Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thu vien van hoa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thu vien van hoa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Viện Khổng Tử hay cuộc xâm lăng văn hóa Trung Quốc ?

(Thanh Phương, RFI- 21.10.13) Trong bản tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hà Nội giữa tháng 10 vừa qua, hai quốc gia đã thông báo « nhất trí » thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam.

Thật ra, Viện Khổng tử đã được Trung Quốc thành lập ở rất nhiều nước khác trên thế giới. Việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam đã được chính phủ Hà Nội quyết định từ năm 2009, nhưng thông báo chính thức về việc thành lập viện này đã một lần nữa gây lo ngại cho giới nhân sĩ trí thức Việt Nam về nguy cơ xâm lăng văn hóa của Trung Quốc, trong bối cảnh mà phim ảnh Trung Quốc từ nhiều năm qua tràn ngập các đài truyền hình Việt Nam và văn hóa Trung Qu ốc chi phối ngày càng nhiều đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong kiến trúc đền chùa.

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn từ Viện Khổng tử sẽ được thành lập ở Việt Nam :


Mở trình phát HTML5

RFI : Xin kính chào tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Thưa ông, những nước như Pháp hay Đức cũng đã có những trung tâm văn hóa ở Việt Nam như Alliance Française hay Viện Goethe. Nhưng vì sao việc thành lập Viện Khổng tử của Trung Quốc lại gây lo ngại như vậy ?

TS Nguyễn Xuân Diện : Việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam không phải chỉ mới được đặt ra trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Lý Khắc Cường, mà từ năm 2009, ông Tập Cận Bình, khi ấy là phó chủ tịch Trung Quốc, khi đi thăm Việt Nam đã thúc giục Việt Nam thành lập Viện Khổng tử để tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục.

Theo tôi biết, trên thế giới hiện đã có hơn 40 nước có tổng cộng hàng trăm Học viện Khổng tử. Riêng Thái Lan thì đã có 13 Học viện Khổng tử. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nét tương đồng nhau về mặt văn hóa và gần đây là người ta có nhắc đến tương đồng về chính trị, nhưng đến bây giờ mới xúc tiến mạnh việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam. Theo tôi biết, học viện này sẽ được đặt trong Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ cũ).

Từ khi nhận được tin này, những nhà nghiên cứu, những nhân sĩ, trí thức rất là lo lắng. Lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Nhiều nước đã đặt các học viện, các trung tâm văn hóa ở Việt Nam, nhưng những học viện, những trung tâm đó không gây lo ngại nhiều như Học viện Khổng tử này. Lý do là vì trong người dân Việt Nam luôn thường trực một tinh thần phản kháng, một sự tự đề kháng đối với văn hóa Trung Quốc, mặc dù là tư tưởng của Khổng tử, các thiết chế, mô hình Nhà nước theo kiểu Nho giáo của Khổng tử đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ rất lâu rồi.

Chúng tôi rất lo lắng bởi vì Viện Khổng tử này chắc chắn không phải được lập nên để tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học hay cuộc đời và sự nghiệp của Khổng tử, cũng như về Nho học : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Tam Tòng Tứ Đức ...

RFI : Theo ông biết thì Viện Khổng tử của Trung Qu ốc ở Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào ?

Thực chất đây sẽ là một trung tâm văn hóa và ngôn ngữ, nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Quốc : thi ca, âm nhạc, ẩm thực, trà đạo..., và sẽ có những giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc. Đằng sau đó luôn là những hoạt động tư vấn về du học, tức là kéo thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc du học ngày càng nhiều. Đây cũng sẽ là trung tâm dạy Trung văn, tức là tiếng Hoa.

Đó là những hoạt động bề nổi, còn đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về mặt văn hóa và tư tưởng về một nước Trung Hoa hiện đại. Chính vì vậy nhiều nhà quan sát cho rằng việc thành lập Viện Khổng tử chính một sự thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc, hoặc có người gay gắt hơn thì nói rằng đấy là bước đầu đặt cơ sở cho việc bành trướng văn hóa.

