớn nhất – quan trọng nhất là lập pháp. Thiết nghĩ rằng sau chuyện ông Nghị Hồng với Luật nhà văn “chẳng biết đưa ra để làm chi”; ông nghị Phước vi hiến ngang nhiên như thế, Quốc hội cần phải có chế tài nghiêm khắc với nghị sĩ nước ta kẻo đa số dân chúng bây giờ đều có tri thức hơn ông sẽ coi thường Quốc hội chúng ta, lại còn xấu mặt với thế giới. Hơn nữa, nếu cứ ưa chi nói nấy thì người dân bình thường ít hiểu biết ở vùng sâu vùng xa sẽ trở nên hoang mang và đau xót lắm. Càng đau đớn hơn khi chợt nhận ra rằng nếu nghị sĩ mà cứ như hai ông này thì dân tộc ta không lầm than, không tụt hậu mới thật là chuyện lạ!

Huế, 18.11.2011.

Các đồng chí: Bắt ngay tên Hữu Phước! (Dân Làm Báo)

Qua phát biểu đến “vỡ cả bụng” ra của ông nghị “gật” – mà là gật như con bổ củi luôn thì tôi thấy: Đảng và nhà nước “đỉnh cao trí tuệ” này nên bắt ngay ông ta và cần thiết thủ tiêu trong im lặng. Vì sao? Vì ông ta đang bêu xấu đảng “quang vinh” và bác Hồ “vĩ đại”. Xin chỉ ra mấy cái tội của ông Hữu Phước (mà lại vô phước) này cho các anh “còn đảng còn mình” xem xét kết tội ông ta nhé:

1.Tội bôi nhọ đảng “đỉnh cao trí tuệ”:

Ông Phước nói: “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh” và “người dân Việt Nam chưa đủ trình độ dân trí để thực hiện quyền này.” thì ông Phước vô tình hay cố ý không rõ đã nói xấu đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chủ nghĩa xã hội “ưu việt” rồi. Ngày xưa chính phủ ông Trần Trọng Kim cho phép đảng cộng sản và nhân dân ta biểu tình và dẫn tới cuộc cách mạng “cướp” hợp pháp năm 1945 đó.

Vậy ra ông Phước đã thừa nhận: ngày xưa cách đây gần 70 năm thì Việt Nam là “siêu cường” kinh tế? Không phải vậy đâu! Ông Phước dù có ấu trĩ đến mấy cũng hiểu ngày xưa đó thì làm sao bằng bây giờ. Hóa ra ông Phước đang ám chỉ vế thứ hai là Việt Nam ta – “Thiên đường của những đỉnh cao” lại có dân trí đi xuống rồi? Sau gần 70 năm cai trị của đỉnh cao mà dân trí đi xuống không bằng thời kỳ “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố thì lỗi của ai? đó chẳng phải là đảng cộng sản Việt Nam ư? Ông Phước này ghê gớm lắm đó chứ không phải tầm thường đâu khi ông ta dùng biện pháp “nói kháy” như dân gian hay nói để đá đểu đảng của chúng ta đó. Đề nghị mấy anh còn đảng còn mình quy kết tội ngay!

2. Tội bôi nhọ bác Hồ “vĩ đại”:

Ông Phước nói: “biểu tình là sự ô danh”. Vậy thì hóa ra người đúng đầu cái tổ chức và là bậc thày của kích động biểu tình kia là chủ tịch Hồ Chí Minh là kẻ tạo ra sự “ô danh” ư? Ông Phước này quá thâm hiểm khi vô tình hay cố ý tố cáo lời động viên của bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào” lôi kéo nhân dân miền Nam ngây thơ lúc đó biểu tình chống lại một thể chế dân chủ đúng nghĩa là sự khích động sự “ô danh”... Tội này xúc phạm lãnh tụ rất khó tha thứ. Mấy anh đang đập nhà thờ Thái Hà đâu bắt ngay, bắt ngay...!

Bài phát biểu của ngài Phước này còn nhiều điều nói lắm nhưng ai cũng hiểu cả trừ những người "cố tình không hiểu" như ông Phước mà thôi, tôi không cần dài dòng nữa. Tôi chỉ xin chỉ ra hai tội tày đình của ông Phước cho công an bắt ông thôi! Chạy đâu cho thoát! Lần này có khi còn 4 BCS chứ không phải 2 như trường hợp của anh Vũ đâu.

Túm lại: phải bắt thôi!!!

