Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tôn giáo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tôn giáo. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Thiền – con đường dẫn đến sự an lạc của tâm hồn

Phàm là con người ai cũng muốn có một cuộc sống đầy hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc đích thực không phải ai cũng dễ dàng có được, bởi lẽ khả năng của mỗi người có giới hạn . Chúng ta cứ mải miết đi tìm hạnh phúc bên ngoài mà quên đi hạnh phúc sẵn có trong nội tại.


Nhưng tiếc thay, guồng máy dục vọng luôn có hướng kéo con người đi vào “vòng tối”. Đôi lúc, nó còn cướp đi quyền tự do, quyền yêu thương, quyền mưu cầu hạnh phúc, thậm chí mất đi quyền làm người, v.v…

Cái guồng máy dục vọng ấy không phải do đấng thần linh nào ban tặng mà do chính con người chúng ta tạo ra.

Tuy vậy, hạnh phúc cũng thật dễ dàng có được đối với những ai biết dừng lại, nhận chân sự thật của cuộc đời, biết chuyển hóa nội tâm, chuyển hóa những triền phược tham, sân, si, làm cho thân tâm yên tịnh. Sự yên tịnh đó đưa con người đến hạnh phúc an lạc.

Thiền chính là phương pháp tốt nhất giúp con người định tĩnh, thoát khỏi khổ đau, đưa con người đến hạnh phúc an lạc trong cuộc đời.

Khoa học đã chứng minh, Thiền mang đến cho con người niềm an lạc nếu họ thực hành. Không có hạnh phúc vật chất nào so sánh được với hạnh phúc an lạc của tâm hồn.

Đứng trước tầm quan trọng đó, người viết chọn đề tài: “Thiền Và Sự An Lạc Của Tâm Hồn”, để một lần nữa, khẳng định: giáo lý của đức Phật không chỉ đúng trong quá khứ mà còn đúng trong tất cả các thời gian và không gian.

Đối với thế giới bấn loạn hiện nay, nếu con người muốn có hạnh phúc, thì không thể thiếu thiền định.

Thật vậy, có nhiều người tuy được thừa hưởng vật chất dồi dào nhưng thay vào đó, họ cũng phải chịu áp lực lớn, cuộc chạy đua khốc liệt của nền kinh tế, chính trị khiến con người mất dần tự do, họ chỉ biết công việc, biết kiếm thật nhiều tiền, bỏ quên những hạnh phúc đời thường, mà đúng ra cần phải có.

Hiện tình cho thấy, con người đang rơi vào tình trạng khủng khoảng tinh thần. Có nhiều người đi tìm cái chết khi họ không tự tìm thấy cho mình một lối thoát.

Thật đáng tiếc, họ đã không biết quý trọng mạng sống của mình. Nếu bạn thấy đau khổ, thấy bế tắc, tại sao lại không dám buông bỏ? Khi bạn buông bỏ, bạn nghĩ mình sẽ mất tất cả từ đó làm mất tinh thần. Nhưng thật sự khi buông bỏ bạn sẽ đón nhận được một nguồn năng lương mới, một hướng giải quyết mới.

Nếu những lúc buồn chán, thất vọng, bạn nên thực hành Thiền. Chỉ cần hít thở và định tâm được 10 phút, bạn sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng ngay. Trên internet còn quảng cáo cuốn sách của bà Regina Leeds, với tựa đề “8 minutes may change your life”[ 8 phút có thể thay đổi cuộc đời của bạn ].

Có an lạc và tự tin, bạn sẽ tìm ra cách sử lý tốt nhất, chỉ cần ít thời gian như vậy thôi, tại sao bạn không thử ?

Niềm hạnh phúc an lạc do thiền định mang lại, nếu có thực hành, tự thân sẽ cảm nhận, chẳng cần nghe ai quảng cáo. Vị ngọt của canh phải do người nếm biết được, chứ không phải do người nấu, sự an lạc từ thiền cũng thế.

Có khi nào bạn tự hỏi vì sao con người có khổ đau? Nếu bạn không thể đặt ra câu hỏi, chắc chắn bạn cũng không thể trả lời.

Trong kinh Phật chỉ rõ, chúng sanh có 84000 nỗi khổ, nhưng những nỗi khổ ấy không ngoài tham, sân, si, theo ngôn ngữ nhà Phật gọi là Tam độc (three soisons). Chính tham, sân, si đem đến khổ đau cho con người và cũng chính nó cướp đi mạng sống của ta. Khi nào chưa đoạn trừ nó, khổ đau còn theo mãi.