Điều này thật đáng lo ngại, bởi vì sức ép và sự tuyên truyền văn hóa của văn hóa Trung Quốc hiện đại lên Việt Nam hiện nay rất là mạnh mẽ. Nhân dân đã không được những người làm công tác văn hóa dẫn dắt, cho nên, họ có sự sùng bái văn hóa Trung Quốc rất là quá đáng.

Ví dụ ngôi chùa đạt nhiều kỷ lục ở Việt Nam và Đông Nam Á là chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Ngôi chùa ấy chẳng có dáng dấp gì mang bản sắc Việt Nam, mà thực chất là một ngôi chùa Tàu, mà hàng năm lại thu hút hàng triệu du khách. Các phim ảnh Trung Quốc thì chiếu tràn lan trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương. Rồi thì việc dựng các tượng sư tử Trung Quốc ở các đình chùa, đền miếu, cũng như ở trụ sở các tổng công ty. Rồi thì hàng hóa, đèn lồng Trung Quốc cũng tràn lan.

Chính những điều đó khiến người ta lo rằng là với Viện Khổng tử, Trung Quốc coi như đã đặt một bàn chân xâm lăng văn hóa đối với Việt Nam. Chưa bao giờ sức mạnh văn hóa Việt Nam suy yếu nhiều như hiện nay. Khi nào mà chúng ta không chống lại được xâm lăng về văn hóa, thì chúng ta sẽ không còn gì là nền tảng của nước Việt Nam nữa và sẽ bị đồng hóa. Đây sẽ là một điều vô cùng nguy hiểm. Xâm lăng về văn hóa còn nguy hiểm hơn là xâm lăng về quân sự. Cho nên tôi thấy rất lo ngại.

RFI : Nhưng trong sự xâm lăng văn hóa này phải chăng cũng có sự tiếp tay của các lãnh đạo văn hóa, đã cho chiếu quá nhiều phim ảnh Trung Quốc trên truyền hình quốc gia, đến mức giới trẻ Việt Nam bây giờ thuộc sử Tàu hơn là sử Việt ?

Đúng là bây giờ trẻ con cấp 1, cấp 2, cấp 3 thuộc sử Tàu hơn là sử Việt. Văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ thường ngày của các em. Sóng truyền hình Trung Quốc tràn lan như vậy. Không những thế các bộ phim của cũng thế. Chúng ta thấy rằng là năm 2010, phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tức là phim Đường tới thành Thăng Long, từ kịch bản, đạo diễn, cho đến diễn viên và vai quần chúng, cũng như bối cảnh, hậu kỳ, trang phục đều là do người Trung Quốc làm.

Bộ phim mang tính phản văn hóa như vậy cho nên các nhà nghiên cứu, các học giả đã yêu cầu không được chiếu bộ phim đó trong đại lễ 1000 năm Thăng Long. Về sau người ta mới phát hiện bộ phim đó không chỉ mang tính phản văn hóa, mà còn phản quốc, vì những nội dung lịch sử đã bị bóp méo và làm sai lạc.

Chúng tôi lo ngại vì giới lãnh đạo văn hóa Việt Nam hiện nay hiễu một cách rất là ấu trĩ và vô cùng hạn chế về văn hóa Trung Quốc. Vì vậy, họ không phát động được trong cán bộ, công chức trên toàn quốc về việc phải có một sự đề kháng như thế nào đối với văn hóa Trung Quốc.

Hậu quả là vào những dịp Tết trong những năm gần đây, có khi cả thành phố, thị trấn thắp toàn đèn lồng Trung Quốc. Hà Nội gần đây đã phải phát động việc dẹp bỏ các tượng đá sư tử ở các đền chùa. Như vậy tức là họ cũng đã thấy được một phần rồi, nhưng những cái mà họ thấy được, nhưng so với những cái mà những người lãnh đạo cần phải có là chưa tương xứng. Chính vì vậy, những người tha thiết với truyền thống, với văn hóa Việt Nam đang rất là lo lắng.

RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, để cưỡng lại sự xâm lăng về văn hóa đó, liệu chúng ta có thể phát động một chiến dịch giống như chiến dịch kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, để tẩy chay hàng Trung Quốc, cho dù chúng ta vẫn tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của văn hóa Trung Quốc ?

TS Nguyễn Xuân Diện : Cách đây vài năm Bộ Chính trị đã phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt. Lúc ấy báo chí cũng làm rùm beng một vài sự hưởng ứng đó. Nhưng bây giờ chuyện ấy đã chìm đi rồi. Người ta cũng không nghĩ đến chuyện giữ gìn những phong trào đó hay phát động một lần nữa.

Nhưng trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ đã ngấm ngầm một phong trào muốn tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, trước hết là hàng thực phẩm và thuốc chữa bệnh, nhưng đó cũng chỉ là những phong trào tự phát, chứ không phải là được phát động sâu rộng, được truyền thông Nhà nước cổ vũ, khuyến khích.

Tôi nghĩ rằng nên khơi dậy một tinh thần dân tộc và một tinh thần bài Hoa đúng mức. Bài Hoa đây không phải là bác bỏ hết những gì có nguồn gốc từ Trung Quốc, một nền văn minh lớn của nhân loại. Nằm cạnh một nền văn minh lớn như thế, Việt Nam cần tiếp thu, thừa hưởng những giá trị văn hóa, những tác phẩm lớn của Trung Quốc mà đã mang tầm mức nhân loại.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải giới thiệu trong dân chúng, nhất là cho lớp trẻ, những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, những giá trị thẩm mỹ thuần Việt, những tác phẩm văn học, mỹ thuật Việt Nam, những văn hóa chùa, làng...

Muốn đem lại một sự đề kháng đối với sự xâm lăng văn hóa của bên ngoài, thì trước hết cần phải khơi dậy, giáo dục sự hiểu biết cho lớp trẻ về văn hóa của cha ông. Trong mạnh, thì ngoài mới không xâm lăng vào được. Khi người ta yêu quý những nét văn hóa đẹp đó, thì người ta mới dốc sức gìn giữ nó, tạo nên một lớp áo giáp bảo vệ trước sự xâm lăng từ bên ngoài.

Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm, liên miên bị Trung Quốc xâm lược như vậy, mặc dù người Trung Quốc đã truyền chữ Hán vào Việt Nam, thiết lập chế độ cai trị, áp đặt văn hóa lễ nghi, nhưng đã không thể đồng hóa Việt Nam.

Lý do là vì văn hóa Việt Nam trong mấy nghìn năm qua được dựa trên một nền tảng vững bền của văn hóa Việt gốc ở Đông Nam Á, mà điểm son mà văn hóa làng, chống lại được sự xâm lăng về mặt văn hóa, giữ được những giá trị văn hóa và chính những giá trị văn hóa đó trở lại làm nên sức mạnh của dân tộc, đánh thắng được những trận lừng lẫy trong lịch sử.

RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

0

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Lo lắng và nghi ngại Học viện Khổng tử


(RFA- 17.10.13) Học viện Khổng tử nhằm khuếch trương sức mạnh mềm của Trung Quốc trên khắp thế giới chưa có mặt ở Việt Nam, dù hai quốc gia có mối tương đồng lớn về văn hóa và chính trị. Thỏa thuận về Học viện Khổng Tử tại Việt Nam được đề cập đến trong tuyên bố chung ngày 15/10/2013 sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Sự kiện chính trị liền kề với đám tang của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường bắt đầu vào ngày 13/10 và kết thúc ngày 15/10. Có lời đồn là cờ rủ để tang tướng Giáp tại thủ đô Hà Nội đã được vội vả dựng dậy dù thời gian tang chế theo quy định chưa kết thúc, để thỏa mãn những nghi thức ngoại giao. Có vài ý kiến trên truyền thông quốc tế cho rằng chuyến đi này nhằm xoa dịu những mối căng thẳng chứ chưa giải quyết các tranh chấp giữa đôi bên.