Tiến sĩ Đỗ Văn Đương. (Nguoi-Viet)

Nếu người dân Việt Nam ai cũng thông minh, hiểu biết như các đại biểu Quốc Hội của họ thì chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ chẳng phải lo lắng gì về kinh tế cả.


Đại biểu Đổ Văn Đương.

Mạng Vneconomy mới dẫn ra mấy lời tuyên bố của một ông đại biểu Sài Gòn tên là Ðỗ Văn Ðương. Theo Vneconomy, ông Ðương phát biểu như thế này: “Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực... Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn (đồng Việt Nam), nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục (nghìn)... Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi (lạm phát ở Việt Nam) không phải là cao nhất.”

Ðó là ông Ðỗ Văn Ðương chưa sang du lịch bên Nga đấy nhé. Ở Saint Petersburg, trong Quán Việt-Cafe chúng tôi được Trần Nguyên Thắng mời tới ăn cho đỡ nhớ cơm, một đĩa rau muống xào nếu tính ra tiền Việt Nam giá tới 300 ngàn đồng lận! Gắp một cọng rau muống lên, cho vào miệng, cứ tưởng như mình đang nhai cả mớ tiền, xót cả ruột! Ðối với dân ăn rau muống, ở Việt Nam sung sướng như trên thiên đường rồi! Muốn biết lạm phát ở Việt Nam thấp đến thế nào, mời ông Ðương thử qua Ðan Mạch chơi. Trước cửa quán Le Le Nhà Hàng bản thực đơn ghi một tô phở giá 135 đồng tiền bản xứ, tính ra thành 27 đô la Mỹ. Hơn 350 nghìn đồng Việt Nam một bát phở Trời Ðất ạ! Hay là qua Little Saigon, một ly “cà phê trong suốt” tính đến (nghe nói) 5 đồng đô la, chắc đắt gấp trăm lần ly cà phê ở Sài Gòn chứ chẳng ít!

Ông Ðỗ Văn Ðương đã đậu bằng Tiến Sĩ Luật. Không biết ở trường chúng nó dậy ông những cái gì ngoài tư tưởng Mác-Lê Nin mà ông lú lẫn, dốt nát về kinh tế đến thế! Nhưng đại đa số người Việt Nam may mắn không có bằng tiến sĩ cho nên vẫn chưa đến nỗi lú lẫn. Họ chỉ cần tính giá mớ rau muống ngày hôm nay so với tuần trước là đủ biết thằng lạm phát nó cắn vào túi tiền của họ như thế nào.

Sáng 14 tháng 9 tại Hà Nội, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) họp, báo cáo họ dự đoán lạm phát của Việt Nam trong năm 2011 ở mức 18.7%. Mức lạm phát như vậy là có giảm xuống so với năm ngoái, nhưng vẫn cao nhất trong khu vực Á Châu. Ngân hàng ADB cũng hạ thấp dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2011. Năm tháng trước đây họ tính kinh tế Việt Nam sẽ lên thêm 6.1% đến 6.7%, nay nghĩ lại thấy chắc chỉ tăng được 5.8% mà thôi.

Bình thường, khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế xuống thấp hơn thì sẽ giảm áp lực lạm phát, ít khi thấy kinh tế vừa đình trệ lại vừa lạm phát. Nhưng kinh tế Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Muốn bớt lạm phát, tất cả mọi người phải giảm chi tiêu. Số tiền lưu hành trong nước phải giảm xuống. Trong khi nhà nước bớt nhiều việc chi tiêu phí phạm để kinh tế không phồng lên một cách giả tạo nữa, thì những người dân bình thường thì vẫn phải ăn, phải uống, phải dùng xăng chạy xe ngoài đường, và buổi tối vẫn phải bật đèn điện. Giá điện, giá xăng đều được chính ông Dũng cho tăng lên; riêng giá thực phẩm thì tự động tăng không giảm, vật giá vẫn kéo nhau lên, mà không đổ tội cho một thế lực thù nghịch nào cả. Giá sinh hoạt chung vẫn tăng, riêng trong đám dân nghèo mà phần lớn tiền kiếm được đều chi vào việc ăn uống, tỷ lệ lạm phát thật còn cao hơn 20%. Nhưng phần chi tiêu của đảng và nhà nước, nếu nó cứ tăng thì người dân không chịu trách nhiệm!

