Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc vs Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc vs Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Trung Quốc đang tự gây họa cho mình

TT - Giới chuyên gia quốc tế cho rằng Bắc Kinh không chỉ đang mất danh dự trên trường quốc tế khi những hành động gây hấn hung hăng của họ đối với tàu Việt Nam bị phơi bày ra trước cộng đồng quốc tế, mà giờ đây quốc gia này còn đang đứng trước thảm họa do chính mình gây ra ở biển Đông.


Tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa ngày 7-6 - Ảnh: M.Quang

Giải thích về vấn đề này trên tạp chí National Interest (Mỹ), cố vấn chính trị Hạ viện Philippines Richard Javad Heydarian nhận định “thảm họa” đó chính là việc Trung Quốc đang tự làm vấn đề tranh chấp ở biển Đông được quốc tế hóa nhanh hơn, điều mà Bắc Kinh không bao giờ muốn thấy.

Càn quấy, bất chấp lý lẽ


Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng tại biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. UNESCO đề nghị các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO và OIF đã gửi các công hàm và bản ghi nhớ lên lãnh đạo hai tổ chức này để lưu ý về những diễn biến đặc biệt căng thẳng trên biển Đông thời gian qua.

Ông Heydarian cho rằng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, Bắc Kinh đang chui đầu vào thảm họa do chính họ gây ra.

Bằng chứng là Trung Quốc càng “hung hăng tuyên bố chủ quyền” ở biển Đông thì càng khiến các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở khu vực này được quốc tế hóa nhanh hơn.

“Bắc Kinh đang đẩy vấn đề đi chệch quỹ đạo do chính mình đặt ra là luôn muốn khép mọi cuộc đối thoại về tranh chấp ở biển Đông theo hướng song phương” - ông Heydarian cho biết.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng Bắc Kinh khá bất ngờ trước việc Chính phủ Việt Nam công bố đoạn phim cho thấy các tàu Trung Quốc đã dùng những biện pháp vũ lực, đe dọa chống lại lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam ngày 7-5.

Sau đó, truyền thông Việt Nam và quốc tế liên tục trưng ra những bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang ngụy biện cho những hành động ức hiếp hung hăng của mình ở khu vực quanh nơi hạ đặt giàn khoan 981 trái phép.

“Hành động càn quấy, bất chấp lý lẽ của Bắc Kinh cho thấy nước này đang mưu đồ sản sinh ra thời đại mới trong việc đòi chủ quyền ở biển Đông” - giáo sư Lowell Bautista, giảng viên Đại học Wollongong (Úc), nhận định.

Chuyên gia Heydarian cho rằng đứng trước sự “cứng đầu” của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á đã xích lại gần nhau hơn nhằm tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược - cùng chống Trung Quốc.

Báo động trước nhiều hậu quả từ những hành động của Trung Quốc, đe dọa đến sự ổn định và tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, các nước không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cũng đang tăng cường những nỗ lực “giảm căng thẳng ở biển Đông”.

Cụ thể, Mỹ, Nhật Bản cùng với các nước như Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc đã tìm cách khẳng định vai trò nhiều hơn trong việc ổn định các tuyến thông thương trên biển (SLOC), khẳng định tầm quan trọng của biển Đông đối với an ninh năng lượng cũng như lợi ích thương mại của khu vực.

Ngụy biện bằng động cơ thương mại

Bắc Kinh cứ khăng khăng việc hạ đặt giàn khoan 981 ở cách đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 17 hải lý là quyết định thương mại của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Trung Quốc còn tranh luận rằng động thái mới nhất của nước này đơn thuần chỉ là việc mở rộng “hợp lý” các cuộc thăm dò trong khu vực giàu khí đốt mà trước đó nước này đã làm.

Song theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thì Việt Nam có toàn quyền tài phán ở khu vực mà giàn khoan 981 đang thăm dò. Do đó, Trung Quốc đã xâm phạm các đặc quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giới chuyên gia cho rằng chiến lược này đang khiến Trung Quốc phải trả giá đắt về danh dự trên trường quốc tế. Giáo sư Lowell Bautista nhận định nếu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế thì nước này không chỉ gây nguy hiểm và phá vỡ lề thói luật pháp, mà còn đe dọa đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong các mối quan hệ quốc tế.

“Trong tranh chấp lãnh thổ, thường các quốc gia trên thế giới tuân theo luật pháp quốc tế để giữ vị thế và danh tiếng của mình là một thành viên biết tuân thủ luật pháp của cộng đồng quốc tế, để tránh những lệnh trừng phạt gián tiếp hay trực tiếp khi họ vi phạm” - ông Bautista cho biết.

Ông Heydarian nhận định Bắc Kinh đã gián tiếp biện minh cho học thuyết “đường chín đoạn” của mình và sử dụng học thuyết này như một tài liệu cơ sở để nhai đi nhai lại vấn đề chủ quyền “cố hữu” và “không thể tranh chấp”, hòng chiếm trọn biển Đông.

Thừa biết “đường chín đoạn” của mình còn nhiều điểm yếu, Trung Quốc luôn sử dụng chiến lược “mập mờ” trong ngôn ngữ giải thích về quan điểm chủ quyền cũng như những vấn đề liên quan đến luật pháp, chứng cứ lịch sử về các đảo ở biển Đông mỗi khi có những hành động gây hấn với các nước dọc biển Đông, cụ thể là lần gây hấn hơn một tháng qua đối với Việt Nam.

MỸ LOAN
0

Trung Quốc xây đảo nhân tạo để lập vùng phòng không trên Biển Đông

(Dân trí) - Động thái của Trung Quốc nhằm xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã chứng tỏ sự thay đổi của Bắc Kinh từ phòng thủ sang tấn công. Đây cũng được xem là bước đi tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.


Một công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South) của Việt Nam.

Trung Quốc đang xem xét việc mở rộng cơ sở lớn nhất của mình tại Bãi Chữ Thập thành một hòn đảo nhân tạo, với cả đường băng và hải cảng, để thúc đẩy mạnh mẽ sức mạnh quân sự ở Biển Đông, một học giả và một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho hay.

Bãi Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988.

Theo giới phân tích, kế hoạch mở rộng Bãi Chữ Thập, nếu được phê chuẩn, sẽ là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi về chiến lược của Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền kéo dài từ vị thế phòng thủ sang tấn công. Đây cũng được xem là một bước đi tiến tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Philippines hồi tháng trước đã phản đối các hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South) gần đó.

Trong bối cảnh các diễn biến gần đây ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý của thế giới đối với Trung Quốc, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc cải tạo Bãi Chữ Thập có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia láng giềng.

Kế hoạch đã được trình lên chính phủ trung ương

Jin Canrong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho biết đề xuất xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại Bãi Chữ Thập đã được trình lên chính phủ trung ương. Hòn đảo nhân tạo sẽ rộng ít nhất gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ Diego Garcia - một đảo san hô rộng 44 km2 ở giữa Ấn Độ Dương.
Trung Quốc gần đây đã xây dựng các cơ sở trên Bãi Chữ Thập, trong đó có một trạm quan sát.

Li Jie, một chuyên gia hải quân từ Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc, cho hay hòn đảo nhân tạo sẽ bao gồm một đường băng và một cảng. Sau khi mở rộng, hòn đảo sẽ tiếp tục là nơi đặt trạm quan sát và để cung cấp hỗ trợ và tiếp tế quân sự.

Một quan chức cấp cao đã nghỉ hưu giấu tên của quân đội Trung Quốc tiết lộ rằng việc xây dựng một đường băng tại Bãi Chữ Thập có thể cho phép Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn cho việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Tuyến bố của Bắc Kinh về một dùng như vậy trên Hoa Đông hồi tháng 12 năm ngoái đã gây ra những lo ngại đối với các quốc gia Đông Nam Á rằng một ADIZ tương tự sẽ được áp đặt ở Biển Đông.

Bãi Chữ Thập nằm gần các tuyến đường biển và có thể trở thành một điểm đỗ hải quân chiến lược, Alexander Neill, một trong những đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La 13 tại Singapore mới đây, cho biết.

Ông Jin cho hay việc cân nhắc có hay không và làm cách nào để thực hiện kế hoạch đảo nhân tạo tại Bãi Chữ Thập có thể phụ thuộc vào tiến triển công việc cải tạo tại bãi đá Gạc Ma.

"Đó là một dự án xây dựng trên biển rất phức tạp, vì vậy chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ bãi đá Gạc Ma", ông Jin nói.

Âm mưu xây dựng từ nhiều năm trước


Trung Quốc đã âm mưu các tham vọng hải quân từ nhiều năm trước.

Từ cuối tháng trước, các thông tin về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo đã lan truyền trên báo chí Trung Quốc. Trích dẫn một báo cáo được đăng tải trên trang web của Viện nghiên cứu và thiết kế đóng tàu số 9 Trung Quốc (NDRI) tại Thượng Hải, tờ Thời báo Hoàn cầu cho hay kế hoạch đảo nhân tạo - vốn chưa rõ ràng - có thể bao gồm một đường băng và một bến tàu.

Zhang Jie, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Học viện khoa học Trung Quốc, cho biết Trung Quốc từ lâu đã nghiên cứu cải tạo đảo. Các viện nghiên cứu và các công ty đã phác thảo các thiết kế khác nhau trong thập niên qua. Chuyên gia này nói thêm rằng bà đã tham dự cuộc thảo luận về một đề xuất nhiều năm trước.

"Chúng tôi đã có khả năng xây dựng các đảo nhân tạo nhiều năm trước, nhưng chúng tôi phải kiềm chế vì chúng tôi không muốn gây quá nhiều tranh cãi", bà Zhang nói.

Tuy nhiên, năm nay đã chướng kiến một "bước ngoặt" khi Bắc Kinh liên tiếp tiến hành các hành động khiêu khích trong khu vực, trong đó có việc triển khai một giàn khoan dầu trái phép trong lãnh hải Việt nam.

"Chắc chắn rằng việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo có thể trợ giúp tiếp tế cho các tàu và các giàn khoan gần đó, nhưng điều này cũng gây những ảnh hưởng rất tiêu cực trong khu vực", bà Zhang nhận định.

Theo bà Zhang, những động thái như vậy có thể làm gia tăng sự ngờ vực giữa các láng giềng của Trung Quốc và gây mất ổn định trong khu vực.

Bộ quốc phòng và bộ ngoại giao Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì về các thông tin trên.

An Bình
Theo SCMP, Wantchinatimes
0

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Báo Nga phản bác Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa

Tờ báo này cũng cảnh báo về sai lầm to lớn nếu ai đó quyết định ngả theo Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông.