Tham là gì? Tham chính là sự mong muốn có được mọi thứ, lòng tham của con người vốn không có giới hạn, có người tham tiền, có người tham công danh địa vị v.v…, có rồi lại mong có nữa, chính vì tâm quá mong cầu ấy mà con người chịu nhiều khổ đau, như kinh Pháp Cú đức Phật chỉ rõ:

“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
như xe theo bò vậy”.
Thật vậy, tâm chính là cội nguồn của tất cả, khổ đau cũng từ tâm và an lạc cũng do tâm. Khi tâm con người chứa đựng những tư tưởng bất thiện muốn làm tổn hại cho người, thậm chí muốn giết người, cướp của v.v… chỉ vì lợi mình. Chính những ý nghĩ ấy thúc đẩy hành động sai lầm dẫn đến khổ đau cho mình và cho người. Khi những nghịch cảnh đưa đến, con người liền nổi sân để kháng cự lại, làm như thế họ tưởng họ đã thắng nhưng họ đâu có biết, phút giây sân hận là phút giây thân tâm đang đi vào đau khổ, sầu não, chán chường, lo âu sợ hãi. Tình trạng nầy được gọi là cẳng thẳng (stress).

Những gì xẩy ra lúc chúng ta bị cẳng thẳng ?

“Lúc bị căng thẳng như giận hờn, sợ hãi, lo âu…não bộ báo động cho nang thượng thận (Adrenal glands) để tiết ra chất epinephrine. Tế bào thần kinh vùng dưới đồi não (Hypothalamus) tiết ra chất Nor-epinephrine. Hai loại hormones nầy (epinephrine và Nor-epinephrine) là những chất hóa học rất mạnh, có nhiệm vụ làm cho các giác quan nhạy bén hơn, các cơ bắp (muscles) rắn chắc hơn, nhưng sự tiêu hóa thức ăn bị giảm. Tim đập nhanh,áp huyết cao, phổi hô hấp mạnh, để đưa oxy tới các tế bào. Đường trong máu gia tăng để cung cấp nhiệt lượng cần thiết. Như thế, cơ thể chúng ta được xem như sẵn sàng ứng chiến (fight) mà không thể chạy trốn (flight) Nếu tình trang căng thẳng lâu ngày, đủ thứ bệnh sẽ sinh ra.” [ Hồng Quang, “Thiền và những lợi ích thiết thực” ].

Ngược lại, khi trong tâm chỉ có thương yêu, không có ý làm hại ai, không làm bất cứ điều gì làm tổn thương người khác, người ấy rất ít bị bệnh tật chi phối và sự an lạc sẽ xuất hiện ngay trong giây phút hiện tại.

Thực tế, khổ vì vật chất thiếu thốn, khổ vì công danh không thành, khổ vì tình duyên trắc trở v.v…, tất cả những khổ đó chưa phải là khổ lớn, khổ lớn nhất của con người là không nhận ra mạng sống của chúng ta mong manh, khổ vì không biết sống trong thực tại và cái khổ lớn hơn hết là cái khổ của sinh tử luân hồi.

Con người không bao giờ thoát khỏi khổ đau nếu không biết tu tập. Bạn nói rằng, bạn không có thời gian để nghỉ ngơi thì làm sao có thời gian tu tập? Nhận định ấy sai lầm. Bạn có thể tu trong mọi lúc, kể cả khi bạn làm việc. Thực tế chứng minh trước khi làm việc mà ngồi thiền được tám đến mười phút, áp lực của sự căng thẳng sẽ giảm xuống, toàn thân thư giãn làm tiêu tan mọi lo âu phiền muộn, tạo sự hưng phấn làm việc cho cả ngày, hiệu quả công việc cao hơn rất nhiều.

Hiện nay, thiền được mọi người áp dụng tất cả mọi nơi, không chỉ trong chốn thiền môn mà cả trong công sở, trường học, bệnh viện, thậm trí cả nhà giam, vì những người phạm tội được thực hành thiền khi họ mãn tù, khả năng tái phạm giảm rất nhiều so với những tù nhân không tập thiền. Thiền không chỉ thực hiện với người bình thường mà thiền còn được hướng dẫn cho những bệnh nhân, những người khuyết tật hay những người thiếu may mắn trong cuộc sống. Chính thiền kéo họ xích lại gần nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau đồng thời xóa đi những mặc cảm tự ti trong lòng họ.

Ni Viện Kiều Đàm thuộc quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, thường xuyên tổ chức khóa tu một ngày an lạc cho người khiếm thị (người mù) hàng tháng vào Chủ nhật của tuần thứ ba trong tháng. Lúc đầu con số chỉ mấy chục bây giờ lên tới mấy trăm, nếu lễ lớn thì đông hơn nữa. Trong khóa tu, họ được Ni Sư hướng dẫn niệm Phật, kinh hành, học hỏi giáo lý, đặc biệt xen giữa là hai thời thiền ba mươi đến bốn mươi phút. Nếu ai một lần chứng kiến đều sẽ xúc động, bởi họ bám vai nhau đi kinh hành niệm Phật, nhất là lúc ngồi thiền, gương mặt họ không còn hiện nét khắc khổ. Nhiều người nghĩ, họ tham dự khóa tu vì có quà, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm, khi được phóng viên phỏng vấn, họ khẳng định: cho dù Ni Sư không cho quà họ vẫn đi tham dự đầy đủ, vì từ khóa tu họ tìm thấy niềm vui, sự an lạc mà trước đây họ không hề có. Hạnh phúc của họ lan tỏa xung quanh ai ai cũng cảm nhận được. Họ là người khiếm khuyết còn làm được, chúng ta, tại sao không?

Người đời thường bỏ ra một khoản tiền lớn để tìm niềm vui, nhưng niềm vui đó không bền lâu. Có niềm hạnh phúc an lạc dài lâu, không cần tiền ai cũng có được, ấy là niềm hạnh phúc trong thiền định. Người thực hành thiền theo phương pháp dõi hơi thở sẽ thấy cảm giác an lạc nhẹ nhàng lan tỏa khắp toàn thân, cảm giác an lạc ấy thấm trong từng tế bào, thể hiện sự an lạc thảnh thơi qua các cử chỉ hành động nhẹ nhàng, thư thái, nhất là trên khuôn mặt luôn hé nụ cười. Người thực hành thiền định, nhận được nguồn an lạc, họ sẽ coi thiền là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống. Họ có thể không ăn, bỏ thú vui của bản thân, nhưng không bao giờ bỏ hành thiền. Bởi lẽ từ thiền, họ nhận được nguồn an lạc trong sâu thẳm của tâm hồn, không có thứ gì có thể thay thế.

Thiền không chỉ giúp cho con người an lạc mà còn có công năng chữa bệnh. Hiện nay rất nhiều bệnh nhân áp dụng thiền kết hợp với tây y để chữa bệnh, nhất là những bệnh về tim mạch, huyết áp, dạ dày v.v…, người mắc những bệnh này nếu thực hành thiền sẽ giúp điều hòa máu, nhịp tim cũng như nhịp co bóp của dạ dày, dịch vị tiết ra, làm tăng hệ miễn dịch trong cơ thể, đồng thời thải các độc tố trong cơ thể ra ngoài. Có thể tóm lược sự lợi ích của Thiền như sau:

“THIỀN có khả năng chữa trị bệnh tật, chống lão hóa, làm cho con người đẹp hơn, thông minh hơn, khỏe mạnh hơn, sống lâu và có hạnh phúc hơn” [ Hồng Quang, sđd. tr. 5 . Muốn thấy những chứng minh và hình ảnh cụ thể, độc giả nên đọc bài số 1 & 2 trong sách vừa dẫn ].

Nếu thế giới hiện nay người người đều thực hành thiền có lẽ chiến tranh sẽ không xẩy ra. Bởi người tìm thấy hạnh phúc an lạc trong tâm hồn sẽ không để thế sự bên ngoài làm loạn tâm. Song song tu tập của bản thân, họ cũng cảm hóa xung quanh cùng được hưởng niềm an lạc.

Tóm lại, thiền không còn xa lạ với con người cũng như xã hội hiện nay. Rất nhiều trung tâm thiền được mở ra, người người quy ngưỡng thực tập. Sở dĩ thiền được phát triển như vậy là do lợi ích thiết thực mà Thiền mang lại.

Con người đang đứng trước nguy cơ chiến tranh hủy diệt, môi trường bị hủy hoại, và sự chạy đua khốc liệt của cuộc sống v.v…, khiến con người lâm vào tình trạng khủng khoảng tinh thần và thể chất. Trước nguy cơ ấy, thiền như một liều thuốc vô cùng hữu hiệu, mau chóng giúp con người ổn định tâm – thân, tìm thấy được sự an lạc trong sâu thẳm của tâm hồn.

Những ai muốn đem hạnh phúc tới cho bản thân và cho mọi người xung quanh thì, không thể không điều phục tâm qua phương pháp Thiền. Thiền không chỉ cứu con người khỏi nguy cơ hủy diệt, tiêu trừ bệnh tật, mà còn giúp con người hòa nhập với thiên nhiên, với cộng đồng và cũng chính thiền giúp con người tìm thấy niềm vui đích thực của cuộc sống.

Hãy đến với Thiền để niềm vui lan tỏa trong tâm hồn bạn và lan tỏa khắp muôn phương.

Theo THƯ VIỆN HOA SEN
0

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

Càng sùng bái tượng Phật, con người càng xa rời Phật tính


Người Phật tử nước ta nhiều khi kính lạy tượng Phật, cho đấy là Phật mà quên không thấy được vị Phật trong tâm mình, tức Phật tính.

Xin bắt đầu ngay nơi tự thân của chúng ta, một bộ máy được cấu tạo vô cùng tuyệt vời. Tuy rằng Đức Phật chỉ dạy chúng ta quán chiếu để thấy rằng thân thể chúng ta chỉ là một cái túi da trong đó có chứa máu mủ, xương tủy, đờm dãi…Đó là một sự thực…

Khi đạo Phật truyền sang nước ta qua ngả Trung Hoa, thì đồng thời cũng mang theo của họ những nghi thức kính lễ với nhiều tranh, nhiều tượng. Người Phật tử nước ta vì vậy, nhiều khi kính lạy tượng Phật, cho đấy là Phật mà quên không thấy được vị Phật trong tâm mình, tức Phật tính.

Chư Tổ, vì thương cho chúng sinh mê mờ nên trong kinh sách, trong pháp giảng vẫn thường dùng hình tượng cụ thể mà nhắc nhở một cách mạnh mẽ rằng lạy Phật như vậy chỉ là lạy ông Phật bằng đồng, bằng gỗ… chứ chưa phải là vị Phật thật sự. Nhưng cũng chính vì lòng từ mẫn này mà đã gây hại cho bao Phật tử chúng ta, vì do lòng tôn kính đấng Đức Phật nên cho rằng chỉ có một đấng tôn quý là Ngài mà không chịu chấp nhận có vị Phật trong tâm mình, quên rằng Đức Phật vẫn chỉ dạy rằng trong tất cả mỗi chúng sinh đều có Phật tính.

Vì vậy, để tri ân bậc thầy của nhân thiên, xin chia sẻ đến chư vị Phật tử đôi điều cảm nhận và mong hãy cùng nhau lắng lòng thanh tịnh để thấy được Phật tính tự nơi tâm mình.

Tự thân huyền diệu

Xin bắt đầu ngay nơi tự thân của chúng ta, một bộ máy được cấu tạo vô cùng tuyệt vời. Tuy rằng Đức Phật chỉ dạy chúng ta quán chiếu để thấy rằng thân thể chúng ta chỉ là một cái túi da trong đó có chứa máu mủ, xương tủy, đờm dãi…Đó là một sự thực. Nhưng một sự thực nữa là trong cái “túi da” đó, các cơ quan nội tạng đã phối hợp hoạt động nhịp nhàng để chúng ta được sống, được thấy Phật pháp, được tu tập, được thương yêu giúp đỡ nhau…

Như trái tim, một cái “máy bơm” vận hành không ngừng nghỉ để bơm máu đến khắp nơi nuôi cơ thể, khi đưa máu đi, nó tự động đóng các van lại nhằm tạo áp lực đẩy máu vào động mạch. Như hai lá phổi với vô vàn phế nang có công năng đưa oxy vào lọc máu đã qua sử dụng để tạo thành máu sạch mới cung cấp cho tim có “nguyên liệu” để tiếp tục “vận hành”. Nói theo mong ước của các nhà kinh doanh thời nay là có “đầu vào” và “đầu ra” bảo đảm, còn nói theo mong ước của các nhà công nghệ là đạt được “một quy trình công nghệ khép kín”!

Trên đây là nói về các cơ phận bên trong, còn các cơ phận bên ngoài cũng tuyệt vời không kém. Như đôi mắt, tức nhãn căn, một hệ thống thấu kính với vi mạch và màn ảnh vô cùng tinh vi, muốn nhìn xa thì lập tức nhìn xa, muốn nhìn gần thì lập tức nhìn gần, không cần phải tốn thì giờ và công đoạn điều chỉnh tiêu cự như máy ảnh. Một hạt bụi thoáng bay ngang, mi mắt có hàng lông mi làm nhiệm vụ rèm che, lập tức khép lại. Còn bộ máy nào tuyệt vời hơn thế?

Hay như tay của chúng ta, nếu vô tình sắp chạm phải vật nhọn hoặc sức nóng, cảm ứng thần kinh nơi da lập tức truyền tín hiệu báo động về não, sau khi phân tích thấy có thể là nguy hiểm, cũng qua giây thần kinh, não liền truyền ngược lại tín hiệu cho tay co lên để tránh. Hoặc nếu da chúng ta có bị vết thương, sau đó chúng cũng sẽ tự hàn gắn lại. Có bộ máy nào tuyệt vời hơn?

Chỉ xin nêu sơ như vậy để thấy tính huyền diệu của sự sống. Và đừng quên, bên cạnh chúng ta, muôn loài động vật khác trên trái đất này cũng đều có sự sống diệu huyền như vậy.

Trái đất nhiệm mầu

Xin nói tiếp theo về sự nhiệm mầu của trái đất, cái nôi gắn liền với sự sống của muôn loài, kể cả các loài thực vật, khoáng vật…

Chư Phật tử có bao giờ để tâm ngắm nhìn một cây đu đủ ra hoa và kết trái chưa? Xin kể hầu chư vị một trải nghiệm thú vị để chúng ta có thể cùng nhau quán chiếu. Hồi đó, người viết bài này có trồng được một cây đu đủ trong chút đất vườn nhà. Khỏi phải nói, hằng ngày ngắm cây lớn mạnh là cả một niềm vui, nhất là khi cây kết được trái đầu tiên. Một ngày, thấy cọng lá nằm dưới trái héo rũ không đẹp, liền ngắt bỏ. Nhưng qua hôm sau, trái đu đủ đang tươi nguyên mơn mởn chợt rụng. Chao ôi, xuýt xoa mà tiếc vô cùng. Thế rồi sau đó, chợt hiểu ra rằng cọng lá, ngoài việc quang hợp nuôi cây, còn có nhiệm vụ nâng đỡ cho trái bám được vào thân. Khi cuống trái vững chắc thêm một chút thì lá cũng héo đi một chút, cho đến khi trái đủ sức tự mình bám vững vào cây thì lá héo rũ hoàn toàn và tự mình lìa cành. Nhưng cũng chưa hết, khi ra hoa, bao giờ hoa cũng mọc ngay chỗ cuống lá tiếp giáp với thân cây và luôn gồm có một chùm vài ba hoa, mục đích là để bảo đảm chắc chắn cho sự thụ phấn. Bà mẹ trái đất quả đã tính toán chi li toàn vẹn cho từng đứa con của mình!

Thế trái đất có còn điều gì nhiệm mầu nữa không? Thưa, còn rất nhiều, hay có thể nói toàn thể trái đất là cả một sự nhiệm mầu. Muôn loài trên trái đất nương nhờ nơi tứ đại mà sinh sôi nẩy nở nhưng vẫn theo một trật tự tự nhiên để bảo đảm cân bằng sinh thái: Cá nhỏ ăn rong rêu, vi sinh, cá lớn ăn cá nhỏ; có chuột thì có rắn; có sâu bọ thì có chim chóc; có thân xác động vật chết thì có quạ, kên kên, và vi khuẩn staphylococcus phân hủy. Thử hỏi, có một tổ chức nào sắp xếp cặn kẽ được như vậy không?

Đi tìm Phật tính

Những điều nêu trên đã cho chúng ta thấy được tất cả sự sống cùng với bản thân trái đất đầy nhiệm mầu này. Tiến thêm bước nữa trên con đường đi tìm Phật tính, chúng ta thấy rằng trái đất cùng tám hành tinh khác quay quanh mặt trời, tạo thành Thái dương hệ, tức Hệ Mặt trời (Solar System). Rất nhiều hệ như vậy lại cùng nhau quay quanh một tâm, tạo thành thiên hà (galaxy). Và có rất nhiều thiên hà như vậy trong vũ trụ vô cùng này. Nhưng điều đáng kinh ngạc là tuy lơ lửng trong không gian, chẳng bám víu vào đâu, tất cả chúng đều vận hành theo một trật tự nào đó mà không hề xảy ra sự va chạm nào. Còn có tính từ nào khác nữa không để mô tả cho cái đặc tính này nếu không phải là chữ nhiệm mầu?

Giờ đây, nếu truy tìm cái uyên nguyên của trái đất cùng với sự sống nhiệm mầu của nó, chẳng phải tất cả đều khởi thủy từ cái vũ trụ bao la vô cùng vô tận này hay sao? Hoặc có thể nói cách khác, chính từ vũ trụ mà phát sinh ra vô lượng sao và hành tinh, trái đất cùng cuộc sống muôn loài trên đó, toàn thể được vận hành một cách tinh tế, khách quan và công bằng, nhân quả, có cái này có cái kia, có vay có trả.

Chính đấng Đức Phật, qua 49 ngày đêm miên mật trong đại định, đã giác ngộ được cấu trúc và sự vận hành diệu huyền này của vũ trụ, trong đó có cả kiếp nhân sinh cùng với vòng luân hồi sinh tử, nghiệp báo. Vì đây là cái thấy của Phật, nên chư tôn đức đã gọi tên là Phật tính, một cách định danh nhằm tri ân bậc thầy đã tìm ra được cái đặc tính này của vũ trụ. Chẳng khác gì ngành khoa học đã tri ân và vinh danh những người ơn của nhân loại bằng cách lấy tên đặt cho công trình mà họ khám phá ra, như vi trùng phong Hansen, vi trùng lao Koch, động từ Pasteurize… Và do vậy, phải chăng nay chúng ta có thể hiểu và gọi tên một cách chính danh là vũ trụ tính, một cái tên vừa diễn đạt được tính khách quan, vừa thích hợp và dễ hiểu với chúng sinh đương thời?

Và mọi loài chúng sinh, do được khởi phát từ vũ trụ, nên đương nhiên đều có mang tính chất của vũ trụ trong mình, chẳng khác gì tuy chỉ là một giọt nước biển nhưng đều mang tính chất của cả đại dương. Nghĩa là trong mỗi chúng sinh đều có vũ trụ tính mà xưa nay vẫn quen gọi là Phật tính. Chính vì vậy mà Đức Phật vẫn chỉ dạy là tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Chư Tổ, từ ngàn xưa do lòng từ bi mà đã dùng rất nhiều tên gọi nhằm diễn đạt cái vũ trụ tính này để giúp chúng sinh thức tỉnh: Từ tâm đến chân tâm diệu hữu, bản lai diện mục… Như trong câu kệ của tổ Thần Tú: Tâm như minh kính đài (Tâm như đài gương sáng). Đài gương sáng là gì nếu không phải là muốn nói lên cái tính trạm nhiên của vũ trụ? Nhưng tiếc thay, chính những cái tên gọi này lại đã làm cho chúng sinh thêm rối rắm, càng không thấy (và càng không dám tin) là mình cũng có Phật tính tức vũ trụ tính. Và cũng chính vì vậy mà nghi tình “Con chó có Phật tính không?” Đã mặc nhiên trở thành một công án để rồi tiếp tục lưu truyền cho đến nay. Cũng xin nhắc thêm một điều là phần lớn chúng ta hiện nay vẫn thường hay nhắc đến cái Tâm, cho dù chưa nắm bắt được “bản lai diện mục” của cái Tâm là gì!

Thì ra, đâu phải ngẫu nhiên mà cụ Tiên Điền Nguyễn Du, nhà đại thi hào của dân tộc, đã mượn hình ảnh trăng sao trong vũ trụ mà ẩn dụ chữ Tâm: Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời…

Theo BÙI KIM SƠN / ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
0

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Tiến trình chuyển hóa mười hai nhân duyên

Một cách tổng quát có thể nói là nhân của thời gian trước tạo ra quả của thời gian sau và quả của thời gian sau tạo ra nhân của thời gian sau nữa. Sự vận hành nhân quả liên tục khép kín theo sơ đồ vòng tròn mắt xích không bao giờ dứt được.

1. Các thành phần của Mười hai nhân duyên:

Mười hai nhân duyên bao gồm 12 khâu hay 12 yếu tố hoặc 12 thành phần (còn gọi là chi phần) trong dẫy chuỗi đường thẳng (nếu chỉ nói trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai), hay nói đúng hơn là trong vòng tròn những mắt xích liên hoàn nối tiếp nhau hết đời này sang đời khác. Mười hai mắt xích đó là gì? Trong Kinh Tương Ưng[1], Ðức Phật định nghĩa về Mười hai nhân duyên như sau: “Do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử sầu, bi, khổ, ưu, não”.

Như vậy 12 yếu tố hay 12 thành phần của Mười hai nhân duyên, được xếp theo thứ tự sau

VÔ MINH – HÀNH – THỨC – DANH SẮC – LỤC NHẬP – XÚC – THỌ - ÁI – THỦ - HỮU – SINH – LÃO TỬ.

Các thành phần của giáo lý Mười hai nhân duyên được định nghĩa như sau:

1- Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm, là cái si mê của tâm thức, hay nói cách khác là không có kiến thức hiểu biết bản chất sự thật của mọi sự vật và hiện tượng hiện hữu là vô ngã, vô thường và mọi sự vật đều do duyên sinh, không có tự thể tức tự nó không có. Cũng có thể nói không tỏ ngộ chân tâm là vô minh, hoặc hiểu biết các pháp không đúng cũng gọi là vô minh. Vô minh có khi để chỉ các phiền não như tham, sân, si…Chúng sinh từ vô thủy kiếp do vô minh, vọng động, phiền não, chấp trước, tham ái, sân hận, si mê nên tạo ra các nghiệp.

2- Hành là hành động tạo tác của con người do không hiểu biết tức là do vô minh làm cho thân, khẩu, ý gây ra hành động, tạo nên nghiệp báo ngay trong đời hay từ đời này sang đời khác.

3- Thức là thần thức của con người nhận biết sự vật và hiện tượng trên thế giới qua các bộ phận cơ thể của con người như mắt (nhãn thức), tai (nhĩ thức), mũi (tỉ thức), lưỡi (thiệt thức), thân (thân thức) và ý (ý thức). Thức chỉ cho phần tinh thần do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo ra những nghiệp lành hay dữ nên khi chết rồi, các nghiệp dẫn dắt thần thức đi lãnh thọ quả báo thành thân khổ hay vui ở đời sau. Thần thức tùy theo cơ duyên, tìm đến nhập vào thai nhi ngay khi tinh cha huyết mẹ mới gặp gỡ để thành Danh sắc.

4- Danh sắc gồm hai phần: danh là phần tâm lý không có hình tướng, sắc là phần vật lý và sinh lý có hình tướng. Với con người, sắc là cơ thể vật chất, các giác quan và chức năng của chúng như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Danh là các tâm phụ thuộc bao gồm những cái không có hình tướng như xúc, tác ý, thọ, tưởng và suy nghĩ. Danh sắc biểu hiện cho con người khi thành thân trong trạng thái ban đầu khi các giác quan chưa hoàn thành đầy đủ.

5- Lục nhập (sáu chỗ vào) hay còn gọi là lục xứ. Khi đã thành thân thể (thành thai nhi) thì các giác quan của thai nhi dần dần hình thành đầy đủ và có sự tương tác giữa sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và đối tượng của chúng là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) nên gọi là lục nhập.

6- Xúc là sự tiếp xúc giữa sáu căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) và sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nói rõ hơn, sau khi thai nhi ra đời, thời gian từ 1 tuổi cho đến 3 tuổi là thời gian đứa trẻ bắt đầu dùng sáu giác quan (sáu căn) của mình tiếp xúc với hoàn cảnh chung quanh (sáu trần) để phát sinh ra nhận biết (sáu thức). Trong thời gian này, tuy có sự tiếp xúc, có phát sinh ra biết, nhưng những cảm giác đối với việc khổ việc vui chưa nhận ra rõ ràng minh bạch được. Đó gọi là xúc, chính là sự tiếp xúc giữa con người và thế giới thông qua sáu cơ quan tri giác. Vậy, xúc là sự gặp gỡ, giao thoa giữa căn, trần và thức.

7- Thọ là sự cảm thụ, sự nhận biết hay nói một cách khác là các biểu hiện tâm lý phát sinh khi mắt tiếp xúc với sắc tức trần cảnh, tai tiếp xúc với âm thanh, mũi tiếp xúc với mùi hương, lưỡi tiếp xúc với các vị v.v... tức là khi sáu căn tiếp xúc với đối tượng của nó là sáu trần thì lĩnh thọ vui buồn sướng khổ. Đó là thời gian đứa bé lên 4 tuổi và cho đến 14, 15 tuổi, là thời gian tính cảm thọ rất mạnh. Thời gian đó, những việc khổ, vui đứa bé bắt đầu có cảm giác phân biệt rõ ràng, từ đó sinh ra tri giác. Nhưng thời gian này chưa khởi lên lòng tham dục (ái) một cách rõ rệt. Sự nhận biết trong thời gian này gọi là thọ. Cảm thọ có ba loại: cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và cảm thọ trung tính (không khổ không lạc thọ).

8- Ái gọi đúng ra là ái dục là sự mong muốn, ưa chuộng, yêu thích, tham luyến. Con người ta lớn lên theo thời gian, lòng ham muốn dục vọng càng tăng trưởng. Từ 16, 17 tuổi trở về sau cho đến 29 tuổi là thời gian ái dục mãnh liệt. Từ 30 tuổi trở về sau tâm tham càng mạnh hơn. Lòng dục (từ trong ý) thúc đẩy được thể hiện ra ngoài bằng hành động (thân), bằng lời nói (khẩu), nhưng vẫn chưa tìm cầu sâu rộng lắm, đó gọi là ái. Khi lĩnh thọ cảnh vui thì sinh lòng tham, muốn làm sao cho được; khi gặp cảnh khổ thì sanh tâm sân hận, buồn rầu, muốn xa lìa; gặp cảnh bình thường thời si mê. Ái chính là động cơ thúc đẩy thân, khẩu, ý, tạo ra các nghiệp.

9- Thủ gọi đúng ra là chấp thủ, đó là sự nắm giữ, bám víu, đeo chặt của tâm thức vào một đối tượng. Thủ chính là giữ lấy, tìm cầu, gây ra các hành động tạo tác. Thời gian có thủ tức là khi tuổi đã trưởng thành, con người muốn đạt được tất cả mọi thứ mong cầu, nên đi khắp nơi tìm kiếm đem về cho mình. Đó gọi là thủ. Gặp cảnh thuận thì ham muốn, níu giữ. Gặp cảnh nghịch thì khó chịu muốn xa lìa nhằm mục đích tìm trăm phương nghìn kế để giữ cho được cái bản ngã của mình. Do đó mà tạo ra các nghiệp cho đời sau.

10- Hữu là sự giữ lại cho riêng mình, là tiến trình tương duyên để hình thành. Hữu gổm có dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Vì vậy phát sinh ra các nghiệp.

11- Sinh là sự ra đời, sự xuất hiện. Sinh ở đây mang ý nghĩa là sự thành tựu hoặc sự cấu tạo mới của một hay nhiều sự vật hoặc sản sinh ra năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Đối với con người do nghiệp lực hiện tại gây ra từ ái, thủ, hữu, nên sau khi từ bỏ xác thân, thần thức lại phải tiếp tục đi đầu thai vào trong đời vị lai để có danh sắc, đó gọi là sinh.

12- Lão tử là sự suy giảm, lụi tàn, già nua, tan rã, tịch diệt, tử vong. Đối với con người, lão tử được biểu hiện dưới các hiện tượng : già cả, đầu bạc, răng long, mắt mờ, chân chậm, da nhăn, các cơ quan lục phủ, ngũ tạng héo mòn, bệnh tật dẫn đến cái chết.

2. Tiến trình chuyển hóa Mười hai nhân duyên :

Có thể trình bày Mười hai nhân duyên theo đường thẳng : Vô sinh – Hành – Thức – Danh sắc – Lục nhập – Xúc – Thọ - Ái – Thủ - Hữu – Sinh – Lão tử (Hình 1). Nhưng đúng ra, Mười hai nhân duyên phải được trình bày theo vòng tròn sinh hóa (Hình 2) chứ không thể trình bày theo đường thẳng sinh hóa, vì những duyên nhân và quả liên tục chi phối nhau, biến hóa không dừng, và không phải chỉ ở 3 đời: quá khứ, hiện tại và vị lai mà còn liên tục luân lưu nhiều đời theo vòng tròn và không bao giờ kết thúc được, nếu không diệt trừ một thành phần nào của vòng xích đó. Thuyết Mười hai nhân duyên, cũng được giải thích rõ nhân của một nhân duyên này đồng thời là quả của một nhân duyên khác, chúng làm thành một vòng với mười hai mắt xích móc vào nhau tức là mười hai nhân duyên. Chính mười hai nhân duyên này níu kéo nhau từ đời vô thủy đến nay và mãi về sau nên loài hữu tình cứ mãi mãi vướng mắc trong vòng luân hồi, trong sáu nẻo (Thiên, Nhân, A Tu La, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục).

Tiến trình chuyển hóa cùa Mười hai nhân duyên có thể trình bày theo hai cách như sau :

a. Sắp xếp theo thời gian:

Sắp xếp theo thời gian tức là sắp xếp theo các đời, bao gốm :

Đời Quá khứ gồm có 2 thành phần là Vô minh và Hành.

Đời Hiện tại gồm 8 thành phần là Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu.

Đời Tương lai gồm 2 thành phần là Sinh và Lão tử

Tuy nhiên, sự vận hành của giáo lý Mười hai nhân duyên, không chỉ thể hiện trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, mà nó liên tục nhiều đời tử vô thủy đến các đời kế tiếp sau này đến vô cùng tận, vỉ thế nên hiểu theo sơ đồ vòng tròn sinh hóa liên tục mới đúng.


Theo vòng tròn mắt xích

b. Sắp xếp theo Nhân Quả:

Nhân gồm 2 phần :

- Nhân đời quá khứ là Vô minh và Hành

- Nhân đời hiện tại là Ái, Thủ, Hữu

Quả gồm 2 phần:

- Quả đời hiện tại gồm Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ.

- Quả đời vị lai gồm Sinh, Lão Tử

Theo đó, nhân của đời quá khứ gây ra quả của đởi hiện tại và nhân của đời hiện tại lại gây ra quả của đời vị lai.

c. Nếu chỉ xét trong 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai thì nhân và quả được xếp theo 2 tầng nhân quả khác nhau:

- Tầng nhân quả thứ nhất gồm nhân của thời quá khứ và quả của thời hiện tại.

- Tầng nhân quả thứ hai gồm nhân của hiện tại và quả của thời vị lai.

Một cách tổng quát có thể nói là nhân của thời gian trước tạo ra quả của thời gian sau và quả của thời gian sau tạo ra nhân của thời gian sau nữa. Sự vận hành nhân quả liên tục khép kín theo sơ đồ vòng tròn mắt xích không bao giờ dứt được.

Tất nhiên còn có cả trường hợp nhân gây ra quả ngay trong một đời, thậm chí nhân phải trả quả ngay trong từng thời điểm ngắn, có thể nói ngay trong từng sát na một. Như vậy một hành động thiện hoặc ác có thể có quả báo tốt hay xấu ngay trong một thời gian ngắn, chứ không nhất thiết là đợi đến đời sau.

Còn nữa...

Trích tập sách "Con người với giáo lý mười hai nhân duyên" của tác giả Phạm Đình Nhân

Chú thích: Nội dung do tác giả gửi tới phatgiao.org.vn

[1]. Kinh Tương Ưng Bộ, HT. Minh Châu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993,

[2] Hình vẽ của Hội Phật giáo Thảo Đường

Phạm Đình Nhân
0

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Việt Nam phạt tù 2 nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo

HÀ NỘI, Việt Nam - Việt Nam kết án hai nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo vì phân phối các tờ rơi và đĩa CD chống chính phủ, một phương tiện truyền thông nhà nước cho biết.

Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài An đã bị kết án về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước," phương tiện truyền thông báo cáo hôm thứ ba (13/12/2011).

Ông Lía nhận bản án năm năm và ông An nhận á ba năm.

Ông Lía, 71 tuổi, đã phủ nhận tội trạng trong phiên xét xử nửa ngày, con gái của ông, Nguyễn Thị Ngọc Lúa, người theo dõi phiên tòa qua loa bên ngoài phòng xử án cho biết.

Các quan chức tại Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới ở tỉnh An Giang từ chối bình luận.

An và Lía là thành viên của nhóm Phật giáo Hòa Hảo. Họ đã bị bắt giữ vào tháng Tư sau khi nhà chức trách tìm thấy 15 cuốn sách, 64 đĩa CD và DVD và 36 tài liệu cáo buộc chính phủ vi phạm nhân quyền và đàn áp tự do tôn giáo, Thông tấn xã Việt Nam chính thức báo cáo hôm thứ ba.

Human Rights Watch có trụ sở tại New York - yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Lía.

Một quan chức kỳ cựu chính phủ Việt Nam nói rằng một người đàn ông cao tuổi như Nguyễn Văn Lía, người đã dành cuộc đời của mình cho tôn giáo, có cảm giác lo sợ vì cảm thấy những ngày cuối đời của ông bị khóa trong nhà tù ", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Bộ phận Châu Á The Washington Post cho biết.

Robertson cho biết ông Lía, người bị huyết áp cao và một số xương sườn bị gãy, nên được phóng thích và cho phép điều trị y tế.
0