Ðầu tháng 3 năm 2011, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký nghị quyết số 11 ra lệnh guồng máy tài chánh đẩy tỷ số lạm phát xuống cho chỉ còn một con số, dưới 10%, khoảng 7%, 8% thôi. Ông Dũng dùng tất cả các khí cụ ông nắm trong tay để đẩy: Ngân Hàng Nhà Nước, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp nhà nuớc, vân vân. Tất cả cùng nhau đẩy. Nhưng, như chúng ta thấy, sau 6 tháng tác dụng của cái nghị quyết 11 cũng giống như người ta cố đẩy một sợi dây thừng vậy. Nó nhích đi được một chút, rồi thun lại, ỳ ra, không nhúc nhích, không còn công hiệu nào nữa.

Tình trạng bi đát đến nỗi một nhà phân tích kinh tế trong nước vừa mới nhận định: “Kinh tế Việt Nam thật sự đang ngắc ngoải trong tình trạng đình lạm,” (stagflation, tức là sản xuất đình trệ trong khi lạm phát vẫn cao, hai hiện tượng thường không xẩy ra cùng một lúc). Nhà kinh tế này còn tiên đoán: “Chính Phủ Việt Nam đang rất tuyệt vọng, từng bước thăm dò phản ứng để có thể kết hối (tịch thu USD) và kết kim (tịch thu vàng) bất cứ lúc nào.” Ðể dẫn chứng cho mối lo tịch thu vàng, bài nhận định trên nêu ra bản tin (Vnexpress, 23/8/2011) nói Thống Ðốc Ngân Hàng Trung Ương Nguyễn Văn Bình đã “gợi ý” rằng: “Ngân Hàng Nhà Nước sẽ giữ vàng giùm cho dân.” Một câu nói đó có thể khiến cho vàng cũng mọc cánh bay thật nhanh ra ngoại quốc, tất nhiên chỉ những người có tài chắp cánh cho vàng mới chạy của thoát!

Nghị quyết 11 đã được khen là “một bước ngoặt lớn về chính sách” vì ông Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ chính sách cũ là cứ tung tiền ra cho các doanh nghiệp nhà nuớc chi tiêu thoải mái. Bây giờ, các ngân hàng kềm chế lại, số tiền cho vay không được tăng tới 20% so với năm ngoái; ngân sách nhà nước phải tăng thu khoảng 7%-8% vân vân. Và bản nghị quyết cũng không quên căn dặn: “Ðẩy mạnh thông tin-tuyên truyền;” cho guồng máy kinh tế nó lắng nghe rồi chạy theo tiếng hô các khẩu hiệu.

Nhưng guồng máy kinh tế nó điếc. Phương pháp điều hành kinh tế bằng khẩu hiệu thời ông Mao Trạch Ðông không còn hiệu quả nào trên kinh tế cả.

Muốn bớt lạm phát thì phải giảm bớt chi tiêu, hàng hóa sẽ bớt tăng giá hung hãn. Có hai khâu chính trong việc sử dụng tiền ở nước ta, là nhà nước và dân. Ông nhà nước ra lệnh cho các ông nhà nước khác bớt chi tiêu, nhưng chưa chắc họ đã làm được. Còn những anh chị dân đen thì phần lớn những món chi tiêu của họ là “tối thiểu,” không chi không sống được. Nhu cầu của một gia đình dân, những ăn uống, quần áo, xăng dầu, không tăng hay giảm theo nghị quyết của nhà nước. Còn về phần các bộ phận của nhà nước, thì có khi họ muốn mà cũng không giảm chi tiêu được.

Thí dụ, ngân sách chính phủ vẫn thâm thủng 120 ngàn tỷ đồng Việt Nam, tức là tiền chi ra nhiều hơn tiền thu vào, nhưng không bỏ được. Nhà nước lại chi ra 15 ngàn tỷ đồng để cứu mấy ngân hàng nhỏ bị đe dọa phá sản, không chi cũng không được. Lại còn cứu các thị trường chứng khoán nữa. Lo cho các đại gia mua chứng khoán bị đang lỗ, nhà nước đã bỏ ra 70 ngàn tỷ đồng để nâng giá các cổ phần. Ngoài ra, còn những món tiền mà Ngân Hàng Nhà Nước đem chi hoặc cho phép các ngân hàng thương mại đưa vào thị trường, ngoài tất cả dự liệu của Nghị Quyết 11, phải nói là phản lại bản nghị quyết này!