Ngày 1/6, trên trang mạng của tờ báo Nga “Gazeta.ru” có đăng bài bình luận – phân tích của nhà báo Vladimir Koriaghin về những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc tiến hành việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Bài báo có nhan đề “Người Việt Nam không bao giờ chấp nhận”, với hơn 2.500 từ, phân tích khá chi tiết từ cứ liệu lịch sử đến những hành động của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây... để khẳng định tính phi lý của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.


Ảnh chụp màn hình tờ báo Nga và bài báo nói về Hoàng Sa

Mở đầu, bài báo nêu vấn đề: Bất đồng giữa các quốc gia trong vùng Biển Đông đang gây ra những xung đột về lãnh thổ, trong đó một bên là CHND Trung Hoa. Và “Gazeta.Ru” tìm ra lịch sử các xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam khi lý giải vì sao quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.

Với đề mục “400 năm không Trung Quốc”, bài báo đã dẫn ra một số cứ liệu địa lý, lịch sử để khẳng định rằng, quần đảo Hoàng Sa trong mấy thế kỷ gần đây không có trong bản đồ của Trung Hoa thời cổ lẫn kim. Tác giả nêu vị trí kinh độ, vĩ độ, rồi nêu một điểm đáng ghi nhận trong tập bản đồ cổ của Việt Nam từ Thế kỷ thứ 17, khẳng định trong đó lần đầu tiên nhắc đến tên “Cát Vàng” (tức “Hoàng Sa”) và quần đảo “Spratli”.

Theo các cứ liệu lịch sử, vào năm 1721, một Công ty của Việt Nam mang tên “Công ty Hoàng Sa” đã được thành lập nhằm khai thác các đảo trong vùng Biển Đông cũng như cử các đội tàu tới đó. Trong khi đó thì trong tất cả các tư liệu cùng thời của Trung Quốc, không hề có chữ nào nhắc tới Spratli hay Paraseli.

Bài báo còn đưa ra những tư liệu lịch sử nói về sự có mặt liên tục của Việt Nam qua các thời kỳ và đến tận đầu thế kỷ 19, khi Thực dân Pháp đô hộ và lập từ điển Latin – An Nam thì quần đảo Hoàng Sa vẫn được lấy theo tên gọi “Cát vàng” của Việt Nam. Một câu chuyện được dẫn ra để chứng minh việc Trung Quốc không hề có vai trò gì ở đây là vào cuối thế kỷ 19, trong khu vực Hoàng Sa xảy ra tại nạn với 2 chiếc tàu của Vương Quốc Anh chở nhiều tài sản quý. Người dân Trung Quốc thuộc tỉnh Hải Nam đã chiếm hết số tài sản này, khiến người Anh nổi giận. Nhưng khi đó, người Trung Quốc đã trả lời rằng, Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, bởi thế Chính quyền nước này không chịu trách nhiệm gì về những việc xảy ra trên quần đảo này.

Sau những phân tích đó, tác giả bài báo cho rằng, những hành động của Trung Quốc gây mâu thuẫn và tranh chấp trong khu vực Hoàng Sa là do tư tưởng bá quyền của Trung Quốc. Tác giả tiếp tục đưa ra những cứ liệu lịch sử để vạch ra những hành động sai trái của Trung Quốc khi từng bước “Hán hóa” quần đảo Hoàng Sa.

Từ chỗ cho ra bản đồ hành chính mới của Trung Quốc năm 1933 gọi quần đảo Spratli và Parasel là Nam Sa và Tây Sa... rồi đến việc vào năm 1947 Trung Quốc chính thức tuyên bố các tên gọi Nam Sa và Tây Sa cho các quần đảo mà Trung Quốc chiếm trước khi người Pháp cùng người Việt Nam ra giải giáp vũ khí của quân Nhật sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Tiếp đó là nhiều sự kiện khác nữa, trong đó có việc Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm hoàn toàn được tác giả bài báo nhắc lại thông qua sự kiện xảy ra vào tháng 1/1974. Khi đó Trung Quốc đã dùng vũ lực để nắm quyền kiểm soát và bắt đầu chuẩn bị khai thác trong khu vực Spratli.

Tác giả bài báo dùng cụm từ “Bắc Kinh đốn củi” để nói về quan điểm không thay đổi của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông. Thời gian đó, khi dầu mỏ và khí đốt được tìm thấy vào đầu những năm 1990 cách không xa quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đứng ngồi không yên.

Đã xảy ra những va chạm ở phạm vi cục bộ trên vùng Biển Đông trong nhiều năm, nhưng không dẫn đến đụng độ quân sự.

Rồi đến sự kiện giàn khoan Hải Dương – 981. Tác giả bài báo, Vladimir Kuriaghin khẳng định Trung Quốc đã để xảy ra xung đột trong vùng đặc quyền kinh tế không phải của Trung Quốc. Tác giả dẫn ra những hành động, lời phát biểu của cộng đồng quốc tế cũng như của người dân Việt Nam phản đối việc làm của Trung Quốc và cho rằng, Trung Quốc đã không đưa ra những phản hồi xây dựng đối với những đòi hỏi hợp pháp từ phía các đại diện của cộng đồng thế giới.

Cũng trong bài báo của mình, tác giả Kuriaghin trích dẫn ý kiến của các chuyên gia có uy tín nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Biển Đôngvà quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, thông qua cuộc trao đổi của họ với “Gazeta.Ru”, để lý giải về bản chất của những gì đang diễn ra và triển vọng giải quyết xung đột. Đó là Grigori Locshin, Tiến sỹ Khoa học Lịch sử, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Ivan Melnikov, Phó Chủ tịch Thứ Nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản LB Nga, Phó Chủ tịch Thứ Nhất Duma Quốc gia Nga (tức Hạ Viện); Giáo sư Viện Hàn lâm Quốc phòng Australia Carl Thayer, một trong những chuyên gia uy tín nhất trong nghiên cứu Biển Đông; Nicolai Kolesnic, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức Xã hội liên vùng các cựu chiến binh Nga tại Việt Nam; Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Peterburg Vladimir Kolotov và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga Ilya Usov....

Qua các ý kiến này, việc làm của Trung Quốc càng bị khẳng định là sai trái, gây bất ổn trong khu vực. Dư luận chung đều lo ngại diễn biến căng thẳng này và bày tỏ mong muốn các bên giải quyết xung đột bằng thương lượng hòa bình.

Đặc biệt, trong ý kiến của mình, nhà nghiên cứu Ilya Usov nêu: “Trung Quốc và Việt Nam là những đối tác chiến lược duy nhất của Nga ở Đông Á. Trước đây đất nước chúng ta giữ quan điểm trung lập trong những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Với sự thay đổi trong đường lối chiến lược của Nga xuất hiện một mối nguy hiểm (đây quả thực là nguy hiểm), rằng Moscow có thể xem xét lại quan hệ của mình trước những quan điểm của các bên trong vùng Biển Đông, thay đổi quan điểm trung lập hoàn toàn bằng ngả về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu điều đó xảy ra thì sẽ là sai lầm”./.

Theo Điệp Anh
VOV-Moscow
0

Trung Quốc sai lầm khi cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam

“Điều chúng ta cần là giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đừng ai động vào hai giá trị thiêng liêng ấy của chúng ta”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Ảnh: Việt Dũng

Vừa trở về từ Đối thoại Shangri-La (Singapore), thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dành riêng cho Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn về những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông.

Trung Quốc áp đặt cách hành xử mới

* Thưa ông, đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, họ không ngần ngại đe dọa bạo lực và sử dụng bạo lực, đã gây ra hậu quả như đâm chìm tàu cá, đâm thủng tàu chấp pháp của Việt Nam. Là một tướng lĩnh quân đội, tâm trạng ông thế nào?
"Điều mà quốc tế lo ngại chính là những tiền lệ hôm nay xảy ra với Việt Nam thì ngày mai có thể sẽ xảy ra với nước khác, hôm nay xảy ra trên biển thì ngày mai sẽ xảy ra trên bộ và ngày kia sẽ xảy ra trên không. Và như vậy vấn đề chủ quyền của Việt Nam tự nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam nữa. Bảo vệ lẽ phải của Việt Nam, vì vậy cũng là bảo vệ chân lý chung, lợi ích chung của thời đại" - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

- Cảm nghĩ đầu tiên của tôi? Tôi nghĩ đây là một bước đột phá mới của Trung Quốc muốn thật sự chiếm lĩnh lợi thế và lợi ích trên biển Đông trong phạm vi đường chín đoạn mà họ tự ý vẽ ra.

Đứng trước tình hình như vậy thì chúng ta thấy rằng rõ ràng chủ quyền của Việt Nam bị đe dọa, nói rộng ra là an ninh quốc gia, độc lập tự chủ, hòa bình ổn định của chúng ta bị đe dọa. Chúng ta hết sức quan ngại trước hành động nghiêm trọng này.

Nhân dân ta bày tỏ thái độ rõ ràng, Nhà nước ta bày tỏ thái độ thiện chí rõ ràng là Trung Quốc cần phải dừng lại để đàm phán, giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Dư luận quốc tế, rõ nhất là tại hội nghị Shangri-La vừa rồi, cũng đều thấy rằng những hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý của thời đại và vi phạm những gì Trung Quốc đã cam kết với Việt Nam.

Mới đây thôi, năm 2012, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng biên bản về cách ứng xử trên biển Đông của hai nước.

Tất cả những điều đó đều bị Trung Quốc bỏ qua. Họ đã sai lầm khi quyết tâm cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam, bất chấp những điều tối thiểu mà một quốc gia trong thế giới văn minh phải thực hiện.

* Ông có cắt nghĩa được tại sao Trung Quốc làm điều này khi mà một nước lớn, đặc biệt là một quốc gia có ghế trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc lại hành xử như vậy?

- Bạn hỏi tôi tại sao họ làm như vậy thì tôi cũng không trả lời được. Nếu tôi là một người Trung Quốc thì tôi cũng không bao giờ làm như vậy. Vì sao thế?

Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với tuyên bố là khai thác dầu khí, và lý do là Việt Nam đã khai thác quá nhiều rồi, bây giờ đến lượt Trung Quốc.

Ô hay, Việt Nam khai thác trên vùng biển của Việt Nam cơ mà, tại sao lại phải chia cho Trung Quốc? Với tư cách một nước lớn, đông dân nhất thế giới, với một giấc mơ Trung Hoa và họ nói là trỗi dậy hòa bình, vậy thử hỏi là một vài giếng dầu (nếu có) có giá trị gì so với đại cục?

Nhìn rộng hơn, những vấn đề ở biển Hoa Đông, hay tại bãi cạn Scarborough với Philippines thì Trung Quốc được gì so với hình ảnh Trung Quốc không còn là một đất nước trỗi dậy hòa bình nữa.

Thay vào đó là một đất nước đơn phương dùng sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế để cưỡng bức nước khác, điều này tôi nghĩ rằng lợi thì ít mà hại thì nhiều.

Vậy Trung Quốc muốn gì? Ở đây tôi nghĩ và tôi hi vọng điều ấy đừng xảy ra là Trung Quốc muốn đây chỉ là bước đột phá đầu tiên để áp đặt cách hành xử mới trong quan hệ quốc tế, đó là dùng sức mạnh, đe dọa vũ lực để chiếm lĩnh những lợi ích không phải của họ.

Đây là điều không thể chấp nhận được trong thế giới hiện đại. Tôi xin nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không có lợi gì trong những cách hành xử như vậy. Tôi muốn hỏi những người láng giềng Trung Quốc là một vài mỏ dầu ấy có làm cho Trung Quốc giàu lên không? Hay một vài mỏ dầu ấy chỉ làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc?

Với tư cách một người láng giềng, tôi muốn nói rằng Trung Quốc hãy dừng lại, hãy đi con đường phát triển chính đáng của mình. Họ có thể trở thành một cường quốc, thậm chí là cường quốc số 1 thế giới, nếu họ thật sự đi theo con đường phát triển hòa bình.

Một cú đâm mạnh của tàu Trung Quốc vào tàu cảnh sát biển 2016 trên vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: My Lăng

Chiến lược “hạm mà không pháo”

* Trước đây ông từng lo ngại chiến lược “ngoại giao pháo hạm” của các nước lớn khi can dự vào biển Đông, phải chăng hành động này của Trung Quốc xảy ra đúng với điều lo ngại đó?

- Với những gì Trung Quốc thực hiện trong thời gian qua thì tôi lại nghĩ từ ấy không phù hợp lắm. Ở đây điều đang xảy ra là chiến lược ngoại giao “hạm mà không pháo”, dùng sức mạnh phi quân sự hoặc bán quân sự để áp đặt ý đồ và tham vọng của mình.

Trên thế giới văn minh thì chắc không ai thiết kế tàu biển dùng vào mục đích đâm nhau và thiết kế vòi rồng để tấn công người khác.

Đó là chưa kể Trung Quốc đã điều tàu tên lửa, tàu quân sự bao vây vòng ngoài để đe dọa. Sự thật những ngày vừa qua là Trung Quốc đã dùng vũ lực phi quân sự để đe dọa, trấn áp lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Có lẽ chúng ta phải tìm ra một từ ngữ nào mới để mô tả chiến lược của Trung Quốc.

* Ông cũng từng nói rằng một trong những đặc trưng của ý thức hệ của Việt Nam và Trung Quốc là Đảng Cộng sản lãnh đạo, nếu có được một người bạn XHCN rất lớn ở bên cạnh hợp tác cùng có lợi thì sẽ rất thuận lợi cho Việt Nam. Nhưng, “ý thức hệ” trong tình hình hiện nay cho thấy điều gì, thưa Thứ trưởng?

- Cho đến nay tôi vẫn giữ quan điểm này. Việt Nam cũng như Trung Quốc đang đi theo chế độ XHCN, dù muốn dù không thì vẫn có sự đồng cảm, tương đồng nhất định.

Đó cũng chính là nguyên nhân mà cho đến giờ phút này chúng ta vẫn kêu gọi thiện chí và tính toán chính xác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu họ để chủ nghĩa dân tộc cực đoan, lợi ích phi lý lấn át bản chất CNXH thì không có nghĩa là cứ cùng ý thức hệ thì sẽ hợp tác với nhau đầy đủ.

Ý thức hệ XHCN có bao giờ cho phép anh đi ngược lại chân lý, đạo lý thời đại, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của nước khác đâu.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà muốn bình đẳng thì luật pháp quốc tế, các chuẩn mực chung phải được tuân thủ, không được xâm phạm lợi ích của nhau.

* Nhưng thực tế Trung Quốc đang “bật xinhan bên trái, bẻ tay lái sang phải”?

- Điều này cũng không nên kết luận vội vàng. Chúng ta không nói chữ Trung Quốc chung chung, bởi vì nhân dân Trung Quốc, những đảng viên chân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi tin là họ không nghĩ như vậy.

Vấn đề ở đây là lãnh đạo Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc có phản ánh đúng tình hình hay không, hay vẫn nói rằng Việt Nam đang xâm lấn lợi ích của Trung Quốc? Việt Nam khiêu khích Trung Quốc?

Đây là việc mà dư luận quốc tế và chính Việt Nam phải làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu là Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Tôi tin rằng nếu người dân Trung Quốc hiểu đầy đủ những gì xảy ra trên thực tế thì họ sẽ không đồng tình với những hành động mà Trung Quốc gây ra thời gian qua.

* Liệu có ai tin rằng Việt Nam đang khiêu khích Trung Quốc?

- Tất cả những người chứng kiến thực tế đều thấy rằng không đúng như vậy. Chính vì chúng ta minh bạch, không có gì phải giấu giếm, cho nên chúng ta đã mời phóng viên trong nước và quốc tế lên tàu, đến thực địa chứng kiến tình hình và chúng ta đã để các phóng viên tự do tác nghiệp và bình luận.

Đến thời điểm này, tôi chưa thấy phóng viên nào có mặt tại hiện trường phản ánh rằng Việt Nam quấy rối hoặc khiêu khích Trung Quốc.


Những vết thủng trên tàu cảnh sát biển 2016 được gia cố lại bằng những vật liệu thô sơ - Ảnh: My Lăng


“Có thể xảy ra với nước khác”

* Thưa ông, ông đã nghe gì về dư luận xung quanh phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La?

- Bạn hãy tưởng tượng trong một không khí rất “nóng”, căng thẳng tại diễn đàn Shangri-La vừa rồi, đặc biệt là khi các đại diện của Mỹ, Nhật... có những phát biểu hết sức thẳng thắn, thì có một số người mong muốn rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cần “rắn” hơn.

Nhưng hãy điềm tĩnh lại thì nhiều người sẽ đồng tình rằng sự mềm mỏng nhưng luôn giữ nguyên tắc của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là thể hiện thiện chí và mong muốn hòa bình của Việt Nam.

Chúng ta lại nhớ rằng trong các cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt mà Việt Nam phải đối mặt trong thế kỷ 20, Bác Hồ và các nhà lãnh đạo quân đội Việt Nam luôn luôn khẳng định quân đội của chúng ta là quân đội của hòa bình. Việt Nam xây dựng quân đội không phải để đi gây hấn, gây sự.

Trong tình hình hiện nay, mọi cách hành xử của chúng ta phải hết sức bình tĩnh, tính toán kỹ càng. Chúng ta không bao giờ tự gây căng thẳng với Trung Quốc, chúng ta không muốn làm xấu mặt Trung Quốc, chúng ta không tranh hơn thua với Trung Quốc - điều chúng ta cần là giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Đừng ai động vào hai giá trị thiêng liêng ấy của chúng ta. Còn Việt Nam có kiên quyết hay không, xin hãy đọc lại lời phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 9 của Tổng bí thư và phát biểu của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội của chúng ta đã thể hiện tại các diễn đàn khác nhau trong thời gian vừa qua.

* Những nhà lãnh đạo quân đội và lãnh đạo Quốc hội Trung Quốc đã tham dự Hội nghị Shangri-La 2014, khi nghe các quan khách quốc tế ủng hộ chủ trương, giải pháp của Việt Nam về tình hình biển Đông thì họ đã nổi cáu. Ông bình luận gì trước phản ứng này của Trung Quốc?


“Tôi ngạc nhiên trước cách hành xử của họ”

*Cá nhân ông có bất ngờ trước việc Trung Quốc chủ động tạo ra cái gọi là sự kiện giàn khoan không?

- Tôi không bất ngờ trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà tôi ngạc nhiên trước sự tính toán sai lầm của Trung Quốc, đặc biệt là cách hành xử của họ. Cách hành xử ấy có thể đem đến lợi thế trong chốc lát dựa vào sức mạnh, nhưng nó không thể tồn tại lâu dài vì dòng chảy chính của xã hội loài người là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Đấy cũng chính là phát ngôn của lãnh đạo Trung Quốc và họ phải chứng minh là họ cũng đi theo cái dòng chảy ấy.


- Trước hết tôi muốn nói về không khí Shangri-La năm nay. Họ đề cập đến nhiều vấn đề về an ninh, nhưng tâm điểm biển Đông đã chiếm rất nhiều thời gian, phát biểu của các nhà lãnh đạo quốc phòng và các chính khách, học giả.

Tôi chưa thấy một ai nói là Việt Nam sai, yêu cầu Việt Nam phải làm thế này, thế kia. Lý do rất đơn giản ở chỗ là những gì Việt Nam làm đã thể hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế quá rõ ràng.

Những ý kiến nói rằng Trung Quốc thế nọ, thế kia và đôi khi làm cho đại diện đoàn Trung Quốc mất bình tĩnh là do họ không hiểu được ý muốn của những người tham gia hội nghị.

Tôi cho rằng không phải quan khách quốc tế công kích Trung Quốc, mà điều họ lo ngại chính là những tiền lệ hôm nay xảy ra với Việt Nam thì ngày mai có thể sẽ xảy ra với nước khác, hôm nay xảy ra trên biển thì ngày mai sẽ xảy ra trên bộ và ngày kia sẽ xảy ra trên không.

Và như vậy vấn đề chủ quyền của Việt Nam tự nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam nữa. Bảo vệ lẽ phải của Việt Nam, vì vậy cũng là bảo vệ chân lý chung, lợi ích chung của thời đại.

Trong thế giới văn minh không thể có chuyện một quốc gia ngang nhiên giẫm đạp lên chân lý, luật pháp quốc tế và đơn phương dùng vũ lực để ép buộc quốc gia khác.

* Ông trả lời báo chí rằng chúng ta kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình thì đến lúc nào đó Trung Quốc sẽ thay đổi. Ông tin Trung Quốc sẽ thay đổi thật ư?

- Tôi luôn tin yếu tố lợi ích quốc gia sẽ được Trung Quốc cân nhắc kỹ càng với tính toán chiến lược dài hơi của người Trung Quốc nói chung và ban lãnh đạo Trung Quốc nói riêng.

Lịch sử Trung Quốc cũng đã chứng minh điều này. Lịch sử hàng ngàn năm của họ đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng khi nào Trung Quốc tạo được mối quan hệ tốt đẹp với thế giới bên ngoài, không thể hiện tham vọng bá quyền phi lý bằng những hành xử thiếu tính toán thì Trung Quốc ổn định và phát triển.

* Nhưng rõ ràng là với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã cố tình tạo ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước?

- Nói như vậy cũng đúng. Đó là họ đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chính những gì lãnh đạo của họ đã cam kết với lãnh đạo Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng giai đoạn này ngắn hay dài, có đem lại những hậu quả xấu hơn hay không thì còn tùy thuộc vào Việt Nam, vào ứng xử của Trung Quốc, và đặc biệt là tùy thuộc vào phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc không thể đứng một mình và nói rằng họ muốn làm gì thì làm. Cá nhân tôi luôn mong muốn Trung Quốc phát triển hòa bình bởi điều này cũng có lợi cho Việt Nam.

“Nếu họ đem chiến tranh đến thì ta buộc phải bảo vệ đất nước”

* Thưa ông, những ngày này đường dây nóng giữa bộ quốc phòng hai nước đã hoạt động như thế nào?

- Cho đến nay đường dây nóng về nguyên tắc đã được thỏa thuận, nhưng về mặt kỹ thuật thì đang được xúc tiến. Tuy nhiên, chúng ta luôn chủ động đề nghị trao đổi qua nhiều kênh khác nhau.

Đó là các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với lãnh đạo cấp cao quân đội Trung Quốc, các cuộc gặp riêng ở Nay Pyi Taw (Myanmar) và cuộc gặp mới đây của tôi với phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tại Shangri-La...

Cá nhân tôi trong các cuộc gặp ấy luôn nói đi nói lại rằng Việt Nam luôn muốn duy trì, củng cố mối quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu kiên quyết là Trung Quốc dừng hoạt động giàn khoan Hải Dương 981 và rút ra ngoài thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước mắt là giảm bớt căng thẳng, rút toàn bộ tàu quân sự và máy bay trên thực tế, không có hành vi chủ động đâm va tàu Việt Nam và đặc biệt là không được đe dọa, xâm phạm tính mạng ngư dân Việt Nam bởi đó là hành động vô nhân đạo. Sau đó hai nước sẽ ngồi đàm phán với nhau.

* Chúng ta rất thiện chí khi đã tiến hành mấy chục cuộc giao thiệp qua con đường ngoại giao, nhưng đổi lại Trung Quốc vẫn gia tăng các hành vi bạo lực và đe dọa bạo lực. Vâng, mọi sự chịu đựng có giới hạn, nếu họ cứ tiếp tục sử dụng bạo lực, thậm chí thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng thì chúng ta phải làm gì?

- Ở đây có hai mặt của vấn đề. Mặt thứ nhất là chúng ta phải kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình, kiên trì giữ quan hệ với Trung Quốc và không cắt đứt.

Như tôi đã nói ban đầu, Trung Quốc sẽ không thể nói “không” mãi được khi Việt Nam đấu tranh kiên trì, mạnh mẽ và được cộng đồng thế giới lên tiếng ủng hộ.

Mặt thứ hai là chúng ta phải kiên trì bám biển, bám ngư trường, kiên trì đấu tranh trên thực địa và chúng ta tìm ra biện pháp đấu tranh mà không để các hành động vũ lực, thô bạo của Trung Quốc ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của lực lượng chấp pháp và của ngư dân ta trên biển.

Chúng ta mong những việc như vậy kết thúc sớm và chúng ta ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng sẵn sàng kiên trì lâu dài thực hiện quyền bảo vệ chủ quyền trên biển, bảo vệ ngư dân và tuyên truyền, cản phá để Trung Quốc hiểu được một điều là không bao giờ Việt Nam khoanh tay nhìn Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình.

* Thông thường có ba cách để giải quyết tình hình như hiện nay: một là thông qua đàm phán chính trị, hai là quân sự đối đầu và ba là đấu tranh pháp lý. Về đàm phán chính trị, đến nay Trung Quốc không bày tỏ thiện chí; quân sự thì chắc chắn là cả hai bên đều không muốn; vậy phải chăng chỉ còn cách thứ ba?

- Nói vậy là thiếu chính xác. Không thể vạch ra ba con đường và chỉ chọn một. Để bảo vệ chủ quyền thì chúng ta có nhiều biện pháp được sử dụng cùng lúc, đồng bộ.

Việc đầu tiên chúng ta phải làm là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng của toàn dân, cả nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ để tiếp tục phát triển.

Thứ hai là chúng ta phải có giải pháp tốt trên thực địa để khẳng định Việt Nam không bao giờ làm ngơ trước những sai phạm của Trung Quốc, mặc dù họ nhiều tàu hơn nhưng không vì thế mà chúng ta mất ý chí.

Thứ ba là chúng ta tăng cường tuyên truyền trên các diễn đàn quốc tế để nói lên sự thật và lẽ phải.

Thứ tư là chúng ta vẫn duy trì quan hệ với Trung Quốc, bởi đấu tranh gì thì cuối cùng hai bên vẫn phải ngồi lại với nhau, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và trên cơ sở luật pháp quốc tế thì mới mong giải quyết được vấn đề.

Gần đây có nhiều người đề cập đến giải pháp kiện ra tòa án quốc tế. Tôi cho rằng đây cũng là một biện pháp đấu tranh hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Nói cách khác đây thực chất cũng là một biện pháp đấu tranh chính trị dưới góc độ pháp lý. Chúng ta phải sử dụng đồng thời các biện pháp nêu trên để buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán và cùng đưa ra một giải pháp mà đôi bên cùng chấp nhận được.

Còn đụng độ quân sự ư? Chúng ta sẽ làm mọi biện pháp để không xảy ra điều đó. Rõ nhất là vừa qua tàu chúng ta bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm, va nhưng chúng ta đã không sử dụng phương pháp thô bạo mà họ đã thực hiện với chúng ta.

Họ đâm chìm tàu ngư dân của ta nhưng ta không đâm chìm tàu ngư dân của họ. Tôi nghĩ đó là sức mạnh, là nhân đạo của Việt Nam chứ không phải là chúng ta sợ.

Còn nếu khi Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác đem chiến tranh đến với chúng ta thì buộc lòng chúng ta phải bảo vệ đất nước mình.

Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không lựa chọn phương án này, và nếu như họ lựa chọn thì đó sẽ là sai lầm lớn nhất trong thế kỷ này, sai lầm mang tính chất chiến lược toàn cầu của họ.

Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc, một quốc gia đáng được tin cậy và tôn trọng nếu họ gây chiến với Việt Nam.

* Có người cho rằng một khi đã đem nhau ra tòa thì khác nào bát nước hắt đi, không nhìn mặt nhau nữa. Nhưng cũng có người nghĩ rằng đó là giải pháp văn minh trong một thế giới văn minh, ông nghĩ sao?

- Kiện đâu phải để là cắt hết, đâu phải là tôi kiện để ông đi tù. Kiện là việc lựa chọn tòa án quốc tế để họ phân xử ai đúng ai sai.

Phán quyết của tòa sẽ khiến thế giới hiểu minh bạch, rõ ràng và cũng sẽ giúp Việt Nam và Trung Quốc có cơ sở pháp lý vững chắc để đàm phán xử lý các vấn đề trên biển. Nếu Trung Quốc khăng khăng rằng họ đúng thì hãy cùng với Việt Nam ra tòa án quốc tế.

Nói rằng kiện sẽ mất hết quan hệ, tôi cho rằng nghĩ như vậy cũng không phải. Thực tế là trong năm nước thành viên cố định của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thì có bốn nước đã dính vào các vụ kiện quốc tế. Tất nhiên, kiện hay không là chuyện phải tính toán rất kỹ, trừ khi Trung Quốc buộc chúng ta phải kiện và điều này thời gian sẽ trả lời.

ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN thực hiện
Báo Tuổi Trẻ
0

Chùm ảnh: Tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam


Chỉ còn ít ngày nữa, tàu KN-781 – tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam – sẽ được đơn vị đóng tàu Hạ Long bàn giao cho Cục Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển chủ quyền Việt Nam tại khu vực mà giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu của Trung Quốc đang hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam.


KN-781 do Tập đoàn Damen (Hà Lan) thiết kế và chuyển giao kỹ thuật đóng mới theo tiêu chuẩn Châu Âu. Tàu có chiều dài 90,50 mét, rộng 14 mét, trang bị 4 máy công suất lớn 12.016 mã lực và có lượng choán nước lên đến 2.400 tấn. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm phòng điều khiển chỉ huy của tàu KN-781 với những trang thiết bị hiện đại.


Bãi đỗ cho máy bay trực thăng phía đuôi tàu.


Phòng đặt 4 động cơ với 12.016 mã lực.


Súng máy 12 ly 7 và loa phóng thanh công suất lớn LRAD trang bị trên tàu.



Một trong 2 súng phun nước có thể vươn tới 150 mét.


Cabin điều khiển tàu.


Phần đuôi tàu KN-781.


Tàu kiểm ngư KN-782




Nguồn: Lao Động/ Facebook/ Soha News
1

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Australia lo ngại nguy cơ xung đột trên Biển Đông

(VNE) Thư ký Bộ Quốc phòng Australia Dennis Richardson cho rằng nguy cơ xung đột do tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Hoa Đông là có thật, dù không nước nào muốn điều đó xảy ra.


Hai tàu Trung Quốc cùng áp sát, mở vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Nguyễn Đông

"Tôi không tin rằng Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước ASEAN muốn xung đột", ABC News dẫn lời ông Richardson phát biểu tại Thượng viện Australia. "Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra sự cố hoặc tính toán sai lầm luôn luôn tồn tại. Có một sự lo ngại rằng tính toán sai lầm có thể dẫn đến những điều ngoài dự kiến".

Căng thẳng đang dâng cao ở các vùng nước giàu tài nguyên trên Biển Đông và Hoa Đông khi Trung Quốc thực thi các hành động ngày càng mạnh để yêu sách chủ quyền trên biển, tranh chấp với các nước Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam hồi tuần trước là vụ việc mới nhất trong chuỗi đối đầu trên Biển Đông sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Dù các vùng biển trên nằm cách Australia hàng nghìn km về phía bắc, ông Richardson cho rằng nước này vẫn có lợi ích quốc gia trong những gì đang xảy ra. 52% lượng giao thương hàng xuất khẩu của Australia là thông qua Biển Đông.

Ông Richardson bày tỏ sự chia sẻ với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, trong đó lên án Trung Quốc gây bất ổn trên Biển Đông. Ông thừa nhận rằng những hành động gần đây của Trung Quốc là đáng quan ngại.

Australia gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản, tuy nhiên ông Richardson cho hay điều này không ảnh hưởng đến việc hợp tác với Trung Quốc. Australia khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp và ủng hộ việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnson hôm qua cũng nhấn mạnh, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Hoa Đông là một mối lo ngại "thực sự nghiêm trọng" với Australia.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, ông Johnson cho hay Australia sẽ nỗ lực thuyết phục Trung Quốc rằng vẫn có "một con đường khác" không chứa nguy cơ đối đầu và căng thẳng trên biển.

Chính phủ Australia được cho là đang tìm cách thiết lập khả năng phòng thủ trước sự gia tăng những hành động quyết liệt của Trung Quốc trong khu vực. Thủ tướng Australia Tony Abbott đang phải cân bằng các lợi ích quốc gia giữa Mỹ, một đồng minh chiến lược, và Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của nước này.

Anh Ngọc
0

Trung Quốc khoan trúng "núi lửa" ở biển Đông

(ĐVO) Giàn khoan Hải Dương 981 được sử dụng như một hòn đảo di động để giành chủ quyền, nhưng chính giàn khoan này đang lôi TQ vào một vũng lầy khó thoát

Mục đích và thực tế

Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc mang đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một giàn khoan nửa chìm, công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, được người Trung Quốc tung hô là "tượng đài của sức mạnh năng lượng Trung Quốc."

Tuy nhiên, không chỉ sử dụng trong mục đích kinh tế, giàn khoan này còn được Bắc Kinh sử dụng như một hòn đảo di động để áp đặt việc giành giật chủ quyền trên biển. Theo kế hoạch đề ra, Hải Dương 981 sẽ khoan thử nghiệm tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng thực tế, phía Việt Nam cho rằng nơi đây khả năng cao không có dầu. Vậy Trung Quốc muốn khoan cái gì ở đó?

Họ muốn khoan thử nghiệm vào phản ứng của thế giới trước sự ngang ngược, bất chấp của họ. Họ muốn khoan thử vào lòng dân Việt Nam, để xem xem sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh, nhiều thế hệ mới ra đời, quen sống trong nhung lụa đầy đủ có còn lòng tự tôn dân tộc như ngày còn chiến tranh, còn nghèo khổ.

Có lẽ, đó mới chính là những mũi khoan mà Trung Quốc muốn thử nghiệm. Tiếc rằng, lần này Trung Quốc đã khoan phải miệng núi lửa chứ không phải mỏ dầu. Giàn khoan Hải Dương 981 đã kích hoạt lòng yêu nước của người dân Việt Nam, và đây cũng là thứ vũ khí mãnh liệt nhất, lợi hại nhất mà dân tộc nhỏ bé này có, từ bao đời nay.


Giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và tàu kéo bảo vệ

Đồng thời, giàn khoan Hải Dương 981 đã làm Việt Nam tỉnh táo trước những sự hữu nghị viển vông. Như ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông hôm 23/5, khi phóng viên hỏi về vấn đề mối quan hệ hữu nghị và 16 chữ vàng với Trung Quốc: “Xin khẳng định việc chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc Việt Nam, nên không thể đánh đối được. Vàng rất quý, nhưng chủ quyền quốc gia còn quý hơn vàng.”

Việt Nam cũng nhận thấy rằng cần phải có những sự cẩn trọng hơn với Trung Quốc, từ chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự.... Một giàn khoan Hải Dương 981 như một giọt nước làm tràn ly, Việt Nam đã nhận thấy nhiều điều, cần xem xét nhiều thứ, mà trên hết, chủ quyền đang bị đe doạ.

Còn quốc tế, Bắc Kinh sai lầm lớn hơn trên phương diện này. Họ bày ra những lời biện minh ngây ngô, nào là tàu cá Việt Nam muốn tấn công giàn khoan nên tự chìm, nào là cảnh sát biển Việt Nam đâm lực lượng chấp pháp Trung Quốc 171 lần, nào là tàu kiểm ngư Việt Nam tấn công tàu cá vỏ sắt Trung Quốc...

Bắc Kinh quên rằng thế giới đang ở thế kỷ 21, khi đang ở trong một "thế giới phẳng," bạn sẽ không thể che giấu điều gì. Đây không phải cuộc đấu khẩu giữa Bắc Kinh và Hà Nội, bởi những phóng viên quốc tế đang làm nhiệm vụ tương tự như những quan sát viên Liên Hợp Quốc, và sự thực được phơi bày trước ống kính của họ.


Bà Phó Oánh - thiên tài hùng biện của Trung Quốc đã đến Shangri-la quyết đọ thiệt hơn

Tại hội nghị Shangri-La 2014, theo phái đoàn của Trung Quốc có một nhân vật rất đáng chú ý là bà Phó Oánh. Nhân vật này được báo chí phương Tây xưng tụng là người phụ nữ có tài hùng biện nhất Trung Quốc, là "nắm đấm thép bọc nhung," là người có khả năng "thổi tung bất kỳ ai ra ngoài Trái Đất bằng lời nói." Nhân vật này đủ cho thấy Trung Quốc muốn hơn thua ở diễn đàn này.

Nhưng thực tế, dù cho có một Phó Oánh hay mười Phó Oánh thì một sự thực mà Bắc Kinh đang phải thừa nhận, chính họ đã tự thổi mình ra khỏi thế giới khi không nhận được bất kỳ một lời ủng hộ nào cho chiến lược, sách lược chủ quyền của họ.

Đồng thời, Trung Quốc đã tạo ra một cái cớ để Nhật Bản bất chiến tự nhiên thành. Thay vì chạy đua tiền bạc với Trung Quốc trong những gói đầu tư, những nguồn vốn vay ưu đãi, Nhật Bản bỗng dưng trở thành người nói lời chính nghĩa, là bậc quân tử. Nhật Bản tỏ ra cho ASEAN thấy có đại nạn mới tỏ tình bằng hữu, và ASEAN chắc chắn sẽ nắm lấy bàn tay mà Nhật đang chìa ra. Trong cuộc đua ngoại giao, ảnh hưởng này, Trung Quốc thua rồi.

Bị cô lập đã là tồi tệ, nhưng tự cô lập còn nguy hiểm hơn nhiều. Trung Quốc có cả hai hoàn cảnh này. Cái giàn khoan không có lỗi, lỗi là ở những người áp đặt mục đích lên nó, và Bắc Kinh không chỉ muốn khoan thử dầu mà còn muốn nhiều phép thử khác, và thực tế mọi phép thử đều khiến họ bẽ bàng.

Việt Nam có thể làm gì?

Dù biết rằng giàn khoan Hải Dương 981 kéo Trung Quốc vào một bãi lầy, nhưng thói dân tộc chủ nghĩa, quan điểm thiên triều ăn sâu vào tiềm thức những người lãnh đạo Trung Quốc thì khó có thể thay đổi. Họ cho rằng họ đang dư thừa sức mạnh, bãi lầy đang kéo họ xuống kia, họ lại nghĩ rằng đã đặt một chân lên việc hiện thực hoá giấc mơ đẹp về một Đại Trung Hoa.

Việt Nam lên án, thế giới phản đối, cô lập hoàn toàn, nhưng với giàn khoan này, Trung Quốc lâm vào ba trường hợp: hoặc cố đấm ăn xôi, chịu nhiều tốn kém, duy trì đến đúng lộ trình tháng 8 thì rút về. Hoặc rút ngay về nước hay một căn cứ quân sự nào gần đó. Ba là để luôn cái giàn khoan ấy ở lại Hoàng Sa hoặc xa hơn là Trường Sa.

Biện pháp một là thượng sách, hai là trung sách, ba là hạ sách với Trung Quốc. Nhưng nếu Bắc Kinh dùng phương pháp thứ ba, điều này chứng tỏ khát vọng, dã tâm của Trung Quốc là đã không thể kìm chế được nữa.

Trong những hoàn cảnh đó, Việt Nam làm được gì? Điều khả dĩ nhất lúc này là kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Nếu kiện, Việt Nam sẽ thắng. Nếu thắng, thì đó cũng chỉ là chiến thắng trên bàn ngoại giao, trên phương diện thủ tục pháp lý. Trung Quốc không phải một kẻ tôn trọng luật pháp cho lắm.


Ba tàu Trung Quốc vây đánh tàu kiểm ngư của Việt Nam

Bên cạnh đó, cần một sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị ở đây không chỉ là mua sắm khí tài quân sự hay tăng chi tiêu quốc phòng. Việt Nam cần phải có một sự đầu tư hơn về quan hệ quốc tế, chuẩn bị những đường lùi cho mình khi đối tác chính của nền kinh tế là Trung Quốc có trắc trở…

Và biện pháp tốt nhất vào thời điểm này, đó là quốc tế hóa, đưa vấn đề Biển Đông ra thế giới một cách công khai, Việt Nam có thể hoàn toàn mang những lợi ích kinh tế trên vùng đặc quyền của mình để hợp tác với đa dạng các quốc gia.

Làm được điều này, Trung Quốc có muốn nuốt Biển Đông cũng phải bước qua nhiều cường quốc, Việt Nam bất chiến tự nhiên thành.

Đỗ Minh Tú
2

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Đại ca, cướp biển và giun biển

(GDVN) - Người Trung Quốc giỏi hơn Trạng Quỳnh ở chỗ ngoằng một cái họ vẽ ra được những mười một con giun, ấy là cái đường lưỡi bò nguyên thủy có mười một nét.

Trong một phát biểu liên quan đến nhận định của Tổng thống Mỹ Obama: “Nước Mỹ sẽ giữ vai trò lãnh đạo thế giới ít nhất là 100 năm nữa”, Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc nói: “Xem ra cảm giác làm "đại ca thế giới" cũng không tệ. Trong lịch sử Trung Quốc cũng đã từng làm "đại ca thế giới", mà không dưới trăm năm. Bắc Kinh đã có nhiều bài học và kinh nghiệm về sự thịnh suy trong lịch sử”.

Có lẽ cái thời “Trung Quốc làm đại ca thế giới” mà Tần Cương nhắc đến là thời đế quốc Nguyên-Mông, khi đó các đạo quân Mông Cổ chinh phục đất đai từ Á sang Âu, lập nên triều nhà Nguyên ở Trung Quốc. Có điều Tần Cương quên rằng đó là thời kỳ mà đất nước Trung Hoa bị ngoại bang đô hộ.

Chẳng cứ Tần Cương, có lúc người ta còn cho rằng Thành Cát Tư Hãn là anh hùng dân tộc Trung Quốc, đến nỗi Graeme Baker đã phải viết: "Bây giờ có một vài người Mông Cổ ở Trung Quốc, họ có quyền công dân Trung Quốc nhưng điều đó không làm cho người Mông Cổ của thời đại Thành Cát Tư Hãn trở thành người Trung Quốc. Nếu cháu trai của bạn di chuyển đến Mỹ và trở thành một công dân Hoa Kỳ, sẽ không có nghĩa là bạn và cha của bạn là người Mỹ".

Không chỉ Thành Cát Tư Hãn, truyền hình Trung Quốc còn xây dựng một bộ phim nhiều tập (đã chiếu tại Việt Nam) cho rằng Càn Long, vị vua nổi tiếng triều Thanh không phải người Mãn mà người Hán họ Trần ở Chiết Giang.


Hình vẽ vua Càn Long.

Nếu người Mông Cổ nói rằng Bắc Kinh là đất đai của họ vì tám trăm năm trước Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng nên vương triều Nguyên và ngự trị tại đây thì ông Tần Cương sẽ trả lời thế nào? Liệu cái cách thức nhận bừa Thành Cát Tư Hãn và Càn Long là người Trung Quốc chỉ là “tính cách AQ” của giới tinh hoa hay còn chứa đựng ẩn ý sâu xa rằng những gì dính đến Trung Quốc đều thuộc về Trung Quốc, đừng ai hy vọng đòi lại cái gì !!!

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc từng không dưới hai lần khẳng định: “Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc”, thế có nghĩa là dưới con mắt của họ, thiên hạ không còn một quốc gia nào khác, Thái Bình Dương là chỉ dành cho hai nước lớn.

Chợt nhớ lại năm 1980, người Nga cho ra lò bộ phim “Những tên cướp biển của thế kỷ 20”. Đó là bộ phim ăn khách nhất Liên Xô với 87,6 triệu lượt người xem. Năm 2003, người Mỹ xây dựng bộ phim “Cướp biển vùng Caribê 1” và lập tức cũng trở thành một phim ăn khách đến nỗi phải làm tiếp các phần 2,3,4.


Bộ phim ăn khách “Cướp biển vùng Caribê 1” do Mỹ sản xuất.

Trong phim của Mỹ, Jack Sparrow mặc dù là một tên cướp biển khét tiếng nhưng người xem không có cảm giác căm ghét, vẫn còn thấy một cái gì đó nhân văn trong con người tên cướp sừng sỏ nhất vùng Caribê ấy.

Có thể chủ đề cướp biển không những thu hút nhiều người xem mà còn gây được thiện cảm. Nên gần đây giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn qua mặt Nga và Mỹ, không cần dựng phim mà tiến hành dàn dựng một vụ cướp biển thực sự, ấy là việc đưa dàn khoan dầu khí 981 vào hoạt động sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Khi bị Việt Nam và những người hiểu lẽ phải trên thế giới phản đối, họ la lên rằng đó là vùng biển mà cha ông họ đã khai phá từ thời nhà Hán, rằng phần lớn những bằng chứng lịch sử chỉ rõ, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) từ xưa đến nay là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc… Hóa ra Tần Cương và những bậc trưởng bối của ông ta lại cũng quên một điều, rằng từ đời nhà Hán, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện đã cho dựng cái cột đồng đánh dấu biên giới quốc gia giữa Giao Chỉ (Việt Nam) và nhà Hán (Trung Quốc).

Sách Đại Minh nhất thống chí đời Minh ghi: “Cột đồng dựng ở động Cổ Lâu thuộc Khâm Châu (Quảng Tây), còn theo Gia Khánh trùng tu nhất thống chí đời vua Gia Khánh nhà Minh, thì cột đồng dựng ở núi Phân Mao ở về phía tây Khâm Châu…

Năm 1540, vì nhiều lý do Mạc Đăng Dung buộc phải cắt đất cho nhà Minh nên từ đấy núi Phân Mao mới thuộc về Trung Quốc. Thế có nghĩa là đất Giao Chỉ xưa còn có cả Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay, còn lâu nhà Hán mới có chủ quyền ở hai tỉnh này chứ đừng nói đến Biển Đông hay Hoàng Sa, Trường Sa. “Tính cách AQ” cộng với máu cướp biển khiến người ta cứ nói bừa, thiên hạ bịt tai hay xỉ mũi cũng mặc kệ miễn là dân Trung Quốc tin là được.

Người Việt, cũng như người Hoa ngày xưa sùng bái rồng, những gì tôn quí nhất đều gắn với hình tượng rồng. Ví dụ, chỗ vua ngồi là bệ rồng, áo vua mặc thêu chín con rồng… Sau khi chế độ phong kiến sụp đổ, rồng trở nên mất thiêng, thế là người Trung Quốc chọn mèo. Cố lãnh đạo Trung Quốc - Đặng Tiểu Bình nói: “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Sau một thời gian giấu mình chờ thời, nay mèo đã biến thành sư tử.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bài phát biểu tại Paris nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Pháp nói: "Hôm nay con sư tử đã thức dậy. Nhưng đó là con sư tử hòa bình, dễ chịu, văn minh". Trở thành sư tử có lẽ vẫn chưa thỏa mộng vì sư tử mà xuống nước là chết đuối nên bây giờ giới lãnh đạo Bắc Kinh lại muốn trở thành “giun biển”.

Để hiểu chuyện này cần nhớ lại chuyện Trạng Quỳnh thi vẽ, nhúng cả hai tay vào nghiên mực, ngoằng một cái Trạng vẽ ra mười con giun. Lại nữa trong một cuộc thi Piano quốc tế, một nghệ sĩ kết thúc bản nhạc bằng cách cùng một lúc gõ 11 phím, hóa ra không phải chỉ dùng mười ngón tay mà nghệ sĩ nọ còn dùng cả cái mũi của mình để nhấn thêm một phím.


Bản đồ về đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra

Người Trung Quốc giỏi hơn Trạng Quỳnh ở chỗ ngoằng một cái họ vẽ ra được những mười một con giun, ấy là cái đường lưỡi bò nguyên thủy có mười một nét. Không hiểu khi đó họ có phải dùng mũi như chàng nhạc công nọ để vẽ cái con giun thứ mười một không? Sau này hai con giun ở Vịnh Bắc Bộ bị chết yểu nên chỉ còn chín con mà họ gọi là đường chín đoạn. Gần đây, lũ giun này đẻ thêm được một con nên xuất hiện đường mười đoạn kéo lên phía trên đảo Đài Loan. Cứ cái đà này vài chục năm nữa, lũ giun mà đẻ vô tội vạ thì cái “đường n đoạn” ấy sẽ ôm hết cả quốc gia vạn đảo, thậm chí lũ chuột túi rồi cũng bị lũ giun cho vào rọ chưa biết chừng.

Thế giới, trong đó có cả người Việt lúc đầu thấy chỉ có hơn chục con giun ngọ nguậy ở Biển Đông thì xem thường không chấp, đến khi cái dàn khoan 981 xuất hiện thì mới thấy cái lũ giun ấy quả là “thiên hạ đệ nhất giun”. Đệ nhất không phải chỉ ở chỗi lũ giun ấy chui vào nhà, vào bụng người ta để ăn bám, ăn cướp, mà còn ở chỗ nó lại còn kéo đàn kéo lũ nào là máy bay, tàu chiến, tàu ngầm đến tận cửa nhà người ta rồi la lên rằng: chủ nhà đang cướp của cướp.

Nói thế có quá lắm không? Xin thưa hãy tìm hiểu kế thứ 8 trong 36 kế của Tôn tử: “Vô trung sinh hữu (không có mà làm thành có). Kế “Vô trung sinh hữu” là từ không mà tạo thành có. Thiên hạ thái bình, không có chiến tranh thì làm gì có anh hùng xuất hiện, muốn trở thành anh hùng thì phải “chọc trời khuấy nước”. Chọc trời thì còn phải chờ mua công nghệ, nếu không mua được thì tìm cách “thó cáy”. Do vậy, trước mắt hãy chơi trò khuấy nước. Có điều người tính không bằng trời tính, khuấy nước biển Đông có thể chưa ăn tên lửa nhưng biết đâu một cơn bão lớn hay một cột sóng thần sẽ nhấn chìm cái “lãnh thổ di động ấy” cũng nên, ai mà biết được dưới đáy biển có gì?

Các cụ ngày xưa có câu: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Đối phó với những kẻ vừa thâm hiểm, vừa mặt dày nếu chỉ dựa vào chính nghĩa mà không có thực lực thì cầm chắc cái thua. Để bảo vệ tổ quốc trước một kẻ địch mạnh lại ở ngay sát nách, cần có bạn, cần có người ủng hộ ta cho dù sự ủng hộ của họ xuất phát từ quyền lợi của chính họ.

Mặc áo giấy hay cởi trần không quan trọng, miễn là không kẻ nào dám nhòm ngó giang sơn gấm vóc mà tổ tiên người Việt để lại cho con cháu hôm nay.
0

Trận Chiến Ngọai Giao, Công Luận và Pháp Lý

Lắng nghe tiếng nói của người dân để lấy “thế nước”. Lắng nghe ý kiến các bậc sĩ phu để hình thành “sách lược”. Dân là thế mạnh của nước, nhưng đánh thắng họăc giữ yên bờ cõi là trí tuệ của sĩ phu. Quần chúng cuồng nhiệt xuống đường biểu tình nhưng sau đó lại về nhà lao vào cuộc sống áo cơm và không có sách lược. (ĐVB)




Hai tuần lễ sau cùng của Tháng 5, Nhật Ký Biển Đông ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

-Báo Điện Tử Thanh Niên ngày 19/5/2014: “Nhật Bản có thể can dự vào xung đột ở biển Đông nếu quyết định mở rộng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á. Đó là nhận định của Asahi Shimbun, tờ báo lớn thứ hai của Nhật. Theo Asahi Shimbun, một số quan chức cấp cao của Nhật đã đề cập khả năng mở rộng quyền phòng vệ tập thể không chỉ đối với Mỹ mà còn cả những quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

-TTX/VN Ngày 20/5/2014: “Trả lời câu hỏi của phóng viên TTX/VN tại Liên hợp quốc trong cuộc họp báo ngày 19-5, ông Stephane Dujarric (Xti-phen Đu-gia-rích), người phát ngôn LHQ, cho biết vấn đề căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Tổng Thư ký Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) thảo luận với giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhân chuyến thăm nước này.



Thủ Tướng nước Đức tặng ông Chủ Tịch Trung Hoa Tập Cận Bình một tấm bản đồ Trung Hoa ở thế kỷ 18- ngày 28 tháng 3, 2014

-BBC tiếng Việt ngày 20/5/2014: Trong cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng Asean tại Miến Điện hôm 20/5. 
“Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Myanmar rằng Việt Nam "sẽ hết sức kiềm chế để không xảy ra xung đột quân sự trên biển. Chúng tôi không sử dụng máybay, tàu tên lửa, tàu pháo, lực lượng đặc công người nhái tấn công, phá hủy giàn khoan của Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân để bảo vệ chủ quyền." Trong khi đó, Tân Hoa Xã đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã mạnh mẽ chỉ trích Việt Nam khi gặp người tương nhiệm Phùng Quang Thanh tại hội nghị ở Naypyidaw, Myanmar





Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. Reuters


-RFI tiếng Việt ngày 20/5/2014: Với tiêu đề “Giàn khoan HD-981 : Indonesia can dự mạnh mẽ hơn vào cuộc đối đầu Việt-Trung” RFI đưa tin, “Mục tiêu được Ngoại trưởng Indonesia tuyên bố vào hôm nay 20/05/2014 là để giúp ổn định tình hình, nhưng theo giới phân tích, Jakartađã tung ra một thông điệp cứng rắn hơn về phía BắcKinh. Trả lời phỏng vấn nhật báo Mỹ Wall Street Journal, Ngoại trưởng Marty Natalegawa như đã lần lượt phản bác một số quan điểm từng được Trung Quốc đưa ra để biện minh cho hành động leo thang tranh chấp với Việt Nam tại vùng quần đảo Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.” Ngọai trưởng Indonesia nói rằng hai bên đều nói tự kiềm chế, nhưng thế nào là tự kiềm chế?

-Voive of Russia ngày 21/5/2014: Tại Hội Nghị Tương Giao và Những Biện Pháp Xây Dựng Niềm Tin Ở Châu Á (Conference on Interaction and Confidence BuildingMeasures in Asia, or CICA) diễn ra ở Thượng Hải. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, "Khu vực này đòi hỏi phải có một kiến ​​trúc an ninh đảm bảo tính chất bình đẳng của sự qua lại, sự cân bằng đích thực và hài hòa lợi ích”. Còn ông Tập Cận Bình ngầm cảnh cáo những liên minh quân sự mới đây là sẽ không đem lại lợi ích an ninh cho khu vực, nhưng cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông bằng giải pháp hòa bình. Nhưng không biết chuyện vẽ “Đường Lưỡi Bò” rồi áp đặt luật lệ đánh cá, chuyển bãi đá ngầm thành phi đạo, đặt giàn khoan rồi đem cả trăm tàu chiến, máy bay, tàu hải giám, tàu ngư chính tới để bảo vệ giàn khoan có phải là biện pháp “hòa bình” không? Nhân dịp này Ô. Tập Cận Bình cũng đề nghị thiết lập một cấu trúc hợp tác an ninh bao gồm Trung Quốc, Nga và Iran để ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ mà ông gọi là “những tình huống khẩn cấp lớn lao”.

-VOV ngày 21/5/2014: “Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào sáng nay (21/5, theo giờ Việt Nam), các nghị sỹ Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại đặc biệt trước hàng loạt các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian qua. Ngay trong phần hỏi đáp đầu tiên với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel, nhiều Hạ nghị sỹ đã mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng biển của Việt Nam.Trả lời câu hỏi về phản ứng của Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết: "Mỹ đã trao đổi trực tiếp với Trung Quốc về những vấn đề này qua kênh ngoại giao và nói thẳng rằng Trung Quốc phải sử dụng biện pháp ngoại giao thay vì vũ lực. Vấn đề ở đây không phải là tiềm lực của Trung Quốc mạnh như thế nào mà là cơ sở pháp lý của nước này mạnh như thế nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Mỹ không phản đối quyền đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc nhưng phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa và phi ngoại giao".

-BBC tiếng Việt ngày 21/5/2014: Nhân dịp tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về Đông Á 2014 tổ chức tai Phi Luật Tân, “Thủ tướng Việt Nam nói trong chuyến thăm Philippines hôm 21/05 rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển Đông đe dọa nghiêm trọng hòa bình. Sau cuộc họp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Nguyễn Tấn Dũng nói lãnh đạo hai nước đã đồng thuận trong việc Trung Quốc nên bị cộng đồng quốc tế lên án về vụ giàn khoan và rất nhiều các hành động trái phép khác trên biển.” Cũng theo BBC, Giáo Sư Carl Thayer nhận định như sau, “Việc Việt Nam cùng sát vai với một đồng minh của Hoa Kỳ và kêu gọi trực tiếp để có sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế là chưa có tiền lệ." GS. Carl Thayer cũng nói rằng, “Việt Nam phải chơi tất cả lá bài họ có trong tay vì rõ ràng là ASEAN đã không phản đối Trung Quốc.

-Ngày 22/5/2014: Trả lời các câu hỏi của các phóng viên Reuters và AP, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam nói, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”. Trả lời câu hỏi trong bối cảnh căng thẳng leo thang hiện nay ở Biển Đông, Việt Nam có những đề nghị gì đối với cộng đồng quốc tế, có xem xét tham gia các liên minh an ninh không? Ô. Nguyễn Tấn Dũng đáp, “Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Chúng tôi đã công khai về điều này rất nhiều lần với thế giới. "

-Báo Điện Tử Thanh Niên ngày 22/5/2014: “Tham dự Hội thảo quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 20 do hãng tin Nikkei tổ chức. Nikkei trích các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Thủ tướng Shinzo Abe “đồng ý tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm an ninh biển giữa lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các vùng biển lân cận”. Cũng trong hôm qua, nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ thăm Hà Nội vào cuối tháng 6 để thảo luận với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhằm đẩy nhanh kế hoạch hỗ trợ tàu tuần tra bảo vệ biển Đông cho Việt Nam.”

-Báo Điện Tử Thanh Niên ngày 22/5/2014: Khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Patrick Ventrell nói, “Mỹ ủng hộ việc dùng kênh ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác để kiểm soát và giải quyết bất đồng, chẳng hạn như nhờ đến tòa án quốc tế hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác”. Reuters bình luận động thái này của Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh bực tức.

-AP ngày 23/5/2014: Tư Lệnh Thái Bình Dương, Đô Đốc Locklear nói với báo chí bên lề Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về Đông Á tổ chức tại Manila, “Sau ba tuần đụng chạm căng thẳng tại Giàn Khoan Haiyang 981 tại Biển Đông, tôi thật lo lắng, theo tôi, nguy cơ tính tóan sai lầm thật cao, tôi khuyến khích hai bên kiềm chế.

-BBC tiếng Việt ngày23/5/2014: Trong một cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội, Ông Trần Duy Hải -Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nói, “Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong công thư chứ không đề cập tới Hoàng Sa, Trường Sa vì thế đương nhiên không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa. Bạn không thể cho ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu, quản lý được. Vậy nên điều đó càng khẳng định công văn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý.

-Bloomberg News ngày 25/5/2014: Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản tsunori Onodera tố cáo máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay sát máy bay trinh sát Nhật chỉ cách 30 mét và coi đây là hành động nguy hiểm. Còn Trung Quốc cảnh cáo Nhật Bản không được xâm nhập vào cuộc thao diễn hải quân Trung Quốc với Nga.



Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tại căn cứ Hải Nam

-Nguồn tin Canada ngày 25/5/2014: “Ba tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn 4900 dặm đã được nhìn thấy ở vùng biển ngoài khơi Đảo Hải Nam, cực nam Trung Quốc. Tờ Washington Free Beacon ngày 28/5/2014 xác nhận tin và hình ảnh này.

-Thanh Niên Online ngày 25/5/2014: “Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị về tương lai châu Á ở Nhật ngày 23/5/2014: Chiến tranh tại châu Á không phải là điều không thể xảy ra nếu căng thẳng trong khu vực không được giải quyết một cách có trách nhiệm.

-VnExpress ngày 26/5/2014: “Ngày 26/5, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam phát hiện Trung Quốc đưa tàu quét mìn hoạt động trong khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép ngoài tàu tên lửa tấn công nhanh.

-Reuters ngày 26/5/2014: Vào ngày Thứ Hai 26/5/2014, phát ngôn viên Bộ Ngọai Giao Trung Quốc, “Nhìn Bộ Trưởng Ngọai Giao Việt Nam tổ chức cuộc họp báo vào Thứ Sáu vừa rồi về chủ quyền Biển Đông, tôi thấy chuyện rất là lố bịch (ridiculous)”.

-Thanh Niên Online ngày 27/5/2014: “Ngày 27/5/2014 Chánh Văn Phòng Thủ Tướng Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc kiềm chế không để căng thẳng leo thang ở Biển Đông sau khi có tin tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trong vùng biển tranh chấp ngày 25/5/2014.

-BBC tiếng Việt ngày 27/5/2014: Tiến Sĩ Hoàng Ngọc Giao- Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách Pháp Luật và Phát Triển (thuộc Vusta) nói với BBC, “Chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc về vụ giàn khoan Hải Dương 981 tại Hoàng Sa, trên Biển Đông không mất quá lâu về mặt thời gian”.

-RFI ngày 28/5/2014: “Hôm qua, 27/05/2014, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ về tuyên bố của phía Nhật Bản lên án vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông. Trong khi đó, tờ Yomiuri của Nhật số ra ngày hôm nay, trích dẫn nguồn tin từ bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết nước này sẽ điều một tàu vận tải đổ bộ có bãi đáp cho tám trực thăng chuyển quân và chống tàu ngầm thuộc Lực lượng Phòng vệ vùng biển đến Biển Đông chở theo 140 binh lính Mỹ và Úc tham gia diễn tập cứu hộ với Việt Nam, Cam Bốt và Philippines. Cuộc diễn tập cứu hộ này cũng là nhằm thể hiện tình đoàn kết của Nhật, Hoa Kỳ và Úc đối với các nước Đông Nam Á trước Trung Quốc. Tàu Kunisaki sẽ đến Việt Nam ngày 06/06. Đây là lần đầu tiên tàu Lực lượng phòng vệ vùng biển Nhật Bản tham gia vào một hoạt động như vậy.

-VOV ngày 28/5/2014: Trong cuộc gặp gỡ báo chí diễn ra chiều 28/5 tại Hà Nội, Thượng nghị sỹ Mỹ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nói, “Các hành vi của Trung Quốc không chỉ đe dọa đến an ninh của Việt Nam mà còn đe dọa đến an toàn, an ninh hàng hải của cả khu vực, ảnh hưởng đến những lợi ích của Mỹ.”

Thủ Tướng Nhật Bản Abe

- Bloomberg ngày 30/5/2014: Tại Diễn Đàn An Ninh Shangri-La, Singapore Thủ Tướng Nhật Bản Abe tuyên bố, “Nhật Bản sẽ không từ bỏ một nỗ lực nào để giúp các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ biển và cam kết trợ giúp mạnh mẽ cho Phi Luật Tân và Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.” Tuyên bố này coi như lời tuyên chiến trực tiếp đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông.

-AP ngày 31/5/2014: Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói tại Diễn Đàn An Ninh Shangri-La, “Tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc làm bất ổn khu vực và chuyện Bắc Kinh không giải quyết những tranh chấp đe dọa sự phát triển lâu dài của Đông Á.

Nhận Định

Trong lúc trận chiến giằng co ngày đêm trên địa bàn giàn khoan Haiyang 981 với thiệt hại nặng nề cho lực lượng Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư kể cả ngư dân Việt Nam vẫn tiếp diễn (30 tàu bị đâm húc) thì trận chiến ngọai giao, tranh thủ công luận và chuẩn bị pháp lý cũng rất căng thẳng. Tin tức về những cọ sát ở giàn khoan và nhất là lời tuyên bố của Ô. Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về Đông Á, gặp gỡ tổng thống Phi Luật Tân được loan tải dường như muốn lấn át cả những tin tức nóng bỏng về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chưa bao giờ số lượng học giả, nhà bình luận, nghiêu cứu trên khắp thế giới lại đưa ra giả thuyết, lời bình, phỏng đoán về cuộc khủng hoảng Biển Đông nhiều đến như vậy. Trong mặt trận ngọai giao, Nhật Bản là nước hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ nhất. Quốc Hội Hoa Kỳ rất nhiệt tình. Còn hành pháp Hoa Kỳ tức Ô. Obama vẫn còn e dè, diễn văn thì quá nhiều văn chương, bóng bẩy. Nếu nổ ra chiến tranh, chắc chắn Nhật Bản sẽ đứng bên cạnh Việt Nam trong học thuyết “Phòng Thủ Tập Thể” qua việc làm và lời tuyên bố của Ô. Abe tại Đối Thọai Shangri-La ngày 30/5/2014.

Ba trận chiến này đang tạo áp lực nặng nề lên Bắc Kinh. Do thất thế về căn bản pháp lý và công luận, Hoa Lục bắt đầu mất bình tĩnh, hành xử man rợ và bộ ngọai giao nói năng thô lỗ không xứng với tư cách của một đại cường. Đây là khúc quanh nguy hiểm không phải chỉ liên quan đến vận mệnh Việt Nam mà cả vận mệnh của Trung Quốc. Khi Việt Nam còn do dự thì trận chiến âm ỉ. Khi Việt Nam “chấp nhận thương đau” và "Vàng quý nhưng không quý bằng chủ quyền quốc gia” thì trận chiến nổ lớn. Theo các nhà nghiên cứu, Hoa Lục đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi dồn Việt Nam vào chân tường. Nếu Việt Nam không thể sống chung với Trung Quốc thì không một ai trên thế giới này có thể sống chung với Trung Quốc. Dù Việt Nam có tan nát vì chiến tranh nhưng thế giới sẽ mau chóng giúp Việt Nam khôi phục. Nhưng Hoa Lục sẽ phá sản hoàn toàn trên các lãnh vực ngọai giao, uy tín và thương mại…trên quy mô toàn cầu. Thế giới sẽ nhìn Hoa Lục như một tái sinh của Hitler và Quân Phiệt Nhật và đẩy Hoa Lục vào chu kỳ khủng hoảng. Lúc đó một liên minh quân sự rộng lớn bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Singapore, Ấn Độ, Nam Dương, Mã Lai sẽ không còn úp mở mà công khai ra mặt đối đầu với Trung Quốc. Ngày 24/5/2014 BBC tiếng Việt đã đăng bài bình luận của Giáo Sư Francois Huchet thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Ngôn Ngữ và Văn Hóa Phương Đông của Pháp tại Paris (INALCO):

Trung Quốc cần thận trọng nếu không muốn mắc sai lầm chiến lược khi làm cho Việt Nam và nhiều nước láng giềng nổi giận vì những hành động khiêu khích và thách thức chủ quyền…tính toán của ê kíp lãnh đạo do ông Tập Cận Bình đứng đầu có thể đang dẫn tới một sai lầm lớn. Sau một loạt các diễn biến, tôi cho rằng Trung Quốc đã đang nhận thấy một tình thế nguy hiểm, bên bờ xảy ra, khi một loạt quốc gia xung quanh Trung Quốc từ Nhật Bản tới Việt Nam, hay Philippines và Hàn Quốc thảo luận với nhau và đều nổi giận với Trung Quốc.” Reuters ngày hôm nay 31/5/2014 trích dẫn Tân Hoa Xã nói rằng trong dịp gặp gỡ Thủ Tướng Mã Lai Najib Razak đang thăm viếng nước này, Chủ Tịch Tập Cận Bình tuyên bố, “Chúng tôi sẽ không bao giờ khuấy động rắc rối, nhưng sẽ phản ứng một cách cần thiết đối với sự khiêu khích của quốc gia nào đó”.

Hiện nay cả thế giới đều nói Trung Quốc đang khiêu khích Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Nhưng báo chí Trung Quốc lại nói chính Nhật Bản, 
Philippines và Việt Nam khiêu khích Trung Quốc cho nên Trung Quốc buộc lòng phải “phản ứng một cách cần thiết”. Vậy thì lời tuyên bố của ông Tập Cận Bình chẳng có ý nghĩa gì cả.

Lịch sử cổ đại Trung Hoa đã từng sản sinh ra những nhân vật vĩ đại về tư tưởng, triết học, ngọai giao và an bang tế thế. Nhưng lịch sử cận đại Trung Hoa lại toàn sản sinh ra những nhân vật lãnh đạo ngu xuẩn và hung ác. Xã hội cũng như con người Trung Hoa cả trăm năm qua không phải mẫu mực, tốt lành để thế giới kính trọng, học hỏi. Nhưng không hiểu bằt nguồn từ đâu các nhà cai trị Trung Hoa luôn luôn coi mình là “cái rốn của vũ trụ”. Có thể tư tưởng ngạo mạn này phát xuất từ ý niệm “Con Trời” của thời phong kiến.

Trong thế giới tự do cạnh tranh ngày hôm nay không ai bài bác hay ghen tỵ chuyện Trung Quốc trở thành siêu cường hoặc tranh ngôi bá chủ thế giới với Hoa Kỳ. Nhưng sự “trỗi dậy để trở thành siêu cường” phải làm trong hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và trong tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm có nghĩa là phải gìn giữ hòa bình và không gây bất ổn cho thế giới. Vạch một “Đường Lưỡi Bò” bao gồm 90% biển đảo của các nước lân bang nói rằng có từ đời Hán, rồi ban hành lệnh cấm đánh cá, đem tàu ngư chính, tàu hải giám và hằng trăm tàu dánh cá tới để vơ vét tài nguyên và chiếm đóng biển đảo, biến các bãi đá ngầm thành phi đạo, ngang nhiên thiết lập thành phố để quản trị hành chính các vùng biển đảo vừa cưỡng chiếm, cho đấu thầu khai thác tài nguyên trên các vùng thuộc thềm lục địa của các quốc gia khác. Và mới đây nhất cho giàn khoan khổng lồ tới khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với sự bảo vệ của chiến hạm, trực thăng và tàu vét mìn. Tất cả hành động trên không thề gọi là “hòa bình” mà là hành vi “cướp biển trên quy mô quốc gia” theo như nhận định của học giả Carl Thayer.

Vì quá nóng vội và tham vọng, cộng thêm với sự o ép của giới quân phiệt hiếu chiến, Hoa Lục đang lao vào cuộc phiêu lưu cực kỳ nguy hiểm cho Đông Nam Á và Á Châu. Không phải hiện nay Trung Hoa không có “hiền tài”. Nhưng “hiền tài” không được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc lắng nghe, chẳng hạn như học giả Lý Lệnh Hoa đã từng nói Trung Quốc chẳng có cơ sở pháp lý nào về Đường Lưỡi Bò. Nếu thực thi Đường Lưỡi Bò tức đẩy cả dân tộc Trung Hoa vào cuộc phiêu lưu không lối thóat. Khi trí thức bị gạt bỏ thì thế nào đất nước cũng xụp đổ cho dù có mạnh như Quốc Xã Đức, Quân Phiệt Nhật, Tần Thủy Hoàng, hay Mông Cổ đi nữa.

Lắng nghe tiếng nói của người dân để lấy “thế nước”. Lắng nghe ý kiến các bậc sĩ phu để hình thành “sách lược”. Dân là thế mạnh của nước, nhưng đánh thắng họăc giữ yên bờ cõi là trí tuệ của sĩ phu. Quần chúng cuồng nhiệt xuống đường biểu tình nhưng sau đó lại về nhà lao vào cuộc sống áo cơm và không có sách lược.

Ảnh minh họa

Đất nước mà còn có sĩ phu thì đất nước tồn tại, dù giang sơn có nguy biến như thế nào đi nữa. Sĩ phu ở đây là các bậc trí thức, các nhà quân sự, ngọai giao có khả năng hình thành sách lược như Lý Thường Kiệt, Thái Sư TrầnThủ Độ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi chứ không phải trí thức bàn tán vu vơ. Đây là thuật trị nước “Non sông muôn thuở vững âu vàng” của các bậc minh quân Đại Việt. Đó là lý do tại sao một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam vẫn tồn tại sau bao nhiêu giông bão của lịch sử và ngửng cao đầu với thế giới.


Trung Quốc muốn trở thành siêu cường nhưng phải biết lãnh đạo một siêu cường không dễ. Phạm sai lầm bình thường thì còn sửa chữa được. Nhưng nếu phạm phải sai lầm chiến lược thì tiêu vong. Sai lầm chiến lược của Trung Quốc ở đây là đòi khống chế một vùng biển - không phải là vùng biển hoang - mà là “nồi cơm hũ gạo của thế giới” bằng cách chiếm đọat biển đảo của các nước nhỏ, khiến các đại cường liên minh lại để “thế thiên hành đạo” tru diệt mình. Sự thất bại đưa tới xụp đổ của Trung Quốc nếu xảy ra theo như tiên đoán thì cũng chỉ là “Thuận thiên giả tồn. Nghịch thiên giả vong”. Thiên ở đây là lòng người. Khi mà toàn bộ Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu nhìn Hoa Lục như một đe dọa an ninh của họ thì “lòng người không còn tựa Hoa Lục nữa rồi”. Khi “lòng người” đã không còn thì thế ngọai giao sụp đổ. Đó là lúc Hoa Lục dù mạnh gấp ba lần bây giờ cũng sẽ bại vong.


Đào Văn Bình


(California ngày 31/5/2014)

Theo Sách Hiếm (Sachhiem.net)
0