Cuối cùng thì hai bên đã ra một bản tuyên bố chung với lời lẽ ngoại giao về quan hệ hai nước, không quên ca ngợi quan hệ giữa hai đảng cộng sản. Các cụm từ như thúc đẩy quan hệ, hữu nghị, tăng cường hợp tác… được sử dụng như mọi khi. Một vài cái tên cụ thể được nêu ra về các công ty Trung Quốc, các cửa khẩu biên giới… không có gì đặc biệt.

 

Nếu có một nghiên cứu có hệ thống về khổng giáo trong đời sống xã hội, văn hóa tinh thần của người Việt thì rất tốt, nhưng tôi cho rằng việc ấy nên để cho người Việt làm.

-GS Nguyễn Huệ Chi
Có một việc cụ thể khá đặc biệt, đó là “Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.”

Nó đặc biệt vì theo lời của một ủy viên bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc, ông Lý Trường Xuân nói với báo The Economist trong thời gian gần đây rằng Các Viện Khổng tử trên thế giới là phần quan trọng cho cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc tại nước ngoài.

Không giống các tổ chức văn hóa như Hội đồng Anh của nước Anh, Liên minh Pháp ngữ của Pháp, hay Viện Goethe của Đức là các tổ chức độc lập, Viện Khổng Tử là một định chế của nhà nước Trung Quốc, mà mục đích được nhiều người nói rằng để khuếch trương “sức mạnh mềm” của Trung Quốc trên thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên là hiện nay số lượng học viện Khổng Tử trên thế giới đã vượt qua con số 100, không những ở các quốc gia có nền văn hóa khác Trung Hoa, mà cả ở hai nước khá tương đồng về văn hóa là Nhật Bản và Hàn quốc, tuy nhiên chưa có Viện Khổng tử nào được thành lập tại Việt Nam, dù rằng Việt Nam hiện tại không những tương đồng về văn hóa với Trung Quốc mà còn tương đồng về chính trị nữa.

Khổng tử được xem như ông tổ của những giá trị văn hóa tinh thần của người Trung Hoa ngày nay. Ông sống cách đây hơn 2000 năm, những luận giải của ông về xã hội, về quan hệ quân vương với thần dân, về sự trung tâm của Đế chế Trung Hoa… được xem là cốt lõi của Khổng giáo, một dòng tư tưởng được truyền đến ba nước láng giềng phía đông và nam của Trung Quốc là Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, hoặc tự nguyện trong trường hợp Nhật Bản, hoặc cùng với sự đô hộ như trường hợp Triều Tiên và Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một người có lâu năm nghiên cứu về văn học Hán Nôm nói về ảnh hưởng của Khổng giáo ở Việt Nam như sau:

“Sự ảnh hưởng của Khổng giáo ở Việt Nam rất là lâu đời, cùng với thời kỳ Bắc thuộc, giảm thiểu tối đa dưới thời Lý Trần, mạnh lên cuối triều Trần rồi rất mạnh ở triều Nguyễn.”

Dấu ấn Khổng giáo bàng bạc khắp nơi trong xã hội Việt Nam, từ sự hữu hình như bức tượng Khổng Tử giữa những hàng cột sơn màu đỏ của Văn Miếu Quốc tử giám giữa lòng thủ đô Hà Nội, cho đến sự tương đồng rất nhiều của ngôn ngữ trong nhóm từ vựng Hán Việt, cho đến những quan niệm xã hội Tam cương ngũ thường ngự trị cho đến nay trong hầu như tất các gia đình Việt Nam. Giáo sư Huệ Chi nói tiếp về sự nghiên cứu Khổng Giáo, và quan điểm của ông về sự tồn tại của một Học Viện Khổng tử tại Việt Nam:

“Nếu có một nghiên cứu có hệ thống về khổng giáo trong đời sống xã hội, văn hóa tinh thần của người Việt thì rất tốt, nhưng tôi cho rằng việc ấy nên để cho người Việt làm. Nếu như Khổng tử học viện có thể làm những việc như L’Espace của Pháp, hay Viện Goeth của Đức, nơi hội tụ những vấn đề về Văn hóa thì rất là tốt. Nhưng tất cả những gì người Tàu làm từ trước đến giờ tôi thấy không tốt.”

Sự thôn tính văn hóa

Không phát biểu về những nghi ngại như Giáo sư Huệ Chi, nhưng Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Trưởng Khoa Văn hóa học tại Đại học Khoa học xã hội nhân văn tại Thành Phố HCM hầu như cũng có cùng quan điểm với Giáo sư Huệ Chi về sự thành lập Học viện Khổng Tử:

 

Sự cưỡng chống lại sự thôn tính về văn hóa và tư tưởng của người Tàu nơi người Việt lúc nào cũng tồn tại. Cho nên cái sự chậm chạp của Viện Khổng tử là do vậy.

-GS Nguyễn Huệ Chi
“Nghiên cứu Khổng giáo thì tốt thôi, nền văn hóa Trung Hoa là một nền văn hóa lớn, ngôn ngữ và văn hóa của họ đáng cho chúng ta học hỏi, tuy nhiên có hay không có Khổng tử học viện thì chúng ta cũng làm điều đó, cũng không cần có một viện như thế, và chúng ta cũng không thiếu tiền bạc để cần đến sự trợ giúp của họ.”

Có lẽ những nghi ngại này của giới học giả đã làm cho việc ra đời của Học Viện Khổng tử tại Việt Nam chưa thành hiện thực, dù có nhiều nhà nghiên cứu đã từng nói rằng xã hội Việt Nam về chừng mực nào đó như một xã hội Trung Hoa thu nhỏ. Hơn nữa, sự tương đồng về chính trị của hai đảng cộng sản cầm quyền dường như cũng không giúp gì cho việc khuếch trương bộ máy tuyên truyền tại nước ngoài của Trung Quốc như ông Lý Trường Xuân nói với tờ The Economist.

Giáo sư Huệ Chi nói về sự cưỡng chống lại sự thành lập Học Viện Khổng tử tại Việt nam:

"Sự cưỡng chế chống lại sự thôn tính về văn hóa và tư tưởng của người Tàu nơi người Việt lúc nào cũng tồn tại. Cho nên cái sự chậm chạp của Viện Khổng tử là do vậy, và có thể là có những người có quyền lực ở Việt Nam và cũng tỉnh táo lên tiếng về sự nguy hiểm đó.”

Trên các trang web của các Học viện Khổng tử trên thế giới, đều thấy những dòng chữ về khuếch trương văn hóa, ngôn ngữ… Một hình ảnh thân thiện của nước trung Hoa đang lên. Nhưng điều đó rõ ràng không đánh lùi được sự nghi ngại của tầng lớp trí thức Việt Nam như Giáo sư Huệ Chi. Có phải chăng sự nghi ngại đó không những bắt nguồn từ quan hệ đầy chông gai qua hàng ngàn năm giữa hai nước láng giềng, mà còn bắt nguồn từ những xung đột lãnh thổ hiện tại, mà ngay cả sự tương đồng ý thức hệ giữa hai đảng cầm quyền vẫn chưa vượt qua được.

Có thể sẽ dễ hiểu hơn câu chuyện Học viện Khổng tử ở Việt nam nếu so sánh sức mạnh mềm của ông Lý Trường Xuân, phụ trách cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản Trung Quốc, và sức mạnh cứng của Giải phóng quân Trung Quốc ngoài khơi với đường chín vạch chiếm 80% diện tích biển Đông. Sức mạnh mềm của Học viện Khổng Tử chưa biết tốt đẹp ra sao đối với người Việt, nhưng những ngư dân Việt ở miền Trung thì biết rất rõ sức mạnh cứng của những chiếc tàu hải giám Trung Hoa.

Kính Hòa, phóng viên RFA
0