Theo lệ cũ, các ngân hàng thương mại chỉ được đem 80% tiền ký thác của thân chủ mà cho vay. Nhưng theo thông tư số 22 của Ngân Hàng Nhà Nước mới đổi, từ ngày 1 tháng 9, 2011, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác sẽ được đem tất cả tiền người ta gửi ra cho vay. Như vậy thì không khác gì cho số tiền lưu thông tăng vọt lên nhiều lần, không còn thấy cái giới hạn 20% của ông Nguyễn Tấn Dũng đâu nữa! Theo công ty Bảo Việt thì với thông tư 22 này, từ đây tới cuối năm, số tiền được phép tung ra cho vay sẽ lên tới 460 ngàn tỷ đồng! Cái thông tư 22 coi như đã hủy bỏ mọi tác dụng của nghị quyết 11! Cho nên, ngân hàng Standard Chartered tiên đoán trong bốn tháng cuối năm nay lượng tiền tệ lưu hoạt (M2) ở Việt Nam sẽ tăng tới 196 ngàn tỷ, so với năm ngoái chỉ có 172 ngàn tỷ. Càng có nhiều tiền trong kinh tế thì lạm phát càng cao. Người dân biết vậy, cho nên ai có tiền cũng lo đi mua vàng, mua đô la!

Rồi lại thêm chính sách lãi suất nữa. Ông thống đốc Ngân Hàng Trung Ương ra chỉ thị số 2, bắt các ngân hàng thương mại không được trả lãi suất trên 14% cho các người gửi tiền. Giữa tháng 9, các ngân hàng báo cáo người ta ào ào rút tiền ra khỏi ngân hàng. Trong một tuần, có ngân hàng bị rút 1,000 tỷ đồng. Chưa tới cảnh “tiền bỏ chạy” (bank run) nhưng cũng mấp mé. Nhưng họ rút hàng tỷ đồng rồi đem đi đâu? Không ai báo cáo, nhưng ai cũng hiểu: Người ta đi mua vàng và đô la. Các đại gia bán vàng và đô la rồi họ đem tiền cất đi đâu, sao không thấy chúng trở lại với các ngân hàng? Cái này thì chỉ các đại gia mới biết!

Nhưng khi Ngân Hàng Trung Ương bắt các ngân hàng thương mại “giảm lãi suất” xuống dưới 14% thì đó là một bước hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu chống lạm phát của nghị quyết 11. Vì xưa nay, khi muốn chống lạm phát thì ở đâu người ta cũng tăng lãi suất cho người ta bớt vay được tiền mà chi tiêu, không ai giảm lãi suất bao giờ! Chắc chỉ có đại biểu Quốc Hội Ðỗ Văn Ðương mới có thể nghĩ ra cách chống lạm phát bằng cách giảm lãi suất, sau khi đi Thượng Hải nếm rau muống Tàu!

Cái chỉ thị đặt mức lãi suất tối đa (trần lãi suất) đã vô hiệu, vì nhiều ngân hàng vẫn lén trả lãi suất cao hơn 14% để có tiền kiếm ra tiền khác, nhất là các ngân hàng ở xa thì không sợ ai cả. Các quan đầu tình cũng không sợ lệnh từ trung ương. Họ phải phê duyệt càng nhiều dự án trong địa phương mình càng tốt. Càng nhiều dự án thì càng thêm cơ hội chấm mút, trước khi phải đổi đi nơi khác. Quan đầu tỉnh bảo ngân hàng trong tỉnh cho vay thì ai dám cãi chỉ tiêu lạm phát là mấy phần trăm cũng chẳng ai cần biết tới!

Nhìn thấy những nghị quyết và thông tư với khẩu hiệu và hành động trái ngược nhau, cuối cùng không biết ai đang cầm tay lái cho con tầu kinh tế Việt Nam. Có thể gọi là một nền kinh tế không người lái. Trong khi đó thì những nguồn ngoại tệ đang giảm, số đầu tư trực tiếp của nước ngoài cho tới số tiền người Việt ở ngoài gửi về đều bớt đi. Cán cân thương mại trong tám tháng đầu năm 2011 đã bị thủng 10 tỷ đô la, so với khoảng 8 tỷ trong cùng thời gian năm ngoái.

Ông Tomoyuki Kimura của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, mới nói trong phiên họp ở Hà Nội, rằng muốn “giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao thì phải có những nỗ lực lớn hơn trong việc cải cách cơ cấu nền kinh tế”. Nhưng nếu không thay đổi chính trị thì ai thay đổi cơ cấu kinh tế bây giờ? Những đại biểu Quốc Hội như Tiến Sĩ Ðỗ Văn Ðương có sẵn sàng đứng ra lèo lái con tầu kinh tế nước nhà hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét